Chủ đề trọng tâm trong tất cả các cuốn sách của tôi là về sự phủ nhận những đau khổ mà chúng ta đã trải qua trong thời thơ ấu. Mỗi cuốn sách xoay quanh một khía cạnh cụ thể của hiện tượng này và tập trung nhấn mạnh một khía cạnh để làm rõ vấn đề đó. Ví dụ, trong For Your Own Good và Thou Shalt Not Be Aware, tôi tập trung vào nguyên nhân và hậu quả của sự phủ nhận này. Trong các tác phẩm sau, tôi khám phá tác động của nó đối với cuộc sống của người lớn và xã hội (với sự liên quan đặc biệt đến nghệ thuật và triết học trong The Untouched Key, cũng như đến chính trị và tâm thần học trong cuốn Break Down the Wall of Silence). Vì những khía cạnh khác nhau này không thể tách biệt hoàn toàn nên luôn có một mức độ liên quan và lặp lại nhất định. Nhưng người đọc sẽ đánh giá cao việc các chủ đề lặp lại xuất hiện theo một cách khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh mà chúng được đề cập và quan điểm mà chúng được xem xét. Tuy nhiên, có một điều không liên quan đến bối cảnh, đó là cách tôi sử dụng một số khái niệm nhất định. Ví dụ, tôi sử dụng từ “vô thức” để chỉ những điều bị chủ thể dồn nén (repressed), phủ nhận (denied) hoặc phân tách thành từng đoạn rời rạc (disassociated), như các kí ức, cảm xúc, nhu cầu. Đối với tôi, phần vô thức của một người không gì khác hơn là tiểu sử hay câu chuyện cuộc đời của anh ấy/cô ấy, mặc dù được lưu giữ toàn bộ trong cơ thể, nhưng ý thức của chúng ta chỉ có thể tiếp cận được với những ký ức đó dưới dạng đứt đoạn, rời rạc. Do đó, tôi không bao giờ sử dụng từ “sự thật” theo nghĩa siêu hình, trừu tượng. Tôi luôn gắn “sự thật” với một thực thể chủ quan, liên quan đến cuộc sống thực tế của cá nhân đó. Đây là lí do tại sao tôi thường xuyên nói về sự thật của “anh ấy” hoặc “cô ấy”, nghĩa là câu chuyện có thật của người được đề cập, được chứng minh và phản ánh qua cảm xúc của họ (xem trang 38, 125 và 174). Theo thuật ngữ của tôi, cảm xúc là một phản ứng ít nhiều có tính vô thức, nhưng đồng thời cũng có mối liên hệ mật thiết về mặt thể chất đối với những sự kiện nảy sinh từ ngoại cảnh hoặc nội tâm - chẳng hạn như sợ hãi dông bão, giận dữ vì bị lừa dối, hoặc niềm vui có được từ món quà mà ta thực sự khao khát. Ngược lại, từ “cảm giác” (feeling) là để chỉ sự nhận thức (perception) có ý thức về một cảm xúc. Như vậy, sự mù quáng về cảm xúc thường là một thứ xa xỉ khiến cái giá chúng ta phải trả là (tự) hủy hoại bản thân mình.
MỐI QUAN TÂM CHÍNH CỦA TÔI trong cuốn sách này là những ảnh hưởng lên cơ thể chúng ta khi phủ nhận những cảm xúc chân thật và mãnh liệt của mình. Đạo đức và đức tin sai lầm đòi hỏi ở ta sự phủ nhận như vậy. Trên cơ sở những gì tôi biết về liệu pháp tâm lí cả từ kinh nghiệm cá nhân và từ những trường hợp mà tôi đã nhận, tôi đi đến kết luận rằng những người bị ngược đãi trong thời thơ ấu chỉ có thể cố gắng tuân theo Điều Răn Thứ Tư1 bằng cách nhờ đến sự dồn nén kinh khủng và tách rời (detach) những cảm xúc thực. Họ không thể yêu thương và hiếu kính cha mẹ bởi vì trong vô thức họ vẫn sợ cha mẹ mình. Dù muốn đến đâu, họ cũng không thể xây dựng một mối quan hệ thoải mái và tin tưởng.
Chú thích:
1 Điều Răn Thứ Tư: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.” (Xh 20:12), như trong truyền thống Công giáo và phái Luther. Trong Chính thống giáo Đông phương và Tin Lành, cũng như trong truyền thống Do Thái giáo, điều này là Điều Răn Thứ Năm.
Thay vào đó, những gì thường được hiện thực hóa là một sự ràng buộc bệnh lí, một sự pha trộn của nỗi sợ hãi và sự tuân phục vì nghĩa vụ, khó mà xứng đáng được gọi là “tình yêu”, theo đúng nghĩa của từ này. Tôi gọi đây là một sự giả tạo, một vỏ bọc che giấu cảm xúc thực. Ngoài ra, những người bị lạm dụng trong thời thơ ấu thường hi vọng trong suốt cuộc đời rằng một ngày nào đó họ sẽ được trải nghiệm tình yêu thương mà họ đã bị khước từ. Những mong đợi này củng cố sự gắn bó của họ với cha mẹ, sự gắn bó mà các tín điều tôn giáo gọi là tình yêu và ca ngợi như một đức tính tốt. Thật không may, điều tương tự cũng xảy ra trong hầu hết các liệu pháp trị liệu tâm lí vì hầu hết mọi người vẫn bị chi phối bởi đạo đức truyền thống. Và tuân theo đạo lý này người ta sẽ phải trả giá, đó là trả giá bằng tổn thương trên thân thể.
Những người tin rằng họ cảm thấy cảm giác mà họ đáng phải chịu lẫn những cảm giác mà họ phải cố hết sức để ngăn chúng đến sẽ làm họ đổ bệnh, trừ khi họ cũng khiến con cái mình phải chịu điều tương tự và trút lên chúng những cảm xúc mà họ không thể thừa nhận với bản thân.
Cuốn sách này tiết lộ một quy luật tâm lí học đã bị che giấu từ lâu bởi giáo điều và đạo đức.
Phần đầu của cuốn sách này đề cấp đến việc quy luật này đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và sự nghiệp của một số nhà văn và những nhân vật nổi tiếng khác. Các phần tiếp theo cung cấp các phương cách để có thể giao tiếp một cách chân thành, hòng phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự tự lừa dối và thường sẽ dẫn đến giải phóng đối tượng khỏi các triệu chứng thể chất.
LỜI GIỚI THIỆU ĐẠO ĐỨC VÀ THÂN THỂ
THÔNG THƯỜNG, CÁC BỆNH LÍ THÂN THỂ là phản ứng của cơ thể đối với việc các chức năng sống của nó không được chăm sóc cẩn thận. Một trong những chức năng quan trọng nhất của chúng ta là khả năng lắng nghe sự thật về cuộc sống của chính mình. Vì vậy, chủ đề trọng tâm của cuốn sách này là sự mâu thuẫn giữa những thứ chúng ta cảm thấy - những thứ cơ thể chúng ta ghi nhận - và những thứ chúng ta nghĩ rằng mình phải cảm thấy để tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn đạo đức đã được tiếp thu từ khi ta còn rất nhỏ. Tôi có quan điểm vững chắc và đã được cân nhắc kĩ, rằng một chuẩn mực hành vi cụ thể và đã được hình thành vô cùng chắc chắn - Điều Răn Thứ Tư - là thứ thường ngăn cản chúng ta thừa nhận cảm xúc thật của mình và chúng ta phải trả giá cho sự thỏa hiệp này bằng nhiều căn bệnh khác nhau. Cuốn sách Cơ thể không bao giờ nói dối này có nhiều ví dụ chứng minh cho lí thuyết trên. Tuy nhiên, trọng tâm của tôi không phải là toàn bộ tiểu sử của một người, mà chỉ là mối quan hệ giữa các cá nhân và cha mẹ, những người chịu trách nhiệm cho những hành vi ngược đãi và lạm dụng được chỉ ra.
Kinh nghiệm cho tôi biết rằng chính cơ thể tôi là nguồn cung cấp tất cả các thông tin quan trọng giúp tôi đạt được sự tự chủ và tự tin hơn. Chỉ khi cho phép bản thân cảm nhận được những cảm xúc bị dồn nén quá lâu trong tôi, tôi mới bắt đầu thoát li khỏi quá khứ của chính mình. Cảm xúc chân thành không bao giờ là sản phẩm của một nỗ lực có ý thức. Chúng chỉ đơn giản là ở đó và chúng ở đó vì một lí do rất chính đáng, ngay cả khi lí do đó không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tôi không thể buộc mình phải yêu thương hay tôn kính tuyệt đối với cha mẹ, nếu cơ thể tôi có dấu hiệu chống lại nỗ lực đó vì những lí do mà nó biết rõ. Nhưng nếu tôi vẫn cố gắng tuân theo Điều Răn Thứ Tư, thì kết quả sinh ra sẽ là một loại căng thẳng thường xuất hiện khi tôi đòi hỏi từ bản thân những thứ bất khả. Loại căng thẳng này đã đi cùng tôi gần như suốt cuộc đời. Lo lắng để tuân theo hệ thống giá trị đạo đức mà tôi đã chấp nhận, tôi cố gắng hết sức để tưởng tượng ra những cảm giác tốt mà thực tế tôi hoàn toàn không có, trong khi bỏ qua những cảm giác tồi tệ mà tôi có. Kì vọng của tôi là được yêu thương như một đứa con gái. Nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Cuối cùng, tôi đã phải nhận ra rằng tôi không thể ép buộc tình yêu đến nếu nó không có ngay từ đầu. Mặt khác, tôi học được rằng cảm giác yêu thương sẽ tự động hình thành (ví dụ, tình yêu đối với con cái hoặc tình yêu đối với bạn bè của tôi) khi tôi ngừng đòi hỏi mình phải có cảm giác yêu thương như vậy, và ngừng tuân theo những tiêu chuẩn đạo đức áp đặt lên tôi. Nhưng cảm giác như vậy chỉ có thể xảy ra khi tôi cảm thấy tự do, cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận mọi cảm xúc của mình, kể cả những cảm xúc tiêu cực.
Việc nhận ra rằng tôi không thể thao túng cảm xúc của mình, rằng tôi không thể lừa dối bản thân và người khác, đã mang lại cho tôi sự nhẹ nhõm và tự do vô cùng. Chỉ khi đó, tôi mới bị ấn tượng sâu sắc bởi con số rất lớn những người (giống như tôi) rơi vào tình trạng gần như tự sát, theo đúng nghĩa đen, khi nỗ lực tuân theo Điều Răn Thứ Tư mà không tính đến cái giá mà họ phải trả đối với chính cơ thể mình và con cái của họ. Miễn là những đứa trẻ cho phép bản thân bị lạm dụng theo cách này mà không phản kháng bởi sự áp đặt của tiêu chuẩn đạo đức, bạn hoàn toàn có thể sống đến trăm tuổi mà không có nhận thức nào về sự thật của chính mình, và không có bất kì bệnh tật nào xảy ra từ trạng thái tự lừa dối kéo dài này.
Một người mẹ buộc phải nhận ra rằng những thiếu thốn, những thứ mình bị tước đoạt khi còn trẻ khiến cô ấy cũng gây cho con mình những tổn thương như cô từng phải chịu dù rất cố gắng để yêu thương nó, thì chắc chắn cô ấy sẽ bị buộc tội vô đạo đức nếu can đảm nói sự thật đó thành lời. Nhưng tôi tin rằng, chính sự chấp nhận công khai cảm xúc thực sự của cô ấy, độc lập khỏi những tkhuôn mẫu cũ của đạo đức, sẽ giúp cô có được cho cả bản thân lẫn con cái một sự thấu hiểu và đồng cảm một cách chân thành mà họ cần nhất, đồng thời cho phép cô tự giải thoát mình khỏi xiềng xích của sự tự lừa dối.
Khi những đứa trẻ được sinh ra, điều chúng cần nhất ở cha mẹ là tình yêu thương, ý tôi là sự gắn bó, sự chú ý, quan tâm, bảo vệ, lòng tốt và sự sẵn sàng giao tiếp. Nếu những nhu cầu này được thỏa mãn, cơ thể của những đứa trẻ đó sẽ lưu giữ lại kí ức tốt đẹp về sự quan tâm đó suốt đời và sau này, khi trưởng thành, chúng sẽ có thể truyền lại tình yêu thương như vậy cho con cái của mình. Nhưng nếu không, đứa trẻ sẽ sống suốt đời với khao khát được đáp ứng các nhu cầu ban đầu (và sống còn) đó. Trong cuộc sống về sau, khao khát này sẽ hướng đến những người khác. Để so sánh, những đứa trẻ càng thiếu thốn tình cảm và bị phủ nhận hoặc bị ngược đãi nhân danh “sự nuôi dạy”, thì những đứa trẻ đó, khi đến tuổi trưởng thành sẽ trông đợi cha mẹ (hoặc những người khác thay thế họ) đáp ứng những thứ mà chính cha mẹ chúng đã không mang lại khi chúng cần nhất. Đây là phản ứng hết sức bình thường của cơ thể. Nó biết chính xác nó cần gì, nó không thể quên những thiếu thốn. Sự thiếu thốn hay lỗ hổng vẫn ở đó, chờ được lấp đầy.
Càng lớn tuổi, càng khó để chúng ta tìm được ai đó có thể cho chúng ta tình yêu thương bù đắp cho những thiếu thốn mà cha mẹ đã từ chối chúng ta. Nhưng những kì vọng của thân thể không giảm sút theo thời gian, mà ngược lại! Nó chỉ đơn thuần là nhắm sang người khác, thường là con hay cháu của chính chúng ta. Cách duy nhất để thoát khỏi vấn đề nan giải này là nhận thức được những cơ chế hoạt động của thân thể và nhận biết tính chân thật trong các vấn đề từ thời thơ ấu của chính chúng ta bằng cách giải mã để phá vỡ các quá trình dồn nén và phủ nhận. Bằng cách này, chúng ta có thể tạo ra trong chính bản thân mình một con người có thể thỏa mãn ít nhất một số nhu cầu về tình yêu thương đã chờ đợi được đáp ứng từ khi sinh ra, nếu không phải là sớm hơn. Khi đó, chúng ta có thể cho mình sự quan tâm, sự tôn trọng, sự thấu hiểu cảm xúc của bản thân, sự bảo vệ hết sức cần thiết và tình yêu thương vô điều kiện mà cha mẹ đã từ chối chúng ta.
Để điều này xảy ra, chúng ta cần một trải nghiệm đặc biệt: trải nghiệm về tình yêu đối với đứa trẻ mà chúng ta đã từng là. Không có nó, chúng ta sẽ không biết làm sao để có thể yêu thương đúng cách. Nếu chúng ta muốn đạt được trải nghiệm này với sự trợ giúp của liệu pháp trị liệu thì chúng ta cần sự hỗ trợ từ một nhà trị liệu có thể chấp nhận chúng ta với những tổn thương chúng ta đang có, người có thể cho chúng ta sự bảo vệ, tôn trọng, cảm thông và hiểu biết mà chúng ta cần để nhận ra cách mà chúng ta đã trở thành. Đây là trải nghiệm nền tảng cho phép chúng ta tiếp nhận vai trò của cha mẹ đối với đứa trẻ bị ngược đãi mà chúng ta từng là. Điều mà chúng ta không cần là một nhà giáo dục, một người lên “kế hoạch” cho ta hay một nhà phân tâm học, người đã học được rằng khi đối mặt với những tổn thương thời thơ ấu thì điều quan trọng nhất là giữ thái độ trung lập và diễn giải các câu chuyện của thân chủ theo những lí lẽ tưởng tượng. Không, cái chúng ta cần chính xác là điều ngược lại: Một người bạn đồng hành chung hướng, một người có thể chia sẻ với ta nỗi kinh hoàng và phẫn nộ nhất định sẽ dâng lên khi cảm xúc của ta dần bộc lộ ra với người đó, và cả việc đứa trẻ nhỏ bé ấy đã phải chịu đựng như thế nào, nó đã một mình trải qua những gì khi thể xác và linh hồn chiến đấu trong nhiều năm liên tục để bảo toàn mạng sống bị đe dọa bởi nguy hiểm thường trực. Chúng ta sẽ cần một người bạn đồng hành như vậy - người mà tôi gọi là “chứng nhân khai sáng” (enlightened witness) - một khi bản thân chúng ta muốn đóng vai trò là bạn đồng hành cho đứa trẻ bên trong, khi chúng ta muốn hiểu được “ngôn ngữ cơ thể” mà nó biểu hiện ra, kết nối với nhu cầu của cơ thể thay vì phớt lờ giống như cách mà cha mẹ ta đã từng làm.
Những gì tôi đang mô tả ở đây là hoàn toàn thực tế. Một người có thể tìm ra sự thật bên trong chính mình với sự đồng hành (có tính trị liệu) của một người nghiêng về phe ta chứ không trung lập. Trong quá trình như vậy, một người có thể loại bỏ các triệu chứng của mình, giải phóng bản thân khỏi trầm cảm, lấy lại niềm vui trong cuộc sống, thoát khỏi trạng thái kiệt sức liên tục và trải nghiệm sự hồi sinh của năng lượng, một khi năng lượng đó không còn bị dùng để dồn nén sự thật trong chính mình bấy lâu. Vấn đề là sự mệt mỏi đặc trưng cho chứng trầm cảm này sẽ xuất hiện mỗi khi chúng ta dồn nén những cảm xúc mạnh, coi nhẹ tầm ảnh hưởng của những kí ức được lưu giữ trong cơ thể và từ chối không chú ý mặc dù chúng lên tiếng thông qua những căn bệnh về cả thể chất lẫn tâm lí.
Tại sao những phát triển tích cực như vậy lại là ngoại lệ chứ không phải là quy luật? Tại sao hầu hết mọi người (bao gồm cả các “chuyên gia”) lại tin tưởng vào sức mạnh của thuốc hơn là để bản thân được hướng dẫn bởi kiến thức vốn có sẵn trong cơ thể của họ? Cơ thể chúng ta biết chính xác những gì chúng ta cần, những gì chúng ta bị từ chối, những gì không hợp với chúng ta, những gì chúng ta dị ứng. Nhưng nhiều người thích tìm kiếm sự hỗ trợ từ thuốc men, chất kích thích hoặc đồ uống có cồn, những thứ thậm chí còn ngăn chặn chúng ta triệt để hơn con đường dẫn đến hiểu biết sự thật. Tại sao lại như thế? Bởi nhận ra sự thật khiến chúng ta đau đớn chăng? Bạn có thể cho là như vậy. Nhưng nỗi đau đó chỉ là tạm thời. Với cách chăm sóc trị liệu phù hợp, chúng ta có thể chịu đựng được nỗi đau ấy. Tôi tin rằng vấn đề chính ở đây là chúng ta không có những người bạn đồng hành chuyên nghiệp như vậy. Hầu như tất cả những người đại diện cho cái mà tôi gọi là “nghề chăm sóc” (caring professions) dường như đều bị hệ thống đạo đức của chính chúng ta ngăn cản, không cho đứng về phía những đứa trẻ mà chúng ta từng là và nhận ra hậu quả của những tổn thương ban đầu mà chúng ta phải gánh chịu. Họ hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Điều Răn Thứ Tư, điều răn bảo chúng ta phải hoàn toàn tuân phục cha mẹ mình, “để các ngày của ngươi có thể còn dài trên đất mà Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi đã ban cho ngươi.”
Rõ ràng là điều răn này chắc chắn sẽ cản trở việc chữa lành những vết thương ban đầu. Cũng rất rõ ràng nguyên nhân của việc tại sao sự thật này chưa bao giờ được công nhận và suy ngẫm một cách công khai. Phạm vi và sức mạnh của điều răn là vô hạn vì nó được nuôi dưỡng bởi sự gắn bó tự nhiên của trẻ sơ sinh với cha mẹ chúng. Các nhà triết học và nhà văn vĩ đại nhất đã tránh công kích nó. Ngay cả Friedrich Nietzsche, người nổi tiếng với những cuộc tấn công tàn độc vào đạo Cơ-đốc, cũng không bao giờ đi xa đến mức chỉ trích chính gia đình mình. Trong mỗi người lớn từng bị lạm dụng khi còn nhỏ đều có một đứa trẻ nằm yên đó với nỗi sợ rằng mình sẽ bị trừng phạt bởi bàn tay của cha mẹ nếu dám phản đối hành vi của họ. Nhưng nỗi sợ này sẽ chỉ tạm thời nằm yên chừng nào vẫn còn trong vô thức. Một khi được trải nghiệm một cách có ý thức, nỗi sợ đó sẽ tan biến theo thời gian.
Đạo đức đằng sau Điều Răn Thứ Tư, cùng với những kì vọng của đứa trẻ chúng ta từng là, tạo ra một tình huống mà phần lớn các nhà trị liệu sẽ cung cấp cho thân chủ chính xác những nguyên tắc mà họ đã phải đối mặt trong quá trình họ được nuôi dạy. Nhiều người trong số chính những nhà trị liệu này vẫn còn ràng buộc với cha mẹ của họ bằng vô số sợi dây kết nối. Họ gọi sự vướng víu không thể tháo gỡ này là “tình yêu” và gợi ý điều tương tự cho người khác như một giải pháp. Họ rao giảng rằng tha thứ là con đường để hồi phục và tỏ ra không biết rằng con đường này là một cái bẫy mà chính họ đã sa vào. Tha thứ chưa bao giờ đem lại sự chữa lành thực sự.2
Chú thích:
2 Alice Miller, Breaking Down the wall of Silence, New York: Plume, 1997.
Có một điều đáng chú ý, ít nhất làm ta thấy cần xem xét lại khi nói rằng chúng ta đã bị ràng buộc trong hàng ngàn năm bởi một điều răn mà hầu như không ai nghi ngờ, đơn giản bởi vì nó nhấn mạnh thực tế tự nhiên rằng tất cả trẻ em, dù bị lạm dụng hay không, luôn yêu thương cha mẹ của chúng. Chỉ khi trưởng thành, chúng ta mới có quyền lựa chọn. Nhưng chúng ta thường vẫn cư xử như thể vẫn còn là những đứa trẻ không bao giờ có quyền thắc mắc về những khuôn thước mà cha mẹ đã đặt ra cho chúng ta. Là những người trưởng thành có ý thức, chúng ta có quyền đặt ra những câu hỏi, mặc dù chúng ta biết rằng những câu hỏi đó sẽ khiến cha mẹ chấn động đến mức nào nếu chúng được đặt ra khi ta còn là những đứa trẻ.
Moses, người đã nhân danh Đức Chúa, áp đặt Mười Điều Răn lên dân tộc mình, cho dù bản thân là một đứa trẻ bị cha mẹ ruồng bỏ. Họ làm như vậy vì hoàn cảnh (mẹ ông đã buộc phải bỏ ông trôi sông). Giống như hầu hết những đứa trẻ bị bỏ rơi, ông hi vọng rằng một ngày nào đó ông có thể có được tình yêu của cha mẹ mình bằng cách truyền tải đến họ những điều như sự hiểu biết và tôn trọng. Chúng ta được biết rằng ông đã bị cha mẹ bỏ rơi để cứu ông khỏi bị bắt. Nhưng đứa trẻ trong giỏ bột mì khó có thể hiểu được điều đó. Một Moses trưởng thành có thể đã nói, “Cha mẹ tôi bỏ rơi tôi để bảo vệ tôi. Tôi không thể vì thế mà ghét bỏ họ. Họ xứng đáng với sự biết ơn của tôi. Họ đã cứu mạng tôi.” Nhưng điều mà cậu bé Moses đã cảm thấy có thể rất khác, “Tại sao cha mẹ lại đuổi tôi đi? Tại sao họ lại đưa tôi vào tình thế có thể chết đuối? Họ không yêu thương tôi sao?” Những cảm giác chân thực được lưu giữ trong cơ thể của đứa trẻ sơ sinh – sự tuyệt vọng và nỗi sợ hãi chết chóc – đã sống trong Moses và chi phối hành động của ông khi ông truyền Mười Điều Răn cho dân tộc của mình. Nhìn bề ngoài, Điều Răn Thứ Tư có thể được coi như một sự đảm bảo cho những người già, có lẽ điều này là cần thiết vào thời của Kinh Thánh nhưng chắc chắn bây giờ không còn cần thiết dưới hình thái này. Tuy nhiên, khi xem xét kĩ hơn, chúng ta thấy rằng Điều Răn Thứ Tư chứa đựng một sự đe dọa, một kiểu tống tiền về đạo đức không hề mất đi hiệu lực: Nếu muốn sống lâu, bạn phải hiếu kính cha mẹ mình, ngay cả khi họ không xứng đáng; nếu không bạn sẽ chết sớm.
Hầu hết mọi người đều tuân thủ điều răn này, mặc dù nó vừa khó hiểu vừa mang tính đe dọa. Tôi tin rằng, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận những tổn thương thời thơ ấu và hậu quả của chúng một cách nghiêm túc. Chúng ta phải giải phóng mình khỏi điều răn này. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải đáp trả sự tàn nhẫn của cha mẹ theo cách như họ đã đối xử với ta, mà có nghĩa là chúng ta phải nhìn nhận nguyên cớ của những hành vi ấy, và nhận ra cách chúng tác động đến ta khi còn nhỏ và cả khi đã trưởng thành. Sau đó, chúng ta có thể không để cho bản thân và con cái lặp lại những kiểu hành vi như vậy. Chúng ta cần giải phóng chính mình khỏi “hình ảnh cha mẹ đã được nội hóa trong ta”, chấm dứt việc tiếp tục hành động độc hại của họ. Đây là cách duy nhất chúng ta có thể nói “có” với cuộc sống của chính mình và học cách tôn trọng bản thân. Đó không phải là điều chúng ta có thể học được từ Moses. Moses đã không thành thực với những thông điệp của chính cơ thể mình khi ông chấp nhận Điều Răn Thứ Tư. Ông không có lựa chọn nào khác trong vấn đề này vì ông không nhận biết được những thông điệp đó một cách chính xác. Nhưng đây chính là lí do để chúng ta không cho phép điều răn này tác động lên bản thân.
Trong tất cả các cuốn sách của mình, theo những cách khác nhau và trong những bối cảnh khác nhau, tôi đã cố gắng chứng minh tác động của cái mà tôi gọi là “sư phạm độc hại” (poisonous pedagogy) mà chúng ta đã trải qua khi còn nhỏ đã làm suy yếu sức sống của chúng ta trong cuộc sống sau này như thế nào và về cơ bản cũng làm suy giảm - nếu không muốn nói là phá hủy hoàn toàn - cảm giác chúng ta thực sự cảm thấy gì và cần gì. Phương pháp nuôi dạy con cái mang tên “sư phạm độc hại” tạo ra những cá nhân quá khéo thích nghi, những người chỉ có thể tin tưởng vào chiếc mặt nạ mà họ đã bị buộc phải đeo vì khi còn nhỏ, họ thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi bị trừng phạt. “Ta đang nuôi dưỡng con theo cách tốt nhất cho con” là nguyên tắc tối cao đằng sau cách nuôi dạy này. “Nếu ta đánh con, hoặc dùng lời lẽ để hành hạ và làm nhục con, thì cũng chỉ vì lợi ích của chính con”3. Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Fateless của Imre Kertész - nhà văn người Hungary đoạt giải Nobel - đã mô tả lúc ông đến trại tập trung Auschwitz. Khi đó ông mới mười lăm tuổi và ông kể rất chi tiết cho chúng ta rằng ông đã cố gắng diễn dịch nhiều điều kì cục và khủng khiếp mà ông thấy khi đến Auschwitz như một điều gì đó tích cực và thuận lợi cho ông. Nếu không thì ông đã không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi rằng mình sẽ chết.
Chú thích:
3 Alice Miller, For Your Own Good, New York: Farrar Straus Giroux, 2002.
Có lẽ mọi đứa trẻ từng bị ngược đãi đều có thái độ như thế để có thể vượt qua. Những đứa trẻ này cố gắng diễn giải lại nhận thức trong một nỗ lực tuyệt vọng để chấp nhận rằng điều đó là tốt hay có lợi cho chúng, trong khi những người quan sát bên ngoài thì sẽ ngay lập tức cho là tội ác. Trẻ em không có quyền lựa chọn. Chúng phải kìm nén cảm xúc thực sự của mình nếu không có một “chứng nhân khai sáng” để giúp đỡ, và buộc phải chịu trận dưới tay của những kẻ ngược đãi. Sau này, khi trở thành người lớn, nếu may mắn gặp được những “chứng nhân khai sáng”, họ sẽ có quyền lựa chọn. Khi đó, họ có thể thừa nhận sự thật, sự thật cố gắng để tránh né. Họ có thể ngừng thương xót và “hiểu” cho những người đã làm họ tổn thương, ngừng việc cố gắng cảm nhận những cảm xúc không thể chịu đựng nổi mà họ đã phân tách và âm thầm kìm nén, thẳng thắn lên tiếng những việc mà cha mẹ đã làm với họ. Bước này mang lại sự nhẹ nhõm cho cơ thể. Cơ thể không còn phải nhắc nhở phiên bản trưởng thành của chính mình về quá khứ bi thảm mà nó đã trải qua khi còn nhỏ. Một khi phiên bản trưởng thành đã quyết định tìm ra toàn bộ sự thật về bản thân, cơ thể sẽ cảm thấy được hiểu, tôn trọng và bảo vệ.
Tôi gọi “nuôi dạy con” kiểu bạo lực là lạm dụng không chỉ vì trẻ em bị khước từ quyền được tôn trọng và trân quý như con người, mà còn vì cách nuôi dạy con cái như vậy sẽ thiết lập một loại chế độ độc tài mà trong đó trẻ em chưa thể nhận thức được những sự sỉ nhục, xúc phạm phẩm giá và thiếu tôn trọng mà chúng đã phải chịu đựng, chưa nói đến việc tự bảo vệ mình trước những việc đó. Những khuôn mẫu nuôi dạy thời thơ ấu này chắc chắn sẽ được các nạn nhân sử dụng và áp đặt lên bạn đời và con cái, tại nơi làm việc, trong chính trị, ở bất cứ nơi nào mà nỗi sợ hãi và lo lắng của đứa trẻ vô cùng bất an có thể được xua đi, với sự trợ giúp của sức mạnh bên ngoài. Chính bằng cách này mà những kẻ độc tài được sinh ra; đó là những người có thái độ khinh miệt sâu sắc đối với người khác, những người chưa bao giờ được tôn trọng khi còn nhỏ và do đó họ sẽ cố gắng hết sức để có được sự tôn trọng đó ở giai đoạn sau này với sự trợ giúp của bộ máy quyền lực khổng lồ mà họ xây dựng quanh mình.
Lĩnh vực chính trị là một ví dụ tuyệt vời về nỗi khao khát quyền lực và sự công nhận chưa bao giờ nguôi ngoai. Nó không có điểm dừng và không bao giờ có thể làm ai đó cảm thấy hoàn toàn hài lòng. Những người càng có nhiều quyền lực thì càng bị thôi thúc thực hiện những hành vi mà trong quá trình cưỡng chế lặp lại, sẽ khôi phục cái cảm giác bất lực thuở xưa mà họ cố gắng trốn thoát: Hitler trong boong-ke, Napoléon trong lưu đày, Milosevic trong tù, Saddam Hussein trong sự sụp đổ từ đỉnh cao quyền lực. Điều gì đã thôi thúc những người đàn ông này lạm dụng quyền lực mà họ đã đạt được, đến mức cuối cùng đẩy họ vào tình trạng bất lực và sợ hãi? Tôi tin rằng nguyên nhân đến từ cơ thể của họ. Cơ thể của họ duy trì nhận thức về sự bất lực mà họ cảm thấy trong thời thơ ấu; chúng lưu trữ những nhận thức này trong tế bào, và đặt ra mục tiêu buộc “chủ nhân” của chúng phải đối mặt với nhận thức đó. Nhưng thực tế thời thơ ấu đã gieo vào lòng những kẻ độc tài này nỗi sợ hãi đến mức họ muốn quét sạch toàn bộ dân tộc nào đó, tiêu diệt hàng triệu con người, hơn là đối đầu với sự thật – sự thật bên trong họ.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ không tập trung phân tích động cơ của những kẻ độc tài mặc dù tôi thấy rằng việc nghiên cứu tiểu sử của họ rất có ý nghĩa. Thay vào đó, tôi sẽ tập trung vào những người mà mặc dù cũng phải trải qua “sư phạm độc hại”, nhưng không cảm thấy cần phải đạt được quyền lực vô hạn hoặc trở thành độc tài. Ngược lại với những kẻ cuồng quyền lực đó, họ không hướng những cảm xúc tức giận và phẫn nộ bị kìm nén vào người khác, mà vào chính mình. Họ đổ bệnh và phát sinh một loạt các triệu chứng, nhiều người trong số họ đã chết khi còn trẻ.
Nhiều người tài năng trong số đó trở thành nhà văn hoặc nghệ sĩ. Mặc dù họ có thể chỉ ra sự thật trong văn học và nghệ thuật mà họ sáng tạo ra, nhưng đó luôn là sự thật tách rời khỏi cuộc sống của chính họ. Cái giá phải trả cho sự né tránh đó là bệnh tật. Phần đầu của cuốn sách dành cho những tiểu sử bi thảm thuộc loại này.
Vào những năm 1990, một nhóm nghiên cứu ở San Diego đã hỏi tổng cộng 17.000 người, với độ tuổi trung bình là 57, về tuổi thơ của họ và về việc họ đã mắc phải những căn bệnh gì trong suốt cuộc đời. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh nặng ở những người từng bị lạm dụng thời thơ ấu cao hơn nhiều lần so với những người lớn lên không bị lạm dụng và chưa bao giờ bị đánh đập vì “lợi ích của chính họ”. Trong cuộc sống sau này, họ ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn. Tiêu đề của bài báo ngắn gọn này là Turning Gold into Lead (Biến vàng thành chì)4. Tác giả khi gửi bài báo cho tôi đã nhận xét rằng những phát hiện này là rất rõ ràng và đầy sức thuyết phục, nhưng đồng thời cũng bao gồm những bí mật mà nạn nhân đã ẩn giấu.
Chú thích:
4 Nghiên cứu “Những trải nghiệm có hại thời thơ ấu” vẫn đang được tiếp tục. Tham khảo The Relationship of Adverse Childhood Experience to Adult Health: Turning Gold into Lead của Vincent J. Felitti.
Tại sao lại phải giấu? Lí do là vì chúng không thể được công bố mà lại không kéo theo việc buộc tội các phụ huynh. Và đó là điều vẫn bị cấm trong xã hội của chúng ta, thậm chí ngày càng tăng. Trong khi đó, ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng những đau khổ về tâm thần của người lớn có thể bắt nguồn từ di truyền nhiều hơn là do những tổn thương cụ thể và sự thiếu thốn từ cha mẹ trong thời thơ ấu. Ngoài ra, các nghiên cứu có tính khai sáng về thời thơ ấu của các bệnh nhân tâm thần phân liệt được xuất bản trên các tạp chí y khoa vào những năm 1970 chưa bao giờ được công bố rộng rãi. Niềm tin vào di truyền học, được củng cố bởi trào lưu chính thống trong tôn giáo, vẫn tiếp tục thắng thế.
Vấn đề này là chủ đề chính của cuốn sách They F*** You Up của Oliver James, một nhà tâm lí học lâm sàng nổi tiếng ở Vương quốc Anh. Cuốn sách được xuất bản năm 2003, mặc dù để lại những ấn tượng trái chiều (vì tác giả né tránh những hệ quả từ những kết luận của mình và cảnh báo rõ ràng rằng không nên gán cho cha mẹ trách nhiệm đối với những đau khổ của con cái họ), báo cáo này dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu để chứng minh không thể nghi ngờ rằng các yếu tố di truyền, trên thực tế, chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong sự phát triển của các chứng rối loạn tinh thần.
Bằng cách đó, nhiều liệu pháp ngày nay đều cẩn thận tránh đề tài thời thơ ấu5. Đúng là, bệnh nhân ban đầu được khuyến khích thừa nhận những cảm xúc mạnh mẽ mà họ có. Nhưng khi cảm xúc được khơi dậy theo cách này, chúng thường đi kèm với những kí ức bị dồn nén từ thời thơ ấu, những kí ức về việc bị lạm dụng, bóc lột, sỉ nhục và tổn thương trong vài năm đầu đời. Đây là điều mà một nhà trị liệu chỉ có thể giải quyết nếu anh ta đã tự mình khám phá những con đường đó. Những nhà trị liệu làm được điều này không có nhiều. Vì vậy, những gì hầu hết trong số họ cung cấp cho thân chủ là một vòng lặp khác của sư phạm độc hại, chính xác vẫn là cái nhãn đạo đức đã khiến họ đổ bệnh.
Chú thích:
5 Tham khảo cuốn Sự thật sẽ giải phóng bản thân của Alice Miller
Cơ thể không thể hiểu được những đạo lí này, nó sẽ không làm theo Điều Răn Thứ Tư, tâm trí có thể bị đánh lừa bởi những lời nói dối nhưng thân thể thì không. Cơ thể chính là nhân tố bảo vệ sự thật, sự thật của chúng ta, bởi vì nó mang theo các trải nghiệm của một đời người và đảm bảo rằng chúng ta có thể sống với sự thật của cơ thể mình. Thông qua các triệu chứng từ thể chất, nó buộc chúng ta phải ý thức được sự thật này để có thể giao tiếp hài hòa với đứa trẻ bên trong, đứa trẻ đang sống bên trong chúng ta, đứa trẻ đã từng bị hắt hủi, lạm dụng và sỉ nhục.
BẢN THÂN TÔI ĐÃ PHẢI TRẢI NGHIỆM “sự điều chỉnh” về thân thể trong vài tháng đầu tiên của cuộc đời. Tất nhiên tôi đã sống trong nhiều thập kỉ mà hoàn toàn không biết về sự thật này. Mẹ tôi đã nói rằng tôi là một cô gái tốt đến nỗi bà rất hài lòng vì tôi không bao giờ gây ra rắc rối. Bà ấy cũng cho rằng “nết ngoan” của tôi là do việc áp dụng nhất quán các phương pháp nuôi dạy của bà ấy ngay từ khi còn nhỏ. Điều này cũng giải thích tại sao tôi hoàn toàn không có kí ức gì về giai đoạn đó trong một thời gian dài. Những kí ức này chỉ bắt đầu quay trở lại như là kết quả của những cảm xúc mạnh mẽ được bộc lộ trong đợt trị liệu gần đây nhất của mình. Những cảm xúc đó ban đầu được thể hiện qua mối liên hệ với những người không phải là cha mẹ tôi, nhưng tôi dần dần tìm cách xác định được nguồn gốc thực sự của chúng, tích hợp chúng thành những cảm giác có thể hiểu được và qua đó tái tạo lại lịch sử thời thơ ấu của tôi. Bằng cách này, tôi đã gạt bỏ được những nỗi sợ hãi từ lâu mà cho đến thời điểm đó tôi chẳng thể nào hiểu nổi. Và, nhờ sự đồng hành của nhà trị liệu có thể thấu cảm với mình, cuối cùng tôi đã có thể hàn gắn được những vết thương cũ.
Những nỗi sợ hãi đó chủ yếu gắn với nhu cầu giao tiếp của tôi, nhu cầu mà mẹ tôi không những không đáp ứng mà còn thường xuyên trừng phạt như thể đó là một điều gì đó rất đáng trách. Điều này phù hợp với phương pháp nuôi dạy nghiêm khắc của bà. Nhu cầu tiếp xúc và trao đổi của đứa trẻ ban đầu được thể hiện dưới hình thức khóc, sau đó là mong muốn đặt câu hỏi và cuối cùng là trao đổi những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Nhưng cơn khóc lóc của tôi bị trừng phạt bằng những cái tát, những câu hỏi của tôi được trả lời bằng những lời nói dối, việc bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của tôi đơn giản là bị cấm. Việc mẹ thu mình lại và chìm vào im lặng đôi khi kéo dài vài ngày là một mối đe dọa thường trực với tôi. Vì bà không bao giờ muốn tôi giống như tôi thực sự, nên tôi đã phải luôn giấu bà cảm xúc thật của mình.
Mẹ tôi rất dễ nóng giận, nhưng hoàn toàn không có khả năng suy xét và không bao giờ tìm hiểu xem khởi nguồn của những cảm xúc đó bắt đầu từ đâu. Bởi vì, từ khi còn nhỏ, bà đã sống một cuộc đời đầy ám ảnh với những nỗi thất vọng và bất mãn, bà liên tục buộc tội tôi về điều này hay điều khác. Bất cứ khi nào tôi tự bảo vệ mình trước sự đối xử bất công này hay đôi khi tôi dám chứng minh rằng bản thân mình vô tội, thì bà đều coi đó là một sự phản kháng đã được ngầm chuẩn bị và thường xuyên phạt tôi bằng những hình phạt tàn bạo. Bà nhầm lẫn cảm xúc với sự thật. Khi bà cảm thấy bị phản kháng bởi những lời giải thích của tôi, bà cho rằng rõ ràng là tôi đang chống đối lại bà. Giá có khả năng tư biện, bà sẽ nhận ra rằng nguyên nhân thực sự cho cảm xúc của bà không liên quan đến hành vi của tôi. Nhưng sự hối hận là một điều hoàn toàn xa lạ với bà. Chưa một lần bà xin lỗi tôi hay bày tỏ sự ân hận. Bà luôn luôn “ở bên đúng”. Chính thái độ đó đã khiến cả tuổi thơ tôi cảm thấy như đang sống dưới một chế độ toàn trị.
TRONG CUỐN SÁCH NÀY, tôi sẽ giải thích lí thuyết của mình về sức mạnh hủy diệt của Điều Răn Thứ Tư trong ba phần khác nhau. Phần I bao gồm dẫn chứng từ cuộc đời của các nhà văn, những người mà mặc dù vô thức tiết lộ sự thật về tuổi thơ của mình trong các tác phẩm nhưng không bao giờ có thể thừa nhận sự thật này trong tâm trí tỉnh táo của mình, vì nỗi sợ hãi từ khi là trẻ thơ vẫn sống trong họ, trong một trạng thái bị phân tách với cảm xúc thực. Ngay cả khi đã trưởng thành, thì đứa trẻ ở trong họ cũng không dám tin rằng mình sẽ không bị lên án nếu sự thật được nói ra. Bởi vì nỗi sợ hãi này đbị cô lập, không chỉ trong xã hội mà trên toàn thế giới, bởi một điều răn khuyên chúng ta phải nhân hậu và tha thứ cho cha mẹ, nên nó vẫn ở trạng thái bị tách rời và do đó trơ lì với bất kì nỗ lực nào để chạm đến nó. Cái giá mà ta phải trả cho cái gọi là giải pháp này, cho sự trốn tránh dẫn đến lí tưởng hóa cha mẹ ta, cho việc phủ nhận những nguy hiểm thực sự mà chúng ta đã phải đối mặt trong cuộc sống đầu đời và những nỗi sợ hãi chính đáng mà những mối nguy hiểm đó để lại trong cơ thể chúng ta, là rất cao, như chúng ta sẽ thấy trong câu chuyện của các nhà văn mà tôi sẽ nhắc tới. Một sự thật đáng buồn là tôi luôn có vô số những câu chuyện như thế để kể ra. Thông điệp rõ ràng được truyền đạt bởi những câu chuyện này là những cá nhân liên quan đã phải trả giá cho sự gắn bó với cha mẹ của mình bằng những căn bệnh nặng, chết sớm hoặc tự tử. Nỗ lực che giấu sự thật về những đau khổ mà họ đã trải qua trong thời thơ ấu mâu thuẫn gay gắt với tri thức được lưu trữ trong cơ thể họ. Các tác phẩm của họ đã giúp họ thể hiện những tri thức đó, nhưng không giúp họ nhận ra nó một cách có ý thức. Do đó, cơ thể của họ - những đứa trẻ bị hắt hủi và hạ nhục ở bên trong - vẫn không cảm thấy được thấu hiểu và tôn trọng. Cốt lõi của tất cả những điều này là cơ thể không thể liên kết với các điều răn của đạo đức. Những mối quan tâm về đạo đức hoàn toàn xa lạ với nó. Các chức năng của cơ thể như thở, tuần hoàn, tiêu hóa chỉ phản ứng với những cảm xúc mà chúng ta thực sự cảm nhận được, chứ không phải các giới luật đạo đức. Cơ thể chỉ gắn liền với các sự kiện thực tế.
Kể từ khi tôi bắt đầu nghĩ về ảnh hưởng của thời thơ ấu đối với cuộc sống sau này của chúng ta, tôi đã dành rất nhiều thời gian để đọc nhật kí và thư của những nhà văn mà tôi đặc biệt quan tâm. Những gì tôi tìm thấy ở đó đã cho tôi chiếc chìa khóa để hiểu sâu hơn về công việc của họ, vấn đề cốt lõi và những mối bận tâm của họ hay cả những đau khổ mà họ phải chịu. Mặc dù từ những đau khổ này có thể dẫn ngược lại đến những trải nghiệm thời thơ ấu của họ, nhưng bản chất bi kịch của chúng vẫn không thể tiếp cận được với trí óc có ý thức và đời sống tình cảm của những nhà văn này. Mặc dù những bi kịch cá nhân của các nhà văn như Dostoevsky, Nietzsche và Rimbaud được thể hiện rõ ràng trong các tác phẩm của họ, nhưng các tiểu sử khác nhau của họ lại không đề cập đến chúng. Những cuốn tiểu sử này chứa rất nhiều chi tiết về cuộc đời của các tác giả và rất nhiều thông tin sự kiện, nhưng hầu như không có bất kì thông tin nào về việc họ đã cố gắng đối mặt với những chấn thương thời thơ ấu như thế nào, ảnh hưởng mà những chấn thương này gây ra cho họ và cách mà chúng đã định hướng cuộc đời họ ra sao. Khi tôi tiếp cận các nhà nghiên cứu văn học để tìm hiểu về điểm này, tôi thấy rằng họ có rất ít hoặc không quan tâm đến chủ đề này. Hầu hết họ phản ứng với những câu hỏi của tôi với vẻ bối rối, như thể tôi đã thách thức họ bằng một điều gì đó khiếm nhã, gần như là khủng khiếp. Phản ứng cực đoan nhất của họ là lảng tránh.
Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Một vài trong số các học giả này tỏ ra thích thú với cách tiếp cận mà tôi đề xuất và tìm ra tài liệu tiểu sử quý giá mà họ đã quen thuộc từ lâu, nhưng lại dường như không đáng kể đối với họ. Chính các tài liệu này, bị hầu hết các nhà viết tiểu sử lờ đi hoặc bỏ qua, là thứ mà tôi sẽ tập trung vào trong phần đầu của cuốn sách này. Điều này tất yếu dẫn đến việc tôi phải giới hạn vào một khía cạnh cụ thể trong cuộc sống của các tác giả này và bỏ qua những khía cạnh khác có lẽ cũng quan trọng không kém. Mặc dù điều này có thể bị chỉ trích là phiến diện hoặc giản hóa6, nhưng tôi đã quyết định theo đuổi cách này, vì tôi không muốn có quá nhiều chi tiết làm chệch hướng sự chú ý của người đọc khỏi sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách này - sự tập trung vào đạo đức và cơ thể.
Chú thích:
6 Reductionism (Giản hóa luận): Một cách tiếp cận triết học cho rằng: Sự thật của mọi vật nằm ở những yếu tố đơn giản nhất của nó chứ không ở những hiện tượng mà nó tham gia. ND
Tất cả những tác giả tôi đề cập ở đây, có lẽ ngoại trừ Kafka, đều không biết rằng khi còn nhỏ, họ đã phải chịu đựng những nỗi đau khôn cùng dưới bàn tay của cha mẹ. Do đó, họ “không mang theo oán hận” trong cuộc sống sau này, chí ít là không có ý thức về việc này. Sẽ hoàn toàn phi thực tế nếu cho rằng họ đã có thể đối mặt với cha mẹ bằng sự thật, bởi vì đó là sự thật mà kể cả đến khi trưởng thành, họ vẫn không hề hay biết. Tâm trí có ý thức của họ đã dồn nén sự thật đó.
Việc những người này không ý thức được về thời thơ ấu bị ngược đãi thực sự là bi kịch, mà trong hầu hết các trường hợp, đã rút ngắn cuộc sống của họ. Đạo đức đã ngăn cản họ nhận ra thực tế, nhận ra sự thật ẩn chứa trong cơ thể của những người rất mực tài năng này. Họ không thể thấy rằng họ đang hi sinh mạng sống của chính mình cho cha mẹ, ngay cả khi, giống như trường hợp của Schiller - chiến đấu vì mục tiêu tự do, hay như Rimbaud và Mishima - đã phá vỡ mọi điều cấm kị đạo đức (trên bề mặt), hoặc như Joyce - đã phủ nhận các quy tắc văn chương và thẩm mĩ thời đó, hoặc như Proust - đã nảy sinh ra một cái nhìn không thương tiếc đối với giai cấp tư sản (đồng thời tránh ánh nhìn đó khỏi những đau khổ của chính mình dưới bàn tay bậc cha mẹ tư sản của mình). Tôi đã tập trung vào những khía cạnh này bởi vì chưa có công bố nào về chúng từ quan điểm mà tôi áp dụng ở đây.
TRONG CUỐN SÁCH CƠ THỂ KHÔNG BAO GIỜ NÓI DỐI, tôi tiếp dẫn một số tư tưởng từ các tác phẩm trước đây của mình để làm rõ những tư tưởng đó từ quan điểm mới này, và cũng để xem xét kĩ hơn các câu hỏi mà cho đến nay vẫn chưa được giải đáp. Kể từ Wilhelm Reich và Arthur Janov, kinh nghiệm trị liệu đã nhiều lần cho thấy rằng những cảm xúc mãnh liệt thực sự có thể phục hồi được. Nhưng chỉ bây giờ chúng ta mới có những lời giải thích có căn cứ cho hiện tượng này, là kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu não bộ như Joseph LeDoux, Antonio R. Damasio, Bruce D.Perry, và nhiều người khác. Một mặt, ngày nay chúng ta biết rằng cơ thể ta lưu giữ một bản ghi chép đầy đủ và không sai sót về tất cả những điều chúng ta đã từng trải qua. Mặt khác, chúng ta biết rằng, nhờ sự gắn kết trị liệu với cảm xúc, chúng ta không còn phải truyền lại một cách mù quáng cho con cái của chúng ta, hoặc phải trả giá để sống chung với chúng. Do đó, trong Phần II, tôi sẽ nói về những cá nhân được chuẩn bị kĩ lưỡng để đối diện với sự thật về thời thơ ấu của họ và nhìn thấy cha mẹ họ dưới ánh sáng thực tế. Thật không may, rất thường xuyên xảy ra trường hợp thành công của trị liệu có thể bị đe dọa nghiêm trọng nếu liệu pháp (nếu thường xuyên xảy ra) phải tuân theo các quy định của đạo đức thông thường, do đó khiến cho thân chủ ở tuổi trưởng thành không thể tự giải thoát khỏi niềm tin cưỡng bách rằng họ nợ cha mẹ mình tình yêu và lòng biết ơn. Những cảm giác chân thực được lưu trữ trong cơ thể vẫn không được khai thác và cái giá mà họ phải trả cho điều này là sự dai dẳng không ngừng của các triệu chứng tâm lí và bệnh lí nghiêm trọng ảnh hưởng đến họ. Tôi cho rằng những độc giả đã trải qua một số liệu pháp trị liệu không thành công sẽ dễ dàng nhận ra hoàn cảnh của họ trong vấn đề này.
Trong những nghiên cứu về mối liên hệ giữa đạo đức và thân thể, tôi gặp hai khía cạnh khác, không giống như vấn đề về sự tha thứ, là điều mới mẻ đối với tôi. Một câu hỏi mà tôi đã tự hỏi mình liên quan đến bản chất thực sự của cảm giác rằng chúng ta, khi trưởng thành, vẫn kiên trì kêu gọi tình yêu dành cho cha mẹ của mình. Một khía cạnh khác khiến tôi giật mình là khi nhận ra rằng, trong suốt cuộc đời ta, cơ thể luôn khao khát sự nuôi dưỡng mà nó đã rất cần trong thời thơ ấu nhưng đã không được đáp ứng. Tôi tin rằng đây là nguồn gốc của sự buồn đau và khổ sở của nhiều người.
Phần III xem xét một chứng rối loạn “biết nói” đặc biệt, để chỉ ra cách cơ thể tự bảo vệ mình chống lại các phương pháp nuôi dưỡng sai lầm. Điều mà cơ thể cần nhất là sự thật.
Chừng nào sự thật này vẫn chưa được xác định và cảm xúc chân thật của một người về cha mẹ của họ tiếp tục bị phớt lờ thì cơ thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục phát sinh ra các triệu chứng bệnh. Mục đích của tôi trong phần này là sử dụng ngôn ngữ đơn giản, thông dụng để chỉ ra bi kịch của những bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống, những người đã lớn lên mà không có bất kì sự trao đổi cảm xúc chân thành nào với người khác và đã bị khước từ sự trao đổi kiểu này trong trị liệu về sau. Tôi chân thành hi vọng rằng những mô tả này sẽ giúp một số bệnh nhân bị rối loạn ăn uống hiểu rõ hơn về tình trạng của họ. Ngoài ra, The Fictional Diary of Anita Fink (Nhật kí hư cấu của Anita Fink) chỉ ra một nguồn gốc của sự tuyệt vọng mà hoàn toàn không giới hạn ở chứng biếng ăn, đó là việc không đạt được sự giao tiếp chân thành với cha mẹ trong thời thơ ấu, bất chấp tất cả những nỗ lực nhưng không có kết quả. Nhưng ở tuổi trưởng thành, một khi có triển vọng trao đổi đích thực với người khác, sự tìm kiếm vô ích này dần dần có thể bị từ bỏ.
TRUYỀN THỐNG hi sinh con cái đã ăn sâu vào hầu hết các nền văn hóa và đức tin. Vì lí do này, nó cũng được chấp nhận, và thực sự được khen ngợi, trong nền văn minh phương Tây của chúng ta. Đương nhiên, chúng ta không còn hi sinh con trai và con gái để dâng lên bàn thờ của Đức Chúa Trời, như trong câu chuyện Kinh thánh về Abraham và Isaac. Nhưng khi sinh ra và trong suốt quá trình trưởng thành, chúng ta bắt chúng thấm nhuần sự cần thiết phải yêu thương, tử tế và tôn trọng chúng ta, làm hết sức mình cho chúng ta để thỏa mãn tham vọng của chúng ta, nói tóm lại là cho chúng ta tất cả những gì mà cha mẹ đã chối bỏ chúng ta. Chúng ta gọi đây là sự lễ phép và đạo đức. Trẻ em hiếm khi có sự lựa chọn nào khác trong vấn đề này. Trong suốt cuộc đời, họ sẽ buộc mình phải dâng hiến cho cha mẹ một thứ gì đó mà họ không có cũng như không biết, hoàn toàn đơn giản vì họ chưa bao giờ được ban tặng: tình yêu thương chân thành, vô điều kiện, không nhằm đáp ứng nhu cầu của người nhận. Tuy nhiên, họ sẽ tiếp tục phát triển theo hướng này bởi vì ngay cả khi trưởng thành, họ vẫn tin rằng họ cần cha mẹ và bởi vì bất chấp những thất vọng mà họ đã trải qua, họ vẫn hi vọng nhận được những tình cảm chân thành từ cha mẹ.
Sự nỗ lực vô ích như vậy có thể có những tác động đến cuộc đời, đến số phận của những đứa trẻ trưởng thành nếu chúng không thể tự giải thoát khỏi sự thôi thúc này. Tất cả những gì nó dẫn đến là ảo tưởng, ép buộc, giả dối và tự lừa dối bản thân.
Mong muốn mãnh liệt của nhiều bậc cha mẹ là được con cái yêu thương và tôn vinh, họ đã tìm thấy sự hợp thức hóa tuyệt vời trong Điều Răn Thứ Tư. Trong một chương trình truyền hình mà tôi có lần tình cờ xem được, đại diện của các tôn giáo khác nhau khẳng định rằng chúng ta phải tôn kính cha mẹ, bất kể họ đã làm gì với chúng ta. Bằng cách này, sự phụ thuộc của trẻ em vào cha mẹ được củng cố và những người tin vào nguyên lí này không biết gì về thực tế rằng, khi trưởng thành, chúng hoàn toàn có thể tự giải thoát khỏi chu kì này. Dưới ánh sáng của tri thức ngày nay, chúng ta thấy rằng Điều Răn Thứ Tư trên thực tế là một sự mâu thuẫn về các khái niệm. Một hệ thống đạo đức bảo chúng ta những gì nên làm và những gì không nên làm, nhưng nó không thể bảo chúng ta nên cảm thấy gì. Cảm xúc chân thành không thể được tạo ra, cũng như không thể bị xóa bỏ. Chúng ta chỉ có thể kìm nén chúng, tự huyễn hoặc bản thân và lừa dối cơ thể mình. Nhưng như chúng ta đã thấy, bộ não của chúng ta là kho lưu trữ vĩnh viễn cảm xúc của mình; chúng có thể được gợi ra, có thể trải nghiệm, và may mắn là có thể được chuyển đổi thành cảm giác có ý thức mà không có rủi ro nào. Và nếu chúng ta đủ may mắn để tìm thấy một chứng nhân khai sáng, chúng ta có thể học cách nhận ra ý nghĩa của chúng và nguyên nhân gây ra những cảm xúc này.
Cái ý tưởng kì lạ rằng phải yêu Chúa để Ngài không trừng phạt tôi vì sự nổi loạn và thất vọng của tôi, mà thay vào đó sẽ ban thưởng cho tôi một tình yêu cùng sự tha thứ cho tất cả, đã trở thành biểu hiện của sự phụ thuộc và bất an trong thời thơ ấu của chúng ta, dưới dạng giả định rằng, cũng như cha mẹ, Đức Chúa Trời rất cần tình yêu của chúng ta. Đây không phải là một ý tưởng hoàn toàn kì cục hay sao? Hình ảnh một đấng cao hơn phụ thuộc vào những cảm giác không chân thực được quy định bởi đạo đức làm ta gợi nhớ đến sự bất an của các bậc cha mẹ đang thất vọng và mất phương hướng. Một đấng như vậy chỉ có thể được gọi là Thượng đế bởi những người chưa bao giờ thắc mắc về cha mẹ của mình hoặc nghĩ về sự phụ thuộc vào họ.