Tương lai phía trước mịt mù. Giá cổ phiếu rớt liên tục. Nếu chỉ số KOSPI tháng 5 năm 1996 lên đến 1.000 điểm thì đến cuối năm 1997 rớt xuống còn 338 điểm, bằng với chỉ số của tháng 2 năm 1987. Đó là câu chuyện “cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997” đã mang đến nhiều nỗi đau cho người dân Hàn Quốc. Từ 1.000 điểm xuống còn 300 điểm, nghĩa là 1 tỉ won thành 300 triệu won, 1 trăm triệu won giờ còn 30 triệu won.
Giá cổ phiếu ưu tiên của chứng khoán Daewoo là 12.000 won vào tháng 4 năm 1996 mà đến cuối năm 1997 rơi xuống còn 1.200 won, thật là một thảm họa không nhỏ. Nếu chỉ nhìn vào chỉ số thôi thì cũng không thấy gì nghiêm trọng nhưng thử nghĩ xem tài sản hiện có 100 triệu won nay chỉ còn có 30 triệu won thì giống như đất trời sụp đổ. Trường hợp cổ phiếu “còn sống” thì cũng xem như là may lắm rồi. Có nhiều trường hợp công ty mà mình đầu tư bị phá sản và tài khoản trở thành tài khoản rỗng chỉ trong tích tắc. Những người rút sổ tiết kiệm và vay tiền mua chứng khoán thì cơn bão cuộc đời ập xuống chỉ trong nháy mắt.
Lúc đó, tôi đang làm giám đốc chi nhánh khu vực Apgujeong, Công ty Chứng khoán Kyobo. Những khách hàng, người thân tin tưởng và giao cho một chuyên gia chứng khoán như tôi quản lý tài sản đã bị lỗ nặng. Tôi là nhân viên công ty chứng khoán, việc tư vấn và khuyến khích khách hàng đầu tư là việc của tôi. Tất nhiên, đầu tư là rủi ro và đều có thể bị lỗ. Nếu xét kỹ thì tôi không có lỗi gì trong chuyện này. Cả thị trường bị rơi vào vũng bùn cả nên đó không phải là lỗi của tôi. Nhưng tôi không thể nào rũ bỏ được trách nhiệm mang tính đạo đức, cảm giác tội lỗi với khách hàng. Vì tôi nghĩ rằng mình là người quản lý tài khoản của khách hàng nên tôi phải chịu trách nhiệm. Và tôi phải làm cho mọi người xung quanh tôi không phiền lòng thì sau này tôi mới có thể đường đường chính chính kiếm tiền từ việc đầu tư của họ. Vì thế, bất khả kháng tôi đã trở thành đứa con bất hiếu. Đó là tôi bán đi căn nhà mà tôi đã thật hạnh phúc mua tặng cho mẹ để bù đắp vào khoản thiệt hại của khách hàng. Sau khi bán nhà thì số tiền còn lại chỉ đủ để cả nhà tôi dọn về ở thuê tại một căn hộ vùng ven khu Siheung-dong.
Dù đã làm việc rất lâu trong viện nghiên cứu đầu tư và công ty chứng khoán nhưng cho đến thời điểm đó, tôi vẫn còn chưa ngộ ra rằng đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi, nó sẽ giết chết bạn khi thị trường đi xuống và chứng khoán phải đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp tốt. Với hai điều này, từ trước đến nay tôi chỉ nghĩ đó là những triết lý nghe cho sướng tai chứ là những lời khuyên xa rời hiện thực. Sau khi thất bại thảm hại tôi mới hiểu ra bản chất thật sự của đầu tư chứng khoán. Và ngay tại thời điểm đó, tôi bắt đầu trở thành “nhà nông chứng khoán mới chập chững bước đi”.
Nếu dùng một ẩn dụ để so sánh cách đầu tư chứng khoán mà đa số mọi người đang đeo đuổi thì đó là việc đi săn mồi. Tỉ lệ thành công trong việc săn mồi của chúa tể rừng xanh là sư tử cũng chỉ ở mức 20~30% thôi. Như vậy thì sư tử cũng có thể duy trì được mạng sống. Nhưng đầu tư chứng khoán thì khác. Giống như săn chứng khoán, nếu chúng ta liên tục đổi mục tiêu và làm theo kiểu đầu cơ và sử dụng tác dụng đòn bẩy quá độ thì 10 lần giỏi cũng sẽ có 1 lần thất bại và tài sản có thể tiêu tan.
Khác với thợ săn, người nông dân gieo trồng hạt giống, nhổ cỏ và bắt sâu. Hoa nở rồi tàn, quả ra trĩu nặng sẽ thu hoạch. Thợ săn, nếu may mắn thì có thể săn được con mồi ngon khi vừa ra khỏi nhà nhưng người nông dân lại khác. Người nông dân luôn cần một khoảng thời gian nhất định. Thay vào đó việc gieo trồng sẽ an toàn hơn việc đi săn rất nhiều. Những nông sản mà nhà nông chứng khoán phải quản lý đó là doanh nghiệp. Giống như việc người nông dân gieo hạt giống, làm mạ, tưới nước, nhổ cỏ và bắt sâu thì nhà nông chứng khoán phải gieo tiền giống vào doanh nghiệp có tiềm năng, đến thăm trực tiếp doanh nghiệp, gặp nhà lãnh đạo doanh nghiệp để thấu hiểu doanh nghiệp. Giống như việc nhìn ruộng đồng của mình nhà nông có thể đoán biết được lượng thu hoạch năm nay, nhà nông chứng khoán cũng phải liên tục quan sát những hoạt động của doanh nghiệp và có thể dự đoán trước được sau mấy năm nữa sẽ đạt được thành quả ở mức nào.
Sau khi trở thành nhà nông chứng khoán, tôi có được cơ hội đầu tiên. Đó là đợt khủng hoảng do cuộc đánh bom ngày 9 tháng 11 ở Mỹ. Cả thế giới rơi vào hoảng loạn và Giá cổ phiếu đã rớt xuống từ 20~30% trong thời gian ngắn.
Nhưng tôi nghĩ rằng lần này những cổ phiếu bị rớt giá chắc chắn sẽ hồi phục lại giống như những cổ phiếu bị rớt giá tận đáy vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 1997 đã hồi phục sau đó. Cho nên dù đang làm việc tại công ty Đầu tư Chứng khoán Samsung nhưng tôi thấy thời điểm vàng đã đến, vì thế tôi can đảm ra quyết định nghỉ việc và tập trung toàn thời gian để trở thành nhà đầu tư cá nhân. Nếu lúc đó tôi nghĩ như một “tên thợ săn” thì tôi đã phải nằm nhà chơi vì khó tìm được “mồi” do thị trường đang rơi vào khủng hoảng. Tôi đã “gieo hạt” bằng cách mua cổ phiếu tốt giá thấp và “làm nông” trong sáu tháng. Và như một lẽ tự nhiên, giá cổ phiếu đã hồi phục. Đa số những cổ phiếu mà tôi mua đã tăng vọt lên gấp hai, gấp ba lần. Vị đắng trong việc trải nghiệm những khủng hoảng kinh tế năm 1997 đã trở thành “thuốc bổ” cho tôi trong giai đoạn này. Việc đầu tư chứng khoán với tấm lòng của một nhà nông trông có vẻ như quê mùa và sầu não nhưng cuối cùng đã giúp tôi trở thành một phú ông.
Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc. Tứ thời giai hứng dữ nhân đồng
Đây là hai câu thơ trong tập Thu Nhật Ngẫu Thành của nhà Nho Trình Hạo người Trung Quốc. Đó là hai câu thơ tôi rất thích, có nghĩa là nếu lấy tâm tĩnh lặng để nhìn vạn vật thì tự ta sẽ chứng đạt được và cùng chia ngọt sẻ bùi với mọi người trong suốt bốn mùa.
Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc. Nếu nhìn mọi sự vật bằng tâm tĩnh lặng và ôn hòa thì chúng ta sẽ hiểu được chân lý và dòng chảy của nó. Diện mạo của con người cũng thế, nếu chúng ta nhìn họ bằng một cái tâm tĩnh lặng thì chúng ta có thể biết được họ là người thế nào, họ đã sống cuộc sống ra sao. Chứng khoán cũng thế. Nếu không bị chao đảo vì lòng tham hay sự bất an mà quan sát doanh nghiệp một cách tĩnh lặng và luôn thấu hiểu doanh nghiệp thì chúng ta sẽ thấy được doanh nghiệp đang đi theo hướng như thế nào.
Tứ thời giai hứng dữ nhân đồng. Nhà nông không ăn một mình tất cả những nông sản làm ra. Nếu trên đồng của tôi có nhiều dưa thì tôi mang đi bán hoặc cho những bà con láng giềng. Nếu nhà tôi có nhiều củ cải thì tôi muối kim chi và mang biếu bà con. Đó là tấm lòng của một nhà nông. Tôi rất tâm đắc những điều này. Tôi muốn được sống chan hòa và chia sẻ cùng mọi người. Dường như cho đến thời điểm này, tôi chưa bao giờ đợi giá cổ phiếu lên đỉnh điểm mới bán ra như là việc ăn tất cả quả mà tôi đã trồng. Lúc nào tôi cũng bán lúc hoa vừa nở. Nghĩa là tôi muốn không chỉ một mình tôi hưởng lợi mà tôi chia phần lợi đó cho những nhà đầu tư khác. Tôi bán ra lúc giá lên đến mức phù hợp với mục tiêu ban đầu của mình. Đa số giá cổ phiếu tôi bán ra sau đó đều lên. Điều này không phải tôi nghe theo lời khuyên rằng: “Hãy mua ở đầu gối và hãy bán ở vai”. Đó là vì tôi không muốn những doanh nghiệp đi cùng tôi chịu thiệt hại. Tôi muốn được cùng họ chia sẻ phần lợi ích và cùng nhau tận hưởng niềm vui.
Mới đó mà đã 20 năm tôi chuyển đổi từ một “tên thợ săn chứng khoán” sang một “nhà nông chứng khoán”. Tôi mong độc giả hãy xem kinh nghiệm thất bại của tôi để làm bài học cho mình. Chúng ta có cần phải lê bước để đi vào con đường mà biết chắc rằng sẽ thất bại không? “Thợ săn chứng khoán” là một phương cách vô cùng nguy hiểm và không an toàn. Nói là đầu tư ấy, chứ thực chất là đầu cơ.
Giống như người nông dân luôn có tình yêu bao la với những ruộng lúa, tôi tin chắc một điều rằng nếu chúng ta trân quý doanh nghiệp và đồng hành cùng họ, thấu hiểu họ thì chúng ta có thể trở thành một nhà nông chứng khoán. Tìm kiếm những hạt giống tốt, chăm bón, chờ đợi là những thường thức mà phải sau hơn 20 năm làm việc trong thị trường chứng khoán, tôi mới ngộ ra được rằng: “Đó là con đường chân chính của đầu tư chứng khoán”.
Nhà nông chứng khoán Park Young Ok