H
ỡi những ai đã từng học giáo lý khắc kỷ
Và trung thành với sách thiêng của mình
Tinh hoa của sự dạy và sự học của con người
Rằng đức hạnh của tâm hồn là điều duy nhất tốt!
Đó chính là người nắm giữ cuộc sống con người
Và là thành quách vững chãi hơn tường cao, cổng chắc.
Nhưng những ai đặt hạnh phúc của mình vào lạc thú
Là người được dẫn dắt bởi các nữ thần Muse ít phẩm giá nhất.
(Nhà thơ trào phúng Athenaeus, trích dẫn từ Lives of Eminent Philosophers của Diogenes Laertius)
Thế này, thưa ông Croker, tôi không phải là người đưa ra lời cuối cùng về vấn đề này, nhưng điều mà [bậc thầy Khắc kỷ cổ đại Epictetus muốn nói], theo tôi hiểu, là thứ của cải duy nhất ta có trong đời là chí khí và “phương cách sống” của ta, như cách gọi của ông ấy. Thần Zeus đã ban cho mỗi con người một tia lửa từ đức thần thánh của ngài và không ai, kể cả ngài, có thể tước nó đi khỏi ta; từ tia lửa đó, chí khí của ta được hình thành. Mọi thứ khác rốt cục chỉ là tạm bợ và vô giá trị, kể cả thân xác của ta. Ông có biết ông ấy [Epictetus] gọi các món tài sản của ta là gì không? Đồ vặt vãnh. Ông có biết ông ấy gọi thân thể con người là gì không? Là một chiếc bình đất sét chứa già một lít máu. Nếu ta hiểu hết ý nghĩa, ta sẽ chẳng rên rỉ than van, ta sẽ chẳng oán trách, ta sẽ chẳng đổ lỗi cho người khác vì những muộn phiền của mình, và ta cũng chẳng đi nịnh bợ ai. Thưa ông Croker, tôi cho rằng đó là điều Epictetus muốn nói.
(Tiểu thuyết A Man in Full của Tom Wolfe)
Cuốn sách này nói gì?
Cuốn sách này viết về chủ nghĩa Khắc kỷ, một trường phái triết học được đề xướng bởi Zeno xứ Citium tại Athen vào khoảng năm 301 trước Công nguyên. Chủ nghĩa Khắc kỷ tồn tại như một trào lưu triết học hoạt động mạnh mẽ trong suốt gần năm trăm năm và mới phục hồi tiếng tăm của nó trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, đây cũng là một cuốn cẩm nang, hy vọng hướng dẫn được cho bạn những cách thức mà chủ nghĩa Khắc kỷ đã đưa ra, hoặc chí ít là đóng góp vào “triết lý sự sống” cho thế giới hiện đại – một nghệ thuật sống Hạnh Phúc gồm cả lý trí và sức khỏe. (Cuốn sách này không giống với những cuốn sách khác cùng chủ đề vì nó theo thể loại tự học, chia nội dung thành các phần dễ học, thiết kế theo cách hỗ trợ người học và lặp lại các thông tin quan trọng nhằm mục đích dễ ghi nhớ hơn).
Nếu bạn hỏi các triết gia hiện đại “ý nghĩa cuộc sống là gì?”, đa số họ có thể chỉ nhún vai và nói rằng đó là một câu hỏi không có câu trả lời. Tuy nhiên, từ xưa, mỗi trường phái triết học chủ chốt của triết học cổ đại đều đã đưa ra những câu trả lời mang tính cạnh tranh cho câu hỏi đó. Tóm lại, người theo thuyết Khắc kỷ cho rằng mục tiêu (telos, “kết cục”, hay “mục đích”) của cuộc sống là sống một cái nhất quán trong sự hài hòa và hòa hợp với Tự nhiên, và nêu bật bản tính của chúng ta – những thực thể có lý trí và có tính xã hội. Điều này cũng được mô tả là “sống theo đức hạnh” (aretê), dù rằng bạn sẽ thấy tốt nhất nên hiểu từ này với ý nghĩa ưu tú, trong một hàm nghĩa rộng hơn so với ý nghĩa thông thường của từ “đức hạnh” – điều này tôi sẽ giải thích sau. Nó cũng đồng nghĩa với sống khôn ngoan.
Từ “khắc kỷ” (stoic) (không viết hoa) ngày nay vẫn được sử dụng với ý nghĩa là bình tĩnh, tự chủ khi đối diện với khó khăn. Đáng ngạc nhiên là tính từ “philosophical” (có nghĩa là tính triết học, cũng có nghĩa là bình thản, tự tại) ít nhiều cũng bao hàm ý nghĩa tương tự, chẳng hạn như: “Anh ấy mắc bệnh nặng nhưng vẫn bình thản trước những biến cố”. Từ điển Anh ngữ Oxford có những định nghĩa khá tương đồng sau đây:
Philosophical. tt. Bình thản, tự tại trước nghịch cảnh
Stoical. tt. Bình tĩnh hoặc tỏ ra cực kỳ tự chủ trước nghịch cảnh
Ngạc nhiên chưa? Cứ như thể khi thật sự sống một cách triết học (bình thản, tự tại) hơn là chỉ nói về triết học, thì hai từ này gần như là đồng nghĩa. Bạn có thể nói chủ nghĩa Khắc kỷ là tinh hoa của tư tưởng “triết học như là một cách sống” (của phương Tây).
Tuy nhiên, đối với những người không theo học thuyết nào, thuật ngữ “khắc kỷ” cũng có nghĩa là “vô cảm” hoặc “khô khan”, với ý nghĩa thô là kìm nén cảm xúc. Tuy nhiên, đó chắc chắn không phải là nghĩa gốc của từ này. Nói cách khác, đó không phải là ý nghĩa của chủ nghĩa Khắc kỷ (viết hoa). Do vậy, những người coi khắc kỷ(tính cách) và chủ nghĩa Khắc kỷ (một trường phái triết học Hy Lạp) là một vốn đã có nhiều nhầm lẫn.
Như chúng ta sẽ thấy, triết học Khắc kỷ, giống như hầu hết các triết lý phương Tây khác, thừa nhận mục tiêu cuộc sống là Hạnh Phúc (eudaimonia). Những người theo thuyết Khắc kỷ tin rằng điều này đồng nghĩa với yêu bản thân một cách có lý trí và thái độ thân thiện, yêu mến người khác – đôi khi được mô tả là “lòng bác ái” Khắc kỷ, hoặc tình yêu nhân loại. Như vị Hoàng đế theo chủ nghĩa Khắc kỷ Marcus Aurelius viết trong nhật ký của mình, liên tục nhắc nhở bản thân hãy “yêu nhân loại tự đáy lòng” trong khi hoan hỉ làm điều thiện cho người khác và coi đức hạnh là phần thưởng (Meditations, 7. 13).
Có thể nói nghịch lý trung tâm của triết học Khắc kỷ đến từ việc nó công nhận rằng người uyên bác lý tưởng, còn gọi là “hiền triết” (sophos) hoàn toàn không vô tâm, mà sẽ vừa yêu thương người khác vừa không bị xáo trộn bởi những mất mát và tai ương khó tránh mà cuộc sống giáng xuống cho mình. Anh ta có những cảm xúc và khao khát tự nhiên nhưng không bị chúng chế ngự, anh ta được dẫn dắt bởi lý trí.
Trên thực tế, Chủ nghĩa Khắc kỷ cung cấp một kho những chiến lược và kỹ thuật phong phú nhằm phát triển sự dẻo dai về mặt tâm lý bằng cách thay đổi cảm xúc một cách lý trí và tự nhiên thay vì cố gắng kìm nén chúng. Theo một ý nghĩa nào đó, chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại là ông tổ của mọi phương thức “tự lực”. Các học thuyết và phương pháp thực hành của chủ nghĩa này đã truyền cảm hứng cho nhiều phương pháp hiện đại, cả về phát triển cá nhân lẫn liệu pháp tâm lý. Hơn nữa, người ta đã chấp nhận rộng rãi rằng liệu pháp tâm lý hiện đại tương đồng nhất với các “phương pháp trị liệu” kiểu Khắc kỷ cổ đại trong những vấn đề về cảm xúc chính là liệu pháp nhận thức - hành vi (Cognitive-Behavioural Therapy – CBT) và tiền thân của nó là phương pháp trị liệu hành vi cảm xúc lý trí (Rational Emotive Behaviour Therapy – REBT). Thực vậy, cả người đặt nền móng cho REBT là Albert Ellis và cha đẻ của phương pháp trị liệu nhận thức là Aaron T. Beck đều tuyên dương chủ nghĩa Khắc kỷ là cảm hứng triết lý chủ yếu cho các phương pháp của họ. Chẳng hạn như, trong giáo trình quan trọng đầu tiên về liệu pháp nhận thức, Beck và các cộng sự của ông đã viết: “Nguồn cội triết học của liệu pháp nhận thức có thể truy ngược về thời các triết gia Khắc kỷ” (Beck, Rush, Shaw và Emery, 1979, tr. 8).
Mặc dù CBT chủ yếu là phương pháp chữa trị tự nhiên, liên quan đến các chứng rối loạn lo âu và trầm cảm lâm sàng, nhưng nó đã được cải thiện để sử dụng như một phương pháp phòng ngừa, để “xây dựng sự vững vàng” về tâm lý nói chung. Dù “liệu pháp” của chủ nghĩa Khắc kỷ cổ đại thiên về phương pháp xây dựng sự vững vàng tâm lý nói chung, song khi cần, nó cũng vạch ra liệu trình chữa trị sự suy kiệt quá độ. CBT lại tình cờ có được sự hậu thuẫn khoa học mạnh mẽ nhất từ tất cả các liệu pháp tâm lý khác. Vì vậy, chúng ta đang xem xét một hệ thống các triết lý cổ đại được sử dụng trong việc xây dựng vững vàng về cảm xúc, là động lực cho một liệu pháp hiện đại cực kỳ thành công với những dữ liệu đã được chứng minh về mặt khoa học.
Chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đang trải qua một giai đoạn hồi phục tiếng tăm. Dẫu vậy, một số người đặt câu hỏi rằng ngày nay, làm thế nào chúng ta có thể nghiên cứu về học thuyết này trong khi truyền thống nguyên gốc về cơ bản đã biến mất từ xa xưa cùng với các trường phái triết học “đa thần” khác, sau sự ra đời của Thiên chúa giáo. Chủ nghĩa Khắc kỷ là một trào lưu triết học có tầm ảnh hưởng, tồn tại trong nhiều thế kỷ tại Hy Lạp và La Mã, nhưng đã dần dần thoái trào. Thực vậy, hoàng đế Marcus Aurelius, mất năm 180 Công nguyên, là nhân vật nổi tiếng theo thuyết Khắc kỷ cuối cùng mà ngày nay chúng ta còn biết đến. Bạn có thể đã xem bộ phim Hollywood Gladiator (Võ sĩ giác đấu), trong đó nhân vật hoàng đế Marcus do diễn viên Richard Harris thủ vai. Phim không đề cập nhiều đến thuyết Khắc kỷ, tuy nhiên đoạn gần cuối phim, nhân vật của Russell Crowe nói:
Tôi có biết một người từng nói rằng: “Thần chết mỉm cười với tất cả chúng ta. Tất cả những gì ta có thể làm là cười đáp lại”.
Đó không phải là câu trích dẫn có thật từ Marcus Aurelius, nhưng rõ ràng nó lấy cảm hứng từ những đoạn viết trong nhật ký của ông, cuốn Meditations. Đây có lẽ là cuốn sách Khắc kỷ nổi tiếng nhất của phái Khắc kỷ còn tồn tại. Nhiều độc giả hiện đại hiểu về chủ nghĩa Khắc kỷ cũng chỉ nhờ vào cuốn sách ngắn này. Tuy vậy, bất chấp độ phổ biến rộng rãi của mình, Meditations vẫn chỉ là cuốn nhật ký nói về việc thực hành thuyết Khắc kỷ của riêng Marcus và không nhằm giới thiệu toàn diện về chủ nghĩa Khắc kỷ. Chính vì vậy, chúng ta sẽ đi sâu hơn một chút vào chủ đề này bằng cách xem xét các nguồn thông tin rộng hơn.
Trên thực tế, chủ nghĩa Khắc kỷ nguyên gốc của Zeno dựa trên việc nghiên cứu các tranh luận được trình bày chi tiết trong các văn kiện sáng lập. Người ta cho rằng chỉ riêng chủ nghĩa Khắc kỷ thời sơ khai đã được viết trong hàng ngàn “cuốn sách”, cho dù một số có thể gần giống với những bài tiểu luận dài. Trường phái Khắc kỷ nguyên gốc bị triệt vong cùng với trung tâm của các trường phái triết học có tiếng khác vào khoảng thời gian sau khi vị tướng độc tài La Mã Sulla đánh bại Athens vào năm 86 trước Công nguyên. Tuy nhiên, thuyết Khắc kỷ đã tiếp tục nở rộ trong nhiều thế kỷ suốt thời kỳ Đế chế La Mã, dẫu dưới những hình thức phân tán rời rạc hơn.
Cho đến thời đại của Marcus Aurelius, những người theo thuyết Khắc kỷ có lẽ chỉ còn tiếp cận được một lượng tài liệu ít ỏi hơn nhiều về trường phái này. Nhiều văn bản viết tay Hy Lạp thời kỳ đầu đã bị thất lạc sau vài thế kỷ. Có vẻ Marcus đã đúc kết chủ yếu từ những bài giảng về Khắc kỷ của Epictetus được chép lại trong cuốnDiscourses, khoảng một nửa cuốn sách này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngược lại, Marcus không hề đề cập đến Seneca, tác gia Khắc kỷ để lại số lượng tài liệu nhiều nhất còn sót lại hiện nay. Cách tiếp cận có vẻ nghèo nàn của Marcus với những giáo huấn Khắc kỷ nguyên gốc có thể sánh với cách tiếp cận vấn đề của một sinh viên hiện đại đối với môn này, mặc dù ông cũng tận dụng được rất nhiều từ mối quan hệ cá nhân với các thuyết gia và các gia sư theo chủ nghĩa Khắc kỷ.
Chúng ta cần tái hiện lại bức tranh chủ nghĩa Khắc kỷ từ những mảnh rời rạc còn sót lại, hơn 2300 năm kể từ khi trường phái này xuất hiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng có được nhiều tập sách bình luận và phân tích hiện đại rất chi tiết về trường phái này (Long, 2002; Hadot, 1998). Chúng ta cũng có vô số ví dụ về hướng dẫn thực hành của những người áp dụng thuyết Khắc kỷ vào cuộc sống hiện đại (Evans, 2012; Irvine, 2009). Chính vì vậy, về phương diện nào đó, chúng ta chẳng những không thua kém môn đồ Khắc kỷ thời cổ đại mà còn có những lợi thế mà họ không có được, bao gồm cả khả năng tiếp cận với các tài liệu mà có lẽ họ không được đọc.
Một số nhà Khắc kỷ cổ đại là những tác gia và thuyết gia rất năng nổ, họ dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục người khác. Thật vậy, các triết gia Khắc kỷ thời kỳ đầu được cho là đã dạy rằng tất cả những người khôn ngoan đều có một tình yêu tự nhiên đối với việc viết những cuốn sách có thể giúp ích cho người khác. Do vậy, dẫu còn cách xa lý tưởng cao thượng của các nhà Hiền triết, sinh viên Khắc kỷ hiện đại có thể được kỳ vọng viết những cuốn sách tu thân hoặc viết các trang blog với mục đích hỗ trợ người khác và trao đổi ý kiến về sự liên hệ của chủ nghĩa Khắc kỷ ở thời hiện đại. Không ai dám tự cho mình là khôn ngoan, nhưng mọi người đều nên dám nỗ lực để trở thành người khôn ngoan.
Vai trò của một tác gia về chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại có lẽ được mô tả tốt nhất qua những lời được cho là của Seneca. Ông nói với những người bạn Khắc kỷ tâm huyết của mình rằng ông như một người bệnh nằm trên giường, bàn với người bệnh nằm giường bên cạnh về việc liệu pháp chữa trị của mình đang diễn ra như thế nào. Và như chúng ta sẽ thấy, người theo chủ nghĩa Khắc kỷ không nhận bậc thầy tinh thần nào, bởi vì họ không tin có ai khôn ngoan đến mức hoàn hảo. Có lẽ ngay cả Zeno, người sáng lập thuyết Khắc kỷ, cũng chấp nhận thái độ của Seneca và đối xử với các học trò của mình như những người ngang hàng. Người theo thuyết Khắc kỷ lấy nguồn cảm hứng to lớn từ triết lý nguyên gốc của Socrates và họ xem ông là điều gần gũi nhất với một hình mẫu lý tưởng mà họ có được. Dĩ nhiên, Socrates đã nêu rõ quan điểm khi nhấn mạnh rằng ông đơn thuần chỉ là một người yêu chuộng trí tuệ (từ triết học/philosophy có nguyên gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, với nghĩa tình yêu trí tuệ/love of wisdom) chứ không cho mình là người thông thái đích thực.
Các tác phẩm Khắc kỷ nguyên gốc còn tồn tại chưa đến 1%, nhưng nếu gom lại vẫn có thể làm thành một bộ sách dài sáu hay bảy tập – một khối lượng tài liệu đáng kể. Thật không may, chúng ta thường cần các nhà bình chú hàn lâm hiện đại giúp tái hiện lại ý nghĩa của các mảng rời rạc trong thời kỳ đầu Hy Lạp. Tuy nhiên, những tài liệu này cũng cung cấp nguồn thông tin quan trọng giúp chúng ta hiểu được về hệ thống triết học căn bản mà những tác gia Khắc kỷ được người đọc biết đến rộng rãi hơn như Seneca và Marcus Aurelius đã xem nhẹ.
Tuy nhiên, chúng ta cần đặc biệt thận trọng để chủ nghĩa Khắc kỷ không trở thành một đề tài nhàm chán hoặc chỉ mang tính sách vở. Một giải pháp cho vấn đề này được đưa ra trong chương một, cuốn Meditations của Marcus Aurelius, trong đó ông nêu lên cách để một người nhiệt huyết theo thuyết Khắc kỷ có thể khơi gợi đức tính tốt ở bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, thậm chí của một số kẻ thù của mình, để tìm thấy cảm hứng.
Xuyên suốt cuốn sách này, tôi sẽ đề cập đến nhiều ví dụ cụ thể về những người, cả cổ đại lẫn hiện đại, đã đổi đời nhờ chủ nghĩa Khắc kỷ. Mối quan tâm của riêng tôi về lĩnh vực này bắt đầu khi tôi khoảng mười bảy tuổi và một giảng viên đại học gợi ý tôi nên theo học triết học. Tôi bắt đầu đọc các tác phẩm cổ điển, chủ yếu là Plato, và theo học triết tại Đại học Aberdeen. Tôi cũng là thành viên của hội sinh viên Phật giáo và thường xuyên thực hành thiền. Tôi tham gia nhiều khóa tu Phật giáo với mong muốn tìm cho mình một lối sống và cách luyện tập hằng ngày để bằng cách này hay cách khác trau dồi lĩnh vực triết học mà tôi nghiên cứu.
Sau khi tốt nghiệp, tôi thực tập và khởi sự hành nghề tư vấn và trị liệu tâm lý bởi vì tôi cảm thấy lĩnh vực này cho tôi một nghề nghiệp thiết thực, hữu ích, đồng thời có thể vun bồi cho mối quan tâm triết học của mình. Tôi luôn khát khao làm sao để ba thứ – trị liệu, triết học và thiền – càng hòa hợp với nhau càng tốt. Mặc dù vậy, phải đến vài năm sau đó tôi mới được mở rộng tầm mắt trước kho lưu truyền phong phú các bài luyện tập tinh thần trong các tác phẩm triết học cổ của học giả lỗi lạc người Pháp, Pierre Hadot, chẳng hạn như cuốn Philosophy as a Way of Life (tạm dịch: Triết học như một cách sống) của ông.
Những cuốn sách tuyệt diệu của Hadot đã nhóm lên trong tôi ngọn lửa yêu thích chủ nghĩa Khắc kỷ và tạo cho tôi niềm hứng khởi bắt tay vào biên soạn và công bố các bài viết ngắn về chủ đề này. Từ đó dẫn đến các bài luận dài hơn về chủ nghĩa Khắc kỷ được đăng trên một trong những tạp chí lớn về tư vấn và trị liệu tâm lý (2005), và cuối cùng là cuốn sách về chủ nghĩa Khắc kỷ và liệu pháp tâm lý hiện đại có tên gọi The Philosophy of Cognitive-Behavioural Therapy: Stoic Philosophy as Rational and Cognitive Psychotherapy (tạm dịch: Triết học về liệu pháp nhận thức – hành vi: Triết học Khắc kỷ như là liệu pháp tâm lý nhận thức và hữu lý, 2010). Suốt gần hai mươi năm qua, tôi đã và đang nỗ lực đồng hóa chủ nghĩa Khắc kỷ trong phạm vi các chiến lược hành nghề cụ thể cũng như trong lối sống của mình. Tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thảo luận các khía cạnh của chủ nghĩa Khắc kỷ với bệnh nhân mắc các chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, với danh nghĩa bác sĩ trị liệu nhận thức – hành vi (CBT). (Quyển sách của tôi đã xuất bản trước đây trong bộ sách Teach Yourself (tạm dịch: Tự rèn) và cuốn Build your Resilience(tạm dịch: Xây dựng khả năng phục hồi của bạn, 2012), khai thác chủ nghĩa Khắc kỷ liên quan đến liệu pháp CBT hiện đại dựa trên thái độ lưu tâm và chấp thuận, xây dựng sự vững vàng về tâm lý).
Do vậy, tôi quan tâm đến chủ nghĩa Khắc kỷ vì tôi đồng tình với học thuyết cốt lõi của nó và cũng bởi tôi tin rằng việc thực hành thuyết này có giá trị thực tiễn trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy hầu hết các tác phẩm Khắc kỷ còn sót lại vô cùng đẹp đẽ và sâu sắc. Một phần sự hấp dẫn lâu bền của thuyết này nằm ở giá trị văn học của các bài viết như thư từ và tiểu luận của Seneca cùng những cách ngôn của Marcus Aurelius.
Tại sao phải tập trung vào Đạo đức học Khắc kỷ và liệu pháp tâm lý?
Cuốn sách này không chia đều dung lượng cho tất cả các khía cạnh của thuyết Khắc kỷ cổ đại. Như chúng ta sẽ thấy, các triết gia Khắc kỷ chia chương trình triết học của mình thành ba nhánh chủ đề: Đạo đức học (Ethics), Vật lý học (Physics) và Logic học (Logic). (Những từ này chưa hẳn là cách dịch hoàn toàn chính xác nhưng chúng là những từ thông dụng). Ở đây, chúng ta chủ yếu tập trung vào Đạo đức học Khắc kỷ vì những lý do sau:
- Chúng ta hiểu về Đạo đức học Khắc kỷ nhiều hơn so với Vật lý học và Logic học nhờ những bài viết còn tồn tại. Đặc biệt các tác phẩm của ba “cây đại thụ” Khắc kỷ La Mã là Seneca, Epictetus và Marcus Aurelius cũng chủ yếu liên quan đến chủ đề này. Đây cũng là chủ đề trung tâm của thuyết Khắc kỷ cuối thời La Mã nói chung.
- Độc giả hiện đại có xu hướng đặc biệt quan tâm đến Đạo đức học Khắc kỷ bởi vì mối quan hệ rõ ràng của nó với các liệu pháp tâm lý và tự lực đương thời, chẳng hạn như liệu pháp CBT, trong khi đó một số tàn tích của nhánh Vật lý học (trên nền tảng thần học) ngày nay có thể được cho là kém phù hợp, và độc giả phổ thông khó có thể tiếp cận nhánh Logic học cổ đại.
- Một số triết gia Khắc kỷ quan trọng, dù không chính thống, chỉ tập trung duy nhất vào nhánh Đạo đức học. Chẳng hạn như, chúng ta biết một trong những môn đồ của Zeno, Aristo xứ Chios, “đã hoàn toàn loại bỏ nhánh Vật lý học và Logic học, nói rằng một cái thì quá cao vời, cái còn lại thì chẳng liên quan gì đến chúng ta, và rằng nhánh triết học duy nhất thật sự liên quan đến chúng ta là Đạo đức học” (Lives, 7.160).
- Các triết gia Khắc kỷ thường xem những bậc tiền bối khuyển nho của họ là bậc đặc biệt đáng kính trọng và một số còn xem sự khắc khổ và cách sống đầy thử thách của họ là “con đường tắt dẫn đến đức hạnh”, cho dù họ kiên quyết tránh các cuộc tranh luận triết học có tính kỹ thuật về Logic học và Vật lý học. Sự khâm phục đối với cách sống của những người theo phái khuyển nho này được thể hiện đặc biệt rõ ràng trong cuốn Discourses của Epictetus, tài liệu đồ sộ duy nhất còn sót lại của một bậc thầy Khắc kỷ thực thụ.
- Giả như tri thức chuyên môn của các nhánh Vật lý học và Logic học của thuyết Khắc kỷ thật sự thiết yếu cho mục đích sống thì các triết gia Khắc kỷ cổ đại có lẽ đã không tôn sùng các nhân vật thần thoại lịch sử như Hercules, Socrates và Diogenes như những hình tượng mẫu mực. Nói cách khác, những cá nhân mà các triết gia Khắc kỷ cổ đại thường hướng tới trong cuộc sống thường nhật của họ không phải là các nhà Logic học hay nhà triết học về tự nhiên, mà là những người có đức hạnh mẫu mực và sự uyên bác thực tiễn.
- Ngay từ thuở sơ khai, tất cả các triết gia Khắc kỷ dường như đã thống nhất rằng rốt cuộc Đạo đức học chính là nhánh quan trọng nhất của chủ nghĩa này. Chẳng hạn như, Chrysippus, triết gia trung tâm có ảnh hưởng thứ ba của trường phái này, đã viện dẫn rằng lý do duy nhất để nghiên cứu vật lý học là vì Đạo đức học.
Cicero, một trong những nhà bình luận cổ đại có vai trò quan trọng nhất với chủ nghĩa Khắc kỷ, đã mô tả về “điều tốt” tối thượng trong đời, chủ đề trung tâm của Đạo đức học Khắc kỷ, coi đây là nền móng của toàn bộ trường phái triết học này. Ông nói rằng học thuyết Khắc kỷ quan trọng nhất chính là “điều tốt duy nhất là đức hạnh” và gọi đức hạnh là “chủ nhân thật sự của ngôi nhà Khắc kỷ” (De Finibus, 4.14; 4.44). Thật vậy, Epictetus liên tục cảnh báo học trò của mình rằng sự quan tâm thái quá đến các khía cạnh hàn lâm hơn của thuyết sẽ dẫn đến nguy cơ đi lệch khỏi nhiệm vụ trọng tâm là sống đạo đức.
Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, có một sự chồng lấp giữa Đạo đức học Khắc kỷ, Vật lý học Khắc kỷ và Logic học Khắc kỷ, do vậy khi thảo luận, chúng ta sẽ đưa vào thêm một số yếu tố của các nhánh khác nếu cần thiết hoặc hữu ích. Đặc biệt, chúng ta sẽ xem xét thực tiễn tồn tại của chủ nghĩa Khắc kỷ dưới góc độ liên quan đến ba “kỷ luật” thực tế mà các học giả đã liên kết với ba chủ đề của chương trình giảng dạy lý thuyết: Phán xét, Hành động, và Khát khao.
Một số người cảm thấy chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại không trung thành với các truyền thống cổ, nhưng hy vọng rằng những lời phê bình này sẽ giúp chứng minh các khác biệt. Mặt khác, một số người lại cảm thấy những gì các triết gia Khắc kỷ cổ đại nói đã được nhấn mạnh quá mức. Tuy nhiên, chủ nghĩa Khắc kỷ, theo định nghĩa, vốn là một ngành triết học cổ đại. Ngay cả những người cải tiến nó để đưa vào cuộc sống hiện đại cũng thường cho rằng họ kết nối với nhau là nhờ mối quan tâm đến các giáo lý Hy Lạp và La Mã nguyên gốc, nơi họ tìm kiếm nguồn cảm hứng. Ngày nay, những bài thuyết giảng này vẫn có giá trị to lớn và được đánh giá cao. Trong nhiều trường hợp, chúng còn là những bài giảng vô cùng đẹp đẽ. Trên thực tế, Seneca (một triết gia Khắc kỷ) và Cicero (không phải là người Khắc kỷ nhưng lại là một nguồn tài liệu Khắc kỷ có vai trò quan trọng) được biết đến là hai trong số các tác gia cổ xưa có những trang viết hay nhất.
Chính vì vậy, tôi thường xuyên trích dẫn các triết gia Khắc kỷ cổ đại; một phần để cung cấp bằng chứng khi cần diễn giải, nhưng thành thực mà nói, cũng vì họ là những tác gia kiệt xuất và họ xứng đáng được người đọc biết đến nhiều hơn. Thật vậy, họ nằm trong số những đầu óc triết học vĩ đại nhất và là những tác gia tài năng nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, ngay cả các triết gia Khắc kỷ cổ đại cũng nhận thức rõ rằng cần cân bằng giữa việc lệ thuộc quá nhiều và xa rời quá mức các tài liệu gốc trong trường phái của họ. Sau ba thế kỷ kể từ khi trường phái Khắc kỷ được đề xướng, Seneca đã viết:
Vậy ra tôi không theo gót những người tiền bối của mình sao? Có chứ. Nhưng tôi tự cho phép mình khám phá thêm những điều mới, thay đổi hoặc từ bỏ một số khác: Tôi đồng tình với họ nhưng tôi không phải là nô lệ của họ.
(Letters, 80)
Điều đó cũng diễn giải cho một thành ngữ nổi tiếng bằng tiếng Latinh: “Zeno là bạn ta, nhưng chân lý là người bạn vĩ đại hơn”. Giờ đây chúng ta có thể tiếp cận với một lượng khổng lồ các nghiên cứu triết học, chúng cho ta thấy nhiều điều hơn về bản chất con người mà những triết gia Khắc kỷ đã không thể dễ dàng tìm ra. Đặc biệt, phần lớn các nghiên cứu về liệu pháp CBT cho chúng ta rất nhiều thông tin về các cách thức phản ứng lành mạnh và không lành mạnh trước sự căng thẳng cảm xúc. Như chúng ta sẽ thấy, đây là mối quan tâm chính yếu của các triết gia Khắc kỷ và theo truyền thống, họ được nhìn nhận là trường phái triết học tập trung rõ ràng nhất vào khía cạnh “trị liệu”. Độc giả ngày nay quan tâm một cách tự nhiên đến những gì các triết gia Khắc kỷ nói về trị liệu và việc nó được so sánh với các nghiên cứu hiện đại về chủ đề này như thế nào.
Chủ nghĩa Khắc kỷ thường được sử dụng trong trị liệu các chứng trầm uất, như nhiều ví dụ đã được ghi chép trong các thư tịch cổ “có tác dụng an ủi” viết ra để giúp người khác hóa giải nỗi thống khổ và các biến cố đau buồn trong đời. Đôi khi người ta hiểu lầm rằng chủ nghĩa Khắc kỷ đã được các nhà bình chú hiện đại biến thành liệu pháp tâm lý. Trên thực tế, chính các triết gia Khắc kỷ là người giới thiệu mô hình y học của triết học và mô tả các phương pháp thực hành mà họ đã phát triển như một liệu pháp tâm lý và đạo đức (therapeia).
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, trọng tâm chủ yếu của các phương pháp luyện tập tâm lý của chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ được mô tả chính xác hơn như một sự tương đồng với phương pháp mà ngày nay chúng ta gọi là “xây dựng cảm xúc vững vàng”. Do vậy, Musonius Rufus, một trong những bậc thầy Khắc kỷ xuất sắc dưới thời La Mã, được cho là đã nói rằng: “Để tự bảo vệ mình, chúng ta phải sống như lương y và không ngừng đối đãi với bản thân bằng lý trí”. Ông khuyên các học trò của mình, trong đó Epictetus là một trong những người ưu tú nhất, rằng chúng ta không nên sử dụng triết học như là đơn thuốc trị bệnh và khi nào thấy bớt bệnh thì ngưng thuốc. Thay vào đó, ta phải cho phép triết học đồng hành với mình, không ngừng đề phòng những phán xét của chúng ta trong suốt cuộc đời để điều này trở thành như một phần chế độ sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, giống như ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hay luyện tập thể chất.
Quan điểm coi triết học thực hành là nền móng cho phương pháp xây dựng sự vững vàng cảm xúc nói chung dường như đã thu hút nhiều độc giả hiện đại và phần nào là lý do thu hút sự quan tâm của mọi người đến với chủ đề này. Cũng giống như trong thời cổ đại, những ai không thấy hài lòng với cuộc sống và cần chữa lành tổn thương cảm xúc thường bị hút vào thuyết Khắc kỷ để tìm sự thanh thản trong tâm trí và mục đích sống. Như chúng ta sẽ thấy, cái mà phương pháp “trị liệu cảm xúc” nhắm đến không có gì khác ngoài sự biến đổi tính cách. Đạo đức học Khắc kỷ và trị liệu luôn song hành, nằm tại trung tâm của học thuyết, và được xem là những khía cạnh hấp dẫn và liên quan nhất ngày nay.
Tuy nhiên, người ta cũng thấy một số khía cạnh trong thuyết Khắc kỷ là vô cùng thách thức. Một số người sẽ bị đẩy lùi bởi lập trường đạo đức mà về cơ bản là không khoan nhượng của những khía cạnh này. Một số người khác lại thấy nó mới mẻ và hấp dẫn, thậm chí còn khá là cấp tiến và lý thú. Các triết gia Khắc kỷ rõ ràng được xem là có tầm ảnh hưởng lớn trong thế giới triết học cổ đại. Ngay cả những người bất đồng với họ vẫn vô cùng ấn tượng vì quy mô và sự nhất quán trong tầm nhìn triết học của họ. Tuy nhiên, họ cũng bị phê bình là đôi khi quá mơ hồ. Cicero đánh vật với thuyết Khắc kỷ và đã than phiền:
Xét về cả nền móng và cấu trúc, bản thân chủ nghĩa Khắc kỷ là một hệ thống được xây dựng vô cùng công phu; có thể không đúng cách, tuy tôi không dám tuyên bố về luận điểm đó, nhưng chắc chắn là vô cùng tinh vi. Để hiểu được nó không phải là một việc dễ dàng.
(De Finibus, 4.1)
Cuốn sách này tập trung vào việc giới thiệu chủ nghĩa Khắc kỷ trên khía cạnh thực tế mà không khai thác chi tiết những phê bình về học thuyết. Tuy nhiên, tác phẩm De Finibus của Cicero đã đưa ra một câu chuyện kinh điển về các tranh luận tương đối vô tư trong việc đồng tình và không đồng tình với học thuyết này. Bài luận của Plutarch về chủ đề “Các mâu thuẫn của chủ nghĩa Khắc kỷ” cũng là một phê bình kinh điển. Một đánh giá hiện đại về chủ nghĩa Khắc kỷ cung cấp những ý kiến biện hộ chi tiết về mặt kỹ thuật liên quan đến triết lý đạo đức có thể tìm thấy trong cuốn A New Stoicism (tạm dịch: Một chủ nghĩa Khắc kỷ mới, 1998) của Becker.
Mặc dù một bài phê bình chi tiết về chủ nghĩa Khắc kỷ là điều nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này, nhưng tôi hoàn toàn không có ý định khắc họa chủ nghĩa Khắc kỷ như là một học thuyết có thể vượt lên trên sự phê bình có tính khoa học và triết học. Chủ nghĩa Khắc kỷ là một học thuyết triết học, không phải một tôn giáo. Do vậy, độc giả nên suy nghĩ cẩn trọng về các tư tưởng của nó và nghi vấn nó một cách sâu sắc. Dĩ nhiên, để làm được điều này, trước tiên bạn cần hiểu các triết gia Khắc kỷ thật sự tin vào điều gì. Vậy ta hãy bắt đầu đắm mình vào nó nhé.
Sơ lược về những nghịch lý Khắc kỷ
Mặc dù chủ nghĩa Khắc kỷ là một hệ thống triết học ca ngợi sự hiểu biết lý tính, nhưng các tranh luận triết học nguyên gốc của Zeno lại nổi tiếng là quá ngắn gọn và thiếu thuyết phục đối với các nhà phê bình triết học. Zeno đã tuyên bố nhiều “nghịch lý” nổi tiếng, với các tư tưởng thật sự đi ngược lại niềm tin của đại đa số, trái với ý kiến số đông. Những nghịch lý này khắc họa một thế giới quan cực đoan nhưng chặt chẽ một cách ấn tượng, thu hút những ai muốn xem liệu nó có thể được bảo vệ nghiêm ngặt hơn hay không.
Chrysippus, triết gia trung tâm có ảnh hưởng thứ ba của trường phái Khắc kỷ, một trong những nhà trí thức vĩ đại nhất của thế giới cổ đại, đã cố gắng làm việc này. Ông viết hàng trăm cuốn sách với những lập luận triết học chi tiết để bảo vệ học thuyết Khắc kỷ, đặc biệt sử dụng những ý kiến phê bình của những người theo chủ nghĩa hoài nghi vốn đại diện cho trường phái cạnh tranh, Học viện Plato. Ông đã biến đổi chủ nghĩa Khắc kỷ về căn bản, từ một trào lưu nhỏ do Zeno khởi xướng thành một trong những trào lưu triết học quan trọng của thế giới cổ đại.
Nếu Chrysippus không sống và truyền dạy
Thì trường Khắc kỷ chắc chắn đã là con số không.
(Lives, 7.183)
Chúng ta được biết ông nổi tiếng do đưa ra lời bình luận đáng chú ý với người thầy của mình là Cleanthes rằng ông chỉ mong muốn được dạy học thuyết cốt lõi (dogmata) của chủ nghĩa Khắc kỷ và rằng bản thân ông có thể tìm ra những lập luận tốt hơn để đồng tình và phản bác chúng. Cũng như vậy, nhiều độc giả hiện đại ban đầu sẽ bị hấp dẫn bởi các tư tưởng gây chú ý của triết gia Khắc kỷ, những tư tưởng hứa hẹn thay đổi triết lý sống đang thịnh hành, và rồi sau đó lại dùng lý trí để đánh giá chúng theo cách nhìn nhận của riêng họ. Thậm chí một số triết gia Khắc kỷ còn đề cập về sự chuyển biến này theo thế giới quan và hệ thống các giá trị của mình, quay lưng lại với quan điểm truyền thống của số đông, giống như một cuộc “chuyển đổi” (epistrophê) triết lý, hay còn gọi là “bước ngoặt” trong đời. Liên quan đến vấn đề này, người theo thuyết Khắc kỷ chịu ảnh hưởng của những người theo thuyết khuyển nho, những người lội ngược dòng đám đông đang rời rạp hát, hoặc bước giật lùi giữa nơi công cộng. Điều này minh họa cho khao khát ngược đời của họ, bơi ngược dòng đời và đi theo hướng ngược chiều với đại đa số.
Người theo thuyết Khắc kỷ thừa nhận rằng họ nói những điều mà nhiều người ban đầu sẽ khó lòng chấp nhận, mặc dù họ cũng tin rằng triết lý của họ suy cho cùng cũng dựa trên các giả định thường tri, mọi người đều dễ dàng tiếp cận sau khi đã suy nghĩ thấu đáo. Chẳng hạn như, Cicero biện hộ cho sáu “Nghịch lý Khắc kỷ” vốn nổi tiếng là khó hiểu của ông trong cuốn sách ngắn cùng tên:
1. Đức hạnh, hay sự ưu tú về đạo đức, là điều tốt duy nhất (những “điều tốt” thông thường như là sức khỏe, của cải, danh tiếng về cơ bản được coi là vô thưởng vô phạt đối với việc sống một cuộc đời tốt đẹp).
2. Đức hạnh hoàn toàn đủ khả năng mang lại Hạnh Phúc và sự viên mãn, một người đức hạnh không thiếu những điều kiện thiết yếu để có cuộc sống tốt đẹp.
3. Mọi hình thức của đức hạnh đều như nhau, mọi hình thức của thói hư tật xấu cũng vậy (xét về cái lợi hay cái hại mà chúng gây ra cho bản thân người đó).
4. Những người thiếu sự thông tuệ hoàn hảo đều là những kẻ điên (về cơ bản là ám chỉ tất cả mọi người; chúng ta về bản chất đều điên rồ).
5. Chỉ có những người thông tuệ mới thật sự tự do, những kẻ khác đều bị nô dịch (kể cả khi những người thông thái bị giam cầm bởi một tên bạo chúa, hay bị xử tội chết như Socrates, ông vẫn tự do hơn những người còn lại, bao gồm những người đàn áp ông).
6. Chỉ những người thông thái mới là những người thật sự giàu có (ngay cả khi anh ta chẳng có gì trong túi, như Diogenes của phái khuyển nho).
Những nan đề trên đây cần có lời giải thích, như chúng ta sẽ thấy ở các chương sau. Musonius Rufus từng nói rằng các học trò của ông thường tuyệt đối im lặng sau khi nghe ông giảng hơn là hoan hô ông. Họ cảm thấy mình vừa được nghe thứ gì đó mạnh mẽ và cấp tiến, nhưng thường thì ban đầu họ không chắc điều gì khiến họ cảm thấy như vậy. Độc giả hiện đại cũng vậy. Nếu không ít nhất cảm thấy chút bối rồi trước những điều người theo chủ nghĩa Khắc kỷ nói đến, thì có lẽ ta đã bỏ lỡ điều gì đó quan trọng trong triết lý của họ.
Dẫu thế, bất chấp các nghịch lý của mình, theo nhiều phương diện, chủ nghĩa Khắc kỷ là trường phái thực tế nhất trong số các trường phái triết học Athens, dựa trên trải nghiệm sống thường nhật của chúng ta. Chúng ta biết rằng Cleanthes, triết gia có ảnh hưởng thứ hai của chủ nghĩa Khắc kỷ, từng nhấn mạnh:
Có thể những gì các triết gia nói là ngược lại với tư tưởng chung, nhưng chắc chắn là không ngược lại với lẽ phải.
(Epictetus, Discourses, 4.1)
Điển cứu: Đề án nghiên cứu của trường Đại học Exeter về chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại
Chủ nghĩa Khắc kỷ là nguồn cảm hứng triết học ban đầu cho liệu pháp nhận thức _ hành vi (CBT). Cả hai cách tiếp cận đều diễn giải rằng cảm xúc là sản phẩm của niềm tin và các khuôn mẫu suy nghĩ (nhận thức) của chúng ta. Cả hai có chung nhận định rằng nếu sửa đổi những niềm tin có liên quan, ta sẽ có thể vượt qua những căng thẳng cảm xúc. Một số lượng ấn tượng các bằng chứng khoa học từ các thử nghiệm lâm sàng và các kiểu nghiên cứu khác đã ủng hộ tính hiệu quả của liệu pháp CBT, đặc biệt trong điều trị các chứng rối loạn lo âu và trầm cảm.
Điều này được xem là gián tiếp hậu thuẫn cho “liệu pháp Khắc kỷ”. Tuy nhiên, mãi cho đến gần đây, vẫn chưa có nỗ lực nào cung cấp bằng chứng trực tiếp về các lợi ích của chủ nghĩa Khắc kỷ.
Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 2012, Patrick Ussher, một nghiên cứu sinh nghiên cứu về chủ nghĩa Khắc kỷ tại trường Đại học Exeter (Ussher, 2012) đã tổ chức một nghiên cứu thí điểm không chính thức đặt tên là “Tuần lễ Khắc kỷ”, dưới sự giám sát của Christopher Gill, một giáo sư dạy Tư tưởng Cổ đại, người đã viết và đóng góp vào các nghiên cứu hàn lâm về chủ nghĩa Khắc kỷ (Gill, 2006; 2010; 2011).
Một đội ngũ các triết gia, các học giả nghiên cứu về Hy Lạp và Latinh cổ đại, các nhà tâm lý học và trị liệu tâm lý đã tham gia vào đề án này, trong đó có tôi. Một sổ tay hướng dẫn giải thích các khái niệm và thực hành theo chủ nghĩa Khắc kỷ cơ bản đã được đăng tải lên mạng, người tham gia sẽ áp dụng chúng vào cuộc sống hằng ngày trong vòng một tuần để thử nghiệm tính khả thi. (Tôi đã viết vài phần trong cuốn sổ tay hướng dẫn ấy và cuốn sách bạn đang đọc đây cũng phần nào lấy cảm hứng từ cuộc thử nghiệm này và nhiều phát hiện của chúng tôi). Dự án đã thu hút nhiều sự quan tâm và đã được các tờ The Independence và Guardian đưa tin.
Kể từ đó, “Tuần lễ Khắc kỷ” được tổ chức hằng năm. Năm 2018 có 7.000 người tham gia vào dự án trực tuyến và dữ liệu đã được thu thập. Triết gia kiêm nhà trị liệu tâm lý Tim LeBon, tác giả cuốn Wise Therapy (tạm dịch: Liệu pháp khôn ngoan) đã công bố nhiều báo cáo thống kê, các báo cáo này cũng đã được đăng tải trên mạng.
Vậy những phát hiện của chúng tôi là gì? Cần nhấn mạnh rằng đây vẫn chỉ là những nghiên cứu thí điểm và cần thực hiện thêm các nghiên cứu chính thức nữa. Tuy nhiên, các dữ liệu mỗi năm luôn luôn cho thấy sự tăng trưởng mạnh, khoảng 10%, về cải thiện tâm lý, qua ba phương pháp tự đánh giá khác nhau, đo được trong khoảng một tuần lễ kể từ khi có sổ tay hướng dẫn của dự án. Dĩ nhiên, khoảng thời gian luyện tập này quá ngắn để mong đợi nhiều sự thay đổi có thể đo lường được. Báo cáo cũng cho thấy sự sụt giảm khoảng 10% các cảm xúc tiêu cực, tuy các cảm xúc tích cực chỉ tăng khoảng 5%. Người tham gia có thể lựa chọn từ một loạt các chiến lược Khắc kỷ và ba cách hiệu quả nhất được báo cáo là:
• Chánh niệm kiểu Khắc kỷ (prosochê)
• Thiền hồi tưởng vào buổi tối
• Góc nhìn từ trên cao
Do vậy, chúng ta sẽ khám phá chi tiết ba chiến lược này trong các chương sau. Dẫu sao khám phá chính của đề án nghiên cứu là có vẻ việc xây dựng một chế độ luyện tập theo phương pháp Khắc kỷ, đủ đơn giản để học trong vài ngày và áp dụng vào cuộc sống hiện đại, là rất khả thi. Người tham gia thích thú làm theo các bài tập luyện, đánh giá là chúng rất hữu ích và muốn thực hiện thêm. Các nghiên cứu ban đầu này không phải là các thí nghiệm khoa học được kiểm soát sát sao nên chúng tôi rất thận trọng khi công bố các phát hiện của mình, nhưng dữ liệu gợi ra rằng dù thực hành các bài tập theo phương pháp Khắc kỷ chỉ trong một tuần cũng có thể tạo ra tác động tâm lý tích cực có thể đo lường bằng các thang đo đã được khoa học kiểm chứng.
Bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại:
http://modernstoicism.com
Chủ nghĩa Khắc kỷ trong thế giới hiện đại
Chủ nghĩa Khắc kỷ ngày nay thì sao? Ngày càng có nhiều người nghiên cứu về chủ nghĩa Khắc kỷ. Họ ở khắp nơi trên thế giới, kết nối với nhau thông qua Internet. Chỉ cần gõ từ chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) trên Google, sẽ chẳng mất nhiều thời gian để tìm thấy các phương pháp thực hành Khắc kỷ vì có rất nhiều người tham gia các diễn đàn trực tuyến,... Vừa qua, chúng tôi ước tính có khoảng 100.000 người là thành viên của các cộng đồng Khắc kỷ khác nhau trên mạng.
Tác giả Jules Evans mới đây cũng đã xuất bản cuốn Philosophy for Life (tạm dịch: Triết học cho cuộc sống), trong đó đưa ra nhiều ví dụ cụ thể về những người áp dụng triết lý cổ xưa, đặc biệt là chủ nghĩa Khắc kỷ và các trường phái tư tưởng Socrates có liên quan vào cuộc sống hiện đại (Evans, 2012). Chủ nghĩa Khắc kỷ đặc biệt phổ biến trong giới quân sự hiện đại. Chẳng hạn, Trung tá Thomas Jarrett, một cựu chiến binh Mũ Nồi Xanh2, đã dạy một chương trình xây dựng sự vững vàng tâm lý cho hàng ngàn quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ, đúc kết từ triết học Khắc kỷ và các yếu tố của liệu pháp CBT. Dữ liệu thu thập được từ bảng trả lời câu hỏi của 900 người tham gia chương trình “Huấn luyện sự vững vàng cho chiến binh” theo thuyết Khắc kỷ của ông đã gợi ra những kết quả tích cực. Chẳng hạn, các thống kê cho thấy những người này cảm nhận chương trình huấn luyện thật sự giúp họ trở nên vững vàng hơn trong quá trình thi hành nhiệm vụ quân sự cũng như khi trở về nhà (Jarrett, 2008). Cuốn Stoic Warriors: The Ancient Philosophy behind Military Mind (tạm dịch: Các chiến binh Khắc kỷ: Triết học cổ đại đằng sau trí óc nhà binh) của Giáo sư Nancy Sherman, cựu Giáo sư ưu tú ngành Đạo đức học ở Học viện Hải quân Hoa Kỳ, cũng đã khai thác mối tương quan giữa triết học Khắc kỷ với các giá trị quân đội đương đại (Sherman, 2005).
2 Lính đặc nhiệm lục quân Hoa Kỳ.
Mặt khác, nhiều người có thể đã biết về chủ nghĩa Khắc kỷ qua cuốn tiểu thuyết nổi danh của Tom Wolfe, cuốn A Man in Full (tạm dịch: Một con người toàn vẹn, 1998). Hai trong số các nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này đã “cải cách niềm tin” sang chủ nghĩa Khắc kỷ vào các thời điểm then chốt và việc vận dụng triết lý Khắc kỷ của họ đã trở thành trung tâm của cao trào câu truyện. Do đó, nửa sau cuốn sách đề cập đến rất nhiều câu trích dẫn từ Epictetus. Một trong các nhân vật, Conrad, tình cờ đọc các tài liệu về Khắc kỷ trong thời gian ở tù. Khi được hỏi anh có xem mình là một người Khắc kỷ không, Conrad nói:
“Tôi mới chỉ mới đọc về nó thôi”, Conrad nói, “nhưng tôi ước giá có ai đó bên cạnh hôm nay, ai đó mà ta có thể tìm đến, theo cách mà các học trò tìm đến Epictetus. Ông biết đấy, ngày nay, người ta nghĩ về Khắc kỷ như là những người nghiến răng để chịu đau đớn và thống khổ. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Người Khắc kỷ thật ra là những người trầm tĩnh và tự tin đối mặt với bất cứ thứ gì người ta ném vào họ. Nếu ông nói với một người Khắc kỷ: “Nhìn đây, hãy làm những gì tôi bảo, nếu không tôi sẽ giết anh”. Anh ta sẽ nhìn vào mắt ông và nói: “Anh cứ làm những gì anh phải làm, còn tôi cũng sẽ làm những gì tôi phải làm – và tiện đây, tôi đã nói với anh rằng tôi bất tử chưa ấy nhỉ?”.
(Wolfe 1988, tr. 665)
Có một cuốn sách rất hay hướng dẫn về cách ứng dụng chủ nghĩa Khắc kỷ trong thế giới hiện đại, cuốn Stoic Serenity (tạm dịch: Sự thanh thản Khắc kỷ) của Keith Seddon, dựa trên một khóa học tại nhà của ông về nghệ thuật sống của người Khắc kỷ (Seddon, 2006). Ông giải thích về thuyết này một cách đơn giản như sau: “Một người Khắc kỷ có lẽ được coi là người không ngừng nhắc nhở bản thân rằng cảnh ngộ của anh ta cũng không đến nỗi quá tệ như vẻ ngoài và năng lực xử lý (với sự trợ giúp của triết lý này) các nỗi giận dữ vặt vãnh hằng ngày cũng như các biến cố tai ương của chúng ta là vượt trội hơn nhiều so với những gì ta vẫn tưởng” (Seddon, 2006, tr. 78).
Tuy nhiên, cuốn sách giới thiệu chủ nghĩa Khắc kỷ phổ thông bán chạy nhất có lẽ là cuốn A Guide to the Good Life: The Ancient Art of Stoic Joy (tạm dịch: Hướng dẫn sống đẹp: Nghệ thuật cổ đại của niềm vui kiểu Khắc kỷ, 2009) của William Irvine. Dẫu vậy, Irvine thừa nhận rằng có nhiều điểm quan trọng trong cuốn sách của ông xa rời thuyết Khắc kỷ theo như cách hiểu truyền thống. Chẳng hạn như, ông cho rằng trọng tâm của cuốn sách là để đạt được “sự tĩnh tâm” hơn là “đức hạnh” (Irvine, 2009, tr. 42).
Dù có nguồn gốc từ các triết gia Khắc kỷ cổ đại, thì phiên bản hậu duệ của chủ nghĩa Khắc kỷ lại vì vậy mà không giống với chủ nghĩa Khắc kỷ được bất kỳ triết gia Khắc kỷ cụ thể nào ủng hộ. Cũng có thể là phiên bản mà tôi phát triển, về nhiều mặt sẽ không giống với triết thuyết đã từng được dạy trong các trường Khắc kỷ thời cổ.
(Irvin, 2009, tr. 244)
Về vấn đề này, nhiều triết gia Khắc kỷ chính thống có thể phản đối, rằng “sự tĩnh tâm” (ataraxia) thông thường được nhìn nhận là hệ quả thứ yếu tích cực của đức hạnh, chứ không phải là mục tiêu của chính cuộc sống. Nói khó nghe một chút thì nếu như xem sự tĩnh tâm thật sự là mục tiêu sau cùng của cuộc sống thì chỉ cần sử dụng thuốc an thần là đủ. Các nhà Khắc kỷ lập luận rằng điều tốt chính yếu trong đời phải là điều gì đó vừa tự thân tốt đẹp vừa tốt “như một phương tiện”, nghĩa là nó phải tạo ra những hệ quả tốt đẹp. Sự tĩnh tâm đúng là một điều tốt điển hình, nhưng nó chẳng dẫn đến đâu, nó không thể tự mình duy trì một cách chắc chắn hay tạo ra được những hệ quả tốt đẹp khác, nghĩa là nó có thể bị dùng sai hoặc bị lạm dụng. Một kẻ rối loạn đa nhân cách có thể trải nghiệm sự tĩnh tâm trong lúc hành xác nạn nhân của hắn! Tuy nhiên, sự mưu cầu trí tuệ và đức hạnh với tư cách là mục tiêu chính yếu của cuộc sống thì sẽ dẫn đến kết quả vừa có thể tự duy trì vừa mang lại những điều có lợi khác, trong đó có sự tĩnh tâm. Như các nhà trị liệu nói, có sự khác biệt hoàn toàn giữa đơn thuần cảm giác tốt hơn và việc thật sự trở nên tốt hơn.
Bởi vậy, trong cuốn sách này, chúng ta sẽ xem xét một phương pháp tiếp cận chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại dựa trên quan điểm riêng biệt của các triết gia Khắc kỷ cổ đại. Chúng ta sẽ đặt chủ nghĩa Khắc kỷ trong bối cảnh lịch sử của nó, và xem xét nền tảng của trường phái này, đặc biệt là các học thuyết đạo đức cốt lõi, vốn được người xưa xem là tinh hoa của chủ nghĩa Khắc kỷ. Nói cách khác, bằng việc phác thảo bao quát truyền thống lịch sử, chúng ta sẽ cố gắng trả lời cho câu hỏi: “Điều gì khiến một người nào đó trở thành người Khắc kỷ?”.
- Bài tụng ca thần Zeus của người Khắc kỷ
Hãy dẫn dắt con, hỡi thần Zeus, và ngươi hỡi định mệnh,
Con đường Người bắt con đi;
Con sẵn sàng theo Người.
Nếu con không theo, hãy làm cho con trở nên khốn cùng, con sẽ theo Người.
Ai sẵn sàng sẽ được số phận dẫn dắt, người nào do dự sẽ bị bỏ lại.
Hymn to Zeus, Cleanthes, triết gia có ảnh hưởng thứ hai của trường phái triết học Khắc kỷ