T
rong lớp mỹ thuật do tôi đảm trách, chúng tôi có một chương trình kéo dài cả tháng vào mỗi dịp mùa Xuân gọi là “Cơ thể người”. Mỗi nhóm gồm ba học sinh sẽ phải thay phiên nhau để đóng vai họa sĩ và người mẫu – một em thì ngồi im trong khi hai em kia ngồi sát bên nhau, tập trung vẽ một nét nào đó trên cơ thể. Mỗi ngày các em phải nhìn thật kỹ một đường nét nào đó, chẳng hạn như mắt, mũi, tai, ngón tay cái, môi, chân mày, răng, tóc hoặc khuỷu tay. Sau đó chuyển sang cổ áo, nút áo, nữ trang, khóa dây nịt, dây giày và ngón chân cái.
Đây là bài tập dạo đầu giúp các em học cách vẽ chân dung. Nó giúp các em học sinh cảm thấy dễ dàng hơn khi nhận ra mình có thể vẽ từng bộ phận nhỏ một cách hoàn hảo. Nhờ đó mà việc vẽ cả con người ngay một lúc sẽ bớt mang tính sao chép.
Những em đóng vai người mẫu bao giờ cũng tỏ ra ngần ngại. Trẻ vị thành niên thường hay e dè, ngượng ngập trước người khác.
Các em cảm thấy kém thoải mái và ngượng nhất là khi bị mọi người chăm chú quan sát.
– Em không thích ai vẽ mình cả.
– Tại sao?
– Vì em xấu lắm.
– Các bạn sẽ vẽ mấy đốm mụn của em.
– Em đang niềng răng, trông em ghê lắm.
– Em không thích cái mũi của mình, em không muốn nghĩ đến nó.
Tuy vậy, vì nghệ thuật và sợ bị điểm kém, các em vẫn thực hiện bài tập đó. Vẽ gương mặt là vấn đề lớn nhất mà chúng tôi gặp phải và sau khi đã vượt qua được phần mặt, chúng tôi cứ thế mà tiếp tục đến các bộ phận khác trên cơ thể. Vẽ bàn tay thì không vấn đề gì. Cả khuỷu tay cũng vậy vì hầu hết các em chẳng bao giờ chú ý đến chỗ này, cả của mình lẫn của người khác. Đến khi vẽ đầu gối thì lại vui, nhất là những cái đầu gối trên đó có vẽ hình mặt người. Và vẽ phần phía sau của đầu gối rất thú vị vì chúng ta khó mà nhìn được chỗ này.
Mấy ngón chân thật là phiền toái. Các em gái rất lo ngại khi phải chìa bàn chân cho mọi người xem. Trong phòng học mà phải cởi giày rồi cởi vớ trông có vẻ hơi khiếm nhã thế nào ấy. Các em gái cứ nghĩ chân của mình xấu. Mà quả là thế thật. Ở tuổi mười sáu, thời trang đã để lại những hậu quả tệ hại trên bàn chân của các em: mấy ngón chân đầy nốt viêm giữa các kẽ và bị biến dạng, gót chân thì chai sần, nứt nẻ. Điều đó đối với một họa sĩ thì hấp dẫn nhưng đối với một cô gái thì thật đáng xấu hổ, còn đối với một cậu bé thì thật ghê tởm. Mặt khác, trong khi các em trai có bàn chân dễ nhìn hơn thì mùi mồ hôi ở chân các em lại khiến bạn bè không tài nào tập trung vẽ được lâu. Định kiến lơ lửng đâu đó là khó khăn lớn nhất mà một người họa sĩ gặp phải khi vẽ.
Cho đến một ngày vào tháng Năm, khi tôi đề nghị vẽ phần rốn thì dự án “Cơ thể người” bị đình lại do các em nổi loạn.
Hôm đó là vào ngày cắm trại của trường, các học sinh đều mặc quần soóc, áo thun hoặc áo dây, thậm chí là cả đồ bơi vì trong chương trình có một cuộc thi té nước vào nhau, do vậy rất dễ dàng bắt gặp những cái rốn để trần của các em.
Hơn nữa, trước kia chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái rốn. Cả tôi lẫn các em chưa bao giờ trông thấy một bức vẽ chi tiết về cái rốn nên với tôi ý tưởng này khá là sáng tạo.
– Không đời nào! – Các em đỏ lựng cả mặt, lấy tay che rốn.
– Chẳng ai nhìn rốn em cả, kể cả bản thân em.
– Thật là một ý tưởng bệnh hoạn, mẹ tớ sẽ nghĩ sao nếu về nhà với một bức tranh vẽ cái rốn của mình rồi dán lên tủ lạnh kia chứ?
Tôi nghĩ mẹ của em ấy hẳn sẽ vui lòng khi biết rằng cậu con vẫn nghĩ đến mình, nhưng cậu bé vẫn nhất định “không”.
Vậy đó, chẳng em nào chịu làm tình nguyện viên cả.
Tôi đã đưa ra một đề tài kỳ quặc ngoài sức chịu đựng của các em. Và các em không phải là những người phản đối duy nhất. Trong phòng giáo vụ, tôi nêu ra vấn đề này và hỏi một đồng nghiệp: “Anh có phiền không khi tôi đề nghị anh cho phép các em nhìn và vẽ rốn của mình?”.
Cả phòng giáo vụ đang ồn ào chợt im lặng.
Sau vài tràng cười và một số nhận xét, đề tài này trở nên lạc loài, dở hơi và “Anh không thấy nó là thứ riêng tư sao?” trong mắt mọi người.
Những cái rốn thì sao cơ chứ? Thế anh nghĩ gì về cái rốn của mình nào?
Nếu chúng tôi bảo anh chụp hình cái rốn của mình rồi treo lên tường với đầy những tấm hình khoe cái rốn của hàng trăm người khác, liệu anh có nhận ra cái nào là cái của mình không?
Tôi bèn hỏi bác sĩ của mình.
Ngay cả cô ấy cũng hơi rối và không đồng ý cho tôi xem cái rốn của mình.
Cô ấy bảo một khi vết sẹo ở cuống rốn của đứa trẻ đã lành, coi như nhiệm vụ của bác sĩ đã hoàn thành. Rốn chẳng có bệnh gì và nó cũng không liên quan đến chuyện bài tiết hay quan hệ tình dục. Các bác sĩ chẳng bao giờ khám rốn, ngay cả đối với những cuộc thăm khám toàn diện nhất. Trong một vài trường hợp hiếm hoi lắm, sau khi phẫu thuật vùng bụng hay bị thương vùng bụng hay để chỉnh sửa lại một cái rốn cực xấu, người ta mới tiến hành giải phẫu thẩm mỹ. Và tất cả những gì liên quan đến cái rốn chỉ có bấy nhiêu.
– Thế liệu người ta có thể phẫu thuật loại bỏ nó đi không? – Tôi hỏi.
Suốt mấy năm trời đi học và hành nghề bác sĩ, chưa bao giờ có ai hỏi cô điều đó.
– Thế liệu điều đó có làm cho mẹ anh buồn không? – Cô hỏi.
– Thì tôi chỉ nghĩ thế thôi.
Thích thú về đề tài này, trong lần đi tắm sau đó tôi đã lấy một cái gương để ngắm nghía cái rốn của mình.
Đó là dấu hiệu của cái chết.
Nó cũng phức tạp như cái chết vậy.
Tôi không chắc mình có tin vào những gì mình biết không nữa.
Đó là một vết sẹo phổ biến. Một cái sẹo mơ hồ ghi dấu loài sinh vật có vú, một bằng chứng cho thấy tôi là một phần của chuỗi tiến hóa đã diễn ra từ hàng triệu năm trước.
Yếu tố gợi nhắc cổ xưa giống nhau ở tất cả mọi người này cho thấy cuộc sống tiếp nối cuộc sống, rằng con người được tạo nên từ bên trong con người và rồi sau đó, khi được cắt cuống rốn, sẽ trở thành một con người độc lập, tự do.
Bản thân nó là một vết sẹo của sự đấu tranh sinh tồn.
Nó chính là trái tim màu tía của con người.
Có một câu chúc theo tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu như sau: “A gezund dir in pupik”. Có nghĩa là: “Chúa ban sức khỏe cho cái rốn của bạn”.
Quả là một câu nói thẳng thắn, bộc trực.
Một lời chúc buồn cười, bao quát, cho thấy ước mong bạn sẽ luôn gặp được những điều tốt đẹp nhất ngay từ trong chính trung tâm cơ thể của mình.
Quả là như thế, Amen!