Trong cuộc sống hàng ngày ta thường nghe nói câu “đời người mấy khi được như ý”, người ta hễ gặp chuyện không vui, không như mong muốn thì đa phần cảm thấy bất mãn, buồn rầu, dù người khác có đối đãi với ta bằng thái độ nào đi chăng nữa thì cũng không nên tỏ thái độ bất mãn với vẻ mặt đăm chiêu, dù trong lòng đang mang đầy nỗi ấm ức, ngược lại ta cần luôn tươi cười, giữ thái độ vui vẻ hòa nhã với mọi người. Đối với người bình thường, mỗi khi bị thiệt thòi hoặc rơi vào nghịch cảnh, tức bắt gặp người, sự vật sự việc chướng tai gai mắt, thậm chí là những lời nói khó nghe thì đa phần phản ứng của họ là nổi giận đùng đùng, giận dữ cực độ, trong lòng cảm thấy vô cùng tức giận hoặc vô cùng buồn khổ. Đôi khi có lúc ta kìm nén được bực tức, không nổi trận lôi đình, nhưng trong lòng chắc hẳn lẩm bẩm rằng : “Thật là xui xẻo, không biết kiếp trước hay kiếp này ta đã làm sai chuyện gì, năm nay đúng là năm xui tháng hạn của mình thì mới gặp chuyện xui như vậy”, hơn thế còn không ngừng than thở thậm chí ngay cả khi ngủ cũng nằm mơ thấy ác mộng, dù có qua đi một thời gian dài sau đó nhưng trong lòng vẫn còn cảm giác đau khổ. Vậy làm sao để hóa giải những ưu tư phiền não này đây? Trước tiên ta có thể phân tích tình hình một cách tỉ mỉ kĩ càng : bị người khác nói năng xuyên tạc và hiểu lầm là việc không vui vẻ hài lòng, nếu còn tức giận nữa thì cũng giống như tự làm mình bị tổn thương và gây bất lợi cho ta gấp hai lần; ngược lại, ta không nên làm tổn thương đến đối phương bởi trên thực tế, hiểu lầm người khác cũng chính là đang tự làm tổn thương mình, nếu khăng khăng phản kháng lại thì đối phương cũng sẽ chịu tổn thương gấp hai lần, cứ gây tổn hại nhau như vậy càng chứng tỏ sự ngu si của mình. Mặt khác, khi phát hiện cảm xúc của mình có dấu hiệu không ổn định thì trước hết không nên có bất cứ hành vi tìm hiểu nào mà đợi cho đến khi sự việc lắng xuống tiến hành xử lí sau. Ta có thể nói với đối phương rằng : Xin lỗi, anh đã hiểu lầm tôi rồi, nhưng tôi không tức giận anh bởi anh không cố ý làm như vậy. Xử lí tình huống bằng cách này không những có thể hóa giải phiền não mà còn giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện vấn đề rắc rối. Nếu một mực kìm nén cảm xúc thì đến cuối cùng cũng vẫn phải phát tiết ra ngoài, do vậy mỗi chúng ta cần biết cách vận dụng các biện pháp, phương pháp thích hợp để hóa giải những ưu sầu lo lắng đó. Khi rơi vào nghịch cảnh, ta nên dũng cảm đối diện với khó khăn gặp phải.
Phiền não có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với tổn thương mà ta gánh chịu bởi chính ta là người cảm nhận sâu sắc nhất, dù phiền não do ai gây ra hay có nguồn gốc từ sự việc nào thì tổn thất mất mát lớn nhất và bị hại nhiều nhất vẫn chính là bản thân mình. Cho nên trong cuộc sống cũng như trong công việc, ta cần thường xuyên rèn luyện cách tu thân dưỡng tính “phản quan tự chiếu”, tức là cách tự nhìn nhận lại bản thân mình.
Một người sức khỏe không tốt có mối liên hệ mật thiết với vấn đề tâm lí. Người mà có tâm lí không thoải mái, không lành mạnh, thường tỏ ra bi ai phẫn nộ, bất mãn, dù nhìn bề ngoài có vẻ cường tráng khỏe mạnh nhưng thực chất bên trong vô cùng yếu đuối, hễ gặp bất trắc lớn hoặc mắc bệnh thì đa phần khó có thể hồi phục lại được; còn nếu tâm linh trong sáng lành mạnh thì dù thân thể có hơi mệt mỏi một chút hoặc chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc không như mong muốn thì họ vẫn có cuộc sống vui vẻ tràn ngập tiếng cười, đây mới chính là một con người khỏe mạnh, và có lối sống lành mạnh. Cái gọi là “khỏe mạnh” ở đây chủ yếu nhấn mạnh rõ sự lành mạnh về tâm lí hơn là sự khỏe mạnh về thể chất cường tráng.
Khi cuộc sống có nhiều khó khăn vất vả và thất bại, điều cần thiết là ta hãy coi đó như là cơ hội tôi luyện, rèn luyện bản thân. Mọi người nên vận dụng những điều răn dạy của Phật pháp để tự bảo vệ bản thân, khiến mình trưởng thành chín chắn hơn, như vậy dù có gặp khó khăn khổ cực cũng vẫn thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc và cả sự may mắn trong đó.