THỜI THƠ ẤU KHÓ NGHÈO
Tôi là con trưởng trong một gia đình không giàu nhưng cũng không nghèo ở một ngôi làng nhỏ của vùng Deogyusan, tỉnh Jeonbuk. Vào thời ấy, gia đình tôi chỉ là một gia đình nông dân nhỏ ở miền quê. Năm tôi lên 7 tuổi, bố tôi lâm bệnh và cuộc sống gia đình bắt đầu bấp bênh.
Những ruộng đồng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình đã dần dần ra đi để có tiền trị bệnh cho bố tôi. Mẹ tôi đã làm tất cả mọi thứ để giúp bố tôi hồi phục lại như xưa. Nhưng bố tôi đã không thể khỏe mạnh trở lại như trước. Sau hai năm chống chọi với bệnh tật, bố tôi đã qua đời. Cùng với sự ra đi của bố, tài sản gia đình tôi cũng chẳng còn lại gì.
Mới 8 tuổi mà tôi đã là trưởng nam của một gia đình nghèo khó. Và chị tôi, các em trai, em gái tôi trở thành con nhà nghèo. Thời điểm đó, mẹ tôi 38 tuổi. Một mình mẹ tôi bắt đầu buôn bán nhỏ. Mẹ đi mua cá ở xa mang về gánh đi bán. Mẹ tôi bán hầu như tất cả những gì có thể đội lên đầu và đi khắp nơi.
Không còn ruộng để làm nông là một sự lựa chọn bất đắc dĩ. Và chúng tôi luôn ở trong cảnh đói nghèo. Ngày tôi không đến trường thì đi đốn củi mang về, vào kỳ nghỉ thì làm cu li ở những nơi người ta khai thác khoáng sản để kiếm tiền đóng học phí. Chuyện con nhà nghèo thì vô số kể nhưng chuyện mà tôi nhớ nhất đó là chuyện hồi tôi học lớp 6.
Gần đến ngày tốt nghiệp cấp 1 (lớp 6), lớp chúng tôi đi dã ngoại nhưng tôi không có tiền đóng để đi. Theo tôi nhớ số tiền đóng lúc đó là 3~4 ngàn won gì đấy. Nhưng ở quê làm gì có tiền. Ở quê thì phải đến vụ mùa mới có thể đi làm kiếm tiền được chút ít chứ bình thường thì 1 ngàn won cũng khó kiếm nữa. Đó là hiện thực cuộc sống thời ấy.
Nhà tôi còn nghèo hơn hiện thực nữa nên đó là một số tiền rất lớn đối với tôi. Tôi biết rõ hoàn cảnh nhà mình như thế nên cũng không khát khao được đi dã ngoại cùng các bạn lắm. Nhưng trong khi các bạn ai cũng được đi chỉ có mình không được đi nên cảm thấy tủi thân. Dù thế nhưng tôi cũng không nài nỉ xin mẹ cho đi và sau khi các bạn đi về, tôi cũng không buồn khóc một mình. Điều mà tôi nhớ nhất về chuyến du lịch lần đó là có tai nạn xảy ra.
Ngoài tôi ra có một số bạn lớp 6 khác cũng nghèo như tôi nên không đi được. Vì thế để có đủ số học sinh tham gia thì một số em học sinh lớp 5 đã đăng ký. Nhưng trong khi đi chơi thì tai nạn xảy ra nơi mà đoàn nghỉ ngơi. Đó là học sinh bị ngạt do khí độc của than đá. Và nhiều học sinh đã thiệt mạng trong vụ tai nạn đó. Nếu lúc đó tôi cũng đi cùng thì chuyện gì xảy ra với tôi nhỉ? Nếu chỉ nghĩ cho tôi thôi thì đúng là một việc may mắn nhưng nghĩ cho các bạn trong lớp thì đúng là một chuyến đi đau lòng. Vì những cảm xúc trộn lẫn này đã khiến tôi nhớ mãi đến hôm nay.
Dù nghèo nhưng may mắn là tôi học khá tốt. Nên tôi đại diện học sinh trường đi thi và đạt giải cao trong các kỳ thi. Tôi cũng là một lớp trưởng đáng tự hào. Chị gái tôi thì phải sớm lên Seoul vào làm việc trong các nhà máy để kiếm sống, còn tôi ở lại quê nhà chăm chỉ học hành để đỡ đần cho mẹ.
Nhưng khi chuẩn bị vào lớp 9, vì học giỏi nên tôi đã trở thành nỗi lo của gia đình. Lúc đó gia đình không đủ điều kiện để cho tôi đi học tiếp. Vì nếu chỉ có mình tôi thì không sao nhưng đằng này dưới tôi còn hai đứa em nữa. Trong trường hợp như thế thì anh phải hy sinh cho các em đi học là điều bình thường.
Lúc đó có một ân nhân trong cuộc đời tôi đã xuất hiện. Thầy giáo chủ nhiệm hiểu hoàn cảnh của tôi nên đã tìm đến nhà gặp mẹ tôi. Dáng thầy thấp nhưng hình như chưa có đứa học trò nào không bị thầy cho ăn chiếc roi tre mà thầy luôn mang theo bên mình. Thầy bảo: “Các con muốn hết nghèo thì phải học hành chăm chỉ.”
Thầy thuyết phục mẹ tôi: “Chị phải cho cháu Young Ok đi học.” Trong khi ở thời đó, học hết cấp 1 rồi lên Seoul kiếm tiền đang là trào lưu.
Tôi hiểu hoàn cảnh nhà mình nên cũng muốn bỏ cuộc nhưng với sự nỗ lực thuyết phục của thầy mà mẹ tôi thay đổi. Tôi không có mặt trong buổi nói chuyện đó nên không rõ hai người đã nói chuyện gì nhưng có lẽ thầy giáo đã nói thế này: “Cháu học giỏi nên có thể nhận được học bổng đó chị. Học phí kỳ đầu tôi sẽ đóng cho cháu.”
Lý do mà tôi đoán được câu nói này là vì hai điều đó đã thành hiện thực. Học phí học kỳ đầu thì thầy giáo đóng, sau đó thì tôi được nhận học bổng. Nhờ vậy mà tôi có thể đi học được. Mẹ tôi thì hay kể về tôi như thế này: “Những ngày không đi học thì con đi đốn củi nhưng phải đi xa lắm. Nhưng mà không khi nào con đi tay không, lúc nào cũng phải cầm theo một cuốn sách. Bởi vậy nên con mới học giỏi đấy.”
Từ nhà tôi muốn đốn củi phải đi ít nhất hai, ba cây số. Tôi vừa đi vừa đọc sách. Thỉnh thoảng có dịp về quê, tôi nhớ những kỷ niệm xưa nên đi vòng vào rừng. Đã 40 năm trôi qua, con đường mà tôi đã đi qua giờ um tùm nên tôi không thể đi vào được. Dù vậy tôi vẫn đi ngang và ngắm nghía những con đường ấy. Và tôi lại thấy củi nằm lênh láng mà không ai mang đi. Nhiều lúc thấy tiếc muốn dừng xe lại để chở về.
Năm lớp 9, tôi được chọn vào lớp “học sinh ưu tú” vì điểm cao. Những bạn trong lớp học sinh ưu tú đều phải ở lại trường học đến khuya. Vì thế, tôi phải cùng với hai người bạn khác thuê phòng trọ trong suốt một năm. Vừa học tập hiệu quả và cảm nhận được niềm vui có “không gian độc lập” cùng bạn bè.
Khi học xong học kỳ hai và chuẩn bị lên cấp ba thì tôi lại gặp đúng vấn đề của ba năm trước. Trong ba năm đó, cuộc sống của gia đình tôi cũng không tiến triển hơn và cũng lại không có tiền đóng học phí. Lúc đó, nhà trường đề xuất tôi vào một trong hai trường cấp ba ở Busan, đó là hai trường có thể học miễn phí bằng học bổng của nhà nước. Nhưng điều đó lại quá xa vời với tôi. Sống ở xa gia đình thì chi phí sinh hoạt lại cao hơn học phí. Trong suốt thời gian ở trọ hồi học cấp hai, tôi đã luôn cảm thấy day dứt trong lòng vì làm gánh nặng cho mẹ. Vì thế, tôi không muốn lặp lại điều này khi vào cấp ba. Thực ra, có một trường cấp ba mà tôi có thể ở nhà đi học được mà không cần phải đóng học phí nhưng lại là trường cấp ba chuyên khoa nông nghiệp. Nhà tôi thì cũng chẳng có ruộng nương gì và cũng chẳng có triển vọng gì với chuyên ngành nông nghiệp.
Dù sao thì tôi cũng muốn thi vào một trường cấp ba nào đó, vì nếu không thi thì uổng công học hồi cấp hai. Tuy nhiên tôi lại bị mâu thuẫn với mình: “Thi để làm gì nếu không có tiền đóng học?” Tôi bắt đầu tính toán. Nếu có học bổng thì không sao chứ nếu phải đóng tiền học thì ba năm cấp ba quả là dài vô cùng. Và cũng như bao người, tôi quyết định lên Seoul.
Đọc đến đây có thể độc giả nghĩ: “Tội nghiệp quá”. Có những quyển sách kể về tuổi thơ nghèo khổ một cách rất thảm thiết. Nhưng tôi không cảm thấy bất hạnh gì cả. Vì sao thì tôi không biết nhưng hình như tôi chấp nhận hoàn cảnh như một điều đương nhiên. Có thể xung quanh gia đình tôi toàn người nghèo nên tôi cũng thấy bình thường. Giờ nghĩ lại tôi thấy nhớ thời thơ ấu.
Không phải tôi không biết nghĩ mà hình như tính tôi lạc quan từ bé. Bây giờ tôi cũng luôn lạc quan và tích cực. Tôi nghĩ chính điều này đã tạo thêm sức mạnh cho tôi đến được ngày hôm nay.
NGÀY LÀM, ĐÊM HỌC NHƯNG VẪN KHÔNG TỪ BỎ MỤC TIÊU
Vào mùa xuân năm 1977, một cậu học trò mới tốt nghiệp cấp hai như tôi ngồi xe buýt lên thủ đô. Chiếc xe buýt chạy băng băng qua những con đường bằng phẳng. Nhìn ra ngoài cửa kính của xe, tôi thấy hai bên đường tràn ngập những tán hoa loa kèn. Hương vị mùa xuân lan tỏa khắp nơi nơi. Trong lòng tôi lẫn lộn nhiều cảm xúc: hồi hộp, mong chờ, hy vọng và có chút bất an. Tôi ưu tư suy nghĩ: “Rồi mình phải sống sao đây?”
Lần này lên được thủ đô là nhờ một người anh họ hàng làm ở đài truyền hình văn hóa. Anh biết tôi không có tiền vào học cấp ba nên rủ tôi lên thủ đô ở cùng với anh. Anh mong muốn tôi vào học ở một trường cấp ba chuyên ban thương mại và sau khi tốt nghiệp xong vào làm nhân viên ngân hàng. Vào thời đó, nếu tốt nghiệp được trường cấp ba chuyên ban thương mại và vào làm ngân hàng được xem là thành công bậc nhất đối với những người sống ở quê như tôi.
Nhưng khi lên ở nhà anh thì mới biết mọi thứ nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bảy anh em họ hàng sống trong một cái phòng chật chội như ép cá mòi vậy. Vào thời ấy, nhà nào nghe nói có bà con ở thủ đô thì đều gửi con lên ở nhờ. Anh thấy tôi tội nghiệp nên kêu lên ở với anh nhưng nhà cửa chật chội như thế thì anh cũng cảm thấy áy náy với tôi. Tôi ở đó được vài ngày thì chuyển qua ở nhờ nhà người anh khác đang làm ở nhà máy dệt.
Nếu có ước mơ thì không gì là không thể nhưng đôi khi cũng có điều không đúng với mong đợi, đó mới thật sự là cuộc đời. Trường cấp ba chuyên ban thương mại không phải là một trường dễ vào. Nói một cách hơi phô trương một chút thì trường đó quy tụ các bạn học sinh giỏi toàn quốc. Dù sao thì tôi cũng bị trễ nhập học nên tôi định sẽ dành thời gian một năm để ôn thi nhưng hoàn cảnh thật không thuận lợi chút nào. Có ai tài trợ cho tôi học được như thế thì tốt nhưng xung quanh tôi không có người bà con nào có đủ điều kiện kinh tế.
Tôi là anh lớn trong nhà nên không còn thời gian để chần chừ nữa. Tháng tám năm đó, tôi được anh họ giới thiệu vào làm ở nhà máy dệt. Lần đầu tiên trong đời, tôi bước chân vào nhà máy. Vừa làm tôi vừa nghĩ sẽ thi bổ túc cấp ba. Tôi rất tự tin về tài học của mình vì hồi học cấp hai, tôi luôn đứng vào top đầu của trường. Vừa làm vừa học, không đỗ vào trường cấp ba chuyên ban thương mại thì cũng đậu được bổ túc.
Nhưng mà đó đúng là sự suy nghĩ nông cạn của một “thằng nhà quê”. Làm việc ở nhà máy rất khắc nghiệt. Mỗi ngày làm 12 tiếng và liên tục đổi ca, một tháng chỉ được nghỉ có hai ngày thôi. Lúc đó vì còn sức trai trẻ nên tôi đã vượt qua được nhưng mãi về sau, khi đã nghỉ việc một thời gian rồi quay lại nhà máy, tôi mới thấy mùi hóa chất ở đây thật là khủng khiếp.
Vào nhà máy làm chưa được bao lâu thì tôi được vào ở ký túc xá. Đó là cách tôi tiết kiệm tiền và tiết kiệm thời gian. Vậy mà làm việc xong về ký túc xá, tôi mệt muốn xỉu luôn. Cơ thể rã rời vì làm việc nhiều thời gian, đầu óc mụ mị vì mùi hóa chất nhưng tôi vẫn không rời quyển sách. Việc học chuẩn bị thi bổ túc thì suôn sẻ nhưng vấn đề mới lại phát sinh.
Vào thời điểm đó, nếu người nào không vào cấp ba được thì phải đi tập huấn dân phòng trước khi đi bộ đội. Địa chỉ đăng ký tạm trú thì ở nhà anh họ (Changchung-dong), còn nhà máy làm việc thì ở một chỗ khác (Cheonho-dong). Tôi phải nghỉ làm để đi tập huấn nhưng không thể như thế được. Nếu không tham gia tập huấn thì sẽ bị hủy địa chỉ tạm trú. Rồi muốn thi bổ túc thì phải về trường cấp hai cũ để rút giấy chứng nhận tốt nghiệp nhưng tôi cũng không thể dành thời gian để đi được. Và cuối cùng tôi đã bỏ qua hai cơ hội để thi bổ túc.
Tôi vừa làm việc vừa để thời gian trôi qua một cách tiếc nuối. Dù không thi được nhưng phải giữ lại giấy tạm trú nên tôi đi đến ủy ban phường Changchung-dong. Nhưng tại ủy ban phường Changchung-dong, tôi đã phát hiện ra một cơ hội được dán trên tường. Đó là bản thông báo tuyển sinh vào trường cấp ba truyền thông. Và nhờ cơ hội đó, tôi được nhập học vào trường cấp ba truyền thông. Lúc đó, tôi 19 tuổi, bạn bè ai cũng học lớp 12 chỉ có tôi học lớp 10.
Và điều may mắn là một tháng tôi chỉ đến lớp học trực tiếp hai ngày mà hai ngày đó lại trùng với ngày nghỉ của công ty nên tôi không nghỉ học ngày nào cả. Giờ học của lớp truyền thông có hai giờ đó là 5 giờ sáng và 11 giờ đêm. Nhà trường tổ chức như thế để giúp cho những người vừa làm vừa học như tôi.
Dù vậy, những người phải làm 12 tiếng một ngày như tôi thì việc học lớp truyền thông là rất khó. Trong lúc làm đêm, tôi vừa học vừa chạy máy nên cũng có gây ra sự cố. Dù không phải là sự cố lớn nhưng cũng gây thiệt hại cho công ty. Nhưng may mà họ không làm lớn chuyện. Chắc họ thấy tội nghiệp vì tôi vừa làm vừa chăm chỉ học. Nhờ làm việc chăm chỉ nên tôi được lên làm chức quản lý cấp trung trong xưởng và lương được tăng từ 30.000 - 40.000 won lên 120.000 won.
Lúc đó, tôi suy nghĩ rất nhiều. Lúc tôi học lớp 10 thì các bạn bằng tuổi đang tính xem nên vào học chuyên ngành nào ở đại học. Tới lúc đó tôi vẫn chưa có ý định vào đại học.
Nhưng khi lên lớp 11 thì tôi cũng muốn được trải nghiệm cuộc sống của sinh viên đại học như bạn bè. Và tôi đã ra quyết định phải vào đại học. Lúc đó, các em tôi cũng học xong cấp một và có thể giúp được việc nhà nên tôi cũng thấy có chút yên tâm. Nhưng tôi không thể vừa làm 12 tiếng một ngày và vừa học thi đại học được. Tôi gửi hết tiền để dành về cho mẹ và bắt đầu tìm công việc có thể làm buổi sáng và học buổi chiều nhưng điều đó hoàn toàn không dễ dàng.
Lúc đó, anh họ làm ở đài truyền hình kêu tôi đi bán báo ở bến xe buýt liên tỉnh ở Bulkwang-dong. Lúc đầu, tôi thấy trước mắt mình mù mịt nên không đủ can đảm để quyết định làm việc đó. Nhưng tôi không tìm được việc nào làm buổi sáng và học buổi chiều. Không còn cách nào khác để được đi học nên tôi đánh liều. Báo tuần 1 tờ 80 won, báo thể thao 1 tờ 100 won, nếu tôi bán được 1 tờ thì lời được 20 won. Ban đầu tôi không thể mở miệng rao với những người khác đang chờ xe: “Mua báo đi, báo tuần 80 won, báo thể thao 100 won, mua báo đi…” Nhưng nhờ giống mẹ có duyên buôn bán nên tôi bán rất chạy.
Tôi bán báo từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều nhưng có điều bất ngờ xảy ra. Hồi làm ở nhà máy dệt 12 tiếng chỉ được 120.000 won một tháng nhưng từ khi bán báo, ngày chỉ có 8 tiếng mà một tháng kiếm được bình quân 150.000 won có tháng bán chạy thì được 200.000 won. Lúc đó, trong số những khách hàng mua báo chắc không ai nhớ tôi tên “thằng bán báo Park Young Ok” đâu. Nhưng mà tôi muốn chuyển lời cảm ơn đến vị khách nào đã mua báo của tôi 80 won nhưng cho tôi 20 won tiền thối để khích lệ. Tôi nghĩ chắc vị khách ấy không thấy phiền vì phải nhận lại tiền thối 20 won mà mong muốn giúp chút gì cho một thằng bé nghèo chăm chỉ bán báo như tôi. Lúc đó, tôi thấy biết ơn vô cùng và luôn giữ trong lòng sự biết ơn đó đến tận bây giờ.
Sau khi đi bán báo về thì tôi tới trung tâm luyện thi để học. Để tiết kiệm tiền học phí, tôi đã làm phụ tá ở đây. Nhờ vậy mà những lời thầy dạy tôi đều nghe hiểu cả. Có nhiều người nói: “Chuyện học dễ như chơi”. Lúc đó tôi thấy chuyện học thật là thú vị. Tôi cảm thấy tiếc nuối tại sao mình không tìm học ở những trung tâm như thế này sớm. Vì sự tiếc nuối đó nên tôi đã chăm chỉ học không bỏ sót một giây nào.
Nhưng khi tôi lên lớp 12 thì đã 21 tuổi, vì thế phải giải quyết vấn đề đi bộ đội. Tôi tìm xem có giải pháp nào để vừa học đại học mà vừa có thể giải quyết vấn đề này hay không. Cuối cùng tôi quyết định đi học ở trường sư phạm hoặc trường sĩ quan. Và tôi nhanh chóng thi đậu vào trường sĩ quan hải quân.
Vừa mơ tưởng đến việc vừa được học, vừa được hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sau đó tốt nghiệp ra trường sẽ trở thành tướng và sống một cuộc đời thật vinh quang. Tôi đến trường phỏng vấn. Nhưng khi phỏng vấn, tôi đã gặp một vấn đề mà tôi không hề nghĩ ra. Tôi thì thích được tự do, tự chủ trong công việc còn ở trong quân đội thì phải theo hệ thống phục tùng mệnh lệnh nên không thích hợp với tôi.
Vì thế, tôi nộp hồ sơ qua trường sư phạm nhưng năm đó chính sách thay đổi nên trường sư phạm chuyển từ hệ hai năm lên hệ bốn năm. Để trở thành một giáo viên, tôi phải học những bốn năm nên tôi không thể chờ đợi được. Đó là lý do tôi từ bỏ luôn trường sư phạm. Vì tôi phải lo cho các em và phải độc lập về mọi thứ nên tôi không có thời gian. Tôi muốn học nhanh rồi đi kiếm tiền.
Cuối cùng, tôi được vào học khoa quản trị kinh doanh của trường Đại học Chungang. Tôi được nhận học bổng không phải đóng học phí và còn được nhận 100.000 won sinh hoạt phí mỗi tháng. Lúc đó, tôi mới biết được rằng trên đời này có chuyện những người công nhân làm đến kiệt sức trong nhà máy chỉ được 120.000 won một tháng, trong khi một cậu sinh viên đi học không những được “miễn phí” mà còn được 100.000 won để chi tiêu. Vì không đóng học phí nên tôi dùng chữ “miễn phí” chứ tôi không nghĩ nó tự nhiên từ trên trời rơi xuống.
Tiền đó là tiền mà cuộc đời đã cho tôi và tôi phải luôn luôn biết ơn cuộc đời này. Và tôi ước sẽ làm được điều gì đó để đền ơn cuộc đời. Có thể hạt mầm trong triết lý đầu tư chứng khoán và cuộc sống của tôi đã hình thành từ đây.
BƯỚC VÀO THẾ GIỚI CHỨNG KHOÁN
Từ lúc làm ở nhà máy, tôi có một ước mơ. Đó là trở thành xưởng trưởng. Tôi xem cái chức xưởng trưởng mà tôi biết trong lúc làm ở nhà máy dệt là nghề nghiệp cao quý nhất trên đời. Xưởng trưởng là một người rất nhạy bén, nắm bắt trong tay tất cả mọi việc diễn ra trong nhà máy và có thể điều khiển tất cả các công đoạn và máy móc phức tạp. Tôi muốn sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sẽ vào làm xưởng trưởng ở những công ty như Samsung, Hyundai, LG. Tôi nhớ lúc đó tôi quan tâm và học rất nhiều về quản lý sản xuất và tính toán giá thành sản phẩm.
Vì muốn giải quyết vấn đề đi bộ đội nên sau khi học được một học kỳ, tôi quyết định nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, tôi đã tập trung cao độ vào học. Vừa sống ở ký túc xá vừa chăm chỉ học để thi chứng chỉ kế toán nhưng vì rào cản về tiếng Anh nên tôi bị trượt hai lần. Vào học kỳ hai của năm thứ ba, nhờ lời khuyên của giáo sư hướng dẫn mà tôi thi lấy chứng chỉ phân tích chứng khoán. Lúc ấy là tháng 9 năm 1987, kinh tế Hàn Quốc bắt đầu khởi sắc, phong trào chứng khoán bắt đầu nổi lên. Những người có tiền, có “quen biết” và có năng lực bắt đầu đổ xô đi làm chứng khoán. Giáo sư cho tôi xem đề thi nhưng tôi thấy không khó lắm. Có nhiều câu hỏi trùng với những câu hỏi tôi học để thi chứng chỉ kế toán. Tháng 12 năm đó, tôi thi đỗ. Và tôi cũng không ngờ là việc thi đỗ đó đã làm cho cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi. Trong khi học quản trị kinh doanh thì tôi có quan tâm đến chứng khoán nhưng tôi không hề xem đó là lĩnh vực để dốc toàn tâm sức.
Lúc đó có 41 người thi đậu kỳ thi phân tích chứng khoán nhưng chỉ có ba người là sinh viên. Ước mơ của chàng thanh niên muốn trở thành xưởng trưởng trong nhà máy hay chủ sở hữu của một nhà máy đã hoàn toàn thay đổi sau khi thi đậu kỳ thi phân tích chứng khoán. Nhờ thi đậu nên tôi được làm với tư cách là sinh viên chuyên ngành ở Viện Nghiên cứu Đầu tư Hyundai. Tại thời điểm đó, Viện Nghiên cứu Đầu tư Hyundai là nơi phát hành và giảng dạy những bài giảng về đầu tư liên quan đến đầu tư chứng khoán.
Giám đốc Viện là ông Cho Seung Je phỏng vấn tôi. Ông ấy bảo rằng để đưa người từ trong nhà nước ra làm cũng khó và ông cũng cần một góc nhìn mới của sinh viên nên đã nhận tôi vào làm việc. Tôi cảm thấy thích cách tư duy đó nên đã vào làm việc với vai trò là nghiên cứu viên. Đọc tới đây có thể độc giả sẽ trầm trồ vì mới thi đậu chứng chỉ kỳ thi phân tích chứng khoán đã được nhận vào viện nghiên cứu làm nghiên cứu viên rồi. Nhưng thời đó thì ở các viện nghiên cứu rất cần người có chứng chỉ phân tích chứng khoán nhưng số người để có thể tuyển vào không nhiều. Số người có chứng chỉ thì thiếu trầm trọng vì người có chứng chỉ thì lại vào làm ngân hàng hoặc nhân viên công ty chứng khoán cả rồi. Ai có chứng chỉ cũng muốn vào công ty chứng khoán làm chứ ít người muốn vào viện nghiên cứu để làm việc. Năm 1987, thị trường chứng khoán của Hàn Quốc bắt đầu khởi sắc và những nhân tài ưu tú cạnh tranh nhau để vào các công ty chứng khoán. Những năm 1988 và 1989, nhân viên công ty chứng khoán được các bậc cha mẹ có con gái ưu tiên chọn làm rể. Trong hoàn cảnh như thế nên làm việc ở viên nghiên cứu chứng khoán lại là cơ hội tốt cho một sinh viên như tôi.
Từ lúc bắt đầu vào viện nghiên cứu làm việc, tôi mới thật sự học nghiêm túc về chứng khoán. Dù tôi chỉ làm ở đó 11 tháng nhưng những điều tôi học được nhiều hơn 10 năm làm việc tại các công ty chứng khoán. Viện nghiên cứu của tôi là nơi đầu tiên phát hành tờ tuần báo T hông tin chứng khoán và nguyệt san T hông tin chứng khoán nên tôi vừa là nghiên cứu viên, vừa là chuyên viên phân tích đầu tư và vừa là nhà báo về chứng khoán nữa. Nhờ cơ hội tìm viết bài triển vọng của chính sách nhà nước về thị trường chứng khoán Hàn Quốc mà tôi cũng được phỏng vấn hai vị tổng thống.
Để có thể đưa tin về tình hình thị trường và những danh mục sản phẩm được yêu thích, tôi phải học rất nhiều. Mặc dù biết rõ rằng: “Tất cả mọi trách nhiệm của việc đầu tư thuộc về nhà đầu tư” nhưng việc phân tích, đưa ra triển vọng và cung cấp thông tin mỗi tuần không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn làm một cách tốt nhất. Chính nhờ sự tâm huyết như thế nên tôi cần phải học nhiều hơn và nghiên cứu nhiều hơn. Tình hình thị trường chứng khoán luôn thay đổi vì nhiều yếu tố bất ngờ nên có nhiều khi phải chỉnh sửa lại nội dung trước khi phát hành. Vì thế, những ngày tôi ngủ ở văn phòng hay ở nhà in nhiều hơn ngủ ở nhà. Nhờ vậy mà tôi nắm được nền tảng về cổ phiếu.
Dù như thế nhưng tôi không nghỉ học ở trường ngày nào cả. Vì nếu không được điểm B+ thì không có học bổng. Tháng 10 năm 1988, sau 10 tháng làm việc ở viện nghiên cứu, tôi đã đi khắp cả nước để giải thích về đầu tư. Một buổi giảng là 50.000 won một người nhưng khán phòng nào cũng đầy ắp người. Lúc ấy, cơn sốt chứng khoán nổi lên khắp nơi nên đi đâu cũng được nghênh đón. Nhưng ở tuổi 20 mà đứng giảng trước nhiều người quả là điều không dễ dàng chút nào. Trong số khán giả đang ngồi bên dưới, có những người có kiến thức và trải nghiệm còn nhiều hơn tôi. Lúc đầu, tôi không nhìn rõ được nội dung bài giảng của tôi nữa. Vì đúng là giấy trắng, mực đen. Nghĩa là trên giấy trắng toàn là chữ đen. Tôi bị hỏi nhiều lắm. Có những người bị thất bại đau thương vì chứng khoán cũng có đặt câu hỏi nhưng tôi cũng không nhớ đã trả lời như thế nào nữa. Nhưng ông giám đốc viện động viên rằng tôi trả lời tốt lắm.
Trong quá trình hỏi đáp, tôi nhận ra rằng về mặt lý thuyết thì tôi có thể tốt hơn người khác nhưng về mặt kinh nghiệm đầu tư thực tế thì tôi không có. Khi tôi đi Busan, có một giáo sư nhờ tôi làm một tài liệu giúp ông và đó là cơ hội để tôi quyết định nghỉ làm ở viện nghiên cứu. Tôi cũng không nhớ ông ấy đã nhờ tôi làm gì nhưng điều quan trọng là tài liệu đó không thể tìm thấy ở viện nghiên cứu tôi đang làm. Tôi lục tìm hết tất cả nguồn tài liệu có ở viện nhưng chỉ có những tài liệu liên quan đến lý thuyết chứ không có tài liệu nào hấp dẫn cả.
Nói như thế không có nghĩa là những gì tôi đăng trên báo tuần về thông tin thị trường chứng khoán và nội dung bài giảng của tôi bị sai. Nhưng tôi không thể dùng những tài liệu mang tính lý thuyết để chia sẻ với mọi người mãi. Điều đó giống như chiếc xe bị mất một bánh. Và tôi cảm thấy mình cần phải lăn xả vào thị trường đầu tư chứng khoán thực tế. Sau chuyến đi giảng toàn quốc về, tháng 12 năm 1988, tôi quyết định vào làm ở công ty C hứng khoán Daeshin.
ĐÔI CÁNH GIANG RỘNG TRONG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN KHẮC NGHIỆT
Khi tôi vừa chuẩn bị vào làm công ty Chứng khoán Daeshin (Đại Tín) thì có một đề nghị vào làm việc tại một công ty chứng khoán lớn khác tên là công ty chứng khoán H. Nhưng tôi vẫn quyết định chọn vào làm công ty Chứng khoán Daeshin vì tôi muốn trải nghiệm từ dưới đi lên. Một phần cũng nhờ mẩu quảng cáo trên tivi. Cứ tới giờ thời sự thì ti vi lại chiếu mẩu quảng cáo về công ty Chứng khoán Daeshin. Vì thế, tôi nghĩ công ty Chứng khoán Daeshin là công ty chứng khoán tốt nhất.
Tôi không phải là một lính mới rụt rè và dễ thương. Thường những người mới vào làm việc thì chỉ lo nghe điện thoại hoặc làm những việc mà người cũ sai vặt. Nhưng tôi tập trung vào sale. Dù tôi chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng tôi có những kiến thức được tích lũy khi làm việc ở viện nghiên cứu và mối quan hệ có được trong khi làm việc nên tôi đã đạt thành tích cao hơn cả những anh chị làm lâu năm. Trong thời gian đi làm, tôi không bao giờ làm việc với thái độ chờ tới tháng lãnh lương mà tôi luôn làm việc như đó chính là công việc kinh doanh của mình. Tôi luôn nỗ lực làm việc tốt nhất để công ty cũng được lợi mà tôi cũng được lợi. Đó là lý do tôi làm việc với tất cả niềm đam mê và tạo ra được nhiều thành tích.
Nhưng lòng người thì không có cái gì mà thỏa mãn 100% được, có những lúc tôi cũng cảm thấy hối hận. Những lúc nhân viên cấp dưới làm việc ở viện nghiên cứu hỏi: “Sao anh lại làm việc vất vả ở đây như thế này?” thì tôi lại tiếc: “Giá như hồi đó mình vào công ty H thì bây giờ đâu phải làm việc như thế này nhỉ?”. Nhưng tôi nhanh chóng chấn chỉnh rằng lương hay thăng chức không quan trọng mà quan trọng là thành quả công việc tôi làm ra và nếu tôi nỗ lực thì kết quả sẽ xứng đáng với những gì tôi bỏ ra.
Khi mới vừa vào làm công ty Chứng khoán Daeshin thì tôi cũng vào học cao học tại khoa Quản trị Kinh doanh Quốc tế trường Đại học Chungang. Tôi muốn học thêm về thị trường vốn. Trong khi làm việc ở công ty, tôi chính thức học về thị trường đầu tư chứng khoán của Hàn Quốc và phân tích về hành vi đầu tư của các nhà đầu tư trong thị trường.
Tôi đã viết luận văn tốt nghiệp với chủ đề “Nghiên cứu và tính hữu dụng của các chỉ số mang tính kỹ thuật trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc”. Lúc tôi mới bước chân vào thị trường chứng khoán, tôi cũng tin tưởng hoàn toàn vào các chỉ số mang tính kỹ thuật để tồn tại trong một hệ thống đầu tư chứng khoán mua đi bán lại một cách ngắn hạn.
Khi tôi quyết định vào làm ở công ty chứng khoán, tôi đã lên kế hoạch đầu tư dài hạn. Đầu tiên, tôi làm việc khoảng 4~5 năm ở tại công ty chứng khoán từ vị trí tư vấn viên lên đến chuyên viên quản lý quỹ và sau đó, tôi tự tạo ra quỹ cho riêng mình. Không biết có phải do tôi nỗ lực hết mình hay không mà thành quả đầu tư rất tốt, đến năm thứ tư thì tôi được mời làm chuyên gia tư vấn đầu tư quốc tế. Với vai trò là chuyên gia tư vấn đầu tư quốc tế, tôi đã phụ trách việc quản lý nguồn vốn và quản lý nguồn quỹ của ngân hàng.
Tôi đạt thành quả xuất sắc nhất trong số 13 chuyên gia tư vấn quỹ cho ngân hàng Thương nghiệp Hàn Quốc. Sau ba năm, tôi chuyển sang làm ở công ty Chứng khoán Kyobo với vai trò là trưởng phòng điều hành và phát triển sản phẩm.
Lúc đó có bốn trưởng phòng được mời về làm ở phòng điều hành cổ phiếu công ty Chứng khoán Kyobo. Nguồn vốn vận hành (working assets) trên giá cổ phiếu khoảng 100 tỷ won và giá trị định giá (evaluated price) là khoảng 50 tỷ won. Không có vốn nào có thể điều hành một cách tự do và phương thức điều hành cũng không được thoải mái.
Sau đó, công ty Chứng khoán Kyobo đã tăng vốn thêm 20 tỷ won nữa. Bốn trưởng phòng mỗi người phải đảm nhiệm vận hành nguồn vốn khoảng 5 tỷ won. Nhưng sau ba tháng thì tỷ lệ lợi nhuận khác nhau hoàn toàn.
So với việc tôi tạo ra được nguồn lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ won thì cũng có người đã bị lỗ. Dù đầu tư trong cùng một điều kiện và thời gian như nhau nhưng kết quả thì một trời một vực. Tuy nhiên, tôi cũng không hài lòng lắm do quy mô công ty thì nhỏ và tôi không được tự do quyết định. Điều mà tôi mong muốn ở một công ty chứng khoán không phải là vận hành cổ phiếu. May lúc đó có sự di chuyển nhân sự nên tôi được về làm ở chi nhánh quận Sadang. Lúc đi đến chi nhánh Sadang, tôi nghĩ mình đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt. Vì lúc đó chi nhánh này xếp hạng chót trong tất cả các chi nhánh. Thành tích vận hành vốn của tôi tốt nên cấp trên muốn tôi thay đổi diện mạo của chi nhánh này. Khi tôi về chi nhánh Sadang thì đã có ông trưởng chi nhánh Kim Young Seon rồi. Nhờ có ông mà giá trị đích thực của tôi mới được phát huy hết. Tôi cùng với ông Kim làm việc hết lòng trong suốt 3 năm, cuối cùng thì một chi nhánh hạn chót đã trở thành một chi nhánh ưu tú nhất. Và tôi cũng được nhận bằng khen “Chuyên viên ưu tú”.
Tháng 9 năm 1997, ở tuổi 38, tôi được cử về làm giám đốc chi nhánh Apgujeong. Sau này tôi mới biết 100% thành viên hội đồng quản trị đã tán thành tôi về chi nhánh này khi vừa mới đưa ra bàn.
Nhìn lại quãng đời đã qua, tôi thấy rằng suốt bốn năm học đại học, tôi được nhận học bổng, thời còn là sinh viên thì thi đậu kỳ thi chuyên viên phân tích chứng khoán, được tuyển vào làm việc khi còn là sinh viên, những năm mới ra trường đã được nhiều nơi mời gọi và kết quả công việc luôn ở mức cao.
Tất cả những điều đó nghe thì đơn giản nhưng không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, dù thân thể có vất vả nhưng tôi không thấy tâm mình mệt mỏi. Vì tất cả những gì tôi lên kế hoạch hầu như đều đạt được. Bạn bè, đồng nghiệp ngưỡng mộ tôi. Vì thế, chắc khi đó tôi cũng có chút kênh kiệu lắm.
Và may mắn, rất may mắn là tôi đã bị thất bại nặng nề. Nếu không có thất bại đó chắc không có tôi của ngày hôm nay. Khi tôi được cử về chi nhánh Apgujeong chưa được bao lâu thì khủng hoảng kinh tế xảy ra. Như đã nói ở phần đầu thì giai đoạn này mọi người chủ yếu đầu tư ngắn hạn. Do đó, tôi mới ngộ ra một sự thật rằng đầu tư ngắn hạn là một phương thức đầu tư khó tránh được thất bại.
Và tôi hiểu ra được một nguyên lý về những chỉ số mang tính kỹ thuật mà tôi đã một thời tin tưởng hoàn toàn chỉ hữu ích một phần, đó chỉ là một cái bóng giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch mỗi cổ phiếu mà thôi. Tôi ngộ ra được rằng giá cổ phiếu lên xuống tùy thuộc vào giá trị nội tại của doanh nghiệp.
KIÊN ĐỊNH VỚI TRIẾT LÝ ĐẦU TƯ NHƯ MỘT NHÀ NÔNG
Trong tất cả các tổ chức, khi lên chức càng cao thì việc quản lý con người nhiều hơn là nghiệp vụ đơn thuần. Giám đốc chi nhánh của công ty chứng khoán là người quản lý cao nhất ở chi nhánh nên việc quản lý nhân viên trở thành công việc chính. Tuy nhiên, tôi thì lại thích chăm sóc và quản lý tài sản vốn của khách hàng hơn là quản lý nhân viên. Nếu tôi có ý định làm việc suốt đời tại công ty chứng khoán thì đương nhiên tôi phải quản lý nhân viên. Nếu tôi muốn thì không có gì là không thể. Nhưng động cơ mà tôi vào làm ở công ty chứng khoán là để điều hành và quản lý vốn. Vì thế, công việc giám đốc chi nhánh không phải là vai trò mà tôi thích.
Hơn thế nữa, khi làm Giám đốc chi nhánh Apgujeong giống như việc tôi đang đi trên tảng băng vậy. Thời đó thị trường chứng khoán của Hàn Quốc đang ở trong tình hình khủng hoảng chưa từng có trước đó. Lương của một số nhân viên kinh doanh ở chi nhánh bị nợ. Lương bị nợ nên đời sống của nhân viên gặp khó khăn và nhiều tiêu cực xảy ra. Tôi vừa phải lo tìm những đối sách với thị trường chứng khoán đang đi xuống và vừa phải lo sợ tiêu cực xảy ra trong nhân viên nên không thể tập trung vào công việc được.
Tôi muốn làm việc đầu tư và giúp khách hàng đầu tư tạo ra tiền. Đầu tư là việc phù hợp với sở trường của tôi và là việc tôi rất muốn làm. Vì thế, tôi đã đề nghị thuyên chuyển công tác nhưng không được công ty chấp nhận. Một thời gian sau, tôi lại tiếp tục đề xuất và lại tiếp tục bị từ chối. Sau ba lần kiên trì đề nghị thì cuối cùng tôi cũng được cử về bộ phận kinh doanh của công ty mẹ.
Việc đòi thuyên chuyển công tác là do tôi muốn nhưng tôi không muốn về bộ phận kinh doanh của công ty mẹ. Tôi chỉ muốn một người khác về chi nhánh làm giám đốc quản lý còn tôi thì xuống làm trưởng phòng kinh doanh. Dù là hạ một bậc chức vụ nhưng tôi không quan tâm.
Tuy nhiên, lập trường của công ty mẹ thì khác. Công ty mà cho tôi xuống chức trưởng phòng ở chi nhánh Apgujeong thì không hợp lý. May là lúc đó anh giám đốc chi nhánh ở Sadang, người đã từng làm việc với tôi, lúc đó đang là Trưởng ban kinh doanh của công ty mẹ nên anh ấy muốn tôi về làm việc chung với anh ấy. Đó là vào tháng 5 năm 1998.
Được làm việc ở Ban kinh doanh nên tôi có thể tập trung làm những gì tôi muốn làm. Tôi không cần phải quản lý con người, không cần phải sắp xếp thủ tục hồ sơ hành chính. Thời điểm đó, tôi bắt đầu thay đổi phương thức tiếp cận doanh nghiệp.
Nếu trước đây chỉ lo tập trung vào số lượng doanh nghiệp tiếp cận thì từ lúc đó tôi chuyển sang phương thức tập trung chất lượng tiếp cận doanh nghiệp. Dù tiếp cận một doanh nghiệp đi chăng nữa nhưng dựa trên quan điểm cùng doanh nghiệp đi đường dài nên tôi đã gặp gỡ ban quản trị của doanh nghiệp với một tâm thế họ chính là khách hàng thân thiết của tôi.
Việc tiếp cập doanh nghiệp một cách chân thành như thế là một trong những yếu tố then chốt tạo nên những thành quả của tôi. Những thông tin doanh nghiệp dựa trên hồ sơ chỉ là một phần nào đó thôi. Và tôi không thể tư vấn cho khách của tôi đầu tư cổ phiếu của doanh nghiệp mà tôi không biết rõ về họ.
Thị trường chứng khoán đổ dốc liên tục đến cuối năm 1999 thì hồi phục lại. Có cổ phiếu đã tăng hơn trước gấp nhiều lần. Càng nỗ lực làm việc thì thành quả lại càng cao và càng như thế thì tôi lại càng hứng thú làm việc. Tôi làm việc hào hứng như thế được một năm thì lại có lệnh điều về làm giám đốc chi nhánh.
Tôi thường phải mời cơm những giám đốc chi nhánh. Không phải vì tôi giàu hơn họ mà tôi hiểu rõ hoàn cảnh của họ. Thời tôi làm giám đốc chi nhánh chưa bao giờ tôi đưa đủ lương cho vợ. Vì tôi phải dùng vào việc sống xứng tầm với vị trí của giám đốc chi nhánh, phải mời cơm nhân viên vân vân và vân vân.
Mỗi lần gặp bạn bè thì các bạn lại trêu: “Giám đốc phải thiết đãi mọi người chứ”. Không phải tôi không thích điều đó nhưng tôi có nhiều tháng bị âm lương. Vì vậy, vợ tôi phải đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình.
Điều đáng ngạc nhiên là nhân viên công ty chứng khoán ít có người giàu. Nghĩ kỹ thì thấy một việc rất lạ. Những người luôn giới thiệu với người khác những công ty tốt để cho khách đầu tư mà chính bản thân họ không giàu, quả thật là một điều khó hiểu. Hiện tượng này tập trung vào đầu tư ngắn hạn. Đầu tư ngắn hạn thì trong 10 lần trúng lớn nếu có một lần sai lầm thì xem như trắng tay.
Do đã có nhiều trải nghiệm khó khăn nên tôi không muốn mất thời gian vì những công việc quản lý nữa. Như vậy đã đủ với tôi rồi. Hơn nữa nếu tôi làm việc ở chi nhánh thì sau khi thất bại, tôi không thể giữ những nguyên tắc mà mình đã đề ra. Đó là phải có tư duy đầu tư cổ phiếu là một công việc kinh doanh và phải đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp. Điều đó là nguyên tắc và là đáp án đúng cho việc đầu tư chứng khoán. Nếu muốn đầu tư dài hạn thì phải có lòng tin vào doanh nghiệp. Muốn có lòng tin vào doanh nghiệp thì cần phải không ngừng giao tiếp với doanh nghiệp. Nếu không làm thế thì không thể tin và chờ được. Nếu tôi quay về làm quản lý ở chi nhánh thì tôi sẽ không có thời gian tiếp cận với doanh nghiệp và như thế thì tôi không thể chọn đáp án đúng mà toàn chọn đáp án sai.
Đơn từ chức của tôi nhiều lần bị từ chối nên tôi dùng chiến lược “chạy trốn” rồi tính sau. Và cơ hội đã đến. Tôi đã chuyển qua công ty đầu tư chứng khoán Samsung làm ủy viên tư vấn đầu tư không được bao lâu thì thảm họa tòa tháp đôi ở Mỹ bị đánh bom. Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ kéo theo thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng sụp đổ. Lúc đó, tôi nghỉ việc làm ủy viên tư vấn chứng khoán và mua lại cổ phiếu của những doanh nghiệp mà tôi đồng hành với họ trong thời gian qua rồi nằm yên chờ đợi. Tôi nhìn thấy rõ tương lai phía trước. Tình hình sẽ được hồi phục giống như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Đây không phải là vấn đề của doanh nghiệp mà là do vấn đề bên ngoài, vì thế chắc chắn tình hình sẽ hồi phục lại. Những doanh nghiệp không có tiềm năng thì có thể bị sụp đổ nhưng với những doanh nghiệp mà tôi quan sát trong một thời gian dài thì nhất định sẽ hồi phục. Và dự đoán của tôi đã chính xác 100%. Thời gian trôi qua, giá cổ phiếu mà tôi mua rẻ dần dần quay về chỗ cũ. Nhưng tôi đã không bán đi. Sau một vài năm thì những doanh nghiệp mà tôi đầu tư đã phát triển tăng vọt và giá cổ phiếu tăng gấp 2, 3 lần.
Giờ thì tôi lại có cơ hội chia sẻ với độc giả rằng nên mua cổ phiếu trong tình trạng như thế nào, nên bán vào thời kỳ nào. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là mua đi bán lại trong nhất thời để kiếm lời mà là phải tập trung vào sự gia tăng của giá trị doanh nghiệp và giá cổ phiếu tăng theo giá trị của doanh nghiệp. Giá trị của một doanh nghiệp không thể được xây dựng trong một sớm một chiều. Cần sự nỗ lực và thời gian. Bạn phải biết chờ đợi thời gian và nếu muốn chờ thì phải có lòng tin vào doanh nghiệp.