Hai tám tết. Bàn thờ nghi ngút khói. Tôi ngồi đó, thỉnh thoảng đưa mắt lên nhìn bức di ảnh bắt đầu in dấu bụi thời gian. Đó là Dũng, người yêu của tôi, người chiến sĩ cứu hỏa đã hy sinh trong một vụ cháy.
Đã lâu tôi không lau ảnh của anh. Cũng tội anh. Bởi tôi vẫn luôn tự trách mình vì đòi anh nghỉ hôm trước để đi chơi, làm anh phải trực bù hôm sau. Hơn ba năm chúng tôi vui buồn có nhau, chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống. Anh là người cảnh sát phòng cháy chữa cháy, còn tôi là cô bé bán tạp hóa ở chợ. Quầy hàng tôi dựng lên để mưu sinh, để nuôi đứa em nhỏ không may mồ côi cha mẹ. Cũng là hỏa hoạn đấy. Lửa không chừa một ai. Lửa làm gia đình tan nát. Lửa làm tiêu điều cuộc sống.
Ngọn lửa đó đã cướp đi gia đình tôi, cướp đi người đàn ông mà tôi yêu quý. Hai bảy tết, chúng tôi có bữa tiệc nhỏ kỷ niệm quãng đời sánh bước cùng nhau. Anh là người đàn ông dịu dàng, từng trải, nghiêm khắc nhưng lo cho tôi. Anh là tất cả, là cuộc sống của tôi. Bây giờ, anh chỉ còn là người trong bức ảnh. Bức ảnh đó không đủ làm tôi vơi đi nỗi nhớ trong mùa đông lạnh lẽo. Một cái tết không đủ đầy. Một cái tết đã khấm khá hơn ngày trước, nhưng thiếu nhiều người quan trọng của đời tôi.
Kỷ niệm bừng lên trong nỗi nhớ. Khuôn mặt gầy gầy, xương xương hằn lên niềm đau không thể phai mờ. Nhanh nhẹn và có phần tinh quái, chẳng trách anh là thành viên “xung kích” của đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy của quận. Hôm nọ đến thăm các đồng đội cùng phòng như di nguyện của anh, họ cũng nhớ anh lắm. Anh bảo không gì quý bằng tình cảm đồng đội của anh em chiến sĩ, quả đúng thật nhỉ. Nhiều lúc tôi cũng ganh tị với họ, bởi họ được gần anh nhiều hơn tôi. Với anh, công việc, nhiệm vụ là trên hết. Thời gian dành cho người yêu tuy quan trọng nhưng cũng chỉ đứng sau nhiệm vụ. Tôi biết chứ. Tôi cũng thông cảm cho anh lắm chứ. Anh chiến đấu với ngọn lửa để bảo vệ đồng bào, đó là công việc vô cùng cao quý. Tôi cũng hiểu điều đó. Tôi cũng thấy xót xa khi bao nhiêu người đã thiệt mạng vì lửa. Tôi cũng mừng vui khi thấy một người lính cứu hỏa đưa người dân mắc kẹt ra khỏi đám cháy. Tôi khóc. Nước mắt tôi cứ thế chảy ra vì vui sướng. Tôi buồn khi thấy một chiến sĩ nào đó chẳng may bị hy sinh. Nhưng đó không phải là anh. Tôi vẫn ích kỷ. Tôi vẫn chỉ biết có bản thân mình.
***
Tết này, tôi lại đến thăm đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Căn phòng nhỏ ấm cúng với dụng cụ, đồ đạc được xếp ngay ngắn, cẩn thận. Hôm nay có vụ cháy nhà dân, hầu hết các anh trong đội đã đi tác chiến hết, chỉ còn lại Long, người lớn tuổi nhất. Tôi cũng chỉ thân mỗi anh vì có lần anh đã cùng Dũng đi ăn với tôi. Lần đó, chúng tôi hẹn ăn tối trong một quán ăn gia đình. Sự có mặt của Long làm tôi bối rối. Tôi quay sang trách, Dũng chỉ cười xòa:
- Thông cảm đi mà người yêu xinh đẹp. Bọn anh vừa xong nhiệm vụ, anh ấy lại không có xe nên anh chở đi luôn, rồi cũng muốn giới thiệu em với đồng đội.
Cái điệu bộ chắp tay của Dũng như trẻ nít làm tôi phì cười, rồi cũng ngồi ăn cùng với Long. Già đầu mà pha trò đáo để, làm tôi và Dũng cười suốt buổi. Lính cứu hỏa là thế sao. “Tưởng các anh suốt ngày căng thẳng lắm chứ?”. “Đâu có em ơi, nghề của bọn anh khốc liệt lắm, nay sống mai chết lúc nào không biết đâu nên phải lạc quan và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhân dân”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên, rồi quay sang người yêu mình. Đúng thật. Sống nay chết mai. Lửa thật kinh hoàng và khủng khiếp. Lửa là tên sát nhân tàn bạo. Người yêu mình bên cạnh cũng sống như vậy. Anh ấy có thể ra đi bất cứ lúc nào. Rồi những khoảng thời gian hạnh phúc kéo dài bao lâu? Bây giờ thì tôi đã biết cảm giác ngày đó thế nào. Dũng của tôi đã không còn nữa. Anh ấy đã hy sinh. Anh đâu muốn bỏ tôi, bởi anh yêu tôi rất nhiều. Long đã đứng trước mặt tôi từ bao giờ. Thấy anh, nước mắt tôi cứ tự chảy ra, lăn dài hai bên má.
Long đưa tôi chiếc khăn giấy để lau nước mắt, rồi rót nước mời tôi. Chẳng hiểu sao thấy Long, kỷ niệm quá khứ hiện ra trong đầu như những thước phim quay chậm. Dũng ở đó, nở nụ cười quen thuộc chào đón chiến hữu. Dũng kể trong đội có bốn chiến sĩ rất giỏi, được đồng đội đặt biệt danh là “tứ quái” vì đều khoẻ mạnh, sức “trâu” và không ngại xông pha vào những hiện trường nguy hiểm. Đêm đó, anh ra đi. Chẳng kịp nụ hôn cuối. Chẳng kịp cái ôm vội vã. Tôi yêu anh. Tôi muốn anh hoàn thành nhiệm vụ của một người công an với nhân dân. Đúng, yêu là phải như thế. Nhưng đó là tình yêu của tôi ngày trước. Còn giờ đây, nỗi nhớ da diết biến tôi trở thành con người khác. Con người không còn là chính mình.
Tiếng Long gọi cắt ngang dòng suy nghĩ:
- Hạnh, thứ bảy này em có rỗi không?
- Em có. Nhưng để làm gì vậy anh?
- Đi cùng anh đến chỗ này.
Tôi đi cùng Long ra phố. Anh đưa tôi đến một ngõ sâu ngoằn nghèo. Long bây giờ cũng khác hẳn ngày xưa. Anh lính cứu hỏa vui vẻ, hay bông đùa biến đâu mất, nhường chỗ cho một ông già trầm ngâm, lúc nào cũng nghiêm mặt nghĩ suy. Tôi biết, anh là bạn thân nhất của Dũng. Nhưng đã ba năm rồi, anh vẫn giữ bộ mặt đăm chiêu ấy. Tôi cũng vậy, cũng không thể quên hết nỗi buồn của quá khứ. Nơi chúng tôi đến là một căn hộ sâu trong hẻm. Nhà với sơn vàng phủ rêu phong xam xám, tương phản với những ngôi nhà ba, bốn tầng vàng chóe xung quanh. Căn phòng buồn đau. Căn phòng thương nhớ. Trên bàn thờ nghi ngút khói có ba bức ảnh. Một người đàn ông với khuôn mặt hiền hậu, bên cạnh là một cô gái xinh xắn đang cười rất tươi. Ánh mắt thật yêu thương và hạnh phúc. Trước đây khi Dũng còn sống, tôi cũng cười toe toét như thế khi gặp anh, khi selfie với anh, khi nắm tay anh trong phút giây ngắn ngủi bên nhau. Tình yêu của chúng tôi là thế, dịu dàng và vội vã. Ảnh của Dũng ở ngay cạnh ảnh cô gái. Anh cũng cười nhưng chỉ mỉm môi nhẹ nhàng. Bức ảnh anh mặc cảnh phục nghiêm trang. Đôi mắt kiên định. Đôi mắt sống vì người khác.
Và kia, người phụ nữ trung niên xa lạ, người đang mừng rỡ bắt tay Long. Tôi chào bà rồi nhìn lên ảnh cô gái nghi ngại. Bà nắm tay tôi rất chặt. Bàn tay sạn chai. Bàn tay nhăn nheo mà ấm áp.
Vào cái ngày định mệnh đó. Hương, con gái của bà mới về nhà sau kỳ công tác dài ở Sài Gòn. Bố mất, chỉ còn mình mẹ. Hai mẹ con thương yêu nhau, nương tựa sinh sống. Hương không phụ lòng mẹ, tốt nghiệp loại giỏi, được làm trong công ty liên doanh. Rồi Hương được điều chuyển vào làm quản lý chi nhánh Đồng Nai hai năm. Hương muốn mẹ cùng vào với mình, cô có ý định bám trụ miền đất năng động này. Bà từ chối bởi đã quen với cái không khí tình làng nghĩa xóm. Hai năm không dài, cũng đủ để mẹ con mừng mừng tủi tủi mỗi khi Hương ra thăm nhà. Đêm đó, hai mẹ con say ngủ. Lửa từ nhà hàng xóm cháy lan ra. Vì mẹ con lâu ngày không gần nhau nên đã nói chuyện đến quá nửa đêm, hai mẹ con chìm trong giấc mộng không hề hay biết. Đến khi tỉnh giấc, bà đã thấy khói phủ kín nhà. Lửa bừng bừng cháy. Lửa nóng bỏng rát da, rát phổi. Bà vội cúi thụp người xuống theo hướng dẫn trên truyền hình, rồi cố bò ra cửa tìm lối thoát. Khói sặc sụa. Khói cắt đứt từng nhịp sống xung quanh. Lửa liếm tới, lửa bốc cao dữ dội. Bà nhớ lại thời gian thoát hiểm người ta đã nói chỉ có hai phút. “Nhưng con Hương? Con Hương đâu rồi”. Rõ ràng nó nằm ngủ cạnh bà mà giờ nó ở đâu? Bà cố khom lưng mở cửa. Khói xộc vào mũi. Bà ho sặc sụa. Bà không thở được. Lửa ngập tràn, lửa đã đến gần bà. Chẳng lẽ phải chết ở đây? Mà có chết thì ông trời hãy cho con Hương sống.
Một tiếng động chát chúa sau lưng. Bà quay lại. Rồi tiếng khoan, tiếng đục, tiếng cắt. “Là lính cứu hỏa! Cố lên các anh ơi!”. Người lính cứu hỏa mặt sạm đen, mắt ánh lên tia sáng hy vọng! Bà sắp ngất đi, rồi mơ màng cảm thấy mình đang được cõng trên một tấm lưng rộng lớn. Bà đã được nhường bình thở. Bà dần thở lại rồi được thấy ánh sáng. Bà chỉ kịp thều thào: “Cứu con tôi”, rồi ngất lịm.
Dũng là người lính cứu hỏa đêm đó. Có phải vì bà ấy, vì cô gái ấy mà anh phải ra đi mãi mãi? Không, anh làm thế vì nhiệm vụ, vì anh có niềm kiêu hãnh của mình. Trong bàn tay ấm áp của bà, bao nhiêu kỷ niệm của tôi với anh chợt hiện về, lúc đầu chậm rồi nhanh hơn. Bộ phim quay chậm bỗng nhiên tua nhanh, dừng lại ở cảnh cuối cùng là tấm hình chúng tôi chụp chung. Còn với bà, hình ảnh cuối cùng về anh chỉ là một chiến sĩ cứu hỏa cao lớn, mặt sạm đen, mắt tỏa ra những tia sáng của cuộc sống. Nhưng hỡi ôi, chúng ta chỉ là những con người nhỏ bé, không thể làm gì quá khả năng. Hương vĩnh viễn ra đi. Cha mẹ tôi cũng vậy. Anh cũng thế, ra đi oai hùng, ra đi vì nhường lại sự bình yên cho người khác..
- Con hãy tha thứ cho cô.
Bà thổn thức. Giọng bà tha thiết, van lơn. Tôi ôm bà. Tôi không nấc thành tiếng nhưng nước mắt cứ chảy ra, rơi mãi. Không cần nghĩ ngợi nữa đâu cô. Chắc chắn lúc đó anh Dũng không nghĩ gì nhiều đâu. Anh ấy chỉ nghĩ làm thế nào cứu được hết những người trong nhà ra ngoài an toàn thôi. Anh ấy là vậy. Lính cứu hỏa là vậy. Ai cũng thế thôi, phải không anh Long? Long gật đầu đồng ý, nước mắt anh cũng rơi trên má.
Tết sắp đến. Trong căn phòng nhỏ nghi ngút khói, hai người phụ nữ và một người đàn ông cùng khóc, cùng cười, cùng nhớ, cùng thương. Chúng tôi đã tìm thấy nhau trước mùa xuân bâng khuâng và vấn vương kỷ niệm.
Ngoài kia, tiếng xe cứu hỏa hú còi từng chặp. Long chào chúng tôi, nhanh chóng trở về đội tiếp tục công việc cao cả của mình.