T
rong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu:
- Bản chất cốt lõi của Đạo đức học Khắc kỷ: định nghĩa về điều tốt tối thượng trong cuộc sống như là “trí tuệ thực tiễn”, hay còn gọi là “đức hạnh”.
- Người Khắc kỷ hiểu hiểu thế nào về đức tính tốt cần và đủ để không chỉ làm một “người tốt” mà còn để có một “cuộc sống tốt”, đạt được “hạnh phúc” và sự mãn nguyện (eudaimonia).
- Cách người Khắc kỷ xếp những thứ nhất định vào loại “không quan trọng” (vô thưởng vô phạt) đối với Hạnh phúc nhưng vẫn có một giá trị thực tiễn nào đó trong cuộc sống.
- Làm thế nào để thực hành một kỹ thuật thiền định hiện đại, áp dụng cho việc suy ngẫm theo chủ nghĩa Khắc kỷ về điều tốt tối thượng.
Nhiệm vụ cơ bản trong cuộc sống là: phân biệt được các vấn đề, cân nhắc nặng nhẹ và tự nhủ “những thứ ngoại thân không nằm trong tầm kiểm soát của ta; ý chí mới nằm trong tầm kiểm soát của ta. Tìm ở đâu để nhận diện điều tốt và điều xấu? Hãy tìm trong chính bản thân ta”. Còn với người khác, đừng bao giờ dùng từ “tốt” hay “xấu”, “lợi” hay “hại”, hay bất kỳ điều gì tương tự.
(Epictetus, Discourses, 2.5)
Bởi tôi chẳng làm gì hơn ngoài việc thuyết phục từ trẻ đến già hãy đừng quan tâm tới thân thể và của cải, mà hãy quan tâm nhiều nhất có thể tới tâm hồn mình, như tôi đã nói với anh: “Của cải không tạo ra đức hạnh, chính đức hạnh làm ra của cải và mọi cái tốt khác cho con người, cả cá nhân lẫn tập thể.”
(Socrates trong cuốn Apology của Plato, 30a-b)
Tự đánh giá: Thái độ của người Khắc kỷ đối với Đạo đức học
Trước khi đọc chương này, hãy đánh giá mức độ đồng tình của bạn với các tuyên bố sau đây, sử dụng thang điểm từ 1 đến 5 dưới đây, sau đó đánh giá lại thái độ của bạn sau khi đã đọc và hiểu nội dung.
1. Hoàn toàn không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Không đồng ý cũng không phản đối, 4. Đồng ý, 5. Hoàn toàn đồng ý
1. Trí tuệ thực tiễn bao hàm việc hiểu thế nào là tốt, xấu hay “không quan trọng” trong việc đạt được hạnh phúc và sự toại nguyện.
2. Những gì nằm ngoài ý chí của ta đều “không quan trọng” đối với hạnh phúc sau cùng của ta.
3. Mặc dù rốt cuộc thì những thứ ngoại tại chẳng quan trọng, nhưng việc đôi khi ta thích chúng hơn cũng là lẽ tự nhiên và hữu lý.
Đạo đức học Khắc kỷ có gì quan trọng?
Nguồn gốc của Hạnh phúc và toại nguyện là gì? Người Khắc kỷ có ý gì khi nói một người là tốt hay xấu? Họ có ý gì khi nói những thứ ngoại tại hay vẻ đẹp cơ thể chỉ là những thứ không quan trọng (vô thưởng vô phạt) đối với họ? Họ điều hòa thế nào giữa nhu cầu sống, quản lý của cải, tương tác với người khác, với quan điểm nghiêm ngặt của mình rằng đức hạnh là điều tốt duy nhất? Đây là những loại câu hỏi được đặt ra trong chương nói về Đạo đức học Khắc kỷ này, để mở đường cho việc thảo luận sâu hơn đối với ba kỷ luật thực hành của Epictetus.
Vậy thì, Đạo đức học với người Khắc kỷ thật ra có ý nghĩa gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem xét ý nghĩa của một số từ Hy Lạp. Trước hết là từ “đạo đức” (êthikê), vốn mang nhiều ý nghĩa đối với các triết gia cổ đại. Nó ám chỉ sự phát triển tính cách con người (êthos) và vì vậy trùng khớp với cách tiếp cận hiện đại về phương pháp trị liệu tâm lý và tự cải thiện. Người Khắc kỷ cho rằng Đạo đức học của họ có thể sánh với huấn luyện thể thao hay quân sự, đồng thời cũng giống một nhánh của ngành y chuyên về chữa trị tâm lý hơn là cơ thể, và thực tế họ đã gọi tên nó là tâm lý trị liệu (therapeia).
Trong chương này, chúng ta sẽ tập trung vào câu hỏi mà Epictetus bảo học trò nên hỏi bản thân trước: “Tìm đâu để thấy bản chất của tốt và xấu?” (Discouses, 2.2). Thật ra, khi các tác gia cổ đại so sánh chủ nghĩa Khắc kỷ với các trường phái triết học khác, họ thường chỉ cương quyết tập trung vào các học thuyết Đạo đức học chứ không quan tâm đến Vật lý học hay Logic học.
Cicero gọi đây là học thuyết “cốt lõi” của triết học Khắc kỷ: Đức hạnh là điều duy nhất thật sự tốt. Vì vậy, người Khắc kỷ định nghĩa mục tiêu cơ bản của nhân loại là “sống phù hợp với đức hạnh”, đồng nghĩa sống hòa hợp với tự nhiên, hay sống khôn ngoan, sống như một “triết gia” hay người yêu mến trí tuệ.
Người Khắc kỷ tin rằng đức hạnh vừa là điều kiện cần vừa là điều kiện đủ để đạt được eudaimonia, bất kể có gặp vận rủi và khó khăn về vật chất ngoại thân như thế nào đi nữa. Như Cicero đã viết:
Niềm tin của người Khắc kỷ vào vấn đề này rất đơn giản. Theo họ, điều tốt nhất là sống thuận tự nhiên, hòa hợp với tự nhiên. Họ tuyên bố đó là nhiệm vụ của người khôn ngoan; và điều đó cũng là thứ nằm trong khả năng thụ đắc của họ. Từ đây rút ra kết luận rằng người có trong mình những phẩm chất tốt nhất sẽ có năng lực sống hạnh phúc. Vì lẽ đó, cuộc sống của người khôn ngoan thường hạnh phúc.
(Tusculan Disputations, 5.28).
Chúng ta có thể diễn đạt quan điểm của người Khắc kỷ theo cách này: là một người tốt ắt sẽ có cuộc sống tốt, từ đó sẽ có Hạnh phúc và viên mãn, bất chấp những may rủi đến từ bên ngoài. Cuộc sống của nhà Hiền triết không thiếu sức mạnh nội tại, cho dù anh ta có thiếu thốn sức khỏe, của cải và danh tiếng. Theo người Khắc kỷ, cuộc sống giàu có và đầy lạc thú của của Đại đế Ba Tư chẳng tốt đẹp hơn, thậm chí còn tệ hơn nhiều, so với cuộc đời nghèo khó mà Diogenes đã chọn – ngủ lang thang, không có gì ngoài chiếc áo choàng rẻ tiền và chút thức ăn trong tay nải. Thêm nữa, cuộc đời của Diogenes cũng chẳng thể “tốt hơn” nếu thần may mắn cho ông thêm của cải và địa vị. Vì vậy, các học giả nói “thành lũy của Đạo đức học Khắc kỷ nằm ở luận đề rằng đức hạnh và sự đồi bại lần lượt là các phần tử duy nhất của hạnh phúc và bất hạnh” (Long và Sedley, 1987, tr. 357).
Tuy nhiên, những quan điểm cấp tiến này sẽ là vô giá trị nếu chúng không thay đổi được gì về cuộc sống của chúng ta. Epictetus, với phong cách thẳng thừng điển hình của mình, đã cảnh báo học trò của ông không nên hài lòng với những kiến thức học được về bản chất của điều tốt và coi đó như một tập hợp những tư tưởng trừu tượng, mà phải mạnh mẽ áp dụng chúng vào những hoàn cảnh cụ thể và tự rèn luyện một cách có hệ thống, bởi vì chúng ta đã có rất nhiều năm thực hành suy nghĩ và hành động theo hướng ngược lại. Chúng ta phải thấu suốt các tư tưởng này và để cho chúng được thẩm thấu vào cuộc sống, điều mà người Khắc kỷ so sánh với hình tượng con cừu ăn cỏ và sử dụng chất dinh dưỡng để tạo ra lông cừu. Nếu không làm được như vậy, chúng ta không phải những triết gia chân chính – chúng ta chẳng qua chỉ là người bình luận về tư tưởng của người khác. Epictus nói rằng một kẻ ngốc bất kỳ nào cũng có thể bình luận được như thế. Trong một phần tóm tắt về Đạo đức học Khắc kỷ, ông nói:
Trong mọi điều – điều tốt, điều xấu và những điều không quan trọng – thì điều tốt là đức hạnh và những gì dự phần vào đức hạnh; còn điều xấu thì ngược lại; những thứ không quan trọng là của cải, sức khỏe và danh tiếng.
(Discourses, 2.9)
Tuy nhiên, ông nói thêm, giả sử ngay lúc này, khi đang thuyết giảng về điều tốt, bỗng có một tiếng động lớn đáng sợ vang lên hay một số khán giả bắt đầu cười và chế nhạo chúng ta. Nếu chúng ta khó chịu thì đó là vì triết học của chúng ta chỉ là những lời cửa miệng chứ không xuất phát từ chính cốt lõi con người chúng ta. Vì lý do đó, người Khắc kỷ nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải rèn luyện triết học hằng ngày như một lối sống, sử dụng những bài luyện tập được mô tả xuyên suốt trong cuốn sách này.
Điển cứu: Jules Evans và chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại
Jules Evans là một tác giả và nhà nghiên cứu đã tham gia dự án “Tuần lễ Khắc kỷ”. Trong bài viết có nhan đề How Ancient Philosophy Saved My Life (tạm dịch: Triết học cổ đại đã cứu vớt cuộc đời tôi như thế nào) đăng trên blog của ông và trên tờ The Times (8/5/2012) ông mô tả “sự suy sụp” đã dẫn ông đến tìm sự trợ giúp từ liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) và triết học Khắc kỷ. Trong thời gian học văn chương ở trường đại học, ông mắc chứng hoảng loạn, trầm cảm và rối loạn lo âu ngày càng trầm trọng. Nhờ tham gia nhóm tự trị liệu bằng liệu pháp CBT, ông đã vượt qua được chứng hoảng loạn và kiểm soát tốt hơn các vấn đề cảm xúc.
Hào hứng với thành công của mình, ông đã tới NewYork với danh nghĩa là một nhà báo tập sự để phỏng vấn Albert Ellis, người sáng lập Phương pháp trị liệu dựa trên hành vi cảm xúc – lý trí (REBT), tiền thân của liệu pháp CBT. Jules đã thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng với Ellis trước khi Ellis qua đời. Ellis kể với Jules rằng ông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ triết học Hy Lạp cổ đại như thế nào, ở giai đoạn đầu hành nghề bác sĩ trị liệu trong thập niên 1950. Ông đặc biệt ấn tượng với câu trích dẫn nổi tiếng trong cuốn Handbook của Epictetus: “Người ta không phiền muộn bởi các sự kiện mà bởi sự phán xét của họ về chúng”. Điều này đã trở thành cảm hứng triết học trung tâm cho liệu pháp REBT và liệu pháp hậu sinh của nó là CBT.
Như Jules chỉ rõ, hầu hết các trường phái triết học Hy – La cổ điển có chung một cách tiếp cận cảm xúc “qua nhận thức”. Phương pháp này giải thích rằng những đau đớn về mặt cảm xúc phần lớn gây ra do niềm tin và lối suy nghĩ của cá nhân, những yếu tố có thể thay đổi qua sự phản tư triết học và tập luyện chăm chỉ các bài tập tâm lý có liên quan. Nói cách khác, triết học cổ đại vốn là một hình thức trị liệu tâm lý.
Jules kết luận rằng các trục trặc cảm xúc của ông, trong chừng mực nào đó, xuất phát từ các giá trị cá nhân – nhấn mạnh quá mức vào việc có được sự công nhận và tán thành của người khác,… Một trong những bài học ông rút ra từ triết học Socrates cổ đại là “ta có thể lấy lại sự tự chủ bằng cách lựa chọn các giá trị nội tại, như trí tuệ, thay vì những giá trị ngoại tại như địa vị hay quyền lực”. Đối với người Khắc kỷ, thứ duy nhất có tầm quan trọng sau cùng trong đời là đức hạnh, đặc biệt là trí tuệ, còn những thứ “ngoại tại” hoàn toàn chỉ có giá trị thứ yếu, vì chúng vốn có tính vô thưởng vô phạt trong việc đạt được hạnh phúc và thoát khỏi sự đau khổ về cảm xúc.
Trên trang blog cá nhân và trong cuốn sách của mình, Philosophy for Life and Other Dangerous Situations (tạm dịch: Triết học cho đời sống và những tình huống nguy hiểm khác) (Evans, 2012), Jules nói rất nhiều về sự liên quan của triết học cổ đại với cuộc sống hiện đại, đặc biệt như một phương tiện để cải thiện hạnh phúc cá nhân và sự vững vàng về cảm xúc. Ông đã đúc kết ba trong số các bài học rút ra từ chủ nghĩa Khắc kỷ và các nhánh triết học thời kỳ Hy Lạp hóa như sau:
1. Tập trung vào những điều có thể kiểm soát và chấp nhận những điều không thể kiểm soát.
2. Lựa chọn một cách khôn ngoan hình mẫu mà mình muốn noi theo, một bài học ông rút ra từ cuốn Parallel Lives (tạm dịch: Những cuộc đời song song) của Plutarchus.
3. Quan sát suy nghĩ và hành vi của mình, ví dụ bằng cách ghi chép chúng trong sổ tay trị liệu cá nhân.
Ông viết: “Socrates đã cho thấy rằng chúng ta có sức mạnh chữa lành các vết thương của mình và thay đổi tính cách tại bất kỳ giai đoạn nào trong đời; có thể chúng ta không trở thành một nhà Hiền triết như ông, nhưng tôi tin rằng ta có thể khôn ngoan hơn và hạnh phúc hơn đôi chút.”
Tư tưởng chính: Trí tuệ thực tiễn và đức hạnh
Người Khắc kỷ tin rằng con người vốn là những sinh vật có lý trí, có lẽ là sinh vật lý trí duy nhất ngoài Thần Zeus. Vì vậy họ định nghĩa mục tiêu nội tại của bản chất con người là hoàn thiện về lý trí, được nhắc đến là “trí tuệ” (sophia), hoặc cụ thể hơn là phronêsis, nghĩa là sự khôn ngoan, trí tuệ đạo đức, hay trí tuệ thực tiễn. Một người lý tưởng, hoàn hảo về cả đạo đức và lý trí, được gọi là nhà Hiền triết, hay nhà thông thái (sophos). Những người khao khát trở thành nhà Hiền triết được gọi là triết gia, người yêu chuộng trí tuệ, như ta đã biết.
Theo các triết gia Khắc kỷ, trí tuệ thực tiễn là cốt lõi của mọi đức hạnh. Trí tuệ thực tiễn bao gồm kiến thức về bản chất của “điều tốt” được ứng dụng vào nhiều phương diện cuộc sống, vì thế mọi đức hạnh về cơ bản là một. Như chúng ta đã lưu ý, thuật ngữ Hy Lạp aretê rất khó dịch. Nó thường được dịch là “đức hạnh” nhưng thật ra nó diễn đạt sự ưu tú về chức năng tự nhiên hoặc phẩm cách cốt yếu của con người, theo lối vừa lành mạnh vừa đáng khen. Chẳng hạn, một con ngựa khỏe và nhanh là con ngựa có aretê nhưng ta không thể gọi đó là con ngựa đức hạnh.
Tương tự, từ kakia trong tiếng Hy Lạp được dịch là xấu, mang nghĩa là “sự tồi tệ” hay “thảm hại” như khi nói một con ngựa ốm yếu. Vì con người vốn dĩ là những sinh vật có lý trí và mang tính xã hội, nên hai đức hạnh quan trọng nhất của chúng ta là khôn ngoan và công bằng, đó là sự hoàn hảo của lý trí và của mối quan hệ giữa người với người. Các đức hạnh cốt yếu còn lại là can đảm và kỷ luật tự giác, cũng rất cần thiết để vượt qua những nỗi sợ hãi hay ham muốn phi lý trí (những Cảm xúc mãnh liệt) có thể gây trở ngại cho việc sống khôn ngoan.
Vì thế, trí tuệ thực tiễn hay đức hạnh là phẩm chất giúp ta đưa ra những đánh giá chính xác về giá trị. Quan trọng nhất, nó đồng nghĩa với việc nhận định rằng bản thân đức hạnh là “tốt”, còn những thứ thuộc về thân thể vật lý và thế giới bên ngoài là “không quan trọng”. Sau này người Khắc kỷ cũng định nghĩa sự khôn ngoan là “suy lý đúng đắn khi lựa chọn và từ chối sự việc, trong sự hoà hợp với Tự nhiên”. Quan điểm này cũng gần như ám chỉ việc chọn lọc giữa những thứ “không quan trọng” dựa trên cơ sở giá trị tự nhiên (axia) của chúng và biết mình nên ưu tiên thứ gì hơn – một khía cạnh “trần tục” của sự khôn ngoan.
Ngược lại, theo truyền thuyết thì Pyrrho xứ Elis, nhà sáng lập chủ nghĩa hoài nghi Hy Lạp, quá “thờ ơ” với những thứ bên ngoài đến nỗi ông phải được những môn đồ nhắc nhở để không hụt chân khỏi vách đá hay bước nhầm vào lối đi dành cho xe ngựa. Câu chuyện này có vẻ khôi hài, nhưng nó không phải là câu chuyện cười được dựng nên để nói về người Khắc kỷ, những người vốn được coi là những triết gia có đầu óc thực tế hơn, quan tâm tới thế giới thật và những vấn đề thực tế. Thật vậy, chính việc tách bạch với những thứ “không quan trọng” đã cho phép người Khắc kỷ tận dụng chúng một cách khôn ngoan hơn. Theo Seneca, Chrysippus từng ví con rằng người khôn ngoan không cần thứ gì nhưng anh ta có thể tận dụng được mọi thứ, trong khi người dốt nát cần đủ thứ nhưng chẳng tận dụng được thứ nào.
Ghi nhớ: Những thứ ngoại tại không phải vô giá trị
Trong khi người theo chủ nghĩa khuyển nho có vẻ tin rằng những thứ ngoại tại hoàn toàn chẳng có giá trị gì, thì người Khắc kỷ lại chấp nhận một vị thế gần gũi với quần chúng hơn đôi chút, đồng thời gán cho những thứ ngoại tại một “giá trị”có giới hạn, nhằm mục đích hoạch định cho hành động trên đời. Những thứ ngoại tại hoàn toàn không quan trọng hay không liên quan tới việc sống tốt, tức có được Hạnh phúc và viên mãn. Tuy nhiên, việc chúng ta ưu tiên tìm kiếm thứ này hơn thứ khác cũng là lẽ tự nhiên, miễn là ta làm vậy một cách khôn ngoan và bằng đức hạnh. Đối với tâm trí chúng ta, những người khác đều là “ngoại tại”, kể cả bạn bè thân thiết hay những người “khôn ngoan và tốt đẹp” khác, nhưng ước muốn nhân loại đều được hạnh phúc, phồn thịnh chính là cốt lõi của lòng bác ái Khắc kỷ. Như vậy, đức hạnh cũng bao hàm việc cầu mong người khác sống tốt trong phạm vi “định đoạt của số phận”, như chúng ta sẽ thấy trong các chương sau.
Bản chất của điều tốt
Mosonius cho rằng tự nhiên đã thiết lập mục tiêu cho chúng ta là sống tốt, trở thành những người tốt, rằng “làm người tốt cũng giống như làm một triết gia”, một người yêu chuộng trí tuệ (Lectures, 16). Bởi vậy, đối với người Khắc kỷ, khôn ngoan và tốt đẹp về bản chất là giống nhau. Vậy thì, một người khôn ngoan suy ngẫm về bản chất của sự tốt đẹp ra sao và điều đó tương ứng thế nào với trạng thái tâm lý của họ? Ta ngụ ý gì khi nói một điều gì đó là tốt, xấu hay không quan trọng? Chúng ta được biết ban đầu Zeno đã đưa ra các ví dụ sau đây, khởi đầu cho cách diễn giải về Đạo đức học của chủ nghĩa Khắc kỷ truyền thống:
- Những điều tốt bao gồm “khôn ngoan, chừng mực, công bằng, can đảm, và tất cả những gì thuộc về đức hạnh hay dự phần vào đức hạnh”.
- Những điều xấu bao gồm “điên rồ, quá độ, bất công, hèn nhát, tất cả những gì thuộc về tính xấu hay dự phần vào tính xấu”.
- Những điều không quan trọng bao gồm phần còn lại nhưng nổi bật nhất là: “sự sống và cái chết, danh vọng và ô nhục, lạc thú và đau đớn, của cải và nghèo khó, khỏe mạnh và ốm đau”,… (Stobaeus, 2.57-58)
“Tốt” chỉ là những đức hạnh cốt yếu theo cách hiểu truyền thống trong triết học Khắc kỷ và “xấu” là những gì đối lập với bốn đức hạnh ấy (bốn tính xấu chủ yếu). Đây được coi là các hình thái khác nhau của trí tuệ thực tiễn (phronêsis), tức điều tốt cốt yếu của con người. Như chúng ta sẽ thấy, từ “không quan trọng” khá dễ gây hiểu nhầm, bởi không giống như người theo thuyết khuyển nho, người Khắc kỷ có sự phân biệt thứ này “giá trị” hơn và được “ưu tiên hơn” thứ khác trong hoạch định cho tương lai.
Tuy nhiên, kiểu giá trị này hoàn toàn không thể coi là tương xứng với cái tốt. Khôn ngoan và những đức hạnh khác quý giá hơn những cái tốt thuộc về thân thể hay thuộc về thế giới bên ngoài, bởi khôn ngoan và đức hạnh hoàn thiện bản chất con người và cho phép chúng ta hoàn thành mục tiêu căn bản của cuộc đời, trong khi những thứ được gọi là “tốt” khác lại không tác động gì tới mục tiêu này. Do vậy, những thứ “không quan trọng” bao hàm cả những gì đa số người vẫn thường đánh giá là “tốt” hay “xấu” và chúng thường xoay quanh các phạm trù như sức khỏe, của cải và danh vọng. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ và khuyển nho thống nhất rằng nhân loại đang khổ sở trong một ảo tưởng lớn (tuphos, nghĩa đen là khói hay sương), ảo tưởng của việc cho rằng những thứ hời hợt này thực chất là “tốt” hoặc “xấu”.
Những ví dụ này dựa vào những định nghĩa khác nhau của người Khắc kỷ về “cái tốt”, xét theo các đặc tính cốt yếu của nó, chúng bổ trợ cho nhau và cùng chỉ về một hướng. Có lẽ người Khắc kỷ đã định nghĩa được một cách căn bản nhất đâu là “cái tốt” giúp chúng ta phát huy năng lực và hoàn thiện bản chất của mình. Cái tốt đối với mọi sinh vật, cả thực vật lẫn động vật, là sự hoàn thiện các đặc tính tự nhiên của chúng. Theo Cicero, triết gia Khắc kỷ Diogenes xứ Babylon1 đã định nghĩa tốt là “cái được hoàn thiện bởi Tự nhiên”, được phát huy hết tiềm năng và ông đã vẽ nên chân dung của Cato qua câu nói: “Những người khôn ngoan là những người được coi là hoàn chỉnh và trọn vẹn” (De Finibus, 4.37). Người Khắc kỷ thời kỳ đầu định nghĩa cái tốt là sự khôn ngoan hay “những gì hoàn toàn phù hợp với Tự nhiên đối với một sinh vật có lý trí” (Lives, 7.94).
1 Diogenes xứ Babylon (240 – 150 TCN): Triết gia Khắc kỷ, từng là người đứng đầu trường phái Khắc kỷ ở Athens (phân biệt với Diogenes người theo chủ nghĩa khuyển nho)
Con người vốn là sinh vật có lý trí và tính xã hội, do vậy mục tiêu tự nhiên của con người là hoàn thiện năng lực trí tuệ và công bằng. Đối với người Khắc kỷ, đây là mục tiêu cuộc sống mà Tự nhiên đã ban cho chúng ta, là điều răn của Thần Zeus, cha đẻ của nhân loại: Hãy hoàn thiện tác phẩm dang dở của người.
Chính vì vậy, Cato cũng mô tả cái tốt với con người là sự chín chắn hay hợp thời điểm (eukaira) – một thuật ngữ chuyên môn Khắc kỷ khá lạ lùng nhưng có lẽ bộc lộ nhiều ý nghĩa. Đức hạnh, cũng như sự chín chắn, không tăng giá trị theo thời gian, vì nó được tìm thấy trong bản chất chúng ta khi đạt đến mục đích cuối cùng và vươn tới sự hoàn hảo. “Đó chính là lý do vì sao đối với người Khắc kỷ một cuộc sống hạnh phúc kéo dài thì cũng không đáng khát khao hay đáng tìm kiếm hơn so với một cuộc sống ngắn ngủi” (De Finibus, 3.46). Có được eudaimonia bằng cách vượt trội trong sự hòa hợp với bản chất cốt yếu của chúng ta, hoàn thiện lý trí và đạt được sự khôn ngoan, cũng giống như cây trái đậu quả sum suê và chín muồi một cách tự nhiên.
Đây là một học thuyết Khắc kỷ quan trọng vì nó ngụ ý rằng sống lâu không nhất thiết làm tăng thêm đức hạnh, và vì vậy, cái chết là điều không quan trọng đối với cái tốt tối thượng. Để đáp lại những ai lập luận rằng duy trì sự sống của mình là điều tốt bởi vì nó cho phép sự khôn ngoan được thực hành lâu hơn, Cato đã phản đối một cách thẳng thừng (nhưng có phần khó hiểu): “Lập luận này không hiểu được rằng trong khi giá trị của sức khỏe tốt được đánh giá bằng thời gian tồn tại của nó thì giá trị của đức hạnh được đánh giá bằng độ chín muồi”. Đây cũng là một lập luận gây tranh cãi của chủ nghĩa Khắc kỷ mà chúng ta sẽ trở lại trong chương nói về cái chết (chương 11).
Các triết gia Khắc kỷ thời kỳ đầu cũng đề cập thêm nhiều phẩm chất có trong bản chất của điều tốt. Về điều này, cả Diogenes Laertius và Stobaeus tóm tắt theo các cách khá giống nhau. Chẳng hạn: “Mọi điều tốt đều có ích, đều được tận dụng, đều tạo thuận lợi, sinh lợi, có đức, phù hợp và đáng kính trọng. Chúng đều có quan hệ với nhau” (Stobaeus, 2.5d). Người Khắc kỷ giữ quan điểm rằng các đặc tính này của cái tốt là nhận thức chung có sẵn của toàn nhân loại, thứ mà Tự nhiên đã tạo ra trong chúng ta, với không chút mâu thuẫn nào.
Ai lại không hiểu rằng điều tốt là có ích và xứng đáng được lựa chọn, là thứ mà chúng ta nên kiếm tìm và theo đuổi trong mọi hoàn cảnh? Ai lại không hiểu rằng công bằng là đáng kính trọng và phù hợp?
(Discourses, 1.22)
Chúng ta có chung định kiến cơ bản về cái xấu, rằng nó là “điều có hại, nên tránh, nên loại bỏ bằng mọi cách” (Discourses, 4.1). Thế nhưng, Epictetus cho rằng các xung đột nảy sinh khi chúng ta cố áp dụng những định kiến trừu tượng vào tình huống thực tế, chẳng hạn phán xét một hành động cụ thể nào đó liệu có tốt và đúng đắn hay không. Tuy nhiên, có lẽ hai phẩm chất quan trọng nhất của cái tốt vốn dĩ là:
- Có ích hay sinh lợi (ôphelimos, nguồn gốc cái tên vở kịch “Ophelia” của Shakespeare), chứ không phải là có hại hay gây hại, “bởi vì tự thân nó mang lại lợi ích” cho chúng ta về mặt hạnh phúc (eudaimonia), tốt đẹp và lành mạnh từ bản chất – bản thân cái tốt đã là phần thưởng, là điều duy nhất thật sự có ích cho con người, nếu không có nó (hoặc xuất hiện thứ trái ngược với nó) thì chỉ tồn tại cái thật sự có hại.
- Đáng kính trọng và đẹp đẽ (kalos), bởi vì nó đáng được ca ngợi về bản chất, nó hài hòa một cách hoàn hảo và nó nhất quán, nó “có tất cả các khía cạnh mà Tự nhiên tìm kiếm” và bản thân nó đã đủ cho một cuộc sống hoàn hảo và viên mãn.
Khi người Khắc kỷ nói đức hạnh là “đáng kính trọng”, cơ bản là họ muốn nói rằng đức hạnh luôn đáng ngưỡng mộ, xứng đáng được ca tụng vô điều kiện bởi người khác. Vì vậy những người khôn ngoan tự hào vì họ sở hữu đức hạnh. Khi nói rằng đức hạnh là “có ích”, họ có ý nói bản thân đức hạnh là sự tưởng thưởng. Chính đức hạnh là sự hoàn hảo của bản chất con người và là hình thái Hạnh phúc tuyệt vời nhất mà chúng ta khát khao hướng tới, mặc dù nó cũng có xu hướng mang tới nhiều ích lợi khác trong cuộc sống, theo sự định đoạt của số phận.
Có ích và đáng kính trọng rõ ràng là hai trong số các đặc tính quan trọng nhất của “cái tốt”, theo định nghĩa của người Khắc kỷ. Theo cách này, Đạo đức học Khắc kỷ xem giá trị “đạo đức” tương đương với giá trị “trị liệu” của trí tuệ thực tiễn và những đức hạnh khác. Cái “tốt về mặt đạo đức” (hay cái đáng kính trọng) là đồng nhất với cái “tốt cho ta” (hay cái lành mạnh). Ngoài những phẩm chất trên đây, người Khắc kỷ, đặc biệt là Epictetus, người vốn là một nô lệ, coi khôn ngoan và đức hạnh là “tự do”, vừa theo nghĩa con người tự do, vừa theo nghĩa thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi và dục vọng. Vì thế, điều tồi tệ và xấu xa cũng được mô tả là một “nô lệ”, với ý nghĩa nô lệ của những dục vọng và lệ thuộc quá mức vào những thứ bên ngoài.
Tư tưởng chính: Định nghĩa của chủ nghĩa Khắc kỷ về cái tốt cốt yếu
Hầu hết các trường phái triết học cổ đại đều thống nhất rằng cái tốt cốt yếu trong cuộc sống là eudaimonia, được dịch là Hạnh phúc hay sự viên mãn, nghĩa là sống một cuộc đời tốt đẹp nhất, không thiếu thốn gì, thoát khỏi mọi điều tồi tệ. Tuy nhiên, họ có sự bất đồng trong việc định nghĩa chính xác eudaimonia là gì cũng như cách tốt nhất để đạt được nó. Những người Khắc kỷ lập luận rằng là một người tốt thì đã hoàn toàn đủ để sống một cuộc đời tốt đẹp và đạt được eudaimonia.
Người Khắc kỷ tin rằng tất cả chúng ta cùng có chung một nhận thức tự nhiên là cái tuyệt đối tốt trong cuộc sống con người phải vừa có ích hoặc lành mạnh cho chúng ta vừa đáng kính và đáng khen tự bản chất. Hầu hết các triết gia cổ đại thống nhất rằng điều tốt thì hẳn nhiên có ích. Dù thế nào thì người Khắc kỷ cũng định nghĩa điều tốt là điều đáng kính. Chỉ có người tốt và đáng kính mới thật sự đẹp đẽ, vì vẻ đẹp đích thực nằm trong phẩm cách của chúng ta.
Ngoài ra, người Khắc kỷ cũng lập luận rằng khi đã thật sự hiểu được bản chất của cái tốt, tất cả chúng ta đều tự nhiên cho rằng cái tốt tối thượng trong cuộc sống là “đáng khao khát” và cần kiếm tìm. Tuy nhiên, đa số mọi người đã đánh giá sai lầm rằng cái tốt đẹp nằm ở những thứ bên ngoài, nên mới khát khao những thứ ngoài tầm kiểm soát của mình, dẫn tới thất vọng và đau khổ.
Trí tuệ thực tiễn hay đức hạnh, sự ưu tú về bản chất con người, được người Khắc kỷ xác nhận là thứ duy nhất thật sự tốt đẹp vô điều kiện, là chìa khóa choeudaimonia, bởi nó thỏa mãn các chuẩn mực là tự nó có ích, đáng kính, đẹp đẽ, đáng khát khao, đáng khen,... Đức hạnh theo nghĩa này bao gồm kỹ năng thực tế và trí tuệ đạo đức, một phẩm chất của đầu óc có ý thức (hêgemonikon), hay cụ thể hơn là phẩm chất của các tư duy và quyết định tự nguyện của chúng ta (prohairesis).
Hành động bên ngoài của chúng ta cũng có thể gọi là “tốt” khi nó hiện thân cho đức hạnh. Những người khác cũng được gọi là tốt khi họ có đức hạnh. Chỉ có đức hạnh của bản thân mới tốt cho chúng ta, còn những điều tốt hay xấu của người khác không liên quan tới sự tốt đẹp của ta – đó là việc của họ, không phải của ta. Tuy nhiên, hạnh phúc và đức hạnh của những người ta yêu mến đương nhiên là đáng quý trọng. Thật vậy, đức hạnh “công bằng” bao hàm ý nghĩa mong muốn người khác cũng sung sướng và có cuộc sống tốt trong phạm vi định đoạt của số phận. Do vậy, theo người Khắc kỷ, lòng yêu mến tự nhiên dành cho người khác là một phần không thể tách rời của hạnh phúc tối cao và sự viên mãn trong cuộc sống, lòng tư lợi của chúng ta cũng đồng nghĩa với lòng vị tha hay sự quan tâm “có chọn lọc” đối với hạnh phúc của người khác.
Ghi nhớ: Tam đoạn luận cho thấy cái tốt là đức hạnh
Cicero mô tả một phép tam đoạn luận kiểu Khắc kỷ phổ biến, bắt nguồn từ Zeno, trong đó ông chồng giả thuyết này lên giả thuyết kia để đi tới kết luận rằng đối với con người, sự tốt đẹp về bản chất là đồng nghĩa với đức hạnh. Suy luận này được coi như một bảng tóm tắt những dòng lý luận triết học phức tạp để sẵn sàng ứng dụng trong các tình huống khó khăn:
1. Cái gì tốt thì đáng lựa chọn (để có)
2. Cái gì đáng lựa chọn thì đáng tìm (để đạt được)
3. Cái gì đáng tìm thì đáng ca ngợi
4. Cái gì đáng ca ngợi thì đáng kính trọng và có đức hạnh
5. Do vậy cái tốt đẹp chính là đức hạnh
Lập luận của Zeno có thể chứa đựng hạt mầm cho chủ đề chính trong chủ nghĩa Khắc kỷ của Epictetus: Chỉ những gì “nằm trong khả năng chúng ta” mới là cái tốt sau cùng, có liên quan tới Hạnh phúc và sự viên mãn. Nói cho cùng, định nghĩa “cái tốt là cái đáng tìm kiếm” có thể ngụ ý rằng chỉ những gì nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta mới có thể xem là “cái tốt”, là bổn phận của chúng ta. Triết gia Kant sau này có nói: “Nên là từ ám chỉ có thể”. Đây là một lập luận quan trọng, từ cả góc độ triết học lẫn góc độ tâm lý, bởi người ta rất hay đặt các giá trị nội tại vào những thứ ngoài khả năng kiểm soát trực tiếp của mình, và làm như vậy chắc chắn sẽ dẫn tới đau khổ theo nhiều cách khác nhau.
Đức hạnh và cái xấu
Các khái niệm về đức hạnh (aretê) và cái xấu (kakia) chắc chắn là trung tâm của toàn bộ công trình triết học Khắc kỷ. Mặc dù aretê thường được dịch là “đức hạnh”, nhưng có lẽ dịch là “ưu tú” thì đúng hơn. Nghĩa của nó gần hơn với “điểm mạnh” của một người, là tính cách tích cực, phẩm chất tốt và những đức tính làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn,... Những thuật ngữ này vì vậy vừa bao hàm những điều đáng kính trọng – đối lập với đáng hổ thẹn, và những điều thể hiện sức mạnh của một tính cách lành mạnh – đối lập với sự yếu đuối bên trọng hay thậm chí là bệnh hoạn.
Người Khắc kỷ tin rằng tự nhiên đã cho ban tặng con người một mục tiêu sẵn có, đó là một cuộc sống tốt hay hạnh phúc, thứ có được bằng nỗ lực vươn tới đức hạnh. Do vậy, Cleanthes nói rằng toàn thể loài người có xu hướng tự nhiên là hướng về đức hạnh, và thiếu đức hạnh thì con người sẽ không bao giờ trọn vẹn, giống như “nửa khổ thơ iambic” (Stobaeus, 2.5b). Do vậy, đức hạnh là chính là cái hoàn hiện bản chất con người, nếu thiếu đức hạnh, trong chúng ta sẽ thiếu vắng giá trị nội tại, cuộc đời chúng ta sẽ trống rỗng và dang dở. Đức hạnh, như chúng ta vừa xem xét, cũng có thể được hiểu là hòa hợp và thống nhất ở bốn cấp độ: với chính nó, với lý trí, với nhân loại và với tự nhiên. Đối nghịch lại, cái xấu vốn là một tình trạng thiếu nhất quán và không hòa hợp, chán ghét bản thân, chán ghét nhân loại và thế giới ta đang sống.
Do bản chất con người vốn có lý trí, luôn đi theo hình thái cao nhất của sự ưu tú, nên chìa khóa để sống một cách hài hòa chính là hoàn thiện lý trí hay trí tuệ. Thói xấu lớn nhất là sự rồ dại hay ngu ngốc. Do vậy, các nhà Hiền triết về bản chất đều là những người tốt, còn tất cả những người xấu đều là kẻ ngốc.
[Sự khôn ngoan] tự nó không tạo ra loài người; nó được sinh ra từ tự nhiên, chưa hoàn chỉnh. Bởi vậy phải quan sát tự nhiên một cách sát sao và hoàn thiện tác phẩm của tự nhiên như thể đó là một tác phẩm điêu khắc. Vậy tính cách con người được tự nhiên tạo ra còn dang dở thế nào? Chức năng và nhiệm vụ của sự khôn ngoan là gì? Cần phải trau chuốt và hoàn thiện chỗ nào? Nếu không cần hoàn thiện gì ngoài một hoạt động nhất định của trí óc, tức lý trí, thì cái tốt sau cùng phải là sống phù hợp với đức hạnh. Rốt cuộc, đức hạnh là sự hoàn thiện của lý trí.
(Cicero, De Finibus, 4.34)
Người Khắc kỷ nhìn chung công nhận rằng các hình thức khác nhau của đức hạnh, tức những cách giúp con người trở nên ưu tú, có thể phân thành bốn đề mục chính. Đó chính là các “đức hạnh cốt yếu” trong triết học Socrates và các tính xấu đối lập. Dưới đây là các đức hạnh phân nhánh mà những người Khắc kỷ thời kỳ đầu nhận diện, giúp chúng ta hiểu rõ hơn ngụ ý của họ khi nói về đức hạnh:
- Khôn ngoan (sophia) hay sự cẩn trọng (phronêsis) – đối lập với dốt nát hay sự nhẹ dạ (aphrosunê): Bao gồm sự cân nhắc thận trọng, suy tính kỹ càng, nhanh trí, linh cảm tốt, linh cảm lành mạnh về mục đích, và sự tháo vát.
- Công bằng, đúng luật và chính trực (dikaiosunê, đôi khi còn dịch là “ngay thẳng”) – đối lập với sai trái hoặc bất công (adikia): Bao gồm mộ đạo, lương thiện, nhân đức, vì cái chung và đối xử công bằng.
- Can đảm hay ngoan cường (andreia, nghĩa đen là “tính nam”) – đối lập với hèn nhát (deilia): Bao gồm nhẫn nại, tin cậy, hào hiệp, gan dạ và yêu lao động.
- Điều độ hay chừng mực (sôphrosunê, đôi khi dịch là “thận trọng”) – đối lập với quá độ hay là thái quá: Bao gồm tính tổ chức, có thứ tự, khiêm tốn và tự chủ.
Theo mô tả của Seneca, đây là những đức hạnh tương ứng với “thấy được những việc cần làm”, “phân phát những gì cần cho”, “kìm chế nỗi sợ” và “kiểm soát dục vọng” (Letters, 120). Epictetus cũng có một câu khẩu hiệu nổi tiếng, “chịu đựng và buông bỏ” (anechou kai apechou, gọi cách khác là “chịu đựng và nhẫn nhịn”), rất hợp với hai đức tính can đảm và kỷ luật tự giác.
Có thể một số người Khắc kỷ nghĩ đây là hai khía cạnh đầu tiên của đức hạnh mà người mới học cần nắm vững trong quá trình thực hành Đạo đức học, trước khi học các đức hạnh cao hơn là khôn ngoan và công bằng. Tuy nhiên, Zeno công nhận khái niệm của Socrates, rằng tất cả mọi đức hạnh đều là một: “Họ nói các đức hạnh tốt đi cùng với nhau và rằng có một là có tất cả” (Lives, 7.125-126). Tương truyền, giống như Socrates, Zeno cho rằng đức hạnh là tất cả các hình thức tri thức liên quan đến việc cái gì là thật sự tốt hay xấu, trong khi tính xấu là các hình thức của sự ngu dốt về đạo đức.
Thực hành: Suy ngẫm về các đức hạnh
Người Khắc kỷ tin rằng chỉ có nhà Hiền triết mới đạt được đức hạnh đích thực. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có lý trí và vì vậy tiềm năng tri thức, “hạt giống đức hạnh tồn tại trong mỗi chúng ta” (Musonius, Lectures, 2). Do vậy, chúng ta thấy người Khắc kỷ, nhất là dưới thời đế chế La Mã, đề cập đến việc chiêm nghiệm về đức hạnh trong đời sống hằng ngày, giữa những người đang tiến tới sự hoàn thiện. Vậy, hãy thử xem xét những sự thoáng hiện của đức hạnh trong cuộc sống của mình hay của người khác. Dành một chút thời gian để suy ngẫm các câu hỏi sau đây:
1. Tự nhiên ban cho bạn những đức hạnh hay sức mạnh tiềm tàng nào? Chúng được sử dụng vào các tình huống mà bạn đối mặt ra sao, nhất là các tình huống mang tính thử thách trong đời?
2. Những phẩm chất cá nhân hay các điểm mạnh tính cách mà bạn thấy đáng khen hay đáng ngưỡng mộ nhất ở người khác là gì?
3. Các đức hạnh được so sánh với nhau thế nào? Có phải có một số đức hạnh quan trọng hơn đức hạnh khác không? Có phải tất cả các đức hạnh đều có quan hệ với nhau theo cách nào đó không?
4. Bạn nghĩ đức hạnh quan trọng nhất mà một nhà Hiền triết lý tưởng cần có để đạt được một cuộc sống Hạnh phúc và viên mãn là gì?
5. Dành chút thời gian để nhìn lại ngày qua, bạn đã ít nhiều thể hiện được đức hạnh nào? Các đức hạnh khác có cơ hội thể hiện như thế nào? Trên hết, bạn đang nỗ lực tới gần nhất những mặt nào của đức hạnh, và việc phát triển tính cách mang lại những lợi ích gì cho bạn?
Sự thờ ơ của người Khắc kỷ với những điều “không quan trọng”
Trong suy nghĩ của người Khắc kỷ, những gì không tốt cũng chẳng xấu được xếp vào diện không quan trọng. Theo họ, về cơ bản đó là những không giúp ích cũng chẳng làm hại những sinh vật có lý trí như chúng ta, nó cũng không là điều kiện cần thiết để có được một cuộc sống tốt. Người Khắc kỷ cho rằng những điều không quan trọng chẳng đóng góp gì cho Hạnh phúc (eudaimonia) cũng như bất hạnh, và bất cứ cái gì có thể được sử dụng theo cách tốt hay không tốt đều được xếp vào loại “không quan trọng”. Chính vì vậy chúng ta nên học cách “thờ ơ với những điều không quan trọng” (Meditations, 11.16). Theo Zeno, các ví dụ kinh điển về những điều không quan trọng bao gồm:
- Sự sống và cái chết
- Tiếng tốt và tiếng xấu
- Vui sướng và đau đớn
- Giàu có và nghèo khổ
- Khỏe mạnh và bệnh tật
Sức khỏe, của cải và danh tiếng tự thân chúng không thể giúp một kẻ ngốc và một kẻ thiếu chính trực có được cuộc sống tốt; cũng như không có bệnh tật, đói nghèo hay sự hành hạ nào có thể làm tổn hại tới hạnh phúc của một người đức hạnh. Danh sách trên đây bao gồm những điều mà lý thuyết phát triển Khắc kỷ cho rằng con người vốn đã coi trọng từ lúc chào đời. Đặc biệt, sức khỏe thể chất và sự sinh tồn là điều mà mọi loài vật đều tìm kiếm hơn bất kỳ thứ gì khác. Tuy vậy, như Seneca đã nói, người Khắc kỷ đã nhận ra rằng: “Cuộc sống không tốt cũng chẳng xấu; luôn có chỗ cho cả điều tốt và điều xấu”, nghĩa là cuộc sống có thể được sử dụng khôn ngoan hay khờ dại, có đức hạnh hay xấu xa (Letters, 99).
Như chúng ta đã thấy, cái tốt cho ta cũng chính là cái ta cảm thấy cố nhiên đáng ca ngợi. Tuy nhiên, một kẻ xấu xa thì dù có đạt được nhiều điều tốt ngoại thân đến đâu đi nữa cũng chẳng giúp hắn trở nên đáng ca ngợi trong mắt ta. Chẳng hạn, một bạo chúa như Hoàng đế Nero có thể là người giàu có nhất và hùng mạnh nhất thế giới, nhưng những điều đó, tự thân chúng không biến ông ta trở thành một người tốt. Trên thực tế, của cải và quyền lực của ông ta đơn giản là đã cho ông ta thêm nhiều cơ hội làm những điều xấu xa.
Cũng như vậy, một người khôn ngoan và tốt đẹp như Socrates có thể lâm vào cảnh nghèo khổ, tù tội và bị chế nhạo, nhưng dù ông mất tất cả những gì số đông gọi là “tốt”, kể cả sự sống, dù bao “tai ương” chồng chất thì cũng không hề khiến ông ít được ca tụng hơn. Trên thực tế, giữ gìn được đức hạnh trong tai ương chỉ làm ông vĩ đại hơn và đáng ngưỡng mộ hơn. Nếu những thứ bên ngoài ấy không thể thêm vào hay tước đoạt thứ gì từ đức tính tốt đẹp hay sự xấu xa, thì bản thân chúng cũng không tốt và không xấu, và chúng hoàn toàn không liên quan tới một cuộc sống tốt, tới hạnh phúc sau cùng của chúng ta, hay còn gọi là eudaimonia.
Mượn phép so sánh của Seneca, một con ngựa ốm yếu và trở chứng thì dù được trang hoàng với yên cương đắt tiền vẫn không thể được gọi là con ngựa tốt, vì những thứ này không làm thay đổi bản chất của nó. Vì vậy, theo người Khắc kỷ, những “cái tốt” bên ngoài không liên quan gì tới bản chất vốn có của con người, những sinh vật có lý trí và mang tính xã hội. Chúng chỉ khiến những kẻ khờ khạo thêm bối rối về giá trị đích thực của tính cách một con người thôi.
Vậy [đức hạnh] này là điều tốt duy nhất của một con người, và nếu có được nó, thì ngay cả khi bị tước đoạt mọi thứ khác, anh ta vẫn xứng đáng với những lời ca ngợi; còn nếu không có nó, thì dẫu có được mọi thứ khác, anh ta vẫn bị lên án và bị chối bỏ.
(Letters, 76)
Những “cái tốt” bên ngoài không chỉ kém giá trị hơn đức hạnh mà nó còn hoàn toàn không tương xứng với đức hạnh: nếu so sánh thì nó chắc chắn chẳng là gì cả. Người tuyệt đối tốt đẹp và khôn ngoan sẽ sẵn sàng đặt mình vào nơi hiểm nguy, mất mát hay sự thù nghịch của người khác nếu cần, vì những thứ này không bao giờ cao hơn đức hạnh. Vì lý do đó, người Khắc kỷ nói rằng người tốt sẽ theo đuổi đức hạnh và tránh điều xấu xa “bằng mọi giá”.
Cicero minh họa cho điểm này với một phép ẩn dụ về cái cân, ở đây là “cái cân đạo đức” mà ông dùng để tri ân triết gia theo trường phái Aristotle - Critolaus thành Phaselis. Đặt đức hạnh ở một bên bàn cân, dẫu bàn cân bên kia có đặt lên bao nhiêu cái tốt bên ngoài (hay cái tốt trần tục), thì cũng không bao giờ đủ để làm nghiêng cán cân. Do vậy Epictetus khuyên học trò của mình luyện cách đáp lại những thứ trần tục, những thứ bên ngoài rằng: “Với ta, chúng không là gì!”. Dĩ nhiên, sự tách bạch này nghe có vẻ lý tưởng quá. Vì thế, đối với người Khắc kỷ, việc có thể chỉ ra vô số những tấm gương thể hiện trí tuệ thực tiễn, đức hạnh, và tránh xa những thứ bên ngoài như vậy là rất quan trọng. Đặc biệt, triết gia theo chủ nghĩa khuyển nho Diogenes là một ví dụ về việc đặt đức hạnh trên hết thảy mọi của cải vật chất. Nhiều thế kỷ sau đó ở La Mã, Cato được tung hô như một hình mẫu Khắc kỷ:
Trong mắt ông, chinh phục cơn đói là một bữa tiệc, chịu đựng mùa đông bằng một mái che chính là một lâu đài tráng lệ, quấn quanh tứ chi bằng một chiếc áo thụng theo kiểu cũ của dân La Mã cũng tựa một chiếc áo choàng quý giá.
(Lucan, The Civil War, 2)
Năng lực nhận biết những thứ không quan trọng là không quan trọng, thỏa mãn với những gì tự nhiên coi là thiết yếu chính là khôn ngoan, là đức hạnh tối thượng. Do vậy Chrysippus cho rằng đối với một người tốt, mất một điền trang cũng chỉ như mất một đồng xu, và ốm đau cũng không khác gì một lần trượt ngã.
Tư tưởng chính: Quan niệm Khắc kỷ về những thứ không quan trọng
Những người theo triết lý Aristotle phân chia những điều được coi là “tốt” về bản chất thành ba loại:
1. Điều tốt liên quan tới trí óc, như các đức hạnh
2. Những điều tốt liên quan đến thân thể, chủ yếu là sức khỏe
3. Những thứ tốt “tình cờ” hay thuộc về bên ngoài, như của cải và danh tiếng
Hạnh phúc và viên mãn (eudaimonia) nghĩa là sống một cuộc đời tốt đẹp trọn vẹn, hoàn thiện, không thiếu thốn – như những người theo triết lý Aristotle cũng như nhiều người khác xác định, là sự kết hợp của các “điều tốt” bên trên. Theo quan điểm này, đức hạnh có thể quan trọng, thậm chí là thiết yếu, nhưng không thể nói một người có cuộc sống tốt và hạnh phúc nếu anh ta không có thân thể khỏe mạnh và những thứ ngoại thân khác như của cải và danh tiếng.
Các triết gia cổ đại coi điều này gần gũi với thái độ của đại đa số người thường, ngoại trừ những người mưu cầu khoái lạc như là điều quan trọng nhất trong đời. Tuy nhiên, có được cuộc sống tốt và Hạnh phúc hay không thì còn phụ thuộc vào số phận, vì trong ba thứ, chỉ có phạm trù thứ nhất thật sự nằm trong khả năng kiểm soát của chúng ta. Do vậy, Theophrastus, môn đệ có ảnh hưởng nhất của Aristotle, đã viết: “Cơ hội, chứ không phải sự khôn ngoan, mới là thứ nắm giữ cuộc đời của con người”. Cicero gọi đây là “câu nói phá hoại đạo đức nhất mà một triết gia có thể nói ra”. Đối lại, ngay cả Epicurus từng viết: “Với một người khôn ngoan, cơ hội chẳng có mấy quyền lực với anh ta”.
Tuy nhiên, tiếp nối những người theo chủ nghĩa khuyển nho, người Khắc kỷ thừa nhận một lập trường cấp tiến rằng nằm ngoài đức hạnh và cái xấu thì chỉ có những thứ không quan trọng (ta adiaphora), không liên quan tới Hạnh phúc và sự viên mãn đích thực (eudaimonia). Đối với nhà Hiền triết theo chủ nghĩa Khắc kỷ, là một người tốt đẹp hoàn hảo thì đã đủ để có một cuộc đời tốt đẹp hoàn hảo. Sức khỏe, của cải, danh vọng,… thật sự không có ý nghĩa gì trong vấn đề này. Dẫu vậy, những thứ này cũng nó một kiểu giá trị nhất định đối với người Khắc kỷ. Thật vậy, một số thứ vốn tự nhiên được “ưu tiên” hơn những thứ khác, đây chẳng qua không phải là kiểu giá trị dùng để đánh giá Hạnh phúc. Nói chung sức khỏe được ưa thích hơn bệnh tật, giàu có được ưa thích hơn đói nghèo, tùy thuộc vào việc thước đo này được dùng để làm gì, nhưng theo người Khắc kỷ, cả hai thái cực này đều không được dùng để đo Hạnh phúc của cuộc đời một ai đó.
Thực hành: Suy ngẫm về đức hạnh bằng thiền định của người Khắc kỷ
Trong các tài liệu thành văn còn sót lại, không có một tài liệu chi tiết nào mô tả về kỹ thuật thiền định. Tuy nhiên, bạn có thể thấy phần bổ sung này có ích đối với các bài tập thiền truyền thống của người Khắc kỷ. Herbert Benson, một giáo sư y khoa của Trường Y Harvard, đã phát triển một kỹ thuật thiền đơn giản và được chứng minh tính hiệu quả thông qua một vài nghiên cứu – một phương pháp thư giãn theo sinh lý học. Kỹ thuật này chủ yếu yêu cầu lặp đi lặp lại trong đầu một từ theo mỗi nhịp thở ra. Từ nào cũng được, bạn có thể lặp đi lặp lại số một (1). Hoặc bạn có thể thử lặp lại một từ liên quan tới việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Người Khắc kỷ đặc biệt coi trọng việc suy ngẫm về bản chất của cái tốt, vậy từ “tốt” hoặc từ Hy Lạp “aretê” (đức hạnh) đều có thể trở thành một “công cụ định tâm”, để bạn dồn tâm trí vào đó trong lúc thiền.
1. Ngồi ở một tư thế thoải mái, nhắm mắt, thư giãn vài phút. Bạn có thể ngồi trên ghế, lòng bàn chân chạm đất, hai bàn tay thả lỏng giữa lòng.
2. Khi sẵn sàng, tập trung sự chú ý vào hơi thở, hít thở tự nhiên, trong đầu lặp từ “tốt” (hay bất kỳ từ nào bạn chọn) mỗi khi thở ra.
3. Lặp đi lặp lại trong khoảng 10-20 phút hoặc lâu hơn tùy bạn.
Đừng cố ngăn chặn những ý nghĩ gây phân tâm. Chỉ cần nhận biết khi các suy nghĩ và cảm xúc xâm nhập hoặc khi tâm trí bạn lang thang một cách tự nhiên, và nhẹ nhàng hướng sự chú ý trở lại bài tập như thể bạn đang nói: “phân tâm thì sao nào?”. Nghiên cứu của Benson gợi ý rằng thái độ vô tư chấp nhận sự phân tâm này là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Trong lúc luyện, hãy suy ngẫm xem yếu tố nào của các trải nghiệm ý thức nằm trong tầm kiểm soát trực tiếp của bạn, còn yếu tố nào thì không. Bằng sự thờ ơ kiểu Khắc kỷ, hãy luyện cách chấp nhận các ý nghĩ hay cảm xúc tự động xâm lấn tâm trí bạn thay vì để chúng cuốn bạn đi.
Những điều không quan trọng được ưu tiên và “giá trị lựa chọn”
Mặc dù những điều “không quan trọng” về bản chất không phải là điều tốt, nhưng Zeno cũng đề xuất rằng giữa những điều “không quan trọng” đó, có một số có “giá trị” hơn và được ưa thích hơn số còn lại. Người Khắc kỷ nói đùa rằng vào lúc thích hợp thì nhà Hiền triết cũng thích dùng dụng cụ nhà tắm để làm sạch mình hơn là dùng tay không. Dẫu vậy, những thứ đó không mảy may làm cho đời sống đức hạnh của một con người tốt hơn hay viên mãn hơn. Biệt ngữ của thuyết Khắc kỷ trở nên đặc biệt nổi bật khi ngôn ngữ thông thường dường như làm cho sự phân biệt này trở nên tối nghĩa. Người Khắc kỷ nói những điều “không quan trọng” là có “giá trị lựa chọn” (axia eklektikê) nếu chúng phù hợp với Tự nhiên, và là “vô giá trị” (apaxia) nếu chúng xung đột với Tự nhiên, còn một số khác thì trung lập. Những thứ có giá trị tích cực được cho là “được ưa chuộng” (proêgmana) trong khi những thứ vô giá trị được gọi là những thứ “không được ưa chuộng” (apoproêgmena). Vì thế, người Khắc kỷ đưa ra một phân biệt tinh tế và có tính quyết định giữa hai loại giá trị như sau:
1. Một loại là giá trị của những thứ thật sự tốt đẹp, trực tiếp đóng góp vào cuộc sống: Chỉ đức hạnh mới có giá trị tuyệt đối này.
2. “Loại giá trị kia là một tiềm năng hoặc lợi ích trung gian nhất định”, loại giá trị mà sức khỏe, của cải và danh tiếng có được, với vai trò hữu ích tiềm năng đối với người khôn ngoan, khi được sử dụng một cách khôn ngoan (Lives, 7.105).
Chẳng hạn, chúng ta biết rằng Zeno xếp sự sống và sức khỏe vào loại “những thứ không quan trọng được ưa chuộng”. Nói cách khác, khỏe mạnh thì tốt hơn bệnh tật, và lẽ tự nhiên, người ta mưu cầu chúng – trong chừng mực hợp lý chứ không phải đánh đổi bằng sự khôn ngoan và đức hạnh. Người Khắc kỷ nói rằng, mặc dù có những thứ bẩm sinh được đánh giá là “không quan trọng” trong việc đạt được Hạnh phúc (eudaimonia) và việc kiên định sống theo trí tuệ thực tiễn, thì chúng vẫn “quan trọng” một cách hiển nhiên khi xét đến “những hành động thích đáng” của chúng ta trong các tình huống cụ thể, liên quan đến sự sinh tồn và Hạnh phúc tự nhiên của chúng ta (Stobaeus, 2.7a).
Tuy nhiên, vui sướng và đau đớn thì hoàn toàn không quan trọng, không được ưa thích hay chối bỏ, vì chúng đơn thuần chỉ là khía cạnh phụ chứ không phải những thứ có ích cho nghệ thuật sống khôn ngoan. Epectitus cảnh báo học trò của mình không sử dụng những từ “tốt”, “xấu”, hay thậm chí “có ích”, “có hại” để nói về những thứ “không quan trọng”. Chrysippus thì lại cho rằng, khi nói một cách đại khái, người ta cũng có thể gọi là những thứ “được ưa thích và không được ưa thích” là “tốt và xấu”. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn trọng để tránh nhầm lẫn về bản chất thật sự của chúng khi sử dụng ngôn ngữ thông thường của số đông. Sự hiểu biết căn bản rằng trí tuệ thực tiễn có giá trị tuyệt đối vô song so với những thứ bên ngoài là quan trọng hơn bất kỳ thuật ngữ nào ta tình cờ sử dụng để biểu đạt bản thân.
Khái niệm “những điều không quan trọng được ưa thích” cũng liên quan tới điều mà Zeno gọi là kathêkonta, hành động phù hợp hay bổn phận của người Khắc kỷ, hay là điều hợp lý cần làm trong bất kỳ tình huống nào. Nói chung, cần khẳng định rằng chúng ta nên hành động một cách đức hạnh, khôn ngoan, công bằng, can đảm hoặc kỷ luật tự giác. Làm cách nào để định hướng cho mình và làm cách nào để biết chính xác mình cần làm gì trong một tình huống thực tế? Ví dụ, Epictetus đã từng liệt kê một số các “hành động phù hợp” phổ biến nhất mà những người Khắc kỷ vẫn thảo luận như sau (Discourses, 3.21):
1. Ăn uống một cách phù hợp đối với một con người
2. Phục trang một cách phù hợp đối với một con người
3. Kết hôn và sinh con
4. Sống cuộc đời của một công dân trong xã hội
5. Chịu đựng những lời nhục mạ và hành vi ngu dốt của người khác một cách khôn ngoan và đầy đức hạnh, dẫu chúng thiếu khôn ngoan và xấu xa.
Những bậc thầy Khắc kỷ coi việc đưa ra sự hướng dẫn trong những trường hợp cụ thể là bổn phận của họ. Trong cuốn Discourses, chúng ta có thể thấy Epictetus gợi ý cho người tham dự những buổi thuyết giảng của ông về các vấn đề cụ thể mà họ đối mặt hằng ngày. Tuy nhiên, để có lời khuyên cụ thể thì đòi hỏi sự phán đoán phức tạp có tính xác suất, điều dẫn tới sự không chắc chắn, trái lại, học thuyết đạo đức cốt lõi – rằng đức hạnh là điều duy nhất tốt – lại chỉ có thể được nắm bắt bằng sự chắc chắn tuyệt đối. Do vậy, người Khắc kỷ có sự bất đồng đáng kể về những hướng dẫn đạo đức thực tế. Chẳng hạn, theo Cicero, các học giả Khắc kỷ Diogenes và Antipater đã bất đồng về việc liệu một người bán ngôi nhà của mình tự nguyện giải thích kỹ càng về những khiếm khuyết của căn nhà cho người mua thì có thích hợp về mặt đạo đức hay không.
Như chúng ta sẽ thấy khi đi vào thảo luận chi tiết về “Kỷ luật Hành động”, đối với người Khắc kỷ, các hành động phù hợp có thể được hiểu là những gì được thực hiện phù hợp với giá trị tự nhiên, là cái cần cho hạnh phúc của chúng ta và những người ta quan tâm. Tuy nhiên, làm một việc đúng với lý do sai là điều mà bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể làm được. Chúng ta chỉ có thể tiến tới những “hành động hoàn hảo” (katorthômata) của nhà Hiền triết một khi ta bắt đầu lựa chọn mọi thứ sao cho luôn phù hợp với trí tuệ thực tiễn và đức hạnh.
Theo Marcus Aurelius, điều này đòi hỏi chúng ta phải rèn luyện bản thân thực hiện mọi hành động không chỉ theo giá trị tự nhiên mà còn bình thản chấp nhận hậu quả, dẫu mọi việc có diễn ra như mong muốn hay không, bởi đây chính là cơ sở của đức hạnh. Thật vậy, “giá trị lựa chọn” chỉ áp dụng cho tương lai, khi vẫn còn cơ hội thay đổi. Một khi các sự kiện đã xảy đến với chúng ta, giá trị lựa chọn này không còn áp dụng được nữa. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận điều đã quá muộn để thay đổi; chẳng có ý nghĩa gì khi nói giá mà mình đừng đổ bệnh, vì bạn không thể thay đổi quá khứ. Người Khắc kỷ tìm cách loại bỏ kiểu suy nghĩ vô nghĩa này vì họ xếp quá khứ vào diện không thể thay đổi, và vì vậy, hoàn toàn “không quan trọng”. Chính vì vậy, nhà Hiền triết mong muốn được khỏe mạnh hơn là bệnh tật, nhưng nếu mắc bệnh, họ sẵn sàng chấp nhận. Người khuyển nho nói rằng chiến đấu với bệnh tật cũng như bị chó hoang rượt đuổi. Nếu chúng ta hoảng sợ và tháo chạy, chúng sẽ càng đuổi theo điên cuồng hơn và rồi sẽ táp vào gót chân ta. Nhưng nếu quay đầu lại và bình tĩnh đối diện, thì chúng thường sẽ bỏ đi. Trớ trêu thay, chúng ta có thể giảm nhẹ nỗi đau bằng cách chấp nhận nó.
Thực hành: Viết một lá thư an ủi có tính triết học
Người ta thường an ủi khi người khác gặp tai ương bằng câu nói: “Không phải ngày tận thế đâu” – nhưng tại sao không phải? Lập luận triết học nào có thể thuyết phục bạn mình về điều này? Hãy đọc các bức thư an ủi của Seneca viết cho Polybus, Marcia, cho mẹ Helvia của ông, và cho Lucilius (Letters, 63, 93, 99). Hãy ghi ra những lập luận chính mà ông sử dụng để trấn an, khích lệ và an ủi. Bạn hiểu các lập luận và sức thuyết phục trong lời lẽ của ông thế nào?
Epictetus nói rằng nhà Khắc kỷ Paconius Agrippinus đã viết những bức thư tương tự cho chính mình, ca ngợi những khó khăn đã giáng xuống ông như bị đày hay bệnh tật, và tập trung vào các cơ hội để rèn luyện sức mạnh tính cách.
Hãy viết một bức thư ngắn cho chính mình, an ủi chính mình vì những thách thức hay khó khăn bạn gặp phải. Viết theo kiểu “triết học”, áp dụng những tài liệu trong chương này và những gì bạn đã đọc hay học được về chủ nghĩa Khắc kỷ. Sẽ rất có ích khi bạn xem lại bức thư sau khi đã học xong cuốn sách này, xem bạn có muốn thay đổi điều gì trong thư không. Giờ thì hãy tập trung vào lập luận của người Khắc kỷ rằng cuộc sống tốt chỉ có thể bắt nguồn từ đức hạnh, và của cải bên ngoài chỉ là những điều không liên quan (“không quan trọng”) đến mục đích sống một cuộc đời hoàn chỉnh và viên mãn. Nếu bạn thấy khó viết, hãy tưởng tượng bạn sẽ viết lại các phân đoạn trong những bức thư an ủi của Seneca như thế nào, bạn có thể áp dụng chúng vào những tình huống tương tự trong cuộc sống hiện đại.
Ghi nhớ: Người Khắc kỷ bất đồng về chủ đề này…
Học thuyết về những điều “không quan trọng được ưa thích” là một chủ đề gây bất đồng giữa các nhà Khắc kỷ. Một số lập luận rằng có những thứ tất yếu được ưu thích từ bản chất, một số khác nói giá trị của những thứ bên ngoài thay đổi tùy thuộc hoàn cảnh. Một số nhà Khắc kỷ như Aristo xứ Chios có vẻ nghiêng về những người theo thuyết khuyển nho, cho rằng mọi thứ đều hoàn toàn “không quan trọng”. Một số người khác, như Panaetius và Posidionius, nghiêng về quan điểm của Aristotle, cho rằng một số điều tốt bên ngoài và thuộc về thân thể cũng quan trọng đối với eudaimonia.
Dẫu vậy, tất cả các nhà Khắc kỷ đều kiên quyết phản đối chủ nghĩa Epicurus1, xem thú vui thân xác và tránh né đau đớn là hoàn toàn “không liên quan” tới cuộc sống tốt đẹp. Hầu hết triết gia Khắc kỷ truyền thống đồng tình rằng đức hạnh là điều tốt đích thực duy nhất và tự thân nó đã đủ cho một cuộc sống tốt đẹp, dù sức khỏe, của cải hay danh tiếng có ra sao đi nữa. Họ chấp nhận như lẽ thường rằng việc “ưa thích” thứ gì đó có ích cho hạnh phúc vật chất của bản thân và bạn bè, người thân mình là điều tự nhiên và hợp lý, miễn là việc mưu cầu chúng phù hợp với sự khôn ngoan và đức hạnh. Các triết gia đi quá xa khỏi quan điểm Khắc kỷ cổ truyền có xu hướng thỉnh thoảng rời bỏ triết lý này, đôi khi trở thành tín đồ của các trường phái khác.
1 Chủ nghĩa Epicurus hay chủ nghĩa khoái lạc được khai sinh bởi nhà triết học duy vật thời Hy Lạp cổ đại Epicurus.
Các điểm trọng tâm
Các điểm chính cần ghi nhớ trong chương này:
• Mục tiêu của triết học là Hạnh phúc (eudaimonia), thứ mà chúng ta đạt được thông qua trí tuệ thực tiễn, hay đức hạnh – những điều mang lại sự hòa hợp trong bản thân, với người khác và với Tự nhiên toàn thể.
• Triết học về bản chất là sự “yêu chuộng trí tuệ”, cũng tức là biết được đâu là điều tốt, điều xấu và đâu là điều không quan trọng đối với một cuộc đời Hạnh phúc.
• Điều tốt chính yếu đối với con người là trí tuệ thực tiễn, hay đức hạnh – tốt theo nghĩa là vừa có ích vừa đáng kính trọng.
• Một số điều “không quan trọng” được ưa thích hơn số còn lại, nhưng theo các nhà Khắc kỷ, chúng đều không đáng kể đối với Hạnh phúc hay một cuộc sống tốt đẹp.
Bước tiếp theo
Sau khi xem xét bản chất của điều tốt và những điều không quan trọng, chúng ta sẽ khám phá sâu hơn Hạnh phúc (eudaimonia) là gì, và bước kế tiếp là khám phá lý thuyết Khắc kỷ về các “Cảm xúc mãnh liệt”, vì không thể có hạnh phúc khi đang trải qua các rối loạn cảm xúc. Điều này đưa chúng ta tới địa hạt trị liệu tâm lý theo thuyết Khắc kỷ, hay còn gọi là “trị liệu Cảm xúc” – một bộ phận không thể tách rời của Đạo đức học cổ đại, và toàn thể “sự hứa hẹn của triết học” – động lực bền bỉ của các môn đồ Khắc kỷ trong cuộc mưu cầu tri thức lâu dài và đầy thách thức.