“Bạn là thầy dạy của chính mình. Tìm kiếm một người thầy không giúp bạn giải tỏa hoài nghi. Hãy tìm kiếm bản thân để thấy được con người thật bên trong, không phải ở vẻ bề ngoài. Tự hiểu mình mới là điều quan trọng nhất.”
- Ajahn Chah-
(“You are your own teacher. Looking for teachers can't solve your own doubts. Investigate yourself to find the truth inside, not outside. Knowing yourself is most important.”)
Chấp nhận việc bản thân đã bị phản bội và đã thất bại cả trong tình trường lẫn thương trường, đối với một cô gái đầy tự tôn và kiêu hãnh như tôi, thật sự là một trong những thử thách khó khăn nhất vào khoảng thời gian ấy. Tuy nhiên, có vẻ như sau khi chấp nhận sự thật, tôi vẫn chưa tìm thấy được hướng đi mới cho bản thân. Đôi khi tôi thử bắt tay vạch ra kế hoạch để bắt đầu một mô hình kinh doanh mới, đôi khi tôi thử sức các lĩnh vực mà tôi nghĩ rằng mình có khả năng, đôi khi tôi cảm thấy chán chường đến mức tự hỏi hay là cứ tạm gác lại niềm đam mê khởi nghiệp để trở thành một nhân viên bình thường, đi làm 8 giờ mỗi ngày rồi quay về nhà cuộn mình lại ngủ một giấc đến sáng hôm sau, không cần phải lo nghĩ về các chiến lược, dự án, bài toán tài chính và hàng triệu thứ khác mà một chủ doanh nghiệp phải suy nghĩ? Cứ liên tục đặt câu hỏi như vậy, tôi đã thử xem xét qua rất nhiều ngả rẽ khác nhau, dùng rất nhiều thời gian để cân nhắc trước khi bước chân lên bất cứ con đường nào. Tuy nhiên kết quả bao giờ cũng vậy, tôi sẽ luôn kết thúc con đường đó sớm hơn dự tính, bởi rất nhiều lý do mà phần lớn đến từ cảm giác lo lắng bất an trong lòng. Tôi chưa bao giờ thật sự cảm thấy hài lòng, mãn nguyện với con đường mà tôi lựa chọn. Sẽ luôn có một điểm khúc mắc nào đó thình lình xuất hiện khiến tôi cảm thấy bản thân không nên tiếp tục, và quan trọng hơn cả, tôi không biết được rằng điểm khúc mắc ấy ở đâu nên không thể tìm ra cách tháo gỡ chúng.
Có thể hầu hết mọi người – kể cả chính bản thân tôi lúc ấy – đều cảm thấy khoảng thời gian quanh quẩn bất định như thế thật vô nghĩa. Từng ngày từng giờ cứ trôi qua một cách lãng phí, trong khi bạn bè đồng trang lứa và những người thân xung quanh tôi đều đang ổn định sự nghiệp, sống một cuộc sống khiến họ hài lòng, vui vẻ, thì tôi vẫn cứ loay hoay với những thử nghiệm, những ngày tìm kiếm hướng đi đúng đắn cho khoảng thời gian tiếp theo của mình. Không thể tránh khỏi đôi lần tôi nổi cáu với chính mình, đặc biệt là mỗi một lần sử dụng sai phương pháp, tôi lại cảm thấy bất lực và bế tắc, cảm thấy thời gian tôi lãng phí đã vượt quá mức cho phép, cảm thấy có lẽ tôi nên phó mặc tương lai của mình cho dòng chảy số phận, gió cuốn tôi đi đâu thì tôi sẽ trôi theo tới đó, không cần nỗ lực tìm phương pháp thay đổi hay cải thiện cuộc sống của mình để làm gì.
Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ nhất thời của tôi trong một thời điểm nhất định. Mãi sau này khi nhìn lại những ngày tháng đầy chông chênh và hoang mang ấy, tôi nhận ra chúng cũng không hẳn là hoàn toàn vô nghĩa, nhất là khi tôi không hề biết rõ đâu mới là con đường mình thật sự nên đi, thì việc bước nhầm lên những con đường không phù hợp lại trở thành chiếc cầu nối, dần dần giúp tôi khám phá ra điều mà tôi thật sự cần.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn hành trình tìm kiếm phương pháp chữa lành tâm trí của mình, trong hành trình đó, tôi đã thử tự mình thực hiện từng phương pháp một, ghi nhận những gì tôi đã đạt được từ phương pháp ấy, những điều tích cực mà mỗi một phương pháp đã trao tặng cho tôi. Đúng vậy, tôi đã phát hiện ra mình không hẳn là một người thất bại, chỉ là mỗi một phương pháp mà tôi áp dụng sẽ phát huy một công dụng khác nhau. Điều quan trọng là tôi áp dụng chúng vào thời điểm nào, theo hình thức nào, và cách mà tôi kết hợp chúng với nhau sẽ cho kết quả ra sao.
Phần này của cuốn sách sẽ phù hợp với những ai đang đi tìm cho bản thân một lối đi để soi sáng tâm hồn mình, để bước ra khỏi những tháng ngày mệt mỏi, vô vị, đầy thất vọng, để đào thải suy nghĩ tiêu cực và độc hại, không để chúng có cơ hội ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có thể bạn sẽ nhận ra chính bạn cũng đã từng loay hoay tìm kiếm một phương pháp, đã từng thử nghiệm và không nhìn thấy hiệu quả, đã từng hoang mang không biết rốt cuộc thì lựa chọn con đường nào thì mới không phải hối hận. Cũng có thể, bạn chưa từng ở trong hoàn cảnh của tôi, chưa từng phải nghĩ đến việc loại bỏ tạp niệm trong tâm trí của mình, nhưng hãy tin rằng sẽ có lúc bạn cần đọc đến những trải nghiệm này. Bởi vì cuộc sống xung quanh chúng ta là tập hợp của vô vàn câu chuyện mà chúng ta không ngờ đến. Biết đâu, bạn, hoặc ai đó trong số những người thân, bạn bè của bạn, sẽ muốn nghe một vài điều mà chúng tôi đúc kết được từ nhiều lần tìm kiếm, nhiều lần thay đổi, nhiều lần phát hiện ra bản thân mình thiếu sót, nhưng đồng thời cũng nhận ra bản đủ đầy hơn.
Và điều mà chúng ta nhận được sau hành trình tìm kiếm ấy, không hẳn là một phương pháp tuyệt vời, không hẳn là một chân lý cao siêu, cũng không hẳn là một cuộc cách mạng lớn lao của bản thân, mà đôi khi, chỉ đơn giản là sự giác ngộ. Chúng ta phát hiện ra bản thân mình muốn điều gì, muốn làm gì, và đâu là hướng đi phù hợp với riêng chúng ta. Theo tôi, đó mới chính là phần thưởng giá trị nhất, vượt trên tất cả mọi thành tựu hoặc mọi thứ mà bạn nghĩ là thành tựu, trên hành trình tìm kiếm của mình.
NHÌN LẠI NHỮNG GÌ BẢN THÂN ĐÃ TỪNG TRẢI QUA
Tôi vẫn nhớ tuần lễ đầu tiên sau khi tôi hoàn toàn chấp nhận sự thất bại của mình và bắt đầu khởi động lại những kế hoạch tương lai mà tôi đã bỏ bê trong suốt khoảng thời gian buồn bã, ủ rủ một mình. Buổi sáng hôm ấy, tôi bước xuống khỏi giường, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là hình ảnh của chính mình trong gương. Ôi trời, bạn có hiểu được cảm giác của tôi khi ấy không? Nếu bạn không hiểu thì sẽ tốt hơn, tôi không hy vọng bất cứ ai trong các bạn phải trải qua cảm giác đó của tôi một lần nào trong cuộc đời. Tôi đã phải kiềm chế để không thét lên đầy kinh hãi khi chứng kiến bộ dạng tiều tụy của chính mình. Đôi mắt tôi trũng sâu, quầng thâm màu đen đậm khiến gương mặt tôi trở nên thật mệt mỏi, hai gò má tôi hóp lại như người bị bệnh mất ngủ trầm trọng, mái tóc rối bù và làn da thì tái nhợt chẳng chút sức sống. Tôi không thể tin được cô gái xấu xí trong gương đó chính là tôi – một Daisy Smith luôn mạnh mẽ và tràn đầy nhiệt huyết, giờ trở nên mệt mỏi và tiều tụy, đến một chút sức sống cũng không còn nhìn thấy nữa. Trong sự hoảng hốt, tôi đã gọi điện cho chị Kimberly.
“Em vừa nhìn thấy quái vật.” Tôi nói ngay khi tiếng chị bắt máy.
“Cái gì? Em đang nói gì vậy Daisy?” Giọng chị Kimberly có vẻ còn hoảng hơn cả tôi. “Quái vật nào? Ở đâu?”
Bây giờ nghĩ lại tôi thậm chí còn tự hỏi có khi nào lúc ấy chị nghĩ tôi bị hoang tưởng hay không.
“Ở nhà em, ngay trong gương đây này!” Tôi trả lời, giọng tôi như vỡ ra vì cảm giác muốn bật khóc. “Em đang nói chính bản thân em đó, chị Kimberly. Hôm nay em không còn nhận ra em nữa rồi.”
Chị Kimberly đã chạy sang nhà tôi ngay sau đó. Lúc chị bước vào phòng, tôi đang ngồi bệt dưới sàn, khóc thương cho sự xuống cấp mà tôi đã gây ra cho chính mình. Chỉ vì mải tập trung vào vết thương trong lòng, tôi đã phớt lờ tất cả những báo động của cơ thể. Tôi không nhận ra mình bị sút cân nghiêm trọng, không nhận ra lượng tóc rụng mỗi đêm cứ tăng lên, không nhận ra bản thân đã mất dần đi hứng thú dành cho những việc làm mà tôi từng vô cùng say mê. Thần sắc trên gương mặt tôi khi ấy chắc hẳn là rất tệ, cho nên khi vừa nhìn thấy tôi, chị Kimberly đã có vẻ rất lo lắng. Chị ngồi xuống bên cạnh tôi, đặt tay lên vai tôi, cố gắng để không khiến tôi thêm hoang mang, chị hỏi:
“Có chuyện gì xảy ra với em vậy?”
Tôi biết, khi hỏi tôi điều đó, tất cả những gì chị ấy mong muốn là tôi sẽ giải tỏa toàn bộ những cảm xúc tiêu cực sau từng ấy thời gian im hơi lặng tiếng, không chủ động liên lạc với gia đình và cũng không có bất cứ động thái nào liên quan đến các dự định công việc trong tương lai. Cả gia đình tôi đều khuyên tôi nếu cảm thấy tệ thì cứ khóc, cứ la hét, giận dữ, hay thậm chí cứ làm một vài chuyện điên rồ miễn là không nguy hiểm, để phần nào đem những ấm ức, phẫn nộ tống ra bên ngoài, thay vì cố gắng kiềm chế cảm xúc và nói với mọi người rằng bản thân vẫn ổn, thay vì giả vờ đóng vai một cô gái cứng cỏi, không bao giờ rơi lệ, cũng không bao giờ để những thương tổn trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại của mình. Kỳ thực hầu hết những ai thân thiết với tôi đều biết rõ sự thật rằng tôi có bị ảnh hưởng, hơn nữa còn bị ảnh hưởng rất nhiều. Họ biết tôi đang cảm thấy khó khăn như thế nào khi tình yêu và lòng tin bị phản bội, nhưng đồng thời cũng biết tôi sẽ không chịu thừa nhận, không chịu tìm kiếm sự giúp đỡ, vì không muốn bất cứ ai đánh giá rằng tôi là một người yếu đuối.
Nhưng rồi khoảnh khắc chị Kimberly ngồi xuống bên cạnh tôi, hỏi tôi rằng chuyện gì đã xảy ra với tôi trong buổi sáng ngày hôm đó, tôi cuối cùng cũng đã khóc. Tôi cảm thấy mình khi ấy giống hệt như một đứa trẻ sau khi bị ngã thật đau, nhìn quanh nhìn quẩn, không thấy một ai chú ý, quan tâm đến, chúng sẽ nén cơn đau mà ngồi dậy, không kêu khóc, cũng chẳng đợi ai đến dỗ dành. Thế nhưng, sau đó, nếu như có bất kỳ ai đến gần và hỏi han, an ủi chúng, chúng nhất định sẽ khóc, ban đầu là thút thít, và sau đó mỗi lúc một to dần, cho đến khi cơn đau cũ quay lại, vỡ ra thành những giọt nước mắt. Có thể lúc đó chúng mới thật sự cảm thấy đau đớn, hoặc chỉ đơn giản là chúng nhớ lại mình đã tủi thân như thế nào khi phải kìm nén cơn đau trước đây. Dù là vì lý do gì, thì tôi cho rằng sau khi khóc xong, tâm trạng của chúng sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn, trái tim chúng sẽ được xoa dịu, và chúng sẽ nhanh chóng hồi phục, nhanh chóng quên đi chúng đã từng khóc vì chuyện gì. Tôi cũng đã khóc như vậy, với chị Kimberly – người mà tôi lựa chọn tìm đến sau một thời gian dài nén đau thương chịu đựng một mình. Suy cho cùng, chúng ta dù lớn như thế nào, cũng sẽ có một khoảnh khắc nào đó khao khát bản thân được ôm lấy dỗ dành như một đứa trẻ.
Kimberly đã sống cùng tôi trong một căn phòng từ khi cả hai còn là hai cô bé, trong tiềm thức chúng tôi gắn bó với nhau như thể chị em ruột thịt. Hơn ai hết, chị ấy hiểu rằng điều khiến tôi suy sụp lúc này không hẳn chỉ là vẻ bề ngoài tiều tụy của bản thân, mà là bởi vì tôi nhận ra tôi đã lãng phí thời gian và tàn phá cơ thể của mình đến mức nào. Tôi suy sụp, bởi vì tôi không còn nhận ra dáng vẻ mà tôi từng vô cùng tự hào trước đây. Tôi suy sụp, bởi vì tôi cảm thấy tôi gần như đang dần trở thành kiểu người mà mình từng vô cùng ghét bỏ trong quá khứ. Tất cả những hoang mang, hụt hẫng và nỗi thất vọng đã khiến một cô gái vốn đang đứng chơi vơi nơi miệng vực như tôi, phút chốc chao đảo, rồi ngả xuống, vỡ tan thành từng mảnh.
Chị Kimberly là người đã ngồi xuống, kiên nhẫn nhặt nhạnh lại từng mảnh vỡ ấy cho tôi. Chị đã không phán xét, không khuyên nhủ, cũng không nói những lời động viên mạnh mẽ mà tôi đã nghe đến quen tai. Chị chỉ đơn giản là để tôi được khóc. Tôi còn nhớ ngày hôm ấy, tôi đã khóc đến không thể dừng lại được. Hai tay tôi bám vào hai bên vai chị Kimberly, mặt tôi cúi gầm xuống, những tiếng nấc ban đầu chỉ là những âm thanh nhỏ xíu rời rạc, sau đó mỗi lúc một lớn hơn. Chị đặt bàn tay mềm mại của mình lên lưng tôi, vỗ nhè nhẹ như cái cách chị vẫn dỗ dành tôi khi còn bé. Sự nhẹ nhàng đó khiến tôi khóc nức nở, nhưng chỉ nửa giờ sau, tôi đã hoàn toàn dừng lại được.
Bằng cách nào ư? Tôi cũng không biết. Nó chỉ đơn giản là tôi đã dừng lại thôi. Chỉ đơn giản là, giữa lúc đang thổn thức vì hàng trăm nỗi đau đớn dồn nén không nói thành lời, tôi đã cảm thấy lồng ngực mình không còn trĩu nặng như lúc đầu, tim tôi đã thôi không còn nhói đau khi nhớ lại dáng vẻ của bản thân ban nãy khi soi vào trong gương, và đầu tôi cũng không còn dày đặc những oán than, trách móc. Tôi ngừng khóc, cả tôi và chị Kimberly đều im lặng tận hưởng bầu không khí yên bình lan tỏa trong căn phòng. Tôi thấy hoàn toàn nhẹ nhõm, cảm giác thanh thản hiếm hoi mà tôi có được kể từ sau khi biến cố xảy ra.
ĐỪNG XEM THƯỜNG CÔNG DỤNG CỦA MỘT CHIẾC ÔM
Có thể bạn đang nghĩ rằng, trong câu chuyện của tôi, tôi hóa ra cũng chẳng phải một người mạnh mẽ, cứng cỏi như tôi vẫn thường tỏ ra, điều đó đối với tôi thật sự không sao cả. Tôi hay bạn, chúng ta đều chỉ là những con người rất bình thường, với những khoảnh khắc mệt mỏi, yếu đuối, những lúc tâm trạng cảm thấy tồi tệ, thất vọng vào bản thân, thất vọng về cuộc sống, hay nặng hơn nữa, là những cơn trầm cảm kéo dài, chúng ta cần biết bao một người ngồi xuống bên cạnh, không phải để nói những lời sẻ chia hoa mỹ, mà chỉ đơn giản là lẳng lặng ôm lấy chúng ta. Trong trường hợp của tôi, đó là người chị gái mà tôi vô cùng tin cậy, trường hợp của bạn, đó có thể là cha mẹ, là một người bạn thân thuở hàn vi, là người bạn đời, là cô con gái hay cậu con trai bé bỏng, hoặc thậm chí là chú cún đáng yêu bạn đang chăm sóc. Hãy dang tay ôm lấy họ, và để họ dang tay ôm bạn vào lòng.
Có thể vấn đề của bạn không thể được giải quyết chỉ bằng một cái ôm; có thể bạn vẫn không thể thay đổi sự thật rằng bạn đã mất đi tình yêu, mất đi tiền bạc, mất đi những thứ đã từng cực kỳ quan trọng trong cuộc đời bạn; có thể bạn không thể lấy lại được khoảng thời gian mà bạn đã mất đi cho việc trốn tránh sự thật, than thở và dằn vặt bản thân, tuy nhiên, một cái ôm lại có khả năng trở thành liều thuốc an thần, giúp lòng bạn bình yên trở lại sau rất nhiều sóng gió mà bạn đã trải qua.
Cô bạn Amber của tôi – người đã từng là một trong số các nữ sinh xuất sắc nhất tại trường đại học của tôi ngày xưa – cũng đã từng trải qua khoảng thời gian đắm chìm trong ảo não sau ba lần khởi nghiệp thất bại. Cô kể lại rằng, suốt bốn tháng liền, cô gần như chẳng làm được bất cứ điều gì khác ngoài việc nằm cuộn mình trên giường, đọc những trang tạp chí vô nghĩa và gọi thức ăn nhanh giao tận nơi. Cô cảm thấy bản thân không phù hợp với những công việc quy mô lớn, không có tố chất lãnh đạo, cảm thấy bản thân bất tài, cảm thấy bản thân vĩnh viễn sẽ chỉ dậm chân ở một chỗ như thế này. Amber không muốn khởi nghiệp nữa. Ngày ngày cô sống nhờ vào khoản tiết kiệm trong ngân hàng. Mỗi khi một ý tưởng nào đó vụt qua, cô không còn hào hứng muốn thử nghiệm nữa mà để nó trôi tuột đi. Nỗi ám ảnh rằng mình sẽ tiếp tục thất bại luôn đeo đuổi cô, ngăn không cho cô triển khai thêm bất kỳ kế hoạch nào xuất hiện trong tâm trí mình nữa.
Amber tâm sự với tôi:
“Tớ đã tự nhủ, một ngày nào đó, sau khi đã chán việc ẩn nấp trong phòng rồi, tớ rốt cuộc cũng phải bước ra ngoài và làm việc để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhưng có lẽ đó chỉ là một công việc làm công ăn lương mà thôi, tớ không dám nghĩ đến chuyện khởi nghiệp thêm lần nào nữa. Ba lần, mỗi một lần thất bại lại là một vết thương ghim vào sự kiêu hãnh và tự tin của tớ, sâu đến mức tạo thành một cái lỗ trống hoác, ngăn tớ can đảm chạy theo niềm đam mê của mình.
Rồi sau đó, Cathy – một người bạn từ thời sinh viên của tớ – từ bang Kentucky trở về thăm cha mẹ cô ấy, họ ở ngay cạnh nhà tớ. Trên đường về, cô ấy có ghé sang nhà tớ, mang theo cô mèo béo Chloe lông trắng mà cô yêu thích nhất. Cả ngày hôm đó, bọn tớ ngồi trong căn phòng của tớ, ăn bánh quy dừa, uống trà xanh và ôm ấp vuốt ve mèo Chloe cả ngày. Tớ nghĩ rằng thông qua những người bạn cũ, Cathy cũng đã ít nhiều nghe về tình hình gần đây của tớ, về việc tớ khởi nghiệp thất bại rất nhiều lần và hiện tại chỉ đang hèn nhát trốn tránh ngày này qua tháng nọ chứ vẫn chưa có kế hoạch bắt đầu lại từ đầu. Dù vậy, cô ấy không hỏi tớ bất cứ điều gì cả, cũng không cho tớ bất cứ một đề xuất hay ý kiến gì về hướng đi mà cô ấy nghĩ rằng tớ nên cân nhắc trong tương lai.
Chỉ là, đột nhiên, trước khi tạm biệt tớ để rời đi, Cathy đột nhiên ôm chầm lấy tớ. Vẫn không nói gì, cô ấy chỉ ôm tớ thôi. Nhưng cái ôm đó ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Cô ấy vỗ nhẹ vai tớ như muốn trấn an tớ rằng, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, và rằng cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, cô ấy vẫn sẽ dõi theo tớ, vẫn dành cho tớ những lời động viên thầm lặng, không ồn ào hoa mỹ, nhưng đó chính là những lời động viên chân thành nhất. Có thể người khác sẽ chẳng tin được đâu, nhưng cái ôm đó đã trở thành sức mạnh cho tớ, nâng tớ dậy một lần nữa, bắt đầu lại một lần nữa. Bởi vì khoảnh khắc nhận cái ôm của Cathy, thế giới tăm tối và tuyệt vọng của tớ bỗng le lói một chút ánh sáng, tớ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, cảm thấy những vấp ngã trong quá khứ, kỳ thực cũng không phải là trải nghiệm quá tồi tệ, cảm thấy tớ còn rất trẻ và hoàn toàn có thể làm lại từ đầu.”
Một cái ôm thôi, chẳng lẽ lại có quyền năng mạnh mẽ đến thế sao?
Thật sự là thế. Tôi chắc chắn rằng cô bạn Amber của tôi không phải trường hợp duy nhất được chữa lành bởi một cái ôm đúng vào thời điểm cô ấy cần nhất. Cuộc sống này tuy thường bị lên án là tàn nhẫn, khắc nghiệt và đầy mệt mỏi, nhưng ẩn chứa đâu đó vẫn là những ân cần, yêu thương mà chúng ta muốn dành tặng cho nhau, và muốn mở lòng đón nhận. Một cái ôm có thể không giúp bạn giải quyết vấn đề, nhưng nó có thể cho bạn động lực để giải quyết vấn đề. Một cái ôm có thể không bảo vệ được bạn khỏi những sóng gió bủa vây, những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, nhưng một cái ôm lại cho bạn điểm tựa để cho dù bạn có bị quật ngã bao nhiêu lần đi nữa, vẫn có thể đứng dậy, giống như một chiến binh, dũng cảm đối mặt, dũng cảm bước qua thử thách.
Bạn vẫn chưa tin? Hãy thử đến ôm một người mà bạn đang muốn gặp ngay lúc này đi?
TÌM KIẾM NIỀM VUI TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ
Chị Kimberly hỏi tôi: “Hiện tại, điều em muốn làm nhất là gì?”
Tôi đã trả lời: “Em không biết, em chẳng muốn làm gì bây giờ cả.”
Chị Kimberly tiếp tục gợi ý: “Em đã thử tìm lại hứng thú từ những hoạt động mà em từng vô cùng yêu thích chưa?”
Tôi đáp: “Đến cả thử em cũng không muốn thử.”
Bây giờ đây, khi hồi tưởng và viết lại đoạn đối thoại này, tôi thậm chí đã nghĩ chị Kimberly thật sự là một người phụ nữ đầy kiên nhẫn vì thời điểm đó đã không hề tỏ ra chán nản hay mệt mỏi với một người đang đắm chìm trong cảm giác tiêu cực như tôi. Chị Kimberly đã khuyên tôi ra khỏi phòng, tìm kiếm một vài hoạt động – quen thuộc hoặc mới lạ – để thoát khỏi tình trạng ủ rũ, cũng là để khôi phục lại nguồn năng lượng tích cực mà tôi đã để mất đi trong suốt khoảng thời gian qua. Thế nhưng, tại thời điểm đó, tôi gần như hoàn toàn chắc chắn rằng không ai có thể kéo tôi ra khỏi nhà, cũng không có bất kỳ hoạt động nào đủ sức hấp dẫn để giải thoát tôi khỏi tình trạng nặng nề mệt mỏi kéo dài.
Tôi đã từng là một cô gái có vô vàn thú vui khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng. Tôi thích đọc sách, thích yoga, thích nghiên cứu thị trường tài chính, thích xem những đoạn phim hay về các nhân vật nổi tiếng, thích sáng tạo các loại sơ đồ, danh sách, bảng biểu thành các hình vẽ sinh động và thú vị hơn,… Tôi đã từng là một cô gái khát khao du lịch trải nghiệm, khát khao chinh phục những vùng đất mới. Tôi đã từng là một cô gái ngọt ngào, yêu luôn mong muốn quay trở về ngôi nhà thơ ấu sum họp với cha mẹ và em trai, để cùng nhau quay quần dùng bữa, cùng nhau hàn huyên những câu chuyện từ thời xa xưa, cập nhật về tình hình hiện tại của bản thân với các thành viên còn lại. Mỗi lần như thế, tôi đều sẽ tự tay mình làm một điều gì đó bất ngờ để tặng cho mọi người. Có khi là một bình hoa tự cắm, có khi là vài cuốn lịch in hình ảnh các thành viên trong gia đình, có khi là một món ăn nhẹ tự nấu. Toàn bộ đều được tôi dụng tâm trau chuốt tỉ mỉ và chỉnh chu. Tôi chính là kiểu người như vậy, chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc bản thân uể oải và sa sút đến nỗi mất đi tất cả động lực và hứng thú với mọi hoạt động thế này – kể cả khi đó là các hoạt động đã từng khiến tôi vô cùng vui vẻ.
Tôi nghĩ rằng trong tất cả chúng ta, hẳn ai cũng đã từng trải qua những ngày bi thảm. Chúng ta không còn năng lượng, không còn sức sống, không còn muốn theo đuổi bất cứ niềm đam mê nào. Điều này xảy ra với mọi người, bất phân giới tính, độ tuổi hay nghề nghiệp. Chỉ cần một cú sốc bất ngờ, một hoặc một vài chuyện không vui, một biến cố lớn, hoặc đôi khi, một căn bệnh tâm lý, cũng đủ quật ngã tất cả mọi người, bất luận người đó từng nghĩ bản thân mạnh mẽ, cứng cỏi đến đâu.
Những lúc cảm thấy chán chường tuyệt vọng như thế, bạn sẽ làm gì?
Tôi không thể khuyên bạn, hãy cố gắng đứng dậy đi, hãy cố gắng chơi một môn thể thao, học một ngoại ngữ mới, đọc sách hay nghe những bản nhạc bạn từng thích để lấy lại tinh thần, hơn ai hết, tôi hiểu rõ điều đó không dễ dàng như cách chúng ta khuyên nhủ người khác. Trạng thái chán chường, mệt mỏi sẽ giành chiến thắng trong việc kéo ghì cả thể chất lẫn tinh thần của chúng ta xuống, thuyết phục chúng ta nhanh chóng từ bỏ thế giới sôi động và tràn đầy những điều tích cực đón đợi ở phía trước.
Tôi đã bắt đầu bước những bước đầu tiên lên khỏi vũng bùn bằng cách đơn giản nhất mà tôi có thể làm khi ấy, đó chính là mở cửa sổ. Phải, bạn không nhìn nhầm đâu, tôi chỉ đứng lên, tiến đến kéo tấm rèm cửa màu xám và mở tung hai cánh cửa sổ, để những ánh nắng ùa vào căn phòng ngủ bấy lâu đóng kín của mình. Tôi nghe thấy những thanh âm trên đường phố vào buổi sớm, tôi ngửi được mùi hương của cỏ cây hòa lẫn vào trong gió, tôi cảm nhận được từng tia nắng mơn man trên làn da, trên mái tóc, hong khô những áng mây mù ướt át trong tâm hồn tôi. Tôi hít vào một hơi thật sâu, căng tràn lồng ngực, rồi bất giác mỉm cười: Ồ, hóa ra thế giới vẫn tươi đẹp như vậy kể cả khi tôi có buồn bã thế nào. Vậy thì tại sao tôi lại phải tiếp tục buồn bã?
Đôi khi, chỉ một hành động đơn giản như đứng lên khỏi giường và kéo rèm cửa sổ cũng có thể khiến tâm trạng của bạn được cải thiện đáng kể. Đừng xem thường sức mạnh của những điều nhỏ nhoi vẫn thường xuất hiện xung quanh bạn: một cốc cà phê được pha vừa miệng, một chiếc bánh mật ong được tặng kèm từ cửa hàng quen, một bản nhạc yêu thích tình cờ được phát trên radio, mùi hương món ăn mà bạn từng vô cùng yêu thích thời thơ ấu, tìm thấy một món đồ tưởng đã mất từ rất lâu, phát hiện một chiếc mầm non mới nhú trong vườn hay một chú chim bay lạc vào ban công nhà mình. Tất cả những thứ tưởng chừng rất đỗi bình thường – bình thường đến mức chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua – ấy, lại có thể trở thành nguồn động viên, an ủi chúng ta, giúp chúng ta cảm thấy cuộc sống vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp, luôn ở đó để chúng ta tận hưởng mỗi ngày.
Cô bạn Clare – một học viên học cùng lớp Photoshop mà tôi từng theo học – kể lại rằng cô cũng đã từng phải liên tục dùng thuốc điều trị vì chứng Rối loạn lo âu. Cô kể lại rằng, cô đã sống cùng chứng rối loạn này hơn bảy năm, kể từ khi mẹ cô trở nên tàn tật sau một tai nạn giao thông. Clare nhận ra rằng bản thân thường xuyên trải qua cảm giác lo lắng kéo dài mà đôi khi chẳng có nguyên nhân nào cho những nỗi lo lắng đó cả. Cô rất dễ bị chóng mặt, choáng váng, run rẩy và hoảng sợ trước những tình huống ngoài ý muốn – thậm chí những tình huống ấy còn chưa xảy ra, chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng cũng có thể làm cô hoang mang thật sự.
Rối loạn lo âu bản thân nó là một trong những chứng rối loạn tâm lý và cảm xúc, là một loại bệnh lý khiến người mắc phải luôn thường trực suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí. Trong trường hợp của Clare, cô ấy nói rằng cô không biết liệu rằng bởi vì mắc phải Rối loạn lo âu mà những suy nghĩ tiêu cực không ngừng ập đến, hay ngược lại, là do cô lúc nào cũng suy nghĩ tiêu cực, cho nên mới mắc phải căn bệnh này. Chỉ biết rằng, từ khi sống cùng với nó, mỗi ngày của cô luôn trôi qua trong căng thẳng, u ám và mệt mỏi, kể cả trong những tình huống bình thường như kỳ thi cuối khóa bình thường hay những sự kiện quan trọng hơn như một buổi hẹn phỏng vấn với nhà tuyển dụng cũng đều làm cô phát ốm. Tình trạng này kéo dài gây cản trở lên mọi mặt trong cuộc sống của Clare, từ sinh hoạt, công việc cho đến các mối quan hệ. Ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, cô đã quyết định đến gặp bác sĩ tâm lý, hy vọng sẽ nhận được một khóa trị liệu phù hợp để chấm dứt khoảng thời gian sống trong thường trực bất an và lo lắng.
Clare chia sẻ:
“Cùng với loại thuốc điều chỉnh rối loạn lo âu loại nhẹ, vị bác sĩ tâm lý ấy không hề gợi ý cho tớ bất cứ khóa trị liệu nội trú nào. Ông ấy nói với tớ, trước hết, điều tớ cần làm là tự mình tập luyện, học cách quan sát và nhìn nhận những điều tốt đẹp ở tất cả mọi người, mọi vật, mọi sự việc nhỏ bé nhất, giản đơn nhất – đây là điều mà không có nơi nào hướng dẫn chúng ta được, tự bản thân chúng ta phải mỗi ngày tập luyện với nó.
Bản thân Rối loạn lo âu là một loại bệnh tâm lý, tuy nhiên, trường hợp của tớ không phải là trường hợp quá nghiêm trọng. Chẳng qua tớ bị ám ảnh bởi những tai nạn có thể xảy ra, những hiểm họa khó lường, những chuyện xấu có thể đến bất ngờ mà không hề có dấu hiệu báo trước để tớ kịp chuẩn bị. Điều này dẫn đến mỗi khi đối mặt với bất cứ chuyện gì, tâm trí của tớ cũng sẽ sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất, cho hậu quả mà tớ có khả năng phải gánh chịu. Mọi thứ đều làm tớ lo lắng và sợ hãi.
Để loại bỏ cảm giác ấy, việc đầu tiên tớ phải làm chính là tránh xa những suy nghĩ tiêu cực ập đến trước mỗi tình huống trong cuộc sống. Thay vào đó, tớ cần tập trung vào nhiều chi tiết bé nhỏ và tốt đẹp mà tớ nhìn thấy trên đường đi. Ví dụ như, trước khi thuyết trình, thay vì lo lắng bản thân sẽ làm không tốt, sẽ nói lắp hoặc không nhớ bài, tớ sẽ nghĩ đến khoảng thời gian chuẩn bị bài thuyết trình đã được bạn bè ủng hộ như thế nào; tớ sẽ tập trung vào không gian quán cà phê sinh viên nơi tớ ngồi chuẩn bị bài ngày hôm ấy đã tình cờ phát một bản nhạc mà tớ vô cùng yêu thích, những thứ nhỏ nhặt như thế mà lại phát huy tác dụng rất tốt. Khi tớ bắt đầu tìm thấy vẻ đẹp giản đơn ở dọc hành trình, tớ không còn quá căng thẳng về việc kết quả có thể sẽ không như ý mình, cũng không còn sợ hãi đến run rẩy trước các rủi ro xuất hiện trong tâm trí nữa.
Bác sĩ của tớ nói đúng, đây là điều không một nơi nào có thể hỗ trợ tớ được, tớ chỉ có thể tự mình tập luyện hằng ngày, bằng cách tập trung quan sát vào chi tiết của sự việc, để tâm vào quá trình hơn là lo lắng cho kết quả, và nghĩ mọi thứ theo hướng tích cực nhiều hơn. Sau một thời gian, chứng Rối loạn âu lo của tớ dần bị đẩy lùi.
Rõ ràng nhất là, trong một lần biểu diễn ca hát gây quỹ cho các trẻ em mồ côi. Ngày hôm ấy, việc đứng trước đám đông bỗng nhiên không còn làm tớ bối rối, sợ hãi đến mức muốn trốn chạy nữa. Tớ tập trung nghĩ đến ý nghĩa của buổi biểu diễn này, đến những gương mặt trẻ em sáng bừng lên khi nhìn tớ tập hát vì các em ấy, cứ như vậy, tớ không còn tự hỏi liệu mình có hát sai không, liệu những điều tớ làm có lố bịch không, hay liệu mọi người có chế giễu tớ sau buổi biểu diễn này hay không. Điều quan trọng nhất là tớ đã làm hết sức mình, vậy là đủ rồi.”
Tôi ước giá như tất cả chúng ta đều có thể tự mình luyện tập mỗi ngày nhìn cuộc sống bằng đôi mắt giản đơn, không lo âu sợ hãi, giống như cách mà Clare đã làm và vẫn đang làm hiện tại. Lúc bắt đầu chắc chắn rất khó khăn, bạn có thể nghĩ rằng bản thân không thể vượt qua được sự tiêu cực và lo lắng, hoặc nghĩ rằng những thứ xung quanh bạn chẳng có gì tốt đẹp để bạn tận hưởng cả. Bởi vì lường trước được điều này, thế nên tôi đã nhờ Clare viết lại những gì mà cô ấy đã áp dụng trong việc tìm kiếm và nhìn nhận những điều tốt đẹp giản đơn, nhỏ bé ở xung quanh để gạt đi âu lo, sợ hãi, để giải phóng năng lượng tiêu cực và tận hưởng cuộc sống một cách trọng vẹn hơn.
• Chủ động tìm kiếm và tạo ra khung cảnh mà bạn yêu thích
Thông thường, chúng ta có xu hướng thưởng thức những thứ có sẵn, những thứ được người khác bài trí ở đó để bất cứ ai cũng có thể nhìn ngắm. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ thử chủ động tạo ra một vài phong cảnh mà chính bạn yêu thích để tự mình chiêm ngưỡng chúng hay chưa? Cảm giác đó cũng rất tuyệt. Hãy thử tưởng tượng bạn khó có cơ hội nhìn thấy những bông hoa thược dược ở khu vực bạn đang sống, bạn không tìm thấy nhà hàng hay quán cà phê nào có loại hoa này, và bạn biết mỗi khi ngắm nhìn chúng, tâm hồn bạn sẽ trở nên thư thái, yên bình hơn. Vậy tại sao bạn không thử tự trồng lấy chúng? Bạn hoàn toàn có thể thử trồng loại hoa mình yêu thích tại nhà, đặt trên bàn làm việc ở công ty, hoặc nếu nơi bạn đang sống là nhà thuê và có những hạn chế về cây trồng, vật nuôi, bạn có thể đặt chúng ở nhà cha mẹ của bạn – nơi bạn đã sinh ra, đã gắn bó cả tuổi thơ, đã có những ký ức tốt đẹp. Bạn xin phép cha mẹ đặt chúng ở đó và đến thăm định kỳ vào mỗi cuối tuần hoặc cuối tháng. Họ sẽ giúp bạn chăm sóc chúng, giữ gìn chúng, để bạn trở về, bạn sẽ nhìn thấy chúng và cảm nhận được bình yên của mình ở gần ngay bên cạnh.
Clare có một người anh trai – Craig – là một người yêu cà phê và thích những không gian ấm cúng, yên tĩnh cùng những bản nhạc lãng mạn được phát trên đĩa than. Thời niên thiếu, sau giờ học, anh thường ôm sách vở ra ngoài lang thang tìm kiếm một quán cà phê, ngồi ở đó học bài đến tận khi quán đóng cửa mới quay về. Sau này khi đã chuyển đến Massachusetts làm việc, Craig không tìm thấy một quán cà phê nào tương tự tại nơi ở mới. Những quán cà phê không gian ấm cúng thì lại không có thức ăn nhẹ để ăn kèm, quán phục vụ món ngon thì lại quá đông và không có âm nhạc cổ điển. Cuối cùng Craig đành phải chấp nhận hoàn cảnh và tập từ bỏ sở thích này, tự nhủ rằng dù sao thì hiện tại anh ấy cũng không còn thảnh thơi như khi còn đi học nữa, công việc bận rộn cùng nhiều trách nhiệm, áp lực khác nhau không cho phép anh dành hàng giờ chỉ để nghe nhạc và ngắm nhìn thành phố.
Sau đó, có một thời gian, Craig phải cùng lúc đối mặt với rất nhiều áp lực. Đầu tiên là việc thăng chức tại công ty nơi anh đang làm việc. Qua hai năm theo dõi sự nỗ lực và khả năng của anh, ban lãnh đạo quyết định tăng lương và cất nhắc anh lên một vị trí mới. Đây quả nhiên là một chuyện đáng mừng. Tuy nhiên, đi kèm theo quyền lợi, tất nhiên luôn có những trách nhiệm. Giữ vị trí cao hơn đồng nghĩa với việc Craig phải đảm nhận nhiều công việc hơn, đòi hỏi chất lượng và năng suất cao hơn, chưa kể anh còn phải hướng dẫn những người mới, trở thành một tấm gương cấp trên gương mẫu để mọi người phấn đấu theo. Mỗi ngày Craig đều làm việc rất muộn, trở về nhà chỉ muốn nằm trên giường ngủ, thời gian giải trí ít ỏi gần như bị cắt giảm, thậm chí cuối tuần chẳng thể hẹn hò với bạn gái hay gặp gỡ bạn bè. Lần gần đây nhất Clare đến thăm Craig, anh nói với cô rằng anh lo lắng bạn gái của anh cảm thấy anh không ưu tiên cho mối quan hệ này và nó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc cô muốn nói chia tay.
Craig đã quyết định thay đổi không gian trong nhà. Nếu như không thể tìm được quán cà phê với không gian tĩnh lặng và nhạc cổ điển mà anh từng yêu thích, vậy anh sẽ tự tạo ra không gian đó cho riêng mình. Chữa lành tâm trí trong trường hợp của Craig, chính là chủ động xây dựng, bài trí căn phòng vốn chật chội và khiến anh cảm thấy tù túng, thành một nơi anh có thể thư giãn sau khi từ công ty trở về. Anh dùng tiền tiết kiệm mua một chiếc máy nghe nhạc đĩa than, sưu tầm những đĩa nhạc cổ điển quen thuộc từ quán cà phê nơi anh từng sống. Anh đặt một chậu xương rồng nhỏ xíu trên bàn làm việc và tự mua một bộ cốc uống cà phê thật đẹp.
Một vài người bạn của anh cho rằng anh đang lãng phí tiền bạc vào những thứ xa xỉ, ai cũng biết giá một chiếc máy nghe nhạc đĩa than là vô cùng đắt đỏ, chưa kể đến chi phí sưu tầm những chiếc đĩa than cũng đắt đỏ không kém. Nhưng chỉ có những người trong cuộc mới hiểu ý nghĩa của việc đầu tư cho sở thích cá nhân là lớn lao đến thế nào, và tôi cho rằng Craig không hề lãng phí. Anh chỉ đang dùng tiền mình kiếm được phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho tâm trí của anh mà thôi. Việc ngồi trước khung cửa sổ, uống cà phê nóng, nghe nhạc đĩa than và nhìn ngắm thành phố dần về đêm khiến anh thấy thoải mái, hạnh phúc, vậy tại sao anh lại không thể đầu tư vào niềm hạnh phúc này? Craig kể lại rằng, anh thậm chí đã làm việc hiệu quả hơn sau khi đưa ra quyết định sắp xếp lại căn phòng theo phong cách bản thân yêu thích. Cảm hứng làm việc cùng khả năng sáng tạo của anh rõ ràng đã tăng lên đáng kể, anh làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày mà không cần quá vất vả nữa. Nhờ vậy, thời gian anh dành để vun đắp cho mối quan hệ với bạn gái đã nhiều hơn. Từng chút một, cuộc sống của Craig được cải thiện.
Tôi muốn kể lại câu chuyện của Craig như một minh chứng rõ ràng của việc tự tạo ra không gian thoải mái nhất cho riêng mình. Ở trong không gian đó, chúng ta có thể giải phóng những năng lượng tiêu cực ra khỏi tâm trí, có thể tập trung tư duy, thỏa sức sáng tạo, hay chỉ đơn giản là cho phép bản thân được thả hồn vào thế giới của riêng mình, hồi tưởng về miền ấu thơ, hay tưởng tượng về một thế giới kỳ diệu vô thực, tìm về một chút bình yên giữa bộn bề cuộc sống. Có đôi lúc, điều chúng ta cần là tạm cất đi những quy tắc thành công, những bài toán tài chính, những khẩu hiệu hô hào kêu gọi người trẻ nên làm việc chăm chỉ,… chúng ta không hoàn toàn phủ nhận chúng, chúng ta chỉ đang tạm đặt chúng xuống, để tận hưởng một vài khoảnh khắc nhẹ nhàng thư thái hiếm hoi. Khi chúng ta chủ động tìm đến những điều mà bản thân yêu thích thay vì chờ đợi chúng xuất hiện một cách tình cờ trên đường đời, chúng ta sẽ học được cách chủ động tìm kiếm và kiến tạo hạnh phúc cho bản thân. Đồng thời, bởi vì đó là những thứ chúng ta tự mình xây dựng, chúng ta cũng sẽ biết cách gìn giữ và trân trọng chúng, biết cách làm cho chúng tồn tại vững bền trong cuộc đời, để sau mỗi sóng gió bên ngoài, chúng ta có thể quay về tìm lại một khoảng bình yên của riêng mình – nơi chúng ta có thể bình thản và an nhiên.
• Tìm kiếm sự liên kết
Thật tốt khi hiểu rõ đâu là thứ bản thân yêu thích, đâu là thứ có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho bản thân mỗi khi nhìn thấy, bởi tất cả những gì bạn cần làm là chủ động tìm kiếm và tạo ra chúng. Tuy nhiên, tôi biết không phải bất cứ ai cũng chắc chắn đâu là sở thích thật sự của mình, hay tiêu chuẩn mà họ đặt ra cho một không gian yên bình, thư giãn là như thế nào, và bản thân phải làm gì để tìm kiếm và tạo ra một không gian như thế.
Đối với trường hợp đó, bạn hãy nghĩ đến những thứ có mối liên hệ mật thiết với bạn. Đó có thể là một trò chơi mà bạn từng rất thích khi còn bé, một môn thể thao bạn giỏi nhất, một lĩnh vực mà bạn học tốt khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc thậm chí là một chương trình giải trí mà bạn thường xem khi rảnh rỗi. Kinh nghiệm của Clare là, không nên xem thường các chi tiết nhỏ, bởi chúng có thể dẫn đến những điều bạn không thể ngờ.
Clare kể cho tôi nghe về Peggy – một trong những người bạn thân của cô – từng là kiểu người thường trực vẻ mặt sầu não chán chường và không có khái niệm đam mê hay yêu thích bất cứ thứ gì trong cuộc đời mình. Từ khi còn đi học, việc chọn trường, chọn chuyên ngành đại học, chọn ngôn ngữ thứ hai, thứ ba, sắp xếp lộ trình học tập, cho đến mãi sau này, ngay cả vào công ty nào để làm việc, đàm phán mức lương bao nhiêu là phù hợp, mấy năm thì nên thay đổi công việc khác và nên thay đổi sang công ty nào, tất cả đều do cha mẹ cô lên kế hoạch giúp. Cũng có một vài lần, Peggy nghĩ đến chuyện thoát ra khỏi sự bảo bọc quá mức của gia đình, nhưng rồi cuối cùng cô lại từ bỏ, vì một lý do gì đó, như sự sợ hãi thế giới đầy cạm bẫy và phức tạp ngoài kia, như sự tự ti bản thân không đủ tài giỏi, không đủ bản lĩnh, không đủ khả năng để đứng một mình. So với cảm giác phụ thuộc vào quyết định của cha mẹ, cô càng sợ cảm giác hoang mang, lạc lối, không biết nên đi con đường nào, không biết lựa chọn nào mới phù hợp. Cô không đủ can đảm để chịu trách nhiệm hoàn toàn cuộc sống của mình, vì thế quyết định phó mặc cho gia đình thay mình vạch ra lộ trình mà họ muốn và cho là đúng đắn.
Ở trong tâm thế luôn luôn phụ thuộc về mặt tinh thần vào cha mẹ, Peggy trở nên thụ động với những biến cố xảy đến không như ý mình. Cụ thể là vào thời điểm 25 tuổi. Khi ấy, Peggy đã đi làm được ba năm, có được một hình ảnh và vị trí nhất định tại công ty, nhưng chưa từng có một khoảnh khắc nào trong suốt ba năm ấy, cô cảm thấy phấn khởi và vui vẻ khi đến công ty làm việc. Không có động lực rời khỏi giường buổi sáng, ngồi ở chiếc bàn làm việc với đôi mắt vô hồn và đầu óc trống rỗng, buổi chiều chỉ muốn sớm về nhà đi ngủ. Mỗi khi ngồi vào bàn ăn cùng cha mẹ và được họ hỏi về tình hình công việc, cô đều cho những câu trả lời qua loa không rõ ràng. Không phải bởi vì công việc quá nhiều hay quá nặng nhọc, mà bởi vì Peggy không có chút cảm giác nào với công việc đó cả.
“Vậy đâu mới là công việc cậu thích?” Clare hỏi Peggy.
“Tớ không biết.” Peggy đáp. “Cha mẹ tớ nói, hướng đi hiện tại của tớ đang rất ổn, không dễ gì tìm được một công việc ổn định với mức lương cao như thế. Tớ nên biết trân trọng những gì mình đang có thay vì đòi hỏi thứ gọi là công việc yêu thích mà tớ thậm chí còn chẳng biết là gì.”
“Nhưng rõ ràng như vậy là không đúng.” Clare phản bác. “Cậu có biết hiện tại cậu giống hệt như con chuột hamster chạy bên trong cái bánh xe đồ chơi vậy. Cậu cứ chạy mãi, chạy mãi, tưởng là đã chạy được một đoạn rất xa, nhưng thực chất là chỉ đứng yên một chỗ, không có mục tiêu phấn đấu, cũng không thể quay đầu lại được.”
Clare nói, Peggy nhất định phải thay đổi, trước khi vòng lặp vô vị ấy giết chết cô bạn từng ngày.
Để thay đổi một điều đã trở thành quy luật không phải là chuyện có thể thực hiện một sớm một chiều. Không thể đòi hỏi trong vài ngày mà Peggy phải đưa ra quyết định thôi việc, đi tìm một công việc mới mà bản thân yêu thích, rồi làm quen với công việc mới ấy, trở thành một con người hoàn toàn khác, chủ động và tự tin. Đây là điều bất khả thi. Trước hết, Peggy cần biết được đâu là những thứ khiến cô vui vẻ, thoải mái hoặc tràn đầy cảm hứng. Ngoài ra, cô còn cần thời gian để gắn bó với chúng, sống cùng chúng, để chúng tham gia vào sinh hoạt hằng ngày của cô, trở thành thói quen, sau đó là một phần cuộc đời cô.
Vấn đề nan giải nhất Peggy phải đối mặt là, cô đã sống quá lâu với sự sắp đặt của cha mẹ, họ là người gợi ý, chỉ định và quyết định cô nên làm gì, phải làm gì và làm như thế nào suốt nhiều năm qua. Cô đã quên mất cách để tìm kiếm niềm vui thật sự cho chính mình. Tiêu chuẩn của cha mẹ cô từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn cho bản thân cô. Cô không biết bản thân thích gì, mong muốn làm công việc gì và thu nhập bao nhiêu đối với cô là đủ.
Hành trình tìm kiếm của Peggy bắt đầu từ việc kết nối với những điều thân thuộc và gần gũi nhất. Clare cùng cô bạn của mình hồi tưởng lại những niềm vui cá nhân của cô – những niềm vui không chịu sự ảnh hưởng hoặc tác động từ phía cha mẹ. Chẳng hạn như, khi còn bé Peggy thường tự dành dụm tiền tiêu vặt của mình để mua những chiếc bút chì màu và tranh tô màu in hình những cô công chúa nhỏ. Sau giờ học và sau khi hoàn thành hết bài tập về nhà, cô sẽ mang những bức tranh ấy ra, say mê sáng tạo. Sau này, khi lớn hơn, vì bận rộn học tập, cô đã thôi không còn duy trì nữa, cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tô vẽ khi đã đến tuổi đi làm, bởi chẳng có ai lại xem trò chơi thuở bé ấy là tiền đề để phát triển sự nghiệp cả. Tuy nhiên, như đã nói trước đó, Peggy không nhất thiết phải từ bỏ tất cả những gì mình đang có để chuyển sang lĩnh vực hội họa, nhưng cô hoàn toàn có thể quay trở lại với trò chơi tô màu ngày trước, xem nó như một hoạt động giải trí nhẹ nhàng bên cạnh công việc mà cô luôn cho là vô cảm và nhàm chán.
Tương tự như Peggy, bạn cũng có thể tự tìm kiếm đâu là điều bạn thích làm bằng cách liên hệ với quá khứ, với những hoạt động bạn từng gắn bó thời thơ ấu hoặc khi còn ở quê nhà. Trong số những người bạn của tôi, sau khi được chia sẻ về gợi ý này, đã bắt đầu dần tìm thấy hoạt động yêu thích của mình. Có người bắt đầu chơi bóng rổ – môn thể thao anh ta từng chơi khi còn học cấp hai; có người thư giãn bằng cách nghiêm túc tham gia một khóa học đàn violin – nhạc cụ mà thần tượng của cô chơi rất tốt; có người dùng thời gian rảnh để sưu tầm phụ kiện cho tóc – thứ mà khi còn bé cô đã từng rất say mê; có người chỉ đơn giản là đi dạo quanh thành phố vào các buổi tối cuối tuần để chụp những tấm ảnh bầu trời bằng chiếc máy ảnh cũ mà cha của anh ta để lại.
Cách để tìm kiếm những hoạt động khiến bạn vui vẻ và thoải mái thật sự không ít, điều còn lại bạn cần làm chỉ đơn giản là thả lỏng bản thân, tự cho phép mình quay ngược thời gian một chút, tìm kiếm mối liên kết với những ký ức tươi sáng, yên bình nhất của bản thân. Nhanh thôi, bạn sẽ biết bạn đã từng vì điều gì mà hưng phấn, vì điều gì mà xúc động, vì điều gì mà hạnh phúc. Một khi đã biết rõ những câu hỏi đó, bạn cũng đã đồng thời tiến thêm một bước trên hành trình tìm kiếm chính mình.
• Chăm sóc tốt cho chính mình
Bên cạnh những yếu tố bên ngoài như không gian hay các hoạt động tạo cảm hứng tích cực, Clare đã đưa ra lời khuyên cuối cùng, cũng là lời khuyên quan trọng nhất, đó là chúng ta nhất định phải chăm sóc tốt cho chính mình.
Tại sao điều này lại quan trọng? Hầu hết các bạn trẻ tôi từng có dịp trò chuyện đều có một điểm chung là luôn bị mắc kẹt trong sự tự ngược đãi tinh thần của chính mình. Họ thi nhau chia sẻ lên tài khoản mạng xã hội cá nhân những thông điệp về việc tự yêu lấy chính mình, nhưng rồi sau đó cũng chính họ lại thức khuya đến 3 giờ sáng, ăn thức ăn nhanh đầy dầu mỡ, lười tập thể dục, không kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhìn chăm chú vào màn hình máy tính hay điện thoại di động suốt hàng giờ liền, thậm chí uống rượu bia, hút thuốc lá, dùng thuốc giảm đau không kiểm soát,... Đây đều là những hành động hủy hoại sức khỏe của bạn, khiến tinh thần bạn dần trở nên suy yếu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Tôi chắc rằng bạn có nhận thức về điều đó, nhưng lại cố ý lờ đi, hoặc không đủ quyết tâm để khắc phục các thói quen tiêu cực ấy. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sức khỏe tâm lý của bạn dần suy yếu, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần và không đủ sức chống chọi khi gặp phải những biến cố trong cuộc sống.
Clare đã chia sẻ với tôi một câu chuyện, khi còn học đại học, cô có một người bạn sống cùng phòng ký túc xá – Sheila Campbell – cô gái 20 tuổi nhưng lúc nào cũng lộ vẻ mệt mỏi uể oải của một phụ nữ đã ngoài 40. Giờ giấc sinh hoạt của cô bạn vô cũng hỗn loạn và thiếu lành mạnh. Cô đăng ký giờ học toàn bộ vào buổi chiều để ngủ nhiều hơn vào sáng sớm. Mỗi tối, cô nằm xoay mặt vào tường với chiếc điện thoại trong tay, xem phim, chơi game, nhắn tin với bạn bè đến gần 2 giờ sáng, thậm chí còn có những hôm thức làm bài xuyên đêm không ngủ. Liên tục gộp bữa sáng và bữa trưa làm một; liên tục ăn khuya bằng mì ăn liền hoặc thức ăn đóng hộp; liên tục lạm dụng cà phê vì thiếu tỉnh táo. Sheila không biết rằng lối sống này chính là sát thủ thầm lặng đang hủy hoại cuộc sống của cô từng ngày. Ở tuổi 20, khoảng thời gian xinh đẹp nhất, năng động nhất, tràn đầy năng lượng nhất của một cô gái, Sheila lại khổ sở với làn da sạm màu, với chứng rụng tóc, mắt kém, tinh thần lờ đờ, kém tập trung, đau lưng, tăng cân không kiểm soát,… – những triệu chứng mà lẽ ra chúng ta chỉ thấy ở tuổi trung niên.
Clare nói với tôi rằng, cô ấy hoàn toàn không cảm thấy lạ khi Sheila thực hiện một bài khảo sát và được chẩn đoán có nguy cơ trầm cảm rất cao. Chúng ta thường có xu hướng chủ quan rằng mình còn trẻ, cơ thể có khả năng tự chữa lành, các cơ quan nội tạng vẫn hoạt động tốt, nếu chẳng may có bất cứ vấn đề gì, chỉ cần một ít thuốc, một ít thảo dược, tự khắc sẽ phục hồi; chúng ta tự nhìn nhận bản thân không gặp phải biến cố nào quá lớn; chúng ta cho rằng chúng ta “miễn dịch” với các chứng bệnh tâm lý chỉ vì chúng ta không hề nhốt mình trong phòng, chúng ta vẫn đến trường, vẫn sinh hoạt cộng đồng, vẫn giao tiếp với bạn bè, liên lạc với gia đình, vẫn hẹn hò, vẫn có những sở thích cá nhân, điều này khiến chúng ta tin rằng chúng ta không hề có triệu chứng của trầm cảm hay bất cứ chứng bệnh tâm lý nào khác.
Tuy nhiên, sự thật là, bạn không cần phải có một quá khứ đau buồn, không cần phải gặp sang chấn tâm lý, cũng không cần phải từng bị tẩy chay, bị bắt nạt, hay bị áp lực bởi công việc; cũng không cần phải là một người có lối sống thu mình, mặc cảm, ngại giao tiếp thì mới phải lo lắng về tình trạng sức khỏe tinh thần của mình. Các cuộc khảo sát lớn về Tâm lý học đã chứng minh rằng, việc không ngủ đủ giấc, không ăn đúng bữa, nạp vào cơ thể những thứ không lành mạnh, lười vận động, dành quá nhiều thời gian cho thiết bị công nghệ, đều có thể trở thành tác nhân gây ra các vấn đề tâm lý đáng quan ngại của phần lớn người trẻ chúng ta.
Cô bạn Sheila rõ ràng đã không dành một sự quan tâm đúng đắn và phù hợp cho chính bản thân mình. Chỉ một thời gian không lâu sau khi chuyển vào ký túc xá của trường, cô đã tăng hơn 5 kilogram, da mặt xấu đi trông thấy, cơ thể xuất hiện các triệu chứng của táo bón, đau lưng, hay chóng mặt và suy giảm trí nhớ. Nghiêm trọng hơn cả, là tâm trạng của cô ngày một tệ dần đi. Cô thường phản ứng tiêu cực trước những lời góp ý mang tính xây dựng của bạn bè, cô dễ cáu gắt hơn trước, dễ xuống tinh thần, đồng thời cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thấy cảm hứng với các hoạt động mà bản thân từng vô cùng yêu thích.
Clare kể lại rằng, càng về sau, Sheila càng dành ít thời gian để gặp gỡ bạn bè, để mở rộng quan hệ và học hỏi kỹ năng cần thiết. Lịch sinh hoạt của cô không còn giống với những gì mà một sinh viên lẽ ra nên làm nữa. Bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, Sheila không thay đổi, cho đến một ngày mẹ cô bất ngờ đến ký túc xá thăm con gái, bà ấy đã gần như bật khóc khi tận mắt chứng kiến cuộc sống lúc bấy giờ của cô đã thay đổi theo hướng tồi tệ như thế nào.
“Mẹ thật không ngờ con lại đối xử với bản thân như vậy.” Mẹ Sheila nói, vẻ mặt vừa xót xa vừa tức giận. “Mẹ cứ tưởng khi lớn lên rồi con sẽ biết ý thức tự chăm sóc chính mình, ăn ngủ điều độ, giữ gìn sức khỏe, tu bổ bản thân, tập sống năng động tự tin, khắc phục những điều còn thiếu sót, chứ không phải như thế này. Con nhìn lại mình xem, nếu con là một chàng trai, con có rung động vì cô gái như con bây giờ không?”
Sheila đã bị lời nói của mẹ mình tác động, ngay sau khi bà nói dứt câu, cô đã ngay lập tức ngồi thẳng dậy, nhìn vào tấm gương lớn đặt ở bức tường phía cuối phòng, rồi tự mình cảm thấy xấu hổ với bản thân. Cô gái ở trước gương trông nhợt nhạt và thiếu sức sống, từ làn da, mái tóc, độ tinh anh nơi đáy mắt lẫn đôi cánh môi khô khốc không mang nét cười, hình ảnh phản chiếu không phải một thiếu nữ 20 tuổi, mà trông như một người đang mất hết niềm tin vào cuộc sống và chán nản với tất cả mọi thứ xung quanh mình. Trong khi, Sheila nào đâu có tư tưởng đó?! Cô vẫn muốn được khen là xinh đẹp, cô vẫn muốn tham gia những bữa tiệc với bạn bè, cô vẫn muốn hẹn hò, cô vẫn muốn tốt nghiệp, làm công việc mình yêu thích và kết hôn với người cô yêu. Vậy tại sao trông cô lại uể oải mệt mỏi đến thế? Đã bao lâu rồi cô không trau chuốt cho ngoại hình? Đã bao lâu rồi cô không dùng kem dưỡng, không ăn trái cây tươi, không uống đủ nước, không chạy bộ buổi sáng và hít thở không khí trong lành? Đã bao lâu rồi cô không lên kế hoạch học một kỹ năng mới hay tham gia một hoạt động cộng đồng?
Đã bao lâu rồi cô không có cảm giác mình thật sự đang sống?
Về sau, Sheila đã bắt đầu điều chỉnh lại chế độ ăn uống, vận động của mình, cân bằng giấc ngủ và tập trung vào những giá trị thật thay vì mải miết nhìn vào màn hình điện thoại. Cuộc sống của cô thay đổi theo chiều hướng tích cực và tươi sáng hơn: có thêm nhiều bạn mới, hóa giải những bất hòa với bạn bè cũ, trở nên hoạt bát và tự tin hơn. Chăm sóc tốt cho chính mình, Sheila cũng đã đồng thời xóa bỏ nguy cơ mắc bệnh tâm lý, từ giã khoảng thời gian lười biếng thụ động để bắt đầu hành trình mới của mình.
Xung quanh tôi có không ít trường hợp các chàng trai, các cô gái lãng phí tuổi thanh xuân của mình bằng cách bạc đãi bản thân. Một vài người không giống như Sheila, họ không bỏ mặc bản thân ở khía cạnh thể chất, mà là ở tinh thần: họ lười biếng cả trong việc tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc cho chính bản thân họ; họ để mỗi ngày trôi qua trong vô vị, nhàm chán và mệt mỏi; họ cho phép những áp lực cuộc sống, những thị phi, tranh cãi vô nghĩa làm phiền tâm trí họ; hoặc họ không chịu quên đi những lỗi lầm của quá khứ, tất cả đều là một dạng thức của việc đối xử không tốt với chính mình.
Tôi cần bạn hiểu rằng bản thân bạn là điều cần được ưu tiên trước tất cả mọi khía cạnh khác. Bạn không thể tìm thấy sự bình yên hay thanh thản được nếu bạn vẫn còn canh cánh trong lòng những suy nghĩ tự trách hay dằn vặt bản thân; bạn cũng không thể cảm nhận được hạnh phúc nếu bạn không tự tha thứ cho chính mình, không buông bỏ những gì thuộc về quá khứ mà bạn không nên nhớ đến.
Có một câu nói mà tôi từng đọc được ở đâu đó rằng, trong tiếng Anh, chữ I luôn được viết hoa, điều này có nghĩa Tôi là quan trọng, Tôi là điều cần được để tâm, cần được chăm sóc đầu tiên. Hơn nữa, bạn không thể nói câu I love you – Tôi yêu bạn, mà không nói chữ I - Tôi trước. Điều này chứng minh, muốn trao cho ai đó tình yêu của bạn, điều trước hết bạn phải làm là tự yêu lấy chính mình.
Có không ít cách để tìm kiếm niềm vui từ những điều nhỏ bé – tôi tin chắc là như vậy, vì tôi biết xung quanh chúng ta tồn tại vô số điều tốt đẹp, vô số phong cảnh hữu tình, vô số hoạt động bổ ích và ý nghĩa. Bình yên vốn dĩ không phải thứ gì đó quá xa vời hay bí ẩn, bạn sẽ luôn có thể nhìn thấy chúng ở ngay bên cạnh mình, ngay trong những thứ giản đơn gần gũi nhất xung quanh mình: một chiếc ôm ấm áp của gia đình, một vài giờ tâm sự với bạn thân, một cái cọ âu yếm từ chú cún con bạn đang nuôi, một tách cà phê nóng bên cạnh những giai điệu du dương, một bồn nước tắm có mùi hương hoa hồng mà bạn yêu thích, một nụ hoa bé nhỏ vừa mới nhú trong chậu cây ở ban công, một nụ cười lướt qua trên gương mặt những người xa lạ, một cử chỉ đẹp, hay thậm chí là một ngày cuối tuần cho phép bản thân nằm trên giường lâu hơn một chút vào buổi sáng,… Hãy trải lòng mình ra và đón nhận tất cả những vẻ đẹp bình dị ấy, để chúng đồng hành cùng bạn trên con đường hiểu rõ bản thân mình, chữa lành bạn khỏi những thương tổn trong quá khứ, để mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn trong những ngày tháng tiếp theo của cuộc đời.
NHỮNG SỞ THÍCH CŨ – NHỮNG CẢM HỨNG MỚI
Tôi đã luôn là một cô gái có vô số đam mê và sở thích khác nhau. Còn nhớ khoảng thời gian trước khi thành lập công ty in ấn BLUE IMPRINT, tôi từng tham gia rất nhiều hoạt động tại trường đại học của mình, nhiều đến nỗi tôi phải dùng một quyển sổ tay, ghi chép lịch sinh hoạt và sắp xếp thời gian hợp lý để không bỏ lỡ bất cứ sự kiện nào của các câu lạc bộ mà tôi tham gia. Thời gian đó, tôi cực kỳ hãnh diện với năng lượng dồi dào cũng như sự nhiệt tình của chính mình. Thầy cô bạn bè đều động viên rằng kể cả sau này có tốt nghiệp ra trường rồi đi làm bận rộn hơn, mệt mỏi hơn, thì tôi cũng vẫn nên giữ vững tinh thần như vậy, đó chính là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định hình ảnh của tôi ở trong mắt mọi người.
Tiếc thay, tôi lại không giữ được.
Sau biến cố công ty phá sản do bị người yêu, bạn thân và cộng sự cùng lúc phản bội, tôi rơi vào trạng thái suy sụp và tuyệt vọng đến cùng cực. Không một ai trong số những người bạn cũ của tôi ngày trước đề cập đến thời điểm đầy nhiệt huyết trước đây của tôi, về những hoạt động mà tôi từng rất yêu thích, họ lo ngại tôi sẽ chạnh lòng, sẽ cảm thấy áp lực hoặc tổn thương nhiều hơn. Thật ra, tôi đã không nói với họ, rằng kỳ thực tôi rất muốn họ nhắc nhở tôi, rất muốn họ khơi gợi lại trong tôi nguồn năng lượng đã đánh mất vì nỗi bất an, sợ hãi đối với cuộc đời, đối với lòng người. Tôi tha thiết mong họ biết rằng, tôi không muốn dừng lại niềm say mê đối với sách, với hội họa, với biểu đồ con số, với luyện tập thể dục và du lịch trải nghiệm, rằng tôi còn có rất nhiều dự định dang dở nhưng chưa kịp thực hiện, chỉ là giữa tâm trạng buồn bã tiêu cực lúc bấy giờ, tôi không đủ sức để tự cổ vũ bản thân trước bất cứ hoạt động nào, hay tận hưởng bất cứ niềm vui nào nữa mà thôi.
Tình trạng cạn kiệt năng lượng và mất đi hứng thú dành cho những điều bản thân từng vô cùng hào hứng, là một chuyện hết sức bình thường, đặc biệt đối với những ai vừa trải qua sang chấn tâm lý hoặc tổn thương về mặt tinh thần, những ai đã sống quá lâu trong áp lực, bất công, nỗi buồn hoặc sự nhàm chán cũng có thể gặp phải tình trạng này. Chúng ta có quá nhiều muộn phiền để có thể quan tâm đến âm nhạc, thể thao, thời trang, sách báo, ẩm thực,… cũng như tất cả những sở thích đã từng gắn bó mật thiết với chúng ta, đã từng là niềm vui, niềm tự hào của chúng ta, đã từng là chủ đề chính trong câu chuyện mà chúng ta háo hức bàn tán với bạn bè và những người thân của mình.
Tôi tin rằng, luôn luôn có cách để cảm hứng quay lại với chúng ta. Trước khi biến cố xảy ra, tôi đã từng là một kẻ yêu thích du lịch và say mê ghi lại những trải nghiệm của bản thân sau mỗi chuyến đi. Thậm chí, tôi còn tự thiết kế một cuốn sổ tay với tiêu đề Cô gái lãng du giữa đất trời, bên trong bao gồm những bức ảnh phong cảnh đẹp nhất của những nơi mà tôi từng đi qua, kèm theo rất nhiều chú thích về địa điểm, những món ăn ngon tại địa điểm đó, những từ ngữ mới mà tôi học được, những nét đặc sắc từ nền văn hóa của họ, những kỷ niệm khó quên về chuyến đi,… Tôi hiếm khi công khai nói về cuốn sổ này, cũng chưa từng đăng tải những tấm ảnh về nó lên bất cứ trang mạng xã hội cá nhân nào, song tôi vẫn xem nó là một tài sản tinh thần vô giá, lưu giữ niềm đam mê và hạnh phúc mà tôi có được khi thực hiện đam mê của mình.
Vào một ngày tình cờ, mẹ tôi gọi điện để nhắc nhở tôi kiểm tra hóa đơn và dọn dẹp bớt những tờ rơi quảng cáo trong thùng thư trước cửa nhà – việc mà tôi vẫn thường xuyên quên làm vì bận rộn, và gần đây thậm chí đã không có tâm trạng nhớ đến. Khi mở thùng thư, bên cạnh các loại giấy tờ thông thường, tôi chợt bắt gặp cuốn sổ tay Cô gái lãng du giữa đất trời của mình. Hóa ra cậu em trai Bear Smith của tôi là người đã gửi nó đến và nhờ mẹ tôi gọi điện nhắc tôi kiểm tra thùng thư để tôi có thể nhìn thấy nó sớm nhất có thể.
Tôi dành cả buổi chiều trong phòng để lật giở lại từ trang đầu tiên, hiện lên trước mắt tôi là cô gái Daisy Smith với dáng vẻ tràn đầy năng lượng, nụ cười tươi tắn, những bộ quần áo năng động cùng vô số phong cảnh xinh đẹp, hùng vỹ. Nét chữ mà tôi để lại qua từng trang giấy, có khi nắn nót, cẩn thận, có khi vội vàng nguệch ngoạc, nhưng tâm trí tôi vẫn có thể vẽ lại một cách vô cùng sinh động những hình ảnh, âm thanh và cảm giác mà tôi nhận được xuyên suốt chuyến đi. Bất chợt tôi hiểu ra lý do tại sao Bear lại gửi cuốn sổ tay này đến cho tôi. Cậu em trai kiệm lời và luôn gặp khó khăn trong việc bày tỏ tình cảm ấy, dường như muốn nói với tôi rằng, cô gái trong cuốn sổ – Cô gái lãng du giữa đất trời – mới chính là tôi, là người chị gái vui vẻ, lạc quan, đầy năng lượng, là người chị gái mà cậu luôn tự hào và ngưỡng mộ.
Tôi không nhớ đã bao lâu rồi tôi không viết vào cuốn sổ tay ấy, có lẽ là từ khi tôi bắt đầu thành lập công ty in ấn BLUE IMPRINT và bị cuốn vào những công việc mà một người khởi nghiệp phải quán xuyến, hoặc thậm chí là trước cả khoảng thời gian đó, khi tôi quyết định triển khai kế hoạch khởi nghiệp hay đại loại thế, tôi chẳng rõ nữa. Chỉ biết rằng tôi đã quá bận rộn để có thể nghĩ đến chuyện du lịch. Trước lịch làm việc dày đặc và hàng trăm kế hoạch cần triển khai, trước bài toán tài chính doanh nghiệp, giấy tờ pháp lý và việc quản lý nhân sự, tôi tạm gác lại không biết bao nhiêu lần những dự định, những dịp lễ thú vị, những lời mời hấp dẫn từ bạn bè hoặc người thân của mình. Tôi không biết rằng, chính điều đó đã khiến tâm hồn tôi thiếu phong phú, trái tim tôi giảm nhiệt huyết, đồng thời những kỹ năng tôi từng có như chụp ảnh, vẽ hội họa, tốc ký, viết blog,… tất cả đều gần như mai một sau khoảng thời gian dài tôi chỉ tập trung toàn lực vào các con số.
Tôi nhấc máy gọi điện cho Bear:
“Sao em lại gửi chị cuốn sổ tay du lịch vậy?”
Giọng cậu em trai của tôi vang lên ở đầu dây bên kia, trầm ổn và ấm áp:
“Chị không định mang theo nó để tiếp tục viết trong những chuyến du lịch sắp tới của mình sao?”
“Ai nói với em là chị sẽ lại đi du lịch tiếp?” Tôi hỏi, không giấu nổi vẻ ngạc nhiên.
“Chẳng ai nói cả.” Bear nói, tôi có thể hình dung cậu ấy đang vừa cười vừa nói những lời này. “Chỉ là em nghĩ chị nhất định sẽ đi thôi. Chị chưa bao giờ ở yên một chỗ trong khoảng thời gian lâu đến thế. Em nghĩ chị cần đọc nó để tìm lại hứng thú bắt đầu một chuyến đi mới.”
Bạn có tưởng tượng được không, chính những lời này của Bear đã làm bản thân tôi xao động. Cảm giác một thứ gì đó bạn ngỡ rằng đã quên từ rất lâu, nay bỗng nhiên lại ùa về, hiện diện rõ ràng trong tâm trí bạn, nhắc bạn nhớ về những điều bạn đã từng yêu thích, vẫn luôn yêu thích và có lẽ sẽ mãi yêu thích đến tận sau này. Đó chính xác là cảm giác mà tôi cảm thấy sau khi đọc cuốn sổ tay, và sau khi trò chuyện cùng với Bear. Tôi nhận ra tôi chưa bao giờ ngừng khao khát những chuyến đi, chưa bao giờ ngừng âm thầm thán phục các blogger du lịch nổi tiếng với vô số trải nghiệm, vô số niềm vui, vô số câu chuyện họ thu nhặt được sau mỗi cuộc phiêu lưu. Tôi chỉ tạm gác lại chúng để theo đuổi sự nghiệp, để lo cho tương lai tài chính của mình, với hy vọng bản thân vững vàng độc lập, đến tuổi 30 có thể tự do bay nhảy, làm điều mình muốn. Rốt cuộc lại để chính hiện thực cuộc sống quật ngã, đến nỗi không rõ từ khi nào lại lãng quên đi niềm vui thích tuổi thanh xuân của mình.
Tôi hỏi Bear:
“Nhưng chị phải làm thế nào, khi mà giờ đây chị không còn cảm hứng để lên kế hoạch để quay trở lại với niềm đam mê du lịch nữa?”
Cậu em trai của tôi im lặng một chốc như đang suy nghĩ, sau đó đề nghị:
“Vậy sao chị không thử tìm kiếm nguồn cảm hứng mới? Ví dụ như… không lên bất cứ kế hoạch nào cả mà chỉ xách balo lên và đi thôi, đi bất cứ đâu chị muốn?”
Nếu bạn cũng gặp phải khó khăn trong việc quay lại với các hoạt động bạn từng say mê, tôi muốn nói với bạn rằng, bạn cũng có thể thử làm như lời em trai tôi nói, là hãy tìm kiếm nguồn cảm hứng mới từ chính sở thích mà bạn tưởng chừng đã lãng quên. Nghe có vẻ hơi mơ hồ nhỉ? Để tôi cụ thể hơn một chút nhé! Cô bạn thân Angela của tôi là một người có niềm đam mê vô hạn dành cho ẩm thực. Cô yêu thích nấu ăn và luôn tự nguyện xung phong xuống bếp trong những dịp bạn bè cùng nhau tụ họp. Mỗi khi ăn món ăn do Angela chế biến, chúng tôi đều có thể cảm nhận được trong đó không chỉ là hương vị thơm ngon, mà còn có cả tình cảm, sự trân trọng, chu đáo và niềm vui của cô ấy đặt trọn vào từng khoảnh khắc ở trong nhà bếp.
Thời điểm chúng tôi thi đại học, Angela nhận được kết quả không như ý, cô không đủ điểm để vào ngôi trường mà bản thân hằng mơ ước. Điều này tất nhiên đả kích cô ấy rất nhiều. Cô ấy hầu như không muốn nói chuyện với bất cứ ai kể cả gia đình; cô từ chối tất cả những cuộc gọi từ chúng tôi – những người bạn thân thiết nhất của cô ấy; không trả lời tin nhắn; không đọc email; cũng không muốn tham gia buổi gặp mặt nào dù chúng tôi có cố gắng thuyết phục, động viên cách mấy. Thất bại đầu đời khiến Angela cảm thấy xấu hổ, thất vọng về bản thân. Cô cho rằng cô đã phụ lòng tin của cha mẹ, thua kém bạn bè, có lỗi với chính mình và không xứng đáng được tha thứ. Khoảng thời gian đó dường như là giai đoạn tồi tệ nhất mà Angela phải đối mặt từ trước đến nay.
Như một lẽ hiển nhiên, cô bạn thân của tôi không vào bếp nữa, suốt nửa năm, cô không đả động đến niềm đam mê ẩm thực của mình. Cô tìm đến thức ăn nhanh và đồ ăn vặt vì chúng thuận tiện, chúng không đòi hỏi cô phải bước ra khỏi giường, không đòi hỏi cô phải vận động, không đòi hỏi cô phải chạm mặt bất cứ ai trong gia đình mình. Cứ như vậy, sau ba tháng, Angela tăng cân một cách khủng khiếp. Bạn cũng biết rồi đấy, lượng Cholesterol xấu trong các loại thức ăn nhanh là rất cao. Việc liên tục nạp đầy thức ăn nhanh mỗi khi cảm thấy đói đã khiến cơ thể cô nặng nề, mệt mỏi và thiếu sức sống. Tâm trạng của cô cũng vì thế mà ngày càng xuống dốc, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy cô sẽ lấy lại tinh thần và quay lại nhịp sống cũ.
Mẹ của Angela cảm thấy rất lo lắng về tình trạng này của con gái, bà gọi đến cho tôi vào một buổi chiều mùa thu, khi tôi đang chuẩn bị hồ sơ nhập học và rời ngôi nhà tôi đã sống từ bé để chuyển đến một tiểu bang khác – nơi có thể giúp cho việc di chuyển giữa nhà và trường học một cách thuận tiện hơn. Nghe sơ qua về tình hình của cô bạn, tôi cảm thấy khá lo lắng, nhất là khi Angela vốn luôn là một cô gái vui tươi, cô rất xem trọng sức khỏe thể chất, và cũng thường lưu ý đến chế độ ăn uống của chính mình. Cô thường nói với tôi rằng, gương mặt của một người có thể không thể thay đổi được (tất nhiên, chúng tôi đang không bàn đến vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ), nhưng thân hình thì hoàn toàn có thể cải thiện được, miễn là chúng ta tuân thủ nghiêm túc các quy tắc bảo toàn vóc dáng, và kiên trì thực hiện chúng. Thế nhưng giờ đây chính cô ấy là người phá hủy những nỗ lực của bản thân suốt một thời gian dài, tôi không lo ngại gì hơn là cảnh tượng một ngày nào đó, khi Angela đã nguôi ngoai nỗi buồn thi cử, cô sẽ lại một lần nữa đối mặt với một khủng hoảng khác: khủng hoảng đến từ sự thay đổi về cân nặng của mình.
Khi tôi tìm đến nhà Angela, cô bạn đang ngồi trước một cái bánh pizza to đùng được cắt thành năm phần chia cho năm lần ăn khác nhau, trong phòng là một bài hát đầy sầu não và chủ nhân của căn phòng ấy cũng để lộ gương mặt sầu não thất thần, đấy là tôi còn chưa nói đến việc tăng cân của cô. Tôi đã quen với hình ảnh một Angela tươi vui, hoạt bát, nghịch ngợm và luôn thích động viên mọi người, giờ đây nhìn thấy cô bạn như thế, tôi tất nhiên cảm thấy rất buồn, và tôi muốn giúp Angela chấm dứt tình trạng ấy càng nhanh càng tốt.
Tôi bàn với cha của mình chọn một ngày thu hoạch rau củ quả tươi trong nông trại để tổ chức một bữa tiệc tại chính sân nhà mình. Vào ngày hôm đó, tôi sẽ nhắn tin cho những người bạn trong nhóm mà cả tôi và Angela đều rất thân, thông báo với họ rằng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc “Organic” với toàn bộ món ăn làm từ rau củ quả từ nông trại của gia đình tôi. Đầu tiên, mọi người sẽ tập trung tại nhà tôi vào sáng sớm, tham gia thu hoạch cùng hai cha con tôi như một cách vận động cơ thể, sau đó sẽ bắt tay vào nấu nướng để cùng ăn với nhau, phần còn dư lại mọi người có thể mang về nhà như một món quà nhỏ mà gia đình tôi gửi tặng, nhằm khuyến khích họ tăng cường thành phần thực vật trong bữa ăn mỗi ngày. Mục tiêu của kế hoạch này chính là để kéo Angela ra khỏi phòng, ra khỏi mớ hỗn độn đầy thức ăn nhanh, đầy những bản nhạc buồn thảm thiết và đầy không khí u uất mà cô ấy đang giam mình bên trong.
“Bọn tớ thiếu người nấu ăn trầm trọng, Angela ơi.” Chúng tôi ra sức thuyết phục cô bạn cùng tham gia. “Bọn tớ nhớ tay nghề của cậu lắm, cậu phải có mặt ngày hôm đó mới được.”
“Những món ăn mà Angela nấu lúc nào cũng khiến bọn tớ cảm thấy tràn đầy năng lượng. Đã rất lâu rồi bọn tớ không nhận được nguồn năng lượng nào như thế.”
“Cậu đừng nói là cậu định sẽ không bao giờ nấu ăn nữa, đó là một sự lãng phí tài năng đấy.”
Bằng những tin nhắn động viên, những lời khen ngợi và những hồi ức tốt đẹp về các món ăn mà Angela đã từng tự tay nấu, chúng tôi dần dần thuyết phục được cô bạn đến nông trại của cha tôi và tham gia bữa tiệc “Organic” ngoài trời ấy, với hy vọng nó có thể giúp cô tìm lại niềm hứng thú trong việc nấu ăn, hoặc nếu không thì ít nhất là có thể bước ra ngoài, tận hưởng một chút không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên để tâm trí trở nên thư thái hơn.
Kết quả của bữa tiệc thành công ngoài mong đợi. Angela có cơ hội vận động cơ thể đã lười biếng quá lâu trong phòng. Cô cùng chúng tôi thu hoạch rau củ quả ở nông trại, sau đó, trong khi chúng tôi sơ chế, chuẩn bị nguyên liệu, Angela bắt đầu nghiên cứu những công thức chế biến các món ăn ngon từ thực vật. Cô nói rằng, không biết đã bao lâu cô mới nghiêm túc thật sự xuống bếp và nấu nướng trở lại, tay chân có chút vụng về, tẩm ướp có thể cũng không bằng lúc trước. Thế nhưng chúng tôi đều bảo đó không phải vấn đề, chúng tôi chỉ cần cô bạn tiếp tục nấu ăn trở lại, thì bất luận đó có là món gì, và được chế biến như thế nào, chúng tôi đều sẽ yêu thích hệt như lúc trước.
Cuối cùng, bữa tối của chúng tôi có món trứng hấp, súp lơ xanh xào nấm, salad trộn khoai tây, cà chua và đậu hà lan, xúp bí đỏ với hạt hạnh nhân cùng rất nhiều món nướng phủ caramel hoặc mật ong như cà tím, ớt chuông, măng tây và ngô. Tôi không phải một người ăn thuần chay, nhưng vẫn có thể cảm nhận được bữa tiệc rau củ hôm đó thật sự rất tuyệt vời, nhất là đối với một vài người bạn đã quen dùng bữa với thịt, cá, hải sản hoặc những món nhiều tinh bột, dầu mỡ và thức ăn nhanh, một ngày ăn thuần thực vật đối với họ như một lần chữa lành cơ thể, loại bỏ các loại Cholesterol độc hại tích tụ suốt nhiều ngày ăn uống không điều độ của mình.
Tuy nhiên, thành quả lớn nhất của chúng tôi chính là đã giúp cô bạn Angela lấy lại tinh thần và nhiệt huyết dành cho sở thích nấu ăn của cô. Trở về nhà sau bữa tiệc, cô bắt đầu cảm thấy hứng thú với rau củ quả, hứng thú với những công dụng mà các bữa ăn thuần thực vật mang lại. Nhờ vào buổi thu hoạch và chế biến món ăn thuần thực vật ấy, Angela đã học biết thêm được rất nhiều công thức nấu món chay sao cho thơm ngon, mới lạ mà vẫn giữ được vị ngọt thanh của rau củ. Cô chợt nhớ ra bản thân đã từng yêu thích ẩm thực như thế nào, đã từng tìm được niềm vui thông qua việc nhìn thấy mọi người ăn ngon, và vui vẻ khi ăn những món ăn mà cô tự tay nấu ra sao. Giờ đây, cô thậm chí nâng cấp sở thích của mình lên một dạng thức mới, một tầm cao mới, đó là chế biến các món ăn thuần thực vật, không chứa nhiều Cholesterol xấu, có tác dụng phòng bệnh, giảm cân và thải độc cơ thể.
Qua một thời gian, tôi nhận được lời mời của Angela thông qua mạng xã hội, cô ấy chia sẻ với tôi một trang blog tự mình sáng tạo, nội dung của trang chính là các công thức chế biến món ăn thuần thực vật cũng như tác dụng của chúng đối với sức khỏe và vóc dáng con người.
Khi đọc qua những gì cô bạn chia sẻ trên trang blog của mình, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và khâm phục. Cô bạn ấy của tôi, cô bạn đã từng đánh mất niềm tin vào bản thân, đã từng có lối sống bất cần và buông thả sau biến cố thất bại đầu tiên của tuổi trẻ, đã từng nhốt mình trong phòng, lãng phí thời gian của mình bằng bóng tối, bằng thức ăn nhanh, bằng những bản nhạc ảm đạm và những suy nghĩ tiêu cực, đã từng chẳng còn chút động lực nào để nói về đam mê, cô bạn ấy giờ đây đã tràn đầy năng lượng, đã tìm lại được chính mình, và thậm chí còn là một phiên bản khác tuyệt vời hơn của bản thân. Cô chia sẻ với tôi rằng:
“Tớ đã ngộ ra được một điều giản đơn mà bấy lâu nay vì bận lạc lối trong nỗi buồn mà đã lỡ quên đi mất. Đó chính là, những điều khiến chúng ta vui vẻ, có thể một lúc nào đó sẽ không còn tác dụng khiến chúng ta vui như trước, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tìm lại cảm hứng đã mất đi, hoàn toàn có thể biến chúng trở thành một niềm vui mới. Tất cả những gì chúng ta cần chỉ là bước ra khỏi phòng và gặp lại chúng mà thôi.”
Cuối cùng, tôi muốn nói với bạn rằng, tất cả chúng ta đều là con người, đều là những cá thể có lúc chán nản, có lúc yếu lòng, có lúc mệt mỏi, có lúc chông chênh, có lúc cảm thấy bản thân chẳng cần gì cả, chẳng muốn làm gì cả, chẳng muốn gặp ai cả. Bạn không cần tự trách chính mình hay cho rằng như vậy là thất bại, là không có tiền đồ. Bạn cũng không cần hấp tấp, cũng không cần tự ép bản thân phải tìm động lực hay tìm cảm hứng ngay lúc này. Có một số trường hợp càng cố gắng vực dậy, sẽ càng khiến bạn mệt mỏi nhiều hơn. Thay vào đó, bạn cần lắng nghe tâm trí của bạn – nó sẽ cho bạn biết khi nào thì bạn sẵn sàng để trở lại với các hoạt động bạn từng yêu thích, hoặc tiếp nhận một sở thích mới bạn chưa thử qua bao giờ. Điều gì cũng cần có thời gian, huống hồ bạn vừa trải qua một biến cố, bạn đang cảm thấy không vui, vì thế, bạn nên tự bao dung một chút với bản thân mình.
Chúng ta được trao cho hai mắt để một mắt quan sát người khác, một mắt tự nhìn lại chính mình; chúng ta được trao cho hai tai để một tai lắng nghe người khác, một tai tự lắng nghe chính mình; tôi mong rằng bạn có thể tận dụng triệt để các giác quan của bản thân theo cách đó, như vậy bạn sẽ biết khi nào vết thương của bạn khôi phục, khi nào tâm trí bạn sẵn sàng cho sự đổi mới, khi nào tinh thần của bạn ở trong trạng thái tốt nhất để bắt đầu hành trình tìm kiếm chính mình, tìm kiếm những điều khiến mình hạnh phúc, tìm kiếm nơi mình muốn đi, và tìm kiếm đâu mới thật sự là một cuộc đời đáng sống.