Mợ Ba, sao mợ làm được cái chuyện thất đức đó? Trời ơi, hai chục năm qua mấy mươi con người từ già tới trẻ trong cái dòng họ này ai cũng nhìn lầm mợ. Sao mợ không đeo cái mặt nạ nhơn đức của mợ cho tới chết đi?
Lan ôm mặt khóc hưng hức. Tại sao người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu dường ấy lại trở nên tham lam đến kinh sợ đến vậy? Ba của Lan nằm bất động, nước mắc ầng ậng khó khăn lắm mới bật ra một hai tiếng biểu Lan đừng nói thêm gì nữa, nhiêu đó thôi.
- Thiệt tình nếu chồng tui không đau nặng tui đâu có về đây nhờ má. Bốn chục công đất đó có mồ hôi nước mắt của tui mà mợ. Hồi ba mất cũng nói chia cho tui mười công… Tui tính không lấy nhưng giờ khó, tui cần…
Má bấu lấy cái áo nghèn nghẹn, mặt vẫn cúi xuống. Bà ngoại dộng cái gậy tre xuống nền nhà ngoảnh về phía mợ Ba.
- Sao bây tham vậy vợ thằng Ba? Bây có biết bốn chục công đất đó thấm máu của chế Hai bây nữa không? Bây coi đi, anh Hai bây nằm đó mà bây chiếm hết đất sao đành. Ông ơi là ông, ông có linh thiêng về đây mà coi dâu hiền dâu tốt của ông nè…
Bà ngoại đấm ngực ngước lên trang thờ. Ngoại khóc thành tiếng nhưng không có nước mắt. Chân ngoại muốn khuỵu xuống. Cậu Ba chạy tới ôm ngoại nói trong tiếng khóc:
- Con lạy má, lạy chế Hai, để đó từ từ con tính. Lỗi tại con hết… Má đừng có như vậy nữa, lỡ có bề nào con làm sao gánh nổi?
Nãy giờ mợ Ba đứng nín thinh, không có phản ứng gì. Thấy cậu Ba nói, mợ thảy cái cười sắc như lá lúa:
- Tui chưa có tính thất đức, mấy người làm quá tui làm cho tròn ý mấy người. Má ơi, ba má đem trầu cau qua cưới hỏi con đàng hoàng mà má trách ai? Chế Hai đi lấy chồng rồi thì cớ gì về đòi chia đất mà biểu nhìn lầm tui? Tui không cần biết ba cho chế bao nhiêu công đất nhưng đất đó đứng tên tui là của tui. Bộ hơn hai chục năm qua tui sung sướng lắm sao? Để có được bốn chục công đất đó tui đã khổ sở hầu hạ hết người này tới người kia mấy người còn đòi hỏi gì nữa?
Mợ Ba phá lên cười như ma nhập. Tiếng cười cắm phập vô lỗ nhĩ cả thảy năm con người yếu thế rồi chợt ngưng lại khi mắt mợ lia qua ba nhưng nhanh lắm, chừng mấy giây.
- Mấy người ở đó lo diễn đi héng! Tui mắc đi gom tiền mướn vuông.
- Vợ thằng Ba! Bây dám!
Ngoại la lên bất lực. Cậu Ba túm lấy ngực thể như đau, như ai đó thò tay móc tim cậu. Tiếng ngoại la không bén gót mợ mắc vô cây cột cái bật trở ngược trúng vô cậu Ba. Má bưng chén thuốc nam quẹt nước mắt đút cho ba từng muỗng, nói với ba những câu dịu dàng như thế trước đó không có gì xảy ra. Nhưng Lan biết, lòng má đầm đìa như đang đút nước mắt cho ba uống.
Lan nhìn theo bóng mợ đi hút sau rặng dừa. Muốn nói với ngoại và cậu Ba một câu gì đó nhưng lại thôi. Cô nhắn tin cho chồng: “Anh coi rút hết bảo hiểm của anh với Bin rồi mang qua Trần Văn Thời cho em nghen. Má tính đưa ba đi Sài Gòn. Anh gởi Bin qua cho bà nội ít ngày nghe…”. Lan đứng dậy ra sau bếp nấu cơm. Trưa trầy trưa trật. Củi ướt khói mù mịt cay xè mắt.
***
Ông bà ngoại không phải là người cố cựu ở Cà Mau. Ngoại kể hồi ở Quảng Ngãi cực quá, lúa khoai không lên nổi ở mảnh đất “chưa nắng đã khô chưa mưa đã ngập” nên cả xóm rủ nhau gánh gồng đi tìm vùng đất mới. Má của Lan đâu có một tuổi mấy, ngoại bỏ vô một bên thúng, một bên để khoai lang, khoai mì với cơm khô, gạo rang làm thức ăn đi đường. Đoàn người đi bộ, mệt thì nghỉ, đêm tối căng miếng vải dù lượm được của bọn phi công Mỹ quăng bỏ để ngủ. Hai tháng ròng vẫn chưa tìm được đất không chủ đủ rộng để cắm lập làng, đoàn cũng vơi đi chừng chục người vì bệnh tật, vì rắn độc cắn chết. Tới Minh Hải đất đai mênh mông, bắt ham. Đoàn người mừng quýnh đốn cây, xới đất, be bờ, ươm mầm, gieo hạt lập nên xóm Trung, cái xóm không có người dưng. Xứ mới, bùn lầy sông nước làm lụng không sợ mà sợ bọ mắt, muỗi chạng vạng là đổ ra quơ được. Chỉ cần bận tay chút xíu quay lại vuốt máu nhớt người. Có rẫy có nương rồi cũng không yên với bầy khỉ. Khỉ lóc nhóc vô phá, ông ngoại đuổi đầu này khỉ bu đầu kia. Hồi đó đất đai không có chủ, ai cắm nhiêu thì cắm, mặc sức làm. Bà ngoại ham việc để má nằm trong cái cũi tre trọi trơ, bầy khỉ đói, ăn hỗn, hung ác cắn nát mấy lóng ngón tay của má. Ông ngoại run rẩy bẻ đám cỏ nước mặn nhai rịt máu cho má. Ông ngoại thề giết chết bầy khỉ hỗn. Từ đó bà ngoại không đi đâu xa, loanh quanh đám đậu, đám rau gần nhà. Má lớn lên nuột nà như bông bưởi nhưng đi đâu ai cũng mắc mớ nhìn vô bàn tay phải có ba ngón cụt ngang.
Nghe nói ông bà ngoại khẩn hoang cỡ sáu bảy chục công đất gì đó. Sau thì chia bớt cho mấy cô chú ngoài quê mới vô đặng đỡ cực. Hồi đó, đất đai hiền khô, người ta còn có thể làm quà tặng nhau vài công còn được chớ không như giờ, loạng quạng tranh chấp vài phân đất chết người như chơi, tình nghĩa lúc đó như bèo như bọt.
Cậu Ba nhỏ hơn má chừng mười tuổi. Không phải bà ngoại đẻ thưa mà sanh tới đâu thì “bỏ” tới đó, trên cậu còn có người cậu khác, cỡ hơn một tuổi thì bị tiêu chảy, ông bà ngoại ẵm chạy cấp kỳ gần ba chục cây số đường rừng đến trạm xá thì đã lạnh ngắt. Bởi vậy khi sanh cậu Ba, ông bà ngoại kỹ dữ lắm, mà cậu cũng hiền như cục bột, thẩy đâu nằm đó, chớ hề có tiếng khóc cũng không bệnh hoạn gì. Năm mười bảy tuổi rưỡi, cậu Ba yêu một cô cùng trường cấp ba, ông ngoại không ưng bởi cổ có cái tướng sát phu mà ông thì chỉ có ên cậu Ba lo hương hỏa. Buồn dữ lắm, cậu nằm trên ván thở hắt ngó mông lung ra ngoài nhưng không dám cãi ông. Mười tám tuổi tròn, cậu Ba lấy mợ Thúy hơn cậu hai tuổi. Mợ không đẹp nhưng nức tiếng giỏi giang, hiếu thuận, trọn nghĩa.
Mà thiệt, một tay mợ lo trong ngoài, từ ngày có mợ, ngoại rảnh rang ngồi ăn trầu nói chuyện với hàng xóm khoe con dâu, ông ngoại thảnh thơi uống trà chơi cờ với bạn già. Ruộng rẫy, vuông bọng đã có cậu, bếp núc vườn tược rau rác, cá mắm đã có mợ lo. Mỗi bận ba má về thăm ngoại, mợ đổ bánh cóng, bánh xèo, má bẻ rau vườn, rủ nguyên xóm tới ăn vui hết chỗ nói. Mợ hạp với má, tối ngày rầm rì chuyện con cái, má yên tâm ngoại đã chọn được dâu thảo, cậu Ba lấy được vợ hiền. Còn mợ mừng cho má lấy được chồng đường hoàng, tử tế lại thương vợ hết mực. Tạng ba thư sinh, yếu nhớt, mợ thấy tội lâu lâu mần tôm kho tàu, thịt kho gởi qua cho ba bồi dưỡng. Ngày má sanh Lan, ba còn mắc học làm thầy giáo ở Cần Thơ không về kịp, bà ngoại rước má về chăm sóc. Đờn bà đẻ con so phải ở phòng kín đúng một tháng, sinh hoạt ăn uống thứ gì cũng trên giường, kiêng khem đủ ba tháng mười ngày, một tay mợ Ba lo lau rửa xông hơ đổ bô cho má với Lan. Lần đầu tiên thay băng cho má, mợ nhìn thấy nhiều máu quá ngất xỉu. Bởi mợ Ba chưa sanh nở lần nào, thấy máu mợ choáng. Hồi đó đờn bà đẻ không gọn như giờ, lót bằng vải mùng đặng giặt đi giặt lại xài hoài. Mợ giặt đỏ nguyên khúc sông, vừa giặt vừa khóc, ngoại tưởng mợ còn sợ biểu để đó đi có gì ngoại giặt cho. Mợ nói không phải mợ sợ mà thương chị Hai, thương cái kiếp đờn bà mang nặng đẻ đau khổ sở biết chừng nào mà nói. Giờ mới biết thương má ruột, má chồng. Ngoại nghe mợ nói kéo vạt áo chậm chậm mắt. “Chèng ơi, nó không do mình sanh nở mà tình cảm như con gái ruột vậy” - Ngoại nói với má như vậy. Má nhìn qua khe liếp thấy mợ lui cui xào nấu tóc mai bết vô trán má nói bâng quơ: “Nó giỏi giang dễ thương vậy đó mà cậu Ba tệ quá…”. Nguyên nhân cậu Ba tệ, ông bà ngoại là người rõ nhất. Đâu có phải cậu Ba bỏ bê nhà cửa rượu chè hút xách chi. Cậu hiền như cục bột lại siêng chuyện vuông bọng, rẫy vườn. Tệ cái vụ cậu Ba hay kiếm cớ chạy xuồng lên chợ uống cà phê ngồi kế nhà người yêu cũ để coi người ta… quét sân. Người ta quét xong mảnh sân rồi quăng bọc rác ra sông, lướt qua cậu Ba hững hờ không một cái liếc mắt. Cậu ngồi im re ngó vợ chồng người ta ngồi ăn cho xong tô bún mắm nhiêu đó thôi là cậu Ba về. Cậu “si” cảnh “người cũ” quét sân với vợ chồng “người cũ” ăn bún tới mức chị Sáo bán bánh bột lọc kế bên quán cà phê nhìn ra rồi méc lén với ngoại và má. Chị Sáo còn dặm thêm cái chuyện nguyên khúc chợ nhìn ra cái cảnh… thơ mộng đó. Chuyện cũng tới tai mợ Ba, tưởng mợ tủi thân khóc dữ lắm ai dè mợ cười nhẹ hều nói: “Không có dữ vậy đâu. Tại con dở, pha cà phê lạt nhách ảnh phải kiếm đường uống cho đã ghiền vậy mà…”. Tới đêm má nghe như có tiếng khóc thầm của mợ, buồng ngăn bằng liếp sậy, má nghe tiếng mợ rất nhẹ: “Mình cho tui xin đứa con…”, không thấy cậu Ba nói gì, chỉ nghe có tiếng trở mình và tiếng khóc bị ém lại của mợ. Vậy mà cỡ sáu năm sau, khi Lan đi học lớp một cậu Ba mới “cho” mợ một đứa con trai. Nhưng nó là cái gì đó giông giống như người chớ không phải người.
Ngày Lan đi lấy chồng, mợ sang trước mấy bữa mang theo cả xuồng cá tươi để cạo chả, rau xanh các loại cho nguyên một cái đám. Lớp đổ bánh, rau câu, lớp chuẩn bị đồ khô, đồ tươi, thịt cá, củi, cà ràng… đủ hết. Mợ nấu chính, còn má với các dì quanh xóm hụ hợ thêm vô. Lúc rước dâu, má vừa khóc vừa dặn: “Ráng về nhà chồng làm vợ hiền dâu thảo như mợ Ba con…”. Lan ôm má khóc, dòm cái dáng tất tả của mợ Ba dọn chỗ này lau chỗ kia lo trong bếp mà thấy thương gì đâu. Mà đâu phải ên má dặn Lan. Ai có con gái đi lấy chồng ở cái xóm Trung đó cũng lấy gương mợ Ba ra dạy. Người ta nói mợ Ba sanh ra là để lo lắng chăm sóc mọi người. Nội ngoại, bà con gần bà con xa gì cần tới mợ là mợ hết sức mần cho trọn cái tình. Mợ quăng cái này bắt cái kia, tối ngày không hết việc. Vậy mà không biết sao hễ ai có chuyện gì là có mợ Ba. Ngày Lan sanh cũng vậy nữa, Lan đau bụng từ hồi đêm phải chuyển lên tới bệnh viện tỉnh vì em bé bị tràng hoa quấn cổ tới năm vòng phải mổ, tới sáng là thấy mợ lên tới bệnh viện mang theo mớ cá bống kho tiêu, thịt rang mặn, thêm mấy trái đu đủ xanh. Biểu cơm bệnh viện sao nuốt trôi, hồi sớm nghe nóng ruột, tính ngày đoán Lan sắp sanh dữ rồi, mợ làm hờ để sẵn, ai dè đúng tróc luôn. Có lần mợ đi nấu đám gả cho Huệ, cháu gọi ngoại là cố họ xa, mợ mần từ đêm tới sáng lu bu quên ăn, tới khi tàn tiệc mợ bới tô cơm ngồi góc bếp ăn với xà bần. Má của Huệ tưởng mợ giận vì không chu đáo hỏi tới hỏi lui mợ cười hiền nói: “Trời ơi, không có phải. Người dưng mình còn thương huống hồ là người trong nhà thương còn hổng hết sao giận trời? Tại nêm nếm no ngang chớ không phải quên ăn. Giờ đói ăn mới ngon. Tình thiệt là thích ăn xà bần nghe nó đặm, thấm, vừa miệng…”.
***
“Vợ thằng Ba tham từ hồi nào bây?”. Ngoại chống đũa hỏi bâng quơ. Má với Lan cắm mặt vô chén cơm làm như không nghe thấy. Ba mỏng dính sát vô giường thiu thiu ngủ. Từ hồi đổ bệnh, tóc ba trắng như cỏ bạc đầu. Ông bà nội trúng mìn chết khi đang leo đồi lấy củi ở Trà Bồng từ hồi ba mới lên bốn tuổi, ông chú Sáu đem ba về nuôi rồi tha tới Cà Mau. Ba hiền, ham học, học thiệt là giỏi, má thương ba bởi cái nết này. Ba thường “nịnh” má là ba tu bảy kiếp mới gặp được người vợ vừa đẹp vừa thảo hiền như má. Ba kể hồi đó ba nhát lắm, thương má từ hồi má suông đuột như cây tre vuốt từ trên xuống dưới không mắc chỗ nào. Ba cầm sách học bài bên hông nhà ưa dòm lén má tưới rau qua khe liếp, con gái xóm Trung mấy chục người chớ không ai đẹp và siêng hơn má. Thấy nhiều người trai tới lui coi mắt nhờ mai mối ba nhót ruột quá, sợ má đi lấy chồng, ba làm liều qua dọ qua dọ lại xa xa gần gần dè đâu má ưng, má còn hỏi ba lấy má có thiệt thòi không khi bàn tay không có nguyên mười ngón tay như người ta. Nghe nói đứt ruột, ba nắm lấy tay má thiệt lâu, áp vô ngực nói ba không thấy thiệt thòi gì, nếu mà không lấy được má làm vợ ba thề sẽ ở không tới chết. Cưới má được năm ngày ba có giấy kêu học ở Cần Thơ. Ra nghề ba dạy học ở Cái Nước được nhà trường cấp cho cái nhà công vụ chừng hai lăm mét vuông, má xin làm tạp vụ trong trường. Mấy mươi năm ăn ở mặn nồng chớ có hề thấy ba má lớn tiếng với nhau. Mà ba má chỉ có ên Lan. Ai cũng hỏi sao không sanh tiếp, ba biểu người ba có sẵn bệnh sợ sanh thêm má cực. Má nói cực nhiêu má cũng chịu miễn là hạnh phúc. Ba kêu có má với Lan là cuộc đời ba không có hạnh phúc nào bằng.
- Hồi ba bây chết trối cả đời có bốn chục công đất dằn vốn cho mấy đứa. Mười công cho bây, hai chục công cho thằng Ba bởi vợ thằng Ba làm dâu cực nhiều với gia đình mình, mười công để má dưỡng già đỡ phiền lụy tới ai. Kỳ đó vợ thằng Ba khóc kêu không dám nhận phần công lao cực khổ với nhà này, nó còn kêu để mười công đó trị bệnh cho chồng bây cho tới khỏi đỡ cực. Nó tham từ hồi nào vậy bây? Nó mần giấy sao hết bốn chục công đất tên nó hết vậy bây?
Ngoại lại hỏi. Không một tiếng trả lời. Má lùa cơm vô miệng ăn khô ăn khan cố nuốt cho nhanh. Mợ Ba tham hồi nào không ai hay. Ai có thể ngờ một người đờn bà chỉ biết xó vườn, góc bếp, bờ vuông mút mùa mặc áo bà ba lại tham? Ngờ sao được tấm gương mà đờn bà nguyên xóm Trung này coi đó mà noi theo rồi lấy đó làm cớ dạy con gái chuẩn bị tới tuổi coi mắt. Hay chính cái tình thương mọi người dành cho mợ làm lu mờ những biểu hiện thay đổi của lòng người nên ai cũng mù không thấy mợ Ba trắc lòng trở nết? Mà ngờ sao được. Lan coi mợ như má vậy. Ba bịnh miết, hai tháng tuổi má đã gởi Lan cho mợ đặng đưa ba hết đi Long Xuyên, Bến Tre hốt thuốc nam hay lặn lội lên tới Sài Gòn vô Chợ Rẫy. Hồi nhỏ Lan khó nuôi, khóc ngằn ngặt, ai bồng cũng không được, kể cả ngoại. Vậy mà thẩy Lan vô giường mợ, chỉ cần nghe hơi mợ là Lan nín khóc. Lúc đó mợ chưa sanh em, chưa có sữa, mợ bồng Lan dọc xóm xin bú thép rồi mợ tập cho Lan ăn dặm bằng cách nhai cơm bón từ miệng mợ qua miệng Lan. Mợ mát tay nuôi em bé, đứa bé nào qua tay mợ cũng mơn mởn. Mà lạ, đứa con nít nào cũng theo mợ nhưng không hiểu sao thằng Bình, con mợ thì từ lúc sanh ra cho tới lớn lúc nào cũng lờ đờ. Đi biết bao nhiêu bệnh viện, đền chùa thằng Bình cũng không khá hơn. Mợ xin ăn chay trường đặng cầu thằng Bình khôn lên như người ta mà mười mấy năm qua cũng không có điều kỳ diệu nào đến với nó. Ngoại khóc ròng kêu ông trời không biết thương người hiền như mợ, thằng Bình lại là đứa cháu đích tôn duy nhứt. Cả đời ngoại chỉ biết làm phước sao con của ngoại đứa nào cũng như cây có một trái. Chòm xóm người ta dị nghị kêu tại cậu Ba đồng sàng dị mộng, mợ nén buồn trong dạ suốt thời gian mang bầu nên thằng Bình mới ra vậy. Hay tại chuyện đó mà mợ đâm ra âm thầm hận cậu Ba mà sanh lòng tham?
- Chắc tại đương không người ta quy hoạch đất này thành bến cảng, giá đền bù cao. Đất vuông bọng rẻ thúi như bông súng giờ hóa vàng trong chớp mắt… Con người ta khó cưỡng khỏi cái sự giàu sang… Chỉ là cố che đậy nó đi tới khi có chuyện mới lộ bung bét thôi má…
Má đặt chén cơm xuống mâm, dọn mấy hột cơm rớt trả lời ngoại, mắt má thẫn thờ nhìn ra ngoài mé vuông.
- Bây đừng buồn. Làm lớn chuyện mặt mũi nào dòm ai nữa. Nó cũng là em bây… Bữa má có gọi điện nói chuyện với chị sui. Chị khóc nói không biết sao vợ thằng Ba nó lại thay lòng. Chị cũng mắc cỡ với má, kêu nó về rầy nhưng nó nín thinh. Mơi bây đưa chồng đi Chợ Rẫy phải hông? Còn đường sở, má lo cho…
Má bưng mặt chạy ra sau hè khóc. Ngoại trở vô buồng. Mâm cơm bày ra cỡ tiếng mà còn nguyên. Không ai bụng dạ mà ăn cho được. Lan muốn chạy tới ôm má, nói với má những câu ấm lòng nhưng nói gì bây giờ thì Lan chưa nghĩ ra. Khi lòng con người ta tan nát thì vá víu cái gì vô cũng thấy sượng huống chi lòng của Lan cũng nứt nẻ như lòng vuông mỗi kỳ phơi đáy. Mấy tháng trước cũng bởi cái chuyện đất đai mà gia đình ông Tư tan nát, mấy đứa con ông Tư chém nhau đứa chết, đứa ngồi khám, ông Tư ngồi trên đống tiền mà đứt gan đứt ruột. Mới đây thôi nhà bà Bảy kéo nhau ra tòa bởi cái mí đất chia thằng em lấn của thằng anh đâu nửa thước. Mợ Ba nghe còn cười biểu: “Nhà này anh em người ta còn cho tặng nhau vài chục công đất chớ đâu có cái chuyện vì nửa thước đất mà trở mặt…”. Cái chuyện trở mặt nó ở đâu đâu hay kế bên nhà ngoại là cái chuyện ruồi bu, mắc cười, là cái chuyện ở xa lắm chớ không bao giờ xảy ra trong nhà ngoại của Lan. Không ai ngờ… Mà tại sao… Tại sao sổ bìa đỏ cớ gì bốn chục công đất hô biến thành tên mợ? Người phụ nữ ấy đến tiền đổ lúa hay tiền chợ dư còn gởi ngoại cất giùm để dành cho sắp nhỏ, cả đời không bao giờ hỏi tới giấy tờ đất đai của nhà chồng thì cớ làm sao lại…
***
Mấy chỉ vàng ngoại cất để dành cùng tiền của vợ chồng Lan đưa cho má không cứu nổi ba. Lên tới Chợ Rẫy tự dưng ba nói khỏe rồi dặn dò má đủ chuyện rằng nếu ba có bề gì má ráng sống, ba còn khoản tiền bảo hiểm hai mấy năm công tác má lấy để dưỡng già, dọn về nhà ngoại ở cho đỡ quạnh hiu và cũng tiện chăm sóc ngoại, chuyện mợ Ba vậy rồi đừng đôi chối tới lui mất cái tình. Ba nhớ cái miệng chu ra đưa chuyện của cu Bin, đứa cháu ngoại duy nhứt của ba. Ba còn nói điều đáng tiếc nhứt trong cuộc đời ba là để má khổ hoài, chất chồng lớp này tới lớp kia khin khít như cái vỏ con hàu. Không ai sống được như má đâu. Má âm thầm lụi cụi hy sinh hết chuyện này tới chuyện kia cho ba mà có bao giờ nghe má than nửa lời. Tình cảm là cái không thể phô trương ồn ào, nó ngấm vào thịt xương tan thành máu. Cái đó chỉ có thể cảm nhận được mà thôi. Ba không hiểu sao ba sống được tới giờ, có lẽ ba sống bằng niềm tin mãnh liệt trong má nó bật rễ nảy mầm trong cơ thể ủ mục của ba. Có ai tệ như ba không khi con gái ở đậu bú thép còn ba uống tranh sữa mẹ của con. Có những lúc ba không còn bất cứ cảm giác gì nhờ những dòng sữa của má mà ba hồi tỉnh. Chuyện đó chắc không ai biết được nếu ba không nói. Tình nghĩa càng kín đáo nó càng bền lâu tới chết còn nguyên vẹn. Ba nói nhẹ hều, liền lạc như chuẩn bị từ lâu giờ mới có dịp nói. Má len lén khóc còn Lan, Lan ôm ba khóc hụ hụ thành tiếng.
Đêm đó ba lui…
Vị bác sĩ tóc trắng gỡ kiếng lau mắt:
- Ba cháu sống được tới giác này là điều không tưởng. Gan của ổng nát nhừ từ lâu rồi…
Ba dặn chôn ba ở xóm Trung chỗ đám đất phía sau nhà ông Sáu hướng về cái vườn của ngoại để hằng ngày ba được nhìn thấy má gánh nước tưới đám hẹ hành, cải muống như hồi má còn thiếu nữ. Ngày ba mất má không khóc, má lặng câm, sự lặng câm quánh đặc ngột ngạt như ngày chuẩn bị đón cơn bão lớn. Chòm xóm, đồng nghiệp, bà con đến đưa ba không thiếu một người, vắng riêng mợ Ba với thằng Bình. Chôn ba xong mợ mới dắt thằng Bình về, mợ thưa với ngoại là thằng Bình lên cơn bất tử phải đưa cấp kỳ lên Sài Gòn trước khi hay tin anh Hai lui. Ngoại không nói gì, ngó mặt mợ như người dưng, một lời ngoại cũng không nói tới mợ. Cậu Ba lủi thủi, cam chịu như người có tội.
- Thôi, ảnh đi rồi. Tui không trách ai đâu, cậu đừng xin lỗi má con tui hoài nghe nặng lòng lắm. Chuyện mợ Ba không đưa ảnh hay chuyện mấy chục công đất tui cũng biết không phải lỗi của cậu. Giờ tui ở với má, cậu mợ không đuổi cũng là phước cho tui. Đừng nói thêm nữa, mất tình…
Má nói tới nước đó cũng không khiến cậu Ba thoải mái hơn. Cậu lụi hụi kiếm chuyện mần tới khuya tới sáng tránh ngoại với má thì ít mà tránh mợ với thằng Bình thì nhiều. Lan thấy tội nghiệp cậu Ba, đờn ông bạc nhược thì không gì khổ bằng, đờn ông không rõ lòng vợ thì như người mù đi biển, thí mạng mình với mênh mông khôn cùng thì cái khổ đó là cả trăm cái khổ của bạc nhược cộng lại còn thiếu cả khúc. Mợ y như được tẩy não lần hai để trở về người đờn bà hiếu thuận của gia đình chồng. Nhưng mọi thứ không bình thường được nữa rồi. Sự bình yên giả tạo vón thành một cục tổn thương mưng mủ nhầy nhụa ung trong cơ thể mỗi người. Ngoại với má một thế giới, cậu Ba một thế giới, mợ Ba một thế giới còn thằng Bình ngu ngơ với cái thế giới không bao giờ lớn được của nó. Không ai nhắc tới chuyện bốn chục công đất nữa. Chắc có lẽ dự án xây bến cảng đình lại vô thời hạn dù đã đền bù được nửa cái xóm Trung nhưng tới đất của ngoại thì dừng lại để chỉnh sửa cái chi đó. Xóm Trung bị cắt ra làm hai, nửa bên kia ì xèo chợ búa, tiền tiền bạc bạc, nửa bên này ruộng vườn bình yên tình nghĩa êm êm ấm ấm. Nhưng xóm Trung của ngoại, của ông Sáu đã tan nát kể từ lúc cái dự án bến cảng kia ra đời chỉ còn lại một đống bầy hầy lẫn lộn thơm tho của cánh đồng với lô nhô sấp ngửa nửa phố nửa quê. Trong nhà ngoại, cả thảy năm con người hà tiện với nhau từng tiếng nói. Hỏi má còn giận mợ Ba sao? Má cười đắng nghét nói có nguyên cớ gì mà giận. Giả sử mợ Ba không trở mặt cướp mười công đất ngoại cho má thì cũng đâu có cứu được ba.
Mỗi lần vợ chồng Lan về thăm ngoại, bữa cơm đủ món ngon mà lạt lẽo, mỗi hột cơm như trăm ngàn cái gai vô hình đợi lọt vô cổ họng mới bung ra. Có lẽ chỉ có cu Bin với thằng Bình là hồn nhiên cười nói, ăn uống, rượt đuổi mấy con cào cào châu chấu ở đám rau muống má trồng. Quanh năm má cũng chỉ trồng hành hẹ, muống cải tốt ngời, hết lớp này tới lớp khác má cắt đem cho ông Sáu, cho khắp xóm rồi về gieo hột lại. Ngoại thở dài với Lan:
- Má bây trồng hành hẹ, cải muống là cho ba bây dòm chớ đâu để ăn bán gì đâu.
Mợ Ba lụi hụi phía sau bếp tối ngày, vẫn áo bà ba, tóc bới củ tỏi, vuông không cho người ta mướn nữa, cậu Ba thâu về làm hết. Lan nhớ đôi tay mợ, đôi tay lùa vào tóc Lan dịu dàng biểu mợ mê nhất mái tóc trinh của Lan. Mợ kiếm đủ loại lá ướp hương cho tóc Lan từ tấm bé để đêm về hít hà cho ấm chớ nằm bên cậu Ba chừng đó năm mà vẫn thấy lạnh. Lan cũng muốn thương mợ Ba như hồi xưa, nói với mợ chuyện mười công đất Lan quên rồi, không ai trách giận mợ nữa đâu nhưng miệng chát ngầm, yêu thương như cây dừa ngập nước mặn cứ lụi dần và gục hẳn, sự xa lạ như đến từ hồi cậu Ba chưa cưới mợ vậy, mợ thành người dưng khác họ lâu lắm rồi. Một người dưng tội nghiệp hơn tất thảy những người tội nghiệp trên cõi đời này…
***
“Anh Hai sao anh sống dai dữ vậy, không chết phứt đi từ cái hồi anh từ chối cho tui xin đứa con để tới giờ mới chịu chết… Tại sao anh ép tui trở thành một đứa tham như quỷ đói… Tui đâu có cần mười công đất của chị Hai nhưng tui thèm cái hạnh phúc mà chị Hai đã có… Tui hận ánh mắt hắt hủi của anh đêm hôm đó. Tui làm cho lợi gan vì tui biết chị Hai sẽ có lúc tới cầu xin tui… Trời ơi, tui cũng là đờn bà mà…”.
Mợ Ba rên khóc trước mộ ba trong đêm không trăng khi ba mất tròn bốn chín ngày. Người duy nhứt nghe được tiếng khóc đó là Lan… Và mãi mãi chỉ có Lan…
Vệt máu.
Đồng hồ chạy nhanh như ai thò tay vào vặn: Sáu giờ bốn lăm phút. Nàng quơ vội cái túi, xỏ chân vào đôi giày cao gót, bế con gái lên xe và dắt ra cổng. Hấp tấp, vấp, đôi giày dây tuột quai. Nàng cúi xuống sửa lại. Giật thót. Dưới chân nàng sẫm màu máu khô. Một vệt lớn loang dài gần bằng miệng chiếc nón lá. Tại sao lại có vệt máu ngay trước cánh cửa nhà nàng? Một vụ tai nạn? Ẩu đả có vũ khí? Một người vô ý vướng đá, té, mảnh thủy tinh cứa vào chân? Chết tiệt! Đám máu khô đồng lõa với đầu óc tưởng tượng của nàng.
- Mẹ, trễ giờ học con. Mẹ cài quai giày lâu thế? - Con gái nàng thỏ thẻ nhắc mẹ.
- Xong ngay đây con gái.
Chết tiệt! Thật vớ vẩn. Chỉ là một đám máu khô thôi mà! Nàng lắc đầu không nghĩ nữa, chiếc Spasy lướt nhẹ trên đường. Nàng mua xôi cho con, thả con trước cổng trường. Con bé mắt trong veo, môi nũng nịu như cánh hoa hồng, níu tay mẹ:
- Mẹ ơi, đêm qua mẹ về trễ nên không biết…
- Mẹ xin lỗi con gái nhé! Chiều nay mẹ sẽ đón con sớm.
- Không mẹ ơi, chiều qua… - Con bé ngập ngừng, mắt ươn ướt chực khóc.
Bảy giờ, còn ba mươi phút nữa, nếu không đi nhanh sẽ mắc vào những đoạn đường tắc. Nàng cúi xuống hôn con:
- Chiều qua mẹ đã để bà vú đón con nhưng chiều nay mẹ sẽ…
- Không mẹ ơi… - Con bé chưa chịu rời mẹ.
- Mẹ hứa với con gái rồi mà. Vào lớp đi con. Mẹ đi làm, sắp trễ giờ rồi…
Nàng quay xe, không kịp nhìn thấy con gái đưa ống tay áo quệt mắt. Nó lủi thủi tay cầm hộp xôi bước vào trường. Cái cặp đeo to gấp rưỡi tấm lưng con bé khiến nó giống như một chú rùa con.
Bảy giờ hai mươi phút, nàng đến cơ quan. Chọn một góc khuất, nàng phớt nhẹ cọ lên má, dặm phấn trắng, phấn hồng, mascara vuốt mi, lướt hai nét son lên môi, mái tóc dài quá vai hất nhẹ một bên. Năm phút đánh bật dáng vẻ người đàn bà bận rộn, nàng trở thành người phụ nữ hoàn hảo. Nàng xoay nhẹ người, chiếc váy bung xòe, phun nước hoa ngược gió, nàng bước nhanh qua đám sương vừa tạo, ướp hương vào thân thể bằng cách đó. Nàng gõ guốc trên hành lang từ tốn, êm ái và quyến rũ.
- Ôi, Trúc xinh đi đứng một mình cũng xinh - Nam, cậu thanh niên cùng phòng buông lời tán tỉnh.
Nàng mỉm cười, liếc nhẹ, đuôi mắt nàng khiến Nam chút nữa lảo đảo.
- Chị Trúc, chiếc váy màu hoàng yến hợp với chị quá! - Lan, cô nhân viên ngồi cạnh cũng đế thêm vào.
- Mỗi ngày chị ấy một bộ trang phục, bộ nào chẳng hợp - Minh, cùng phòng tán dương.
Người phụ nữ hoàn hảo giữ nguyên nụ cười mãn nguyện. Không ai nhận ra người đàn bà đơn thân tất bật trước bảy giờ sáng. Các cô gái trẻ ngưỡng mộ vẻ đẹp của nàng. Những gã đàn ông hoặc tán dương, hoặc ngầm so sánh với vợ mình rồi thở dài tiếc nuối. Ba mươi tuổi, nàng rất nữ tính, quyến rũ và kiêu hãnh. Đôi khi nàng thấy mình như Mi Mi, con mèo cái nhà nàng. Bốn chân kiêu kỳ như đi trên một nét kẻ và ngoe nguẩy cái đuôi chẳng khác gì một ả đỏm dáng ra đi với sự bất cần, để lại con tam thể La La nhà hàng xóm ngoài cánh cổng, ngẩn ngơ như một quý ông bị “cắm sừng” trông thật thảm thương! Nàng từng đi hai chân trên một đường thẳng, ngớ ngẩn đặt thêm sách lên đầu và vụng về để sách rơi nhiều lần xuống sàn. Giờ thì nàng đã thuần thục, uyển chuyển như tấm lụa phơi. Thật ra, chính nàng cũng không chú mục vào chúng nhiều lắm, những con mèo. Chỉ vì những con mèo cái đã tồn tại trong gia đình nàng từ rất lâu. Đó là một sự hiện diện đặc biệt theo kiểu kế thừa. Nàng thích nhìn chúng vì chúng khó hiểu như nàng. Không ai có thể đoán chúng đang nghĩ gì, thậm chí nhìn cả vào ánh mắt! Nàng đánh giá mọi người khác nhau, và cư xử với họ cũng theo cách khác nhau. Những người nàng cho là mạnh mẽ, khả kính, nàng sẽ có thiện cảm, còn những kẻ yếu kém, nàng không để mắt tới.
Mở cửa phòng kế hoạch, nàng luôn đúng giờ như cân tiểu ly. Nhấm nháp chút cà phê lấy ngoài máy, nàng làm việc một cách mẫn cán.
Mười một giờ ba mươi phút ăn trưa. Nàng chọn canh rau má nấu tôm, sườn kho mặn. Bưng khay đến bàn của Minh, Lan, Nam và chị Liên, nàng quen ngồi cố định chung với một số bạn. Bữa trưa vui vẻ kết thúc vào lúc mười một giờ năm lăm phút. Năm người cà phê trưa. Nam bắt đầu thao thao bất tuyệt “điệp vụ hoa hồng” với một cô tên Yến ở ngân hàng, kế hoạch trong tuần tới sẽ để đôi môi Nam đáp xuống đóa hàm tiếu chúm chím môi Yến. Chị Liên phì cười bảo Nam hãy bảo vệ bộ răng kẻo hôn bậy, con gái người ta nheo nhẻo đâu có chịu, tặng vài bạt tai, san bằng răng cọ thì tội. Lan, Minh quan tâm đến trang phục của Trúc. Các cô xuýt xoa khen dáng nàng đẹp mặc chi cũng đẹp. Những bộ đồ sành điệu hợp dáng lại càng tôn nét kiêu kỳ. Mùi nước hoa của nàng đang sử dụng cũng rất lạ. Hương cam bergamot, cây đại hoàng, hoa cúc bạch, hoa huệ, hoa hồng, hoắc hương, gỗ đàn hương. Cũng là nước hoa Ricci Ricci là biểu tượng mới của nhãn hiệu nước hoa Nina Ricci nhưng Lan và Minh không có được làn hương toát ra phảng phất sau mỗi bước chân như nàng. Nàng nháy mắt trêu hai cô gái trẻ rằng nước hoa phân biệt rất rõ các chặng đời của chị em phụ nữ. Hai cô gái trẻ hương nồng nàn hơn. Còn nàng, tuổi cũng chặng giữa cuộc đời thì “hương bay đi ít nhiều” nên mới thoang thoảng phảng phất. Chị Liên lại chép miệng than thở rằng chị thua thiệt bởi chỉ dùng một loại hương duy nhất là hương của cha mấy đứa trẻ nhà chị. Nàng chợt chạnh lòng, cả đời nàng chỉ khao khát loại hương mà chị Liên đang dùng…
- Chị Trúc có chuyện gì hay kể đi - Nam lên tiếng.
- À, không có gì. Chỉ là một đám máu khô trước cổng - Nàng buột miệng. Chợt giật mình, không hiểu vì sao nàng lại nhắc đến vệt máu trước cổng trong khi đã không còn nhớ nó sau bảy giờ sáng.
Mọi người sửng sốt, dồn hỏi. Nàng bối rối:
- Mình không biết vì sao lại có đám máu khô ấy. Nó loang ra cả một mảng lớn.
Lan dự đoán chắc có một vụ tai nạn đã xảy ra. Thời gian gần đây thành phố cứ năm phút lại có một vụ. Minh thì cho rằng hẳn có một người nào đó đeo trang sức nhiều đi ngang đó vào lúc khuya khoắt.
- Phập!
Con dao cán vàng cắm ngập trái táo đỏ. Cả bốn người giật thót mình khi Minh diễn tả hành động của tên hung thủ cô đang tưởng tượng.
- Cũng có thể còn ly kỳ hơn - Nam chậm rãi nói - Mùi hôi của thứ thịt người phân hủy, ngôi nhà hoang, những bí mật…
- Thật khủng khiếp - Trúc nhăn mặt thốt lên.
Không gian trầm lắng. Mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng từ vệt máu khô trước cổng nhà Trúc. Nàng rùng mình. Đám máu khô có chân đi theo bám vào nàng để bây giờ cảm giác rõ nhất là sự hoang mang.
- Trời ạ - Chị Liên phá vỡ bầu không khí đặc quánh đó - Các cô cậu giàu trí tưởng bở quá nhỉ? Phức tạp! Biết đâu có tay chủ quán nhậu đi mua huyết heo về làm món tiết canh trứ danh của quán. Y vấp té, bịch huyết bể, đổ ra trước cửa nhà Trúc và giờ thì nó khô.
Năm người cùng bật cười bởi phát hiện rất hay ho của chị Liên. Trúc thở phào nhẹ nhõm như chính nàng trút đi một gánh nặng.
Mười ba giờ làm việc. Nàng lên kế hoạch về chương trình công tác trọng điểm của thị trường bất động sản thành phố. Sếp phó nhờ nàng book hotel cho chuyến công tác tuần tới ở Nha Trang. Nàng chuyển email địa chỉ khách sạn, số phòng. Năm phút sau, sếp phó vào phòng kế hoạch.
- Cô Trúc chọn cho tôi khách sạn có cái tên khủng khiếp nhất Việt Nam. Cô ám chỉ điều gì? - Sếp phó dằn từng tiếng.
Phòng kế hoạch tịnh không một âm thanh. Tất cả đang theo dõi nét mặt của sếp phó. Nàng ngơ ngác:
- Evason Hideaway là khách sạn năm sao được xếp hạng trong danh sách một trăm lẻ một khách sạn tốt nhất thế giới không lẽ chưa vừa ý anh?
- Nếu cô chu đáo như thế tôi không phải mất công sang đây! Cô mở mail kiểm tra ngay cho tôi - Sếp phó nện gót giày nặng trịch quay ra. Âm thanh lạnh tanh, nghiến lại.
- Sao vậy chị? - Minh sang bàn Trúc lo lắng hỏi.
- Không sao đâu cô bé! Em làm việc đi.
Trúc mở email. Khách sạn Vệt máu loang… Trúc nhìn trân trân vào màn hình. Sao lại có chuyện như thế này… Rõ ràng nàng đã gọi điện thoại book phòng khách sạn Evason Hideaway ở Nha Trang rồi kia mà? Tại sao nàng lại chuyển thông tin quái quỷ này cho sếp… Vệt máu loang không buông tha cho nàng.
Thời gian lệt bệt trôi.
Mười bảy giờ ba mươi phút nàng rời khỏi sở. Chiều nay nàng sẽ đón con gái sớm. Tối sẽ không hẹn với bất kỳ ai ngoài con bé. Con bé thấy mẹ đến đón, vui sướng nhảy chân sáo, líu lo kể chuyện có một bạn chung lớp dưới quê chuyển lên. Bạn học rất giỏi, xung phong trả lời câu nào cũng đúng được cô giáo khen. Nàng mỉm cười, không khoảnh khắc nào bình yên hơn như khi ở bên con.
Nàng dừng lại trước cánh cổng, bấm chuông. Bất giác Trúc nhìn xuống chân mình, vệt máu khô sậm đen, bụi lấp đi những vết loang quái dị, chỉ còn lại một đám nhỏ.
- Tại sao lại có vệt máu khô ở đây? - Trúc buột miệng.
- Mẹ ơi…
Vai con gái run lên, bé áp mặt vào lưng mẹ nấc lên. Nàng lo lắng dựng xe, bế con, ôm vào lòng.
- Con gái của mẹ tủi thân đấy ư? Đêm nay mẹ sẽ ở nhà, kể chuyện và ru con ngủ. Lát nữa hai mẹ con ta sẽ đi ăn những món con thích.
- Không, mẹ ơi… Vệt máu khô ấy là của con Mi Mi nhà mình. Nó đã chạy ra đón con khi bà vú mở cửa, một chiếc xe máy giống chiếc xe của mẹ đã cán qua Mi Mi. Con đã khóc rất nhiều… rất nhiều… Mỗi ngày con đều gặp Mi Mi nhiều hơn mẹ, con yêu nó. Con đã đợi mẹ cả đêm qua… Đợi mẹ cứu Mi Mi… Nhưng nó đã chết, ngay chỗ này, dưới chân mẹ…