1.
Ba ngồi đầu hồi kéo đờn cò, tiếng đờn vướng trên tán bần kéo mấy trái chín rớt xuống sông. Chiều nào ba cũng ngồi đó, trên cái ghế đước. Má lui cui dọn dẹp mấy mớ củi chất trong bếp ngó mông lung nói bâng quơ: “Đứa nào lớn lên ở cái miệt này cũng bỏ đất mà đi. Người ta vì nỗi gian lao mà bôn ba miệt thứ còn tụi nó thì bỏ miệt thứ tìm sung sướng ên1 mình…”. Má trách. Má buồn. Tiếng kêu: “Dìa ăn cơm bây ơi”, cuối trưa, cuối chiều của má lọt tuốt trong đồng, trong ruộng chớ đâu có vang đến thành phố cho mấy đứa con má nghe đặng về với má. Mà nghe thấy chắc chúng có về không? Tiếng chim lủi nhao nhao trong bụi, tiếng đờn của ba trong suốt, êm dịu rồi bi thương như ai oán, trách móc mà cũng xót xa, thương cảm làm căn nhà đã trống vắng, lại càng trở nên buồn bã hơn… Ba nhìn sông tưởng như nghe tiếng cười nói xôn xao của lũ con hồi trẻ nít, ba cười trầm lặng như đón niềm vui sướng thiêng liêng chợt ào đến từ trong quá vãng. Nắng ngả về tây nhuộm vàng bông sậy trắng phất phơ. Ba buông cây đờn, ra sông vươn cánh tay già cỗi với mấy trái bần chín. Hồi đó bần chín, bần chua gì đám nhóc cũng chọc chấm muối ớt ăn phà phà, giờ thì chín rụng đầy sông, hết lớp bần này chết, lớp bần khác mọc mà có đứa nào chịu về quê đâu. Má biểu chặt hết làm củi cho rồi chớ để hoài trên bến mắc ngó rồi nhớ thương rồi mắc ngóng mấy cái đứa ham sống trên thành phố.
1. Ên: Một, riêng.
- Ông ơi, vô ăn cơm, chiều dữ rồi.
Ba lẳng lặng đi vô. Ngó mâm cơm má kho cá với trái bần, canh chua cá ngát nấu bần thơm lựng. Bồi hồi ba hỏi:
- Sao nấu với bần không vậy cà?
- Ngay mùa bần chín mà ông. Thằng hai, thằng ba, con út đều thích món này hết trơn.
Ba không nói gì gắp miếng cá bống kho bần ăn cơm. Thịt cá trắng kho với bần chín ngọt thơm nhứt hạng mà sao nghe như có gì đó đăng đắng trong lòng.
Nắng ngả về tây.
Chim chiều lẻ bạn cất tiếng kêu tha thiết.
Ví dầu ăn trái bần chua.
Đêm sụp nhanh, ba ngồi ngoài hàng ba rít thuốc. Mấy bụi tơ hồng giăng trên bụi lức lập loè đom đóm, con sông đen ngòm thỉnh thoảng lấp lóa ánh đèn pin rọi lối đi của mấy chiếc tắc ráng. Xóm này vắng nhiều, con gái lớn kiếm chồng Đài Loan, Hàn Quốc, con trai lớn bỏ đồng lên Bình Dương làm mướn, nguyên xóm toàn ông bà già với bọn con nít. Nhiều nhà cứ đóng cửa nín thinh cả năm vì có ai đâu mà ở. Ai có con nhỏ thì gửi ba má già coi sóc rồi gởi tiền về hoặc tha con đi sống lay lắt theo mình. Sắp nhỏ của ba trốn quê tìm đất Sài Gòn. Má ngó trái mít chín hồi chiều ở góc nhà thở hắt: “Mơi xẻ cho hàng xóm chớ ở nhà có hai ông bà già, ai ăn?”. Sau nhà có hàng mít, má hay giăng võng ru sắp nhỏ ngủ trưa, chuyện hồi xưa mà như mới thì, má cất giọng: “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Năm ơ canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ôi gan vàng quặn đau í a…”.
Ba cười:
- Bữa nay xuống xề rớt nghe trớt quớt nghen bà. Phải đúng điệu mới hay… - Ba vô lấy cây đờn cò, má trải chiếu ngồi bên ba. Chú thím Chín mang mấy con khô chén mắm me nghe tiếng đờn ca vọng sang nhà cũng qua chiếu ngồi.
- Thím Hai giọng vậy là còn tốt đó chớ. Vô lại bản Dạ cổ đi chú Hai - Chú Chín cạn với ba chung rượu rồi đề nghị. Miệt này ca cổ không ai qua chú Chín, giọng ngọt xớt ca ngâm luyến láy kiểu Thanh Tuấn hay thần sầu, nghe đâu hồi trẻ chú có theo đoàn hát cải lương diễn tứ xứ cho đến khi cải lương hết thời chú mới về Cà Mau. Mê giọng ca chú Chín, thím Chín quảy gói theo không khi ba má thím xiết không cho qua lại với thứ theo đoàn hát, “xướng ca vô loài”. Người xứ này người ta lớn lên trên câu vọng cổ, trên con sông sáng chiều mấy đợt lớn ròng. Tiếng đờn của ba xoáy cuộn da diết, réo rắt như ngắt da ngắt thịt quyện vào giọng chú Chín bảng lảng như có như không:
“Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lạt phai”.
Sông rộng hơn… đêm sâu hơn… biết chừng nào người bỏ xứ trở lại gia đàng… Má nghẹn muốn khóc.
2.
Quê má ở Sóc Trăng lận. Hồi đó theo ghe bán cơm dừa khô xuống Cà Mau gặp ba rồi thành duyên chồng vợ. Má chồng của má khó có tiếng xứ này. Mới về làm dâu má chồng biểu con dâu đi xúc mấy cái lu đợi mùa mưa hứng nước để dành uống. Má kỳ cọ kỹ dữ lắm, sạch bong, thấy cái kim nhỏ xíu dưới đít lu, má dắt trên áo. Mà kỳ cái lu nào cũng có món này món nọ, không cây kim thì cái nút áo. Má chồng ra coi, biểu kỳ lu kỹ chưa, có thấy cái chi không? Con dâu dạ thưa rồi lấy cái kim, cái nút áo nói còn mới xài được nên giắt đỡ trên tà áo. Má chồng nhai trầu gật gật khen vợ thằng hai là đứa có ý tứ, biết thu vén. Má cố tình thả mấy thứ đó vô lu để coi con dâu làm công chuyện có kỹ không đó chớ, không dưng sao có kim, có nút áo. Mấy mươi năm làm dâu, bà nội sắp nhỏ khó với ai thì khó chớ với má chỉ có chỉ dạy, thương yêu. Đến khi bà nội sắp nhỏ về với tổ tiên người được trao đôi bông hột xoàn là má. Mà má chồng đi nhẹ lắm, không đau bệnh gì, không phiền ai. Má chồng biểu vợ thằng Hai nấu nồi nước lá sả tắm cho má rồi má đi… như người ta đi ngủ. Má sanh cho ba được ba đứa con hai trai một gái. Mấy chục công đất lớp trồng lúa, lớp trồng chuối dừa, dưới mương cá đồng nhóc nhách đủ nuôi sống cả nhà lại còn có chút tiền dành dụm đặng mai này cưới gả cho mấy đứa con. Năm 1997, ngay năm má sanh Út Hạnh chính quyền bắc loa thông báo xả mặn chuyển dịch vùng nuôi tôm. Ruộng vườn nhà ai cũng xới tung, đào thành ô, thành đầm. Mấy năm đầu bà con xôm dữ lắm, thu tiền trăm, tiền triệu từ tôm đã gì đâu. Tới năm Út Hạnh học lớp một cả xóm lao đao vì tôm chết, Nhà nước cho vay tiền cải tạo vuông đầm. Cải tạo đâu không biết chớ đất nhiễm mặn thêm, chuối dừa chết lần lần, tôm cá như bốc hơi đi đâu hết. May thời hàng mít sau nhà ba bồi đất cao còn sống sót nhưng trái cũng nhỏ đi nhiều. Người ta bỏ đồng đất đi xứ khác mần ăn kiếm sống, trả nợ ngân hàng. Riêng mấy đứa con của má còn được đi học dù học không giỏi bằng ai cũng mỗi năm lên mỗi lớp. Ông già Hai, chồng má xót đất, xót đồng buồn như trái dừa khô rơi xuống sông, trồi lên trụt xuống giữa làn sóng bạc rồi dạt vướng vô bờ vô bụi mắc cạn, thân hóp lại, da héo khô. Ba bồi từng gánh đất lên bờ liếp để má trồng đồ. Út Hạnh lớn lên căng da nứt thịt tới tuổi dậy thì đẹp rỡ ràng, thân tròn mẩy, tóc đen láng, đôi mắt lúng liếng, da trắng như bông bần. Bà Sáu mai mối mới chuyển đến xóm này đâu mấy năm trước gièm má hoài, biểu: “Cỡ Út Hạnh, gả cho Đài Loan là bộn tiền mang về xây nhà sắm vàng à nghen. Để tui tính cho”. Má nghe rồi để đó chớ lời bà Sáu mai mối đâu có lọt vô lỗ tai, má nuôi con thương không hết sao bán con cho đành. Riêng ba thì khó chịu càm ràm má: “Mơi mốt tui mà thấy bà Sáu vô nhà là tui lấy chổi chà đuổi à nghen! Thứ đó ưa không nổi. Tui thấy bà nói chuyện với bả là biết tui…”. Nhà má không giàu nhưng đứa con nào của má cũng được cưng như trứng mỏng, đứa nào cũng giỏi giang công chuyện, má đâu có ham tiền bán con mà ba lo. Út Hạnh học lên tới nửa kỳ lớp 12 tròm trèm mười bảy tuổi, không biết cậu Hai Sang con đại gia hãng nước đá nổi tiếng trên huyện yêu Út Hạnh hồi nào mà kêu gia đình lặn lội tới nhà coi mắt. Ba má muốn Út Hạnh học hết cấp ba rồi mới tính tiếp nhưng bên đại gia muốn gia đình hai bên “xoá bỏ rào thưa” kết thân bằng lễ hỏi. Bà con xóm giềng nói tới nói lui nhà má có phước mới gả con vô chốn giàu sang, má nghe cũng xiêu lòng hơn nữa Út Hạnh tiếng một tiếng hai thẽ thọt: “Con với anh Sang thương nhau thiệt tình mà má…”. Thì má ưng dù ba có cằn nhằn: “Vô nhà giàu không có dễ sống đâu nghen con. Đời con gái có một lần lựa chỗ nào cho chắc chắc…”. Thấy con nóng lòng, bên đằng trai hối thúc, lối xóm hai bên tiếng ra tiếng vô kêu: “Kén quá coi chừng mất mối ngon”, má cũng xuôi xuôi. Thương con ai biết đâu dại, đâu khôn. Đám cưới Út Hạnh lớn nhất Vàm Cái Đôi từ trước tới giờ chưa có đám nào qua, đằng trai chạy cả chục cái bo bo với cái du thuyền lộng lẫy đón dâu, má mát ruột, hai anh của Út Hạnh vững bụng tin em mình vô chỗ ăn sung mặc sướng. Riêng có ba, tàn đám cưới, ba mang đờn cò ngồi dưới gốc mít kéo não nuột. Chừng tháng ngoài bên sui đại gia gọi điện mắng vốn biểu ba má không biết dạy con gái để nó hư hỏng mất cái quý giá… Bên sui kêu lên mà dắt con gái hư về chớ bên đó người ta không chứa cái thứ rác rưởi. Ba má chết điếng, tai bay vạ gió ở đâu xô tới, hồi nào giờ Hạnh ngoan hiền làng trên xóm dưới ai cũng khen, hay bên bển lộn với ai? Ba muốn nằm sụi, thảng thốt: “Tui nói trước rồi bà không nghe. Nhà giàu khó sống lắm. Không điều nọ thì tiếng kia. Nhục ơi là nhục…”. Hai anh của Út Hạnh đòi lên trển để quậy cho biết, ba chống cán cuốc biểu: “Chưa đủ nhục hay sao còn vác mặt lên đó, đứa nào bước ra khỏi nhà ba đập chết hết!”. Chưa kịp đón con thì Út Hạnh về. Út Hạnh quỳ trước cửa khóc: “Ba má, anh Hai, anh Ba phải tin con. Con không làm cái chuyện xấu xa đó...”. Má không tin con gái má thì tin ai đây trời. Nhưng cái chuyện con gái ông già Hai bị nhà chồng đuổi về chưa rõ trắng đen ra sao mà cả tỉnh này, cả cái nước này người ta nói. Nhà má cả đời không đọc báo, mấy người trong xóm cũng kêu trên báo người ta viết về vụ con Út Hạnh dữ lắm. Lại còn cái chuyện gả con gái được tháng ngoài bên đại gia cưới con dâu khác về cho thằng chồng Út Hạnh. Người ta coi phẩm giá con người như trái bầu, trái bí. Đau gì như thể cứa thịt… Má đâu có ngờ má gả vô nhà giàu mà lòng người ta hẹp như cọng rơm khô, tình cạn như lòng vuông phơi nắng. Út Hạnh chịu không thấu bỏ nhà đi để thư lại: “Con lên Sài Gòn kiếm chuyện làm chớ ở dưới quê chắc con chết. Ba má cho con đi nguôi chuyện con về…”. Má chết lặng. Ba đọc muốn nát lá thư nhìn mấy đứa con nít chơi sậm chơi sụi với nhau, ngó bâng quơ mấy cây bần ngoài bến nói trỏng: “Trời sanh trời diệt, đừng có lo quá phát bệnh. Nó biểu về là nó về…”. Được vài tháng hai thằng lớn cũng xin ba má đi Sài Gòn học nghề. Ba hỏi: “Đi ráo vuông bọng ai lo?”. Thằng Hai nói: “Mình đâu có thu được gì đâu ba. Cho hai con đi học nghề rồi tìm Út Hạnh về cho ba má”. “Ừa, đi hết đi…”. Má lẫy nhưng cũng dấm dúi đưa tiền bán lứa heo đợt rồi cho hai con rồi má khóc khi hai đứa xuống bến đón đò… Ba ngó chuyến đò chở hai con trai xuôi dòng Cái Đôi buồn hiu như mấy tàu dừa đã mục trên đọt rũ xuống.
“Con nước vơi đi rồi nước lại đầy
Chim có bay xa rồi cũng hiệp bầy”.
3.
“Thím Hai ơi, có chuyện lớn rồi - Thím Chín hổn hển chạy tới chỗ má đang bắc xoong cơm rượu kêu.
- Gì bây? Sao thở dữ…
- Trời ơi, nhỏ Thương con bà Tư Chà lấy chồng Hàn đợt hổm chết queo rồi. Bên bển mới cho hay tin biểu qua lấy cốt.
- Bây nói sao? Con Thương bạn học với Út Hạnh heng? Sao chết… sao chết...
Má buông cây giá thảng thốt hỏi. Mới kinh động chuyện con Hồng giờ thêm con Thương, nội năm nay có tới hai đứa lấy chồng Hàn, chồng Đài chết bên xứ người. Má réo:
- Ông ơi, coi giùm tui nồi cơm rượu, tui qua bà Tư Chà nghen.
Ba đang thả lú ngoài sông nói vọng vô:
- Bà qua bển chi?
Má vừa lật đật theo thím Chín vừa nói:
- Về thủng thẳng tui kể…
Chiều nổi gió cuộn như có giông, hai bóng người đàn bà men theo bờ kinh đi tắt lên đầu xóm. Im lặng. Chỉ có gió. Sóng. Những bước chân. Bà Tư goá chồng hơn chục năm nay, có duy nhất Thương là con. Nghe bà Sáu bơm đặt sao Thương ưng bụng rồi về thẽ thọt với bà Tư rồi theo bà Sáu lên Sài Gòn học tiếng. Hồi cưới Thương nguyên xóm không ai biết, nghe đâu cả trăm cô dâu Việt trong đó có sáu, bảy đứa xóm này cưới tập thể tại Đầm Sen. Qua bển đâu chừng năm, sáu tháng Thương gởi tiền về xây cho má cái nhà tường lộng lẫy nhập chung vô nhóm nhà Uôn, nhà Đài. Bà con ngồi chật nhà bà Tư. Ba má con Hồng cũng ngồi đó. Than ai, trách ai? Cái hồi những người đờn ông đờn bà mặc áo nhuốm những vệt mồ hôi muối ở trong căn nhà lá ăn cơm trắng cá đồng vậy mà vui. Con gái đi Đài, đi Hàn nhà tường mọc lên rần rần mà xóm lạnh vắng như bãi hoang cỏ lác mọc. Bà Tư Chà khóc hụ hụ, ba má con Hồng khóc hụ hụ, bà con người khóc thành tiếng, người quệt nước mắt, mấy người đờn ông tỉnh táo hơn bàn bạc coi cử ai qua bển lấy cốt cháu mình. Má thấy lòng đắng ngắt, nhà rộng thênh như vầy bà Tư sao sống, xây nhà rộng chi rồi để máu mủ ruột rà phân ly. “Mày chết bỏ má Thương ơi… Về với má đi Thương ơi… Thương ơi…”. Những tiếng khóc kéo dài quyện vào nhau, những khuôn mặt cũ kỹ rầu rượi nhoà lẫn. Má rưng rức khóc theo. Má muốn nói câu gì đó với bà Tư nhưng má nghẹn. Má nói không có nổi… Ủi an sao cho nguôi lòng người mẹ mới mất con…
Mưa hơi hơi rớt hột bùi ngùi. Má với thím Chín về… Thời tiết chi lạ, mưa trái mùa tôm tép chết sạch. Vuông thím Chín thả tôm đợt hổm cũng chết. Hồi hổm thím nói sơ qua với má là hai vợ chồng thím tính đi Bình Dương mần đặng kiếm tiền lo cho đứa con gái duy nhứt đang học đại học ở Cần Thơ. Chú Chín mà đi ba vắng người lai rai đờn ca. Chiều muồn muộn, đã thấy mấy chòi vịt trên đồng liu riu ánh đèn. Giờ tháng ba, vịt mùa đẻ trứng chạy đồng mà đồng ở đây lúa gặt thưa hột dữ lắm, có đâu như xưa mà chạy đồng… Nói thì nói vậy đám vịt tình nghĩa hệt người khi những khoảnh ruộng còm vịt ăn rồi đẻ trứng rơi. Y như nó muốn trả nghĩa trước khi rời bỏ đất đã nuôi nó để đến với xứ khác. Dạo trước có dịch cúm gia cầm nhiều nhà mất trắng. Vịt chết rồi tới tôm chết, nợ ngân hàng chất cao mà ngọn lúa thì gục thấp. Nghèo thì khổ chớ đâu gí người ta chết được. Đường tắt qua kênh chỗ trồi chỗ sụt, má với thím Chín nín thinh đi xiết. Mưa lây rây, tiếng chó sủa khan, đồng lơ thơ vài khóm bồn bồn, vài thửa cỏ lác. Thím Chín tới lối rẽ về nhà quay qua má hỏi: “Sắp nhỏ chừng nào về thím Hai?”. “Thằng Hai nó biên thư, nói tìm được con Hạnh rồi, thủng thẳng mấy anh em nó về. Con gái bây học hành sao?”. “Còn năm nữa mãn thím. Nó học Tài nguyên môi trường chi đó, nghe nói mơi mốt về xứ mình làm việc… Vợ chồng con mừng hết lớn luôn, tính ráng mần kiếm tí đỉnh tiền đặng còn lo nó học, còn xin việc”. “Ờ, bây ráng…”. Lòng cha mẹ là vậy. Lành như bông bần, bông súng.
Ba rải men lên phần cơm rượu đã tải ra mấy cái xịa. Cơm sắp sẵn ra bàn, má dòm ba cười cười: “Bữa nay siêng dữ…”. Ba nhìn má: “Chuyện nhà Tư Chà tui biết rồi… Tội lắm nhưng biết làm sao. Sớm mơi tui qua bển coi chuyện đón rước con nhỏ về bên này như thế nào cho yên cái dạ…”. Ai không thương cho được, cục nghẹn đắng còn mắc nơi cổ má nè. Tiếng khóc hụ hụ của bà Tư Chà còn đọng trong lỗ tai má nè. Má tính nói với ba chuyện má lo nghĩ… Mà thôi, má lo riêng má kéo ba vô chi.
Má hỏi ba sao không đem đờn cò ra gẩy má nghe rồi kêu chú thím Chín qua làm mấy xị ca cổ cho mùi. Ba cười hiền như đất, nói bữa nay ba không muốn đờn ca, mình vui hay buồn để trong bụng trong dạ chớ để bà Tư Chà nghe tiếng đờn vọng qua mấy con kênh buồn thêm. Mà dù tiếng đờn không vọng qua thì ba cũng muốn bữa nay im lặng như vầy, nghe tiếng vạc đêm nhớ tụi nhỏ cay mắt. Sắp nhỏ đi cũng hai mùa bần chín rồi… Vuông bọng lay lất. Con nước chảy xuôi, sắp nhỏ theo con nước mà biệt tăm…
- Hay mời ông lên Sài Gòn coi tụi nhỏ sống sao? - Má buột miệng.
- Ờ, tui tính nói với bà chuyện đó. Hồi chiều tui có nghĩ…
Má dòm ba, mắt ba như có nước. Khoé mắt ba túm lại xẻ ra những đường chân chim rồi xoè ra như bông lau. Đám đồi mồi kéo đến phủ đầy đôi tay ba. Mai ba đi Sài Gòn có kéo mấy đứa con của má về quê được không? Đất quê có bạc màu nhưng nhẫn nhục ngậm phù sa. Cây vẫn cho trái. Ngọt nhờ đắng chịu…
Không ngọn lửa nào non tuổi…
Nàng váy ngắn, tóc dài, cổ tháp vừa đi vừa hát nho nhỏ. Con đường phía trước bình yên, dưới chân hoa cỏ li ti vô ưu nở. Chọn chiếc ghế gỗ đặt dưới tán cây, nàng ngồi xuống lặng yên nghe tiếng đàn từ khung cửa sổ màu xanh ở cuối con đường. Đó là tiếng đàn của một cô bé mù. Tiếng dương cầm không hẳn thánh thót du dương nhưng rõ ràng được bật lên từ khát vọng. Nàng ngồi im, khẽ mỉm cười, có lần nàng đã đứng thật lâu bên khung cửa sổ để ngắm cô bé bên chiếc dương cầm màu hạt dẻ đã bong tróc nhiều chỗ, con mèo lười nằm yên dưới chân. Cô bé thực hiện bản nhạc của Chopin một cách khó nhọc. Nhưng nàng không thấy điều đó, nàng chỉ thấy sự sống thực sự mãnh liệt trong tâm hồn bé bỏng kia và trách mình đã không đủ dũng cảm để đối mặt với những khó khăn vụn vặt của cuộc sống. Ba mươi tuổi, vài mối tình, nhìn lại mới thấy cuộc đời phong phú như một bức tranh nhiều màu muôn sắc.
Mọi điều đến và đi thật đơn giản, như giọt nước lăn qua phiến lá. Chẳng ai muốn bất hạnh nhưng nó là một phần của đời sống. Nàng mồ côi cha mẹ nhưng không xem đó là cái cớ để trượt ngã. Trong chiều gió của mùa đông năm ấy nàng mười tám tuổi, ngồi tuốt những sợi rơm vàng bện thành chiếc chổi, thằng bé mười lăm tuổi ngồi bên cần mẫn bện những cọng rơm thành sợi dây dài, ấp úng nói: “Em yêu chị”. Nàng ngỡ ngàng rồi bật cười cốc vào đầu thằng bé: “Trẻ con, biết gì yêu mà nói”. Thằng bé mặt hơi đỏ lên nhưng kiên quyết: “Nếu em lớn hơn, chị có yêu em không?”. Ngỡ chuyện đùa, nàng đều tay quấn chổi, những sợi thằng bé vừa nối, nàng nói: “Định giống nhân vật trong bài thơ Lá diêu bông vừa học sáng nay à?”. “Không, chị trả lời em đi!”. Nàng dừng lại nhìn thằng bé, thấy nó không có vẻ gì là đùa, ánh mắt nó ánh lên vẻ say mê kỳ lạ như có lửa, có sóng và có cả tiếng lao xao của rừng cây, nàng ghé sát mặt thằng bé nói khẽ: “Chuyện yêu, đừng đùa! Khi lớn, những người yêu nhau tự tìm đến với nhau. Em còn bé, đừng hỏi những chuyện ấy!”. Đêm. Nàng ngủ không mộng mị. Nàng chẳng thể biết, rất có thể cũng chẳng ai biết, thằng bé kia khắc vào chiếc cột to nhất nhà chiều cao của mình một vết rất sâu. Thằng bé tự nhủ, khi cao hơn vết khắc kia một đoạn dài nó đủ lớn để yêu người con gái tóc dài đan chổi. Nhưng điều đó có quan trọng gì đâu khi lửa trong lòng đã cháy lên. Không ngọn lửa nào non tuổi!
Nàng đi. Ngôi nhà nhiều gió hướng mặt về cánh đồng được bán cho một người cùng làng. Mộ phần cha mẹ gởi lại họ hàng. Rất lâu, không ai thấy nàng về. Thằng bé vẫn đợi rồi nghe nói cũng bỏ làng lập nghiệp ở một thành phố phía Nam. Thỉnh thoảng, nàng nhớ đến ánh mắt thằng bé mười lăm tuổi nhưng rồi trôi đi rất nhanh tựa như gió. Nàng trở thành y tá trong một bệnh viện, hằng ngày khoác trên mình y phục trắng tinh sạch sẽ, những đôi mắt bệnh nhân nàng bắt gặp sâu và cái nhìn trắng bệch. Nàng có người yêu, một bác sĩ của một bệnh viện lớn trong thành phố. Anh luôn thích trật tự, khuôn khổ. Anh không chấp nhận sự cẩu thả mà chỉ thích thực hiện những phác đồ cuộc sống do mình tạo ra. Tất cả đều không thể xê dịch, kể cả những thói quen của nàng cũng buộc phải thay đổi theo phác đồ ấy. Anh không có nhu cầu hiểu người khác. Anh chỉ thích được người khác chấp nhận những nguyên tắc của mình. Nàng ngột ngạt và hoảng sợ khi có cảm giác anh đang điều trị mình. Càng cố thay đổi anh, nàng càng hiểu chẳng thể đòi hỏi gì hơn được ở anh.
Nàng đề nghị chia tay. Anh khẽ nhếch môi: “Ok!”. Ngơ ngác, nàng không hiểu vì sao trước kia nàng có thể yêu anh đến thế. Đêm ấy mưa nhẹ. Nàng không khóc, chỉ trút tiếng thở dài. Tiếng dương cầm vụng về vọng từ phía xa khiến nàng bực mình. Nàng đi về phía những âm thanh khó chịu ấy, không xa lắm, vài mươi thước, trong khung cửa sổ có một cô bé đánh đàn. Nàng đứng đó, rất lâu, nhìn đôi tay run rẩy bấm phím và biết được rằng mình đang nghe tiếng đàn của một cô bé mù. Sự sống tồn tại mãnh liệt ngay bên trong cửa sổ kia, nàng bỏ chạy về phòng, thấy mình bất lực và vô cùng yếu đuối. Nàng khóc để tiễn đưa một mối tình vô nghĩa.
Người đàn ông nhã nhặn, cao lớn, gương mặt đẹp ở khoa hóa trị ôm một người con gái còn rất trẻ, gầy gò, xám xịt và rụng hết tóc. Anh hát một tình khúc. Cô ngủ trên tay anh, hơi thở rất khó nhọc nhưng gương mặt tiều tuỵ ấy phảng phất nụ cười thanh thản. Nàng nghĩ, chắc không phải vì những mũi moóc-phin nàng đã tiêm cho cô gái ấy mà tiếng hát trầm ấm của người đàn ông kia đã khiến những cơn đau dịu đi và giấc ngủ nhẹ nhàng kéo đến. Nàng ngồi phía bên ngoài căn phòng, một góc khuất lắng nghe tiếng hát trầm ấm phát ra rất nhỏ của người đàn ông. Đêm nào cũng vậy, anh vẫn chỉ hát bài “Hoài cảm” của Cung Tiến: “Chiều buồn len lén tâm tư/Mơ hồ nghe lá thu mưa/ Dạt dào tựa những âm xưa/Thiết tha ngân lên lời xưa...”. Nỗi buồn dần phủ kín tất cả, từ không gian đến tâm hồn. Đôi lúc nàng hát theo, rất khẽ, mong cho người cô gái không còn những cơn đau hành hạ. Nhưng cô ấy đã đi, khi bài hát vừa kết thúc. Người đàn ông bấy giờ mới khóc, nức nở: “Tôi chẳng có gì ngoài tình yêu để tặng cho cô ấy cả. Chúng tôi mới lấy nhau một tháng khi biết cô ấy ung thư giai đoạn cuối”. Nàng trở về nhà, mắt ướt đẫm. Anh người yêu bác sĩ đứng trước cửa đợi nàng: “Tôi nhớ em. Mình sẽ yêu lại từ đầu nhé!”. “Không”. Nàng nhìn anh. “Em không phải là bệnh nhân của anh! Tình yêu không có phác đồ”. Buông thõng đôi tay, anh quay bước ra về. Lại mưa, nàng không vội vào nhà, đưa tay ra mái hiên hứng những giọt mưa và mân mê chúng. Nàng ngửa mặt hứng mưa đêm, ranh giới mưa và nước mắt xoá nhoà. Nước mắt không rơi cho những điều đau khổ mà rơi ra bởi câu chuyện trong bệnh viện đêm nay. Cuộc đời này có gì đáng quý hơn tình yêu đâu!
Bệnh viện nhận thêm một bác sĩ trẻ, nghe nói anh ta rất đẹp và tài giỏi. Nàng hững hờ nghe các cô y tá bàn tán. Cũng chẳng có điều gì đặc biệt khi bệnh viện có hơn hai trăm y bác sĩ, người ta thậm chí còn không nhớ hết tên nhau. Đi qua phòng hoá trị, nàng dừng lại bất giác chạm tay vào góc khuất nàng vẫn ngồi nghe tiếng hát của người đàn ông nọ. Thoáng nghĩ anh còn hát mỗi đêm? Một cái chạm vai trên lối hẹp, vị bác sĩ trẻ lúng túng xin lỗi. Nàng hơi khựng lại khi ngẩng lên bắt gặp đôi mắt của cậu bé mười lăm tuổi trên gương mặt vị bác sĩ vừa thoáng gặp. “Không sao, tại tôi không chú ý”. Nàng bước nhanh và thấy mình thật khó hiểu khi có sự liên tưởng ấy. Làm sao có thể trùng hợp như thế được. Đêm, trở về nhà, nàng dừng lại bên khung cửa sổ có cô bé mù chơi dương cầm, tiếng đàn giờ thánh thót ngân vang. Nàng hay đặt lên khung cửa sổ một đoá hoa tươi hoặc một loại quả ngon nào đó mua được trong khu chợ gần nhà. Đêm ấy, khi đặt lên khung cửa quen thuộc đóa tường vi đẫm sương, lúc quay gót nàng nghe có tiếng gọi: “Chị ơi, em biết chị vẫn nghe em đàn mỗi tối, em cảm nhận được. Tiếng đàn của em có làm phiền chị không? Tối nay chị về trễ hơn mọi hôm, em đã đợi”. Nàng giật mình rồi tiến lại sát phía cửa sổ đặt tay mình lên tay cô bé mù dịu dàng nói: “Chị đã nghe hàng đêm. Với chị không âm thanh nào hay hơn tiếng đàn của em đâu”. “Thật chứ?”. “Thật!”. Cô bé nở nụ cười, nàng cũng mỉm cười. Trên lối về nàng nghe hương cà phê nhẹ phất theo mùi thuốc lá, chẳng biết có ai đợi nàng trước cửa? Nàng chợt nhớ đến đôi mắt của cậu bé bện những sợi rơm, đôi mắt cháy lên những say mê của một người đàn ông trưởng thành. Lần này, ánh mắt ấy ở lại thật lâu, suốt chặng đường về nhà.
“Tôi đợi chị đã lâu!”. Nàng nhận ra vị bác sĩ chạm vai hồi sáng. “Anh đợi tôi?”. “Vâng, tôi đợi chị!”. “Anh biết nhà tôi ư?”. “Tôi đã biết từ năm trước”. Nàng ngạc nhiên và phân vân, im lặng nhìn vu vơ ra đường. “Còn sớm, chị có thể mời tôi vào nhà và cho tôi dùng một tách trà được không?”. “À, tôi vô ý quá, mời anh vào nhà”. Họ ngồi bên nhau, cả hai nói rất ít, nhìn nhau cũng rất ít. Nàng có nhiều điều muốn hỏi về chuyện anh biết nhà nàng từ năm trước, về buổi gặp mặt đêm nay. Anh cũng có nhiều điều muốn nói, nhưng tất cả như đọng lại trong đôi mắt anh, đôi mắt mà nàng nghĩ rằng rất giống cậu bé năm xưa.
Tiễn vị bác sĩ trẻ ra cửa, họ chào nhau. Anh ngập ngừng đi, nàng ngập ngừng khép cửa, bỗng anh đứng lại: “Tôi sẽ không gọi em bằng chị. Tôi đủ lớn để biết rằng nếu không đi tìm tình yêu sẽ không tự đến như mười hai năm trước em nói với tôi. Em có biết khi lửa trong lòng đã cháy lên thì không ngọn lửa nào non tuổi! Tôi đã tìm được em và có một điều em cần phải biết: Tôi yêu em!”.
Đêm, có gió, một chút mưa, tiếng dương cầm vụng về của cô bé mù và có cả những nụ hôn...
Giấc mộng Ninh Kiều…
Không giờ, xe dừng ở Cần Thơ. Bơ vơ giữa những lời chèo kéo của xe ôm, taxi, My cố gắng lách mình qua khỏi đám đông đang cố vớt vát chuyến xe đêm để kiếm thêm chút tiền. Cô tìm một chỗ ngồi trong phòng đợi của bến xe, gọi cho mình ly đen đá, cô lặng lẽ hướng mắt về chuyến xe đang rời bến.
Những chuyến đi… Với cô bao giờ cũng khó khăn lúc lên xe. Cảm giác cô đơn đông đặc như thể nhét cô vào giữa và đổ bê tông xung quanh. Không quẫy đạp để thoát ra được, nỗi cô đơn cứ thế đè lên ngực, nghiến xuống, đau không khóc được. Không phải My không có chỗ để đi tiếp. Chỉ vì cô muốn ngồi lại để nhìn chính ở vị trí đó mấy năm trước Phong Lê đã đón cô ở đó. Khác với thời điểm này, khi ấy là một giờ chiều, những dòng người đến và đi tất bật, anh băng qua đường, việc đầu tiên là anh ôm choàng lấy My, vòng ôm hơi chặt thay cho lời chào rồi buông ra, tay xách va li cho My, tay kia kéo cô qua đường đến nơi chiếc xe taxi Mai Linh đã mở cửa đợi sẵn. Ngồi trên xe, Phong Lê vẫn nắm chặt tay My, còn cô thì khẽ rút tay lại vì ngượng ngùng. Khi cô bước xuống xe cũng là lúc hoa hồng vừa đến. Anh kéo cô vào lòng nụ hôn nóng bỏng trộn hương hoa hồng ngây ngất…
Khẽ nhăn mặt, một cơn gió sượt qua. Lạnh. Nhưng không hẳn là gió. Lạnh từ đâu đó phả ra. Ngấm ngầm tê cứng các giác quan. Chỉ có nỗi nhớ bao bọc lấy trái tim khiến nó ấm dần lên bằng những nhịp đập. My đứng lên, gọi taxi về khách sạn. Cô nhân viên giọng hơi ngái ngủ nhưng vẫn rất bặt thiệp làm thủ tục cho cô nhận phòng. My hơi chùng chân, mắt dừng lại ở bình hoa loa kèn đặt lên bàn tiếp khách. Cô quay lại đề nghị nhân viên tiếp tân buổi sáng hôm sau, lúc bảy giờ mua giúp cô một bó loa kèn được cắm sẵn vào chiếc bình pha lê trắng. My mở cửa phòng, xộc vào mũi là mùi đặc trưng của khách sạn. Thứ mùi xa lạ, vô cảm. Nếu như có Lê, hẳn rằng My sẽ không bao giờ phải nhăn mặt khó chịu bởi hơi thở của anh đã lấn lướt tất cả. Nó choàng lên người hương thơm của cơ thể rạo rực sức sống và nồng nàn của tình yêu đang độ chín.
Không ngủ được, My kéo cửa sổ, trên tầng bốn cô ngắm thành phố. Cần Thơ yên bình, ngay cả dòng xe di chuyển trên đường phố dường như cũng hết sức nhẹ nhàng. Ánh sáng lộng lẫy của cầu Cần Thơ phản chiếu lóng lánh một góc thành phố. Dưới chân khách sạn, ở một vài góc những người lái xe ôm tạm ngả lưng trên chiếc xe của mình chờ khách vãng lai. Rải rác một vài quán cà phê đêm còn mở, không thấy bóng khách, chỉ có ánh sáng cô độc từ chiếc bóng treo ngoài hiên. My kéo rèm, mở một bản nhạc không lời từ điện thoại, cô ngả mình kéo hờ chiếc mền đắp ngang ngực. Hàng ngàn con cừu đã đếm, giấc ngủ vẫn chưa đến. My lôi từ đáy va li ra cuốn sách Thiên táng của Hân Nhiên. Quyển này My đọc đến sờn cả gáy và trong bất cứ chuyến đi nào cô cũng không quên mang theo. My trôi trong tình yêu phi thường, một ảo vọng mãnh liệt bất chấp hoàn cảnh bi thương của bác sĩ Thư Văn, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, cô đã bỏ lại phía sau lưng thành Tô Châu cổ kính, một mái ấm gia đình yên ả nơi cô đã sinh ra và lớn lên để theo đoàn quân giải phóng lên đường sang Tây Tạng tìm kiếm Khả Quân, người chồng chỉ vừa mới cưới được vỏn vẹn gần ba tháng nhưng lại vội mất tích sau tấm giấy báo tử đầy bí ẩn. Mấy mươi năm kiếm tìm vô vọng từng ngọn cỏ bờ cây, từng nhánh sông ngọn núi đều như phủ kín tâm hồn và thấm đẫm vào từng thớ thịt dần già nua của Thư Văn. Cô hồi cố hương, Tô Châu ngày ấy bỗng trở nên nhạt nhòa hư ảo.
Đối với tập tục thiên táng của Tây Tạng, My được biết đầu tiên qua lời kể của Hân Nhiên. Cái cảm giác rân rân chạy dọc sống lưng vẫn còn khi mỗi lần cô đọc lại. My dự định, một lúc nào đó cô sẽ thực hiện cuộc hành trình của mình, bắt đầu từ Tây Tạng rồi đến Dresden... Cô muốn đến Tây Tạng, có lẽ vì muốn được chạm tay, chạm giác quan mình vào những cái khốc liệt mà Thư Văn đã từng đi qua, để giữa hư vô My được hiểu con người trở nên bé nhỏ và cô độc hay mạnh mẽ hơn? My bắt đầu buồn ngủ trong những cuộc kiếm tìm bất tận của Thư Văn: “Nếu anh không có chỗ nào để đi, anh sẽ tan biến vào không khí và ở bên em trong từng hơi thở của em”.
Khi My còn đang chiêm bao mình chính là Thư Văn cứ hút sâu vào Tây Tạng tìm chồng, bỏ quên tuổi thanh xuân và rứt ra từng mảng nhan sắc quăng lại sa mạc thì có tiếng gõ cửa. My thức dậy, cô nói vọng ra ngoài hãy đợi cô một lát, My vào phòng vệ sinh đánh răng, rửa mặt… Sau đó cô mở cửa. Một nam nhân viên khách sạn mang đến lọ hoa loa kèn rực rỡ. My hơi bối rối, theo phản xạ cô với chiếc áo khoác xỏ tay vào để che đi chiếc áo ngủ mỏng manh. Nhận ra vẻ bất tiện của My, chàng trai chủ động đặt bình hoa lên bàn và nhanh chóng đi ra. My bật cười khi chợt nhận ra nụ cười của anh thanh niên kia cũng bối rối.
My đến thành phố xinh đẹp này để dự hội thảo về thay đổi sách giáo khoa. Giáo dục là một cái vòng lẩn quẩn, ráng sức bứt phá khỏi cái cũ trong khi cái mới chông chênh cho nên càng thay đổi thì càng thấy có vấn đề… My từng ở lại Cần Thơ hai đêm, Phong Lê hẹn hò cô ở nơi này. Khi dạo trên bến Ninh Kiều vào lúc 8 giờ tối, bỗng dưng cơn nhức đầu kéo đến khiến My phải tức tốc nốc vào họng cả nắm thuốc mua vội ở nhà thuốc gần đó. Buổi hẹn hò lãng mạn trở nên rất ngớ ngẩn khi My buồn ngủ rũ rượi bởi tác dụng của thuốc… Bến Ninh Kiều thơ mộng cũng không thể kéo hai mí mắt của My dựng lên. My dựa vào vai Phong Lê thì thầm: “Em không đi dạo được nữa. Em buồn ngủ quá rồi…”. Phong Lê hôn lên trán My và gọi taxi. My cố nhướn mắt nhìn ra đường, những ánh đèn nhòe nhoẹt, cảm giác tiếc nuối dâng lên nhưng không thể lấn át cơn buồn ngủ. Về đến khách sạn, cô chỉ kịp ngước nhìn Phong Lê với ánh mắt áy náy: “Em xin lỗi, mấy viên thuốc đau đầu kia khiến em phá hỏng giấc mộng Ninh Kiều rồi…”. Cô khép mắt trong giấc ngủ vùi nhưng vẫn cảm nhận được làn môi nóng bỏng của Phong Lê đặt lên trán mình…
My đã ngủ rất say, không mộng mị, không gợn chút phân vân về sự lẻ loi của người ở bên cạnh. Hóa ra những giấc ngủ do thuốc lại trở nên tuyệt vời như vậy. Khi ấy sẽ chẳng có buồn, vui, rung động nào len lỏi vào… Nhưng My đã thức vào lúc giữa đêm, khoảng hơn một giờ sáng. Cô khát nước và trở dậy. Phong Lê đang đứng bên cửa sổ. My nhón chân quàng ôm anh từ phía sau lưng. Phong Lê hơi giật mình, quay lại hỏi khẽ: “Em bớt nhức đầu chưa?”. “Hết hẳn rồi anh…”. “Sao em thức giờ này?”. “Vì biết anh không ngủ”… Phong Lê nhéo mũi My anh bật cười: “Nói dối này, nhưng anh vẫn rất vui”. Phong Lê xoay My ra hướng cửa sổ, anh vòng tay ôm chặt thì thầm: “Em giống như một chiếc lá bé bỏng, đáng yêu… Nhiều khi anh chỉ ước có em thế là đời anh đã đủ ý nghĩa rồi”. My không nói gì, người cô bỗng run lên, nỗi xúc động từ sâu thẳm tràn ra. Nụ hôn bên cửa sổ, khi thành phố đã ngủ, thời gian dần về sáng ngọt lịm, đê mê, tan vào mọi cảm giác, ngấm vào từng mạch máu… Khi họ dừng lại để ngắm nhìn nhau, Phong Lê nâng bàn tay My lên, lồng vào ngón áp út một chiếc nhẫn bạch kim đính hột xoàn màu rêu. “Chúng mình cưới nhau nhé…”. Anh cưới My như thế, mà cũng có lẽ chỉ như thế, không hơn được. Khi thân giao thân, đêm động phòng đã đủ đầy hạnh phúc như bất cứ đôi lứa nào. Nhịp đẩy cuồn cuộn như xoáy nước đầy đam mê, đôi chút bủn rủn nhưng không thể dừng lại, chỉ khi cả hai chạm đúng điểm dừng của nhau, mùi mồ hôi của cả hai quyện chung, cả hơi thở cũng quyện chung thì ý nghĩa hạnh phúc kia mới rõ thế nào là chung xúc cảm của đôi tâm hồn và thể xác.
Họ xa nhau và rồi không thể chịu đựng được khoảng cách, sự bận rộn và trên hết là sự kiêu hãnh của nhau, chẳng ai lên tiếng trước. Một nỗi hờn giận vô hình làm tan hoang tình yêu vốn dĩ đã rất mong manh. My bắt đầu dằn vặt anh vì anh không thể dành cho cô đủ thời gian để quan tâm chăm sóc cảm xúc cho cô. Anh chúi đầu vào biết bao dự định và bận đến mức ngay cả tin nhắn email, hẹn hò của cô cũng bỏ qua. Anh bắt đầu mệt mỏi và không chịu được những trách hờn dai dẳng của cô. Anh gọi điện bảo rằng cần tĩnh lặng một thời gian để suy nghĩ. My hiểu rằng đó là một cách khác của một lời đề nghị chia tay. My không vớt vát nữa, mọi sự cố gắng cũng trở nên vô nghĩa. My đứng thẳng, sải những bước dài và tránh xa anh. Tình cảm là một điều gì đó rất kỳ cục, nhất là tình yêu vì nó sẽ cưỡng mọi sự cố gắng, quy luật. My chẳng đi đâu được ngoài trái tim của anh cả. Giữa ồn ào hay nơi tĩnh lặng, giữa phố xá hay một xó xỉnh nào đó ở những nơi thật sâu, thật xa thì Phong Lê vẫn ở yên đấy, ngự trị trong trái tim cô. Cô rong ruổi mãi trong những hành trình ngắn, nhỏ hẹp để rồi thấy mình loay hoay như một con cù.
Tan hội nghị, My tách ra khỏi những hẹn hò, tiệc tùng. Cô dùng vội một ít bánh, tắt điện thoại, chọn một quán bên bến Ninh Kiều. Lại nhớ, chiếc ghế đá kia và cơn buồn ngủ phá bĩnh. Trong quán giọng hát cao ngất của Thái Thanh khiến bài “Hoa vàng mấy độ” của Trịnh Công Sơn như xiết vào lòng. Ly cà phê đắng ngắt trơ đá và đá cũng tan trong ly. Không có Phong Lê, không hẳn My đã cô đơn, ít nhất cái bề ngoài là vậy. Cô thường được tỏ tình bằng những lời ngọt lịm, được chăm sóc chu đáo tưởng không gì chu đáo hơn. Nhưng mọi thứ đều trở nên hững hờ. Đằng sau rất nhiều nước mắt và nụ cười. Một chút thật. Một chút hình như không thật. My luôn hoài nghi vào những gì cô trông thấy… Đôi lần khi dừng lại giữa chặng đường đi, trầm ngâm, bỗng dưng cô thèm được nghe một lời nhắc nhở, thèm sự xuất hiện của anh chỉ để cô cằn nhằn đôi tiếng, dịu dàng đôi tiếng. Để không bị cuốn vào, khuất lấp ở đâu đó trong cuộc sống tấp nập đầy lộn xộn ấy… My hoàn toàn không có cách nào chống đỡ được nỗi cô đơn được ngụy tạo bằng sự sôi nổi cố diễn kia. My bắt đầu kết tội chính mình, rằng cô phải thế nọ thế kia… Rằng anh nên thế nọ thế kia… Rằng tình yêu của cô đáng lý không hoại tử bởi thế nọ thế kia…
Cuộc sống có lô-gích của nó. Và My cũng không hề nghĩ mình sẽ đứng ra bên ngoài cái lô-gích ấy nhưng cô ước mình có thể phá hủy nó. My không có dáng vẻ của một phụ nữ nổi loạn. Cô không có một nỗi buồn thời thượng nào, mọi thứ đều rất phẳng lặng, an nhiên để giấu đi sóng ngầm ở bên trong ngày đêm va đập vào vách tâm hồn. Đáng lý My sẽ ra bến xe bắt chuyến xe về Sóc Trăng nhưng cô còn đợi, dù không ai hẹn. My về khách sạn và nhắn cô tiếp tân thay cho cô một bình hoa loa kèn khác và hãy để tám giờ sáng hôm sau mới mang đến. My về phòng mở đĩa nhạc của Vitas. Cô vốn yêu nhạc Nga và mê tơi tả giọng hát và cái nhếch môi kiêu hãnh của Vitas. Chất giọng cao, vút lên mỏng như cánh hạc, âm nhạc được truyền tải vào trong giọng hát không còn đơn thuần chỉ là sự mượt mà trau chuốt và sự thể hiện kỹ thuật điêu luyện mà còn là những cảm xúc vượt qua khỏi giới hạn, người nghe được đẩy lên tới đỉnh điểm của sự rộng lớn, dàn trải và sâu thẳm của giọng hát, bỗng chững lại và rồi lao vụt xuống với nỗi buồn của những nốt trầm trượt êm trong ánh mắt.
Muốn ngủ, nhưng Vitas vẫn không thể ru My ngủ, Vitas chỉ khiến lòng cô thêm trĩu nặng. Lại mở va li nâng trên tay cuốn Thiên táng. Thốt nhiên cô thấy tình yêu của mình đã ngỡ như vĩ đại lắm, hóa ra bé mọn, có thể vì cô yêu Phong Lê đến mức có thể lăn xả vào hy sinh trọn bản thân mình nên khi thấy những mối tình đi qua cả sự sống và cái chết, của Thư Văn với Khả Quân, của nữ tộc trưởng Zhuoma với chàng người hầu chăn ngựa Thiên An Môn… khiến cho My nhận ra rằng, hóa ra, My đã tự hủy hoại tình yêu của mình bằng những đòi hỏi hoàn hảo, không thể chấp nhận cái khiếm khuyết mà Phong Lê đã có, bản thân cô đã có. Niềm tin về nhau, về tình yêu, về sự đợi chờ và không ngừng kiếm tìm Phong Lê của My so với Thư Văn bỗng chốc mới bé nhỏ làm sao.
Ở sa mạc người mênh mông này cô đã quên chiếc la bàn nhạy cảm nhất là trái tim mình để đi tìm Phong Lê, cô đã để sự kiêu hãnh quá mức đánh mất anh trong thời gian dài đến thế. My đã mất đi niềm tin vốn có vào những giác quan của mình. Đáng lý cô phải tin dù không thể chạm được vào nhau thì niềm tin vẫn phải còn. My không biết cảm giác của Zhuoma và Thiên An Môn sau mấy mươi năm lạc nhau, đi tìm nhau hết ngọn núi thiêng này đến ngọn núi thiêng khác, để rồi khi tìm thấy nhau mà không thể ào vào nhau, không thể ôm nhau, không thể hôn nhau, không thể nghe tiếng từng tế bào mình tan chảy trong nhau thì chua xót biết chừng nào.
Nhưng Phong Lê vẫn còn hiện diện rất cụ thể đủ đầy trong mọi giác quan của My thì tại sao cô chối bỏ anh, tại sao phải dằn vặt anh vì những lỗi lầm không thể không phạm phải… My bật điện thoại nhắn một tin rất dài trong đó có câu: “Em sẽ đợi anh trên bến Ninh Kiều cho đến khi nào anh đến!”, và gởi đến số điện thoại của Phong Lê. Tin nhắn báo đã chuyển, My đợi một lát, rồi gấp nhiều lần của một lát ấy vẫn không có tín hiệu trả lời. Như thể những ký tự ấy như gió bụi tan rã. Nhưng My không quá xa xót, bởi cô tin rằng, có nhiều thứ, chẳng phải hoài công mòn mắt kiếm tìm tận đâu đâu, nếu biết cảm nhận và biết nhận ra, có khi nó ở ngay trước mắt, chỉ là mình cho chính mình cơ hội hay không mà thôi. Lần này cô tự cho mình cơ hội để đợi anh… My thay chiếc váy ngủ màu hồng và ngủ hơi chập chờn một chút nhưng sau đó thì giấc ngủ đã sâu.
***
Bảy giờ ba mươi phút sáng hôm sau, có tiếng gõ cửa. My thức dậy vào nhà vệ sinh và không quên khoác sẵn chiếc áo khoác. Có lẽ nam nhân viên tiếp tân hôm qua mang hoa mới đến thay. Cô mở cửa phòng, không nhìn vào gương mặt người đối diện, cô ra hiệu cho anh ta mang hoa vào. Nhưng anh ta vẫn đứng yên đó, My hơi ngạc nhiên quay lại nhìn… Phía sau bó hoa loa kèn, lấp lánh ánh mắt rất quen… My đứng sững, không thể nói nên lời… Nước mắt rơi ra trước khi đóa loa kèn trên tay Phong Lê rơi xuống để vòng tay ôm ghì siết chặt…
Khi người phụ nữ đẹp nhất...
1. Chủ nhật mẹ và con gái đi dạo trong công viên. Hai mẹ con chọn một chiếc ghế đá dưới tán xà cừ ngồi nghỉ. Mẹ lùa que đan vào sợi len, chiếc khăn mẹ đan cho con gái từ nhiều tuần trước vẫn chưa xong. Mẹ chậm hơn nàng Bân, đôi tay mẹ hơi run rẩy những mũi đan, nhưng nét hoa văn vẫn còn tinh tế. Con gái đọc tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến của Giên Ô-xten (Jane Austen) cho mẹ nghe. Cô gái không nhớ mình đã đọc lần thứ bao nhiêu, chỉ biết rằng đã đọc nhiều lắm. Mỗi lần ra công viên vào chủ nhật, những ngày không mưa, không giá rét. Chỗ họ ngồi quen thuộc đến mức hầu như ai thường lui tới công viên này đều xem chiếc ghế đá đôi dưới tán xà cừ to nhất kia là của riêng hai mẹ con. Bỗng dưng cô gái hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, người phụ nữ đẹp nhất khi nào?
Mẹ hơi bối rối. Mẹ nâng nhẹ gọng kính ngẩng lên không vội trả lời câu hỏi của con. Con gái mười tám tuổi, ngực xuân thì nhô cao phập phồng sau làn áo, khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt trong veo, chiếc mũi hơi hếch lên bướng bỉnh và miệng xinh xắn màu hồng đào. Có lẽ khi mười tám tuổi người con gái đẹp nhất chăng? Phía bên kia, ngay tầm mắt mẹ một phụ nữ mang thai tay trong tay bên chồng. Bàn tay cô đặt khẽ lên bụng, người chồng dừng lại nghiêng mình áp sát vào bụng vợ như thầm thì những lời yêu thương với đứa con trong bụng. Người vợ trẻ mỉm cười, khuôn mặt cô ấy sáng lên như nắng sớm mai. Người phụ nữ khi ấy sao mà đẹp.
Mẹ nói rất khẽ:
- Mẹ nợ câu trả lời, con gái nhé! Mình về thôi, nắng lên rồi...
- Không sao đâu mẹ ạ. Con chỉ muốn biết khi nào người phụ nữ đẹp nhất để có quyền kiêu hãnh thôi...
Hai mẹ con thong thả ra về. Trên lối đi, nơi bồn hoa ven chiếc hồ hình bán nguyệt duyên dáng có cô dâu chú rể đang chụp ảnh cưới. Váy trắng tinh, tóc bồng bềnh, chiếc vương miện nhỏ xíu đội lệch một chút tôn lên gương mặt lộng lẫy sắc màu hạnh phúc, cô dâu hệt như công chúa từ trong truyện cổ tích bước ra cùng với hoàng tử trong mơ của mình. Con gái níu tay mẹ dừng lại ngắm nhìn, đêm qua con rụt rè kể mẹ nghe dường như con đang yêu và hình ảnh con nhìn thấy lúc này khiến con không thể bước vội qua, có thể con đang liên tưởng khi mình mặc chiếc váy trắng ấy. Mẹ đoán thế vì mẹ nhìn thấy đôi mắt vốn đã rất đẹp của con gái sáng lên long lanh. Con gái trầm trồ:
- Khi mặc áo cưới, bất kỳ người phụ nữ nào cũng đẹp mẹ nhỉ?
Mẹ nhìn theo đôi uyên ương tay trong tay bên bờ hồ bồi hồi nhớ lại đám cưới của mình cách đây hai mươi năm. Mẹ mặc áo dài màu thiên thanh có điểm những chùm hoa rơi, tóc thả dài buông nhẹ bờ vai tay ôm bó huệ trắng, cha gọn gàng áo sơ mi trắng quần sẫm màu. Đám cưới của mọi người vào thời kỳ ấy đều rất giản dị. Bà con hai họ tấm tắc ngợi khen đôi trẻ thật đẹp, thật xứng, cha nâng niu bàn tay mẹ thầm thì: “Em là người phụ nữ đẹp nhất trong trái tim anh”. Khi người ta yêu nhau, họ chẳng nhìn thấy ai khác ngoài một nửa của mình, người ấy hoàn hảo nhất, tuyệt vời nhất trong cảm nhận. Để rồi mấy mươi năm vợ chồng sống với nhau những sóng gió, va chạm cuộc sống không làm tình yêu của cha với mẹ hao khuyết mà tình yêu ấy được bồi đắp bởi lòng bao dung, sự thông cảm, sẻ chia. Cha bỏ mẹ đi trước về miền xa thẳm, khi trút hơi thở cuối cùng lời cha để lại cho mẹ: “Đừng khóc em, anh hạnh phúc khi được sống chung với người phụ nữ đẹp nhất thế gian này suốt cả cuộc đời mình”.
Mẹ trách cơn gió ngược mang bụi làm cay mắt. Con gái cúi xuống thổi bụi trong mắt mẹ chợt ngẩn ngơ thốt lên: “Ôi, thế mà con không biết mẹ có đôi mắt đẹp đến thế”.
2. Nhiều năm trôi qua, người ta không thấy hai mẹ con ấy đi dạo trong công viên, chiếc ghế đá gãy một chân, nằm bơ vơ dưới tán cây. Thỉnh thoảng người ta thấy một người phụ nữ với những cuộn len đan những chiếc vớ, chiếc áo trẻ con vào buổi sáng ngồi trên chiếc ghế đá đơn bên cạnh chiếc ghế đôi đã gẫy. À, đọc đến đây bạn đừng liên tưởng chuyện gì đó khủng khiếp hoặc tương tự như thế nhé. Con gái đi lấy chồng cách mẹ chỉ vài mươi cây số nhưng cuộc sống riêng bận rộn đến mức cô chẳng có chủ nhật nào để đọc Kiêu hãnh và định kiến cho mẹ nghe. Đêm qua con gái gọi điện báo tin vui cho mẹ. Giọt máu tình yêu đang tượng hình trong cơ thể con. Những cuộn len được mang từ trong tủ, mẹ sẽ đan kịp những đôi vớ, tấm áo cho cháu ngoại. Ngày xưa mẹ khó khăn lắm mới có được con. Mẹ trông ngày trông tháng có con nhưng gần mười năm con chẳng đến với mẹ. Họ hàng hai bên đã hết mong mỏi nhưng cha mẹ không ngơi hy vọng. Con sẽ đến với gia đình mình khi cha mẹ mong đợi và yêu thương con đến thế cơ mà. Thế rồi mẹ mừng đến bật khóc khi có biết con đã đến. Mẹ nín thở nghe ngóng những thay đổi trong cơ thể dù sự mệt mỏi kéo dài tưởng như bất tận kia khiến mẹ cứ làm phiền cha con mãi. Nhưng có một khoảnh khắc nào con không “thành” mẹ lại phập phồng lo sợ, mẹ tưởng tượng đủ thứ và trấn an mình con sẽ bình yên. Mẹ có thể hy sinh tất cả mọi thứ chỉ mong con khoẻ mạnh, lớn dần lên trong lòng mẹ. Lần đầu tiên nghe nhịp tim của con đập qua ultrasound mẹ lại khóc. Mẹ hạnh phúc. Mẹ ngập tràn hạnh phúc. Mẹ xoay đi xoay lại trong tấm gương ngắm khuôn bụng đang to dần, mẹ thấy mình thật đẹp lúc ấy. Cha hay kể chuyện con nghe, đặt nụ hôn yêu thương con trên bụng mẹ. Khi nghe tiếng khóc chào đời, chỉ kịp nhìn gương mặt thiên thần của con, mẹ lịm đi vì mất máu nhiều trong nụ cười mãn nguyện. Mẹ cảm nhận được con đang kề bên, hu huơ đòi sữa, mẹ tỉnh dậy, khi con ngậm bầu sữa mẹ mọi đớn đau mệt mỏi, rã rời tan biến đi hết.
3. - Mẹ ơi, con sắp sinh rồi. Mẹ đến với con, mẹ nhé! - Con gái thỏ thẻ.
Mẹ xếp những đôi vớ, chiếc áo vừa đan xong, mấy chục tã lót mẹ khâu tay, thêm lọ ruốc, rượu thuốc, mật ong vào chiếc giỏ to. Còn thiếu gì nữa không nhỉ? À... Vài chiếc tã lót bằng vải phin cách đây hơn hai mươi năm của con, mẹ sẽ mang theo lót cho cháu của mẹ khi vừa ẵm ra trong nhà hộ sinh. Ngày ấy con ăn ngoan, ngủ ngoan, không quấy khóc. Bông sữa trổ cho con thắm da tươi thịt. Cháu của bà cũng sẽ như con gái của mẹ hồi còn thơ bé.
Con gái trong bệnh viện, trán mướt mồ hôi, môi cắn chặt, vài lọn tóc xổ tung bết trán, hai tay bám vào thành giường như muốn vặn chéo. Chồng con luýnh quýnh chạy ra chạy vào, mắt đỏ hoe như đau theo từng cơn đau của vợ. Có tiếng khóc, rên rỉ, la hét của những sản phụ khác trong nhà hộ sinh. Con gái không khóc thành tiếng nhưng nước mắt ướt đầm gương mặt hoà lẫn vào những giọt mồ hôi rơi thành giọt. Bàn tay con nắm lấy tay mẹ, siết chặt. Mẹ áp bàn tay con lên ngực mẹ, ôm lấy cả thân hình đang trong cơn lột xác chuẩn bị hạ sinh. Con gái bật khóc, run rẩy trong lòng mẹ.
- Mẹ ơi, con đau quá. Con sợ nữa mẹ ạ.
- Con gái của mẹ. Dũng cảm lên nào. Con sẽ thực hiện thiên chức vĩ đại nhất của người phụ nữ.
Mẹ nói được đến thế thôi. Trong mắt mẹ giờ đây con gái như bé bỏng lẫm chẫm tập đi vấp té mếu máo khóc nũng mẹ. Ngày đầu tiên đến trường con cứ nắm mãi tay mẹ không dám rời để bước vào cổng trường. Ngày con lấy chồng xa mẹ những ngày đầu tiên, nhớ mẹ con thút thít khóc. Đứa bé chuyển động dữ dội, con quằn mình. Con vào phòng hộ sinh, mẹ và chồng con lặng đi, trong tiếng kêu khóc rất đặc trưng của các sản phụ, cả hai dường như không nghe thấy những âm thanh đó nhưng nghe rõ nhịp tim hồi hộp của chính mình. Tiếng oe oe cất lên từ phòng hộ sinh, một bé trai bụ bẫm, mẹ ôm lấy hình hài thiên thần bé nhỏ đến bên con, nói trong nước mắt:
- Con gái! Con trai của con đây. Chiếc mũi kiêu hãnh rất giống con, vầng trán thông minh giống chồng con. Con gái, người phụ nữ đẹp nhất chính là lúc này…
Con gái vòng tay ôm lấy con trai, cả thân hình vừa hạ sinh yếu ớt vừa bơi qua cơn biển động như được tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ. Người mẹ trẻ đôi mắt long lanh, gương mặt hồng lên, đôi môi thắm đỏ, vén bầu ngực căng đầy để đứa con uống những giọt thiêng liêng đầu tiên...