Có một cậu bé hét thật to vào một cái hang: “Tôi ghét bạn” để trút bỏ sự tức giận của mình, nhưng nào ngờ cậu lại nghe thấy tiếng mọi người xung quanh cũng thi nhau nói với cậu: “Tôi ghét bạn”. Cậu vừa khóc vừa kể cho mẹ nghe sự việc, mẹ cậu nghe vậy an ủi và đưa cậu trở lại trước hang, bảo cậu hét to câu: “Tôi yêu bạn”, kết quả bốn bề vọng lại tiếng mọi người đồng thanh trả lời: “Tôi yêu bạn”. Cậu bé liền nín khóc rồi bật cười thật tươi.
Âm thanh vang lại từ trong hang núi, đó chính là sự cảm ứng! Đánh chuông chuông reo, đánh trống trống vang, đây cũng là cảm ứng. Rùa mẹ mong ngóng trứng nở ra rùa con; sâu keo đẻ con, tò vò nuôi dưỡng; đây cũng là tương giao cảm ứng.
Cảm ứng là một loại tương tác, phản ứng qua lại giữa vạn vật trên thế giới. Khi thấy trăng tròn trăng khuyết thì ta cảm nhận năm tháng trôi qua; nhìn hoa nở hoa tàn lại ngộ ra được thế gian vô thường, đây đều là cảm ứng. Mẹ và con gắn bó, quyến luyến thân thiết, đây cũng là cảm ứng.
Cảm ứng cũng là pháp duyên khởi, muốn có sự ứng nghiệm phải có đủ nhân duyên. Nước không trong làm sao có thể phản chiếu cảnh vật? Hang núi không trống sao có thể vọng lại tiếng vang? Nếu con người không có tâm thanh tịnh và biết rung động thì làm sao cảm ứng được với chân lý, làm sao tương ứng với chư Phật, chư Bồ tát được? Nên có câu: “Bồ tát tâm thanh tịnh quang minh, xét cho cùng đều là không; khi tâm nhiễm ô của chúng sinh đã thanh tịnh rồi thì tâm ấy chính là tâm Bồ tát quang minh thanh tịnh”. Đây cũng có thể xem là nguyên lý cảm ứng.
Trong cuộc sống, có câu nói sẽ khiến người ta hạnh phúc vô bờ, cũng có câu nói lại khiến người ta buồn khổ cùng cực, đó cũng là cảm ứng. Hô một tiếng “vạn tuế” thì được vua ban thưởng, còn mắng một câu “hôn quân” thì sẽ phải chịu cảnh ngục tù, tất cả đều là vì có nhân có duyên, điều này cũng phù hợp với quy luật duyên khởi.
Có người thường hỏi: Tại sao niệm Phật, tụng kinh, siêu độ sẽ có linh ứng? Vì có sự “thành tâm thì ắt có linh ứng”, thật đúng như vậy.
Một vị thiền sư đang giảng về công đức của người niệm danh hiệu “A Di Đà Phật”, một thanh niên nghe vậy liền hỏi thiền sư với vẻ khinh miệt: “Một câu A Di Đà Phật chỉ có bốn chữ, sao lại có sức mạnh đến như vậy chứ?” Vị thiền sư không trả lời câu hỏi mà chỉ vào anh ta, nói rằng: “Đồ ngốc!” Người thanh niên nghe vậy, giận dữ chỉ vào vị thiền sư và hỏi: “Sao ông có thể mắng người ta như vậy chứ?” Vị thiền sư mỉm cười điềm tĩnh: “Một từ “đồ ngốc” chỉ có hai chữ mà đã có sức mạnh to lớn như vậy, huống gì là “A Di Đà Phật” có tới bốn chữ, làm sao anh có thể nói không có sức mạnh được?”
Thực ra, nguyên lý “có cảm thì ắt có ứng” vẫn luôn diễn ra trong cuộc sống thường nhật, như uống trà giải khát, ăn cơm được no, v.v. Chỉ cần bạn để ý một chút thôi sẽ nhận thấy bất cứ nơi nào cũng đều có cảm ứng phải không?