Chương một
Quy kính Tam bảo
Có biển lớn không bờ, thế gian nhiều ưu khổ.
Lưu chuyển trở về không, nơi nào là điểm tựa.
Tích tụ rồi tiêu tán, cao sang lại đọa sâu.
Hội họp ắt chia ly, có sinh là có tử.
Quốc gia thịnh rồi suy, khí giới thành phá hủy.
Thế gian điều gì vui? Không có gì nương tựa.
Quỷ thần quá hung ác, trời dục đắm các mê.
Độc Phạm đầy kiêu mạn, thật chẳng chỗ nương về.
Khắp nơi muốn quay về, mười phương nguyện quy y.
Chốn tựa nương cứu cánh, Tam bảo là tối thượng.
Lấy chính pháp làm thân, tịnh tuệ làm mạng sống.
Trí nguyệt sáng trời thu, lễ Phật Lưỡng túc tôn.
Tam thế Phật vô lượng, mười phương Phật cũng thế.
Bi nguyện vào cõi trược, lễ Phật Thích Ca Văn.
Bi trí thật tròn đầy, dứt trừ bao nghiệp chướng.
Ba đức thường cứu cánh, phương tiện dùng sai biệt.
Gò giếng không làng xóm, chốn xưa chẳng người qua.
Bờ kia rừng suối nhạc, lễ pháp Ly dục tôn.
Diệu pháp khó nghĩ bàn, thiện tịnh thường an lạc.
Theo Tiên đạo thuở xưa, có thể vào Niết bàn.
Nương vào pháp nhiếp Tăng, hòa lạc tịnh làm gốc.
Sự hòa hoặc lý hòa, lễ Tăng Chúng trung tôn.
Kính Tăng chớ trách Tăng, cũng đừng nên đánh giá.
Người theo Phật tu hành, giữ thành trì chính pháp.
Tam bảo đức chân thật, tính vô lậu thanh tịnh.
Dạy đời chân và tục, Phật pháp được trường tồn.
Thệ nguyện trọn đời này, quy y Phật Pháp Tăng.
Chí tâm tu cúng dường, nhớ lợi ích tuyệt vời.
Quy y tối tôn này, là quy y tối thắng.
Không do dự quy y, được vui được an ổn.
Nói về người quy y, lấy tín nguyện làm thể.
Nương theo và hướng tới, nhờ đó được cứu ra.
Nếu người tự quy y, tự lực tự y chỉ.
Chính là người khế hợp, chân thật nghĩa quy y.
Chương hai
Bước vào nghe pháp
Do nghe biết các pháp, nhờ nghe chặn ác hành.
Do nghe đoạn vô nghĩa, bởi nghe được Niết bàn.
Như bình đựng được nước, như nơi đất trồng cây.
Tránh ba sự nhầm lẫn, khéo lắng nghe nghĩ nhớ.
Bệnh tưởng uống thuốc tưởng, chú trọng điều trị tưởng.
Nghe pháp mà tu hành, Phật thuyết pháp như gương.
Người thích nghe chính pháp, thân cận bậc hiền sĩ.
Chứng giáo đạt thật tính, bi mẫn khéo nói lên.
Xét đức chớ nhìn lỗi, tùy thuận đừng trái nghịch.
Phật thuyết tròn phạm hạnh, người học nên kính tôn.
Rời ba đường khổ kia, không sinh trời Trường thọ.
Phật thị hiện giữa đời, nhổ sạch gốc tà kiến.
Trong sinh tử luân hồi, thân người rất khó được.
Nhớ phạm hạnh dũng tiến, ba việc thắng cõi trời.
Khó được nay đã được, tinh cần tu pháp hành.
Không tìm vào núi báu, khoanh tay chẳng được gì.
Nghe pháp mà phát tâm, tùy cơ thành sai biệt.
Hạ cầu tăng thượng sinh, hiện vui sau cũng vui.
Trung phát tâm xuất ly, vui Niết bàn giải thoát.
Tối thượng tâm Bồ đề, vui bi trí cứu cánh.
Từ thấp có thể lên, nương trên nhiếp được dưới.
Căn cơ năm ba khác, nẻo về chỉ một thôi.
Không dừng tại trung hạ, cũng chẳng bỏ hạ trung.
Viên nhiếp hướng Phật thừa, không chê bai chính pháp.
Chương ba
Pháp chung Ngũ thừa
Người chính tín quy y, nên tu bằng chính kiến,
Cùng tu nơi chính mạng, thẳng tiến đừng ngại chi.
Người chính kiến đã nói, thật quán về nhân sinh,
Tâm tịnh hay bất tịnh, lợi người hay hại người.
Hành thiện không hành thiện, Phật tử nên thấy rõ,
Quả báo ắt do nghiệp, từ nhỏ chuyển thành lớn.
Có thể thiếu hoặc dư, quyết định hoặc bất định,
Đời này hoặc hậu báo, các nghiệp không hoại mất.
Tùy nghiệp báo thiện ác, năm thú thường lưu chuyển,
Tùy trọng hoặc tùy tập, hoặc lại tùy ức niệm.
Do nghiệp đến sau này, củi tắt lửa truyền lại,
Sinh tử thường nối nhau, bậc Thánh được giải thoát.
Phàm Thánh buộc thoát khác, tin sâu đừng nghi hoặc,
Lưu chuyển trong năm thú, thân tâm nhiều bức khổ.
Địa ngục nóng cùng cực, hành trình khắp gần bên,
Tám hàn cùng cô độc, khổ nhất trong các khổ.
Bàng sinh nhiều loại khác, rượt ăn nuốt lẫn nhau,
Ngạ quỷ thường đói khát, thức ăn đều bất tịnh.
Đều do ba bất thiện, làm ác chịu quả báo,
Loài người khổ cùng vui, đầu mối của thăng trầm.
Vốn người lầm gốc quỷ, bắt chước tập tục sai,
Thiên thú sơ Dục giới, Sắc và Vô sắc giới.
Thân thắng thọ cũng thắng, lạc thắng định cũng thắng,
Các khổ do ác nghiệp, vui do hành thiện nghiệp.
Khổ vui tùy nghiệp tận, nên tích cực làm lành,
Giờ có thể tu thiện, mà chưa tạo nghiệp lành.
Một mai quả khổ đến, như vậy làm sao đây?
Cầu người được làm người, tu thiên chẳng sinh thiên.
Cần tu ba phúc hạnh, nguyện sinh cõi Phật Đà,
Vì giúp người được vui, bố thí được giàu có.
Nên Phật vì chúng sinh, tán thán phúc bố thí,
Thí lấy xả làm lợi, do bi kính khác nhau.
Ruộng tâm việc bất đồng, công đức phân cao thấp,
Thí nên như pháp thí, đừng theo đến sợ báo.
Cầu báo và tập tiên, mong lên trời cầu danh,
Khắc kỷ vì lợi tha, kiên nhẫn trì tịnh giới.
Quên mình độ chúng sinh, đừng giết đừng đánh đập,
Không trộm cắp tà dâm, không nói lời hư dối.
Uống rượu hư công đức, Phật tử nên giữ gìn,
Năm giới thụ trọn đời, nơi phúc về quy tụ.
Ngày đêm siêng giữ giới, bậc tùy thuận xuất ly,
Không sát trộm tà dâm, không vọng ngữ lưỡng thiệt.
Bỏ ác khẩu ỷ ngữ, rời tham sân tà kiến,
Gốc rễ là điều lành, Phật thuyết mười thiện nghiệp.
Trời người theo làm thiện, lập ba thừa Thánh pháp,
Dục lạc chớ dính mắc, tán loạn lắm khổ đau.
Nương từ trụ tịnh giới, tu định an lạc nhất,
Điều nhiếp với ba việc, tâm cảnh hợp vào định.
Chóng xa rời phân biệt, khổ vui sẽ hết dần,
Tứ thiền tứ không xứ, từ bi… Tứ vô lượng.
Phật thuyết các pháp Thiền, theo thứ tự tu tập,
Bố thí nhiều tạp nhiễm, thiền định hướng độc thiện.
Theo người hướng Phật đạo, giới hạnh làm căn cốt,
Người tâm tính sợ hãi, Phật dạy nên niệm Phật.
Tâm nơi Phật Pháp Tăng, giới thí thiên công đức,
Như ánh sáng đến đâu, bóng tối dần tiêu mất.
Chính niệm kính Di Lặc, cầu sinh Tịnh độ kia,
Pháp môn thực hiếm có, dễ gần và phổ cập.
Gặp Phật được nghe pháp, còn lo gì thoái đọa?
Chương bốn
Pháp chung Tam thừa
Tất cả hành vô thường, thấy các thụ đều khổ,
Duyên này sinh chán ngán, hướng về đường giải thoát.
Tùy cơ lập ba thừa, chính hóa với Thanh văn,
Đạo giải thoát viễn ly, hai bên khổ và vui.
Người thuận giữ lạc hạnh, tại gia tu pháp hành,
Bậc tuân giữ khổ hạnh, xuất gia làm Sa môn.
An trú vui một mình, hoặc vui chốn nhân gian,
Hạnh tu theo đức tin, hay hạnh tu theo pháp.
Tuy chủng tính đa dạng, cùng tu hạnh xuất ly,
Phật nói đạo giải thoát, Tứ đế và Duyên khởi.
Phật pháp thật thâm sâu, từ đó mà hiển thị,
Khổ tập với diệt đạo, gọi là Tứ Thánh đế.
Khổ vì muốn không được, oán gặp ái biệt ly,
Sinh già và bệnh chết, do năm ấm tụ hội.
Cái gọi là năm uẩn, sắc thụ tưởng hành thức,
Thức bám chấp nơi nơi, nhiễm trước chẳng thể rời.
Xoay vần sáu chỗ này, đắm cảnh mà sinh thức,
Hoặc sáu giới hòa hợp, thế gian chỉ khổ thôi.
Khổ sinh do nghiệp tập, nghiệp kết lại do hoặc,
Nghiệp phát với nhuận sinh, duyên đủ vời quả khổ.
Nghiệp có thân ngữ ý, thiện ác và bất động,
Nghiệp diệt như chủng tập, trăm ngàn kiếp không mất.
Theo nghiệp cảm sinh tử, không ra khỏi tam giới,
Phiền não tham sân si, căn bản của bất thiện.
Si như say như mê, sân nặng tham quá sâu,
Phật nhiếp các phiền não, kiến ái mạn vô minh.
Nguyên nhân khiến chúng ta, sinh tử mãi không ngừng,
Khổ tập trói buộc nhau, sống chết từ Duyên khởi.
Phật thuyết mười hai chi, như thành như quả thục,
Bị vô minh bao phủ, ràng buộc trong luyến ái.
Có thức thân tiếp nối, nối tiếp mãi không thôi,
Duyên thức có danh sắc, sáu xứ có từ đây.
Căn cảnh tiếp xúc nhau, do xúc sinh ra thụ,
Duyên thụ mà sinh ái, ái tăng liền chấp thủ.
Do vậy sau kết hữu, sinh già chết tiếp nhau,
Diệt nên diệt nơi hoặc, hoặc diệt thì khổ dứt.
Giải thoát khỏi ái si, chứng niềm vui tịch diệt,
Muốn diệt gốc các khổ, chỉ có đạo Nhất thừa.
Tam học Bát chính đạo, mới vào được Niết bàn,
Sơ tăng thượng Thi la, đất tâm càng thanh tịnh.
Giữ tâm cho đừng phạm, biệt biệt được giải thoát,
Tại gia năm - tám giới, như đã nói ở trước.
Năm loại giới xuất gia, Sa di - Sa di ni,
Tỳ kheo - Tỳ kheo ni, với Thức xoa ma na.
Ở nơi giới Cụ túc, là giới pháp tối thắng,
Ân sâu được thụ giới, giữ gìn chớ để mất.
Có bốn giới cực trọng, hành dâm - lấy không cho,
Giết người - đại vọng ngữ, phá mất tính Sa môn.
Giới khác nặng hoặc nhẹ, người phạm chớ che giấu,
Xuất tội hoàn thanh tịnh, sửa lỗi được lạc an.
Giữ được tịnh giới này, ba nghiệp đều thanh tịnh,
Giữ chặt cửa các căn, ăn uống thường tiết độ.
Siêng tu ngộ Du già, nương chính tri mà trụ,
Tâm biết đủ viễn ly, thuận nơi thừa giải thoát.
Năng tịnh Thi la này, cũng là phương tiện định,
Tiến tu với định học, rời năm dục năm triền.
Bất tịnh và trì tức, gọi là nhị cam lộ,
Nương đây mà nhiếp tâm, tâm lặng vào chính định.
Phát trí tuệ chân thật, Phật nói có bảy điều,
Pháp tăng thượng tuệ học, tức chính kiến xuất thế.
Phật vì A Nan nói: Duyên khởi nghĩa thậm thâm,
Đây có nên kia có, đây sinh mà kia sinh.
Vô thường - không - vô ngã, chỉ thế tục giả có,
Đây không kia cũng không, đây diệt nên kia diệt.
Tính Duyên khởi Không tịch, nghĩa lại càng thậm thâm,
Đây là điều Phật nói, nghĩa Duyên khởi Trung đạo.
Không chấp thấy có không, chính kiến được giải thoát,
Vì thấy biết chân chính, là trí tuệ Tứ đế.
Bốn đế biết như thật, nên đoạn và nên tu,
Hoặc khổ diệt nên chứng, do diệt đắc Niết bàn.
Trước được trí pháp trụ, sau chứng trí Niết bàn,
Nương tục liễu ngộ chân, chính quán pháp như thế.
Chính tư duy thoát tục, hướng ly dục và diệt,
Chính ngữ nghiệp và mạng, lấy tịnh giới làm tính.
Trước phải nhìn thấy rõ, kế đến phải tịnh hạnh,
Chân mắt đều thành thục, có thể đến bờ kia.
Chính cần biến sách phát, do niệm vào chính định,
Nương định khởi chứng tuệ, tuệ thành được giải thoát.
Phật nói chư đạo phẩm, tổng tập ba mươi bảy,
Đạo tùy cơ có khác, khác chỗ cạn hoặc sâu.
Là sở tu bậc Thánh, đây là sở chứng Thánh,
Các Thánh giả Tam thừa, thành Niết bàn một vị.
Thông luận đạo giải thoát, trải qua chủng thục thoát,
Tu chứng có chậm nhanh, không do khác lợi độn.
Người thấy chính pháp này, sơ gọi Tu đà hoàn,
Ba kết đoạn không còn, vô biên sinh tử dứt.
Nhị quả Tư đà hàm, tiến tu gần đoạn hoặc,
Tam quả A na hàm, lìa dục không trở lại.
Người đoạn hoặc cứu cánh, gọi là A la hán,
Nhất định không tạo thêm, sinh tử duyên dừng hẳn.
Quả này tuệ giải thoát, hoặc đầy đủ giải thoát,
Lục thông và tam minh, ruộng phúc tại thế gian.
Sáng trong thường bất động, như bầu trời quang đãng,
Tất cả thế gian hành, như hoa sen không nhiễm.
Hoặc không do tha giác, từ nơi viễn ly sinh,
Gọi là Bích chi Phật, hợp nói làm Nhị thừa.
Chương năm
Pháp riêng Đại thừa
Thẹn có điều không biết, thẹn có thứ chưa làm,
Thẹn còn nơi bất tịnh, trở về với Đại thừa.
Không để Thánh giáo suy, không muốn chúng sinh khổ,
Duyên khởi đại bi tâm, thể nhập pháp Đại thừa.
Từ nơi tín nguyện vào, hoặc từ nơi trí bi,
Hoặc hợp với Thanh văn, hoặc hợp với trời người.
Người thích hợp Đại thừa, vào thẳng hay hồi nhập,
Tương ứng các giáo pháp, thật nói phương tiện nói.
Chúng sinh có Phật tính, lý tính cùng hạnh tính,
Ban đầu tập thành tính, theo tính thành tập quán.
Lấy đó mà tu tập, tất cả Phật sẽ thành,
Phát tâm là Bồ tát, bậc trên các chúng sinh.
Công đức thế xuất thế, Bồ tát đều có đủ,
Con đường Bồ tát thừa, tương ứng Bồ đề tâm.
Lấy từ bi làm đầu, Không tuệ là phương tiện,
Dựa vào ba yếu môn, khéo tu tất cả hạnh.
Tất cả hạnh đều hành, Nhất thừa tu thành Phật,
Sở học của Bồ tát, tu mười thiện là gốc.
Nhiếp làm ba tụ giới, bảy chúng đều thông hành,
Thoái thất Bồ đề tâm, tật san và sân mạn.
Chướng ngại hạnh lợi tha, mà mất giới Đại thừa,
Tổng nhiếp đạo Bồ đề, Lục độ cùng Tứ nhiếp.
Dần tiến vào các địa, viên mãn công đức Phật,
Thân cùng các thụ dụng, ba đời đều lương thiện.
Vì lợi ích chúng sinh, không tiếc việc bố thí,
Hạ sĩ vì mình thí, trung thí vì giải thoát.
Lợi tha thí tất cả, đó là bậc Đại sĩ,
Tài pháp vô úy thí, khó thí ân cần thí.
Văn thí tâm hoan hỷ, thù thắng vui tịch diệt,
Hoặc có không cần thí, do hành vi người đó.
Thí thắng với tâm xả, thường tu ý an vui,
Tam luân1 đều chấp trước, là bố thí thế gian.
Tam luân thường không tịch, xuất thế Ba la mật,
Giới đoạn với tổn tha, thí khắp không lo sợ.
Mất giới là gốc họa, ác thú đều cùng khổ,
Trì giới gốc ba thiện: Tăng thượng quyết định thắng.
Vị tha tịnh Thi la, tức hợp với Đại thừa,
Người thụ trì tịnh giới, như giữ gìn phao nổi.
Không coi thường hủy phạm, trì phạm đủ không chấp,
Nhiếp hộ dẫn chúng sinh, Bồ tát tu nhẫn độ.
Chịu oán an nhận khổ, và quán sâu pháp nhẫn,
Giận người có ích gì? Mình người thêm sầu khổ.
Lửa sân đốt thiện căn, nhẫn đầy đủ năm đức,
Thí giới và an nhẫn, thuyết cho hàng tại gia.
Quảng tập phúc tư lương, là nhân sắc thân Phật,
Phật thuyết tinh tấn độ, tư lương bồi phúc trí.
Không ghét tâm như biển, lực tận mà không dừng,
Bỏ thú vui thế gian, nhẹ đi tâm hèn mạt.
Quả mãn cũng khó hành, ở lâu trong sinh tử,
Tư lương rộng vô biên, luyện tâm đừng thoái chí.
Kẻ yếu hèn hạ liệt, mong cầu đạo dễ hành,
Phương tiện Phật thù thắng, giúp những người sơ tâm.
Với hạng người thù thắng, vãng sinh miền Cực lạc,
Di Đà Phật lực trì, bất thoái với Bồ đề.
Không bỏ hiện pháp lạc, mà hướng về Bồ đề,
Đại bi nguyện Dược Sư, Đông phương hiện Tịnh độ.
Thắng giải lực kiên cố, hoan hỷ sức nghỉ dừng,
Năng tu với bốn lực, tinh tấn không gì khó!
Ba thừa đức thắng diệu, đều do định tuệ sinh,
Người tu tập chỉ quán, nên trước tu tập chỉ.
Chỉ thành quán mới thành, thứ tự pháp như vậy,
Dựa vào tính kham năng, thành tựu hết thảy việc.
Do diệt năm lầm lỗi, chuyên tu tám đoạn hạnh,
Giải đãi làm chướng định, tín cần đẳng đối trị.
Chính niệm thêm tập duyên, khiến tâm ngừng tán loạn,
Nhớ rõ không quên niệm, an trụ mà sáng soi.
Bậc Thánh nói các duyên, làm thanh tịnh chướng hoặc,
Hoặc thuận với chính lý, năng hướng về xuất ly.
Đại thừa nhiều tu tập, niệm Phật quán hơi thở,
Niệm Phật do tâm tưởng, Phật thật phải tượng đâu.
Quán tướng mà giữ tâm, khéo hiểu nơi phương tiện,
Đếm hơi thở tùy nghỉ, không thổi không thở dốc.
Biết rõ trầm và trạo, chính tri chẳng loạn tâm,
Vì đoạn dứt các hành, chớ nên tùy đó chuyển.
Khi mất hạnh chính trực, đoạn mất luôn công hạnh,
Nội trú và tục trú, an trú lại cận trú.
Điều thuận cùng tịch tĩnh, đến thanh tịnh bậc nhất,
Chuyên chú ở một hướng, đẳng trì hạnh vô tác.
Thánh thuyết chỉ phương tiện, không vượt cửu trụ tâm,
Nếu được vui khinh an, tức là thành tựu chỉ.
Minh hiển vô phân biệt, cùng vi diệu khinh an,
Là đường chung nội ngoại, do quán thành sai khác.
Bát nhã Ba la mật, là tôn quý đệ nhất!
Nương vào nơi giải thoát, chư Phật từ đó sinh.
Hiện chứng do tu đắc, lại tu bởi nhớ nghe,
Bạn tốt với đa văn, thật nương vào trí tuệ.
Bát nhã vốn không hai, tùy cơ hành sai khác,
Bát nhã chư kinh luận, với đây thân thiết nhất.
Chư Phật theo Nhị đế, vì chúng sinh thuyết pháp,
Nương tục được chân đế, nương chân mà giải thoát.
Thế tục giả dựng nên, nhận thức bởi danh ngôn,
Danh giả thụ pháp giả, ngược lại khéo phân biệt.
Tự tính làm sao có? Là quán thuận thắng nghĩa,
Nhân khổ từ hoặc nghiệp, nghiệp hoặc do phân biệt.
Phân biệt do hý luận, hý luận theo Không diệt,
Chư pháp do duyên sinh, duyên sinh Vô - tính Không.
Không nên chẳng sinh diệt, thường trú tịch tịnh tướng,
Pháp không từ đâu sinh, chẳng chung chẳng vô nhân.
Quán chiếu pháp tính Không, tất cả vốn chẳng sinh,
Ngã không phải là uẩn, cũng không lìa xa uẩn.
Không thuộc không tương tại, vậy nên biết vô ngã,
Nếu như không có ngã, ngã sở từ đâu sinh?
Tính các pháp còn không, huống chi là ngã ấy!
Hoặc nghiệp do phân biệt, phân biệt bởi do tâm.
Tâm lại dựa nơi thân, nên trước dung thân quán,
Vô ngã vô ngã sở, trong ngoài rời tất cả.
Dừng sạch mọi phân biệt, là khế hợp Chân như,
Chân thật vô phân biệt, chớ lưu giữ tà kế!
Tu tập Trung quán hạnh, vô tự tính phân biệt,
Dùng chính kiến vô tính, quán sát và an trụ.
Chỉ quán hỗ tương nhau, khéo nhập vào tịch diệt,
Lành thay chân Bát nhã, chân giải thoát lành thay.
Nương vô đẳng Thánh trí, viên mãn các công đức,
Pháp tính vốn không hai, tùy cơ thành nói khác.
Liễu nghĩa bất liễu nghĩa, bậc trí khéo chọn lựa,
Các pháp theo Duyên khởi, Duyên khởi Vô tính Không.
Không là từ Duyên khởi, tất cả pháp thành lập,
Nghĩa lý hiện trong Không, như ở trên đã nói.
Tất cả pháp vô tính, khéo vào nơi đáng vào,
Hoặc năm việc chưa đủ, Phật lại giải nghĩa sâu.
Hoặc là vô tự tính, hoặc là tự tướng hữu,
Duyên khởi tự tướng hữu, tức hư vọng phân biệt.
Nhờ thức lập Duyên khởi, nhân quả khéo thành lập,
Ngoài tâm pháp không có, tâm thức lý phi vô.
Đạt vô cảnh duy thức, năng thể hội chân thật,
Hoặc lấy pháp sinh diệt, buộc thoát khó thể lập.
Sợ với câu vô ngã, Phật lại nhiếp phương tiện,
Như Lai tạng thậm thâm, là nhân thiện bất thiện.
Huân tập từ vô thỉ, gọi là A lại da,
Do đây có sinh tử, đến chứng đắc Niết bàn.
Phật thuyết pháp tính Không, lấy làm Như Lai tạng,
Chân như không sai biệt, chớ tà kiến ngoại đạo.
Phương tiện chuyển chuyển thắng, pháp Không tính không hai,
Người trí khéo quán nhiếp, nhất đạo nhất thanh tịnh.
Thành thục đạo chúng sinh, Phật thuyết lấy bốn nhiếp,
Bố thí cùng ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Sơ tu Bồ đề tâm, tập hành mười thiện nghiệp,
Thành tựu tâm bất thoái, nhập vào đạo Đại thừa.
Đem các thắng giải hạnh, rộng tập hai tư lương,
Trải qua vô số kiếp, chứng nhập vào Thánh vị.
Sơ trụ Cực hỷ địa, nơi nhà sinh chư Phật,
Đoạn trừ ba loại kết, đức thí tăng thắng nhất.
Giới đức tròn thanh tịnh, gọi là Ly cấu địa,
Phát quang địa nhẫn thắng, lửa tuệ trừ tối tăm.
Tiến tu mãn giác phần, lửa tuệ thấy vô dư,
Khó thắng tĩnh lự thắng, khéo đạt lý chân thật.
Thứ sáu Hiện tiền địa, tuệ thắng nơi diệt định,
Phật pháp đều hiện thấy, Duyên khởi tính chân thật.
Thường tịch thường bi niệm, thắng xuất với Nhị thừa,
Đi xa cùng diệt định, niệm niệm có thể vào.
Phương tiện độ hầm lửa, đủ hai tăng kỳ kiếp,
Tiến vào Bất động địa, vô tướng vô công dụng.
Đoạn hết hoặc tam giới, đại nguyện cực thanh tịnh,
Dùng như huyễn Tam muội, ba cõi rộng hiện thân.
Thiện tuệ vô ngại giải, viên tịnh tất cả lực,
Thứ mười Pháp vân địa, ánh sáng Phật quán đỉnh.
Trí tăng giáng pháp vũ, dài đẹp như mây lớn,
Bồ tát sở tu đạo, ba kỳ trải Thập địa.
Đốn nhập và tiệm nhập, tùy cơ có sai biệt,
Qua ba tăng kỳ kiếp, lên đến bậc Diệu giác.
Phật thân tịch diệt nhất, bình đẳng không phân biệt,
Như châu Ma ni kia, diệu dụng lợi quần sinh.
Pháp tính sở lưu thân, niệm niệm hiện tất cả,
Phật sự Bồ tát sự, Nhị thừa chúng sinh sự.
Ba đời khắp mười phương, nương chính ắt vô ngại,
Với một hiện tất cả, tất cả nhập vào một.
Mười lực bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng,
Đại bi ba không hộ, diệu trí Phật công đức.
Phật ở nơi Tịnh độ, mười tám sự viên mãn,
Với chư Bồ tát chúng, thụ dụng niềm pháp lạc.
Nghĩa chân thật các pháp, và chứng tuệ chân thật,
Không thay đổi sai biệt, cho nên thừa chẳng khác.
Phật đắc thân bất động, bi nguyện độ ba cõi,
Là tịnh hoặc là uế, đều khiến vào Niết bàn.
Vì sợ chúng mệt mỏi, nên làm ra hóa thành,
Cuối cùng chân thật tướng, chỉ một Phật thừa thôi.
Tất cả các thiện pháp, đồng quy về Phật đạo,
Hết thảy mọi chúng sinh, cứu cánh đều thành Phật.