Tôi xin chia sẻ câu chuyện “một quả chuối” với các bạn, đó là câu chuyện xảy ra khi tôi khoảng 10 tuổi. Khi đó tôi còn đang học tiểu học, anh trai thứ ba của tôi có mang một nải chuối từ Thượng Hải về, và đó cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy chuối. Tôi cầm một quả lên và ăn một miếng, vì vui sướng quá liền hét lên: ôi, mình chưa bao giờ được nếm thứ vị ngon như thế này trong đời! Lúc đó tôi nghĩ các bạn trong trường nhất định là chưa bao giờ được nếm thử và không nỡ ăn hết quả chuối đó, vì vậy tôi đem quả chuối đó đến lớp cùng ăn với các bạn. Khi đến lớp, tôi đem quả chuối ra trước mặt các bạn và hỏi: “Các bạn đã từng ăn chuối bao giờ chưa?” Kết quả là, họ cũng chưa từng nghe nói đến quả chuối, huống chi là thưởng thức. Lúc đó tôi bèn nói: “Thế tôi cho các bạn mỗi người mút một miếng, tuyệt đối không được cắn nhé!”, và thế là từng người từng người mút một miếng, cuối cùng cả quả chuối cũng bị mút hết rồi, còn tôi thì chỉ ăn được một miếng! Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã có tính hễ có việc tốt hay có bất cứ đồ vật nào đều hi vọng được chia sẻ cùng mọi người, chưa bao giờ có ý nghĩ một mình chiếm hữu. Có lẽ chính tính cách đó đã tạo cho tôi sứ mệnh và trách nhiệm với Phật pháp. Khi tôi xuất gia sau 10 tuổi, và hiểu rõ kinh Phật không phải chỉ để dùng siêu độ cho những người đã khuất mà dùng để cho con người ta tu học nhằm giảm đi phiền não ưu tư, lúc đó tôi từng có một tâm nguyện rằng : “Dù thế nào đi nữa, tôi nhất định phải truyền bá Phật pháp cho chúng sinh, tôi hiểu biết đến đâu sẽ truyền đạt lại đến đó”. Sau này, tôi dành nhiều tâm huyết, nỗ lực tìm hiểu Phật pháp, thi hành Phật pháp, đồng thời không ngừng truyền đạt giáo lí nhà Phật cho mọi người, và tôi cứ làm như thế cho đến tận bây giờ.
Thực ra tôi từng viết sách khi mới hơn 10 tuổi, từng có bài phát biểu trên tờ bích báo và tạp chí tuần san của nhà trường, sau đó trở thành một trong những biên tập viên tuần báo của trường. Chỉ cần có tấm lòng muốn đem lại lợi ích cho tha nhân thì cuối cùng bạn sẽ tự phát hiện ra mình đã trưởng thành lên rất nhiều và rất nhanh. Nếu lúc ban đầu tôi không nghĩ đến việc viết sách để truyền bá Phật pháp để cùng chia sẻ với chúng sinh thì có lẽ bây giờ tôi không thể viết được bất cứ bài viết nào. Bởi tôi cần nói cho mọi người biết sự hiểu biết của tôi về Phật pháp, cũng là cách rèn luyện kĩ năng viết sách của bản thân, sau đó tôi nhận ra rằng mình đã trưởng thành lên rất nhiều. Do vậy, đầu tư công sức là chiếc chìa khóa giúp ta trưởng thành hơn và thu hoạch được nhiều hơn.
Sau khi trở về Đài Loan, do không hài lòng với tình hình của giới Phật giáo thời đó, nên tôi thường cho ra các bài viết phê phán, đặc biệt là có đưa ra một số phê bình kín đáo với một vài trưởng lão, cho đến khi Đại lão hòa thượng Nam Đình nói với tôi rằng : “Không nên đổ hết trách nhiệm lên đầu người khác! Tất cả trách nhiệm đều phải tự thân gánh chịu, ngài nhận thấy năng lực của những đại lão hòa thượng này không tốt thì ngài hãy gánh vác trách nhiệm này đi. Ngài cần phải biết rằng những người già đó cũng đi trên con đường tu hành này giống ngài vậy, nếu ngài nhận thấy mình có năng lực thì tự ngài đứng lên gánh vác đi!”. Sau khi nghe lời răn dạy của vị lão hòa thượng này, tôi cảm thấy thật hổ thẹn, và từ đó trở đi hễ có việc gì cần người giúp đỡ tôi liền tự nhủ rằng “việc đó hãy để tôi làm”.
Do vậy mà khi nhận thấy số lượng người tu hành không nhiều, thì trước tiên cần tự tu thân mình; số người hiểu sâu gốc rễ kinh tạng cũng ít ỏi, thì bản thân mình phải chịu khó đọc kinh trước; rất nhiều nhà tu hành đã hoàn tục sau khi đi du học từ Nhật Bản trở về, vì vậy mà tôi quyết không hoàn tục sau khi trở về từ đất nước xứ sở hoa anh đào này; việc lấy được bằng cấp từ Nhật Bản quả không dễ dàng gì, vì vậy mà tôi nhất định phải chịu khó học hành lấy cho bằng được tấm bằng tốt nghiệp của nước bạn; và đây cũng được gọi là “lấy mình làm gương”.
Mục đích đi Nhật Bản du học của tôi nhằm nâng cao sự hiểu biết về Phật giáo và mở rộng tầm hiểu biết, tố chất của mình. Đệ tử Phật giáo thời đó đa phần là những người già không biết chữ, họ chỉ ra đền chùa xin rút quẻ hoặc thắp hương, trình độ Phật pháp của họ rất thấp, tố chất của người xuất gia thường không cao, do vậy mà Phật giáo thời đó có phần bị kì thị. Để nâng cao tiêu chuẩn hiểu biết về Phật giáo, cho nên tôi quyết định đi Nhật Bản du học. Sau khi lấy được bằng tốt nghiệp, do không có tổ chức giáo dục nên tôi đến nước Mỹ, sau vài năm thì trở lại Đài Loan, cũng vừa lúc đó trường đại học Văn hóa Trung Quốc mời tôi đến dạy học và bắt đầu kết hợp dạy học với làm giáo dục. Dần dần chúng tôi mở ra phòng nghiên cứu, có tăng đoàn, có tâm nguyện muốn truyền đạt Phật pháp cho thế gian thì mới có thể dần dần thực hiện được.