Phật pháp là tôn giáo của lý trí chứ không chỉ là tín ngưỡng, cho nên chỉ dẫn đạo lý hay hướng dẫn tu trì đều thông qua lý tính mà có sự phong phú, nội dung chính xác. Bởi vì thông qua việc tùy cơ thích ứng lý tính, tự do chọn lựa, cho nên việc hoằng truyền Phật pháp đã trở nên hết sức đa dạng. Nhưng điều này dưới cái nhìn của một số người bình thường, dễ dẫn đến hai loại quan niệm không thể nắm bắt một cách trọn vẹn về Phật pháp. Hai quan niệm ấy là: Thứ nhất, những lời dạy của Đức Phật, sự hoằng truyền của Bồ tát và các vị Tổ sư, đều là thích ứng với khoảng cách về thời gian và địa phương khác nhau, theo căn cơ và sở thích khác nhau mà có lời khuyến dạy phù hợp, cho nên có nhiều phương tiện hoặc cạn hoặc sâu, hoặc sự hoặc lý v.v. có một vài điểm không tương đồng, có một số dường như mâu thuẫn. Giáo pháp khác nhau là thích ứng với căn tính khác nhau, thật giống như chiếc kính vạn hoa (nhiều màu sắc thay đổi), khiến cho người mới học không thể quán triệt thông suốt, nên nhiều lúc có cảm giác chẳng biết lựa chọn pháp môn nào là tốt nhất.
Thứ hai, là bởi nhiều bài thuyết giáo, nội dung có tính tương quan với nhau, thường thì từ một đoạn mà nói đến những cái khác. Cũng như việc nắm bắt kích cỡ và kiểu dáng của chiếc áo vậy, bắt đầu từ việc kéo cổ áo lên, rồi nắm lấy hai cổ tay áo kéo ra, đến kéo cái vạt áo xuống là có thể thâu tóm toàn bộ chi tiết về chiếc áo. Nhưng với những người bình thường, đặc tính ứng cơ của mỗi pháp môn, tính thứ lớp cạn sâu của mỗi phương pháp, tính hỗ trợ tương quan của mỗi cách thức, nếu như không để ý mà tiếp nhận một cách chung chung thì tựa như rất giống nhau. Loại cảm quan về sự đa dạng phức tạp mà lại rất giống nhau này, sẽ dẫn đến khuynh hướng đồng nhất của sự tương phản. Có người cho rằng: Pháp đó với pháp này giống nhau, cho nên một pháp là đồng với tất cả pháp. Như vậy, không cần phải nhọc công tu rộng học nhiều làm gì, Phật pháp chỉ cần một quyển kinh, một vị Phật, một câu chú thôi, cứ như vậy mà phát triển ra khắp nơi là được. Kỳ thật là không thể nào nắm bắt một cách trọn vẹn về Phật pháp, chẳng thể lấy một giọt nước mà cho đó là biển, rồi cho rằng tất cả đại dương đều là ở đây. Có người, không nắm bắt trọn vẹn được Phật pháp, đối với những gì mình đã hiểu được về một pháp môn thì tán dương đến cực điểm, và cho rằng pháp này là tuyệt vời nhất, là cứu cánh nhất, có pháp này rồi thì mình đã có tất cả, hoặc có pháp này rồi thì không cần đến bất cứ pháp nào khác nữa.
Nói tóm lại, Phật pháp thì vô biên vi diệu để có thể thích ứng giáo hóa khắp nơi. Nếu không thể nắm bắt được trọn vẹn và không thể sắp xếp trước sau, thì sẽ phạm sai lầm là lấy một bộ phận để chỉ cho toàn thể. Phương cách học Phật này sẽ dẫn đệ tử Phật đến con đường mạt vận của sự thiếu sót, hư ngụy!
Những quy củ chung trong Phật pháp, đối với việc tu trì của Phật tử mà nói, thì không thể quá khắt khe, nhưng để mở rộng cánh cửa hoằng truyền chính pháp thì cần phải có sự giải thích thật rõ ràng. Đây mới là ứng cơ thuyết pháp, mà trước sau vẫn giữ gìn được tính hoàn chỉnh của Phật pháp, không để cho chính pháp càng ngày càng suy thoái và hỗn tạp. Về phương diện này thì Thiên Thai tông và Hiền Thủ tông có nhiều công đức, bởi vì các Đại sư của Thiên Thai tông và Hiền Thủ tông đã nắm bắt toàn bộ Phật pháp và sắp xếp lịch trình tu học từ thô cạn cho tới tinh sâu, trình bày sự khác biệt giữa các pháp và sự liên hệ tương quan giữa các pháp. Điều này thật khó trách đối với các Pháp sư đã dạy, không chỉ ở Thiên Thai tông là Tứ giáo mà tại Hiền Thủ tông là Ngũ giáo1! Nhưng tại Thiên Thai và Hiền Thủ đều chú trọng đến Viên giáo, vào thẳng Viên giáo đó mới chính là ý muốn chân chính của các Đại sư hai tông phái Thiên Thai và Hiền Thủ. Như Đại sư Thái Hư đã nói: “Hiền Thủ và Thiên Thai tuy là tiểu thủy chung đốn, tạng thông biệt viên, thêm thắt lời xưa của Phật nói, đại khái là vì hạng bình dân mà thiết lập pháp môn phương tiện. Không phải là hạng thượng căn thì đâu thể dùng nổi Viên pháp…”. Đại sư Thái Hư đã cảm thông sâu sắc với thời kỳ suy thoái và thiếu thốn của Phật giáo Trung Hoa, cho nên đem “Pháp chung Năm thừa”, “Pháp chung Ba thừa”, “Pháp riêng Đại thừa”, thống nhất và thâu nhiếp tất cả Phật pháp, khai rõ chính đạo do người mà thành Phật. Ở đây có sự tương hợp với Đại sư Tông Khách Ba của Tây Tạng, Trung quán và Du già của Tông thừa Ấn Độ, lấy đạo chung cho hạ sĩ, đạo chung cho trung sĩ, và đạo cho hạng Thượng sĩ mà có sự nhất quán về trình tự thứ lớp trên tiến trình của đạo Bồ đề tu hành thành Phật. Cho nên đối với toàn thể Phật pháp “phúc đức tư lương, trời người phải đầy đủ; trí tuệ tư lương, Thanh văn - Duyên giác2 phải tương hợp; luật và kinh luận đều phải nương theo nhau, nếu thiếu một phần thì chắc chắn không thể thành đạo Bồ đề”. Vì vậy, Đại sư Thái Hư đã từng vô cùng ngưỡng mộ tán thán Phật pháp viên mãn này, một lòng hạnh nguyện hoằng dương Phật giáo.
1 Năm thừa Phật giáo gồm có: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa.
2 Thanh văn và Duyên giác.
Như Lai thuyết pháp, luôn nói trước về “pháp đoan chính” gồm có bố thí, trì giới, ly dục, sinh thiên (định). Sau đó mới có khả năng tu hạnh xuất thế và tiếp nhận pháp môn tu xuất thế. Bởi vì trọng tâm của Phật pháp đặt tại xuất thế gian (xuất thế là vượt qua sự tầm thường của thế gian), cho nên các Ngài kết tập kinh điển, đối với “pháp đoan chính” của Đức Phật, thường chỉ giản lược chứ không trình bày tường tận. A tỳ đàm cổ xưa thường chỉ lấy năm giới làm đầu, nhưng “A tỳ đàm”1 về sau này thì lại không thấy. Đây chính là khuynh hướng lấy pháp tu Nhị thừa làm gốc, Đại sư Tông Khách Ba cũng không ngoại lệ, cho nên Ngài nói về pháp căn bản là lấy “niệm chết” làm pháp môn quan trọng khi mới vào tu đạo. Kỳ thật là nếu không nhớ nghĩ về chết thì chưa thể huân tu thiện nghiệp của trời và người. Pháp môn phổ thông như vậy, tuy thuận với áp lực thoát ly của hàng Nhị thừa nhưng lại không nhất định phù hợp với pháp Đại thừa. Đại sư Thái Hư đã thâm nhập vào Phật thừa, đồng thời khai mở nhãn quan độc đáo và tròn đầy mà giới thiệu ý nghĩa giáo pháp chân thật xuất thế của Như Lai để hướng dẫn cho nhân loại, vì lợi ích quần sinh mà tận lực chấn hưng lại nền văn hóa Phật giáo. Cho nên chú trọng huân tu mười thiện chính hạnh, không bác bỏ sự nghiệp làm ăn kinh tế sinh nhai của thế gian mà dựa vào hoàn thiện chính hạnh Nhân thừa, để nỗ lực tiến tu lên Phật thừa, mà không hề dụng tâm quán niệm về sự chết làm pháp môn căn bản cho người mới vào đạo. Lập chính hạnh Nhân thừa tiến tu Phật đạo cũng chính là hưởng được công đức của “Pháp chung Ngũ thừa” và “Pháp chung Tam thừa” mà chí thú tiến nhập Phật thừa. Nhưng do căn tính một số chúng sinh biên kiến, hẹp hòi, bạc nhược và yếu đuối, cho nên chư Phật với các Bồ tát đã lập pháp môn phương tiện để làm chỗ cứu cánh cho hàng Nhị thừa. Trong giáo pháp Đại thừa cũng mở ra rằng: Do tu hành pháp Thiên thừa mà thể nhập Phật thừa, do tu hạnh Nhị thừa mà bước vào pháp môn phương tiện của Phật đạo. Cho nên từ sự chọn lọc và giúp đỡ khai thị trên phương diện Phật pháp mà nói, thì không có pháp môn nào là không thể tu hành thành Phật. Ở đây không chỉ tôn quý ba giai đoạn Pháp chung Ngũ thừa, Pháp chung Tam thừa và Pháp chung Đại thừa, mà còn xem trọng tất cả các pháp tu bình thường và pháp môn phương tiện, trình bày theo thứ lớp một cách đầy đủ và toàn diện về đạo Phật, để hướng dẫn người tu từng bước thể nhập vào cảnh giới cứu cánh của chư Phật.
1 Cách gọi chung ba tạng “Kinh - Luật - Luận” của Phật giáo được dịch âm từ Phạn ngữ, cũng chỉ cho Luận tạng. (佛教论律经三藏梵语音译的 合称。亦偏指论藏).
Trước đây khi còn ở Hồng Kông, với sự khai thị của Đại sư Thái Hư, tôi rất muốn từng bước tìm hiểu về pháp môn Bồ đề của Ngài Tông Khách Ba, tổng hợp các pháp môn trong pháp tạng, mà viết nên quyển Con đường thành Phật, quý trọng tất cả pháp Phật mà quay về Nhất thừa. Cho đến trước năm 1954, trong pháp hội cộng tu tại chùa Thiện Đạo ở Đài Loan, từ sở học thô cạn mà dần tiến đến sở ngộ sâu sắc hơn, tôi đã biên tập những câu kệ tụng, vừa biên tập vừa thuyết giảng. Nhưng cũng vì bận nhiều Phật sự, đặc biệt là các pháp Đại thừa vô cùng giản lược, cho nên vào mùa thu năm 1957, tôi đã cố gắng biên tập lại và hoàn thiện phần kệ tụng trước đây để thuyết giảng cho Ni chúng trong Phật học viện. Mùa đông năm 1958, lại đính chính bổ túc thêm, bắt tay vào viết phần lược giải cho những kệ tụng mà tôi đã viết trước đây. Trải qua bao nhiêu năm tại chùa Thiện Quang, vào cuối năm ngoái tôi mới hoàn thành được bản thảo cho cuốn sách này. Tính ra cũng đã hơn sáu năm rồi! Cuốn sách Con Đường Thành Phật, với hai trăm ngàn từ này, đang được in ấn và phát hành, sẽ nói lên ý nguyện cùng sự tôn quý tất cả pháp Phật mà tiến tu trên con đường Phật đạo, xin trân trọng giới thiệu đến quý vị!
Viết lời tựa vào tháng 10 năm 1960.