Cuối cùng thì kỳ thi trung học đã xong. Tuy nhiên, vào cái buổi tối tạm biệt đống sách vở cùng với ngọn đèn học đã đi cùng tôi suốt chặng đường ôn thi ấy, tâm trạng của tôi vẫn không cảm thấy nhẹ nhõm hơn chút nào cả, khi nhìn thấy bố tôi - người đưa thư - hàng ngày thức khuya dậy sớm, chạy đông chạy tây, xuôi ngược vất vả để lo nuôi sống cả gia đình. Mặc dù ông không như những ông bố bà mẹ khác suốt ngày chỉ ca bài phải tốt nghiệp trung học này nọ, nhưng tôi hiểu, ông đặt toàn bộ hy vọng vào tôi. Nếu như chẳng may lần này mà tôi không thi đỗ, tôi không hiểu phải đối mặt với ông thế nào nữa?
Mấy ngày hôm sau, tôi ở nhà cả ngày, không có việc gì làm, buồn chân buồn tay muốn đi ra ngoài tìm việc gì đó cho khuây khỏa. Nhưng tôi cũng chỉ nói với ông rằng muốn đi ra ngoài để rèn luyện, tích lũy một chút kinh nghiệm. Sau khi ông nghe thấy ý định của tôi, ông trầm tư một lúc rồi nói:
Tốt nghiệp rồi thì con cứ vui chơi cho thoải mái đi. Bố vẫn còn làm việc được, vẫn đủ sức để kiếm tiền nuôi con ăn học, con đừng nghĩ ngợi nhiều làm gì.
Kỳ thật thì tôi rất hiểu gia cảnh của gia đình mình, toàn bộ chi phí sinh hoạt trong nhà đều phải trông cậy vào đồng lương ít ỏi của ông đem lại, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Vì thế mà tôi không nghe lời ông, đi tìm việc ở một công trường có thể chấp nhận người như tôi làm việc. Ông chủ ở đó thấy tôi là người thật thà, nên để cho tôi làm mấy việc vặt giúp những người thợ chính. Hàng ngày, tôi thường đi làm sau khi bố tôi đã ra khỏi cửa, sau đó lại về nhà trước khi ông tan ca trở về nhà. Nhưng đúng là trên đời này cây kim trong bọc lâu ngày rồi cũng có ngày lòi ra, cuối cùng thì cũng có người nói chuyện tôi đi làm ở công trường đến tai ông.
Một buổi chiều, trong khi ông đi đưa bưu phẩm, cố tình đi qua công trường nơi tôi làm, từ khá xa ông đã phát hiện ra tôi. Tôi chuẩn bị trốn, nhưng đã không kịp nữa rồi. Lúc đó trông ông như một đứa trẻ bị mất hồn vậy, tay giữ ghi đông xe đạp, đứng như trời trồng ở đó. Tôi giả bộ không nhìn thấy ông, đầu cúi xuống, mồ hôi ướt sũng lưng áo, tiếp tục làm công việc của mình.
Buổi tối, tôi trở về nhà từ công trường. Bố trông thấy tôi toàn thân từ trên xuống dưới lấm lem, khóe mắt ông mọng nước. Từ hai hốc mắt của ông ánh lên giọt nước mắt nhưng nụ cười thì lại rạng rỡ vô cùng. Tay ông bê một bát phở đầy, món mà tôi thích ăn nhất, đặt trên bàn và giục tôi ăn nhanh.
Ngày thông báo điểm thi, tôi dậy từ rất sớm, nhẩy lên chiếc xe đạp và lại đi trên con đường quen thuộc lâu nay để đến trường. Trong lòng nặng nề, hồi hộp và vô cùng căng thẳng. Tim đập thình thịch, bất an như chính những vòng xe đang lăn tròn vội vã vậy. Khi đến trường, thấy các bạn của mình với những tâm trạng khác nhau: một số thì âu sầu thiểu não, số khác thì lại hoan hỉ mừng rỡ. Thầy giáo cầm bảng điểm đi đến trước mặt tôi, nói rổn rảng:
Thành tích thi của em lần này, so với toàn trường rất tốt. So với điểm chuẩn mà trường đại học em đăng ký còn cao hơn hẳn 4 điểm đấy.
Vừa nghe thấy như vậy, lại nhìn bảng điểm, tôi mừng vui khôn xiết.
Buổi trưa hôm ấy, tôi đạp mải miết về nhà, bước chân của tôi đã mạnh dạn hơn rất nhiều, bước vào cửa nhà, trông thấy bố tôi đang ngồi yên lặng trên ghế sô pha trầm tư rít thuốc. Ông trông thấy tôi, vội vàng dụi điếu thuốc, đứng dậy hỏi kết quả thi cử của tôi. Tôi cũng thông báo lại kết quả mà thầy giáo cho là rất lý tưởng ấy cho ông, vừa nghe xong, ông rất mừng, giơ đôi bàn tay thô ráp, mạnh mẽ ôm chặt lấy tôi, cứ như tôi vẫn còn là một đứa trẻ vậy, vừa ôm vừa nói:
Tốt lắm, được lắm, giỏi lắm, bố biết là con trai bố rất cừ mà, chắc chắn không làm bố thất vọng mà.
Nói xong, bố quay qua dặn dò mẹ làm thêm vài món ăn ngon, còn ông lấy từ trong bếp ra một bình rượu trắng. Tôi biết đó là bình rượu quý ông đã cất giữ suốt bao năm mà không dám mang ra uống. Bố tôi mở bình rượu, cẩn thận rót ra hai chén đầy, nói một cách thân tình:
Nào, đến đây, hai bố con mình uống vài ly! Hôm nay có chuyện vui thế này bố cho phép con được uống rượu.
Tôi đưa tay đón lấy chén rượu ông đưa, uống một hơi cạn.
Nào, nào, tiếp tục!
Nói rồi ông lại tiếp tục rót cho tôi một chén đầy nữa, tôi lại tiếp tục một hơi cạn chén.
Hôm đó tôi chỉ nhớ bố tôi đã uống rất nhiều, còn tôi khi cảm thấy đầu óc bắt đầu choáng váng, thì nói với ông:
Bố, hay là chúng ta không uống nữa, không nên say!
Ông nghe thấy thế, khuôn mặt đỏ au cười cười gật đầu:
Được, con không uống nữa, bố uống thêm vài chén nữa, hôm nay bố rất vui.
Nghe thấy những lời đó, tôi cảm thấy sống mũi mình cay cay. Mẹ tôi an ủi:
Bố con đã ngần này tuổi rồi, kệ ông ấy đi, để ông ấy hôm nay được thoải mái.
Vài ngày trôi qua, một hôm khi bố tôi từ bưu điện trở về, trong tay là thông báo nhập học của tôi. Ông bước vào nhà với bộ dạng vô cùng phấn khích: Chúc mừng, chúc mừng, con trai của nhà ông bà đã bảng vàng đề danh rồi!
Mẹ cười tươi, nhìn về phía bố nói:
Cái gì thế? Đừng có quên đây là nhà của ông đấy nhá.
Bố cười hì hì, chỉ vào giấy thông báo nhập học rồi nói:
Nhìn này, đây chẳng phải là niềm vui sao. Từ bưu điện về nhà, dọc đường không ai là không ngó nghiêng, bàn tán này nọ, rằng con trai chúng ta thật là tài giỏi!
Sau này tôi mới biết, tờ giấy thông báo nhập học đó của tôi đã được ông cất kỹ càng trong ngăn kéo phòng ngủ của ông, chỉ khi có ai đó đến, ông mới vội vàng lấy ra khoe. Tôi cũng biết hằng đêm, ông phải mở ngăn kéo đó ra, nhìn một cái rồi mới an tâm làm việc khác.
Hôm đó, nhân lúc ông đi làm chưa về, tôi liền lén lút vào phòng của ông, kéo cái ngăn kéo ở giữa ra, trông thấy trong đó xếp rất ngay ngắn một chồng lớn báo, tạp chí, tôi thấy tờ giấy thông báo nhập học của tôi được kẹp giữa chồng báo đó. Cầm tờ giấy thông báo nhập học lên, tôi thấy phía dưới còn có hai tờ giấy được gấp gọn gàng, thẳng nếp. Tôi cẩn thận, từ từ mở ra xem, vừa nhìn, hóa ra là bức thư mà bố tôi viết cho tôi nhưng từ trước đến nay chưa hề đưa cho tôi đọc. Trong đó viết như thế này:
“Con trai yêu quý:
Bố biết con trai của bố vô cùng xuất sắc, con là niềm tự hào của thầy cô giáo, và cũng là niềm tự hào vô bờ của bố mẹ. Sự phấn đấu bền bỉ, miệt mài của con chắc chắn sẽ đem về cho con thành quả tốt đẹp, mang lại cho con nhiều trái thơm, quả ngọt. Chúc con sau này trên hành trình đi đến tương lai của con sẽ mở ra được bầu trời xanh ngát của riêng mình.
Yêu con!”
Tờ giấy thứ hai viết:
“Con trai yêu quý của bố:
Kết quả của lần thi này không tốt, con cũng đừng hối hận, oán trách bản thân về những lỗi lầm đã qua nhé. Con đã cố gắng hết sức, phấn đấu hết mình nhưng không có nghĩa là con sẽ có thể thành công. Con hãy tin tưởng vào chính bản thân mình nhé! Chúng ta hãy cùng nhau luyện tập tiếp, năm sau chắc chắn sẽ thi được một kết quả thật tốt. Con nên tin tưởng rằng, cầu vồng luôn xuất hiện sau cơn mưa.
Luôn ở bên con!”
Chỉ là hai tờ giấy ghi những câu chữ vô cùng ngắn gọn và đơn giản, nhưng tôi lại nhìn như thôi miên vào nó. Trong khoảnh khắc đó, những giọt nước mắt của tôi cứ thi nhau lăn dài trên má. Cũng khoảnh khắc đó, cuối cùng thì tôi cũng hiểu tình yêu thương không tính toán của bố dành cho tôi, dành cho con cái.