1. Dung nói với Cường đừng tìm cô nữa. Không phải là chia tay nhưng cứ bên nhau mà mỗi ngày mỗi nhạt hơn thì cứ tạm xa. Đến một lúc nào đó lại thấy cần nhau thì tìm về. Cường cười chua chát nói, có khi như vậy dễ xa nhau hơn và cái nguy cơ rời nhau vĩnh viễn sẽ rất lớn. Thì có sao đâu, Dung ngó vô mắt Cường, không yêu được thì xa thôi, nắm níu làm gì để hành tỏi nhau, sớm muộn gì cũng đến lúc khinh rẻ nhau thì vô học lắm. Tình yêu cũng cần phân loại: loại có học và loại vô học.
Cường chưa bao giờ hiểu được Dung. Có lúc cô như hòn đảo xanh tươi đầy quyến rũ, có lúc cô như sa mạc, cũng có lúc cô như một ngôi nhà nhỏ ấm cúng, an toàn, đầy hơi ấm… Họ gặp nhau trên xe buýt, chính xác hơn là Dung ào lên xe, nhìn thấy Cường yên vị trên băng ghế, cô vỗ vai anh rồi rất tự nhiên đề nghị: “Này anh, tôi đã phải chạy bộ một quãng đường khá dài để đến trạm xe buýt. Tôi đã mỏi chân và muốn ngồi nghỉ trên chiếc ghế của anh, anh nhường cho tôi nghen?”. Ánh mắt quyết đoán của cô chiếu thẳng vào Cường kéo anh đứng dậy trước cả khi anh có ý định nhường ghế. Đi một đoạn Dung ghé xuống trước, thay vì cảm ơn, cô mỉm cười nói: “Tôi là Đoàn Dung, tôi đã nghĩ anh đã đổ quạo nhưng may mắn sao anh vẫn là đàn ông”. Mấy tiếng cuối của cô lẫn với tiếng xe cộ, anh chỉ kịp đón lấy nụ cười rạng rỡ và ánh mắt tinh nghịch của Dung để rơi lại trên xe.
Sài Gòn không bao giờ là nơi dễ sống như người ta vẫn đồn thổi. Dù rằng Sài Gòn cởi mở, là một tập hợp và dung hòa giữa các đối cực nhưng Dung luôn e ngại. Mười tám tuổi Dung rời Cần Thơ lên thành phố học đại học, cô không sao quen được với một nơi không hề liên quan gì đến ký ức của cô, cô ghét những con đường dọc ngang nối nhau, đan xen như mạng nhện, cô luôn lạc và bối rối không biết ra lối nào ở những ngã năm, ngã bảy. Khi kẹt cứng giữa đám đông tắc đường, cảm giác ngộp thở, bức bối xâm chiếm, Dung muốn thoát ra, bằng cách nào cũng được, đám đông khiến cô sợ hãi. Đến tận năm cuối đại học, nghĩa là sau bốn năm gắn bó với Sài Gòn, Dung mới có thể tạm quen được với nhịp sống rất gấp ở nơi đây. Không về quê, Dung trở thành cư dân thành phố, là một biên tập viên cho một nhà xuất bản nổi tiếng. Niềm vui giữa cái hào nhoáng và tiện nghi đủ đầy cùng các mối quan hệ chằng chịt dễ khiến người ta quên đi nơi chốn cũ. Sài Gòn bận rộn đến mức chẳng ai có đủ thời gian mà hồi tưởng bất cứ điều gì. Đôi khi Dung quên cả thời khắc của sự chuyển mùa, hơi người, khói xe đã làm biến dạng cảm nhận.
Yêu Cường. Dung không biết đó có đúng là tình yêu không? Cô và Cường đi cùng tuyến xe buýt, thực ra họ vẫn đi cùng tuyến cả năm nay nhưng chưa lần nào ai chú ý đến ai nếu như Dung không đề nghị Cường nhường ghế. Những lần sau, Cường cũng ngồi đúng chiếc ghế đó để chờ nhường ghế cho cô gái “ngộ ngộ”. Rồi họ hẹn hò, rất chóng vánh sau đó họ yêu nhau. Dung cũng không nhớ nổi nhân một sự kiện nào đó Cường tỏ tình với mình, mà hình như cũng chẳng nhân sự kiện nào… Đơn giản chỉ là Dung cũng cần có một người để thứ bảy, chủ nhật không trống vắng mà Cường cũng cần xoa dịu vết thương của mối tình cũ để lại.
Dung từng nghĩ khi hai người yêu nhau, lần đầu họ khám phá cơ thể nhau hẳn thiêng liêng lắm. Nhạt. Dung chẳng cảm thấy gì, không say mê, không rạo rực chỉ giống như một thú vui giữa không gian vốn đông đặc công việc và công việc. Đôi lúc cô nhớ nhưng không phải nhớ một con người cụ thể, một tình cảm cụ thể mà nhớ cảm giác cơ thể mình được ve vuốt, nó như một kiểu mát xa để thư giãn sau những ngày làm việc quần quật và căng thẳng. Người ta đôi khi cần nhau giống như cần một trò giải trí để giảm áp lực cuộc sống. Dung nghĩ, tình yêu là thứ do con người ta tưởng tượng ra rồi vẽ vời cho nó đủ thứ màu sắc, áp đặt cho nó biết bao những đặc điểm vốn dĩ rất xa vời với tình yêu. Những người trẻ hiện đại như Dung không có thời gian cho những điều ảo tưởng đó nữa.
Thành phố tập cho người ta phải sành điệu. Cường nói với Dung anh say mê cô gái miền Tây vô tư, hồn nhiên và rất trong sáng. Ngay cả qua đường Dung cũng cảm thấy sợ. Nhưng ngày đó, Dung có niềm tin, cô tin yêu vào cuộc đời. Dung nghĩ mọi người ai cũng tốt. Cô bẽn lẽn, rụt rè trước mọi người, cô không quen với sự giả tạo và phù phiếm... Dung của ngày xưa thật đáng yêu... Anh vẫn yêu Dung, yêu hơn ngày xưa nhưng anh muốn cô là Dung của ngày hôm qua chứ không phải một cô gái sành điệu biết uống rượu Tây, vào vũ trường lắc điên cuồng, coi trọng giá trị vật chất hơn tình yêu. Dung của bây giờ không còn bẽn lẽn nữa, không còn sợ sệt khi qua đường nữa. Sự tự tin đã có nhưng niềm tin vào cuộc đời lại bị mai một. Cường biết chấp nhận, anh hiểu khi con người bước qua một môi trường mới, người ta sẽ biến thành một con người khác, vẫn là mình nhưng không phải là mình nữa.
Dung thờ ơ trước ước muốn của Cường. Nơi đây là thiên đường nhưng cũng là hỏa ngục. Bên cạnh sự lộng lẫy là cái nhớp nhúa đáng kinh tởm. Dung nói với Cường cái điều anh nhớ tiếc đó nó là chuyện cổ tích rồi. Anh hỏi tại sao? Cô im lặng. Quay lại nhìn Cường bằng ánh nhìn bén ngọt chất chứa cả sự coi thường lẫn thách thức. Cường rũ xuống. Anh biết Dung đã cố tình thò tay vào tim anh bóp nó thành một nhúm dúm dó thảm hại. Nó phát ra một thứ cảm nhận trần trụi, lột bỏ tất cả sự lóng lánh thường thấy, trơ khấc một con người tầm thường. Dung bỏ mặc Cường với nỗi thất vọng, bất lực. Dung không có thời gian để giải thích rằng cái sự thờ ơ đó, cái sự bất cần đó không do thành phố này mang lại mà đó là kết quả của cả một quá trình sống trong sự cam chịu bất thường của má và sự phụ rẫy bình thường của ba. Nó tiềm ẩn trong Dung và nó đợi một người đàn ông đến với cô để bung tỏa, nổi dậy, phản ứng, nổi loạn và hiển thị một cách từ từ rồi rõ dần một cách hớn hở. Cái vỏ kín đáo, tinh khiết kia mỏng như cái vỏ trứng, chỉ khẽ va vào là vỡ.
2. Nhà Dung ở dưới dạ cầu Bình Thủy, má có tiệm hủ tiếu “Ngọc Dung” ngon nức tiếng, bởi má có tên Dung, cưng Dung nên lấy tên con gái đặt tên tiệm, còn ba lái xà lan mướn. Người ta nói khi giàu có thì sinh ra đủ chuyện, nhất là đàn ông không rượu chè bài bạc thì cũng gái gú. Nhà Dung nghèo như đám cù nèo lạc sông mà ba cũng “đủ thứ chuyện”. Ba lái xà lan thì ít chớ chở tình nhân thì nhiều. Lâu lâu thấy người ta méc má rằng mới thấy bữa hổm ba tằng tịu với bà Tư, bữa nay lại thấy ba cặp với bà Bẩy. Ba lựa mấy người đàn bà giá với đàn bà góa cặp không hà. Nhưng má không giận, không càm ràm, ghen tuông chi hết chỉ thấy má cam chịu, phải ngậm ngùi như cái bận nhà Dung còn ở cù lao Tân Lộc, đêm đêm nằm nghe đất lở cứ gần dần, gần dần rồi nuốt từng mảng đất rẫy.
Sông Hậu coi vậy chớ không hiền. Nhà Dung dời nhà tới năm lần, lần nào cũng xót xa như cái hồi má cạo bỏ mái tóc dài tới gót để vái trời ba chán tình nhân biết nẻo quay về. Cuối cùng thì má mở cái quán hủ tiếu dưới dạ cầu Bình Thủy, ngày cũng như đêm má quấn cái khăn rằn che cái đầu láng o của má mà mãi tới hơn một năm sau tóc mới phủ lốm đốm đen bạc đủ một lớp che đầu. Tóc người già lâu mọc nhưng mau bạc… Dung hỏi má sao không nắm tóc lột quần “mấy bả” uýnh cho ba mớ rồi lôi ba về, mấy lần là “mấy bả” tởn không dám đụng tới ba chớ để ba đi hoài sao đặng, rồi má cạo đầu chi cho đau mái tóc má nâng niu cả đời. Má cười hiền khô biểu ba đi mệt thì ba về, còn uýnh “mấy bả” sao được là ba dụ “mấy bả” trước mà. Má nói tỉnh queo mà mắt má buồn như khói buổi chiều phủ trên dòng sông Hậu. Má không dạy Dung bằng đủ thứ lý lẽ của phẩm hạnh như hồi đó ngoại dạy má. Má biểu Dung sống làm sao cho phải thì sống. Đừng có ràng buộc quá cái ý nghĩ của người đời về công, dung, ngôn, hạnh. Đời má thấm rồi, không có ép con gái má phải như má. Nghĩa là má không ép con gái má phải giới hạn trong sự dịu dàng, hiền thục, thông minh, đảm đang, chung thuỷ, tận tụy, có đức hạnh, trinh trắng… để thực hiện mục đích duy nhất và cuối cùng là làm hài lòng chồng. Má biểu, trinh tiết và đức hạnh của người phụ nữ được tính từ khi bước chân về nhà chồng.
Ba đi về giữa những cơn say, giữa sự cam chịu của má và sự thờ ơ của Dung. Cũng không biết vì sao cái ý nghĩ ba muốn làm gì thì làm, coi như không có ba và cái ý nghĩ đàn ông thiệt tầm thường len lỏi vào đầu óc Dung lúc nào không rõ. Thờ ơ, nó đến ngấm ngầm, nó len lỏi mỗi ngày rồi đương nhiên tồn tại như thể việc ba đi hay ở, việc ba say hay tỉnh, việc ba có cặp với bà Tư hay bà Bảy là chuyện của ba, không liên quan đến Dung. Nếu có buồn, thì Dung buồn cho má thôi hà. Đàn bà hiền như má mãi mãi là kẻ làm mướn ngay chính trong ngôi nhà của mình. Má cam chịu điều đó, má chỉ phản kháng âm thầm bằng cách không bao giờ muốn Dung phải lý tưởng như cái khuôn phép mà má đã được ông bà ngoại đặt ra. Hiền như sông Hậu muôn đời dâng hiến phù sa nhưng đến khi cuồng nộ bởi sự xâm lấn tàn phá hung bạo của con người cũng sẵn sàng điên cuồng nhấn chìm từng dải đất đã bồi cả trăm năm.
3. Sài Gòn, mùa hè năm thứ tám. Với Dung cũng không có gì thay đổi. Một tình yêu thờ ơ. Một nỗi nhớ thờ ơ. Một công việc tẻ nhạt đến mức Dung không còn cảm xúc với công việc Dung từng mơ ước. Những con chữ lướt qua mặt vô tri, sự cắt cúp hợp lý như một thói quen cũng không cần biết tác giả của những cuốn sách đó có biết đau không. Chỉ có sự bình yên không bao giờ giảm sút khi Dung ngủ với má, rúc vào mái tóc đã dài của má. Hồi má cạo đầu, dù ngày cũng như đêm má giấu cái đầu trọc trong tấm khăn rằn mà Dung cũng thấy sợ nữa. Tóc Dung dài, má chỉ cắt tóc máu lúc Dung hai tháng tuổi, tới khi Dung mười bảy tuổi tóc đã dài quá gót, phải bới lên. Nhưng rồi Dung đã cắt nó khi lên Sài Gòn, không phải để thành người phụ nữ hiện đại gì. Chỉ vì lần đó thiếu tiền, má chưa kịp gởi lên, Dung ra tiệm bán món tóc trinh nữ được hơn triệu đồng. Dung khóc tức tưởi khi về ký túc xá. Má cắt bỏ tóc là vì một ước mơ, một sự hy vọng cho sự trở về thật sự của ba. Ít nhất mớ tóc của má còn chứa đựng một nghĩa thiêng liêng nào đó. Má đem chôn mớ tóc ở góc vườn, coi như giã biệt cái ải trần ai đày má tới gần hết đời người. Cắt mớ tóc trần ai để đổi một hy vọng (dù là tưởng tượng) cũng là xứng đáng. Còn tóc trinh của Dung bị cắt đi đem bán đơn giản chỉ vì đói. Đời nhiều khi tàn nhẫn thế. Sự tổn thương đến thường xuyên và lâu dài đến mức rồi đến lúc người ta cảm thấy bình thường.
Ba điện thoại gọi Dung về, má bịnh nặng. Dung hỏi má bịnh bao lâu rồi sao không cho Dung hay? Ba biểu má không cho, nói để Dung yên dạ làm việc, má thương Dung một mình làm sao yên ổn giữa Sài Gòn rộng lớn. Ba thấy má mệt dữ lắm rồi mới lén ra sau hè gọi điện cho Dung. Dung xin phép về ngay, không kịp về phòng trọ xếp đồ. Sự bồn chồn lo lắng khiến Dung cuống. Tính gọi điện cho Cường nhưng rồi thôi, dù đã lướt qua dãy số điện thoại của Cường. Cũng chẳng cần báo để làm gì khi chính Dung mấy tháng trước đã bảo Cường đừng tìm Dung nữa.
Nhưng má không nói được nữa. Hơi thở đã dừng. Má nằm im lìm. Bộ bà ba phẳng phiu. Nét mặt muộn phiền cam chịu ám ảnh. Ba gục đầu nói nhỏ: “Má bây không đợi được. Bả đi khi ba vừa gọi cho bây. Bả dặn ra góc vườn đào mớ tóc của bả lên, nhét vô hòm cho bả”.
Dung run rẩy nâng mớ tóc trần ai của má. Trời ơi, kỳ lạ, nó còn mượt và thơm dầu dừa. Má gói lọn tóc bằng mấy lớp vải rồi bỏ vô cái hộp, cái hộp được quấn mấy lớp bọc… Như một nghi lễ… Dung áp mớ tóc vào ngực rồi đem đặt bên má. Vậy là cuối cùng mớ tóc trần ai má cũng muốn đem theo không bỏ được. Ba đứng chết trân nhìn mớ tóc của má, lần đầu tiên Dung thấy ba khuỵu xuống quỳ lạy má, nắm lấy bàn tay đã lạnh cứng của má mà xin bà tha lỗi. Cả đời má có lẽ chỉ lúc này, khi má không bao giờ có thể cảm nhận bất cứ điều gì mới nhận được lời xin lỗi từ ba. Đột nhiên, kỳ lạ như mái tóc má cắt chôn cả chục năm còn thơm mùi dầu dừa, Dung nhận thấy khuôn mặt má giãn ra, thanh thản…
Lần đầu tiên, sau tám năm rời bỏ Cần Thơ, rời bỏ ngôi nhà của má, ngay giữa lúc đau thương ngập tràn, Dung cảm thấy mình không cần phải đi đâu cả, dòng sông Hậu tuy có lúc dữ dằn nhưng vẫn trọn vẹn yêu thương, bao dung để đón những kẻ muốn trở về, như ba, như Dung…
Điện thoại rung lên liên tục, giọng Cường nói nhanh không ra hơi: “Anh tìm em khắp nơi và đã biết chuyện. Anh đang trên đường về Cần Thơ tiếp em lo tròn hiếu sự cho má. Em bình tâm…”. Dung bưng mặt khóc, mớ tóc lòa xòa rơi, Dung thảng thốt… Tóc trần ai đã kịp dài thay thế cho mái tóc trinh Dung bán đi từ dạo nọ… Sóng dưới dạ cầu Bình Thủy cồn lên. Ba vẫn quỳ, nắm lấy tay má, không rời… Ngủ trên vai Huệ.
“Tiễn anh mây trắng về trời
Ru anh giấc ngủ à ơi say nồng…”.
Tôi sắp chết. Nó đến với tôi rất rõ ràng và mau chóng. Tôi thường xuyên mơ thấy đám ma của mình. Nước trói tôi lại. Mây xé tôi ra. Thiên đường và địa ngục bấn loạn. Tôi nói với Huệ, vợ tôi, mang hết tất cả các tấm kiếng đi, tất cả những thứ có thể soi được cũng không để lại. Khi kiếng phản chiếu hình hài tôi, tôi ghê sợ, hoảng loạn. Trước mắt là một xác thân bị rút đi từng múi thịt, da trong như nước, hai hốc mắt to tướng đựng con ngươi lờ đờ như mắt cá chết.
Tôi đón nhận nó, cái chết, không dễ dàng và thanh thản như kinh thánh đã ghi, như Đức Phật đã dạy. Tôi sợ hãi, kinh hoàng, đau đớn không hiểu vì sao một người như tôi: khỏe mạnh, sống tích cực, lương thiện, gia đình tôi đang hạnh phúc lại phải đếm lùi từng ngày để về cõi không màu.
Có ai trả lời cho tôi không?
Máu từ miệng tôi phun ra văng lên áo, lên mặt vợ tôi. Em nhẫn nại, chịu đựng và đau khổ.
Những chiếc giường bên cạnh tôi trống dần. Phòng K giai đoạn cuối người ta không nói chuyện bằng lời mà lên tiếng với nhau bằng mắt xuyên qua đám dây nhợ lằng nhằng trên người. Từng người một trong phòng này lần lượt đi, họ sẽ không bao giờ trở lại. Đêm nào tôi cũng mơ thấy họ, họ vẫy tay bảo tôi bay lên. Tôi lắc đầu từ chối, họ lao đến kéo tôi vào một đường hầm dài hun hút khi đến bờ sông thì Huệ khiến tôi tỉnh dậy. Bao giờ cũng vậy, khi đến bờ sông. Bàn tay em lau khăn nóng lên cơ thể tôi, mồ hôi em tứa đầy.
Đau. Hàng ngàn con dòi đục khoét xương tủy tôi. Hàng trăm nhát dao đâm thịt sống bén ngọt. Máu… Trời ơi, máu tươi phun xuống sàn. Thanh giường như thể bị tôi vặn chéo. Huệ ôm ghì lấy tôi, tôi hất em ra. Rã rời… tôi muốn cái chết đến ngay tức khắc.
- Moóc-phin đâu. Anh không chịu được nữa!
Huệ tự tay tiêm thuốc mà không gọi đến bác sĩ. Em nhìn tôi như van lơn. Con gái nhìn ba thất thần, lặng im rồi khóc thét. Con tôi đang đứng trên vũng máu của ba nó. Nó sợ…
- Về nhà mình đi em! Về nhà…
Giấc ngủ đến, cơn đau chơi trốn tìm. Huệ ngồi im để tôi tựa vào. Không có hơi thở của Huệ tôi khó yên giấc. Tôi không kịp nhắc vợ đừng để con nhìn thấy ba nó những lúc này.
Cánh đồng gió. Những mảnh ruộng nhỏ như ô cờ xanh ngát ngô, khoai. Chiều. Mây thả từng chùm xám ngắt. Mùa đông. Lạnh. Tôi bảo em đừng ngồi ngoài đê nữa về đi. Em bảo gió không làm em đau bằng những cơn đau của mẹ. Nhìn mẹ như thế, em chết mất. Mẹ ung thư thận giai đoạn cuối muốn về với bà ngoại xa nơi mẹ ở hàng ngàn cây số. Em muốn ngồi ở đây, nơi gió để thấm đầy cái tê tái, được khóc, những giọt nước mắt em không cho phép chúng rơi ra trước mặt mẹ.
- Chúng mình cưới nhau nhé!
- Anh quyết định thế? Không hối hận gì ư?
- Yêu nhau, cưới nhau sao hối hận?
- Đêm qua mẹ đã nói gì với anh?
- Anh xin phép mẹ cho anh cưới em. Mẹ đồng ý.
Em gục vào lòng tôi. Vai run lên. Chúng tôi ngồi ngay thềm gió. Tôi ôm em, nhỏ nhắn, mềm mại, ấm áp. Không biết em là cái xương sườn thứ mấy của tôi? Có phải chiếc thứ bảy như truyền thuyết? Hay Huệ là chiếc xương sườn thứ sáu nằm gần tim tôi. Đêm qua, những tiếng đứt quãng giữa những cơn đau mẹ nói với tôi: “Huệ giấu bệnh cô. Nhưng cô biết mình sắp đi về với tổ tiên ông bà. Khi con Minh chưa biết đọc chữ, Huệ chưa biết đi còn thằng Tùng bằng cái nút áo trong bụng thì cha chúng nó đã bỏ mấy mẹ con cô đi cưới người đàn bà khác làm vợ. Hiệp yêu Huệ mà lặn lội đến nơi này cũng là quý. Hai đứa cưới nhau đi, con gái có thì, đội tang mẹ ba năm mất cả tuổi xuân. Mai mốt Huệ có cãi chồng, con đừng đánh mà chỉ mắng nó thôi. Đừng để nó như con Minh…”. Mẹ nằm trên chiếc nệm nước, gương mặt hầu như không động đậy, chỉ có đôi môi khẽ mấp máy và lời nói như phát ra từ tim. Từng nhịp thiêng liêng từ thân thể mẹ đã nằm bất động gần cả năm.
Chị Minh và em Tùng ra Bắc. Chị gầy như nhánh cây khô. Chị lau rửa, tắm táp cho mẹ. Chải tóc thắt bím, bế mẹ vào lòng nhè nhẹ ru hời như người ta ru một đứa bé khó tính lười ngủ. Mẹ ngủ, lỏng một vòng tay ru của chị. Huệ chạy ra vườn tức tưởi khóc:
- Em chỉ có mẹ thôi. Chưa ngày nào mẹ sướng… Tại sao lại như thế được hả anh? Tại sao ông ấy nỡ đánh chị Minh khi chị ấy cầu xin ông ấy về nhìn mặt mẹ lần cuối? Tại sao ông trời bắt mẹ phải như thế này…
Tôi không biết trả lời những câu em hỏi. Đứng lặng im, bên em. Tiếng ru mẹ ngủ của chị Minh vọng ra ngoài gió, buồn đến mức mấy nhành hoa bưởi héo sầu cụp cánh rụng: “Hò... ơ... Đến Phú Tân mà tưởng đâu Cái Nước/ Giữa ruộng đồng con nước cứ mênh mông/ Người ta ở lại cùng sông/ Quen con nước lợ... Hò... ơ... quen con nước lợ mà không lên bờ....” Chị Minh đem cả Phú Tân, Cái Nước về cho mẹ. Những ngày người đàn ông đáng lẽ sắp làm ba vợ tôi mang mẹ từ Kinh Bắc đến Cái Nước, Phú Tân lập nghiệp và sinh ra chị Minh, em Huệ, em Tùng vì chút nghĩa chồng vợ mà đến nơi này nhưng ông ấy như đám mây trên trời, nhìn thấy đấy mà không sao với tới.
- Hai đứa chuẩn bị gì chưa? Ngày mốt cưới… Làm mấy mâm tròn mời bà con ruột thịt…
Chị Minh đứng phía sau hai đứa tôi hồi nào không hay.
- Dạ rồi, chị.
- Ba mẹ Hiệp có ai ra không?
- Đường xa, tuổi già sức yếu ba mẹ không ra được nhưng đã giao lại cho cậu Đạt ở Hà Nội ngày mai xuống nhà bà thưa chuyện.
- Ừ, thế cũng được. Huệ coi mẹ. Chị đi sắm sửa vài thứ cho hai đứa… Huệ, đừng khóc nữa, phải cười chứ… Cười cho mẹ thanh thản, em thanh thản. Ai rồi cũng về cõi vô thường, đừng oán trách nữa…
Đám cưới tôi và em đơn giản nhưng đủ đầy như bất kỳ đám cưới nào trên thế gian này. Có lễ đưa dâu, đón dâu, yết cáo gia tiên, lễ tơ hồng. Em mặc áo dài màu tím Huế khoác áo bông. Tôi mặc véc tông của cậu Đoán vừa vặn. Bà ngoại da trổ đồi mồi, tóc cước bạc lúc trao quà cưới cho vợ chồng tôi lần cái ruột tượng quấn quanh người lấy ra chiếc nhẫn vàng:
- Bà có chút này. Hai cháu ăn ở thảo hiền răng long đầu bạc cho mẹ mày nằm kia bớt tủi hận.
Nói rồi bà chống gậy đến chỗ mẹ nằm. Mẹ cười, nước mắt bật ra như hai giọt sương. Đêm tân hôn, em nằm bên mẹ, dưới chiếc chiếu được trải dưới nền xi măng bên chiếc chõng mẹ nằm. Tôi nằm cách em một nửa tấm chiếu đôi. Mùa đông xé thịt, ngấm vào mấy lần chăn ấm. Tôi nắm tay em siết nhẹ. Lần thứ hai tôi hiểu thế nào là ngôn ngữ nhịp đập. Em còn thức nghe tiếng thở của mẹ, khó nhọc, ngắt quãng. Chị Minh ẵm mẹ nghẹn ngào ru: “Hò ơ... đời người ta ví như hoa như cỏ/ Tuổi mẹ xế chiều như đèn treo ngọn gió lắt lay/ Mẹ về với kiếp cỏ cây/ Chứ nhân gian cõi tạm à... ơi... nhân gian cõi tạm sum vầy hiệp tan...”.
Bà ngoại chống gậy ra ngoài sân thắp nhang. Các cậu chong đèn điện ngoài hồi. Vợ chồng tôi ngồi dậy. Huệ cắn chặt môi, nắm lấy tay mẹ đang lạnh dần. Chị Minh vẫn ru, tay ẵm mẹ, lưng dựa vào vách…
Rồi mẹ tôi đi trên tay chị Minh, lúc hai bốn giờ. Đêm ấy gió. Mưa rây bột. Trong phút cuối ấy, tôi thấy mẹ mỉm cười. Suốt một năm ròng rã mẹ chưa cười. Hôm ấy mẹ đã cười đến hai lần. Chị Minh đặt mẹ xuống chõng, thay cho mẹ bộ bà ba lụa trắng ru mẹ lần cuối: “Hò ơi... chớ cọng rau răm ngàn năm ở lại/ Đợi làm chi cọng cải bạc tình/ Người ta đâu có thương mình/ Đắng cay ở lại à... hò ơ... đắng cay ở lại chung tình ra đi” rồi gục xuống. Dì Hiệp ẵm chị vào giường vừa bóp dầu cho cháu vừa khóc chị mình. Huệ ôm mẹ, em bật khóc thành tiếng. Bao nhiêu tủi hờn vỡ ra rồi tụ lại tiếng khóc của em. Em ngừng khóc, đem tất cả quần áo mẹ ra ủi tới ủi lui, xếp đi xếp lại, em nói một mình: “Lâu lắm mẹ không mặc những bộ quần áo chúng con may. Con ủi cho mẹ mang về bên ấy…”. Bà hát chầu văn bên giường mẹ. Tiếng bà hát như tiếng khóc khan thay cho hốc mắt hơn tám mươi tuổi đã không còn giọt nước nào rơi ra nữa sau bao nhiêu chồng chéo khổ sở, buồn phiền, vất vả. Các cậu mợ người đi đón nhà sư, người lo tang chay. Tảng sáng, trời còn mưa. Tôi tìm cây tre dài, tấm bạt làm mái che hiên.
- Trời ơi, Hiệp con ơi. Ai cho con dựng rạp…
- Con làm được mà. Để lát mọi người vô phúng điếu không gặp mưa.
- Xuống ngay, người ta kiêng con đẻ, dâu, rể dựng rạp đám ma cho cha, mẹ. Sao không ai nhắc nó vậy trời?
Bà ngoại lật đật ra sân gọi tôi xuống. Mợ Sáu bảo tôi vào lạy mẹ chín cái rồi ra bàn thờ tổ cúng lạy tạ xin vía lành ở lại vía dữ đi ra, đừng kéo người tóc xanh. Tôi vào thắp hương cho mẹ nhìn vào đôi mắt hiền lành nhân hậu của mẹ, tôi yên lòng. Mẹ thương con không hết lẽ nào bắt con đi… Người ta đưa mẹ ra đồng vào sáng hôm sau. Chị Minh và Tùng lầm lũi đẩy xe tang. Mưa đủ ướt đầu ngọn cỏ. Cánh đồng gió chỗ tôi và Huệ ngồi hôm trước giấy vàng rắc thê lương. Huệ thét gọi mẹ lồng lộng bạt gió. Tiếng thét của em đứt đoạn, vang xa mấy cánh đồng. Thả nắm đất cuối cùng lên mộ mẹ, tôi bật khóc theo Huệ. Tôi thấy mẹ đi giữa võng lọng cờ xí vẫy gọi tôi. Tôi bước theo, đến gần bờ sông.
- Hiệp… Hiệp ơi thức dậy đi anh… Mình gần về đến nhà rồi…
Là tiếng của Huệ. Tôi đã mơ trên vai Huệ tự lúc nào chuyện của ba năm trước khi tôi cưới Huệ và mẹ vợ tôi mất.
- Anh đã đến bờ sông. Nếu em không gọi anh đã bơi trên dòng sông ấy.
Huệ không nói gì, chỉ bóp tay tôi nhè nhẹ, em thấm ướt chiếc khăn lau mặt cho tôi. Bình Yên (con gái tôi) đang say ngủ.
- Gần về tới nhà rồi à? Mình đi về nhà lúc nào sao anh không nhớ!
- Mình đi từ chiều qua. Chắc anh mệt nên quên…
- Ừ, anh đã mơ một giấc dài…
Cuối cùng tôi đã về được nhà. Nhiều người ra đón, người xách hành lý, người bế Bình Yên. Chị Minh ẵm Thuận An (con trai tôi), tôi đưa tay đón con, nó khóc thét lên. Tại hình dáng như một sinh vật đột biến, da vàng vọt, người xương xẩu, mặt chỗ nhô ra chỗ thụt sâu của ba nó hay tại mấy tháng Thuận An bén hơi chị Minh quên hơi ba mẹ?
Đau. Từ xương tủy. Từng mảng thịt như bị bấu xé rứt ra… Bóng mọi người quanh tôi nhòa đi. Tôi nghe tiếng kêu hốt hoảng của ba mẹ tôi, tiếng khóc của Thuận An, tiếng chân chạy ngang chạy dọc. Loáng thoáng tôi nghe tiếng Huệ, em an ủi ba mẹ, dỗ Thuận An và xin tiếp mọi người vào lúc khác. Em ôm siết lấy tôi, cơn đau không dịu đi, nó đày ải tôi, chà nát tôi. Nước mắt Huệ rơi ấm lưng tôi, những giọt tứa ra từ sự chịu đựng của em có tác dụng như moóc-phin khiến tôi giảm đau và muốn ngủ trong hơi thở của Huệ, trên vai em…
- Chiều nay khi tỉnh dậy. Anh sẽ buộc lại hàng rào cho em trồng rau. Có mấy tháng mình đi hàng rào mục cả rồi, như vườn hoang…
“Tôi thấy mình nằm đó, trên giường i-nốc lạnh toát. Hằng giờ. Một cái ống cao su thật dài thọc sâu trong bao tử. Tiếng một vị bác sĩ kêu lên: “Không lẽ mình nhầm!”. Áo blu trắng quay sang bảo tôi: “Cậu nằm im đây, chờ tôi một lát”. Tôi chưa bao giờ có cảm giác lạnh như lúc ấy. Lạnh, tiếng lách cách thu dọn dụng cụ trong phòng nội soi bao tử. Lạnh, tiếng bước chân ra vô. Lạnh, tiếng trao đổi rất nhỏ dù cố gắng nghe tôi vẫn không nghe thấy. Một vị giáo sư tóc cước thay thế cho vị bác sĩ trẻ. Im lặng. Ống cao su nội soi làm tôi ói. Máu. Một đám nhỏ. Trong cái bụng rỗng của tôi chắc chỉ có dịch, cà xát cái ống cao su tới lui nên xuất huyết. Chắc vậy! “Cậu nằm im đây, chờ tôi”. Thay vị trí đọc kết quả là một bác sĩ người nước ngoài. Họ trao đổi bằng tiếng Anh. Gần một giờ là số thời gian tôi nằm trên chiếc giường i-nốc và ba vị bác sĩ đọc kết quả nội soi. Nói chuyện với tôi là vị giáo sư tóc cước:
- Cậu phải bình tĩnh. Chúng tôi nội soi dạ dày nhuộm màu bằng indigocarmin, nội soi phóng đại (magnifying endoscopy) và hệ thống hình ảnh băng tần hẹp (narrow banding imaging system - NBI) phát hiện những khối u, vết loét rất dài trong dạ dày của cậu. U lành hay u ác còn phải chờ kết quả sinh thiết tổn thương. Ba ngày sau cậu trở lại.
Huệ gọi điện hỏi tôi bệnh ra sao. Tôi đã cười rất nhẹ rằng tôi không sao, chỉ có một vết loét không đáng kể như hàng ngàn cái bao tử của dân miền Tây ăn uống bằng thứ nước phèn đóng vàng cả móng chân, quần áo. Em nói từ Sài Gòn lên Lâm Đồng một trăm năm mươi cây số, tôi lên nhà dì Hòa chơi, dì ấy nhắc, mấy năm vất vả rồi giờ không bệnh tật gì thì mừng lại có chút tiền tăng giờ cuối năm nên cho phép mình đi chơi một chuyến, sẵn dịp mua ít măng tươi cùng lá nhíp. Lát sau Huệ lại gọi. Em nói tôi đừng có giấu gì em, nghe giọng tôi, em biết, có cái gì đó cười gượng, có gì đó cố gắng nhưng vẫn nghẹn lại. Tôi không kìm lòng đặng, kể với em về khối u, vết loét và ba ông bác sĩ. Tôi nghe qua sóng điện thoại có tiếng nấc của em. Ắng nghẹn, bàng hoàng. Hai mươi bảy tuổi, tôi còn nhiều việc để làm. Tôi yêu vô ngần chiếc xương sườn thứ sáu của tôi, em đã sanh cho tôi hai đứa con, ba mẹ tôi già yếu chưa ngày hưởng phúc, dưới tôi còn hai em trai đang đi học, nhà tôi chưa xây. Còn quá nhiều việc tôi chưa làm.
Huệ lên Sài Gòn ngay với tôi đêm ấy. Ba ngày sau trên tay tôi là tấm giấy kết án: “K dạ dày”. “Trời ơi… trời ơi… trời ơi… Tôi còn trẻ. Không thể K bao tử. Không thể… không thể…”.
Tôi nghe tiếng Huệ gọi. Tôi đang chiêm bao chuyện mấy tháng trước hay đây là cõi thực? Máu! Trời ơi máu tràn cả mặt nhà. In lên gương mặt của Huệ, nhuộm đỏ Bình Yên và Thuận An. Sao lại nhiều như thế này? Mùi động vật chết bốc lên. Đôi mắt của ông cụ ung thư xương nhìn như thôi miên. Tiếng cười điên dại trong cơn đau của cô gái tóc rụng từng mảng vì xạ trị ung thư tử cung. Tiếng khóc của má tôi khi người ta quyết định xả mặn vào ruộng. Ba tôi như con rùa im lặng, bước đi đều đặn, cam chịu, ngợp mặn. Ba đứng giữa ruộng chống cuốc kêu trời khi không cách nào cứu nổi mấy trăm cây dừa thọt ngọn héo rũ, trơ cái thân xù xì cô độc giữa ruộng đồng. Mẹ vợ tôi nhìn tôi bằng đôi mắt nhân hậu, người khóc… Những giọt như sương. Tiếng gọi thất thanh của bà ngoại: “Ai cho con bắc rạp Hiệp ơi…”. Và tiếng thét của Huệ lao xuống vực, dội ngược thác xé ngực tôi.
- A… Không… Huệ ơi…
Khăn ấm Huệ lau. Mớ âm thanh, hình ảnh, đặc quánh ban nãy giãn ra, rồi mất hẳn theo bàn tay dịu dàng của em. Tôi trông thấy nước mắt Huệ nhỏ xuống thau máu tôi vừa ộc ra.
- Ba…
Thuận An bập bẹ kêu. Thằng bé quen hơi, quấn ba. Tôi mỉm cười. Tôi hôn hít nó. Khắp mọi nơi. Thuận An giống tôi như nặn hai cục bột để bên. Nó ở với chị Minh khi mới tám tháng. Nghe Huệ kể Thuận An quấy khóc chị Minh ru không được đành cho nó bú khan, chừng ba tuần thì tự nhiên ngực chị có sữa. Thuận An ngoan, đêm không đòi mẹ Huệ mà bám sát rạt mẹ Minh.
- Ba ơi, tối đưa con đi sẩy ngựa heng! - Bình Yên thỏ thẻ.
- Con, ba đau… Mai mốt ba khỏi, ba đưa con đi, nghe… Nghe con.
- Biết bao giờ ba khỏi?
- Sắp rồi con. Con thấy hông, ba mập hơn bữa trước nè… Ba sẽ đưa con đi Lâm Viên tuốt trên Cà Mau luôn đó… Nghe…
Em dừng tay quạt than nấu thuốc nam của một ông thầy ngoài Quảng Ngãi để năn nỉ con. Một ngày tôi phải uống bảy chén thuốc. Thứ lá sim, chà là, trâm rừng, dẻ, muồng… mọc đầy trong khu rừng còn sót bom đạn thành thứ thuốc nam rất rẻ. Mỗi lần rót cho tôi chén thuốc, Huệ đều đem lên bàn thờ cúng vái, tàn nén hương mới đem xuống. Tôi đang uống niềm tin? Tôi đang uống cho Huệ? Đường hầm sâu hun hút, tối om không lối thoát, tôi ngạt thở… Không được, tôi phải thở, phải bước tiếp. Có thể trong chuỗi đau đớn tột cùng kia bắt nguồn cho một cuộc sống mới…
- Nhưng con muốn ba đưa con đi tối nay, ba nghen.
Bình Yên dụi dụi mái tóc được cắt ngắn tròn như quả bóng vào ngực tôi.
- Được rồi, tối nay ba sẽ đưa con với Thuận An đi nghen.
- Anh…
- Em yên tâm, giờ thì anh thấy khỏe đến mức có thể ẵm cả em và con đi bộ một vòng thế giới kia.
Huệ cười. Lâu rồi tôi mới thấy em cười tươi như vậy, lòng tôi chợt ấm. Vừa lúc đó, ba má tôi từ dưới ruộng lên thăm. Má nhìn tôi khóc mòn.
- Thịt da con tôi đi đâu hết rồi, Hiệp ơi.
- Bà này kỳ nghen. Lên thăm nó hay để nó lo buồn chộn rộn? - Ba tôi la má.
Ba lấy cây đờn cò ra kéo. Thuận An toét miệng cười. Bình Yên sớ rớ đứng ngó ông nội. Âm thanh trong suốt, êm dịu khiến tôi phấn chấn. Tôi biểu ba cho tôi mượn cây đờn cò kéo vài bản. Tôi kéo khúc xuân nữ, má tôi đang dọn vườn ở ngoài bước vô ngồi bên ba. Huệ ôm hai con lên võng… Khúc bi ai, não nùng vừa ngân dây đàn đứt phựt. Buông thõng cây đờn… Huệ thảng thốt nhìn theo cây đờn rơi xuống sàn nhà. Má tôi bưng mặt chạy ra đầu hồi. Ba thủng thẳng nói:
- Má sắp nhỏ ngộ ghê tơi. Dây đờn cũ dữ tui quên thay thì nó đứt, can chi.
Tối, tôi cùng Huệ dắt hai con đi sẩy ngựa. Bình Yên bận váy hồng chị Minh mua bữa trước nhìn lũn cũn đáng yêu như một con búp bê. Huệ bận chiếc áo màu tím, màu tôi thích. Chiếc áo mới năm ngoái tôi mua cho em còn vừa vặn năm nay đã rộng thênh. Em lọt thỏm trong chiếc áo rộng. Huệ gầy đi nhiều quá… Em chẳng một lời than van, chẳng khi nào khóc trước tôi. Giá có hai kiếp sống tôi yêu em và con cũng chưa đủ. Nhìn phố xá người qua, kẻ lại tôi bỗng nhận ra cuộc sống trôi theo một dòng chảy thời gian chẳng bao giờ dừng lại cho con người ta làm hết những việc chưa kịp làm. Nhà tôi ngập nước, vài cây cột mọt ăn rỗng ruột, vườn đằng trước má mới dọn hồi chiều trơ bãi đất trống. Cây đờn cò chắc ba đã mua dây mới để thay, ngày mai tôi sẽ đờn một bản xôm xôm lau nước mắt cho má… Tôi thèm sống hơn bao giờ hết. Tôi yêu cuộc sống này quá…
***
Lời người viết:
Đây không phải là câu chuyện của tôi. Tôi chỉ chép lại giúp Hiệp…
Đêm hôm ấy, Hiệp tỉnh táo, không có vẻ gì đau đớn. Em uống hết chén thuốc thứ bảy trong ngày. Nói Huệ hãy ngồi bên, Bình Yên và Thuận An ngủ ngon lành bên ba. Hiệp tựa vai Huệ, ba kéo đờn cò trong như tiếng mưa đêm, má ca bản Hạ…
Hiệp đi rất nhẹ nhàng, thanh thản trên vai Huệ. Hai em ăn ở với nhau được bốn năm, bốn tháng, bốn ngày.