Trước mắt bạn chỉ nên nhìn thấy những món đồ cần thiết cho mỗi ngày của bạn vui vẻ hơn
Đồ đạc đang ngày càng có “công lực” lấn át con người?
Ngày nay người ta bắt đầu quan tâm đến một trong những thứ mà chúng ta sử dụng hằng ngày vì tác động vô cùng mạnh mẽ không chỉ đến sinh hoạt mà còn đến tâm lý của mỗi người. Đi đầu không gì khác chính là đồ đạc!
Đồ đạc tốt và đẹp mắt giúp bạn có được những ngày rực rỡ.
Đồ đạc không bền, ít giá trị và hình thức xấu không nghi ngờ gì sẽ đưa bạn đến những ngày tăm tối.
Sự ảnh hưởng lớn đó đã làm cho chúng ngày càng có “công lực” mà ngay cả người đã tạo ra chúng là con người cũng phải đau đầu và phụ thuộc vào chúng.
Tại sao đồ đạc lại có “công lực” như vậy?
► Tại vì chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào chúng!
Đúng vậy. Từ vị trí của những đồ vật vô tri giác phục vụ cho chúng ta, chúng ta đã cho đồ đạc có khả năng chi phối và làm cuộc sống của mình bận rộn, rối rắm hơn.
Trong số những đồ đạc thiết yếu, mỗi người dù ít dù nhiều sẽ có những món đồ yêu thích và có tâm lý muốn sắm sửa nhiều hơn để sở hữu được nhiều hơn nữa. Dĩ nhiên, nhu cầu mua sắm của từng lứa tuổi và của những bạn gái, bạn trai sẽ khác nhau. Tuy nhiên, điều đó không giống với việc sắm sửa cho nhu cầu công việc bởi các đặc trưng ở mỗi nghề nghiệp khác nhau. Chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến những món vật dụng mà đại đa số đều sử dụng và xem mức độ sử dụng đã phù hợp với bản thân chưa, rồi sẽ bàn đến việc bạn có cho chúng quyền chi phối cuộc sống của mình hay không. Phù hợp bản thân đầu tiên sẽ liên quan đến túi tiền và công dụng của chúng với cuộc sống của bạn. Mua sắm hợp lý luôn là lời khuyên thực tế nhất. Bạn có nhiều tiền bạn có quyền mua sắm nhiều thứ, nhưng nếu túi tiền khiêm tốn hơn bạn cần phải giữ cảm xúc mua sắm của mình ở chế độ cảnh báo. Bạn không thể no bụng chỉ vì nhìn những món đồ mới mua mỗi ngày được, hãy để dành tiền cho nhu cầu sống cơ bản trước đã, việc mặc một món đồ cũ sẽ không làm bạn kém sang hơn đâu.
ALENA VÀ ĐỒ ĐẠC
Một người bạn của tôi – Alena - một biên tập viên của một công ty truyền thông và cô có một bảng đánh giá thiết thực về việc mua sắm của mình.
ĐỒ ĐẠC VÀ MỨC ĐỘ PHỤ THUỘC
Tôi nhận thấy đây là một bảng kiểm tra cơ bản để mỗi người có thể đối chiếu với tình trạng mua sắm của mình. Dĩ nhiên, Alena cũng có rất nhiều vấn đề về cân nặng, cô ấy khá nhẹ cân, cô ăn khá nhiều rau và rất hạn chế tinh bột (do cơ địa chứ không phải vì cô đang trong chế độ giảm cân). Alena cần có chế độ ăn hợp lý để tăng cân đúng mức và khỏe mạnh hơn. Nhưng còn những mối quan tâm đến với các đồ đạc khác tôi cho rằng khá hợp lý với điều kiện kinh tế và sự yêu thích của cô ấy.
Trong quá trình chuyển đổi lối sống, trước đó Alena phụ thuộc nhiều vào quần áo. Cô luôn tìm kiếm những mẫu thời trang mới hợp mắt với mình. Tuy cô không chạy theo các xu hướng nhưng vẫn có sự ảnh hưởng nhất định bởi các phong cách cá tính. Vì không xác định được rõ phong cách mà bản thân muốn theo đuổi nên trong nhiều năm Alena mua sắm khá nhiều quần áo, giày dép, phụ kiện,… chủ yếu theo tâm trạng chứ không phải theo phong cách thời trang ổn định. Mãi đến thời điểm hiện tại, cô dần định hình được phong cách ăn mặc cho mình theo tiêu chí: đồ chất lượng nhưng có thể kết hợp với nhau! Cô có thể mua đồ với số tiền lớn nhưng các món đồ phần lớn đều có thể phối với nhau để mặc trong nhiều dịp và chắc chắn là phải bền để sử dụng lâu dài. Dĩ nhiên sẽ có những bộ cánh được dùng riêng cho các buổi tiệc tùng, hội họp trang trọng hơn mà vẫn dùng được lâu dài. (Xác suất mua nhầm vẫn có nhưng ít hơn nhiều so với trước đây.)
Alena nói rằng, quần áo vẫn là vật dụng khó ổn định nhất. Cô đã mất rất nhiều thời gian để quyết định thanh lý đồ cũ, xác định món đồ nào cần thiết nhất nhưng vẫn còn tình trạng cập nhật thêm đồ mới vì nó phù hợp với cô ở hiện tại hơn.
Nhưng chọn đồ theo hướng này, cô đã cảm thấy sự tích cực: Cô kiểm soát được tủ quần áo hơn, vui hơn và mặc đồ ngày càng đẹp hơn.
Tương tự, Alena cũng từng mua khá nhiều mỹ phẩm trong nhiều năm nhưng cô dần chọn lọc được những thương hiệu yêu thích của mình và chỉ mua các sản phẩm đã dùng hết. Chỉ đến khi có chút hứng thú và có chút tiền dư dả, Alena mới tìm hiểu các thương hiệu khác để trải nghiệm và điều đó không phải là việc phung phí. (Chắc chắn không thể bắt các beauty blogger thực hiện điều này, họ cần kinh doanh bằng việc thử nghiệm liên tục các sản phẩm mới và tư vấn cho khách hàng.)
Về thiết bị điện tử, Alena chỉ dùng điện thoại, máy nghe nhạc, máy tính xách tay mà cô đã dùng nhiều năm vì chúng vẫn hỗ trợ tốt cho công việc. Nhưng Alena thích nhiếp ảnh và cô vẫn đang muốn mua một máy cơ mới (dù cô đã có máy ảnh tương đối tốt) hiện đại hơn trong thời gian tới để thỏa sức đam mê của mình. Tôi cũng thấy rằng đây là một hạng mục mua sắm lành mạnh, máy móc mới ra đời mỗi ngày mà ai cũng muốn có hàng hóa tốt nhất, miễn là chúng không làm chúng ta lâm vào cảnh gặp nợ nần dài hạn.
Ngoài ra còn những đồ đạc khác như đồ nội thất, đồ trang trí không tốn quá nhiều chi phí và cô không mua sắm thường xuyên. Thực phẩm lại liên quan đến dinh dưỡng, vì công việc nên cô thường ăn ở ngoài nhưng không đến những cửa hàng sang trọng mà chỉ chọn nơi bình dân, cô cảm thấy mình đã chi tiêu hợp lý và cô quan trọng vào chế độ ăn uống hơn (vì cô gầy) để có thể lên cân đều đặn đến mức mong muốn.
Những hạng mục mua sắm của Alena khá phổ biến và bạn cũng dễ dàng đánh giá tình trạng mua sắm của mình tương tự như thế. Quan trọng vẫn là chi tiêu hợp lý, với số tiền dành cho việc mua sắm sau khi đã phân chia đều tiền vào việc sinh hoạt, đầu tư, học hành, đam mê, từ thiện; bạn cần biết mình nên mua gì trong tháng tới để không chi tiêu lố qua các mục khác mà vẫn thỏa được đam mê mua sắm.
Tối giản về đồ đạc là một chủ đề phổ biến đang được nhiều cá nhân theo đuổi bởi chính sự thiết thực của chúng trong việc tạo nên một cuộc sống bớt phụ thuộc, thoải mái hơn, bớt lo nghĩ hơn. Và đồ đạc là hạng mục đi đầu và dễ tiếp cận nhất để mỗi người có thể thay đổi cuộc sống của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả rõ ràng nhất.
► Bạn bè nói tôi bị ám ảnh bởi việc “không mua đủ”, nghĩa là thế nào?
Có phải có rất nhiều ngày trong tháng, trừ thời gian đi ngủ, bạn thường chú ý nhìn đồ đạc nào đó trong các cửa hàng hoặc trong lúc làm việc, bạn cứ lên các trang mạng để tìm kiếm một món đồ mới?
Đó có thể là biểu hiện của nỗi ám ảnh mang tên Không mua đủ. Bạn luôn có khao khát mua những món đồ mới trong khi bạn đã có món đồ tương tự rồi. Bạn nghĩ rằng đồ đạc hiện tại của mình không đủ đẹp, không đủ độc đáo, lỗi thời, màu sắc không bắt mắt và sự hiện diện của nó không còn giúp bạn hào hứng như lúc ban đầu nữa. Rồi bạn tìm kiếm các mẫu mới với hy vọng chúng giúp bạn đẹp hơn và tự tin hơn. Chu trình lặp lại liên tục rồi bạn than thở rằng mình không có tiền.
Đáp án mà tôi nghĩ ai cũng nên có chính là: Mua đủ, mua hợp lý, mua đúng món đồ tạo nên hứng khởi cho bạn.
Với đồ đạc, thật khó để nói thế nào mới là đủ. Giống như có người thích bàn làm việc càng ít đồ càng tốt để có sự thông thoáng. Có người thích bàn lộn xộn mới có ý tưởng sáng tạo. Người thì không thích đặt đồ trang điểm hay đồ ăn trên bàn vì mất tập trung. Nhưng việc không xác định được mình còn cần bao nhiêu thứ nữa trong thời điểm hiện tại và việc bứt rứt kéo dài ngày trong khi bạn đã liên tục mua đồ mà còn cảm thấy không đủ. Bạn phải xem lại kế hoạch mua sắm của mình rồi đấy.
►Vấn đề có thể không phải vì bạn mua nhiều, mà là bạn có hối hận khi mua chúng không.
Số lượng là bao nhiêu không phải là vấn đề lớn ở việc mua sắm vì nhu cầu của mỗi người là khác nhau. Vấn đề là sau một thời gian bạn có hối hận vì đã mua chúng không thôi.
“Ước gì đừng mua cái này mà mua cái kia.”
“Cái này chán quá, biết vậy đừng mua tùy hứng như vậy, tốn tiền ghê.”
“Nhiều đồ quá, cái này mình mua khi nào thế nhỉ, chật nhà quá.”
Những lời than vãn thường nghe thấy khi bạn mua nhưng rồi lại cảm thấy chúng chẳng có lợi ích như bạn nghĩ. Xác suất của việc mua nhầm đồ là khá cao và có thể xuất phát từ cảm xúc bất chợt hoặc cả khi suy nghĩ kỹ lưỡng, nhưng ở vế sau thì đỡ khó chịu hơn vì bạn không tùy tiện với tiền bạc của mình.
Còn gì tệ hơn việc bạn đã hào hứng thế nào với món đồ mới tâm đắc và nghĩ rằng sẽ được mọi người ngợi khen lại không như thế. Đến lúc bạn nhận ra mình mua nhầm món đồ không phù hợp thì bạn sẽ thấy chúng chướng mắt vô cùng và trở nên thừa thãi lúc nào không hay. Tôi cũng đã có nhiều lúc như thế và cảm thấy như “thời gian thanh xuân” đã phí phạm vậy. Kể từ khoảng thời gian bạn tìm kiếm, trông thấy và yêu thích món đồ mới và chờ đến ngày cầm được trên tay (chưa tính đến trường hợp bạn còn phải tích góp đủ tiền để đặt hàng nữa) không hề ngắn. Nhiều món đồ còn được gắn trách nhiệm là để giúp bạn tỏa sáng, bạn đã nghĩ rằng nếu sở hữu được nó bạn sẽ khác, sẽ làm cuộc sống của bạn thay đổi hơn rất nhiều. Vật chất có khả năng làm như thế nhưng còn cần đúng thời điểm, đúng người nữa.
Nghe có vẻ phức tạp nhưng tâm lý này tồn tại đấy. Hãy nghĩ xem, ngoài những món đồ cơ bản nhất chẳng ai lại tự dưng mua một món đồ mà không mong chúng phục vụ điều gì đó cho họ cả. Nếu mua đúng món bạn hiển nhiên là hào hứng rồi, ngược lại bạn sẽ cảm thấy thất vọng thậm chí bức bối vì đã mua nhầm món đồ không như mình tưởng tượng.
Đừng mua rồi hối hận nhé!
Chú ý: Đừng rơi vào hoàn cảnh mua sắm quá nhiều từ việc quẹt thẻ tín dụng – thẻ mua trước trả sau. Hãy tránh xa viễn cảnh bản thân sống một mình ở nhà trọ, phòng chất đầy đồ mới tinh nhưng nhiều món còn nguyên trong hộp. Bạn chỉ cần lướt một vài bài báo để thấy là nhiều thanh niên đang gánh trên mình các món nợ chỉ vì tâm lý sống sang, sống dựa trên vay nợ mà không có kế hoạch chi trả. Và tương lai của họ vô cùng u ám, hãy sáng suốt khi vay nợ để mua đồ và thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhé.
► Bạn thấy khó khăn vì bạn nóng vội. Chữa lành lối sống với đồ đạc cần thời gian trải nghiệm nữa, hãy bình tĩnh.
“Tại sao tôi loại bỏ đồ đạc khá nhiều rồi mà tôi vẫn chẳng thấy vui vẻ gì, tôi vẫn cứ thấy căn nhà, căn phòng của mình lung tung và bừa bộn. Thật bực bội.”
Đừng lật ngược cách nhìn. Ngôi nhà hay căn phòng cần là nơi bạn yêu quý và muốn quay về mỗi ngày. Đồ đạc lúc này đóng vai trò trang trí cho nơi đây. Chứ không phải ngược lại, bạn dùng đủ thứ để vào căn phòng nhưng rồi lại khó chịu với cả căn phòng. Đó là lý do bạn làm lối sống của mình mất trật tự hơn, từ bây giờ hãy thay đổi bằng cách rà soát lại tổng thể ngôi nhà, căn phòng rồi mới xem xét đồ đạc mình đem vào không gian ấm áp đó.
Đồ đạc lúc này có ý nghĩa trong việc giúp không gian sống của bạn thêm sức sống, thế nên bạn ngày càng yêu quý đồ đạc hơn nữa và biết những món đồ nào có thể chăm chút thêm cho căn nhà. Quá trình chọn lựa đồ đạc tốt đưa đến kết quả làm ngôi nhà của bạn thêm xinh đẹp. Nhưng có thể vì thực hiện trong tâm thế nóng vội nên bạn không cảm nhận được niềm vui từ cả quá trình và kết quả nữa. Xem xét và chọn lựa đồ đạc để hướng đến sự thay đổi trong cuộc sống thật sự là một cuộc “cải cách” và cần nhiều thời gian để trải nghiệm. Bạn đừng nóng vội mà hãy bình tĩnh thực hiện từng bước, phép màu không thể chúng ta muốn là xuất hiện được, bạn cần phải có nỗ lực và cả thành ý nữa, rồi bạn sẽ nhận ra mình cần những vật dụng nào thuận lợi cho sinh hoạt và vui vẻ hơn.
“Căn phòng của mình không rộng nhưng chiếc giường to quá chiếm khá nhiều diện tích. Mình có thể dẹp chiếc giường và thay vào niệm nằm nhỏ gọn và dễ quét dọn hơn, căn phòng của mình sẽ thoáng hơn.”
“Mình có đến hai tủ quần áo, mình tính sơ sơ thì có đến hơn chục bộ đồ đã lâu không dùng đến mà cũng không muốn mặc nữa, còn lại vừa vặn để trong một tủ đồ.”
“Túi đồ của mình dường như đựng quá nhiều thứ, mình nghĩ là chỉ cần giữ túi tiền, điện thoại, sổ tay, khăn giấy và một ít mỹ phẩm như son, son dưỡng, kem chống nắng và chiếc gương nhỏ. Còn lại đồ bấm móng tay, máy chụp ảnh nhỏ, kẹo cao su, băng keo cá nhân, tai nghe, thuốc nhỏ mắt, nước hoa, băng vệ sinh,… thì mình có thể để ở trong xe hoặc văn phòng vì không dùng đến thường xuyên. Vậy thì mình có thể diện được chiếc túi xách nhỏ xinh hơn so với chiếc túi to như hiện giờ.”
“Không ngờ mình từng yêu thích món đồ này đến vậy, buồn cười quá. Chúng khá ngộ nghĩnh đó chứ nhưng giờ mình không cần dùng đến nữa, có lẽ đã đến lúc để chúng đến với người mới đi thôi – người cần chúng như trước đây mình cần vậy.”
“Mình cần mua xe mới và mình thích chiếc X, từ màu sắc đến tiếng động cơ của nó thật là hợp với mình. Nhưng nó khá đắt. Mình cần tính toán lên kế hoạch để mua chứ không phải đổ nợ vì đi vay tín dụng, mình còn phải ưu tiên cho các việc khác nữa. Trong vòng sáu tháng tích góp, hy vọng mình sẽ mua được chiếc xe yêu thích này.”
Bạn thấy đó, việc dọn dẹp, thanh lý hay sắp xếp lại đồ đạc dù có thể thực hiện ngay nhưng bạn cũng đừng thực hiện trong tâm thế quá nóng vội. Bạn hẳn không quá bận bịu để có thể nhìn lại các món đồ mà mình từng yêu thích mua về, đánh giá lại việc tại sao bạn yêu thích nó, bạn còn cần chúng không và cảm xúc của bạn hiện tại thế nào. Còn việc mua sắm, trừ những món đồ bạn có thể mua ngay thì cũng có những món khác bạn cần phải có thời gian suy nghĩ về tính hiệu quả của nó và thời gian để tích góp chi phí nữa.
Vừa đủ - không phụ thuộc, hãy để vật chất làm bạn vui hơn
Hãy tưởng tượng, bạn mặc bộ đồ ngủ nhàu nhĩ, không trang điểm cho khuôn mặt nhợt nhạt, đôi mắt thâm quầng vì thức khuya, tóc tai rối bời vì chưa được chải tử tế. Bạn bước ra đường trong bộ dạng này, bạn thấy một chuyện vui mà nở nụ cười nhưng lại vội vàng che ngay vì răng bạn hơi xỉn màu do hút thuốc và uống cà phê lâu ngày. Bạn còn chưa tỉnh ngủ, bạn nhìn mọi thứ xung quanh đáng chán như bao ngày. Bạn đi ngang qua một tấm gương và thấy mình luộm thuộm, không nhận ra nét đẹp nào ở mình. Bạn vội rời xa tấm gương vì không muốn nhìn thấy mình xấu xí nữa. Trí óc bạn vẫn còn chầm chậm và đến khi bạn tỉnh táo hoàn toàn thì đã hết buổi sáng rồi.
Tưởng tượng tiếp, sáng sớm bạn tập thể dục, vệ sinh sạch sẽ và diện một bộ đồ đơn giản yêu thích. Bạn thoa kem dưỡng, trang điểm nhẹ nhàng làm gương mặt bừng sáng lên và bạn bước ra ngoài. Bạn đi dạo. Không khí trong lành và bạn thích đi trong nắng sớm ấm áp. Đi đến đâu bạn cũng muốn chụp hình cùng cảnh vật đầy sức sống, đầy sắc màu. Bạn lấy điện thoại ra và cười thật tươi để chụp lại khoảnh khắc này. Ngày mới của bạn khởi đầu thật tốt, bạn làm việc gì cũng vui vẻ, dù chỉ là đi lấy báo hay nằm trên sô pha xem truyền hình.
Hai trường hợp tương phản và bạn biết mình muốn chọn hình ảnh nào rồi đấy. Điều khác nhau giữa chúng là gì, ngoài việc không trân trọng buổi sáng tuyệt vời, có phải là một người có khởi đầu không hào hứng và không dùng các công cụ để cải thiện tâm trạng tốt hơn. Và một người thì biết để sắp xếp hoạt động cho khởi đầu ngày mới tốt hơn, mọi việc sau đó khá vui vẻ và làm việc gì cũng thích cả. Trong ví dụ này, đồ đạc có công dụng giúp cho người dùng vui vẻ hơn chỉ bằng những món đồ vô cùng quen thuộc nhưng sự khác biệt là vô cùng lớn đấy.
Tôi rất khuyến khích bạn, một cách hợp lý, hãy biết dùng những món đồ vào nhiều thời điểm để chúng tạo nên hiệu quả nâng cao tinh thần và cho bạn những ngày hứng khởi hơn. Và nếu chưa đủ tiền mua sắm, một kế hoạch tốt sẽ giúp bạn sớm có được chúng.
Bạn rất thích bộ kem dưỡng da và trang điểm đó, chúng sẽ làm da bạn mịn màng hơn và sáng hơn. Hãy săn giá rẻ nhất có thể và mua chúng.
Bạn thích chiếc đầm kia quá, dáng nó thật đẹp, mặc lên thật tôn dáng. Đúng kiểu bạn thích. Hãy mua chúng.
Bạn muốn chi tiền để niềng răng và làm trắng răng, hãy thực hiện nó.
Bạn thích một chiếc xe đạp để chạy quanh khu phố vào buổi chiều, hãy lên kế hoạch mua nó dù bạn đã có cả xe máy và xe ô tô.
Bạn thích một chiếc máy ảnh xịn xò có độ phân giải cao, hãy tiết kiệm để mua nó nếu bạn dành thời gian chụp ảnh thường xuyên.
Bạn thích du lịch, hãy săn giá vé rẻ và lên lịch đi chơi một vài lần trong năm, hãy đến những nơi cho bạn những trải nghiệm mới, có thêm nhiều bạn mới chứ không chỉ là mua sắm, chụp ảnh và ăn uống.
Sử dụng đồ đạc cho mỗi ngày đầy hào hứng nhé!
Vậy Thay Lối Sống Với Đồ Đạc Như Thế Nào?
✘ Loại bỏ vật dụng không thể kết hợp được với những món đồ khác, và vật dụng chiếm quá nhiều diện tích.
✘ Loại bỏ vật dụng mua ngẫu hứng nhưng đang để ở đâu đó mà bạn từ lâu đã không dùng nữa.
✘ Loại bỏ vật dụng từng có ích cho bạn, bây giờ thì không cần thiết nữa, chỉ cần giữ lại đồ bạn dùng.
✔ Bổ sung thêm đồ bạn phù hợp với phong cách và chi tiền hợp lý cho nó.
✔ Bổ sung đồ phù hợp với không gian sống của bạn.
Lối sống bình thường cũ của bạn là lối sống có quá nhiều đồ đạc không cần thiết, đồ đạc lộn xộn không có thứ tự, không được dùng hết công dụng và giá trị của chúng. Đồng thời nó có phải là món đồ phù hợp với bản thân không cũng là điều chúng ta thường không để ý nhưng lại rất quan trọng. Bạn có thể nghĩ rằng cha mẹ hoặc ông bà của mình là chủ gia đình và luôn muốn chăm chút cho căn nhà của mình bằng nhiều đồ đạc. Bạn là con cháu và không phải nhận nhiệm vụ mua sắm hay sắp xếp đồ đạc, nhưng hãy nhìn căn phòng của mình xem, đó là khu vực mà bạn có trách nhiệm đấy. Bạn vốn là một cậu chủ, cô chủ nhỏ mà bạn không biết vì không ai nói với bạn cả. Hãy tin tôi, đồ đạc của riêng bạn không hề ít, chúng nằm khắp nơi trong căn nhà thậm chí một số loại đồ còn nhiều hơn của cha mẹ bạn nữa. Nếu bạn là một cô nàng sành điệu còn mẹ bạn thì không ham sắm sửa thì quần áo của bạn hẳn là nhiều nhất nhà; Nếu bạn là người thích sưu tầm đồ cổ còn cha bạn thì không, bạn đã đặt các món đồ ở đâu ngoài căn phòng của mình, hẳn là trong tủ kính tại phòng khách hay kệ gỗ ở nhà bếp rồi.
Dấu ấn của bạn có ở khắp nơi trong nhà, thế nên nếu vào một ngày đẹp trời bạn muốn đánh giá lại hiệu quả của đồ đạc với cuộc sống, hãy nhìn những khu vực chung chứ không hẳn chỉ ở khu vực của riêng bạn.
Đừng để đồ đạc của bạn trở thành một đống lộn xộn! Nhiều món đồ quan trọng lẫn lộn với đồ không quan trọng, những món đồ không còn ý nghĩa với bạn lại nằm chễm chệ trên bàn của bạn và những món đồ ý nghĩa bạn đã quên mình để ở đâu. Đáng lẽ ra bạn nên xem xét mình có thể tận dụng món đồ cũ không thì bạn lại mua về nhiều món đồ hơn nữa. Những món đồ xinh đẹp mới mà bạn chờ đợi trong háo hức để mua về nhà, chúng lại có khả năng sớm bị nằm lẫn lộn với đống đồ cũ sau khi bạn không còn yêu thích chúng nữa. Nếu bạn nhạy cảm với tiền bạc bạn sẽ tính được những món đồ cũ đó cũng không hề rẻ mà bạn cũng phải tích góp mới đủ tiền để mua về. Tưởng tượng nếu như bán hết đồ cũ đi bạn sẽ có một gia tài nhỏ đấy.
Hiểu được nguyên do đồ đạc lộn xộn bạn sẽ dễ tạo được hành trình mới cho chúng theo hướng gọn gàng và có ích hơn cho lối sống của bạn. Đầu tiên bạn cần thực hiện thao tác loại bỏ bớt đồ đạc dư thừa, đồ đạc không còn giá trị với bạn. Tiếp đến là sắp xếp lại mọi thứ không chỉ để đồ đạc ngay ngắn, trật tự mà là để bạn biết đồ của mình đã cất ở đâu, để bạn tìm chúng nhanh chóng hơn khi có việc cần đến.
Từng trường hợp, bạn nên đặt câu hỏi xem mình có cần món đồ đó không và nếu có thì cần sử dụng vào lúc nào. Mọi thứ chỉ là tương đối và việc nhà bạn, căn phòng, bàn làm việc,… của bạn cần có bao nhiêu món đồ sẽ tuỳ thuộc vào sở thích, nhu cầu và đặc điểm nghề nghiệp của bạn nữa.
Sau khi đã loại bỏ, bạn nghĩ mình đã “nhẹ nhàng” hơn rồi và thấy rằng mình đã làm được một bước tiến lớn cho lối sống hằng ngày của mình. Lúc này đây hẳn bạn sẽ không nghĩ đến mình còn thiếu gì đó để bổ sung vào, bạn vừa loại bỏ mà! Nhưng không phải thế, lối sống thoải mái cần phải có đủ đồ đạc cho bạn sử dụng chứ không phải càng ít càng tốt. Những nhà thiết kế nội thất cần bạn mua đồ gia dụng, đồ trang trí; nhà thiết kế thời trang cần bạn mua đồ hợp với phong cách của mình và nhiều chủ cửa hàng khác cần bạn mua hàng để họ thúc đẩy doanh số. Hãy tin rằng sẽ luôn có những món đồ tốt hơn, bền hơn dành cho bạn. Bạn hôm nay cũng không chỉ yêu thích mãi tất cả những món đồ mình hiện có, thế nên đừng ngần ngại bổ sung vào hoạt động sống hằng ngày của mình bằng những vật dụng chạm đến cảm xúc của bạn hơn một cách hợp lý.
Loại bỏ vật dụng không thể kết hợp được với những món đồ khác và vật dụng chiếm quá nhiều diện tích
Điển hình là quần áo, bạn chỉ cần chú ý một chút cũng trở thành một cao thủ phối đồ từ những gì có trong tủ quần áo của mình. Bạn có biết rằng rất nhiều cửa hàng đăng các hình ảnh thời trang không chỉ là sản phẩm mới mà là sự kết hợp của những món đồ có sẵn. Bạn nên biết đến thủ thuật này khi mua sắm, mẫu mã mới thực chất có thể là kiểu dáng cũ nhưng có màu mới hoặc là sự phối trộn giữa một chiếc váy mới và chiếc áo của đợt hàng cũ mà thôi. Nhưng phải công nhận là rất đẹp và bạn hoàn toàn có thể là một người có phong cách biến hóa đa dạng chỉ từ những món đồ quen thuộc của mình. Bỏ một chút thời gian để nghĩ đến việc kết hợp thì đồng thời bạn cũng nên loại bỏ bớt những món đồ chỉ đứng riêng lẻ, không có tác dụng lớn và không kết hợp được với món đồ nào. Hẳn bạn cũng từng nghĩ đến nhưng chưa quyết định vứt bỏ, nhưng việc chấm dứt tình trạng cũ từ hành động đơn giản này có thể làm bạn cảm thấy vô cùng mới mẻ đấy.
Không chỉ có quần áo mới cần sự kết hợp mà nhiều đồ đạc trong căn nhà, trên bàn làm việc của bạn cũng cần phải như thế. Nếu bạn có phòng riêng ở nhà cha mẹ hoặc có một căn nhà hay thuê nhà trọ và sống một mình thì đó là khu vực mà bạn được toàn quyền quyết định. Lúc này bạn cần nghĩ, một căn phòng hay ngôi nhà có đủ đồ dùng là tốt nhất. Nhưng nếu diện tích không quá lớn thì việc kết hợp làm sao để không gian được hài hòa về thẩm mỹ và có đủ khoảng trống cần thiết thật sự lý tưởng. Bạn không cần là một chuyên gia nội thất cũng sẽ đồng ý rằng căn phòng có nhiều khoảng trống sẽ dễ chịu hơn là đồ đạc chiếm nhiều diện tích chứ.
Bước đầu tiên của nghệ thuật bài trí bạn có thể xác định danh sách đồ đạc và kích thước cần mua. Bạn có thể không để ý đến điều này và mua về nhiều thứ cần thiết nhưng thứ nào cũng to vô tình làm căn phòng hay căn nhà của bạn chật chội. Thế nên nhìn một lượt bạn có thể phán đoán thế này: Với ngôi nhà nhỏ, bạn lại sống một mình thì có cần bộ ghế salon tiếp khách lớn không hay chỉ cần một bàn và vài chiếc ghế nhỏ; Cần một tủ quần áo lớn một chút hay cần hai chiếc khác nhau; Một tủ lạnh, một máy giặt hay lò vi sóng là hợp lý; Khu vực bếp thì mấy chục cái ly, chén dĩa, dụng cụ nấu nướng chứa đầy trên kệ cần thiết không khi bạn bè chẳng có mấy dịp đến nấu nướng chung; Còn phòng ngủ nhỏ nữa, một cái bàn làm việc thì ổn rồi nhưng cái giường chiếm đến hai phần ba diện tích thì có hợp lý;... Bạn hoàn toàn có thể thay bằng những món đồ nhỏ hơn nhưng cùng công dụng.
Chỉ với vài gợi ý nhỏ nhưng bạn có nhiều việc cần làm với đồ đạc của mình hơn rồi đấy.
Loại bỏ vật dụng mua ngẫu hứng nhưng đang để ở đâu đó mà bạn từ lâu đã không dùng nữa
Mua đồ trong ngẫu hứng không chỉ tốn tiền mà còn làm tốn không gian của bạn nữa. Tệ hơn nữa, vốn dĩ bạn mua để dùng thế nhưng bạn lại quẳng chúng ở đâu không biết rồi quên luôn. Một vài món đồ có thể không cần phải nhắc đến nhưng nếu quá nhiều trường hợp như thế thì bạn đã làm chi phí ẩn của mình tăng lên đáng kể đấy.
Rồi bạn than rằng, tiền của mình sao cứ không cánh mà bay!
Tôi không muốn nhắc quá nhiều đến tiền bạc vì chúng có thể làm mất cảm hứng mua sắm của bạn nên chúng ta hãy bàn đến sự yêu thích mà thôi. Nhưng hãy biết rằng sẽ có người, như tôi, điều hòa được số tiền bỏ ra hợp lý để mua được món đồ thật sự hài lòng chứ không phải mua đồ không quá ưng ý chỉ vì không có nhiều tiền. Ban đầu bạn có thể cần phải dùng đến những câu hỏi để giúp mình “kiên cường” hơn trước những món đồ đẹp: Món đồ này mình dùng làm gì đây, hay chỉ để ngắm? Món đồ này để ở đâu và có chiếm diện tích nhiều không, có làm bừa bộn hơn không? Trước đây mình cũng mua món A, món B mà giờ chúng đâu rồi nhỉ, mình chán rồi và món này mình sẽ thích được bao lâu đây?... Tự vấn bên trong càng nhiều thì bạn càng hiểu ý muốn của mình hơn. Dần dần bạn sẽ dễ trả lời hơn và quyết định có mua hay không nhanh hơn.
Xác suất mua đồ nhầm là khá cao nhưng chính điều đó mới thúc đẩy bạn mua sắm đúng đồ hơn đấy. Tôi cũng tin rằng món đồ mà bạn hứng lên mua chỉ với một món tiền nhỏ, bởi vì món đồ quá đắt bạn cần phải tính toán kỹ hơn. Không cần ai cho ý kiến bạn cũng là một khách hàng kỹ tính khi tìm hiểu đủ điều về những món đồ mới. Bạn muốn chúng phải thật sự là món đáng mua. Và sau những lần mua “thất bại” bạn sẽ thận trọng hơn và dần giảm đáng kể những lần hứng lên là mua.
Chân thành mà nói, tôi không có ý nói bạn không nên mua sắm những món đồ xinh xắn để vui vẻ hơn, nếu bạn thật sự hứng thú thì hãy mua chúng.
Loại bỏ vật dụng từng có ích cho bạn, bây giờ thì không cần thiết nữa, chỉ cần giữ lại đồ bạn dùng
Với tôi, những món đồ mà mình không còn sử dụng nữa sẽ trở thành “đồ cổ”! Khi cầm một món đồ như thế trên tay tôi vẫn còn nhớ mình đã háo hức ra sao khi mua được chúng, thế mà giờ chỉ còn biết bật cười vì mình không còn thích nó nữa. Đó cũng chính là lý do lớn để khi thích một thứ gì mới tôi không còn quá mong chờ và thường nhớ đến những lúc này mình sắp từ bỏ nó ra sao. Dĩ nhiên tôi sẽ không đem những món đồ cũ này vào lò lửa mà tìm cách đem chuyển giao cho những người cần nó hơn tôi, trừ những món không thể sửa hay đem cho ai được.
Sẽ khó bỏ những đồ vật kỷ niệm hơn và đó là quyền của bạn. Có thể bạn cũng biết rằng, kỷ vật thường gắn với con người và vào một thời điểm nào đó bạn sẽ quyết định xem nên để kỷ niệm về ai đó ra đi. Khi không thấy kỷ vật tâm trí bạn sẽ không còn nghĩ nhiều đến những chuyện thuộc về quá khứ nữa. Không nghĩ về những điều đã qua, nhất là điều không vui sẽ giúp bạn có năng lượng để gom góp nhiều niềm vui mới trong tương lai.
Bổ sung thêm đồ đạc bạn phù hợp với phong cách và chi tiền hợp lý cho nó
Đừng nghĩ rằng việc xác định vật dụng mà mình yêu thích là dễ thực hiện nhất. Chúng là con dao hai lưỡi. Một lần nữa tôi sẽ nói lại rằng tôi không muốn làm mất cảm hứng mua sắm của bạn vì vấn đề tiền bạc thế nên chúng ta có thể thoải mái một chút. Bạn đã biết những món đồ nào hợp với mình rồi chứ, không chỉ phù hợp ở khía cạnh giá cả mà là về phong cách. Mỗi phong cách có cách ăn mặc, kết hợp theo một thể độc đáo khác nhau và đó mới chính là điều bạn cần quan tâm hơn cả. Việc chi tiền của bạn lúc này mới xứng đáng vì nó giúp bạn thể hiện được khí chất của mình.
Trường hợp, niềm yêu thích tìm kiếm những mẫu mã mới cũng có thể xuất phát từ việc bạn chưa thật sự tìm được món đồ vừa ý, hoặc đồ mà bạn vừa ý lại không đủ cho bạn dùng nhiều lần. Rồi thời gian qua đi, bạn ngày càng muốn tìm kiếm những mẫu mã chất lượng hơn, từ hình thức, màu sắc cho đến chất liệu và giá cả hợp lý. Đây là điều có thể hiểu được, bạn được mua đồ mới phù hợp với mình hơn và trong số lượng tối đa cho phép. Tôi đã từng là người như vậy, và tôi đã giảm tốc độ mua quần áo xuống thấp nhất bởi vì những món đồ mà tôi đã cố công tìm kiếm vẫn nằm trong bộ sưu tập mặc đẹp và mặc thường xuyên của tôi. Đến bây giờ, tôi rất ít khi muốn tìm kiếm thêm nữa vì chúng đã đáp ứng được sở thích và nhu cầu hiện tại của tôi. Rồi một ngày tôi lại tìm kiếm tiếp các món đồ mới thì bởi lẽ đồ hiện tại đã cũ và vì thấy được những mẫu mã chất lượng khác, với kiểu dáng mới phù hợp với phong cách lúc bấy giờ của tôi.
Dẫu yêu thích phong cách năng động và phóng khoáng nhưng Daisy cũng đã rất căng thẳng vì mong muốn tìm kiếm mẫu đồ có chất liệu yêu thích, giá cả hợp lý vừa hợp thời trang. Việc tìm kiếm thật sự không dễ nhưng khó chịu hơn là khi tìm được rồi nhưng tôi không có đủ tiền mua! Khi còn đi học và vừa mới đi làm, tôi chỉ có một ngân sách sắm sửa khiêm tốn và tôi cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi mua một món đồ nào. Việc ý thức và định hình phong cách lâu dài giúp tôi tránh được sai lầm trong mua sắm, dù không ít món đồ tôi đã phải tiết kiệm nhiều tháng mới mua được. Rồi có không ít lần, tôi mua nhầm món không phù hợp. Thật đau lòng. Những lần mượn tiền bạn bè mua sắm khi quỹ tiền không đủ xuất hiện vài lần, nhưng vẫn nằm trong khả năng chi trả của tôi trong một vài tháng tới, may mắn là tôi không hối hận vì đã mua chúng. Sau tất cả, tôi thấy xứng đáng và ý thức được mình ngày càng mặc đẹp hơn vì mặc đồ chất lượng nhưng hợp với tính cách. Đồng thời, càng mua đồ đắt tôi càng muốn tiết kiệm, đồ đạc của tôi đã đủ, tôi đã dần chuyển sự chú ý của mình sang việc tiết kiệm và đầu tư hơn.
Bổ sung đồ phù hợp với không gian sống của bạn
Bổ sung đồ đạc mới như thế nào? Nhìn lại căn phòng hay ngôi nhà của mình xem, bạn đã có ý tưởng nào mới xuất hiện chưa, bạn muốn nó cứ như hiện tại (sau khi đã loại bỏ bớt đồ) hay muốn cải tạo một chút theo ý thích mới của mình?
Đúng vậy, tôi đang nói đến việc tạo nên phong cách cho việc trang hoàng nhà cửa hay phong cách sống mới bằng đồ đạc. Gợi ý đầu tiên tôi đã nhắc ở bên trên chính là bài trí đồ đạc sao cho không gian rộng rãi hơn. Tiếp đến sẽ là màu sắc và các đồ đạc trang trí đi kèm, đừng quên các chậu hoa để làm căn nhà tươi tắn hơn.
Các công tác tiếp theo hẳn cần dựa vào cảm hứng của bạn, hãy tiếp tục để có không gian sống nhiều năng lượng hơn. Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý những điều khi muốn bổ sung đồ đạc, đó là đồ phù hợp với túi tiền, đủ dùng là được.
Nếu bạn còn phân vân chưa biết mình nên bổ sung đồ thế nào để tránh chọn nhầm mua nhầm, bạn hẳn nên tìm hiểu một chút về nhu cầu của mình tương đồng với phong cách thiết kế nào, phong cách thời trang nào, xu hướng nào,… từ các kênh thông tin đa dạng. Suy nghĩ kỹ về quyết định mua sắm ở mỗi thời điểm. Bạn đã có kinh nghiệm chọn đồ từ quá trình loại bỏ lúc trước rồi, đó là cả một quá trình phân tích và ra quyết định bạn cần gì và không cần gì nữa, có ý nghĩa thế nào với bạn. Đó là tiền đề quan trọng để bạn nhìn đồ vật mới chuẩn xác hơn. Cảm giác khi biết mình cần gì cho cuộc sống rất tuyệt vời, tôi tin là bạn cũng có cảm giác như thế trong nhiều lựa chọn của mình. Việc biết đó không chỉ là những gì bạn thích, phù hợp với cuộc sống của bạn mà nó còn giúp bạn phát triển nhiều mặt hơn nữa.
Bạn đã có một ngày thay đổi lối sống với đồ đạc rồi, bạn cảm thấy thế nào? Bạn cảm thấy thật gọn gàng, không gian rộng hơn và bạn phát hiện ra… bạn không cần nhiều đồ như bạn tưởng! Bạn chủ động hơn, xinh đẹp hơn hoặc bỗng nhiên bạn thích về căn nhà thân yêu mà bạn đã dày công bài trí hơn không? Đừng nghĩ đồ đạc không ảnh hưởng đến sự cảm nhận của bạn hoặc phủ nhận việc chúng có khả năng chi phối cảm xúc của bạn. Quá trình chữa lành lối sống bằng đồ đạc là hành trình giúp bạn biết được những gì mình quan tâm và tại sao lại như thế. Dù ít hay nhiều thì bạn cũng sẽ có một số thứ loại bỏ đi, thế thì nhu cầu bạn cần thật sự không nhiều như trước nữa, dẫu rằng quá trình bổ sung bạn sẽ có thêm những món đồ mới, nhưng chắc hẳn bạn sẽ không mua lại những món đồ giống như cũ. Hãy xem đó là một sự thay đổi lớn, cách thức chọn lựa và sử dụng đồ đạc của bạn sẽ khác hơn ngày hôm qua rất nhiều.
Một số những thói quen mua sắm mới của bạn được hình thành chính là món gì có ý nghĩa hơn và bạn sẽ dành tâm trí, thời gian, tiền bạc để nghĩ về chúng trước khi quyết định mua. Và đến thời điểm bạn đạt được trạng thái “Mua đủ dùng và phù hợp với bản thân” bạn đã đưa lối sống của mình lên một trạng thái mới, lý trí hơn, bình tĩnh hơn và kiểm soát được cuộc sống của mình hơn.
Thật quan trọng, bạn biết dùng đồ đạc để chăm sóc bản thân tốt hơn. Bạn không sắm sửa vì thể hiện với ai cũng như biết món đồ nào mới thật sự cần thiết với bạn. Bạn yêu quý chúng và chúng giúp cuộc sống của bạn thoải mái hơn rất nhiều.
Chúc bạn thành công với phần thứ nhất của hành trình chữa lành lối sống bằng việc loại bỏ và bổ sung đồ đạc mới có ý nghĩa hơn. Hãy trải nghiệm quá trình này một cách vui vẻ và hứng khởi nhé!