“Rồi bạn cũng sẽ chấp nhận những nắng mưa trong lòng, như cách mà bạn đã luôn chấp nhận những nắng mưa trên cánh đồng của bạn, đi xuyên qua chúng bằng sự bình thản, bất kể đã từng phải chịu bao nhiêu lạnh giá, u buồn.”
-Kahlil Gibran-
(“And you would accept the seasons of your heart, even as you have always accepted the seasons that pass over your fields. And you would watch with serenity through the winters of your grief.”)
“Tôi không thể tin được chuyện này lại xảy ra với mình.”
Tôi ngồi tại bàn làm việc của mình, trong căn phòng làm việc có hướng nhìn ra ngoài trung tâm thành phố. Tôi còn nhớ rất rõ cảnh vật bên ngoài vào thời điểm đó thật sự rất đẹp, nhưng trong lòng tôi lại tồn tại một mảng đêm đen u ám. Chỉ trong một buổi sáng, tôi đã lặp đi lặp lại câu ở trên không biết bao nhiêu lần. Khi một cô gái mới bắt đầu gầy dựng sự nghiệp lại chứng kiến mọi thứ mà bản thân kỳ vọng phút chốc sụp đổ, thì phản ứng đó của tôi là hoàn toàn tự nhiên mà, phải không?
Tôi không thể tin được chuyện này lại xảy ra với mình.
Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng mùa thu hôm đó, một ngày mà lẽ ra tôi sẽ xuất hiện trong trạng thái đầy hứng khởi, nụ cười rạng rỡ và những bước đi đầy hãnh diện, hướng tới văn phòng làm việc của mình và thông báo với mọi người rằng, tôi đã ký được một hợp đồng vô cùng tiềm năng, có thể đưa công ty phát triển lên một bước ngoặt mới. Cả buổi tối, tôi cứ trằn trọc không ngủ được, háo hức chờ đợi đến sáng hôm sau để chung vui cùng các đồng nghiệp và còn hy vọng nhận những lời chúc mừng từ bạn bè và người thân. Nhưng không ngờ, cũng chính buổi sáng mà tôi vô cùng mong đợi ấy, tôi đã cùng lúc phải đối mặt với hai cú sốc lớn nhất trong hành trình trưởng thành của mình.
Thứ nhất, đồng nghiệp của tôi – người mà có lẽ chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi sẽ cùng tôi kết hôn và xây dựng một gia đình nhỏ – hóa ra lại là một kẻ phản bội. Anh ta có gian tình với người con gái khác, và cô gái đó lại chẳng phải ai xa lạ mà chính là Stracy – cô bạn thân thiết học cùng trường đại học với tôi, cũng là người đã ủng hộ, sát cánh với tôi trong suốt khoảng thời gian xây dựng và phát triển BLUE IMPRINT. Hai con người ấy, hai con người mà tôi tuyệt đối tin tưởng ấy, hai con người mà tôi đã không giấu giếm dù chỉ một chút bí mật nhỏ trong cuộc sống của tôi ấy, đã ở sau lưng tôi bí mật tư tình. Việc họ làm giống như một nhát dao đâm từ phía sau lưng tôi, xuyên thẳng qua trái tim tôi và ghim lại ở đó, không thể nào rút ra được.
Sự việc tiếp theo, Stracy cùng với bạn trai tôi đã bằng cách nào đó, mua chuộc Joelle – người cộng sự mà tôi cực kỳ tín nhiệm tại công ty – để cô ấy bán toàn bộ thông tin khách hàng cũng như các giấy tờ, hợp đồng quan trọng của công ty cho họ. Sau này tôi mới biết, Stracy đã âm thầm xây dựng công ty của riêng mình, với sản phẩm là dịch vụ in ấn tương tự BLUE IMPRINT của tôi. Tất cả mọi thứ, không chỉ có cơ sở dữ liệu về khách hàng, đối tác, mà còn có quy trình, cơ chế hoạt động cho đến chính sách và các chương trình, ý tưởng, định hướng hoạt động, cô đều được Joelle bí mật cung cấp. Nhiều năm qua, họ ở bên cạnh tôi, lắng nghe tôi, cổ vũ, động viên tôi, trở thành một trong số những người thân thiết nhất của tôi, rốt cuộc cũng chỉ vì một mục tiêu duy nhất, là lấy đi những gì mà tôi đang có.
Sau ngày hôm đó, suốt nhiều đêm, mỗi khi nhắm mắt lại cố đưa bản thân vào giấc ngủ, tôi đều nằm mơ thấy ba người họ – bạn trai tôi, Stracy và Joelle – đang ngoái đầu lại phía sau, nhìn tôi và nở nụ cười. Nhưng đó không phải là nụ cười thân thiện, đó không phải nụ cười khích lệ, ấm áp và đầy yêu thương mà tôi đã từng nhận được từ họ nữa. Mà trái lại, chúng tràn đầy mỉa mai, nhạo báng. Tôi tưởng tượng được họ đã cười cợt rằng tôi nhẹ dạ và ngu ngốc ra sao khi đã dễ dàng bị họ qua mặt, dễ dàng bị họ lợi dụng, dễ dàng bị đẩy đến tình trạng tuyệt vọng. Mỗi khi tưởng tượng đến cảnh ấy, tôi đều cảm thấy cay đắng và chua xót cho lòng tin của mình. Một Daisy luôn được xem là bản lĩnh và mạnh mẽ, lại có ngày phải nằm cuộn mình trong chăn, u uất đến mức không muốn ăn, không muốn ngủ, không muốn trò chuyện với bất cứ ai.
Những người thân và bạn bè của tôi đều rất lo lắng. Thỉnh thoảng, Angela – cô bạn thân từ thuở bé của tôi – lại lái xe hơn 45 phút đến nhà tôi chỉ để làm món salad trứng luộc mà chúng tôi cùng thích. Mỗi tuần một lần, cha tôi gọi điện đến hỏi thăm và tránh nhắc đến dự định của tôi trong tương lai, có lẽ ông biết khoảng thời gian này quá nhạy cảm để tôi có thể đề ra bất cứ mục tiêu hay kế hoạch nào cho chính mình. Chị Kimberly, một người chị họ đã sống chung với gia đình tôi suốt nhiều năm – lúc bấy giờ đang thực hiện chuyến du lịch thực tế qua một vài nước châu Âu để viết bài cho tạp chí mà chị đang làm việc – thường gửi cho tôi những lá thư điện tử, nhắc tôi nhớ rằng xung quanh tôi vẫn còn những nơi đáng đi, những việc đáng làm và những người đáng để đối xử chân thành, không nên chỉ vì một vài chuyện tồi tệ xảy ra trong quá khứ mà bỏ lỡ những điều tốt đẹp còn ở phía trước mình.
Tôi nhận tất cả thư, tất cả những lời khuyên, tất cả những động viên, thăm hỏi, nhưng tôi thành thật cảm thấy có lỗi khi phải nói rằng, chúng không giúp ích được gì cho tôi trong trường hợp này cả. Nỗi đau, sự tủi nhục và thất vọng trong tôi quá lớn, lớn đến nỗi mỗi khi nhớ về là tim tôi sẽ tự động nhói đau. Ký ức về những con người đó quá tốt đẹp, tôi không thể nghĩ được lý do gì khiến họ trở mặt với tôi như thế. Tôi đã làm gì sai với họ ư? Tôi đối xử với họ có chỗ nào chưa đúng ư? Tôi không giúp đỡ họ? Tôi không lắng nghe họ? Tôi không làm tròn trách nhiệm mà một người bạn gái tốt nên làm? Tôi không phải cô bạn thân đích thực mà Stracy mong đợi? Tôi không phải một cộng sự có năng lực khiến Joelle đủ tin tưởng? Cách tôi điều hành doanh nghiệp có gì sai sao? Tôi không hiểu. Rốt cuộc vấn đề là ở đâu chứ?
Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi?
Tôi đã liên tục hỏi câu hỏi này. Liên tục, bất kể là khi đang dùng bữa, đang ngâm mình trong nước ấm, đang nằm trên giường ngủ, hay thậm chí là đang xem lại các sổ sách, giấy tờ cũ của BLUE IMPRINT. Đôi khi, tôi không chủ động đặt câu hỏi, nhưng chúng vẫn xuất hiện, vẫn lặp đi lặp lại trong đầu tôi, kêu gào đòi đáp án. Rất nhiều lần tôi cố gắng tập trung làm việc khác, từ việc thư giãn đầu óc cho đến việc cần có sự tập trung cao, nó vẫn không ngừng làm phiền tôi, xen vào thời gian làm việc của tôi, buộc tôi phải dừng lại để nghĩ về nó, buộc tôi giải quyết nó càng sớm càng tốt, trong khi tôi thật sự không biết câu trả lời thỏa đáng nhất cho nó nên là như thế nào.
CHẤP NHẬN NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA
Kỳ thực, mãi sau này tôi mới biết, câu hỏi “Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi” sẽ vĩnh viễn không bao giờ có một đáp án trọn vẹn, dù tôi có mất bao nhiêu thời gian và công sức để cho nó câu trả lời. Tại sao tôi lại bị phản bội? Tại sao người bạn trai mà tôi luôn tự hào, người bạn thân mà tôi vô cùng yêu quý, người cộng sự mà tôi vô cùng tin tưởng, tất cả đều quay lưng phản bội tôi? Tại sao lúc họ rắp tâm lên kế hoạch bán đứng tôi, họ không nhớ đến những chuyện tôi đã trải qua cùng họ, những gì tôi đã dành cho họ, những việc tôi đã làm vì họ? Tại sao tình cảm được tính bằng năm của chúng tôi lại có thể dễ dàng bị họ đạp đổ chỉ bởi vì tiền bạc, quyền lực, và những cám dỗ phù phiếm?
Câu trả lời là, không vì điều gì cả.
Thật vậy, không phải bất cứ một hành vi nào của con người – kể cả những người thân cận nhất – hướng đến bạn, cũng có lý do gì đó sâu xa. Đôi khi, chỉ đơn giản bởi vì họ không dành cho bạn tình cảm giống như bạn dành cho họ, đơn giản vì họ không muốn đối xử tốt với bạn, hay đơn giản, bản chất của họ vốn dĩ là như thế. Bạn dù có tìm ra nguyên nhân rồi thì cũng chẳng thể làm điều gì khác để sửa chữa hay rút kinh nghiệm cho các mối quan hệ sau này.
Không có bất cứ câu trả lời chính xác và cụ thể nào cho những câu hỏi như “Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi?” hay những câu oán thán như “Tôi không thể chấp nhận chuyện này!” Xin thứ lỗi nếu lời nói của tôi có hơi quá thẳng thắn, nhưng bạn không chấp nhận được thì sao? Nó vẫn xảy ra rồi. Và nó có thể sẽ tiếp tục xảy ra thêm nhiều lần nữa trong suốt những năm tháng bạn còn sống. Vậy bạn định lúc nào cũng đối mặt với nó bằng cách than vãn, ấm ức, tức giận, căm hờn ư? Bạn định không ngừng trách cứ định mệnh, trách số phận mình xui xẻo gặp toàn kẻ tồi tệ, hay trách nhân loại sống quá tệ bạc, bất công, hay trách bản thân quá thật thà, quá đơn giản, quá dễ tin người? Như vậy thì kết quả có mang lại cho bạn điều gì không? Hay chỉ có buồn bã chất chồng buồn bã, mệt mỏi chất chồng mệt mỏi, tổn thương nối tiếp tổn thương?
Chúng ta cần học cách chấp nhận rằng, cuộc sống của chúng ta sẽ xảy ra một vài điều khó khăn, mâu thuẫn, tồi tệ hoặc hết sức nực cười mà không có lời giải đáp thỏa đáng. Cố gắng phân tích hay lý giải chỉ làm ta thêm thất vọng và mệt mỏi mà thôi. Tất cả những gì chúng ta có thể làm, chỉ đơn giản là chấp nhận chúng đã xảy ra, không có cách nào thay đổi.
Judy Yale:
“Tôi cần phải chấp nhận rằng bạn đời của tôi đã không còn yêu tôi nữa, không được dối lòng, không cần giải thích, không cần bào chữa bằng bất cứ một lý do hoa mỹ nào.”
Judy vừa ly hôn ba tuần, và những tháng ngày về sau của cô vô cùng khổ sở. Steve – người chồng mà cô yêu thương bằng toàn bộ trái tim – đã đề nghị chia tay với lý do anh ta cảm thấy hai người không còn tìm thấy tiếng nói chung trong đời sống vợ chồng nữa, và anh ta nghĩ lỗi là ở bản thân anh ta, Judy chẳng làm gì sai cả, chia tay nhau là cách tốt nhất để cô ấy tìm được hạnh phúc khác cho mình.
Đấy thật là một lý do nực cười – tôi nghĩ vậy. Tôi xin lỗi nếu những điều mà tôi nói có vô tình khiến ai đó tổn thương, chỉ là tôi nghĩ rằng, trong đa số các trường hợp buộc phải là người nói lời chia tay trước, chúng ta thường có xu hướng dùng cách nói giảm nhẹ lý do chia tay, ví dụ như:
“Anh/Em cảm thấy mệt mỏi rồi.”
“Anh/Em cần một thời gian để suy nghĩ về mối quan hệ của chúng ta.”
“Anh/Em quá bận rộn để có thể yêu một cách tử tế.”
“Anh/Em muốn tập trung cho sự nghiệp.”
Hay giống như cách của Steve đã làm với Judy, vào một ngày cuối tuần đẹp trời nọ, anh ta thức dậy trên chiếc giường êm ấm mà bao năm hai vợ chồng vẫn thường say giấc, ăn bữa sáng với yến mạch giàu dinh dưỡng mà cô thường chuẩn bị cho anh, ung dung đọc hết tờ báo buổi sáng trên bàn, mọi thứ y như những ngày thông thường, chẳng có gì thay đổi. Rồi đột nhiên, anh ta hạ tờ báo xuống thở dài và nói một câu:
“Anh cảm thấy chúng ta không hợp nhau.”
Nghe thật sự nực cười, có đúng không?
Chẳng có lý gì cả, khi mà phải mất hai năm hẹn hò, ba năm chung sống thì anh ta mới phát hiện ra rằng cả hai không hợp. Tuy nhiên, trong lúc đó, có lẽ Steve nghĩ rằng anh ta nên cho Judy một lời giải thích hợp lý cho câu chia tay đột ngột kia, dù cho có phải bịa chuyện, có phải nói lời trái với lương tâm đến mức nào đi nữa, thì vẫn tốt hơn, vẫn nhẹ nhàng hơn là câu:
“Anh không còn yêu em.”
Trên thực tế, phần lớn những chuyện tình, những cuộc ly hôn đi đến bờ vực tan vỡ, đều sẽ có cùng một nguyên nhân sâu xa: một trong hai người đã cạn tình với đối phương. Mọi thứ bắt đầu bằng “không còn yêu”, sau đó mới dẫn đến những hành động khác. Có kẻ bắt đầu bí mật vụng trộm bên ngoài với tình nhân mới; có kẻ chơi bời thâu đêm suốt sáng không dành thời gian ở cạnh đối phương; kẻ này bán mình cho công việc, xem công việc còn quan trọng hơn cả bạn đời; kẻ nọ lừa dối, lợi dụng tình yêu của đối phương để đạt được những thứ mình mong muốn; kẻ khác lại tìm cách quy hết tội lỗi về phía bản thân, nào là anh quá nghèo, anh không xứng đáng, gia đình không cho phép, sự nghiệp còn bấp bênh; thậm chí có kẻ tệ hơn, cố ý trở thành một người tính tình vô cùng tệ hại, thường xuyên phàn nàn, cáu gắt, muốn khiến cho đối phương không thể chịu nổi mà chủ động đề nghị chia tay.
Tất cả những cách giải quyết trên, nghe thì có vẻ khác nhau, nhưng chẳng phải đều là vì không còn yêu nữa nên mới hành xử như vậy hay sao? Vì không còn yêu nên không còn sợ đối phương đau lòng; vì không còn yêu nên mọi lời họ nói, mọi việc họ làm đều không còn nhằm mục đích vun đắp tình yêu và làm cho nhau hạnh phúc; vì không còn yêu nên sẵn sàng rời bỏ nhau chỉ vì một chút bất hòa; vì không còn yêu nên những việc nói dối lẫn nhau, phản bội lẫn nhau, sát thương lẫn nhau,… mới dễ dàng làm sao.
Quá dễ dàng.
Những ngày tháng đầu tiên, Judy không nghĩ đến sự thật này. Rõ ràng cái lý do “Không tìm được tiếng nói chung” nghe có vẻ nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn việc Steve không còn yêu cô nữa. Tuy nhiên qua thời gian, Judy nhận ra ít đau đớn hơn không có nghĩa là cô sẽ vượt qua biến cố ly hôn này dễ dàng hơn. Kỳ thực lý do chia tay giả dối kia của Steve chỉ có tác dụng giảm nhẹ cảm giác tội lỗi của bản thân anh ta, chứ không hề có lợi cho quá trình hồi phục vết thương lòng của Judy. Bởi lẽ, bất kể lý do nào không đúng sự thật, cũng sẽ làm con người ta nảy sinh hy vọng. Trong trường hợp này, hy vọng là không tốt.
Judy cần phải CHẤP NHẬN SỰ THẬT rằng Steve không còn yêu cô, chấp nhận từ bỏ việc mong đợi anh ta sẽ quay trở lại, hàn gắn cuộc hôn nhân đổ vỡ này. Hơn thế nữa, cô cũng nên chấp nhận việc không còn yêu nhau vốn dĩ chẳng phải điều gì quá kinh khủng trong cuộc đời này. Đôi khi chúng ta thích ăn một món gì đó, rồi ngày mai chúng ta lại không thích nữa là chuyện rất bình thường. Trong tình yêu cũng vậy thôi. Tôi biết nói ra có thể sẽ khiến bạn khó chịu, cho rằng tôi là người phụ nữ thực dụng, mang tình yêu ra so sánh với những xúc cảm bình thường. Tuy nhiên, tôi mong bạn nghĩ kỹ lại, phải chăng bởi vì chúng ta thường thần thánh hóa tình yêu, nâng nó lên cao hơn vị trí thực tế của chính nó, cho nên khi nó không còn ở bên, chúng ta mới cảm thấy xót xa, mới cảm thấy đau đớn, mới cảm thấy hụt hẫng và mất mát đến như vậy không?
Chi bằng hãy bình thường hóa cảm xúc yêu thương giữa chúng ta với bạn đời của mình, xem nó không khác gì cảm xúc mà chúng ta dành cho mọi sự vật, mọi con người bình thường mà chúng ta có dịp gặp gỡ, tiếp xúc trong đời. Để rồi nhận ra tất cả đều có thể thay đổi, tất cả đều có ngày tháng tận cùng của nó. Cá trích xốt cà sẽ hết hạn sử dụng; nước ép quả đào thơm lừng ngọt ngào sẽ hết hạn sử dụng; chiếc gối êm ái bạn yêu thích nhất trên giường, vài chục năm sau cũng hết hạn sử dụng; điện thoại laptop cao cấp sẽ hết hạn sử dụng sau một thời gian dài; cái bàn, cái ghế, bộ quần áo, dàn máy tính, máy điều hòa, xe hơi, tòa cao ốc,… không có gì là không có thời hạn sử dụng tối đa của riêng nó.
Tình cảm con người cũng vậy.
Hôm nay tôi thích ăn dưa hấu, ngày mai tôi có thể thích ăn cam, một tháng sau tôi lại thích một món khác. Yêu thích một thứ gì đó không có nghĩa là phải thích chúng đến hết đời. Có khác chăng là trong tình yêu, trong hôn nhân, chúng ta gắn lên đó hai từ “Trách nhiệm”, trói buộc trái tim của chúng ta với mối quan hệ này, sau đó cảm thấy nếu một trong hai người hết yêu, thì đó chính là điều kinh khủng nhất, điều đau khổ nhất và đáng thất vọng nhất về đối phương. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu như người yêu của tôi không còn yêu tôi nữa, anh ta có thể thẳng thắn nói với tôi, đừng cố xoa dịu tôi bằng những lý do cao cả hay những lời nói dối hoa mỹ, chúng giống như thuốc ức chế, chỉ có tác dụng làm dịu cơn đau trong chốc lát, một ngày nào đó dược hiệu tan hết, tôi sẽ thấy mình đắm chìm trong mất mát và tổn thương thậm chí còn tồi tệ hơn cảm giác lúc ban đầu.
Trong trường hợp của Judy, bạn đời của cô đã lựa chọn không để cô đối mặt với sự thật hoặc chính anh ta cũng không muốn thừa nhận sự thật rằng anh ta đã hết yêu.
Những gì cô cần làm để bước qua nỗi đau và có cuộc sống mới, chính là bắt đầu chữa lành tâm trí bằng cách chấp nhận sự thật. Đây là bước chân quan trọng nếu như cô muốn loại bỏ ra khỏi tâm trí mình những đau khổ, giận dữ và oán trách. Trút bỏ ưu phiền về tình yêu kỳ thực không quá khó khăn như chúng ta vẫn thường nghĩ, không cần đốt hết thư tình, không cần xóa tất cả hình ảnh về cả hai hay vứt bỏ toàn bộ quà kỷ niệm nếu những hành động này không thể khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Trước tất cả, trên tất cả, hãy học cách chấp nhận, suy nghĩ thoáng hơn về tình yêu và những giây phút nồng nhiệt khi yêu. Đôi khi, chia tay nhau chỉ đơn giản là vì không còn yêu nhau nữa, chẳng ai có lỗi, cũng chẳng ai đáng phải chịu đựng đau khổ. Hãy cứ bình thản mà buông tay, chỉ cần tâm trí không còn cố chấp với đoạn tình cũ, chúng ta rồi sẽ nhận ra thế giới này rất rộng lớn, nhất định sẽ có một ai đó, hoặc một điều gì đó, thật sự tốt đẹp hơn, ở lại bên đời chúng ta một cách lâu dài và ổn định hơn.
Marcus Crowder: “Chấp nhận việc bản thân đã thất bại thật sự không hề dễ dàng, nhưng nếu không biết chấp nhận thất bại, tôi sẽ chẳng bao giờ biết đến hai chữ Thành công.”
Marcus vẫn khoác lên mình bộ trang phục công sở, đều đặn ra khỏi nhà mỗi buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, giống hệt như khi anh còn đang làm việc. Kỳ thực anh đã bị sa thải cách đây hai tháng, nhưng vì không muốn vợ con nghĩ rằng anh là một người chồng thất bại, anh đã phải giả vờ như công việc của anh vẫn ổn, vẫn chẳng có gì thay đổi. Không một ai biết anh chỉ đến quán cà phê bên cạnh công ty cũ, mở laptop nhưng không có gì để làm, chỉ lướt web cho đến giờ tan tầm thường ngày của mình, sau đó trở về nhà, đóng vai người đàn ông công sở bận rộn mỏi mệt, ngồi vào bàn ăn cùng vợ và con trai, bịa ra những câu chuyện ở cơ quan do chính anh tự tưởng tượng, nhằm khiến người nhà của anh nghĩ rằng anh vừa thật sự từ công ty trở về.
Tuy nhiên, tôi biết chắc một ngày nào đó, dù muốn dù không, Marcus sẽ phải tự mình kết thúc vở kịch này.
Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp tương tự như thế, những người đàn ông – thậm chí cả những người phụ nữ – có xu hướng sợ bị đánh giá sau khi thôi việc hoặc bị sa thải khỏi một công việc mà họ vốn đang rất tự hào về nó. Họ không muốn bị nhìn nhận như một kẻ thất bại, họ né tránh những câu hỏi đại loại như “Dạo này công việc thế nào?” “Vẫn làm chỗ cũ chứ?” hay “Khi nào thì mới cho tôi ăn mừng thăng chức đây?” Họ không biết làm sao cho bản thân đỡ mất mặt với câu trả lời:
“Tôi đã thôi việc ở đó và hiện tại còn chưa kiếm được việc làm khác.”
Vì vậy, họ tiếp tục giả vờ như bản thân vẫn đang có một công việc ổn định, tại vị trí mà họ vẫn làm từ trước đến nay. Sự giả vờ này thậm chí còn tồi tệ hơn khi nó bắt đầu trở thành những lời nói dối với gia đình thân yêu của họ, và dần dần, là với chính bản thân họ.
Marcus chỉ ngồi ở một góc quán, tự ảo tưởng rằng bản thân vẫn đang làm việc bình thường như mọi ngày. Hơn ai hết, anh ta biết anh ta đã không còn công việc đó nữa, nhưng anh ta không chấp nhận điều đó, nó khiến anh thấy nhục nhã, chán nản và tuyệt vọng về chính bản thân mình. Anh không chấp nhận được sự thật đó, anh trì hoãn việc thú nhận với vợ hoặc kể cả với cha mẹ về tình hình thực tế của mình. Bởi vì nó đồng nghĩa với việc anh phải đối mặt với ánh mắt lo lắng của họ, hàng loạt câu hỏi Tại sao được đặt ra, buộc anh phải giải thích lý do thôi việc, lý do công ty không còn cần anh nữa, lý do anh cảm thấy công việc đó mệt mỏi đến mức không thể chịu đựng thêm được.
Marcus cảm thấy lồng ngực mình nặng trĩu khi hình dung ra đôi mắt ngấn lệ của vợ anh. Anh chắc chắn cô ấy sẽ rưng rưng nhìn anh gần nửa giờ đồng hồ, sau đó nức nở hỏi anh thời gian sắp tới họ sẽ phải làm gì bây giờ? Họ sẽ chi trả khoản phí sinh hoạt hằng tháng như thế nào, sẽ mua sắm cho con như thế nào, sẽ đối phó với bệnh tật hay những biến cố đột nhiên xảy đến trong cuộc sống như thế nào? Chỉ mới tưởng tượng thôi mà Marcus đã cảm thấy sống lưng ớn lạnh, cơ thể toát mồ hôi và cả người dường như chẳng còn chút sức lực nào cả. Tâm trí của anh nặng như chì, và bởi vì anh không thể tìm được bất cứ ai hay bất cứ phương pháp nào để giải tỏa “khối chì” trong tâm trí ấy, nên anh nghĩ anh sẽ cứ phó mặc mọi thứ như vậy, cho đến khi không thể nào che giấu thêm được nữa, thì mọi chuyện muốn đến đâu thì đến.
Đầu tiên, việc Marcus cần phải làm là CHẤP NHẬN SỰ THẬT rằng anh đã không còn làm việc ở công ty cũ nữa và sẽ chuẩn bị tìm một công việc khác trong thời gian sắp tới, không an phận với tình trạng thất nghiệp, không để bản thân trở thành một nỗi lo đối với gia đình, người thân. Tôi biết điều này thật sự không hề dễ chút nào. Những bài học mà chúng ta được biết về Thomas Edison, Albert Einstein, Henry Ford hay Walt Disney, cũng như những lần thất bại của họ và cách mà họ đã kiên trì, nỗ lực để có thể trở thành vĩ nhân, chúng ta đều đã sớm cho vào quên lãng. Marcus nói, anh ta đã chán ngấy rồi. Anh ta cảm thấy những trường hợp kể trên phần lớn là vì họ có thiên phú, họ thông minh, họ tài giỏi, họ sở hữu những khả năng có thể giúp họ thành công ở lĩnh vực mà họ mong muốn. Không giống như anh – không giống như phần lớn những con người bình thường như chúng ta – chúng ta đều chỉ biết trông đợi vào năng lực của chính mình, trông đợi vào vận may, trông đợi vào thời cơ, trông đợi những thay đổi khôn lường của thế giới. Marcus nói, anh cũng căm ghét bản thân sống thụ động như vậy, nhưng làm gì có cách nào khác đâu?
Marcus không cần trở thành vĩ nhân, anh ta chỉ muốn là một nhân viên văn phòng bình thường, thu nhập ổn định, đủ để trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình. Anh ta chỉ muốn một chút may mắn nhỏ bé, một chút sức bền, một chút mạnh mẽ để có thể đứng lên sau mỗi va vấp, nhưng rốt cuộc chỉ nhận lại sự thất bại và cảm giác vô dụng luôn đeo bám lấy mình. Càng đọc nhiều về các vĩ nhân, anh chẳng những không hề tìm được động lực, mà ngược lại, mà còn cảm thấy càng tự ti, thua kém.
Thay vào đó, ngay từ sau khi bị sa thải, việc đầu tiên mà Marcus nên làm chính là bước chân về nhà, thông báo với vợ của mình rằng: “Anh không còn làm việc ở công ty đó nữa.” Chuyện này thật ra không khó tiếp nhận như chúng ta vẫn nghĩ. Kỳ thực trên thế giới này có bao nhiêu người chỉ gắn bó với duy nhất một công ty từ khi bắt đầu đi làm cho đến tuổi nghỉ hưu đâu? Có thể ban đầu có chút đột ngột, vợ anh sẽ cảm thấy hơi buồn, thậm chí là hơi thất vọng, nhưng ít nhất đó là quyền cơ bản mà một người bạn đời phải có – quyền được biết chính xác tình hình thực tế công việc và tài chính của đối phương. Hơn nữa, cô ấy cũng cần chấp nhận sự thật để hỗ trợ phần nào về vật chất hoặc tinh thần cho chồng mình, hoặc chí ít cũng có thể cùng anh ngồi xuống, phân tích các vấn đề dẫn đến quyết định thôi việc hoặc bị sa thải của đối phương, cùng nhau rút ra kinh nghiệm, cùng nhau cố gắng cho lần sau. Nhận được sự chấp nhận của vợ, Marcus cũng sẽ chấp nhận và tha thứ cho bản thân mình dễ dàng hơn, đồng thời lấy lại được tinh thần để tiếp tục con đường sự nghiệp của mình.
Có nhiều điều luôn khiến bạn phiền não, lo lắng, kỳ thực lại không kinh khủng như bạn tưởng. Bạn cho rằng bị sếp khiển trách trước toàn công ty là mất mặt, bạn cho rằng gửi báo cáo muộn sẽ biến bạn thành tội nhân, bạn nghĩ rằng thôi việc tại một công ty dù là chủ động hay bị động là một vết nhơ trong quá trình thăng tiến của bạn, cần phải giấu giếm đi, càng ít người biết thì càng tốt. Có bao giờ bạn tự hỏi, sự thật phải chăng chỉ đơn giản là chúng ta không muốn gia đình mình lo lắng, hay điều chúng ta không muốn chính là nhìn thấy sự khinh miệt, gièm pha từ bên ngoài – từ những người mà chúng ta biết họ thậm chí còn chẳng mảy may quan tâm đến sức khỏe của chúng ta, đến cảm nhận của chúng ta, đến việc chúng ta sẽ phải xoay xở như thế nào khi không còn công việc nữa. Những người như thế, họ chẳng mang lại ý nghĩa nào cho cuộc sống của chúng ta hơn là một nhân vật góp thêm sóng gió. Vậy hà cớ gì chúng ta vẫn cứ để những người như vậy làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình?
Thanh lọc tâm trí, trong trường hợp của Marcus, chính là thực hiện loại bỏ ra khỏi đầu mình tâm lý nỗi sợ hãi, lo lắng, ám ảnh về cái nhìn của người khác. Anh cần phải học cách chọn lọc giữa những lời khuyên, lời nhận xét mang tính đóng góp lành mạnh với những phán xét, chỉ trích tiêu cực, nhằm hạ bệ anh, khiến anh thối chí, suy sụp và đánh mất niềm tin vào bản thân. Việc chỉ để lại trong đầu một vài đánh giá xứng đáng sẽ giúp Marcus giảm bớt áp lực và sự tự ti khi nghĩ đến vấn đề mà anh đang gặp phải. Càng ít lời ra tiếng vào bao nhiêu, độ nghiêm trọng của sự việc sẽ càng được giảm nhẹ hơn bấy nhiêu.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi khuyến khích Marcus xem nhẹ tầm quan trọng của việc tìm kiếm một công việc khác. Rõ ràng chúng ta đều biết rằng cho đến khi chúng ta chết đi, nếu không, sẽ chẳng có bất cứ giải pháp nào khác để vượt qua tình trạng thất nghiệp, ngoại trừ đứng lên và đi tiếp, bắt đầu tìm một công việc mới. Thật vậy, giả sử bạn ăn phải một món ăn rất dở, bạn có thể không bao giờ ăn lại món ăn đó; bạn vừa ly hôn, bạn có thể không bao giờ kết hôn nữa; bạn vừa bị bạn thân của mình phản bội, bạn có thể không bao giờ xây dựng mối quan hệ thân thiết như thế thêm lần nào nữa. Nhưng nếu bạn mất việc, bạn không thể không bao giờ đi làm nữa. Rồi bạn định chi trả cho các loại hóa đơn định kỳ như thế nào, chi trả cho sinh hoạt, ăn uống và nhu cầu cá nhân như thế nào, yêu thương gia đình, người thân của bạn như thế nào, và tự chăm sóc cho bản thân như thế nào?
Đó là lý do, trước khi bắt đầu hành trình chữa lành tâm trí, việc đầu tiên Marcus cần phải đảm bảo là anh đã hoàn toàn chấp nhận được sự thật rằng bản thân đã thôi việc, và điều đó chẳng có gì là quá to tát cả. Có thể nguyên nhân bị sa thải là do thái độ của anh ta không tốt, anh ta đã mắc phải sai lầm gì đó nhiều lần hơn mức cho phép, hoặc anh ta chủ động thôi việc vì cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy công việc không còn làm anh ta vui vẻ, hào hứng mỗi ngày,… dù là lý do gì đi nữa, thì nó cũng chỉ nên là bài học kinh nghiệm, là một trong những bước ngoặt trong quá khứ, giúp Marcus tự hoàn thiện bản thân mình.
Ba năm sau, năm năm sau, khi đã suy nghĩ thông suốt, anh ta sẽ cảm thấy điều đó chẳng có gì đáng xấu hổ, cũng chẳng đáng để anh phải phủ nhận, tránh né và tự biến cuộc đời mình trở thành một vở kịch dối trá như anh đã từng làm.
Suy cho cùng, trường hợp mà tôi gặp phải cũng tương tự trường hợp của Judy và Marcus trong hai câu chuyện mà tôi vừa kể. Sau rất nhiều ngày tháng tự dằn vặt chính mình trong hàng loạt câu hỏi tại sao, tôi đã nhận ra vốn dĩ tôi không phải người duy nhất chịu sự phản bội, càng không phải người duy nhất thất bại trong sự nghiệp. Những việc như thế này xảy ra với bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, không báo trước, cũng không thể chủ động phòng tránh. Hơn thế nữa, cho dù tôi có oán hận, có tự giam mình trong phòng và day dứt về những tính toán sai lầm của bản thân nhiều đến đâu, thì tôi vẫn không thể thay đổi sự thật rằng những chuyện ấy đã xảy ra. Tình yêu của tôi không thể quay trở lại, tình bạn của tôi cũng không hàn gắn được, công ty hoàn toàn phá sản cũng chỉ có thể xây dựng lại từ đầu chứ chẳng có cách nào khôi phục nguyên vẹn như cũ.
Có những chuyện chúng ta cần phải chấp nhận rằng chúng ta chẳng có cách nào quay đầu lại, chi bằng chấp nhận chuyện gì đã qua thì để lại phía sau, chúng ta vẫn còn cả đoạn đường phía trước, nơi mà những công việc mới, những cơ hội mới, những con người mới, tất cả đều đang ở đó chờ đợi chúng ta đến và nắm bắt ngay bây giờ.
CHẤP NHẬN THỰC TẾ CUỘC SỐNG
Bên cạnh việc chấp nhận những gì đã xảy đến, chúng ta đồng thời cũng nên chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những hiện thực có phần hơi khắc nghiệt của xã hội. Chà, tôi đã hứa với các bạn điều gì nhỉ, rằng tôi sẽ cố gắng không truyền đạt những ý nghĩ tiêu cực trong toàn bộ cuốn sách này, phải không? Cam kết đó vẫn có hiệu lực trong thời điểm này, tôi sẽ không gieo rắc những điều u ám, bi quan, khiến các bạn phải nhìn cuộc sống bằng đôi mắt tối màu ảm đạm. Tuy nhiên, chấp nhận hiện thực xã hội, chấp nhận các quy luật của cuộc sống lại là một trong những cách tốt nhất để giúp bạn đối mặt với những vấn đề của bản thân một cách nhẹ nhàng hơn.
Tiffany Fowler: “Thế giới này có rất nhiều chuyện vận hành không như cách mà chúng ta mong muốn, chấp nhận được sự thật này giúp những năm tháng về sau của tôi bớt cố chấp hơn, bớt nặng nề hơn.”
Tiffany đã từng là một công chúa nhỏ đúng nghĩa: sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu, được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng hết mực. Từ bé đến lớn, cô hầu như không phải lo lắng về bất cứ điều gì, trường học, ngành học, điều kiện vật chất, vui chơi giải trí và cả những công cụ giúp cô thực hiện ước mơ, đều có sự hỗ trợ nhiệt tình của họ. Chưa bao giờ cô phải sống trong cảnh túng thiếu tiền bạc, chưa bao giờ phải lo lắng suy nghĩ xem làm cách nào để có một công việc tốt, hay đến năm bao nhiêu tuổi thì mới dành dụm đủ tiền mua nhà, mua xe, bởi cô luôn luôn vững tin rằng, chỉ cần cô chủ động lên tiếng đòi hỏi, cha mẹ cô sẽ không ngần ngại đáp ứng bất cứ thứ gì.
Đời sống tinh thần của Tiffany cũng chẳng có gì là không thuận lợi. Nhờ vẻ ngoài xinh xắn, cộng thêm tính tình cởi mở, hòa đồng, rộng rãi, phóng khoáng, cô nhận được rất nhiều sự yêu mến từ bạn bè cũng như đồng nghiệp. Những bữa tiệc danh giá, những chuyến du lịch hào nhoáng, những mối quan hệ cuồng nhiệt, cô đều tận hưởng một cách triệt để và xem chúng như là một hồng phúc mà bản thân may mắn có được. 25 năm đầu đời, chưa có bất cứ sự việc hay biến cố nào xảy ra đủ để Tiffany phải u sầu, buồn khổ. Có chăng chỉ là những điều tiếng, ghen ghét rất đỗi bình thường mà cô sẵn sàng bỏ ngoài tai. Cô cảm thấy cuộc sống của mình đã rất suôn sẻ, rất tuyệt vời, chẳng có lý do gì để tâm trạng bị ảnh hưởng bởi những điều không xứng đáng.
Nhưng rồi sau khi bước sang tuổi 26, hàng loạt biến cố lần lượt kéo đến với cô. Đầu tiên là việc mẹ cô bị chẩn đoán ung thư vòm họng cần phải nhập viện để theo dõi và điều trị trong thời gian dài, việc này đã tiêu tốn khá nhiều tiền bạc của gia đình, trong lúc đó việc làm ăn của cha cô ngày càng khó khăn và thua lỗ. Lúc này, mọi gánh nặng tài chính đặt nặng trên đôi vai của Tiffany cùng cha cô. Từ một cô gái đang bay nhảy và tận hưởng công việc nhiếp ảnh gia tự do, không bị ràng buộc bởi giờ giấc, địa điểm làm việc hay các quy tắc nơi công sở, giờ đây, cô đã phải đưa ra quyết định khó khăn hơn là kết thúc những ngày tháng tự do của bản thân, đi tìm một công việc ổn định với thu nhập tốt hơn, ổn định hơn, có thể đỡ đần cha mẹ cô trong khoảng thời gian khó khăn này.
Đó là những ngày mà Tiffany biết rõ thế nào là nỗi vất vả của người trưởng thành, biết rõ thoát khỏi vòng tay và sự bảo bọc của cha mẹ, cô trở nên nhỏ bé và yếu đuối như thế nào. Cô nộp đơn vào các công ty trong khả năng của mình và hầu hết đều bị trả lại với cùng một lý do “Thiếu kinh nghiệm”. Một số công ty đồng ý nhận thì lại đề xuất mức lương quá thấp so với những gì cô đang cần trong thời điểm hiện tại. Tiffany đã thử nhờ những người bạn của cô – những người thường mời cô đến các bữa tiệc sang trọng, những người luôn có mặt cùng với cô trong mọi cuộc vui chơi, những người mà cô tưởng rằng đã đủ thân để có thể cùng mình chia sẻ ngọt bùi, đắng cay trong cuộc sống – nhưng ai cũng lắc đầu bảo không thể giúp gì được cho cô.
“Tớ e rằng những công ty mà tớ biết không có vị trí nào phù hợp với cậu.”
“Tớ không có quá nhiều mối quan hệ để có thể giới thiệu cậu đâu.”
“Xin lỗi nhé, dạo này tớ hơi bận.”
“Thật ngại quá, tớ nghĩ mấy chuyện này cậu nên tự mình tìm kiếm thì hơn.”
Tiffany chỉ nhận được những cái lắc đầu, hoặc một vài sự giúp đỡ hời hợt, miễn cưỡng, không giống chút nào so với khi họ đi du lịch hoặc chụp ảnh trong các bàn tiệc lộng lẫy cùng cô. Thế mới biết những mối quan hệ như thế thật sự mong manh. Có một số người chỉ ở bên cạnh chúng ta khi tiếng nhạc còn vang, khi mùi hương nước hoa đắt tiền còn lan tỏa, và khi những phát ngôn của chúng ta vẫn còn khiến họ cảm nhận được sự sang trọng, đẳng cấp. Khi chúng ta không còn khả năng thỏa mãn nhu cầu của họ nữa, họ sẽ không còn muốn có bất cứ một mối liên hệ nào với chúng ta, hoặc thậm chí còn tệ hơn, họ ở lại để nghe ngóng tình hình, dò la xem khả năng chống chọi của chúng ta đến mức nào, liệu có thể quay trở lại thời kỳ hoàng kim vốn có hay không. Sự thật phũ phàng này cũng không phải quá xa lạ, tuy nhiên, bởi vì Tiffany là một cô gái chưa từng nếm trải sự trở mặt nhanh chóng đến như vậy, khó trách cô cảm thấy bàng hoàng và hụt hẫng.
Khó khăn một thời gian cũng tìm được một công việc ổn định với mức thu nhập có thể chấp nhận, Tiffany lại tiếp tục đối mặt với một cú sốc khác: môi trường làm việc tại công ty có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Cụ thể, mỗi một nhân viên luôn phải tự mình trang bị kỹ năng và không ngừng nâng cao trình độ của bản thân nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc chiến mà Tiffany chẳng thể biết khi nào bản thân sẽ bị vượt mặt, bị đào thải bởi các đồng nghiệp giỏi hơn mình. Mỗi một sản phẩm hay một nhiệm vụ sau khi hoàn thành sẽ được công khai cho tất cả mọi người cùng xem qua và thảo luận. Nếu ai đó phát hiện và chỉ ra sai sót trong thành phẩm, người gây ra sai sót sẽ bị trừ một khoản tiền nhất định và số tiền này được chuyển cho người phát hiện ra.
Vốn đã quen phong cách tự do, không bị ai gò bó, ràng buộc, cũng không có quá nhiều thị phi, soi mói, giờ đây trong thời gian ngắn, Tiffany tất nhiên không kịp thích nghi với không khí căng thẳng và sự ganh đua đến kiệt sức như thế này. Mỗi ngày đến cơ quan đối với cô luôn tràn đầy e ngại, lo lắng. Cô không biết mình có nên tiếp tục nỗ lực để duy trì công việc này hay không. Nếu có, cô cần phải làm gì để vừa thăng tiến thật nhanh vừa không làm phật ý những người đồng nghiệp mới? Nếu không, cô không biết liệu có thể tìm được một công ty khác có thể đáp ứng mức lương mong muốn cho một cô gái thiếu kinh nghiệm như cô không? Cứ lo lắng như vậy, suy tính như vậy, trì hoãn như vậy, cuối cùng vẫn chẳng thể đưa ra quyết định nào cụ thể, Tiffany trải qua hai năm tiếp theo trong sự mệt mỏi, chán chường và áp lực, đôi lúc cô chỉ muốn buông xuôi và vứt bỏ mọi thứ, nhưng trách nhiệm của người làm con không cho phép cô ngừng cố gắng. Trước đây cha mẹ đã cho cô một cuộc sống tốt đẹp đáng mơ ước, thì giờ đây đã đến lúc cô phải chăm lo ngược lại cho họ. Đó không chỉ là báo đáp, đó còn là vì tình yêu, tình yêu ấy trở thành động lực để cô cầm cự, gắng gượng sống những ngày tiếp theo với nỗi hoang mang không biết khi nào thì bản thân sẽ gục ngã vì không thể chịu đựng tiếp thêm được nữa.
Rõ ràng cảm giác choáng ngợp đến mức khó tiếp nhận này của Tiffany phần lớn bắt nguồn từ việc cô đã quá quen với sự thoải mái, trơn tru và suôn sẻ suốt 25 năm đầu đời. Cô không hề có bất cứ sự chuẩn bị tinh thần nào để đối mặt với những hiện thực tàn khốc của cuộc sống hiện đại, phức tạp và nhiều cạnh tranh này. Cô thậm chí còn tự hỏi, phải chăng vì trước đây cô đã có một khoảng thời gian quá may mắn, nên hiện tại đã đến lúc cô phải nhường lại may mắn đó cho người khác, gánh lấy phần khổ sở cho bản thân từ bây giờ đến hết đời?
Tôi từng có dịp trò chuyện một lần với Tiffany khi cô còn là một nhiếp ảnh gia tự do, đó là dịp tôi và cô bạn thân Angela muốn chụp một bộ ảnh ở dãy núi Franklin (El Paso, Texas), ở cô gái này luôn toát lên vẻ tự tại, thong thả, vui tươi. Cô có mắt thẩm mỹ tốt, biết cách ăn mặc sao cho vừa khác biệt lại vừa thoải mái dễ chịu, mái tóc vàng nâu bồng bềnh đầy sức sống, và nụ cười đủ sức để thắp sáng bất cứ một khoảng trời đêm tăm tối nào xung quanh những ai đứng cạnh bên cô. Tiffany luôn thể hiện bản thân là người vô cùng tự tin, vô cùng đam mê nghệ thuật. Đôi mắt cô chưa bao giờ ngừng lấp lánh khi nói cho chúng tôi biết nên chụp ảnh ở góc nào, tạo dáng thế nào cũng như nên phối hợp trang phục như thế nào để cho ra những tấm ảnh bắt mắt nhất. Nhìn vào biểu hiện của cô lúc đó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến sẽ có một ngày gặp lại cô đóng kín bản thân trong bộ trang phục công sở, tóc vấn cao và đôi mắt mệt mỏi đầy quầng thâm vì thiếu ngủ.
Tiffany nói: “Những áp lực trong cuộc sống chính là thứ bào mòn chúng ta như thế này đây.”
Nhưng tôi đã đáp lại rằng: “Không, chính suy nghĩ tiêu cực về những khó khăn, thử thách của cuộc sống, mới là thứ bào mòn chúng ta như vậy.”
Tại sao tôi lại khẳng định như thế? Bởi vì tuy rằng nhỏ tuổi hơn, nhưng tôi đã sớm trải qua cảm giác phải đối mặt với hiện thực cuộc sống trước Tiffany hơn một năm rồi. Chắc bạn vẫn chưa quên (vì tôi cứ kể đi kể lại biến cố ấy của mình suốt từ đầu đến giờ mà), tôi từng bị phản bội, từng bị đâm sau lưng, từng bị phá sản, và điều đó xảy ra cùng một lúc. Nó khiến tôi suy sụp vô cùng trầm trọng, đến mức tôi tưởng rằng mình sẽ không thể yêu thêm ai nữa, không thể tin tưởng khi một ai đó muốn kết bạn với tôi nữa, cũng không đủ dũng khí để xây dựng một doanh nghiệp mới và bắt đầu lại từ đống đổ nát của công ty cũ. Tôi tăng cân khủng khiếp, tôi không kiểm soát được giấc ngủ của mình – thường thức giấc vào lúc 2 giờ sáng và trằn trọc đến tận bình minh, tôi quên việc kẻ lại chân mày hay tô lại màu môi trước khi bước ra ngoài. Tôi bỏ mặc bản thân, bỏ mặc mọi thứ mà từ trước đến giờ tôi luôn chăm chút, nếu có một điều duy nhất mà tôi vẫn còn động lực để làm, thì đó chính là khôi phục tài chính sau biến cố vừa qua.
Đúng vậy, nghe như tôi là cô gái thực dụng. Nhưng sự thật là tôi chỉ có thể dựa vào những con số, những bảng biểu, sơ đồ, công thức, hệ thống,… những thứ gây đau đầu và có phần khô khan với một số người, thì lại có tác dụng với tôi đến kỳ lạ. Ít nhất, chúng giúp tôi tập trung vào lĩnh vực tôi biết mình giỏi nhất, tạm quên đi nỗi thất vọng và mất mát mà tôi loay hoay mãi vẫn không có cách nào thoát ra. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng đó không phải là phương pháp hiệu quả. Nó có thể thu hút tâm trí của tôi trong một thời gian ngắn – những lúc vùi mình vào việc phân tích số liệu – tôi cảm thấy đầu óc mình tạm thời nhẹ nhõm hơn, nhưng rồi khi buông chúng ta, nằm trên chiếc giường đơn, cố vỗ bản thân vào giấc ngủ, tôi lại bắt đầu thấy đơn độc và thảm hại đến cùng cực.
Đó chính là vấn đề, phần lớn bi kịch của con người đều đến từ việc họ luôn cảm thấy thương hại bản thân.
Sự thương hại đến từ những suy nghĩ như chúng ta thật khốn khổ, chúng ta thật thảm hại, chúng ta thật đáng thương. Thỉnh thoảng chúng ta nhớ đến những gì bản thân từng gặp phải trên đoạn đường trưởng thành của mình rồi tự rơi nước mắt, tự hỏi tại sao bao nhiêu người lớn lên thật suôn sẻ mà chúng ta cứ phải gánh chịu bão tố; tự hỏi tại sao trong một mối quan hệ, người phải đau khổ luôn là chúng ta; tự hỏi tại sao giữa tất cả những người thành công, thành danh lại chưa bao giờ có tên chúng ta, dù chúng ta cũng nỗ lực, cũng cố gắng, cũng kiên trì đâu thua kém gì họ? Càng hỏi, chúng ta càng cảm thấy bất công, càng cảm thấy căm ghét cuộc sống này, căm ghét chính mình, tâm trí của chúng ta không bao giờ thanh thản được, chính là vì những sự thương hại sai lệch như thế.
Chúng ta có quyền yêu thương, có quyền chiều chuộng và cảm thông cho chính mình, nhưng đều đó khác với sự thương hại. Yêu thương và thông cảm cho bản thân có tác dụng giúp bạn học cách tự tha thứ, bao dung khi bạn vô tình gây ra lầm lỗi, vô tình đánh mất một ai đó, hoặc một điều gì đó vì sự khờ dại của mình, khi bạn nhớ lại và dằn vặt về những quyết định thiếu suy nghĩ không thể sửa chữa được,… tự yêu thương và thông cảm cho bản thân lúc này có tác dụng như một chiếc bông băng, phủ lên vết thương nơi trái tim bạn, nhẹ nhàng xoa dịu nỗi dằn vặt của bạn và giúp bạn thấy tốt hơn. Trong khi đó, sự thương hại bản thân lại khiến bạn thiếu đi sự cố gắng. Hãy tưởng tượng bạn giống hệt một người suốt ngày kêu ca mình quá béo, quá nặng nề, nhưng lại chẳng làm gì để cải thiện cân nặng, cải thiện số đo của bạn, không bao giờ tập thể dục, không bao giờ tìm hiểu chế độ ăn lành mạnh, không bao giờ uống nước đầy đủ, không bao giờ học cách kiểm soát lối sống hằng ngày. Vậy sự ca thán đó nhằm mục đích gì? Nhằm mục đích tỏ ra rằng mình có ý thức về vấn đề của bản thân, nhưng lại cố tình trì hoãn, cố tình bỏ qua nó. Thậm chí có người còn đổ lỗi cho thể trạng, đổ lỗi cho cơ địa, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho môi trường sống, cho vợ chồng con cái,… và tiếp tục chép miệng thở dài thương thân mình bất hạnh.
Trong trường hợp của Tiffany và của tôi ngày trước cũng không khác nhau mấy. Chúng tôi đều tự thương hại hoàn cảnh của chính mình, hỏi rằng tại sao mình chẳng làm gì sai mà vẫn phải gánh chịu khó khăn thử thách nhiều như vậy? Sau này khi tỉnh táo ra rồi, tôi mới biết câu hỏi đó thật ra cực kỳ vô dụng. Tôi cần phải chấp nhận một thực tế rằng cuộc sống của mỗi người đều giống như một đồ thị hình sin, nó có thể đi lên rồi đi xuống ngay sau đó mà chẳng cần lý do gì cả. Đó mới chính là sự cân bằng, và cũng chính là sự công bằng. Nếu tôi ở trên đỉnh càng cao, thì khi rơi xuống thấp hơn, tôi sẽ càng cảm thấy chới với, đau đớn và khó vượt qua nổi. Điều này không có nghĩa là tôi khuyên bạn đừng trèo lên cao hơn, mà tôi muốn nói rằng, trong quá trình leo lên cao, hãy nhớ chuẩn bị tốt tinh thần, chấp nhận những rủi ro có thể xảy đến với mình dù có muốn hay không, chấp nhận sẽ có nhiều thứ không như ý, thậm chí chấp nhận rơi xuống ở dọc quãng đường và phải leo lên lại từ đầu.
Trên thực tế, có những hiện thực không hề dễ dàng để đối mặt. Tôi từng chứng kiến những cô gái thất vọng vì ngành học mà bản thân lựa chọn hóa ra lại không giống trong mơ; những cậu thanh niên bước chân ra đời vấp phải quá nhiều khó khăn, nhận thấy kiến thức và sự cần cù cũng chẳng thể nhanh chóng thăng tiến bằng việc quen biết nhiều, ăn nói giỏi; những người mỗi ngày đều chứng kiến bao nhiêu điều bất công, nhiễu nhương của xã hội mà chẳng có cách nào thay đổi được,… đó đều là hiện thực cuộc sống, chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nằm ngoài dự đoán, nằm ngoài mọi sự phòng bị của bạn.
Hầu hết những thời điểm mà bạn phải đối mặt với chúng, đầu tiên hãy chấp nhận đó chính là một phần thiết yếu của cuộc sống, ai rồi cũng sẽ gặp phải, không sớm thì muộn, không ít thì nhiều. Sau đó, hãy chấp nhận rằng bạn chẳng phải người duy nhất cảm thấy thế giới này thật hỗn loạn, phũ phàng và bất công, càng chẳng phải người duy nhất phải đương đầu với những chông gai, những rào cản, những sóng gió, thậm chí cả những mất mát, tổn hại về vật chất hoặc/và tinh thần đến từ các yếu tố khách quan khác như thiên tai, khủng hoảng kinh tế, thị trường thay đổi, tình hình xã hội thay đổi,… – đều là các thực tế hiển nhiên sẽ xảy ra vào lúc nào đó trong suốt khoảng thời gian chúng ta sống trên đời. Nếu bạn không phải người duy nhất gánh chịu, vậy hãy dừng than vãn, dừng lãng phí thời gian tự cảm thấy thương hại bản thân, dừng tìm kiếm sự đồng cảm (mà bạn biết sẽ không bao giờ có) từ những kẻ xa lạ bằng cách liên tục chia sẻ tâm trạng ấm ức, tức giận của mình với họ, dừng việc gặm nhấm và phóng đại nỗi đau của riêng mình, để rồi chỉ vì một vài trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ mà đánh mất tất cả niềm tin vào những cơ hội mới mẻ vẫn đang chờ đợi ở tương lai.
Chấp nhận thực tế không khiến tôi có cái nhìn cay độc với thế giới mình đang sống, chấp nhận thực tế giúp tôi thôi oán trách bản thân là kẻ vô dụng, thất bại nhất trên đời. Chấp nhận thực tế cũng giúp tôi thoát khỏi chuỗi ngày luẩn quẩn chỉ biết xót xa cho vết thương của chính mình, thử một lần dùng quyết tâm và mạnh mẽ tự chữa lành vết thương ấy, tiếp tục kiên cường bước đi giữa muôn vàn biến động. Chấp nhận thực tế, cũng có nghĩa là chấp nhận mỗi một người – bao gồm chính bản thân mình – đều là những cá thể với muôn mặt ưu và khuyết điểm đan xen, đều có những khoảnh khắc biểu hiện vô cùng tuyệt vời, đồng thời cũng không tránh khỏi những thời điểm phạm phải sai lầm không thể quay đầu làm lại. Điều quan trọng nhất không phải bạn đã có những thành tựu gì, càng không phải đã thất bại như thế nào, mà chính là cách bạn đang sống, cách bạn trải qua mỗi một phút giây trong đời. Dằn vặt hay thanh thản, bình yên hay khắc nghiệt, tôi tin rằng bản thân bạn có thể tự mình lựa chọn.
Tôi bước qua giai đoạn chấp nhận hiện thực cũng như chấp nhận những gì đã xảy ra trong quá khứ của mình một cách không mấy dễ dàng. Tôi không biết rằng các bạn – những người từng trải qua biến cố và thành công vực dậy sau biến cố – đã làm cách nào để dừng lại việc oán trách, thở than; dừng lại việc tìm kiếm lý do của những gian dối, phản bội, lừa gạt; dừng lại việc nuối tiếc khoảng thời gian huy hoàng, vinh quang vốn dĩ chỉ còn là dĩ vãng? Tất nhiên, khi viết những dòng này, tôi đã thật sự dứt bỏ được giai đoạn thảm hại và khó chịu đó của chính tôi, nhưng, như tôi đã nói, nó khá là khó khăn và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ ý chí của tôi. Có thể bạn cũng đang cảm thấy khó khăn như vậy, tôi mong bạn đừng nản lòng. Cuộc sống này trao cho chúng ta rất nhiều chông gai, thử thách, nhưng đồng thời cũng trao cho chúng ta rất nhiều cơ hội. Chỉ cần chúng ta mở to mắt, căng rộng tai, dùng trái tim bao dung cùng tư duy phóng khoáng để đối mặt và chấp nhận tất cả những gì đang đến và có thể xảy đến trong cuộc đời, đó sẽ chính là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu hành trình Detox – hành trình cải tiến tâm trí và hướng đến sự bình yên cùng hạnh phúc đích thực mà bạn thật tâm mong đợi.