1. Đặt đam mê lên hàng đầu
Ngạn ngữ có câu, ngành nào cũng có chuyên gia. Không có nghề tốt nghề xấu, chỉ có nghề hợp hay không hợp với bản thân. Muốn tìm được nghề nghiệp lí tưởng với mình, ngoài việc phải cân nhắc khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội ra, còn cần tính tới các nhân tố như đam mê, giá trị quan, động cơ thúc đẩy... những nhân tố này có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự thích ứng với nghề của bạn.
Nhận ra đam mê của bản thân, làm việc mà mình thích. Chỉ có biết kết hợp giữa khả năng và sở thích, mới có thể có được thành công trong sự nghiệp.
Hồ Thích - Triết gia, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc từng nhận được nhà nước Trung Quốc cấp học bổng đi tu nghiệp ở nước ngoài. Mới đầu, Hồ Thích chọn học Nông nghiệp, bởi vì gia đình Hồ Thích mới bị phá sản, anh trai Hồ Thích muốn hướng em trai học chuyên ngành nào đó có tính thực dụng, hi vọng sau này trở về có thể vực dậy gia nghiệp.
Học Nông nghiệp được hai năm, Hồ Thích phát hiện ra đam mê và khả năng của mình thuộc lĩnh vực khác, thế là ông quyết định chuyển khoa, chọn chuyên ngành thích hợp với bản thân. Nhiều lần Hồ Thích tự hỏi bản thân: Mình đam mê gì? Việc gì hợp với tính cách của mình? Mình có thể làm tốt nhất việc gì? Căn cứ vào câu trả lời cho những câu hỏi này, Hồ Thích đã chuyển sang Viện văn học. Ở Viện văn học, ông chủ yếu nghiên cứu về Triết học, thứ đến mới là Văn học, Chính trị, Kinh tế. Chuyển sang học các môn khoa học xã hội, Hồ Thích như cá gặp nước, như rồng gặp mây, cuối cùng trở thành Triết gia nổi tiếng Trung Quốc thời nay.
Sau này, trong các buổi diễn thuyết của mình Hồ Thích thường nói với các bạn sinh viên đại học: “Thanh niên ngày nay quá thực tế. Không chọn ngành học theo tính cách và khả năng của bản thân. Ví như, một người có thiên phú làm thơ, không vào khoa Văn học làm thơ viết văn, lại đi học khoa Ngoại trường Y, vậy thì nền Văn học nước nhà sẽ mất đi một nhà văn hàng đầu, còn ngành Y sẽ thừa một bác sĩ Ngoại khoa làng nhàng, đây là tổn thất của đất nước, cũng là tổn thất của chính các bạn”.
Câu chuyện của Triết gia Hồ Thích đã đưa tới chúng ta một thông điệp quan trọng: Mỗi người đều có khí chất, tính cách và khả năng thiên bẩm riêng, những đặc điểm nội tại này biểu hiện ở hứng thú, đam mê của mỗi người với những loại hình công việc nhất định. Làm công việc mà mình đam mê, làm công việc phát huy sở trường của mình, mới có thể dễ dàng đạt tới thành công, thậm chí là thành công tuyệt đỉnh.
Đinh Triệu Trung – nhà vật lí người Mỹ gốc Trung Quốc đoạt giải Nobel vật lí từng nói: “Đam mê hứng thú còn quan trọng hơn cả thiên tài”.
Đam mê có thể tăng cường khả năng thích ứng với công việc. Có nghiên cứu cho thấy: Nếu làm việc mà bản thân mình thích, mỗi người có thể phát huy tới 80%~90% tài năng của mình, nếu không sẽ chỉ có thể phát huy được 20%~30% tài năng, hơn nữa rất dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản.
Đam mê hứng thú ảnh hưởng đến mức độ hài lòng và tính ổn định của công việc. Thông thường, một công việc mà bản thân không thích thú sẽ khó khiến người làm cảm thấy hài lòng, đồng thời cũng chính vì vậy mà sẽ khiến công việc trở nên không ổn định. Điều này không chỉ bất lợi đối với bản thân người lao động, mà còn bất lợi đối với cả cơ quan đơn vị mà người đó công tác.
Cựu giám đốc tại Trung Quốc của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (hay còn gọi là PwC) – Tạ Đạo đã nói: “Khi bạn mới đôi mươi, rất khó biết mình hợp với nghề nào, nhưng cũng không cần quá lo lắng chuyện này, trước mắt bạn có thể chọn một nghề mà bản thân thấy thích và có thể làm được, làm một thời gian đã. Trước khi bạn ba mươi tuổi, làm đúng nghề hay chưa không tính ở thu nhập nghề đó mang lại mà tính ở việc bạn có muốn làm nghề đó suốt đời không”.
2. Xây dựng giá trị quan nghề nghiệp cho bản thân
Giá trị quan là muốn nói tới sự đánh giá tổng thể của một người về ý nghĩa, tầm quan trọng của những sự vật khách quan xung quanh (bao gồm người, sự việc, sự vật), nó dường như tác động đến mọi mặt trong cuộc sống của mỗi người. Giá trị quan giống như một bộ lọc, quyết định thứ gì là quan trọng nhất đối với mỗi chúng ta. Chúng ta theo đuổi hay từ bỏ thứ gì, làm gì hoặc không làm gì, đều do giá trị quan chi phối.
Tôi có một người bạn làm tới chức quản lí trong một tập đoàn nổi tiếng, vị trí, thu nhập, đãi ngộ anh ấy có được đều rất tốt. Thế nhưng không bao lâu sau anh lại từ chức, quyết định khởi nghiệp. Bởi vì anh cảm thấy đi làm mà cả ngày cứ phải co kéo quan hệ với bên ngoài, hòa giải mâu thuẫn của nhân viên, thật khiến bản thân cảm thấy chán nản mệt mỏi, không còn biết vui thú là gì... Cho nên, đối với anh ấy mà nói, công việc bao nhiêu người mơ ước kia trở nên chẳng có gì đáng giá, cuối cùng anh đã lựa chọn rời đi.
Câu chuyện này cho thấy, khi lựa chọn nghề nghiệp, trên thực tế chính là bạn đang lựa chọn một hệ thống giá trị, đang lựa chọn khuynh hướng ứng xử giữa người với người và cách sống cho bản thân mình.
Khi giá trị quan nghề nghiệp và công việc của bạn trùng khớp với nhau, bạn sẽ cảm thấy công việc của mình thật ý nghĩa, ngược lại, bạn sẽ cảm thấy công việc của mình đang thiếu gì đó. Hơn nữa sự hụt hẫng này đến cả tiền bạc, quyền lực, danh tiếng... cũng không thể bù đắp được. Vì vậy, chúng ta lựa chọn nghỉ việc hay chuyển việc, bề ngoài có vẻ là vì lợi ích kinh tế, nhưng kì thực chính là giá trị quan nghề nghiệp đang phát huy tác dụng.
Mặt khác, giá trị quan nói chung và giá trị quan nghề nghiệp nói riêng không phải là bất biến, nó sẽ thay đổi. Cùng một người, nhưng vào các thời điểm khác nhau, cách nhìn nhận đánh giá cùng một công việc sẽ thay đổi. Ví dụ, ban đầu bạn cảm thấy nghề A mới là nghề phù hợp với mình, nhưng trải qua một khoảng thời gian lăn lộn với nghề A bạn đã có thể khẳng định được nó không hợp với mình... Chuyện này có lẽ sẽ khiến chúng ta hoài nghi về lựa chọn nghề nghiệp ban đầu của mình. Kì thực, đây là hiện tượng bình thường. Nó cho thấy, giá trị quan nghề nghiệp của bạn đã thay đổi. Khi bạn phát hiện ra bạn hết đam mê công việc trước đây bạn chọn, thì lúc đó giá trị quan nghề nghiệp của bạn đã có sự chuyển biến.
3. Phân biệt rõ giá trị thực chất và giá trị phương tiện
Một nhà tâm lí học từng cho một nhóm học sinh thực hiện một trắc nghiệm như sau: Viết ra mười điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình, sau đó tưởng tượng rằng cuộc sống của bản thân xảy ra những biến cố lớn, buộc phải từ bỏ một vài điều trong số đó, cuối cùng chỉ có thể giữ lại điều họ cho rằng quan trọng nhất, không thể để mất. Mọi người đã phải rất khó khăn khi loại bỏ điều gì đó, thậm chí có người còn khóc tấm tức khi phải đưa ra lựa chọn. Nhưng kết quả cuối cùng lại rất đáng ngạc nhiên, phần lớn các phương án được giữ lại là “tình thân, tình bạn, tình yêu, sức khoẻ và niềm vui”.
Qua trắc nghiệm này, chúng ta đã nhận ra rằng, những thứ có giá trị kia được chia thành hai loại:
Thứ nhất, giá trị thực chất, loại giá trị này có liên quan đến mục tiêu ở tầng cao nhất trong cuộc đời của chúng ta như: hạnh phúc, niềm vui, sự tự thể hiện. Đây là giá trị quan tầng cao nhất của chúng ta.
Một loại giá trị khác là giá trị phương tiện, như tiền bạc, danh tiếng, địa vị…, những thứ này là phương tiện để có được giá trị thực chất nói trên. Ví dụ, có người xem trọng danh tiếng, địa vị, thực chất là họ hi vọng được người khác thừa nhận và xem trọng thông qua danh tiếng, địa vị... họ tạo dựng được. Rất nhiều người không tìm được niềm vui và cảm giác hài lòng trong công việc, đó là vì họ quá câu nệ giá trị phương tiện, cho nên sau khi có được thứ mà mình theo đuổi trong lòng lại cảm thấy trống rỗng, thường than thở: “Lẽ nào cuộc đời lại buồn tẻ như vậy?” Họ không biết rằng những điều này là phương tiện giúp họ thực hiện lí tưởng sống mà thôi.
Vì vậy, một người muốn có được niềm vui, cảm giác thành tựu trong công việc, cần phải áp dụng tiêu chuẩn giá trị cao nhất của mình khi xác định mục tiêu nghề nghiệp, xác định giá trị cuộc đời mình qua công việc mà mình chọn làm, từ đó qua công việc thoả mãn nhu cầu tinh thần ở tầng thứ cao nhất của bản thân. Nếu một người thật sự nhận thức được ý nghĩa và giá trị của công việc của bản thân, thì đó chính là lòng yêu nghề ở cấp độ cao nhất, cội rễ tinh thần nội tại này mới là động lực lớn nhất cổ vũ họ chăm chỉ làm việc.
Mách nhỏ:
12 CÁCH CHỌN NGHỀ ĐÚNG ĐẮN
Dưới đây là 12 cách giúp bạn chọn đúng nghề:
1. Tự tin vào năng lực bản thân. Mỗi người đều có sở trường riêng, không có lí do gì để bạn đánh giá thấp khả năng của bản thân. Xin hãy nhớ câu cách ngôn này: “Trên đời này, chỉ có người không có được thành công, chứ không có người không thể giành được thành công”.
2. Bồi đắp sự tự tin. Nếu như bạn có đủ thực học thực tài giúp bạn nắm chắc phần thắng trong tay, tự nhiên bạn sẽ tràn đầy tự tin trong việc lựa chọn nghề nghiệp của mình.
3. Phát hiện và phát huy ưu thế của bản thân, tin rằng ưu thế này là tài sản của bạn, sẽ có thể giúp bạn chủ động trong cuộc cạnh tranh chọn nghề.
4. Chỉ cho phép những suy nghĩ tích cực tồn tại trong đầu.
5. Chỉ mặc những bộ quần áo giúp bạn cảm thấy tự tin.
6. Dám nói “không”.
7. Tiếp nhận lời khen ngợi của người khác một cách tự nhiên.
8. Nhìn thẳng vào mắt người khác.
9. Giữ đầu thẳng, không gù người khi đi lại hoặc khi ngồi.
10. Nói chuyện bằng ngữ điệu kiên định, nhiệt tình, quyết đoán.
11. Không cần quá khiêm tốn, không tùy tiện đưa ra đánh giá bất lợi cho người khác.
12. Không khoác lác về năng lực bản thân.