ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN, NHỮNG LÝ DO KHIẾN NÓ KHÔNG PHẢI DỄ ĂN
Theo tôi, hiện nay trong xã hội chỉ có hai kiểu người. Một là kiểu người quan tâm và đầu tư chứng khoán. Hai là kiểu người không đầu tư chứng khoán. Kiểu người không đầu tư chứng khoán là vì họ sợ thất bại. Và vì thế họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để có thể được tự do tài chính.
Bất kỳ ai trong chúng ta chỉ cần đóng một ít lệ phí và thuế giao dịch thì có thể trở thành chủ của doanh nghiệp. Bạn sẽ đứng ở vai trò đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và bạn có thể cùng tận hưởng những “trái ngọt” từ sự tăng trưởng đó. Chúng ta đang nhường những cơ hội trước mắt cho người khác và những người nước ngoài thông thái.
Trong số những nhà đầu tư chứng khoán, có những người “cao thượng và dũng cảm”. Cái mà họ biết về chứng khoán so với những người không đầu tư chẳng có gì khác biệt cả. Và họ cứ đi nghe người khác đồn đại và đầu tư, hay là với mớ kiến thức ít ỏi, họ “quăng” cả tài sản của mình vào để đầu tư. Có người mua một cái ti vi thì đắn đo, chọn lựa, còn mua chứng khoán thì chỉ nghe lời người khác chỉ bảo và bỏ ra hàng chục triệu, hàng trăm triệu để đầu tư. Họ làm vậy nên bị thất bại thảm hại và khẳng định rằng: “Thề sẽ không bao giờ nói về chứng khoán nữa”.
Người không đầu tư chứng khoán là người bỏ lỡ nhiều cơ hội. Ngược lại những người đầu tư chứng khoán mơ hồ là những người “ném tiền” cho người khác muốn làm gì thì làm. Bạn nhất định phải đầu tư chứng khoán nhưng tuyệt đối bạn không được xem nhẹ việc này. Bạn phải học nhiều thứ và phải cân nhắc nhiều thứ. Điều cơ bản bạn cần biết là nguyên lý vận hành của thị trường chứng khoán. Bạn phải biết rõ về cơ cấu tài chính, mô hình kinh doanh, tỉ suất lợi nhuận trên giá cổ phiếu (P/E) và tổng thể của doanh nghiệp. Có nhiều người đầu tư thậm chí lao thẳng vào thị trường mà không hề có một sự chuẩn bị kỹ về những điều cơ bản này.
Tất cả những tài liệu mang tính khách quan có liên quan đến mô hình kinh doanh, tỉ suất lợi nhuận trên giá cổ phiếu, cơ cấu tài chính của bất cứ doanh nghiệp nào đều có sẵn ngoài thị trường. Có thể mỗi người sẽ có sự đánh giá khác nhau nhưng nhìn chung những nội dung trên đều được chia sẻ rộng rãi. Chỉ cần vào Internet là có thể tìm được bất cứ tài liệu nào. Tuy nhiên nếu chỉ cần tìm hiểu về những tài liệu khách quan được công bố thì việc đầu tư chứng khoán quả thật là rất dễ dàng. Chúng ta nhất định cần phải biết về những thông tin khách quan nhưng chỉ với những thông tin đó thôi thì không thể thành công trong đầu tư chứng khoán được.
Điều mà nhà đầu tư cần phải nắm bắt ngoài những dữ liệu mang tính khách quan đó là tâm thế của người điều hành doanh nghiệp. Từ hồi nào tới giờ, tôi chỉ được biết rằng trong lịch sử có những vị tướng soái giỏi đã điều binh khiển tướng tốt và giành chiến thắng chứ tôi chưa bao giờ nghe nói có một ông tướng soái bất tài vô dụng, sống bê tha mà giành được chiến thắng cả. Dù vị tướng soái đó có đầy đủ lực lượng quân binh hùng mạnh nhưng tài chỉ huy không tốt thì cũng khó mà chiến thắng được. Tầm quan trọng của nhà lãnh đạo chính là đây.
Có những doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản nhưng khi có một nhà lãnh đạo mới thì đã vực dậy và vươn cao. Ngược lại có những doanh nghiệp đang ăn nên làm ra nhưng khi có một nhà lãnh đạo mới lên kế thừa thì lại đi xuống. Vì vậy nên trong giới chứng khoán thường hay nói “giá cổ phiếu nhà lãnh đạo”.
Bạn không nên xem nhà điều hành doanh nghiệp đơn thuần chỉ là người thủ lĩnh của doanh nghiệp mà bạn đầu tư. Bạn phải xem rằng họ là người điều hành thay cho bạn trong cái doanh nghiệp mà bạn đầu tư. Họ là người cùng hợp tác làm ăn chung với bạn.
Trong số các độc giả đang đọc quyển sách này, có người sẽ phản bác rằng để đầu tư thì năng lực lãnh đạo doanh nghiệp của nhà điều hành quan trọng chứ việc gì phải xem xét đến tâm thế của họ. Đúng rồi. Năng lực lãnh đạo rất quan trọng. Nhưng thử nghĩ xem họ là một người có cuộc sống cá nhân rất bê tha thì chuyện gì sẽ xảy ra? Người ta bảo rằng đi đêm lắm có ngày gặp ma, nếu họ luôn duy trì một lối sống tiêu cực thì có ngày cũng sinh chuyện.
Có người thì dùng mọi thủ đoạn để giảm lợi nhuận công ty xuống. Lý do thì nhiều nhưng có nhiều trường hợp là họ muốn tránh không trả cổ tức cho nhà đầu tư. Cũng có người dùng tiền lợi nhuận của công ty để mua thêm cổ phiếu của công ty và tăng số vốn nắm giữ của mình trong công ty. Những trường hợp như thế họ đang vì lợi ích cá nhân chứ không phải vì lợi ích của nhân viên hay của nhà đầu tư. Nếu người hợp tác đầu tư với bạn bảo rằng đầu tư thì đầu tư chung, còn lợi nhuận thì họ hưởng, thì bạn có đồng ý không? Chắc chắn là không có chuyện đó đúng không?
Chúng ta không thể biết lòng người chỉ trong vài tháng mà cần một sự quan tâm, theo dõi và giao tiếp thường xuyên. Ít nhất cũng đồng hành khoảng ba, bốn năm mới có thể hiểu được tâm thế của nhà điều hành doanh nghiệp. Trong khi đồng hành cùng doanh nghiệp, tôi luôn tìm cơ hội gặp gỡ nhân viên công ty, gặp ban giám đốc, gặp người chủ doanh nghiệp để hỏi và nghe trả lời.
Những gì tôi hỏi họ không phải là “thông tin nội bộ” mà là những câu hỏi rất thông thường. Có khi tôi gọi điện cho nhân viên và hỏi: “Lúc này sếp các anh thế nào?” hay là gọi cho người điều hành doanh nghiệp và bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi: “Lúc này anh thế nào?” Thông qua những điều như vậy và đồng hành cùng doanh nghiệp chừng ba, bốn năm thì có thể biết được doanh nghiệp đang đi về đâu, tư duy của nhà lãnh đạo như thế nào.
Như tôi đã đề cập ở phần đầu, chỉ có đầu tư dài hạn mới có đáp án đúng. Nếu bạn đồng ý với tôi thì nhất định bạn phải có niềm tin vững chắc vào nhà điều hành doanh nghiệp trước khi bạn quyết định đầu tư. Vì bạn làm sao có thể đồng hành với một người mà bạn không tin tưởng, làm sao mà bạn có thể đi xa cùng họ trong một thời gian dài? Với vai trò của những nhà đầu tư thông thường thì việc gặp nhà điều hành doanh nghiệp không phải là chuyện dễ.
Nhưng có một cách khác. Bạn có thể gọi điện cho người phụ trách cổ phiếu của công ty và hỏi thăm: “Tôi là cổ đông đây, tình hình công ty lúc này thế nào?” Nếu chỉ gọi hỏi một lần thì không thể biết được rõ nhưng cứ gọi hỏi thường xuyên thì bạn có thể đọc được bầu không khí ở công ty qua giọng nói của người phụ trách cổ phiếu.
Nếu bạn nỗ lực hơn chút nữa thì bạn có thể làm thân với người phụ trách cổ phiếu của công ty. Họ là nhân viên của công ty đang kinh doanh thay bạn, nói cách khác là nhân viên của bạn. Vì vậy nên bạn quan tâm đến họ, đãi họ ăn cơm là chuyện bình thường. Những thành quả mà họ nỗ lực để làm ra chắc chắn cũng sẽ quay về với bạn. Việc hiểu được lòng dạ của nhà điều hành doanh nghiệp là một trong những điều khó nhất trong đầu tư chứng khoán. Khó thì khó nhưng không phải là không làm được. Câu trả lời là thường xuyên gặp gỡ và giao tiếp. Chúng ta không thể biết được nhân phẩm của người mà bạn mới gặp hôm nay nhưng nếu có thời gian, sự quan tâm và giao tiếp thì sẽ hiểu được.
NGƯỜI NÀO ĐỌC ĐƯỢC TƯƠNG LAI, NGƯỜI ĐÓ SẼ CHI PHỐI ĐƯỢC THỊ TRƯỜNG
Câu nói người nào đọc được tương lai, người đó sẽ chi phối được thị trường quả là một câu nói rất minh triết. Nếu có một cỗ máy thời gian có thể nhìn được xu thế tương lai của chứng khoán, chắc ai cũng trở nên giàu có. Chỉ cần xem được trước một hoặc hai tiếng thôi thì cũng trúng được vé số rồi. Nhưng cũng may là không ai biết được trước thời gian. Nếu tôi biết rõ về tương lai của tôi, chắc cuộc sống này sẽ vô vị lắm. Dù thế nhưng chúng ta cần phải nhận biết tương lai trong đầu tư. Nếu không biết rõ tương lai như thế nào mà đầu tư chứng khoán là mê tín và là cờ bạc. Vậy mà hiện nay cũng có nhiều người đang mê tín và lấy tài sản của mình ra để tham gia vào những canh bạc vô cùng nguy hiểm.
Để dễ hiểu, tôi chia tương lai ra làm hai loại. Thứ nhất là tương lai của giá cổ phiếu và thứ hai là tương lai của thế giới.
Như đã trình bày ở phần trước, tôi không thể biết trước được chỉ số KOSPI của tuần sau như thế nào. Thậm chí, tôi cũng không biết giá cổ phiếu của công ty mà tôi đầu tư sẽ như thế nào vào tuần sau. Vì mọi diễn biến xảy ra trên khắp thế giới và tâm lý của từng cá nhân ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu. Có thể hôm nay cổ phiếu rớt giá, rồi ngày mai nó lại lên trở lại mà không có một lý do gì đặc biệt cả. Tình hình kinh tế không có gì đặc biệt nhưng giá cổ phiếu cứ liên tục tăng nhưng rồi cũng không có lý do gì đặc biệt thì giá cổ phiếu lại liên tục giảm.
Thỉnh thoảng có lúc do ảnh hưởng tâm lý đám đông của nhà đầu tư và đôi lúc có khi do sự quấy nhiễu thị trường của một nhóm người nào đó. Trong thị trường chứng khoán tồn tại hằng hà sa số những biến số nên việc mà chúng ta dự đoán và khống chế tất cả là điều không thể. Việc dự đoán 10 năm hay 20 năm nữa tình hình thế giới sẽ thế nào cũng chỉ là một sự tưởng tượng mà thôi. Những dự đoán của các nhà kinh tế học thế giới luôn bị sai bởi nguyên do là vậy.
Tuy nhiên tôi có thể dự đoán được tương lai của doanh nghiệp mà tôi đang đồng hành. Khái niệm về tương lai ở đây là tương lai khoảng ba, bốn năm sau. Kết quả mà tôi liên tục giao tiếp, trao đổi với nhà lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp trong thời gian hai, ba năm qua đã cho tôi hiểu rằng tài năng và tâm thế của nhà lãnh đạo doanh nghiệp ấy rất tốt. Cuộc sống riêng tư cũng lành mạnh và năng lực lãnh đạo doanh nghiệp cũng xuất sắc. Quan trọng là giá trị quan của nhà lãnh đạo đang có. Họ luôn muốn chia sẻ những quả lành cùng với nhân viên và nhà đầu tư. Nhân viên của họ luôn khen ngợi về họ, nhân viên của họ luôn hài lòng vì được làm việc ở công ty họ. Cơ cấu tài chính vững, doanh thu trong vòng hai, ba năm qua liên tục tăng, sản phẩm cũng có sức cạnh tranh cao. Như vậy thì ta có thể dự đoán rằng doanh nghiệp này trong nhiều năm tới sẽ liên tục tăng trưởng, đúng không? Doanh nghiệp tăng trưởng có nghĩa là giá trị của doanh nghiệp đó sẽ tăng. Giá trị tăng thì giá cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng.
Trong nhiều năm tới điều kiện thị trường rất tốt nhưng nếu doanh nghiệp không có chiến lược tốt thì cũng hỏng. Ngược lại, dù điều kiện kinh tế có khó khăn nhưng doanh nghiệp mà tôi đầu tư nỗ lực xây dựng và thi hành những đối sách phù hợp thì có thể sẽ tăng trưởng hơn khi kinh tế thuận lợi. Với một nhà đầu tư, tương lai mà bạn cần phải hiểu biết đó là tương lai của doanh nghiệp. Con đường giúp bạn có thể hiểu rõ về tương lai của doanh nghiệp mà bạn đầu tư là đồng hành cùng doanh nghiệp và nắm bắt được tiến trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tương lai thứ hai là tương lai của thế giới.
Chúng ta có thể tạo ra tương lai như chúng ta mong muốn từ sự nỗ lực của bản thân. Ví dụ, nếu có ai đó đang chuẩn bị thi lấy một chứng chỉ chuyên môn quan trọng nào đó thì người đó đang nắm quyền làm chủ tương lai của mình. Nếu học chăm chỉ thì có thể thi đậu kỳ thi. Nhưng sức ảnh hưởng đó không lớn lắm.
Nhưng nếu bạn là tổng thống của một quốc gia thì thế nào nhỉ? Tương lai mà bạn nghĩ, tương lai mà bạn định tạo ra sẽ phát huy sức ảnh hưởng vô cùng to lớn. Tổng thống Mỹ thì có sức ảnh hưởng lớn đến cả thế giới hơn tổng thống Hàn Quốc. Không có gì là tuyệt đối vì thế chúng ta không thể tạo ra tất cả tương lai phía trước nhưng ít nhất chúng ta có thể tạo ra tương lai theo hướng chúng ta muốn.
Nhìn kỹ lại thì thấy rằng tương lai không phải tự nhiên đến mà do chúng ta tạo ra. Tất cả những sản phẩm được phát minh ra làm thay đổi thế giới như xe ô tô, máy bay, tàu vũ trụ, điện thoại, Internet không phải từ trên trời rơi xuống. Đó là kết quả của một quá trình nỗ lực lâu dài của một cá nhân hay một tập thể. Và những điều đó đã làm thay đổi cả thế giới.
Thế giới không thể nào thay đổi như trở bàn tay được. Ngoài những trường hợp vô cùng đặc biệt ra thì luôn luôn có những dấu hiệu của sự thay đổi. Nếu chúng ta hiểu được những dấu hiệu đó thì chúng ta có thể dự đoán được tương lai. Vì thế, chúng ta cần phải lưu ý đến lời nói và hành động những nhà lãnh đạo. Họ có sức ảnh hưởng và sức mạnh tạo nên tương lai.
Nếu vị tổng thống của một quốc gia bảo rằng: “Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào ngành y dược” thì trong tương lai chắc chắn nhà nước sẽ đầu tư và hỗ trợ cho lĩnh vực y dược. Nếu Bill Gates nói: “Trong tương lai tất cả mọi vật đều được điện toán hóa”, có nghĩa là ông ấy tự tin tạo ra một tương lai như thế. Họ không phải là người chờ xem tương lai thế nào mà họ là người tạo ra tương lai, họ không phải là người ngồi xem tin tức trên ti vi mà là người tạo ra tin tức để người khác xem.
Trên thế giới này có một kiểu người tạo ra những cái mới và những người đi theo cái mới đó và cũng có những người bị tụt hậu. Nếu muốn biết tương lai thì hãy chú ý đến hành động và lời nói của những người có sức mạnh tạo ra những cái mới như thế. Không cần phải mất nhiều công sức để tìm đâu. Cuộc sống của những nhà lãnh đạo như thế đa số được công bố công khai, có những điều bổ ích nhưng cũng có những điều không có ý nghĩa gì đặc biệt đối với chúng ta, nhưng quan trọng là chỉ cần vài cái nhấp chuột trên máy tính là có thể tìm được.
Ngoài ra, bạn cần theo dõi kỹ định hướng của chính phủ và những người có sức ảnh hưởng trong ngành nghề của doanh nghiệp mà bạn đang đồng hành. Chắc bạn đã biết quyển sách Hãy mời tỷ phú dùng cơm trưa chứ?
Bạn hãy đồng hành cùng với doanh nghiệp mà bạn đầu tư. Như vậy, bạn sẽ thấy được tương lai của doanh nghiệp đó.
Tiếp theo, bạn hãy quan tâm đến những nhà lãnh đạo đang tạo ra tương lai nhân loại. Như vậy, bạn sẽ thấy được tương lai của thế giới.
Xã hội ngày nay là xã hội của kiến thức và thông tin. Dĩ nhiên bạn có nhiều kiến thức và thông tin thì chưa chắc bạn đã giàu. Nhưng những người thiếu kiến thức và thông tin thì không thể giàu được.
KINH TẾ THẾ GIỚI DI CHUYỂN THÀNH MỘT KHỐI
Đầu năm 2010, sự kiện Steve Jobs mang ra “trình làng” chiếc máy tính bảng iPad đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Mọi người đều đặt câu hỏi không biết sản phẩm mà Steve Jobs, người được mệnh danh là bậc thầy của cải tiến, tung ra thị trường sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến với thế giới. Có nhiều phản ứng khác về iPad nhưng chúng ta cần phải chú ý đến ý nghĩa của việc chỉ có một doanh nghiệp ở một đất nước xa xôi nào đó ra mắt một sản phẩm mới mà đã làm xôn xao cả thế giới như thế. Có thể bạn sẽ xem đó là bình thường nhưng nếu suy nghĩ thấu đáo hơn một chút sẽ thấy thật là kỳ diệu và đáng ngạc nhiên.
Vào thời xa xưa, để một nền văn hóa, văn minh có thể lan rộng ra các nước thì cần rất nhiều thời gian. Trong khi ở phương Tây người ta làm súng đánh nhau thì ở phương Đông vẫn còn bắn cung. Trong khi ở phương Tây họ đã dùng máy móc để sản xuất hàng loạt thì ở phương Đông vẫn dùng sức người và súc vật để làm việc. Trong quá khứ, sức ảnh hưởng của một việc xảy ra ở một quốc gia nào đó không tác động ngay và mạnh mẽ đến những quốc gia khác như ngày nay. Còn hiện nay thì sao? Những chuyện xảy ra ở Mỹ, một quốc gia cách Hàn Quốc hơn 12 giờ bay, đã có ảnh hưởng ngay đến Hàn Quốc. Một công nghệ mới được đưa ra ở Mỹ thì ngay tức khắc, Hàn Quốc cũng biết về công nghệ đó. Tháng 10 năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra ở Mỹ, ngay lập tức đã lan rộng ra khắp thế giới.
Có thể bạn sẽ phàn nàn với tôi rằng, chuyện đó đứa con nít ba tuổi cũng biết chứ có gì đặc biệt đâu mà phân tích ở đây. Nhưng đây thực sự là một vấn đề cực kỳ quan trọng và nghiêm trọng. Ngày xưa, dù chuyện gì có xảy ra ở quốc gia nào đó thì sức ảnh hưởng của nó không lớn đến những quốc gia khác. Sức ảnh hưởng đó có thể đến từ từ hoặc có thể không hề ảnh hưởng đến tình hình nước khác.
Trong quá khứ, Đế quốc La Mã đã chiếm lĩnh cả châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông nhưng Hàn Quốc không hề bị ảnh hưởng gì cả. Nhưng ngày nay, chỉ có việc “tòa tháp đôi ở Mỹ bị sụp đổ” thôi mà thị trường Hàn Quốc và cả thế giới đảo lộn.
Lý do mà sức ảnh hưởng như thế này quan trọng là vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của bạn, đến cuộc đời của bạn. Trong quá khứ thì lửa cháy bên kia sông không liên quan gì tới bạn nhưng ngày nay lửa bên kia sông có thể di chuyển ngay tới chân bạn mà bạn không hay. Nếu bạn biết dùng lửa rớt dưới chân đúng cách thì bạn sẽ cho vào lò sưởi để sưởi ấm nhưng nếu bạn không biết làm gì cả thì ngọn lửa đó có thể đốt cháy cả ngôi nhà của bạn đấy. Quốc gia thường “thổi lửa ra bên ngoài” đó chính là Mỹ. GDP của Mỹ chiếm 1/4 GDP cả thế giới. Diện tích Mỹ lớn hơn Hàn Quốc 95 lần, đứng hàng thứ tư thế giới. Dân số thì lên đến 300 triệu dân, chiếm 5% dân số thế giới. Theo thống kê của Liên hiệp quốc vào năm 2009 thì GDP của Mỹ là 23,29% cao hơn 16 quốc gia khối Liên minh châu Âu (24,3%), nhiều hơn cả Trung Quốc (7,5%), Nhật Bản (8,1%), Nga (2,0%), Brazil (2,6%), Ấn Độ (2,1%) cùng hợp lại. Đây là quy mô kinh tế mang tính toàn cầu. Quy mô thương mại trên thế giới chiếm 10,5% và xếp hàng thứ hai thế giới. Hàng đầu là khối Liên minh châu Âu với 14,1%, hàng thứ 3 là Trung Quốc với tỷ lệ 8,8%.
Quy mô thị trường chứng khoán thì càng đáng ngạc nhiên hơn. Tổng giá trị niêm yết trên các trung tâm giao dịch chứng khoán của 20 cường quốc trên thế giới là khoảng 44 nghìn tỷ đô la, chiếm 90% quy mô cả thế giới. Trong số đó giá trị niêm yết của thị trường Mỹ chiếm khoảng 41,7%. Bên cạnh đó, Mỹ chính là quốc gia số một về tất cả các lĩnh vực như quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, số lượng bằng sáng chế và những công trình nghiên cứu. Vì thế, chỉ cần một “tia lửa nhỏ” của Mỹ cũng có thể gây “cháy rừng” ở Hàn Quốc.
Quốc gia thứ hai nắm giữ một “ngọn lửa lớn” sau Mỹ đó là Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. GDP năm 2009 của Trung Quốc là 4,9 nghìn tỷ đô, chiếm tỉ lệ 7,5% cả thế giới. Quy mô thương mại đứng thứ ba thế giới (mốc năm 2009).
Trung Quốc có năm thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường tổng hợp Thượng Hải, thị trường chứng khoán của Hồng Kông và thị trường chứng khoán Thẩm Quyến. Tổng số giá trị niêm yết của ba thị trường lớn này vào cuối tháng 2 năm 2010 là 5,7 nghìn tỷ đô, đứng thứ hai sau Mỹ.
Trên thực tế, thị trường và kinh tế Trung Quốc quan trọng với Hàn Quốc hơn nhiều. Tỉ trọng lượng xuất khẩu mà Hàn Quốc xuất qua Trung Quốc là 2,3% (năm 2009) vượt lên trên tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ. Tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ những năm 90 chiếm 28,6%, năm 2000 chiếm 21,9% và năm 2009 giảm xuống còn 10,8%. Chỉ nhìn vào chỉ số thôi thì chúng ta cũng thấy rõ ràng rằng Hàn Quốc chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc lớn gấp hai lần so với Mỹ.
Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì Hàn Quốc chịu ảnh hưởng đa chiều. Vì tỉ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ rất lớn 17,7% (năm 2008). Do đó nếu kinh tế Mỹ xấu đi thì kinh tế Trung Quốc cũng xấu theo và dẫn đến kinh tế Hàn Quốc cũng bị kéo xuống. Ngoài ra, tình hình hiện tại của Hàn Quốc cũng có ảnh hưởng đến Mỹ và Trung Quốc. Nó trở thành một chuỗi liên hoàn và dù múi giờ khác nhau nhưng sức ảnh hưởng thì diễn ra đồng thời.
Tiếp theo đến Ấn Độ. So với quy mô rộng lớn của quốc gia thì thị trường kinh tế vẫn còn nhỏ. Dù quy mô dân số hơn 1 tỷ người nhưng GDP chỉ dừng ở mức 1,25 nghìn tỷ đô, chiếm 2,1% quy mô cả thế giới. Trong đó Nga chiếm 2,0%, Brazil chiếm 2,6%, Hàn Quốc chiếm 1,6%. Ở Ấn Độ chỉ có 2 thị trường chứng khoán đó là BSE và NSE nhưng tỉ trọng giá trị niêm yết cổ phiếu chiếm 5,7% tổng thị trường chứng khoán của 20 quốc gia lớn và đứng hàng thứ năm thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Tokyo, London. Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán này là 6.390 doanh nghiệp. Và Ấn Độ khác với Mỹ ở chỗ đó là thị trường chứng khoán của nhà nước thống nhất. So với tỉ trọng giá trị niêm yết của Hàn Quốc là 1,8% và số doanh nghiệp niêm yết trên sàn là 1.774 doanh nghiệp thì tỉ trọng kinh tế của Ấn Độ quả thật là không nhỏ.
Điều quan trọng hơn cả là sự tăng trưởng của Ấn Độ. Tỉ lệ mù chữ của Ấn Độ là 40% nhưng có một học viện công nghệ IIT nổi tiếng thế giới. Đây là học viện mô phỏng theo mô hình của trường đại học MIT của Mỹ nhưng đã tạo ra những thành quả đáng ngưỡng mộ trong một khoảng thời gian là 50 năm: 28% số kỹ sư của doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ, IBM, 32% số chuyên gia làm tại NASA của Mỹ, 15% doanh nhân khởi nghiệp ở thung lũng Silicon, 12% bác sĩ ở Mỹ xuất thân từ trường IIT.
Lý do mà người Ấn Độ thường xuất hiện trên các bộ phim Mỹ, Anh mà giới trẻ yêu thích đó là do tỉ lệ người Ấn Độ sống ở những quốc gia ấy cao.
Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ thì Brazil, Nga và các nước trong khối Liên minh châu Âu sẽ giúp chúng ta biết được rằng thế giới di chuyển theo một khối.
Với nhà đầu tư cá nhân thông thường sẽ rất khó có thể hiểu biết một cách sâu rộng những mối quan hệ của các quốc gia này. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần phải biết đến mức độ ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp mà bạn đang đầu tư, nghề nghiệp và cuộc sống của bạn khi kinh tế thế giới thay đổi. Phải như thế thì mới có thể có kế hoạch đối phó phù hợp được. Chứ bạn giơ tay đầu hàng vì “chuyện đó rất khó với tôi” thì bạn sẽ dễ bị rơi vào vực thẳm của cuộc đời lắm.
Trên đời này có rất nhiều chuyên gia và có những chuyên gia chỉ chuyên nghiên cứu về vấn đề kinh tế. Họ có nhiều kiến thức và thông tin hơn chúng ta, họ phân tích sức ảnh hưởng của những vấn đề về kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa diễn ra trên khắp thế giới.
Chỉ cần bạn quan tâm một chút thôi thì bạn có thể tiếp cận được rất nhiều thông tin bổ ích từ họ. Vốn dĩ không phải bạn không biết gì cả mà là vì bạn không muốn biết nên bạn không biết mà thôi. Nếu bạn không biết thế giới đang diễn ra như thế nào thì bạn khó mà thành công trong nghề nghiệp, trong cuộc sống và trong cả đầu tư chứng khoán nữa.
HÃY TẬN HƯỞNG GIÀU CÓ CÙNG VỚI SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA QUỐC GIA
Phần trước tôi đã chia sẻ rằng Trung Quốc đang tăng trưởng “đáng sợ”. Lý do mà Trung Quốc đáng sợ không phải chỉ vì tốc độ tăng trưởng. Trung Quốc đang tự hào là quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Lượng dự trữ ngoại hối cuối tháng 3 năm 2010 là 2.350 tỷ đô la. Với số tiền đó, họ đã mua dự trữ mỏ dầu và khoáng sản trên khắp thế giới.
Đây cũng là lý do tại sao gần đây người ta thường gọi Trung Quốc là “black hole” (hố đen) của tài nguyên. Và thêm một điều quan trọng nữa là họ đang mua rất nhiều doanh nghiệp sở hữu năng lực công nghệ cao.
Vì thế, thỉnh thoảng chúng ta được nghe những bản tin nói rằng nguồn vốn của Trung Quốc đang “càn quét” những công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản. Tình trạng này không phải chỉ có ở các doanh nghiệp Nhật mà các doanh nghiệp Mỹ cũng thế. Cho tới một thời điểm nào đó, các doanh nghiệp đó vẫn là doanh nghiệp Nhật, doanh nghiệp Mỹ nhưng chỉ trong nháy mắt đã trở thành doanh nghiệp của Trung Quốc. Từ năm 2009, nguồn vốn của Trung Quốc bắt đầu đổ vào thị trường chứng khoán của Hàn Quốc và tốc độ này càng ngày càng gia tăng.
Nguồn vốn của Trung Quốc được đổ vào Hàn Quốc tạo ra một sức ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn của Hàn Quốc. Hiện tại trên thị trường chứng khoán của Hàn Quốc, tỉ lệ cổ phiếu do người nước ngoài nắm giữ khoảng 30%. So với giai đoạn sau cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1990 lên đến 45% thì vẫn là con số thấp, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Tỉ lệ cổ phiếu do người nước ngoài nắm giữ là 30%, điều này có nghĩa là cứ 10 công ty Hàn Quốc thì có ba công ty đã thuộc quyền sở hữu của người nước ngoài. Tiền cổ tức mà người nước ngoài nhận được năm 2009 là 3.670 tỷ đô la, chiếm 36% trên toàn bộ số tiền cổ tức được chia ra.
Thị trường chứng khoán của Hàn Quốc bắt đầu mở bán cho người nước ngoài từ năm 1992 và đến năm 2000 thì hoàn toàn mở cửa đón nhận đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài. Công nghệ thông tin phát triển nên từ lâu quả đất này được gọi là global village (làng toàn cầu). Trục quay làm cho làng toàn cầu này quay nhanh chính là nguồn vốn. Đối với nguồn vốn thì đúng là không có một đường biên giới nào cả. Tôi không nghĩ rằng việc nguồn vốn nước ngoài chảy vào trong nước là vấn đề. Mà vấn đề ở chỗ tình trạng hiện tại của Hàn Quốc.
Trước hết, điều chúng ta phải chú ý đó là tại sao người nước ngoài nắm giữ 30% cổ phiếu của thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Họ đến từ những quốc gia có lịch sử đầu tư lâu đời hơn chúng ta, hệ thống của họ cũng tốt hơn chúng ta. Chúng ta phải thấy một điều rằng khả năng phân tích doanh nghiệp, khả năng dự đoán, khả năng nắm bắt thông tin của họ cũng hơn chúng ta rất nhiều. Sự phán đoán của họ cũng không chắc là lúc nào cũng chính xác nhưng khả năng họ đầu tư tạo lợi nhuận cao. Điều này cho thấy là họ đang nhìn tích cực về triển vọng của nền công nghiệp Hàn Quốc. Có khoảng 50 doanh nghiệp Hàn Quốc có tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu của người nước ngoài là 20% đến 50%. Lấy mốc năm 2009 thì tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu của người nước ngoài tại công ty Điện tử Samsung là 47%, Posco là 48,6%, Ô tô Hyundai là 34,2%, LG là 26,1%, SK Telecom là 48,9%, NHN là 52,1%, ngân hàng Kookmin là 59,3%. Vậy lý do mà những nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của những công ty này là gì? Vì giá cổ phiếu còn thấp và tiềm năng phát triển cao.
Nhưng chúng ta thì sao? Nguồn vốn trong dân đổ dồn 85% vào bất động sản. Và nguồn vốn tài chính khoảng 2.000 tỷ đô (lấy mốc năm 2009), tỉ lệ đầu tư vào cổ phiếu chỉ có 7%. Nguồn vốn tài chính chủ yếu là giữ tiền mặt, gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu. Ở Mỹ, tỉ lệ đầu tư chứng khoán trong dân chiếm 34%, ở Nhật trên 20%. Trong khi người Hàn Quốc đầu tư vào bất động sản, giữ tiền mặt, gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu thì nhà đầu tư nước ngoài họ nhận được 36% lợi ích từ công sức lao động của doanh nghiệp Hàn Quốc và người Hàn Quốc.
Khác với sự đầu tư tích cực vào các doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài, tỉ lệ nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào các công ty nước ngoài rất thấp. Nhìn vào bảng thống kê chi tiết, nguồn vốn đối ngoại của Hàn Quốc là 234,7 tỷ đô la, trong đó đầu tư chứng khoán chiếm 102,4 tỷ đô la. Nếu chia ra chi tiết đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu thì cổ phiếu là 76,9 tỷ đô la, trái phiếu là 25,5 tỷ đô la. Và chủ sở hữu nguồn vốn đối ngoại này chủ yếu là chính phủ và doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy là trong toàn bộ tài sản vốn của Hàn Quốc khoảng 2.000 tỷ đô thì tỉ trọng cổ phiếu được đầu tư ra nước ngoài chỉ trừ một ít nguồn quỹ, còn lại xem như không có. Để kinh tế của một quốc gia phát triển vững mạnh thì về cơ bản thị trường vốn phải lớn. Chỉ có như thế thì nguồn vốn sẽ được đổ vào những nơi có năng suất lao động tốt và khi có lợi ích thì chia đều cho nhà đầu tư, từ đó nhà đầu tư lại tái đầu tư tạo nên một chu kỳ kinh tế ổn định. Tuy nhiên, không những người dân thường mà thậm chí cả những nhà đầu tư có tổ chức hay nhiều chuyên gia cũng đang tập trung đầu tư nguồn vốn vào trái phiếu.
Quy mô kinh tế của Hàn Quốc đứng hàng thứ 12 thế giới. Vào cuối năm 2009, GDP của Hàn Quốc là 1.063 nghìn tỷ đô la.
Nếu chúng ta tin vào bản thân, vào tương lai của chúng ta, ít nhất bằng với niềm tin mà nhà đầu tư nước ngoài tin vào nền kinh tế của chúng ta, thì chúng ta phải đầu tư vào doanh nghiệp trong nước. Thông qua đó, về mặt cá nhân, chúng ta nhận được tiền cổ tức và tiền lời do giá cổ phiếu tăng, còn về mặt nhà nước thì chúng ta đóng góp vào việc tăng cường sức mạnh nguồn vốn để doanh nghiệp trong nước tăng trưởng, đóng góp vốn vào sự vững mạnh của thị trường vốn trong nước. Như vậy là chúng ta đang thể hiện lòng yêu nước đấy.
Chúng ta cũng có quyền được tận hưởng sự thịnh vượng khi kinh tế trong nước phát triển. Vì chúng ta ở trong nước nên sẽ thuận lợi khi đầu tư cho doanh nghiệp trong nước. Chúng ta đồng hành cùng với những doanh nghiệp có tiềm năng để cùng nhau tận hưởng sự tăng trưởng.
“Bạn không chỉ làm việc chăm chỉ và ăn lương” mà phải là: “Bạn hãy làm việc chăm chỉ, chăm chỉ đầu tư và tận hưởng sự giàu có cùng với sự tăng trưởng của doanh nghiệp.”
HÃY ĐẦU TƯ THỜI GIAN ĐỂ NẮM RÕ KIẾN THỨC THƯỜNG THỨC
Những sự dị biến luôn luôn thú vị. Chúng ta thường cảm thấy choáng váng trước cảnh một vận động viên vô danh đã vượt lên trên các vận động viên tên tuổi và hiên ngang đeo huy chương vàng trong các kỳ thế vận hội. Chúng ta thường dễ nhớ những điều bất thường hơn là những điều bình thường. Vì thường thức là kiến thức thông thường nên chúng ta không cần nhớ. Ngoài ra, cũng nhờ những kênh chuyên cung cấp những tin giật gân mà chúng ta cảm thấy thú vị với nó. Vì là việc luôn luôn diễn ra nên chúng ta không cảm thấy hứng thú bằng những dị biến trong cuộc sống. Những điều dị biến mang lại chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thú vị.
Liên quan đến cổ phiếu thì có những dị biến nào? Điều mà chúng ta dễ nhớ nhất đó là những dị biến làm chúng ta trúng lớn. Có một doanh nghiệp hạng thường thôi nhưng nhờ một cơ hội nào đó đã tăng trưởng nhanh và mang lại lợi nhuận khủng cho cả nhà kinh doanh lẫn nhà đầu tư. Có ai đó đầu tư chứng khoán với một số vốn nhỏ nhưng trong hai, ba năm, số vốn ấy đã tăng lên hàng chục, hàng trăm lần. Từ những câu chuyện đó, chúng ta mơ tưởng mình trở thành nhân vật chính may mắn trong những câu chuyện dị biến ấy.
Ở đây, chúng ta cần làm rõ nghĩa của từ “dị biến”. Từ này trong từ điển nghĩa là “những biến cố kỳ lạ hay những sự việc không thể dự đoán trước được”. Không cần phải miêu tả khó hiểu quá, dị biến là “việc thường không xảy ra”. Trên đời này đa số mọi chuyện đều diễn ra theo “thường thức”. Không ai không biết điều này. Nhưng trong cuộc sống, những người rất “thường thức” lại có những suy nghĩ và kỳ vọng lạ thường khi đầu tư.
Kỳ vọng lạ thường nghĩa là cái tâm mong cầu được hưởng lợi một cách phi thường thức. Họ kỳ vọng sẽ đạt được lợi ích khủng trong một thời gian ngắn. Chúng ta thử nghĩ về giá của cổ phiếu trong phạm vi thường thức xem sao. Những cổ phiếu giá thấp được lên giá cao về mặt cơ bản là do giá trị của doanh nghiệp được nâng cao. Và để giá trị của doanh nghiệp được nâng cao thì cần phải có một khoảng thời gian nhất định. Những người đầu tư bỏ qua thời gian giá trị doanh nghiệp được nâng cao và mong được lời cao trong thời gian ngắn là một kỳ vọng lạ thường. Việc mà không diễn ra thường xuyên được xem là dị biến. Đầu tư theo kiểu này không khéo “tiền mất tật mang”.
Vậy lợi ích mang tính thường thức là gì? Đó là tỉ lệ lợi nhuận của thị trường. Ví dụ như chỉ số KOSPI tăng 10% thì 10% là tỉ lệ lợi nhuận theo tiêu chuẩn thường thức. Nếu lợi nhuận đầu tư của bạn hơn 10% thì tốt, còn dưới 10% là bạn đầu tư chưa tốt. Nếu chúng ta đồng hành cùng doanh nghiệp thì có cơ hội thu gặt được lợi nhuận cao hơn nhưng đầu tiên cũng phải xem nó ở mức thường thức.
Theo khảo sát của một tờ báo kinh tế dành cho khoảng 600 người đi làm thì có 44% trong số họ trả lời rằng họ kỳ vọng tỷ lệ lợi nhuận hàng năm là hơn 20%. Có 25% người trả lời rằng nếu tỷ lệ này đạt mức 30% trong năm thì họ sẽ thấy mãn nguyện. Thậm chí có 7% người trả lời họ đang kỳ vọng mức trên 40%. Họ đúng là những người đang kỳ vọng mình đầu tư giỏi hơn cả Warren Buffett. Người được xem là đầu tư giỏi như Warren Buffett cũng chỉ đạt tỷ lệ lợi nhuận bình quân là 21,5% trong suốt 45 năm qua.
Tỷ lệ lợi nhuận cao đồng nghĩa với rủi ro cao. Những người này họ chọn mua những cổ phiếu giá thấp và biên độ dao động cao. Không phải là không có những doanh nghiệp nhỏ tăng trưởng nhanh chóng nhưng đó chỉ là “dị biến”. Có nhiều người chạy theo ảo vọng và quay về với hai bàn tay trắng vì điều này.
Từ sau biến cố ngày 11 tháng 9 ở Mỹ thì tỷ lệ lợi nhuận đầu tư hàng năm của tôi tăng bình quân 50%. Thật đáng ngạc nhiên phải không? Biến cố ngày 11 tháng 9 và cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn cầu vào tháng 10 năm 2008 đã mang đến cho tôi những cơ hội lớn. Tỷ lệ lợi nhuận đầu tư mà tôi kỳ vọng là khoảng 25%. Nếu tỷ lệ phân chia lợi nhuận bằng cổ tức hàng năm chừng 4~5% thôi thì tôi có thể đầu tư những doanh nghiệp hiện tại đến suốt đời. Nếu tôi kỳ vọng tỷ lệ lợi nhuận là 50% và đầu tư thì chắc là tôi đã trở thành kẻ trắng tay.
Tôi tin tưởng hoàn toàn vào “kỳ tích của lãi suất kép” mà Einstein đã phát hiện ra như một định luật. Điều tạo ra kỳ tích là thời gian. Dù bạn là người không quan tâm đến quản lý tài chính thì chắc hẳn bạn đã từng nghe về “quy tắc 72” (72/mức lãi = thời gian). Hãy giả định bạn muốn đưa ra mức lãi là 10% một năm thì cứ mỗi 7,2 năm số vốn của bạn sẽ tăng gấp đôi.
Nếu một thanh niên 30 tuổi đầu tư 10 triệu won với lãi suất kép của 10% tỉ lệ lợi nhuận hàng năm thì 30 năm sau, anh ta có thể nắm giữ trong tay số tiền là 170 triệu won. Trong trường hợp lãi suất kép là 15% thì anh ta có được một số vốn lớn là 660 triệu won.
Giống như hiệu ứng tuyết lăn, một hòn tuyết nhỏ bằng nắm tay nhưng chỉ cần lăn hết một vòng sân vận động thôi thì cũng trở thành một khối tuyết thật to. Độ lớn của hòn tuyết càng ngày càng tăng theo cấp số nhân. Đó chính là “Kỳ tích mang tính thường thức”.
Xung quanh chúng ta có rất nhiều hoàn cảnh thê lương do cái tâm mong cầu trúng mánh lớn trong thời gian ngắn. Thường thức trong đầu tư chứng khoán là nếu chúng ta muốn đạt được tỷ lệ lợi nhuận mang tính thường thức thì phải chọn công ty tốt và đầu tư thời gian. Nếu làm thế thì tỷ lệ thành công là 99%. 1% còn lại là “dị biến”. Tỉ lệ này còn thấp hơn tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông. Theo báo cáo của cơ quan an toàn giao thông Hàn Quốc thì tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 1,02%.
Tôi đang đầu tư chứng khoán với tinh thần “ủy thác kinh doanh”. Nếu bạn xem đó là doanh nghiệp của bạn thì bạn sẽ cảm thấy khác. Có doanh nghiệp nào mới mở trong một, hai năm hoặc thậm chí vài tháng đã tạo ra lợi nhuận gấp mấy lần so với số vốn đầu tư ban đầu không? Nếu có ai nói ở đâu đó có công ty như thế thì đảm bảo với bạn rằng đại đa số là lừa đảo.
Chúng ta ai cũng biết rõ thường thức và cần phải sống theo thường thức. Nhưng nếu có tâm tham lam quá độ thì sẽ dẫn đến những hành động thiếu hiểu biết. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như thế. Ai cũng nghĩ “lần này sẽ khác” nhưng với cách hành động thiếu hiểu biết như thế thì “lần này cũng thế” mà thôi.
Dù chúng ta biết đó là thường thức nhưng để hành động theo đúng với thường thức thì không phải là một việc dễ dàng. Vì thế, cần phải nỗ lực hết mình để nắm vững nguyên lý của thường thức. Và phải đầu tư thời gian dựa trên những nền tảng kiến thức đó. Ba yếu tố đó là doanh nghiệp tốt, tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng theo thường thức và thời gian gặp nhau mới có thể tạo ra “kỳ tích mang tính thường thức” được.