Bóng tối vờn quanh mái tôn hoen gỉ của ngôi quán nhỏ. Quán bánh canh Trảng Bàng của tôi ở đất thủ đô. Hơn một năm bám trụ, tôi đã làm được thứ gì sau từng ấy thời gian xa cách với má?
Nhớ khi đi, tôi quyết tâm dứt áo khỏi mảnh đất từng nuôi tôi lớn. Bàn tay gầy gò, run run của má ươn ướt dòng nước quệt vội từ mi mắt tôi. Không, đó là lý tưởng tôi ấp ủ. Rời xa cái xóm nghèo với bụi cây, ngọn cỏ tỏa hơi đất xộc tận đến giường. Rời xa ký ức mấy buổi săn cá của ba, người đàn ông khắc khổ vẫn hay cho tôi cây kẹo đã chảy nhoe nhoét. Không phải tôi không hiểu tình thương của họ, nhưng tôi không thể sống mãi với cái nghèo.
- Bốn mươi triệu đủ không em? Anh thấy hơi ít. Anh tính thế này, thuê nhà thì đóng ba tháng một cũng hết hơn hai chục rồi. Còn tiền mua dụng cụ, nguyên liệu nữa. Em cố vay đâu được thêm đôi chục nữa đi.
- Để em thử hỏi xem, nhưng không hy vọng gì đâu.
Tôi khởi nghiệp ở đất Thủ đô hoa lệ với hai bàn tay trắng và một tình yêu. Thứ tình yêu cao cả, đáng giá hơn nhiều đối với tiền bạc. Trong cuộc đời hai mươi năm non nớt, tôi có hai tình yêu, với bánh canh Trảng Bàng và với anh. Ngôi quán nhỏ thó, nằm trong khu này là tất cả tâm huyết và công sức của tôi từ khi đến Thủ đô lập nghiệp. Tôi gặp anh, chàng trai của đời tôi trong một chiều thu đầy nắng. Nắng thu Hà Nội không gay gắt như mùa hè, cũng chẳng hanh hao như giọt nắng xứ Tây Ninh quê hương. Nắng nhạt nhòa như niềm đam mê thơ trẻ. Tôi chỉ là cô gái thôn quê, không thạo phố, chẳng thạo đường, nhanh chóng hút vào tình yêu đầu đời dịu ngọt. Hai bàn tay và chút tiền vay, cộng với món bánh canh quê nhà, tôi tưởng thế là đủ để lập nghiệp.
Đời nhanh chóng đánh vào tôi một cú thật mạnh. Đất Tây Ninh hồn hậu đậm sâu, nhưng phong vị quê nhà đâu thỏa mãn được người Thủ đô. Tiền vốn ít, vắng khách cả tháng, tôi nhanh chóng nhận ra mình nhỏ bé. Ở đây, không thể tìm ra thứ bánh đúng vị quê hương. Sợi quê vàng nghệ, nhìn tưởng dễ làm mà lại cực kỳ khó. Kiếm đâu ra thứ gạo trải qua tinh túy đất trời ở quê? Đặt nguyên liệu từ quê ra thì tốn kém, chất lượng lại không đảm bảo khi chuyên chở. Tôi cười nhẹ rồi đối mặt với thử thách đầu tiên. Sẽ chẳng sao khi anh ở bên tôi. Anh bảo: “Thì lấy bánh ở đây thay vào, còn tôm thịt thì đầy”. Chỉ thế thôi thì đơn giản, nhưng vị Tây Ninh không còn nữa.
- Ôi giời, em cứ làm thế đi có sao đâu, ngon là được.
Tôi đã nghe theo anh, rồi chế biến ra một món bánh canh “tạm được”. Đúng là vẫn có khách, đủ để sống và duy trì quán. Bánh canh thì tôi đặt loại miếng to ở lò rồi cắt ra. Thịt gà, thịt heo và tôm thì cố gắng nấu sao cho ngon. Thế là được. Bát bánh canh bưng ra vẫn nóng hổi nhưng khác với vị ở quê.
Má gọi từ quê ra. Giọng má thổn thức, rỉ rả tâm sự như muốn gọi đứa con gái nhỏ về quê. Chưa bao giờ tôi thấy bà như thế. Tôi vẫn gửi tiền về đều đặn mà. Tôi biết, má muốn sửa lại gian nhà nơi kỷ niệm với ba. Ba đấy. Ba của tuổi thơ đẹp đẽ. Ba của những buổi phát cây, lên rẫy. Nhà tôi thuần nông, ruộng đồng tỏa màu xanh bát ngát. Tôi như cánh cò vụt bay trong buổi chiều nào đó, lỡ miệng nói ước muốn trở thành đầu bếp, thành người nấu những món ăn ngon ở quê nhà cho người khác, rồi tôi sẽ được coi trọng, không còn sống đời nông dân bé nhỏ. Ba chỉ cười rồi xoa đầu đứa con gái mộng mơ. Tôi biết, thế là ba đồng ý rồi đấy. Trẻ con, hết tuổi thơ là vỗ cánh bay về miền mong ước, hết tuổi hồn nhiên là đối mặt với giông bão trường đời. Chính đứa con gái đó đã hiện thực hóa ước mơ con trẻ, đi đến chân trời mới, trong tâm vẫn nghĩ rằng phải cố gắng lên để rồi có tiền báo hiếu cho má. Ba về trời rồi, người ủng hộ tôi, người chắp cánh cho mơ ước đã ra đi, tôi ở lại, đem theo niềm hy vọng và mong ước chưa một lần nói ra.
- Con mở cửa hàng ở thành phố Tây Ninh không được sao? Ở đó gần nhà, lúc nào con về nhà cũng được.
- Không được. Con quyết rồi. Ở quê sao làm giàu được nhanh chóng. Quá nhiều người bán giống nhau, con sao cạnh tranh được? Chỉ có ở Hà Nội hay Sài Gòn mới kiếm tiền được thôi.
- Má biết. Nhưng sao con không chọn Sài Gòn?
- Vì... vì con thấy Hà Nội dễ làm ăn hơn.
Chắc má cũng biết đó là lời nói dối. Tôi chỉ muốn gần anh. Người con trai lấy mất hồn tôi chỉ qua vài buổi chat trên mạng. Đã quen với kiểu của các cậu trai quê, tôi nhanh chóng choáng ngợp trước sự quan tâm của chàng trai Thủ đô. Anh lãng mạn, nâng niu. Anh dùng lời lẽ ngọt ngào với nàng công chúa là tôi. Không, còn hơn thế. Chưa bao giờ một cô gái thôn quê lại được tận hưởng thứ tình cảm lạ kỳ. Nụ hôn nồng cháy của anh, rồi những đêm anh làm tôi hạnh phúc. Sao tôi về quê, chôn chân nơi đó được.
- Con không về đâu. Hằng tháng con gửi tiền cho má được rồi.
Đáp lại chỉ là tiếng thở dài của má. Mấy lần tôi nghĩ đến việc bán nhà ở quê để má chuyển lên ở với tôi, nhưng má nhất quyết gạt đi: “Má còn họ hàng, còn bạn bè chòm xóm. Ra đó lạ nước lạ cái, má sống sao?”. Má nói với tôi như vậy, rồi cứ thỉnh thoảng gọi tôi nói những chuyện không đâu. Hơn một năm xa tôi mà giọng má yếu đi trông thấy. Má bệnh sao? Chắc không phải đâu, vì má nói vẫn khỏe. Một mình làm ruộng, đâu cần khổ thế má ơi? Tôi chỉ biết hỏi thăm rồi kêu má cố ăn uống cho khỏe. Nói nữa má cũng không về với tôi cơ mà.
Nỗi nhớ má cũng nguôi dần, tôi lại tất bật với nấu ăn, bán hàng, tất bật cùng tình yêu đầu đời. Dạo này, anh không đến nhiều. Tôi cũng không có thời gian đi chơi với anh. Đã một năm rồi, món bánh canh Trảng Bàng của tôi đã có chỗ đứng hơn ở đất Thủ đô. Khách hàng sành lắm, nấu dối, nấu qua loa họ chỉ đến một lần rồi đi. Nó là kỷ niệm cay đắng của một người khởi nghiệp đầu đời. Tôi tự làm sợi bánh để bán. Mất công nhưng có đồ ngon. Nước lèo nấu từ công thức của má, ra Hà Nội tôi buộc phải điều chỉnh để hợp khẩu vị đậm đà ở đây. Cực nhất là nấu nước lèo sao cho đúng vị, sao cho thấm hết được tinh túy của món bánh canh Trảng Bàng quê hương. Đến rau ăn kèm cũng phải có hương vị riêng, tạo một dấu ấn cho cửa hàng. Tiền nợ dần trả hết, lại dành ra thêm được một khoản nho nhỏ. Liệu đến khi mua được ngôi nhà ở đây, má có nhìn ra con má thực sự tài giỏi? Chắc không đâu má. Tôi biết má vẫn coi tôi là con bé vô tích sự. Hồi đó nấu mãi không đúng vị, má bảo tôi bỏ đi, không cần cố nữa vì làm mãi cũng đâu có được, đi ráng thi vô cao đẳng cũng ổn. Đến bây giờ, tôi đã chứng minh cho má thấy, tôi còn làm được hơn thế. Quán nhỏ trong ngõ cũng đã nhiều người biết đến hơn, lượng khách quen cũng có thêm tương đối.
Anh bảo tôi phải mở quán ở mặt đường. Chỉ tiền thuê mặt bằng cũng gấp ba. Tôi phản đối yếu ớt, đầu óc lúc đó u mê mất rồi. Mặc lời dặn dò giữ mình của má, tôi lại lao theo anh, lao theo tình yêu tôi trót tin tưởng. Tôi như miền hoang mạc cạn khô tình cảm, song thứ tình cảm thực sự chính tôi cũng không nhận ra. Trò chơi tình ái cuối cùng cũng kết thúc. Tôi dại dột vay tiền mở rộng kinh doanh. Tôi không tính đến nguy cơ và sự cố. Dịch bệnh nhanh chóng đánh tôi suy sụp. Không bán được hàng nghĩa là kết thúc, vì bán hàng qua mạng không đủ bù chi phí. Anh đã ra đi khỏi đời tôi, để lại một mối tình khó quên và nỗi đau cồn cào, thỉnh thoảng nhói lên trong tim, trong óc.
Tôi đã về bên má. Đúng hơn, tôi chạy trốn khỏi thực tại. Cố gắng đem món ăn của quê hương lập nghiệp tại thành phố lớn đã thất bại. Chính má là người gánh hậu quả do tôi để lại. Má còn tiền. Má đem tất cả đặt vào tay tôi. Tiền ở đâu ư? Là chính căn nhà của má. Căn nhà ông bà để lại, chỉ vì tôi mà không giữ được. Rút cục tôi lại nghe lời má, mở quán bánh canh Trảng Bàng ở thành phố Tây Ninh. Niềm mơ ước của tôi, mong ước của con bé mới lớn, con bé tưởng mình hiểu cả chuyện đời và chuyện tình yêu. “Nhà thuê, vẫn là nhà của hai má con”, má nói vậy rồi lau những giọt nước mắt chảy ra trên má tôi.
Má bảo, có hối hận cũng đã qua rồi. Cái gì đã mất thì không thể giữ lại. Chỉ là, tôi vẫn còn cơ hội, còn má đã già rồi. Đúng rồi, tôi quá ích kỷ, chỉ chạy theo cảm xúc của mình. Ham muốn, đôi khi chính nó giết chết ước mơ, giết chết những tình cảm yêu thương ở ngay bên cạnh tôi.
Mưa đến rồi. Mưa to quá. Mưa rả rích không ngớt, như muốn trút giận vào miền Trung ruột thịt. Bão đến đây rồi. Tôi bên má, người đến cuối cùng cũng lo cho đứa con gái bé bỏng. Trong cơn bão đang tàn phá không tiếc thương quê nhà của tôi, má đang đứng bên cạnh, nếm món bánh canh Trảng Bàng do tôi làm ra. Món ăn từng đạt được một chút thành công ở Hà Nội, giờ quay về đất Tây Ninh, làm hài lòng các thực khách nơi đây, những người từ bé đã ăn đến quen cánh môi, đầu lưỡi. Bão tan, tôi lại bán. Dịch bệnh cũng qua, trong ngôi nhà thuê, hai má con bày bàn ghế, cùng bên nhau đi đến miền ước của tôi.