MỘT NGÀY CỦA NHÀ NÔNG CHỨNG KHOÁN
Chàng thiếu niên bán báo dạo thích nhất những vị khách không nhận lại tiền thối 20 won năm nào, chàng thiếu niên đã từng nghĩ rằng nghề nghiệp tốt nhất hành tinh này là nghề quản đốc nhà máy năm nào nay đã trở thành chủ doanh nghiệp. Không phải chỉ là chủ của một doanh nghiệp mà là chủ của gần 30 doanh nghiệp. Cổ đông không đơn giản chỉ là người sở hữu cổ phần mà là người chủ doanh nghiệp. Đây là định nghĩa về chứng khoán của một nhà nông chứng khoán như tôi. Mãi cho đến thời học đại học, tôi vẫn còn mơ trở thành quản đốc nhà máy nhưng nhờ sự hướng dẫn của giáo sư mà tôi bắt đầu học phân tích chứng khoán, sau đó vào làm việc như một nghiên cứu viên của viện nghiên cứu chứng khoán, chuyên gia quản lý quỹ, nhân viên kinh doanh của công ty chứng khoán, nhà đầu tư chứng khoán và giờ tôi đã trở thành một nhà nông chứng khoán.
Thỉnh thoảng, tôi bị giật mình vào buổi sáng. Một thiếu niên năm nào không có tiền đi dã ngoại cùng các bạn, không có tiền đóng tiền học nên suýt không được vào học cấp hai, vậy mà giờ này đã trở thành một nhà nông chứng khoán và đang quan sát dòng chảy của kinh tế thế giới. Nhiều người bảo rằng họ rất ngạc nhiên vì thấy tôi như thế. Tôi cũng vậy. Và tôi cảm thấy biết ơn về điều đó.
Một ngày của tôi thường bắt đầu từ năm giờ sáng. Có khi giật mình thức giấc vào lúc ba giờ. Việc đầu tiên tôi làm sau khi thức dậy là mở máy tính lên. Và như một người nông dân xem dự báo thời tiết của ngày hôm đó, tôi bắt đầu xem thị trường chứng khoán của các quốc gia như Hoa Kỳ, châu Âu, Nam Mỹ, Ấn Độ… Không những chứng khoán mà tôi lướt qua tất cả các tin tức chính yếu liên quan đến chính trị, văn hóa xã hội, quân sự, khí hậu, môi trường trên khắp thế giới. Sau khi xem xong “thời tiết” ngày hôm đó thì khoảng bảy giờ, tôi quay lại giường nằm xuống. Tới lúc này vợ tôi mới bắt đầu thức dậy.
Khoảng chín giờ, tôi tới văn phòng và xem lại thị trường chứng khoán. Tôi họp cùng với nhân viên để trao đổi xem nếu giá cổ phiếu lên thì tại sao lên, nếu xuống thì có điều gì bất lợi không. Nếu phát hiện một hiện tượng quan trọng thì chúng tôi sẽ trao đổi xem sắp tới nó sẽ ảnh hưởng như thế nào. Nói tóm lại, thời gian buổi sáng là thời gian tóm tắt để nắm bắt tất cả những vấn đề có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán đã diễn ra trong một ngày.
Sau khi họp, tôi gọi điện thoại cho những người quản lý quỹ, chuyên gia phân tích để tìm hiểu về khuynh hướng của thị trường và trao đổi những câu chuyện của các công ty chứng khoán. Ngoài ra, tôi còn dành thời gian để trao đổi với các doanh nghiệp tôi đầu tư, khảo sát về những doanh nghiệp đang được nhiều người quan tâm hoặc điều chỉnh lịch để có thể đến thăm họ trực tiếp. Đối tượng chủ yếu mà tôi thường trao đổi là những người quản lý, nhân viên phụ trách chứng khoán, hoặc là những nhân viên làm việc tại công ty. Vì có khoảng 30 công ty trong danh mục đầu tư nên ít nhất một ngày tôi phải đến thăm hoặc khảo sát, phân tích một công ty. Có thể tóm lược tất cả những hoạt động này trong những từ như là thấu hiểu, đồng hành, điều hành thay thế.
Một người nông dân nếu muốn làm nông tốt cần phải biết rõ hai thứ: cây trồng và thời tiết ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây trồng đó. Nếu đều đặn mỗi ngày, người nông dân kiểm tra thời tiết và cây trồng của mình đang lớn như thế nào thì có thể đoán được sản lượng của vụ mùa năm ấy. Không có gì thần bí trong việc dự đoán tương lai cả mà chỉ cần nắm rõ về sự tăng trưởng của cây trồng và thời tiết thì có thể dự đoán được mà thôi.
Dù là cây trồng hay chứng khoán thì từng ngày, từng ngày rất quan trọng. Điều này không có nghĩa là giá cổ phiếu mỗi ngày quan trọng. Việc mà nhà đầu tư nóng lòng với giá cổ phiếu lên trong một ngày giống như là người nông dân thấy mưa thì vội đi nhổ hết cây trồng của mình lên vậy.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là cần sự quan tâm sâu sắc và liên tục mỗi ngày. Không có gì nhanh như sét cả. Chúng ta cần phân tích, tổng hợp và đúc kết từ những thông tin mỗi ngày. Khả năng thông suốt được hình thành từ đây.
Có những người lại đi “mua thông tin”. Trong thị trường chứng khoán có đầy rẫy thông tin. Đặc biệt là những loại thông tin kiểu như: “Thông tin này tui chỉ nói cho ông nghe thôi, đừng nói với ai nhé!” làm cho nhiều nhà đầu tư phải hóng tai nghe. Tuy nhiên, nếu đầu tư chứng khoán theo kiểu đó thì trước sau gì cũng thất bại. Họ có thể nghĩ rằng họ sẽ đạt được mức lợi nhuận cao trong thời gian ngắn với những thông tin quý báu như thế nhưng cách làm đó khó mà thành công. Vì những thông tin như thế có thể là những thông tin sai sự thật mà một số người cố ý lan truyền để làm xáo động thị trường.
Trừ một vài thông tin hữu ích ra thì đa số đều được công khai đầy ngoài thị trường. Thông tin hữu ích cũng có giá trị tại một thời điểm nào đó thôi nên chẳng mấy chốc thông tin ấy cũng sẽ trở nên bình thường. Vấn đề chính là một nhà đầu tư cần phải biết chọn lọc, phân tích và tổng hợp thông tin. Phải có năng lực như thế thì mới có thể đưa ra những phán đoán đúng. Nếu muốn phát triển năng lực này thì giống như người nông dân ra ruộng mỗi ngày, nhà đầu tư cũng phải tập cho mình thói quen quan sát sâu sắc về những sự việc đang diễn ra trên thị trường mỗi ngày.
Sự thành bại của đời người tùy thuộc vào cách bạn sống từng ngày như thế nào. Bạn phải nắm bắt thông tin và kiến thức mỗi ngày. Bạn phải học và thấu hiểu mỗi ngày. Nếu bạn làm như thế liên tục trong hai, ba năm, nếu dài hơn là năm đến sáu năm thì bạn có thể hiểu được xu hướng của doanh nghiệp và thị trường một cách tự nhiên.
Một ngày của nhà đầu tư chứng khoán qua đi rất nhanh. Những công ty chứng khoán là nơi rất hỗn loạn. Một ngày của nhà đầu tư cá nhân giống như một căn phòng ngột ngạt bởi khói thuốc lá. Có nhiều người đầu tư rồi suốt ngày chìm đắm trong lo lắng, bất an và lao tâm khổ tứ. Tuy nhiên đối với tôi thì một ngày của tôi thật đơn giản và bình an. Không phải tôi không có việc để làm, ngược lại cũng không phải là tôi lười nhác. Tôi cũng bận rộn và xử lý hết một lịch làm việc thật dày đặc. Chỉ có điều sự đơn giản và bình an đó nằm trong tâm của tôi. Bạn hãy nhớ đến hình ảnh làm việc của một người nông dân mà xem. Họ vẫn luôn tay làm việc nhưng diện mạo của họ thì trông thật yên bình. Họ không rượt đuổi theo điều gì cả mà họ chỉ chủ động làm việc cần làm.
Một ngày của tôi như một người nông dân cần mẫn. Giống như việc người nông chăm lo ruộng đồng của mình, tôi tìm cách thấu hiểu doanh nghiệp. Giống như khi trời hạn hán, người nông dân dẫn nước về tưới tiêu, còn tôi luôn tìm cách khích lệ và động viên những thành viên của doanh nghiệp. Giống như người nông dân bắt sâu, tôi cũng khiển trách khi doanh nghiệp đi sai đường.
Từng ngày, từng ngày như thế đã giúp cho tôi có được khả năng thấu suốt của một nhà nông chứng khoán và thành công trên thị trường.
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN, BẮT BUỘC PHẢI LÀM CHỨ KHÔNG PHẢI LỰA CHỌN
Dạo gần đây chúng ta có thấy trường hợp nào tổ chức tiệc thật lớn để mừng thọ ở tuổi 60 không? Chắc là không nhiều đúng không? Thay vào đó là một bữa cơm gia đình hoặc vợ chồng cùng nhau đi du lịch đâu đó. Lý do là vì tuổi 60 thời bây giờ không phải là việc gì quá to tát mà ai cũng xem đó là điều đương nhiên. Thực ra, ngày tôi còn bé thì những người 60 tuổi trông như là cụ ông, cụ bà vậy. Nhưng ngày nay thì sao? Có cháu nội, cháu ngoại nên trở thành ông, thành bà chứ diện mạo thì vẫn còn ở tuổi trung niên. Vì thế nếu chúng ta vô tình gọi họ là “ông”, “bà” thì có khi sẽ làm phiền lòng họ nữa đấy. Tuổi thọ trung bình của Hàn Quốc những năm 1970 là 61, 9 tuổi nhưng nay đang vượt mức 80 tuổi rồi. Điều đó có nghĩa là con người sống thọ hơn 20 năm nữa.
Đối với con người, không có gì quan trọng bằng sinh mạng cả. Vì vậy, sống thọ hơn là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trên đời này đâu có cái gì là chỉ có mặt tốt thôi phải không? Tuổi thọ được tăng có khi lại trở thành một gánh nặng cho mọi người nữa. Có khoảng 10 cụ già đã tự tử vì không thể thoát ra khỏi thân phận “gánh nặng của sự trường thọ”. 33% trong số họ tự tử là do những gánh nặng về kinh tế.
Trên thực tế, số tiền dưỡng già cần cho đời sống tuổi già càng tăng nhưng thời gian có thể làm việc thì ngắn lại. Ai phải có năng lực và may mắn thì mới có thể trụ lại làm việc đến tuổi hưu. Dù cho có may mắn làm việc đến 60 tuổi thì vẫn còn 20 năm sống trên đời. Nếu có nhà cho thuê thì tuổi già cũng tạm ổn nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Vì tỉ lệ cung cấp nhà ở đã đạt mức 100%. Nhà càng ngày càng tăng nhưng dân số càng ngày càng giảm. Theo thống kê thì dân số Hàn Quốc đang bắt đầu có xu thế giảm từ năm 2020. Do đó nên giá nhà sẽ giảm, việc cho thuê nhà cũng trở nên khó khăn hơn. Nếu tài sản chỉ là nhà thì khi khủng hoảng bất động sản diễn ra sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác trong đời sống.
Ở cái tuổi xế chiều mà xin đi làm lại là một điều không mấy dễ dàng. Vì thanh niên trai tráng còn nằm nhà chơi vì không có việc làm. Nếu kinh tế đi lên thì thị trường lao động có tốt lên không? Hơi khó đấy. Thời đại này không phải là thời đại dùng nhiều sức lao động. Thời đại công nghệ thông tin dựa vào tri thức. Kinh tế đi xuống thì việc làm giảm nhưng kinh tế đi lên thì chưa chắc việc làm tăng.
Chúng ta cũng không nên có cái nhìn quá bi quan và lại càng không nên quá xa rời hiện thực. Đó là những thông tin mà chúng ta tiếp cận hàng ngày. Đó là một sự thật hiển nhiên.
Những người không chuẩn bị đủ tiền để dưỡng già thì thường dễ dàng chọn làm kinh doanh tự do. Nhưng mà theo thống kê chính thức của nhà nước cho thấy việc kinh doanh tự do là một việc rất khó thành công. Trong số những người hoạt động kinh tế ở Hàn Quốc thì tỉ lệ người kinh doanh tự do là 24%. Điều đáng ngạc nhiên là trong số những người kinh doanh tự do thì có đến 95% đã thất bại trong một năm đầu. Nếu lấy lại được tiền cọc nhà cũng đã là may rồi, nhưng nào là các chi phí khác như trang trí nội thất, phí chuyển nhượng cũng đã ngốn gần như hết số vốn để dành. Nếu cơ sở làm ăn đó có triển vọng thì có thể vớt vát lại chút ít, còn không thì xem như chẳng lấy lại được gì.
Trong xã hội hiện đại mà con người phải đấu tranh quyết liệt để sinh tồn này, nếu không có sức cạnh tranh thì sẽ không thể nào thành công được. Dù có kiến thức và vốn cũng không thể thành công được, đó là hiện thực xã hội. Nếu muốn gây dựng doanh nghiệp thành công thì trước hết phải có chuyên môn cao, có sáng tạo và đủ vốn. Biết đâu có người sẽ phản bác lại rằng: “Tôi chẳng cần phải cạnh tranh với thế giới làm gì, chỉ cần sống an nhàn trong xóm nhà tôi là được rồi”. Nhưng đời sống như vậy kéo dài được bao lâu? Nếu không phải là “người thắng vơ cả” hay “trúng mánh lớn” thì tương lai phía trước sẽ mịt mù.
Con người chúng ta lại có một xu hướng thích tự làm chủ. Kinh doanh lớn nhỏ gì không biết miễn được làm chủ là thích. Nhưng mà để trở thành người chủ thành công trong xã hội này không dễ. Có nhiều người chủ từ lúc mở mắt ra, thậm chí trong mơ cũng phải nghĩ đến việc của công ty. Người chủ là người phải làm việc nhiều hơn nhân viên, phải đổ cả mồ hôi và nước mắt. Nhưng dù đã cố gắng hết mình như thế thì tỉ lệ thành công cũng không cao.
Nếu thật sự bạn có đủ khát khao đạt một điều gì có ý nghĩa lớn lao với tinh thần của một doanh nhân dù có nguy hiểm đi chăng nữa thì việc lập doanh nghiệp là điều hợp lý. Hay là nếu bạn có một chí nguyện vĩ đại muốn cống hiến cả cuộc đời bạn vào sự nghiệp điều hành doanh nghiệp, bạn sẵn sàng làm việc một ngày 25 tiếng đồng hồ và nhất định phải đưa doanh nghiệp của bạn tiến đến thành công thì bạn làm chủ là điều cần nên làm. Chính nhờ tư duy đó, khát vọng đó của những doanh nghiệp đàn anh nên Hàn Quốc mới có thể phát triển như hôm nay. Tuy nhiên, bạn đứng ra kinh doanh chỉ vì bạn không biết làm gì, hoặc bạn đứng ra kinh doanh chỉ là để kiếm tiền thì theo tôi bạn nên dành thời gian tìm hiểu và đầu tư chứng khoán sẽ an toàn hơn và tỉ lệ thành công cũng cao hơn.
Có nhiều người cho rằng chứng khoán là không an toàn. Những người có tư duy như thế nhất định nên đọc sách này. Mục đích tôi viết quyển sách này là chỉ cho bạn cách để đầu tư chứng khoán thành công mà không làm cho bạn bị bất an. Dù có hơi bất an một chút nhưng dù sao cũng an toàn hơn rất nhiều so với việc bạn đứng ra mở công ty để kinh doanh.
Thực ra, người ta cảm thấy một sự bất an trong đầu tư chứng khoán vì nghĩ đơn giản nó là “đầu tư”. Bạn đừng nghĩ là đầu tư mà hãy xem nó là một hình thức ‘kinh doanh ủy thác’. Nhiều người nghĩ rằng đầu tư chỉ là đầu tư chứ họ không nghĩ đó là công việc kinh doanh của chính mình. Nếu người ta nghĩ đó là công việc kinh doanh của chính mình thì sẽ không thể mua và bán cổ phiếu một cách dễ dàng như thế được. Điều đó giống như là tháng trước bạn đang làm nhà hàng, tháng này bạn bán nhà hàng và nhảy qua mở cửa hàng tiện lợi vậy.
Thị trường chứng khoán có nhiều cơ hội. Tính hết các thị trường giao dịch chứng khoán trong nước thì có khoảng 1.800 công ty đang được giao dịch trên sàn. Vì thế, dù mưa giông hay tuyết phủ thì mỗi ngày một thị trường chứng khoán với quy mô khoảng 5 đến 6 nghìn tỷ won (khoảng 5-6 tỷ USD), nhiều thì 10 nghìn tỷ won vẫn được mở cửa giao dịch. Trong số đó có những doanh nghiệp kinh doanh rất lâu trong một lĩnh vực nào đó, hoặc có doanh nghiệp kinh doanh với một quy mô vốn lớn hơn rất nhiều so với vốn mà bạn có thể đầu tư. Bạn quan sát xem doanh nghiệp nào kinh doanh tốt, hãy đầu tư vốn vào cho họ làm ăn và chia sẻ lợi nhuận có được cùng với họ. Đó chính là đầu tư chứng khoán.
Nếu bạn là người kiếm được thật nhiều tiền, còn không thì chỉ với lương hiện tại, việc dưỡng già của bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi cũng biết là hiện nay số người có kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho tuổi già không nhiều. Tiền họ làm ra bao nhiêu nuôi cho con ăn học, cưới vợ gả chồng xong thì còn lại được một căn nhà để ở. Chỉ với một căn nhà đó thì sẽ rất khó cho 2 vợ chồng duy trì cuộc sống trong 20 năm. Vì thế, cần có một khoản tiền để dành và đầu tư chứng khoán là một giải pháp tuyệt vời. Ý tôi không phải nhất định bạn cần đầu tư chứng khoán. Nhưng nếu bạn muốn có một tuổi già ổn định thì việc đầu tư chứng khoán là cần thiết.
GIÁ CỔ PHIẾU CÓ THỂ DỰ ĐOÁN ĐƯỢC
Người ta thường nói trên đời này, những thứ khó đoán biết trước được đó là hướng nhảy của con ếch, lòng dạ của phụ nữ và giá của cổ phiếu. Đó là cách nói của những người vã mồ hôi vì giá cổ phiếu rớt. Và họ cảm thấy bất lực nên mới nói thế chứ thực ra nếu quan sát kỹ thì có thể hiểu được ba điều này. Chúng ta không biết được con ếch sẽ nhảy về hướng nào cho đến khi nó nhảy. Vì hành động của nó rất nhanh. Mắt của con người thì không thể nhìn thấy những hành động nhanh như chớp này của con ếch được. Vậy thì làm thế nào để biết được hướng con ếch nhảy? Chúng ta hãy nghĩ đến lý do mà ếch nhảy đi. Con ếch thường đột nhiên nhảy đi vì nghe có tiếng động nguy hiểm. Để tránh những yếu tố nguy hiểm đó thì bản năng mách bảo nó phải nhảy sang hướng ngược lại với hướng phát ra tiếng động. Do đó, để con ếch nhảy sang hướng mình mong muốn thì chúng ta có thể thảy một hòn đá sang hướng ngược lại là được.
Lòng dạ của phụ nữ cũng thế. Thực tế là đàn ông không thể đoán biết được lòng dạ của phụ nữ. Mà có đoán biết được đi chăng nữa thì có khi cũng không hiểu tại sao lại như thế. Phụ nữ cũng thế, họ không thể hiểu được lòng dạ của đàn ông. Đàn ông có thể ngồi thâu đêm suốt sáng để kể chuyện ở quân trường, còn phụ nữ thì nghe chừng 10 phút đã thấy chán rồi. Tóm lại là đàn ông và phụ nữ rất khác nhau nên mới nói đàn ông đến từ Sao Hỏa, đàn bà đến từ Sao Kim. Nhưng đàn ông thường hiểu rõ lòng dạ của đàn ông, còn phụ nữ hiểu rõ lòng dạ của phụ nữ. Do đó nếu muốn biết rõ lòng dạ của phụ nữ thì hãy hỏi người bạn gái thân nhất của người phụ nữ đó.
Nếu vậy thì giá cổ phiếu làm sao có thể dự đoán được? Dự đoán tương lai quả là điều không dễ dàng chút nào. Những dự đoán của các học giả về tương lai của thế giới cũng sai hoài. Vì trên đời này có quá nhiều biến số xảy ra. Trong số đó, có những biến số do con người gây ra nhưng cũng có những biến số do thiên tai gây ra. Giống như sự cố núi lửa hoạt động ở Ireland vào tháng 4 mấy năm trước, các doanh nghiệp đã chịu thiệt hại rất lớn vì không thể dự báo trước và cũng không thể ngăn chặn được.
Những yếu tố ảnh hưởng đến cổ phiếu thì nhiều vô số kể. Nào là tình hình kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, thiên tai... đều ảnh hưởng đến cổ phiếu. Và một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa là tâm lý nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, dù có đa dạng nhiều biến số như thế nhưng theo tôi, giá cổ phiếu vẫn có thể dự đoán được. Giá cổ phiếu mà tôi nói ở đây không phải là chỉ số chứng khoán KOSPI. Vì chỉ số KOSPI tôi không thể nào đoán được mà tôi chỉ đoán biết được giá cổ phiếu mà tôi đã mua.
Chúng ta hãy cho một ví dụ như thế này nhé. Trong một trường học có khoảng 1.800 học sinh. Trong số đó có một học sinh tên là A. Vì một nhân duyên gì đó, học sinh A bắt đầu quyết tâm học thật chăm chỉ. Ánh mắt mà cậu học sinh này nhìn thầy cô trong giờ học cũng khác đi. Cậu ta đến trường sớm hơn các bạn khác một tiếng đồng hồ và giảm bớt thời gian ngủ đi. Cậu ta không những học hành chăm chỉ bình thường mà là tập trung thật cao độ.
Theo bạn thì sau một học kỳ, điểm của học sinh A này sẽ như thế nào? Đây là một câu hỏi dễ đúng không? Ai cũng tự tin trả lời rằng điểm sẽ cao đúng không? Vậy lý do mà ai cũng tự tin đoán được rằng điểm của học sinh này sẽ cao là gì? Dù chỉ là giả định thôi nhưng nhìn cách học sinh A học tập từ sáng đến tối thì biết được đúng không? Điều đó chính là nhờ chúng ta hiểu rõ một sự thật rằng cậu học sinh A đó học rất chăm chỉ nên tự tin dự đoán rằng kết quả học tập sẽ tốt. Nếu chúng ta không biết gì về cậu học sinh A, hoặc lâu lâu gặp một lần thì chúng ta không thể nào dự đoán được tương lai của cậu học sinh này phải không?
Chúng ta thử so sánh điểm của một học sinh và giá cổ phiếu nhé. Chúng ta không thể đoán biết được điểm bình quân của học sinh toàn trường như thế nào. Vì chúng ta không thể tìm hiểu hết được thái độ học tập mỗi ngày của 1.800 học sinh của cả trường. Nhưng nếu chúng ta quan tâm và theo dõi liên tục cậu học sinh A thì chúng ta có thể đoán biết được điểm số của học sinh A. Nếu học sinh này duy trì thái độ học tập như thế thì chúng ta có thể đoán chắc rằng cậu học sinh A này sẽ thi đậu được vào đại học danh tiếng. Điểm bình quân của toàn trường tương đương với chỉ số KOSPI, còn điểm của học sinh A là giá cổ phiếu của công ty tôi mua.
Nếu nhìn trong ngắn hạn thì điểm của học sinh A có thể bị sụt giảm. Ví dụ như cậu ấy bị cảm vào ngày thi, hay đột nhiên gia đình có biến cố làm cậu ấy giảm đi sự tập trung thì điểm có thể giảm. Nhưng nếu là người quan sát cậu học sinh A này trong thời gian dài thì tôi tin rằng người đó sẽ tìm ra được bản chất thật của cậu ấy.
Một lần tôi không mua nhiều cổ phiếu. Tôi mua với số vốn nhỏ và đi cùng họ trong ba, bốn năm. Trước khi mua, tôi tìm hiểu kỹ về tình trạng tài chính, mô hình kinh doanh, tư duy của nhà quản trị... Và trong ba, bốn năm đó, tôi liên tục tìm hiểu, quan sát, theo dõi việc trao đổi với khách hàng và có cơ hội, tôi gặp cả nhà lãnh đạo của công ty đó để thấu hiểu họ hơn.
Thậm chí, tôi còn tìm hiểu họ qua các đối thủ cạnh tranh của họ nữa. Việc mua cổ phiếu của một công ty nào đó nghĩa là bạn đã là chủ, vì thế chúng ta đương nhiên có nghĩa vụ và quyền lợi đó. Nếu chúng ta liên tục thấu hiểu về công ty mà mình mua cổ phiếu thì chúng ta có thể biết được công ty đó đang đi lên hay đang đi xuống. Giống như cậu học sinh A bắt đầu học chăm chỉ thì điểm số mới cao, doanh nghiệp cũng thế, họ không thể đưa ra thành quả kinh doanh chỉ trong chớp mắt được.
Chúng ta sẽ thấy họ có những động thái để nâng cao hiệu quả kinh doanh như nghiên cứu ra công nghệ, mở rộng mạng lưới kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp… Những lúc như vậy thì ta mua cổ phiếu của công ty đó và chờ trong một, hai năm. Trong thời gian đó, chúng ta không thể đưa ra dự đoán chính xác nhưng nhất định thành quả kinh doanh sẽ được cải thiện hơn. Những nội dung này mà được công bố chính thức ra thị trường thì giá bắt đầu tăng. Các cơ quan báo đài, các công ty chứng khoán mà vào cuộc thì các nhà đầu tư bắt đầu đổ dồn đến. Lúc này người khác chuẩn bị mua thì tôi lại đang chuẩn bị bán.
Có một sự thật mà mọi người thường không biết rõ hoặc quên đi, đó là bản chất của giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu cao nghĩa là giá trị của doanh nghiệp đó cao. Giá cổ phiếu tăng nghĩa là giá trị của công ty đó đã tăng. Đó là điều cơ bản. Thị trường như là biển vậy. Có khi nước lên, có khi nước xuống. Giá cổ phiếu cũng thế. Nhưng mà nếu chúng ta có tầm nhìn xa hơn một chút sẽ thấy giá cổ phiếu của những doanh nghiệp có giá trị cao luôn tăng theo thời gian. Ngược lại, vì một lý do nào đó mà giá cổ phiếu được bán giá cao hơn giá trị của doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ bị giảm. Nếu chúng ta quên đi sự thật đơn giản và chính xác này thì chúng ta phải sống trong bất an mà thôi. Vì bất an nên khi thấy giá vừa xuống là lo sợ bán tháo, bán đổ ra.
Giờ tôi lại đưa ra một ví dụ khác nhé. Hãy tưởng tượng bạn đang đi trong một con hẻm tối om vì đèn đường bị hỏng. Theo sau bạn là một người lạ mặt cứ bám theo chúng ta như một cái bóng. Bạn không biết họ là ai, có thể là cướp, có thể là người đi dạo, có thể là một người đi làm về. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể bị cướp. Như vậy thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Vô cùng bất an đúng không? Nhưng ngược lại, bạn biết rõ người đó là một người quen thân của bạn thì sao? Bạn sẽ cảm thấy vững lòng dù trong đoạn đường tối đúng không? Vì bạn tin rằng họ sẽ bảo vệ bạn từ phía sau đúng không?
Đầu tư chứng khoán là hành vi bạn giao tài sản của bạn cho ai đó. Vậy đầu tư có nghĩa là gì? “Tôi thấy ông làm ăn cũng được đó. Ông lấy tiền của tôi mà làm vốn rồi ông thành công và tôi cũng thành công nhé!”. Tuy nhiên, đối với đại đa số nhiều người thì đầu tư theo kiểu: “Tôi cũng chẳng biết ông là ai. Nhưng thôi tiền tôi nè, ông lấy mà đầu tư đi.” Đây là một hành động mạo hiểm và ngu xuẩn giống như cho người mới gặp lần đầu mượn tiền vậy. Chỉ tin theo lời người khác nói và dự đoán rằng thị trường sẽ tốt lên nên cứ bỏ tiền vào đầu tư. Kiểu này giống như là: “Thôi tôi không cần tiền đâu, các ông cứ lấy mà tiêu đi” vậy.
Chỉ số KOSPI là một chỉ số thể hiện tình hình chung của thị trường chứng khoán chứ không phải tình hình của doanh nghiệp mà bạn đầu tư. Vì thế, nếu bạn vui buồn vì chỉ số đó thì không ổn. Ngoài ra, việc bạn đầu tư không phải vì giá trị doanh nghiệp được nâng cao mà vì một lý do nào khác thì rất nguy hiểm và tỉ lệ thành công rất thấp. Nếu bạn hiểu rõ doanh nghiệp thì bạn có thể dự đoán được giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Vì thế, bạn phải đầu tư vào doanh nghiệp mà bạn biết rõ và để biết rõ về doanh nghiệp thì phải đồng hành và tìm hiểu về họ. Chỉ có như thế mới thành công mà thôi.
TƯƠNG LAI CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN HÀN QUỐC RẤT TƯƠI SÁNG
Bạn nghĩ thế nào về tương lai của Hàn Quốc? Tôi thì thấy rằng triển vọng tươi sáng. Trong thời gian qua đã có nhiều thăng trầm nhưng Hàn Quốc đã khắc phục tốt. Cũng có sự hưng vong của các cá nhân nhưng nếu nhìn một cách tổng thể thì quy mô kinh tế đang tiếp tục được duy trì ở mức tăng trưởng.
Bạn nhìn thấy tương lai của thị trường chứng khoán Hàn Quốc như thế nào? Vào tháng 2 năm 2009, Hàn Quốc đã ban hành luật Thị trường Tư bản (luật liên quan đến thị trường vốn và ngành đầu tư tài chính). Đây là luật liên quan đến thị trường vốn được hợp nhất từ sáu luật như là luật giao dịch chứng khoán, luật giao dịch cổ phiếu chưa lên sàn, luật giao dịch cổ phiếu và chứng khoán chưa lên sàn Hàn Quốc… Nhờ đó mà việc cải cách quy chế và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư được đẩy mạnh.
Cùng năm đó thì thị trường chứng khoán của Hàn Quốc được lọt vào thị trường phát triển FTSE (Financial Times Stock Exchange). FTSE là chỉ số giá cổ phiếu được tập đoàn FTSE, một tập đoàn do Financial Times và Trung tâm giao dịch chứng khoán London đồng sở hữu, công bố. FTSE phân loại thị trường chứng khoán của các nước thành thị trường phát triển (Developed market), thị trường mới nổi trước (Advanced Emerging market), thị trường mới nổi sau (Secondary Emerging market), thị trường cận biên (Frontier market). Hàn Quốc trước đó nằm trong thị trường mới nổi trước (Advanced Emerging market). Việc FTSE đưa Hàn Quốc vào trong nhóm thị trường phát triển cho thấy họ đã công nhận kinh tế của Hàn Quốc đạt chuẩn của một nước phát triển. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã không lọt vào chuẩn thị trường phát triển theo chuẩn của MSCI (Morgan Stanley Capital International Index) như đã kỳ vọng. Quy mô nguồn quỹ của MSCI là một quy mô lớn đạt khoảng 5 nghìn tỷ đô la, vượt xa quy mô của FTSE là 3,5 nghìn tỷ đô la.
Dù thế nhưng nhìn vào triển vọng và tiềm năng thì vài năm nữa Hàn Quốc sẽ có thể lọt vào chỉ số phát triển của MSCI.
Năm 2011, Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Tiêu chuẩn về báo cáo tài chính của Hàn Quốc được quốc tế hóa, từ đó thị trường chứng khoán sẽ trở nên minh bạch và lành mạnh hơn. Chuẩn mực báo cáo tài chính càng minh bạch thì nhà đầu tư càng có lợi. Vì nhà đầu tư có thể thấy rõ và chính xác hơn về báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Kinh tế thế giới đang biến đổi rất nhanh. Nếu trong quá khứ Mỹ và châu Âu dẫn đầu thị trường kinh tế thế giới thì trong tương lai, những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước mới nổi như Nga, Brazil sẽ dẫn đầu thị trường.
Trung Quốc cũng đã bước lên cương vị siêu cường quốc kinh tế G2. Trong năm 2010, về chỉ số GDP, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và đứng vào vị trí thứ hai thế giới. Điều này cho thấy vai trò của Hàn Quốc rất quan trọng. Về mặt địa lý, Hàn Quốc nằm ở một vị trí rất đắc địa. Đó là nằm giữa Nhật Bản, một quốc gia có nền công nghệ bậc nhất thế giới và Trung Quốc, một quốc gia có thị trường lớn nhất thế giới. Cơ cấu công nghiệp của Hàn Quốc đã được xây dựng rất chặt chẽ và nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang đi khắp thế giới để hái ra tiền.
Ít có quốc gia nào có được điều kiện và hoàn cảnh tốt như thế này. Đây chính là lý do tôi cho rằng tương lai và kinh tế Hàn Quốc rất tươi sáng. Ngoài ra, Hàn Quốc có rất nhiều nhân tố tốt để phát triển vươn xa ra thế giới như có sự minh bạch trong tài chính, tính cần mẫn và ham học hỏi của người dân, nguồn nhân lực ưu tú... Với lập trường của nhà đầu tư, tôi nghĩ rằng không có thị trường và cơ hội nào tốt như thế này.
Việc cải cách chính sách, đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn quản lý quốc tế, dòng chảy của thị trường kinh tế thế giới là những nhân tố ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán. Vì thế, trong tương lai, kinh tế Hàn Quốc sẽ tiến xa hơn nữa. Tuy nhiên, với tôi, tôi có một lý do khác để đánh giá thị trường chứng khoán của Hàn Quốc tươi sáng.
Đó là tôi hay nói với mọi người rằng: “Chỉ cần Hàn Quốc không sụp đổ thì tôi cũng sẽ không bị sạt nghiệp.” Không phải tôi tài giỏi đâu mà là tôi hiểu rõ rằng nếu ai nắm rõ về cơ cấu kinh tế và dòng chảy cơ bản của doanh nghiệp thì có thể xây dựng cho mình được một “cơ cấu không thể sụp đổ”.
Hãy lấy một giả định bạn đứng ra kinh doanh trực tiếp nhé. Càng ngày thì dòng đời của doanh nghiệp càng ngắn lại. Vì thế giới thay đổi quá nhanh. Những loại hình kinh doanh trông có vẻ sẽ tăng trưởng mãi mãi nhưng vào một ngày đẹp trời, có những loại hình kinh doanh mới xuất hiện thì loại hình kinh doanh ấy cũng bị thoái lui. Hãy nghĩ về những thiết bị viễn thông, bạn sẽ dễ cảm nhận về điều này. Ban đầu thiết bị viễn thông là điện thoại để bàn, sau đó đến chiếc máy nhắn tin cầm tay, rồi đến điện thoại cityphone chỉ liên lạc được trong một phạm vi nhất định, tiếp đó là điện thoại di động và giờ là điện thoại thông minh. Một quá trình biến đổi như thế này chỉ trải qua trong khoảng thời gian 20 năm. Dù các lĩnh vực khác không biến đổi nhanh như lĩnh vực thông tin truyền thông nhưng tất cả đều đang thay đổi với tốc độ cao. Điều đó ai cũng biết rõ. Thay đổi nhanh đồng nghĩa với việc cơ hội cũng nhiều nhưng nguy hiểm cũng không ít. Để đưa doanh nghiệp của mình phát triển trong môi trường thay đổi nhanh như thế này quả là một chuyện khó khăn, vất vả. Vì thế, tôi rất nể trọng và ngưỡng mộ các doanh nhân.
Trong trường hợp bạn điều hành doanh nghiệp trực tiếp thì việc thay đổi ngành nghề sẽ rất khó. Có những ngành nghề rất nổi trội, giá trị cao và triển vọng lớn nhưng một ngày nhìn lại bạn sẽ thấy rằng: “Tại sao mình lại làm việc này nhỉ?”. Tuy nhiên chủ doanh nghiệp không thể nào dễ dàng buông tay nói rằng: “Thôi giờ tôi nghỉ, không làm ngành này nữa.” Việc thay đổi ngành nghề không phải dễ. Trường hợp Nokia chuyển đổi từ ngành gỗ sang ngành điện thoại thành công là một trường hợp hiếm thấy. Những doanh nghiệp không thay đổi theo kịp thời đại thì bắt buộc phải biến mất khỏi thị trường. Tuổi thọ bình quân của những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán của Hàn Quốc thường vào khoảng 30 năm, còn tuổi thọ bình quân của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không đầy 10 năm.
Đây có thể xem là điểm mạnh của việc đầu tư chứng khoán. Đó là nếu chúng ta không hài lòng với doanh nghiệp mình đang đầu tư thì có thể đổi sang một doanh nghiệp khác. Cổ đông là chủ doanh nghiệp nhưng không cần phải đi theo doanh nghiệp đó trọn đời như người chủ sở hữu. Vì một sự thay đổi nào đó mà bạn thấy ngành nghề bạn đang đầu tư không có tương lai hay tỉ lệ thành công thấp, bạn có thể chọn một doanh nghiệp có lĩnh vực khác. Ý tôi nói về sự thay đổi ở đây không phải là sự thay đổi trong thời gian ngắn. Có những sự thay đổi tạo ra một trào lưu mới và có những yếu tố ảnh hưởng nhất thời trong thời gian ngắn. Phương pháp nhận biết sự thay đổi ngắn hạn, hay trào lưu mới thì tôi đã giới thiệu ở các nội dung trước rồi.
Dù có khủng hoảng nhưng nhà đầu tư chứng khoán có thể ứng phó bất cứ lúc nào. Nếu người tiêu dùng đóng ví lại thì doanh nghiệp không thể phát triển. Nhưng không có nghĩa là người ta khóa chặt ví của họ đâu. Bạn có thấy các cửa hàng đồng giá 1.000 won mở bán khắp nơi không? Đây là mô hình bắt chước theo mô hình “Cửa hàng 100 yên” của Nhật. Trào lưu này xuất hiện do kinh tế khó khăn nên số người tìm đến với những sản phẩm giá tiết kiệm. Lúc này, nếu bạn thấy kinh tế khủng hoảng thì bạn có thể đầu tư vào các doanh nghiệp sản phẩm bán giá tiết kiệm. Sau đó kinh tế hồi phục thì người tiêu dùng sẽ tìm đến với những hàng hóa chất lượng cao hơn là giá tiết kiệm. Nếu nói vậy thì cửa hàng đồng giá 100 yên không thể nào đổi chiến lược bán giá cao lên được. Có tăng giá cao lên thì cũng không thể tăng quá cao được. Tuy nhiên với nhà đầu tư chứng khoán thì khác. Khi khủng hoảng qua đi, bạn có thể chuyển sang đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất hàng giá cao hay xa xỉ phẩm.
Điều thú vị là không có một hiện tượng nào có thể tốt cho tất cả và xấu cho tất cả. Lúc kinh tế phát triển, có những công ty sẽ tốt lên nhưng cũng có những công ty gặp khó khăn, ngược lại khi khủng hoảng kinh tế thì có những công ty hoặc ngành nghề doanh thu lại tăng cao. Những cơ hội như thế này nằm trong thị trường chứng khoán. Ở trung tâm giao dịch chứng khoán có 1.800 cơ hội và các công ty ăn nên làm ra liên tục lên sàn nên cơ hội sẽ càng ngày càng nhiều lên.
Lý do khiến nhiều người không biết được cơ hội này là vì họ lo sợ bị thất bại nên chẳng làm gì cả. Không biết thì phải học. Học và hiểu rõ thì sẽ khắc phục được nỗi sợ hãi. Bạn sợ vì không biết rõ.
Tôi tin chắc rằng kinh tế Hàn Quốc sẽ phát triển và tôi cầu mong khẩn thiết nó sẽ phát triển. Nhưng tương lai thì không có gì lấy làm đảm bảo được. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, nếu bạn hiểu rõ nguyên lý của dòng chảy kinh tế thì tôi có thể tự tin nói rằng tương lai của việc đầu tư chứng khoán sẽ luôn luôn tươi sáng. Nếu nền kinh tế của Hàn Quốc không sụp đổ hoàn toàn thì cơ hội và tương lai của thị trường chứng khoán sẽ luôn tươi sáng.
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC SỐNG
Tôi nghe nói rằng ngày xưa trẻ con châu Phi dùng kim cương để chơi bắn bi. Để có thể chơi bắn bi thì viên bi đó phải đủ to và ít nhất mỗi đứa phải có một vài viên bi kim cương mới được. Điều đó cho thấy là trẻ con châu Phi đang chơi một trò chơi hàng trăm ngàn đô la. Người phương Tây thấy thế đã vô cùng ngưỡng mộ.
Đối với người châu Phi thì kim cương chẳng có giá trị gì đặc biệt cả. Tuy nhiên đối với những người phương Tây hiểu rõ giá trị của kim cương thì châu Phi quả là một vùng đất của cơ hội làm giàu. Và trong quá trình tranh giành cơ hội đó, họ đã dùng cả vũ lực với người châu Phi. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không phải là chuyện tranh giành đó. Điều mà tôi muốn nói là nhiều người trong chúng ta đang “chơi trò giống trẻ con châu Phi”.
Xung quanh chúng ta có rất nhiều cơ hội. Chỉ có những người có con mắt trí tuệ nhìn thấy được những cơ hội đó mới có thể mở được cánh cửa của thành công. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào cổ phiếu thôi thì trong những món hàng mà chúng ta thấy và sử dụng hàng ngày đều có cơ hội của đầu tư chứng khoán.
Chúng ta không được quá hồ đồ với chứng khoán nhưng cũng không cần nghĩ quá nghiêm trọng về nó. So với các nước tiên tiến thì số người Hàn Quốc đầu tư chứng khoán không nhiều nhưng việc đầu tư chứng khoán cũng đang dần dần trở nên phổ biến trong dân chúng.
Kinh tế của Hàn Quốc đang phát triển. Nếu là những người tham gia hoạt động kinh tế và hoạt động tiêu dùng thì ai cũng có thể đóng góp một phần vào đây được. Nếu là nhân viên văn phòng thì đóng góp vào sự phát triển kinh tế thông qua công việc mình đang làm và giá trị nhận được là lương tháng. Nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Nếu nói thẳng ra thì như vậy là rất thiệt thòi.
Thông qua thị trường chứng khoán, chỉ cần đóng chút ít lệ phí và thuế giao dịch thì có thể trở thành chủ nhân của công ty. Vậy thì có lý do gì mà bạn cứ phải khăng khăng rằng: “Tôi chỉ muốn làm một nhân viên bình thường thôi.”? Tôi không có ý chê bai công việc của một nhân viên văn phòng. Bất kỳ công việc nào cũng có giá trị và cần phải được công nhận.
Nhưng một điều đáng tiếc rằng có nhiều người không biết được một cơ hội tuyệt vời rằng nếu chỉ cần nỗ lực thêm một chút nữa thôi thì bạn có thể đóng góp vào sự phát triển của kinh tế và bạn có thể cùng tận hưởng hoa trái từ sự phát triển đó. Bạn vẫn làm công việc chính của bạn để gia tăng thu nhập và bạn trích ra một ít tiền nhàn rỗi để đầu tư vào chứng khoán thì bạn có thể gặt hái được những quả lành từ sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Điều mà bạn cần phải cẩn thận đó là lòng tham muốn thâu tóm thật nhiều lợi ích. Nếu bạn không học hành tìm hiểu gì cả mà chỉ trông mong vào những “canh bạc chứng khoán” và mong làm giàu qua một đêm thì hết sức nguy hiểm. Chứng khoán là đầu tư chứ không phải đánh bạc. Bạn có thấy ai chơi cờ bạc mà có kết cục tốt đẹp chưa? Cờ bạc là bác thằng bần và làm cho mọi người xung quanh đau khổ. Nếu muốn đầu tư chứng khoán trở thành cuộc sống của bạn thì bạn phải kiểm soát cái tâm tham lam của bạn, dành thời gian kiên trì tìm hiểu và đầu tư vào doanh nghiệp tốt. Nếu bạn đầu tư vào những doanh nghiệp không có tương lai thì bạn đang làm hỏng cả sự nghiệp của bạn đấy.
Để tìm ra một doanh nghiệp tốt không phải là điều dễ dàng. Bạn phải học về kinh tế và phải biết phân tích doanh nghiệp. Tuy nhiên, “sự hiểu biết mang tính chuyên nghiệp” không phải lúc nào cũng giúp bạn có thể tìm được doanh nghiệp tốt. Trước hết, bạn hãy đưa nó vào cuộc sống của bạn và bắt đầu từ những lĩnh vực mà bạn quan tâm xung quanh.
Mỗi sáng thức dậy bạn đi nhà vệ sinh, đúng không? Ở đó có gì nào? Có rất nhiều thứ như khăn giấy, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, xà phòng, khăn, bồn cầu, đúng không? Những đồ vật này không phải tự nhiên trên trời rơi xuống. Đó là những sản phẩm được làm từ các nhà máy. Chỉ trong nhà tắm thôi đã có bao nhiêu sản phẩm rồi đấy. Bạn tiếp tục nhìn quanh nhà và đi ra ngoài đường, bạn sẽ tìm thấy vô số sản phẩm thông dụng. Như vậy có thể nói là xung quanh cuộc sống của chúng ta được hình thành từ những sản phẩm mà các công ty sản xuất.
Ví dụ, bạn rất hài lòng về cái bồn cầu mà bạn đang sử dụng. Bạn tới nhà bạn bè chơi cũng thấy một cái bồn cầu cùng nhãn hiệu với nhà mình và người bạn cũng rất thích cái bồn cầu đó. Vậy thì bạn có thể tìm hiểu thông tin về công ty sản xuất cái bồn cầu đó. Tình hình tài chính của công ty đó như thế nào, nhà lãnh đạo của công ty đó ra sao, họ có kế hoạch cho sản phẩm mới trong tương lai không, họ có một quá trình lịch sử phát triển như thế nào... Chỉ cần bạn ngồi trước máy tính là bạn có thể tìm thấy được tất cả những thông tin như thế. Sau khi bạn khảo sát và thấy công ty đó có giá trị đáng để bạn đầu tư thì bạn trích ra một ít trong nguồn tiền của bạn để đầu tư và bạn đồng hành cùng họ trong hai hoặc ba năm, nếu dài thì bốn, năm năm.
Nếu bạn thấy cần đề xuất gì đó với công ty để cải tiến chất lượng sản phẩm thì bạn cũng có thể đề xuất. Nếu bạn làm thế thì bạn sẽ thấy được đường đi của doanh nghiệp. Nếu bạn tìm hiểu và thấy có điều gì đó không ổn thì thôi bạn đừng đầu tư vào công ty đó. Có thể bạn sẽ tiếc công sức bỏ ra khảo sát về doanh nghiệp đó nhưng đó cũng là một bài học quan trọng cho bạn đấy. Việc loại bỏ được doanh nghiệp xấu cũng quan trọng không kém việc bạn tìm ra được doanh nghiệp tốt. Và điều này rất quan trọng trong đầu tư chứng khoán.
Đầu tư chứng khoán không ở đâu xa. Bản chất của chứng khoán nằm ở doanh nghiệp và doanh nghiệp đó là những nơi đang sản xuất ra những hàng hóa mà chúng ta tiêu dùng hàng ngày trong cuộc sống. Mỗi khi bạn đi làm hay tan tầm về, hãy quan sát một chút đi. Có doanh nghiệp sản xuất ra chiếc ô tô bạn đang đi. Có doanh nghiệp sản xuất ra xe buýt hoặc tàu điện. Có doanh nghiệp sản xuất vật liệu làm đường và cũng có doanh nghiệp tráng nhựa đường. Tất cả những doanh nghiệp này là đối tượng để chúng ta tìm hiểu và là đối tượng để chúng ta đầu tư.
Tôi muốn nhấn mạnh với bạn thêm một lần nữa là đầu tư chứng khoán không ở đâu xa cả. Bạn phải đưa chứng khoán vào cuộc sống và trong cuộc sống của chúng ta có những doanh nghiệp để bạn đầu tư.
Nếu bạn đưa được đầu tư chứng khoán vào cuộc sống thì bạn sẽ bắt đầu thấy những cơ hội mà bạn không thấy trước đây. Bạn sẽ phát hiện ra cơ hội để gặt hái những quả lành từ sự tăng trưởng của nền kinh tế qua những vật dụng mà bạn vô tình gặp nó hàng ngày.
Trong con mắt của nhà đầu tư chân chính thì có vô vàn những cơ hội trong tất cả những đồ vật thường ngày ta sử dụng như máy tính, xe ô tô, điện thoại di động, tòa nhà... Quyển sách mà bạn đang cầm trên tay cũng chứa đầy “trái ngọt” của những cơ hội tuyệt vời đấy!