G
iờ đến chuyện về một con cá. Câu chuyện có thực hẳn hoi. Có đến ba nhân chứng khác nhau. Họ sẽ phải bối rối khi khẳng định những sự thật này, bởi họ là những ngư dân nghiêm túc, còn tôi thì có thể không.
Kinh nghiệm câu cá của tôi chủ yếu là đi câu cá nuôi theo kiểu Texas. Người ta nuôi cá giống trong một cái ao trước đây là chỗ cho gia súc uống nước. Khi muốn ăn món cá chiên, bạn chỉ cần ném một cuộn thuốc nổ xuống hồ và Buuuùm! – Bất kể con gì nổi lên cũng đều được đem chế biến hết. Nếu không muốn bắt quá nhiều cá, bạn có thể thả sợi dây dẫn của chiếc điện thoại loại quay tay xuống nước và quay cho đến khi dòng điện phóng ra giết chết một hoặc hai con cá. Kiểu câu này là hiệu quả nhất, vừa nhanh vừa rẻ, không đòi hỏi thiết bị gì nhiều, lại đỡ chán và thú vị nữa.
Một hè nọ, bạn tôi là Willy cùng cậu con trai David chín tuổi của anh ấy và Gen, cháu trai chín tuổi của tôi từ Nhật sang chơi, lên đường tấn công bầy cá hồi vân ở vùng núi Cascade trong một cái hồ hẻo lánh “đầy ắp cá”, theo như lời những người đi câu nói. Liệu tôi có đi không? Sao lại không đi chứ? Chưa bao giờ tôi đi câu đúng kiểu của một quý ông cả. Và đây chính là thời điểm để làm chuyện đó.
Đến nay tôi vẫn còn giữ tấm giấy phép đi câu ấy. Tôi không biết chính thức thì mình câu được bao nhiêu con cá nữa. Tờ giấy phép mang số 890046566, cấp ngày 3 tháng Tám năm 1989, lúc chín giờ rưỡi sáng. Ngoài địa chỉ, tôi phải khai ngày sinh, quốc tịch, số năm cư trú tại tiểu bang này, giới tính, chiều cao, cân nặng và màu mắt. Với 7 đô-la, tôi được phép câu ba ngày liên tiếp. Và dưới dòng chữ “Tôi ký tên dưới đây chứng thực những gì đã khai bên trên là đúng sự thật, và khi được yêu cầu, tôi sẽ trình giấy phép này cho cơ quan bảo vệ động vật hoang dã” là chữ ký của tôi. Tôi sẽ không nói thêm về những dòng chữ bé xíu in trên mặt sau của giấy phép nhưng tôi không nghĩ mình vi phạm bất kỳ quy định nào trong đó. Xin được tấm giấy phép câu cá cũng không phải dễ. Có người nói với tôi rằng xin giấy phép xài súng còn dễ hơn xin giấy phép đi câu.
Sau đó tôi đến một cửa hàng bán đồ thể thao gần nhà, giải thích với họ rằng tôi không biết gì về chuyện đi câu cả nhưng cần có những dụng cụ cần thiết vì không muốn xúc phạm cháu tôi lẫn bôi nhọ tên tuổi của gia đình khi tỏ ra ngờ nghệch, thiếu sót.
Viên trợ lý của cửa hàng rất vui khi gặp một khách hàng như tôi!
Anh ta sẵn sàng chỉ dẫn và giúp tôi trang bị những dụng cụ cần thiết.
Còn tôi thì lấy làm mừng lắm thay vì đây chỉ là đi câu cá chứ không phải săn tê giác!
Tôi tốn tất cả 280 đô-la, nhưng trong lòng cảm thấy rất dễ chịu khi ra khỏi cửa tiệm. Giờ đây tôi đã biết rằng chỉ có mười phần trăm trong chuyện đi câu là liên quan đến kỹ năng câu cá thật sự, còn lại là vấn đề dụng cụ. Và tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng cho cuộc hành trình. Những con cá kia, hãy đợi đấy! Kể cả những chú ngoan cường nhất!
Với đầy đủ dụng cụ cắm trại, nhóm bốn người chúng tôi hành quân lên núi, đến cái hồ “đầy ắp cá” rồi dựng lều, bàn xem chúng tôi có thể ăn hết bao nhiêu con cá, rồi đi ngủ.
Khi ánh bình minh vừa ló dạng, chúng tôi rón rén lần xuống mép nước tĩnh lặng.
Trong lúc ba ngư dân chuyên nghiệp thả lưới rồi kéo lưới rồi lại thả lưới mà không bắt được gì ngoài đám rong rêu, cuối cùng tôi cũng lần gỡ rối được sợi dây cước, miễn cưỡng nghiền nát một con giun rồi móc vào lưỡi câu, đoạn quăng con mồi xuống nước một cách thô bạo.
Tóc! Một cú giật thình lình. Thu dây vào, tôi thấy một con cá bé tí. Nhỏ đến mức chưa bao giờ tôi trông thấy có ai bắt được một con cá nhỏ đến thế. Tôi biết làm gì với nó bây giờ?
Gỡ lưỡi câu ra và ném nó trở lại xuống nước vậy.
Nhưng hồi nào tới giờ có ai dạy tôi cách gỡ lưỡi câu ra khỏi cái miệng đang thở hổn hển của một con cá con đâu. Thật kinh khủng, và một lần thôi là đủ với tôi rồi. Tôi nghĩ có lẽ mình cứ quăng dây mà không cần mắc mồi nữa. Làm như thế tôi sẽ không câu được con nào và sẽ không phải lặp lại cái quy trình ấy. Để tránh mất mặt, thôi thì tôi cứ giả vờ như mình cũng đang câu vậy.
Lượt quăng câu thứ hai. Tóc! Lại một cú đớp mồi khác.
Tôi thu dây vào. Một con dơi. Phải, một con d-ơ-i. Một con dơi bé xíu mắc cánh vào lưỡi câu của tôi. Có lẽ do lúc tôi quăng dây câu lên không trung thì lưỡi câu mắc phải cánh nó rồi kéo nó xuống nước.
– Thế này là thế nào nhỉ? – Tôi hỏi những người bạn câu và giơ con dơi cho họ thấy. Thế là mọi người râm ran chuyền tai nhau câu chuyện của tôi.
– Chú tớ câu được một con dơi.
– Con gì?
– Hỏi bố cậu xem phải làm thế nào.
– Ông Fulghum câu được một con dơi và không biết phải giải quyết ra sao, bố ơi.
– Một con gì?
Họ tụ tập xung quanh: “Chưa bao giờ có ai lại câu được một con dơi như thế cả”.
Tất cả mọi người đều kinh hãi.
Và khó chịu nữa.
Họ đến đây để câu cá chứ không phải để câu dơi, cái trò này đúng là vớ vẩn.
Sau khi xé cánh con dơi ra khỏi lưỡi câu, tôi bèn chôn nó xuống đất rồi quyết định mình không có nghiệp câu cá. Chẳng phải ai cũng sinh ra để làm một người đi câu.
Ngồi một mình ở khu trại, tôi nhấm nháp chút đồ ăn, ném một hai hạt óc chó cho lũ sóc đang chạy quanh đó. Để giết thời giờ, tôi gỡ lưỡi câu ra khỏi sợi dây và buộc một hạt óc chó vào đó rồi quăng miếng mồi về phía một con sóc. Lập tức nó nuốt chửng ngay hạt óc chó. Tóc! Tôi lại bắt được một con sóc! Tôi vừa thu dây vừa chạy quanh khu trại, cố tìm cách kéo nó lại gần để gỡ cái hạt và sợi dây ra khỏi miệng nó. Điều này khiến đứa cháu trai, kẻ đã loan tin vừa rồi khắp hồ, chú ý.
– Trông kìa, chú của tớ đang câu sóc trên bờ, chú ấy vừa bắt được một con ấy.
– Một con gì?
Và thế là cả đám đông lại ầm ĩ và tỏ vẻ không tin.
Đường về thật xa xôi diệu vợi. Sau khi đã làm hỏng hình ảnh của chuyến đi câu bằng những trò vớ vẩn, tôi ngồi im không nói gì cả. Và những người kia cũng chẳng buồn hé miệng. Họ chẳng bắt được con gì, đến một cái đớp mồi cũng không. Cả khi tôi rủ họ dừng lại ở chỗ câu cá trong ao để bù cho chỗ thất bại ê chề cũng không được.
Lẽ ra chúng tôi nên mang theo thuốc nổ.