“Tôi là ai” là câu hỏi mà thiền tông Trung Quốc rất ít khi dùng trong quá trình tu thiền, người phương Tây thì ngược lại, họ rất thích tự hỏi bản thân mình “tôi là ai”.
Tôi cho rằng mỗi người trong chúng ta nhất định phải diễn tốt vai diễn của mình. Bạn sẽ trở thành người cao siêu tài trí một khi hoàn thành tốt vai diễn, làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ, và quyền lợi của mình. Văn hóa truyền thống Trung Quốc rất coi trọng vấn đề đạo đức luân lí. Vậy đạo đức luân lí là gì? Nòng cốt của đạo đức là gì? Tất cả đều không nằm ngoài việc diễn tốt vai diễn của bản thân. Điều đó có nghĩa là thân phận của bạn là gì, bạn sẽ có chức vụ, địa vị, và trách nhiệm tương ứng. Mỗi người đều có vai diễn hoàn toàn khác nhau như từ trong gia đình, ngoài xã hội, trong trường học, nơi công sở, quốc gia dân tộc, cho đến cả thế giới này, cả nhân loại này.
Chúng ta có thể nắm bắt từng bước một, đồng thời thể hiện hết mình.
Sự tồn tại của mỗi cá nhân không phải là cố định hay cô lập; chỉ cần hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ thì dù ở bất cứ nơi đâu ta luôn gặp thuận lợi và cảm thấy vui vẻ. Chúng ta không nên tự cô lập bản thân với thế giới xung quanh, không được nghĩ rằng mình không cần phải làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng không nên suy tính hơn thiệt về quyền lợi của mình. Thực tế, quyền lợi có được sau khi ta hoàn tất nghĩa vụ và trách nhiệm, lẽ tất nhiên là ta sẽ có được sự đền đáp và phúc báo xứng đáng.
Chỉ có làm tốt trách nhiệm, nghĩa vụ thì mới có quyền lợi. Do vậy quyền lợi và trách nhiệm thường đi đôi với nhau thành một thể tuân theo quy luật trách nhiệm có trước, quyền lợi được hưởng sau. Chắc chắn bạn sẽ được hưởng quyền lợi nếu hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ bằng chức vụ, thân phận, địa vị. Vậy mà trong xã hội ngày nay, nhiều người chỉ biết theo đuổi và bảo vệ quyền, lợi ích của bản thân mà chưa từng chất vấn lương tâm xem mình đã làm tốt trách nhiệm chưa.
Bạn là ai trong gia đình? Có thể là người mẹ, người cha, hoặc có thể vừa là cha vừa là con, hoặc có nhiều thân phận hơn nữa như vừa là cha vừa là con vừa là cháu. Mỗi người dù có thân phận và có mối quan hệ khác nhau nhưng đều phải làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình.
Có người đi làm cả đời nhưng vẫn chỉ ở một chức vụ hay một giai tầng cố định, không có cách nào thăng tiến trong sự nghiệp; cũng có những người dù bị chuyển công tác đến bất cứ nơi đâu, cũng đều được lựa chọn đề bạt. Nguyên nhân do đâu vậy? Tôi nghĩ, ngoài năng lực thực sự ra, thì chủ yếu nhất vẫn là họ đã diễn tốt vai diễn của mình và phát huy hết khả năng hoàn thành nhiệm vụ; còn những người không được đề bạt hay tuyển chọn là do họ chưa làm tốt bổn phận của mình và thường hay quên “tôi là ai?”, thường có hành vi cử chỉ không tương ứng thích hợp với chức vụ và thân phận, bằng không họ đã được trọng dụng rồi!
Phật giáo có câu “làm sư ngày nào, gõ mõ ngày ấy” – tức chỉ hòa thượng phụ trách việc gõ mõ đều phải gõ đúng giờ hàng ngày vào mỗi buổi sáng, tối, cần phải hoàn thành tốt nhiệm vụ và trách nhiệm được giao. Cũng giống như vậy, làm người thì trước tiên cần phải biết mình là ai, thân phận và lập trường là gì, sau đó mới nhắc nhở bản thân nên làm tốt những việc gì.
Vậy cố gắng đảm đương trách nhiệm như thế nào đây? Nếu thời gian đi làm công sở quy định sáng 8 giờ làm, chiều 5 giờ tan ca, liệu có phải chỉ cần quẹt thẻ chấm chuyên cần đã được gọi là hoàn thành trách nhiệm không? Đương nhiên không phải vậy. Điều quan trọng là thái độ làm việc của bạn ra sao, nhất định phải tìm ra phương pháp diễn tốt vai diễn của mình. Ngoài ra, việc giao tiếp với những người xung quanh cũng rất quan trọng, bởi con người không phải là vật thể, cũng không phải là một cái cây cố định vĩnh viễn tại một chỗ, giữa con người với nhau cần có sự tương tác qua lại để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.