Một cậu thanh niên đến gặp một vị học giả già. Cậu hỏi:
Làm thế nào để tôi có thể trở thành một người vui vẻ, đồng thời cũng đem đến sự vui vẻ cho mọi người?
Vị học giả nhìn cậu nói:
Con trai, ở tuổi của con như hiện tại mà đã có nguyện vọng như vậy thật đáng quý. Ta xin được tặng con 4 câu nói.
Câu thứ nhất: “Hãy đặt mình vào vị trí người khác”. Con có thể hiểu câu này có nghĩa gì không?
Cậu thiếu niên trả lời:
Có phải khi tôi cảm thấy tuyệt vọng, đau khổ, bi thương, tôi phải biến mình thành người khác... Như vậy thì nỗi đau đó sẽ giảm đi rất nhiều? Khi tôi thấy sung sướng, hạnh phúc tột độ, tôi cũng biến mình thành người khác để cho niềm hân hoan tột độ đó được hài hòa hơn?
Vị học giả khẽ gật đầu, nói tiếp:
Câu thứ hai: Biến người khác thành mình. Cậu thanh niên trầm tư một lát rồi nói:
Như vậy có phải sẽ hiểu được thấu đáo nỗi bất hạnh của người khác, lý giải được nhu cầu, mong muốn của người khác, khi người ta cần giúp đỡ thì có thể đưa ra những sự hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết?
Vị học giả hai mắt sáng lên, tiếp tục nói:
Câu thứ ba: Để người khác biến thành người khác. Cậu thiếu niên nói:
Câu này liệu có phải muốn nói phải tôn trọng tính độc lập của mỗi cá nhân con người? Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được xâm phạm đến lĩnh vực riêng tư của họ?
Vị học giả cười ha hả nói:
Tốt lắm, tốt lắm, cậu thật là thông minh. Câu thứ tư đó là: Biến mình thành chính mình. Câu này lý giải hơi khó, cậu hãy giữ lấy rồi chiêm nghiệm dần vậy.
Cậu thiếu niên nói:
Bốn câu này thật mâu thuẫn với nhau, tôi phải làm thế nào mới thống nhất chúng lại được?
Vị học giả nói:
Đơn giản thôi mà, chỉ cần dùng thời gian và kinh nghiệm của một đời là đủ.
Cậu thiếu niên trầm tư rất lâu, sau đó mới nói lời cáo từ.
Sau này cậu thiếu niên đó trưởng thành, rồi cũng dần già đi. Sau khi ông mất đi khá lâu, người ta vẫn còn hay nhắc đến tên của ông. Người ta đều nói ông là một vị trí giả, bởi vì ông là một người vui vẻ, hơn nữa ông lại còn đem đến niềm vui cho bất kỳ ai mà ông đã từng gặp.