Sau khi quy y Tam bảo như trên đã trình bày, phải nên nghe nhiều về chính pháp mới có thể đi vào cửa Phật đạo. Có người cho rằng, Phật pháp quan trọng ở việc tu hành, nghe pháp thì có ích lợi gì? Không thấy trong hội Lăng nghiêm, Tôn giả A Nan “là người đa văn đệ nhất mà đạo lực chưa hoàn bị”1, không thể tránh khỏi nạn nữ sắc của Ma đăng già hay sao? Không biết rằng tôn giả A Nan tuy nghe nhiều, song vấn đề không phải ở chỗ “nghe”. Tất cả các Thánh điển đều nhấn mạnh việc tu hành, nhưng nếu không nghe pháp làm sao biết tu như thế nào. Nếu cái gì cũng không nghe thì làm sao hiểu được chuyện giải thoát khỏi sinh tử ra sao? Làm sao biết được thế giới Cực lạc với Phật A Di Đà? Làm sao biết được phương hướng mà đi lên? Làm sao biết được chính pháp mà Đức Phật đã dạy? Nếu cái gì cũng không cần nghe thì ngay cả chuyện quy y Tam bảo cũng không thể biết được vậy!
1 Đại Phật đỉnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ tát vạn hạnh Thủ lăng nghiêm kinh, quyển 1. Đại chính tạng, quyển 19, trang 106c.
Do nghe biết các pháp,
Nhờ nghe chặn ác hành.
Do nghe đoạn vô nghĩa,
Bởi nghe được Niết bàn.
Đây chính là kệ tụng ca ngợi việc nghe pháp trong Thánh điển1, có thể nói tất cả công đức trong Phật pháp đều do nghe pháp mà có được. Nói đến việc nghe pháp, Bồ tát Long Thọ nói rằng có ba nơi để nghe: “Một là nghe pháp từ Phật, hai là nghe pháp từ đệ tử của Phật, ba là nghe pháp từ trong kinh điển”2. Nghe pháp từ Đức Phật và đệ tử của Ngài chính là tự thân nghe được lời khai thị. Cho nên trong kinh nói: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”3. Đức Phật vừa mới nhập Niết bàn thôi, thì chúng ta phải nghe pháp từ đệ tử của Phật. Tuy nhiên mười phương chư Phật như Phật Dược Sư ở phương Đông, Phật A Di Đà ở phương Tây thuyết pháp, nhưng đối với chúng ta thời đại hiện nay, trừ những người có trình độ căn cơ pháp học tương ứng với pháp hành, ngoài ra không thể tự thân lĩnh thụ giáo pháp Phật thuyết. Từ kinh điển mà học pháp thì cũng chỉ là lấy chuyện xưa làm thầy, từ việc duyệt đọc kinh luận rồi đi tìm hiểu giáo pháp. Cho nên, nghe pháp từ đệ tử Phật hoặc là đọc tụng kinh điển, đều gọi là nghe học Phật pháp, rồi từ đó mà hạ thủ công phu.
1 Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận, quyển 1 dẫn “Tập nghe pháp tụng”, quyển 1-9a.
2 Đại trí độ luận, quyển 18, Đại chính tạng 25-196a.
3 Đại Phật đỉnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ tát vạn hạnh Thủ lăng nghiêm kinh, quyển 6. Đại chính tạng, quyển 19, trang 130c.
Nghe chính pháp nhiều, nói giản lược có bốn loại công đức: Một là do nghe pháp nhiều mà biết được lối đi trong các pháp môn. Thế nào gọi là các pháp như: thiện pháp, ác pháp, pháp hữu lậu và pháp vô lậu v.v.? Nghe rồi mới biết được trong tất cả pháp thì pháp nào nên ứng dụng tu tập, pháp nào nên xả bỏ. Rồi pháp nào là hợp pháp với ý nghĩa thiện, nghe Phật pháp rồi mới tiếp cận với rất nhiều thiện pháp để theo đó mà tu học.
Hai là do được nghe pháp mà chặn đứng được các việc ác, hoặc là những suy nghĩ ác ý trong tâm thức, hoặc là những lời nói hành động ác hiện ra hành động bên ngoài bởi thân. Sau khi nghe được chính pháp sẽ hiểu ra thế nào là nghiệp ác, ác nghiệp ấy dẫn đến quả báo gì, qua đó có thể đình chỉ ý niệm bất thiện, hoặc kịp thời ngăn chặn tâm ác hiện khởi.
Ba là khi nghe được chính pháp rồi, sẽ thông hiểu và không làm nhiều việc vô nghĩa vớ vẩn. Có một số ngoại đạo tuy là cầu tâm giải thoát mà lại đi vào con đường sai lầm, tức là thực hành rất nhiều việc khổ hạnh như không ăn, không nằm, hành hạ thân xác. Cho rằng tu như vậy mới đắc đạo, họ tu luyện khổ hạnh và cũng đem các pháp khổ hạnh đó dạy cho người theo học. Những loại tu khổ hạnh này Đức Phật khẳng định là vô nghĩa bởi thật ra, chính bản thân Ngài đã từng trải nghiệm và thấy rằng nó không giải quyết được vấn đề gì cả, chỉ toàn là sự ngu muội tự tìm mọi cách hành hạ bản thân mà thôi. Khi nghe được pháp của Phật thuyết, tự nhiên sẽ rời xa những pháp khổ hạnh này mà tu theo chính đạo, không bị rơi vào tà kiến cực đoan của ngoại đạo.
Bốn là do được nghe chính pháp và như pháp tu hành, có thể đạt đến Niết bàn giải thoát. Cũng như vậy, tất cả công đức trong Phật pháp không phải là do thực hành việc nghe chính pháp mà đạt được hay sao?
Như bình đựng được nước,
Như nơi đất trồng cây.
Tránh ba sự nhầm lẫn,
Khéo lắng nghe nghĩ nhớ.
Khi Đức Phật còn tại thế khai mở chính pháp, luôn bảo với đại chúng rằng: “Khéo lắng nghe rồi khéo nghĩ nhớ”. Bởi vì nghe pháp mà không y như pháp tu hành thì không thể đạt được công đức của việc nghe pháp. Ở đây xin đưa ra hai ví dụ để nói rõ về việc lúc nghe pháp cần nên tránh ba sự nhầm lẫn.
Ví dụ thứ nhất là: Như khi trời đang mưa thì lấy các đồ dùng như chén, ly và chậu ra hứng nước, nên tránh rơi vào ba sai lầm. Một là đem chén và ly mà úp xuống đất để hứng nước mưa, thì chẳng thể hứng được gì vì nước không vào được. Hai là trong chén và ly có chứa đồ dơ bẩn hay chất độc, thì khi hứng đầy nước mưa rồi cũng không dùng được vì nước đó có thể làm hại sức khoẻ con người. Ba là chén hoặc ly này bị vỡ nứt, nên nước mưa bị chảy hết không còn giọt nào để dùng. Cũng giống như việc người nghe pháp vậy, một là không chú ý khéo lắng nghe, không chuyên tâm cũng như chén và ly úp ngược, nên nghe pháp mà cũng như không vậy. Hai là chuyên tâm nghe pháp nhưng trong tâm lại chứa đầy thành kiến, và sự hòai nghi cùng với những tà kiến chấp trước (như có sẵn những chất dơ bẩn và độc tố), nên khi nghe chính pháp cũng không thể phát sinh được công đức lành, mà ngược lại còn có thể phát sinh tà kiến phá hoại chính pháp gây ra tội lỗi. Ba là trong tâm mặc dù không hề có chút nghi ngờ và thành kiến gì, nhưng tinh thần lại tán loạn thoáng chốc đã quên sạch chính pháp mới vừa được nghe. Chỉ vì ba thiếu sót khi nghe pháp nêu trên, mà người nghe không hề có được chút công đức nào. Cho nên nói, khi nghe chính pháp phải “khéo lắng nghe”, phải “khéo tư duy” và phải “khéo nghĩ nhớ” là như vậy.
Ví dụ thứ hai là: Như khi chúng ta trồng cây đậu hoặc những loại cây khác trên đất, cũng có ba thứ sai lầm: Một là đem cây trồng trên sỏi đá thì không thể nảy mầm được. Hai là đem trồng cải trồng mận thành từng bụi, tuy có nảy mầm nhưng không thể nào sinh trưởng tốt được, không bao lâu cũng sẽ bị chết héo. Ba là đem hạt giống rải trên mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ, nhưng không hề có sự che chắn của cây cối, hoặc không lấp đất vào, như vậy không bao lâu chim chóc sẽ kéo nhau đến mổ ăn hết. Gieo hạt giống như vậy thì làm sao có kết quả gì để mà thu hoạch? Việc nghe Phật pháp cũng như vậy, khi nghe xong phải khéo huân tập mới có thể phát sinh tâm xuất trần. Nếu không chú ý lĩnh thụ, hoặc tiếp nhận với tâm chứa quá nhiều tạp nhiễm, hoặc với tâm thật thanh tịnh nhưng lại rất mau quên. Những cách nghe pháp như vậy hoàn toàn không có được kết quả công đức và lợi ích. Cho nên muốn nghe pháp một cách có hiệu quả, cần cẩn trọng tránh rơi vào ba sự sai lầm này, phải hết sức chú ý lắng nghe, khéo suy nghĩ và ghi nhớ thật sâu mới được.
Bệnh tưởng uống thuốc tưởng,
Chú trọng điều trị tưởng.
Nghe pháp mà tu hành,
Phật thuyết pháp như gương.
Khi chúng ta nghe thuyết pháp, cần chuẩn bị một tâm thái như thế nào để tiếp nhận Phật pháp? Đức Phật Thích Ca nói rằng: “Thân chúng sinh có ba loại bệnh đó là già, bệnh và chết; tâm có ba bệnh là tham, sân và si. Cho nên, Như Lai vì vậy mà ra đời”1. Nói cách khác, Phật là Đại y vương, Pháp là phương thuốc hay, Tăng là những vị chăm sóc người bệnh; đây chính là lý do Tam bảo xuất hiện trên đời, vì muốn cứu giúp trọng bệnh sinh tử phiền não của hết thảy chúng sinh. Cho nên, khi nghe Phật pháp nên quán tưởng như vậy.
1 Già, bệnh, chết, xem: Tạp A hàm kinh, quyển 46, Đại chính tạng, quyển 2, trang 339c. Tham, sân, si với già, bệnh, chết, xem: Tạp A hàm kinh, quyển 14, Đại chính tạng, quyển 2, trang 95c.
Một là “bệnh tưởng”: Bản thân từ vô thỉ đến nay, vì thân tâm mắc bệnh nan y mà cứ luẩn quẩn mãi, muốn sống không được muốn chết cũng không xong; sinh tử tử sinh, thống khổ vô cùng. Tự thân có bệnh nặng nên có nhiều ưu khổ, điều này ắt nên nhận thức xác quyết ngay từ ban đầu. Nếu cho rằng bản thân chẳng có bệnh, hoặc nếu như mình có bệnh mà lại không cần đến thuốc điều trị, thế thì những người này thực không có duyên với Phật pháp rồi.
Hai là “trị liệu tưởng”: Như bản thân có trọng bệnh, không phải bình thường có thể điều trị được. Đệ tử Phật là những vị giảng sư thuyết pháp, quý ngài có được khả năng trị những loại trọng bệnh này. Cho nên quý Phật tử cần thân cận nghe pháp từ các bậc thiện tri thức và cung kính cúng dường, cũng giống như bệnh nhân tin tưởng vào thầy thuốc và tới thăm khám theo định kỳ vậy.
Ba là “thuốc tưởng”: Thầy thuốc trị bệnh, không đơn thuần chỉ xem toa thuốc là được, mà phải sử dụng để phát huy công hiệu của thuốc. Người giảng pháp cũng vậy, phải khai thị chỉ dạy phương pháp tu hành, phải hướng dẫn tỉ mỉ cách dùng thuốc như thế nào mới có thể trị dứt điểm được trọng bệnh của thân và tâm. Nếu không, chẳng khác gì người bệnh chỉ đọc toa thuốc mà không uống thì có tác dụng gì đâu! Như trong kinh điển đã dạy: “Tuy tôi tuyên thuyết pháp nhiệm mầu, nhưng anh có chịu thực hành đâu? Giống như người bệnh mang vác thuốc, muốn khỏi bệnh thân thế còn lâu”1.
1 Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận, quyển 1, dẫn kinh, trang 11a.
Bốn “trị bệnh tưởng quá nặng”: Bệnh lớn sinh tử quả thật là vô phương cứu chữa, nếu may mắn gặp thầy giỏi thuốc hay thì cũng phải uống thuốc mới thấy được hiệu quả. Nhưng có một số người vừa mới học Phật đã muốn đạt kết quả liền, song lại chẳng chịu khó tu tập, có khi cảm thấy không thể nào giải thoát được trọng bệnh sinh tử, liền tuyệt vọng và chán nản. Nếu như vậy mà không có sự khuyến khích tinh tấn tu tập thì còn có hy vọng gì nữa!
Phật pháp không phải là sự truyền thụ tri thức, càng không phải là thứ để giải trí tiêu khiển. Phật pháp là để nhận rõ bản thân có bệnh và cần đến thầy thuốc. Cho nên, khi được nghe chính pháp liền hạ quyết tâm, theo chỗ đã học mà nỗ lực tu hành. Phật đã từng dạy: “Pháp ta nói ra giống y như tấm gương (kính)”2, chính là để cho bạn chiếu soi vào đó. Phật pháp đưa ra như vậy là để quán sát chính mình xem có bao nhiêu lỗi lầm, và có được bao nhiêu công đức? Nếu như có điều gì sai trái thì nên sám hối và đoạn dứt xa rời lầm lỗi, nếu như không có sai lầm thì nên sinh tâm vui vẻ. Như quán xem công đức của bản thân mà sinh tâm hoan hỷ, nếu như chưa có công đức gì thì nên cố gắng tu tập. Nói tóm lại, khi nghe được Phật pháp là giúp cho bản thân có được khuôn thước để thực tập, lắng nghe chính pháp và trải nghiệm qua sự hành trì, đây là điều quan trọng nhất!
2 Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận, quyển 1, trang 11c.
Người thích nghe chính pháp,
Thân cận bậc hiền sĩ.
Chứng giáo đạt thật tính,
Bi mẫn khéo nói lên.
Chính pháp, tuy là từ kinh điển mà khai triển ra, nhưng chủ yếu là được nghe từ nơi giảng sư thuyết pháp. Pháp sư khai đạo, bản thân người nghe được thông suốt, và cuối cùng nhanh chóng hiểu ra được nhiều thứ. Cho nên, cần tinh tấn bước vào nghe pháp, đi sâu vào Phật đạo thân cận các bậc Hiền thiện, nhất là những bậc thiện tri thức Đại thừa. Đức Phật từng dạy rằng: “Thân cận Thiện sĩ, lắng nghe chính pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành”. Để nói người dự vào hàng Thánh, phải có một trong bốn điều kiện này, thế cho nên ở đây chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc thân cận những bậc thiện tri thức.
Thế nào được xem là thiện tri thức? Ở đây không phải là nuôi đồ chúng đông, chùa to Phật lớn, tướng mạo phương phi, hoặc là trong pháp hội có nhiều hàng trí thức. Mà bởi vì vị ấy có: Một là chứng đức, tức là Tam học tu chứng thành tựu thanh tịnh Giới, thành tựu Định, thành tựu Tuệ quán. Hai là giáo đức: Thâm nhập kinh tạng, thành tựu đa văn; có thể khai thị dẫn dắt học chúng tiến tu con đường Đại thừa. Ba là đạt thật tính: Thật tính là tên gọi khác của chính pháp, ở đây hoặc là do hiện chứng tuệ thông đạt, hoặc là từ chỗ nghe và tư duy mà thấu triệt giáo lý. Bốn là bi mẫn: Có tâm từ bi, không phải là vì danh tiếng hay lợi dưỡng mà là thanh tịnh (vì lợi ích chúng sinh) thuyết pháp. Năm là khéo mà nói: Thành tựu biện tài, có thể khéo dùng phương tiện vì chúng sinh nói pháp, cho họ dễ hiểu và dễ dàng thu được lợi ích. Thành tựu được những công đức này, đó chính là những bậc thiện tri thức vậy! Nhưng thời mạt pháp này, thật khó mà hạnh ngộ được bậc thiện tri thức trí đức trọn vẹn; trong khi việc tu học Phật pháp thì không thể không có thầy bạn, cho nên không thể không khẩn thiết tìm cầu. Trong kinh điển nói rằng: “Nếu như có một phần tám công đức, cũng có thể thân cận”1. Niết bàn kinh nói: “Tứ y là bốn thứ có thể làm thầy cho người nương tựa như. Người mới quy y tuy là chưa đoạn phiền não chứng thật tính, nhưng đã có thể thông đạt một phần mười sáu nghĩa Phật tính”2. Nói tóm lại, thời mạt thế rất khó gặp được bậc thiện tri thức, nếu như ai đó có một phần sở trường, có thể hiểu và làm theo Phật pháp để vượt thắng bản thân, cũng đều phải nên vì pháp mà thân cận vậy.
1 Diệu Tý thỉnh vấn kinh, trang15c. Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận, quyển 1 đã dẫn.
2 Đại Bát Niết bàn kinh, quyển 6. Đại chính tạng, quyển 12, trang 639b.
Xét đức chớ nhìn lỗi,
Tùy thuận đừng trái nghịch.
Phật thuyết tròn phạm hạnh,
Người học nên kính tôn.
Bất luận là những bậc thiện tri thức trí đức song toàn, hay là hàng thiện tri thức chưa có nhiều công đức, cũng đừng nên khởi tâm phân biệt mà không chịu thân cận học pháp. Bởi nếu không thể như pháp thân cận, thì do đâu mà đạt được những công đức. Cho nên, đối với các bậc thiện tri thức, nên nhìn vào những công đức của họ hơn là nhìn vào những thiếu khuyết của họ. Nên nghe theo những lời chỉ dạy của chư vị thiện tri thức, từng cử chỉ động tịnh, từng cách sống đối nhân xử thế, chỉ cần họ có một hạnh tốt nào, thì nên hướng về sở hành đó của họ mà tu học. Như vậy, tuy là một phần nhỏ công đức nhưng cũng thu được lợi ích lớn trong chính pháp. Ngược lại, nếu như không để ý đến công đức hoặc sở đắc của thiện tri thức mà chỉ nhìn vào khiếm khuyết của họ, rồi chê trách như vậy là không đúng, như kia là không đủ, thì dù có gặp được những bậc thiện tri thức toàn diện tài đức cũng không chắc đã có được lợi ích gì. Bởi vì những bậc thiện tri thức toàn đức đó, đâu phải tất cả đều thập toàn viên mãn không chút thiếu sót nào. Cho nên, khi thân cận thiện tri thức cần phải tùy lúc nhắc nhở mình rằng đến đây để làm gì? Không phải là đến đây để soi xét lỗi lầm, mà là đến học tập những cái hay của sư phụ. Nếu được như vậy thì đi đến đâu cũng có thể tự nhiên thân cận quý thầy và cóp nhặt công đức lợi ích từ việc tiếp thu điều hay. Khổng Tử từng nói: “Trong ba người cùng đi, ắt sẽ có một người là thầy ta”1, đây chính là ý này.
1 Luận ngữ - Thuật nhi.
Thân cận thiện tri thức, điều chính yếu là tùy thuận theo sự chỉ dạy của thầy, muốn cho thầy hoan hỷ thì chớ làm điều trái với những gì thầy đã dạy. Nếu thầy có quở trách thì nên lắng nghe, đừng khởi tâm sân giận, buồn phiền. Thế nào là làm cho thầy vui? Một là tùy theo khả năng mà cúng dường những gì thầy cần, hai là hết lòng phục vụ, ba là theo lời thầy chỉ dạy mà tu hành. Cung kính và thân cận những bậc thiện tri thức trong Phật pháp, thể hiện trọn vẹn tinh thần “tôn sư trọng đạo” với người thầy của mình. Nếu sư phụ có bảo làm bất cứ chuyện gì phi pháp, thì đừng nên làm theo, nhưng phải khéo léo uyển chuyển bày tỏ chính kiến của mình là không thể nghe thầy làm những việc như vậy. Tu học Phật pháp, nếu không y như pháp tôn kính thầy, lại muốn đạt được công đức trong Phật pháp là điều hoàn toàn không thể được. Như trong kinh nói: “Nếu đối với thầy, chán ghét căm giận, giữ mãi tâm ác, oán giận phiền não, muốn có công đức, chẳng thể nào được”2.
2 Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận, quyển 2, dẫn kinh, trang 22a.
Lại nữa, Như Lai khen ngợi công đức của thiện tri thức, A Nan nói: “Bán phạm hành giả, sở vị thiện tri thức”.
Đức Phật nói thêm: “Mạc tác thị ngôn. Thuần nhất mãn tịnh phạm hạnh thanh bạch”1. Ý của A Nan nói rằng, việc được thân cận các bậc thiện tri thức, thì phạm hạnh thanh tịnh đã hoàn thành được phân nửa rồi. Nhưng ý của Đức Phật lại nói rằng, việc được thân cận các bậc thiện tri thức xem như viên mãn phạm hạnh thanh tịnh. Tại sao Đức Phật lại xem trọng thiện tri thức? Bởi vì người cầu học cần phải tôn kính và cúng dường các vị thiện tri thức. Việc thân gần học hỏi với các bậc thiện tri thức sẽ phát sinh công đức không phải tầm thường vậy (trong Hoa nghiêm kinh v.v. đều nói rất rõ).
1 Tạp A hàm kinh, quyền 27. Đại chính tạng, quyển 2, trang 195b.
Rời ba đường khổ kia,
Không sinh trời Trường thọ.
Phật thị hiện giữa đời,
Nhổ sạch gốc tà kiến.
Người xưa nói: “Thiện tri thức khó gặp, Phật pháp khó được nghe”. Nếu gặp được rồi thì tức phải có cơ duyên rất tốt, đừng xem như việc quá dễ dàng! Cần biết rằng khi nghe được Phật pháp, có thể thoát khỏi tám nạn. Ba nạn đầu là được thoát khỏi những quả khổ trong các đường: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Nếu đọa vào trong ba đường ác này, thì mất cơ duyên để được nghe pháp rồi. Tuy nhiên, thập lực quỷ vương, long vương v.v. có đến nghe pháp, nhưng cơ duyên quá ít ỏi mà còn không thể xuất gia thụ giới, theo Phật tu hành.
Bốn là không sinh trong cõi trời trường thọ; trong cõi Vô sắc giới có bốn trời là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ; Sắc giới có trời Vô tưởng, thọ mạng đều rất dài lâu, như cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng thọ mạng là tám vạn đại kiếp. Ở những cõi trời này không có nhân duyên nghe pháp. Theo như A hàm kinh, phẩm Bát nạn nói: “Nếu được sinh cõi trời, đều gọi là trường thọ thiên, đều khó có cơ duyên nghe pháp tu hành. Cho nên, trên không sinh lên cõi trời, dưới không sinh vào ba đường khổ, duy chỉ có thân người mới gặp được điều khó gặp là Phật pháp”.
Nếu như sinh được thân người cũng cần điều thứ năm là sinh nhằm thời có Phật thị hiện ở đời, Phật pháp còn trụ tại thế gian. Bởi nếu như sinh vào lúc trước khi Phật ra đời và khi giáo pháp không còn tồn tại, thì kiếp người này cũng chẳng có được nhân duyên nghe học Phật pháp để tu hành.
Thứ sáu là cần sinh vào nơi trung tâm đất nước1, ở đây muốn phân biệt với những vùng biên địa hẻo lánh. Những nơi nào mà có Đức Phật và Tăng chúng hoằng dương chính pháp đều được gọi là “trung quốc”, khác với những vùng biên giới xa xôi thiếu vắng sự giáo hóa, dù là sinh cùng thời với Phật pháp hiện đời, nhưng không có đủ nhân duyên để nghe pháp tu hành.
1 Trung quốc là chỉ nơi Đức Phật ra đời và hoằng truyền Phật pháp, hoàn toàn không phải dùng để chỉ đất nước Trung Quốc.
Thứ bảy là phải đầy đủ sáu giác quan như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức. Nếu như lưỡi bị ngọng không thể nói được, hoặc như tâm trí bị ám độn, điên cuồng không thể phân biệt lý và sự rõ ràng, thì dù cho được sinh phùng trung quốc và Phật còn tại thế đi chăng nữa thì kiếp này coi như cũng uổng phí mà thôi!
Thứ tám là tuy không bị rơi vào những chướng ngại vừa nói ở trên, nhưng lại sinh vào nhà tà kiến, hoặc sinh trưởng trong khu vực ngoại đạo, gia đình ngoại đạo, thường điên đảo tà kiến tích tập lâu dần thành tính cách, như vậy đối với Phật pháp cũng là vô duyên, cho nên nói cần “rời khỏi tà kiến”.
Tám sự việc trên thông thường gọi là tám nạn, là những chướng ngại đối với việc học Phật. Phạn ngữ dịch là “tám vô giả”, là tám loại không có cơ duyên để được tu học Phật pháp. Như vậy, chúng ta không bị rơi vào trong tám nạn đó, thì tại sao lại không vui mừng chứ!
Trong sinh tử luân hồi,
Thân người rất khó được.
Nhớ phạm hạnh dũng tiến,
Ba việc thắng cõi trời.
Có người xem cuộc đời thật là vô nghĩa, hoặc trí tuệ kém cỏi, hay là hoàn cảnh xấu ác, thế là tự oán hận, tự ngược đãi; không thể phát tâm tu học theo Phật pháp. Không biết rằng nơi đây sinh tử luân hồi trong năm thú, cơ hội có được thân người là vô cùng hy hữu thật khó có được, nếu như xem thường bản thân mà để ngày tháng trôi qua uổng phí, thì thật là không thể được.
Thân người khó được bởi dựa trên hai phương diện: Một là trong dòng lưu chuyển sinh tử bất tận, đọa lạc vào đường xấu ác nhiều như đất trong đại địa, còn sinh trong cảnh giới thiện lành thì ít như đất trên móng tay. Sinh vào cảnh giới thiện như được sinh lên trời, hưởng thụ lạc thú dài lâu, đến khi phúc báo không còn thì đa số đều bị đọa trở lại. Cho nên nói thân người là khó được, như con rùa mù trôi dạt trong biển lớn, ở đó có khúc gỗ mục mà giữa thân có một cái lỗ thủng, con rùa mù cả trăm năm mới ngoi đầu lên mặt biển để thở thì thật vừa khéo đưa đầu vào cái lỗ đó. Đây đúng là một chuyện thật quá khó có thể xảy ra, giống như trong dòng luân hồi sinh tử mà trở lại làm thân người vậy, quả thật là không dễ dàng chút nào!
Lại nữa, thân người tuy có muôn trùng thống khổ, có nhiều chuyện không như ý mình, nhưng quả thật rất khó để được thân người, như trong kinh có nói: “Con người có ức niệm, có phạm hạnh và có cần dũng, ba điều này giúp con người có thể vượt hơn cả chư thiên”1. Con người có khả năng hồi ức về quá khứ và bảo tồn kinh nghiệm sống, vì vậy mà năng lực tư duy và lý luận của con người đặc biệt phát triển, đây chính là sự tuyệt vời của “ức niệm”.
1 A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa luận, quyển 172, dẫn kinh. Đại chính tạng, quyển 27, trang 867c.
Con người có thể không so đo tính toán lợi ích đóng góp cho cộng đồng, tự mình khắc chế, tu tập phạm hạnh và thanh tịnh hạnh, khiến cho thân tâm của mình được thanh tịnh và thích hợp với lợi ích nhân quần xã hội. Chính vì vậy mà ý nguyện khắc kỷ lợi tha, là đạo đức tinh thần vĩ đại của nhân loại, đó gọi là sự tốt đẹp của “phạm hạnh”. Nhân loại vì muốn đạt thành một mục tiêu kết quả nào đó mà có thể chịu khổ chịu nạn, tinh cần và dũng mãnh đi thực hiện cho đến khi nào đạt được kết quả mới thôi, đây chính là sự tuyệt vời của tính cần cù dũng cảm nơi con người. Nho gia nói: “Trí, nhân, dũng” là ba đức tính thành tựu của con người, đều tương đồng với lời dạy của Phật trong kinh điển. Cho nên con người là quý báu nhất trong chúng sinh, thành Hiền Thánh, thành Phật, làm Tổ sư v.v. Đều là tôn trọng sự vĩ đại của con người, do những nỗ lực hướng thượng phi thường tạo nên. Trong kinh có nói: “Nếu chư thiên mạng chung, những vị thiên khác đều nói: ‘Nguyện được sinh vào cõi an lạc thú’. Chư thiên ngưỡng vọng vào nơi an lạc, đó chính là nhân gian”. Con người cũng giống chư thiên muốn được sinh về nơi an lạc, nhưng khi đã được sinh làm người, lại còn tự oán và tự ti, không muốn sinh về nơi đây ư?
Khó được nay đã được,
Tinh cần tu pháp hành,
Không tìm vào núi báu,
Khoanh tay chẳng được gì.
Thân người vốn là khó được, nhưng nay đã được, vậy nên phải hoan hỷ đem cái cơ hội khó gặp này mà tinh cần tu tập chính pháp! Sinh mệnh là vô thường, kinh nói: “Sinh mệnh như hơi thở ra vào”1, mọi chuyện chớ đợi ngày mai, năm tới, hoặc là tương lai. Hãy trân quý thời gian tốt đẹp này, trong cánh cửa Phật pháp mà dũng cảm tiến thẳng về phía trước, mới có thể đạt được lợi ích. Chớ có lơ là chểnh mảng mà uổng phí một đời, đợi đến khi hơi thở không còn, thì trong chốn Phật môn cũng chẳng được lợi ích chi. Như vào trong núi châu báu, tận mắt nhìn thấy biết bao là kỳ trân dị bảo nhưng khước từ, không biết mau mau chọn lấy để dùng. Đợi đến khi thời gian không còn, phải rời ngọn núi châu báu, thì hai tay chẳng có được thứ gì, có hối hận than trách cũng uổng công mà thôi, như vừa trở về từ nơi chẳng có gì. Khi còn sống không nỗ lực, lúc sắp chết lại than khóc bi thương thì nào có ích gì?
1 Tứ thập nhị chương kinh, Đại chính tạng, quyển 17, trang 724a.
Nghe pháp mà phát tâm,
Tùy cơ thành sai khác.
Thân cận thiện tri thức, nghe được chính pháp mà phát tâm tu học. Bởi do chúng sinh căn tính bất đồng, Phật pháp chỉ có một vị, nhưng vì chúng sinh tùy căn cơ khác nhau mà trở thành trùng trùng sai biệt. Nói đến phát tâm, tức là lập định chí nguyện, tất cả những hành động, những việc làm đều vì tâm nguyện này mà tiến về phía trước. Phát tâm không phải là khởi lên một ý nghĩ nhất thời ngẫu nhiên, mà là sự phát khởi niềm tin với chí nguyện đạt đến sự kiên định.
Khi Như Lai hoặc Bồ tát thuyết pháp, nếu thính giả chỉ có một người nghe thì đây đương nhiên là ứng cơ thuyết pháp, vì thích hợp với căn tính của người được nghe mà nói pháp môn sâu cạn bất đồng. Nếu như trong Pháp hội, Đức Phật có thần lực bất khả tư nghị, khiến cho đại chúng đều hiểu được lời Đức Phật đang nói, và pháp môn phù hợp với căn cơ đại chúng. Cho nên nói: “Phật dùng một âm diễn thuyết, chúng sinh tùy căn cơ mà được lợi ích giải thoát”1. Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói rằng, khi nghe được bất cứ pháp môn nào phù hợp với căn cơ của mình, nếu là một vị Pháp sư bình thường, không thể dễ dàng sử dụng năng lực “nhất âm thuyết pháp” như Đức Phật, cũng không thể có được năng lực phân biệt căn cơ của từng thính giả, chỉ đem những gì tự mình lĩnh hội được, làm được mà hoằng dương, hoặc tu pháp môn nào thích hợp với đa số quần chúng có thể hiểu và làm được. Khi thính chúng nghe được pháp môn như vậy, thì không nhất định căn tính phải phù hợp với một pháp môn này. Có khi nghe được từ kinh điển, bất luận là tình cờ có được, hay đi tìm mà đọc, hoặc nghe người ta nói hay nên tuyển chọn để đọc, đều không thể nói tùy theo căn cơ mà ngẫu nhiên gặp được pháp môn thích hợp. Ví dụ:
1 Duy Ma Cật sở thuyết kinh, Đại chính tạng, quyển 14, trang 528a.
Mật tông thịnh hành tại Tây Tạng, Tiểu thừa thịnh hành tại phương Nam, Thiền tông thịnh hành tại đất Hán, ở đây thật hư là thế nào, bạn có nói rằng người Tây Tạng có căn tính phù hợp với Mật tông, người phương Nam có căn tính phù hợp với Tiểu thừa, người Hán có căn tính phù hợp với pháp Thiền đốn ngộ? Cho nên, căn tính của mình như thế nào, thì chủ yếu là dựa vào tâm nguyện đã phát khởi mà quyết định. Không nhất thiết phải đọc thông để thụ trì một pháp môn, rồi tự cho rằng đó là hợp với căn cơ. Ngày xưa Tây Tạng có một vị Lạt Ma tu tập Mật pháp thành Phật, kết quả lại chứng được quả Thanh văn. Có người đem chuyện này hỏi thiện tri thức, thiện tri thức nói: Tu Mật pháp mà chứng được Tiểu thừa, nhìn chung vẫn tốt, còn có trường hợp tu tập Mật tông mà thành thiên ma ngoại đạo kia! Cho nên, không cần biên chấp vào bất cứ pháp môn nào, là lớn hay nhỏ, mà nên kiểm xem lại tâm nguyện khởi phát của mình mới là điều quan trọng.
Hạ cầu tăng thượng sinh,
Hiện vui sau cũng vui.
Trung phát tâm xuất ly,
Vui Niết bàn giải thoát.
Tối thượng tâm Bồ đề,
Vui bi trí cứu cánh.
Liên quan đến việc phát tâm tu học hướng thượng, quả thật có nhiều thiên sai vạn biệt, không thể nói hết được.
Nhưng chung quy lại, không ngoài ba loại: tâm tăng thượng sinh, tâm xuất ly, tâm Bồ đề; đây chính là Di Lặc Bồ tát nói về hạ sĩ, trung sĩ, Thượng sĩ1.
1 Du già sư địa luận, quyển 61, Đại chính tạng, tập 30, trang 643c.
Người có hạ phẩm phát tâm trong Phật pháp (đây chính là người có phẩm hạ trong Phật pháp, nhưng thông thường trong thế gian lại là thượng phẩm), là tâm cầu tăng thượng sinh, thế nào là tâm tăng thượng sinh? Chính là tâm luôn mong muốn được phát sinh tăng trưởng những điều thiện lành ở tương lai so với tâm hiện tại. Ví dụ như: tướng mạo, thọ mạng, danh tiếng, của cải, quyền vị, người thân, tri thức, năng lực, sức khỏe, gia đình an vui hòa hợp, hay bạn bè quan tâm giúp nhau v.v. Tất cả những điều này đều được tăng trưởng ở mai sau. Trong Phật pháp thì những điều này không xảy ra hoàn toàn, nhưng đều được xem là chính đáng, bởi vì xác định đây là dùng phương pháp chính đáng, mong cầu sự tiến bộ và hướng thượng. Ở phương diện này, được phân làm hai loại: Một là nguyện sinh nhân gian, hai là nguyện sinh lên trời. Người này thuộc căn tính Thiên thừa, mong muốn hiện đời sống hưởng lạc, mai sau chết đi cũng được sinh về cảnh giới an lạc. Bởi vì tu học theo Phật pháp, nên hiện đời sống được an lạc, kiếp sau cũng hưởng được quả báo thiện lành. Nhưng có điều, chỉ trong một hoàn cảnh nào đó, tuy cầu đời sau được sống an lạc hạnh phúc, nhưng hiện tại lại sống khắc khổ một chút, hy sinh một chút, cũng không thể chưa từng trải qua. Cho nên đời hiện tại sống an lạc, đời sau cũng được sống an lạc là điều rất lý tưởng, bất đắc dĩ ở đời này hơi vất vả mà đời sau an lạc, thì không nên phiền lo làm gì. Còn nếu hiện đời hưởng thụ an lạc mà đời sau chịu khổ, hoặc như hiện đời chịu thiệt thòi cực khổ, mà kiếp sau lại cực khổ vô cùng, thì đây không phải là tu theo chính pháp Như Lai, mà chính là điên đảo theo ngoại đạo tà hạnh. Lấy phúc đức an lạc của người và trời làm mục tiêu, theo đó phát tâm, theo đó mà tu hành tức là bậc “hạ sĩ” trong Phật pháp. Hễ phát tâm tăng thượng sinh này, cho dù là tu trì pháp xuất thế, cũng chỉ là phúc báo của trời người. Ngược lại, nếu như người có tâm nguyện này mà lại đi làm rất nhiều chuyện ác, thì nghiệp lực rất mạnh và bị đọa xuống ba đường ác1, muốn được sinh lên cũng không thể được.
1 Địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
Người tại phẩm trung sĩ, là phát tâm xuất ly. Quả báo trời người của tâm tăng thượng sinh, tuy nói rằng không bị rơi vào đường ác, mà còn tiến bộ sinh lên cõi trên. Nhưng tiến bộ thì tiến bộ, cuối cùng cũng là lưu chuyển trong “tam giới”, không thể nào đạt đến cảnh giới cứu cánh. Như được sinh lên trời, từ Dục giới đến Sắc giới, từ Sắc giới đến Vô sắc giới, thẳng một đường sinh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, đến đây thì không thể sinh lên cảnh giới cao hơn. Một khi hưởng hết phúc báo, thì bị đọa xuống trở lại. Do đó cần phải lý giải sâu xa “ba cõi không an, giống như nhà lửa”, làm sao mà có thể giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, đạt được Niết bàn an lạc. Nếu phát chí nguyện xuất ly ba cõi sinh tử, nếu phát tâm được như vậy, tiến tu pháp hạnh xuất thế gian, thì sẽ có thể thoát khỏi sinh tử, đạt được cảnh giới an lạc giải thoát Niết bàn. Niềm vui giải thoát có được, chính từ sự xa rời phiền não, với niềm vui thế gian thì khi quá vui lại phát sinh niềm bi thương, khi niềm vui sướng rời đi thì khổ đau xuất hiện, hoàn toàn bất đồng. Đây thì hoàn toàn giải thoát sinh tử, không còn luân hồi, so với thiện báo hạ sĩ của trời và người, thì cảnh giới này rốt ráo hơn nhiều. Ở phương diện này, lại phân thành hai loại: 1. Thanh văn thừa, 2. Duyên giác thừa, gọi chung là “Nhị thừa”, phát tâm với kết quả, đại thể là tương đồng. Như trên đã nói, phát tâm xuất ly, tuy tu Đại thừa thắng pháp, mà cùng lắm cũng chỉ chứng được quả vị nhỏ. Ngược lại, nếu phát tâm xuất ly mà không tu hạnh xuất ly, hoặc như tạo tác những việc làm xấu ác, thì “nghiệp lực” sẽ vượt qua “nguyện lực”, ngay đến thiện báo sinh làm trời và người cũng không thể đạt được!
Nhân phẩm tối thượng là phát tâm Bồ đề. Theo tiếng Phạn, “Bồ đề” mang ý nghĩa giác ngộ, tất cả công đức của quả vị Như Lai, gọi là Bồ đề Vô thượng Chính đẳng, là lấy lực trung tâm đại giác mà thống nhiếp tất cả công đức. Phát tâm Bồ đề tức là phát chí nguyện lớn trên thành Phật đạo. Tâm xuất ly của bậc trung sĩ, tuy nói là cứu cánh nhưng cũng chưa đủ cao thượng. Đây cũng như thuyền bè bị chìm trong nước, mọi người bị cuốn trong dòng nước. Nếu có người cố gắng hết sức bơi được lên bờ, không thèm quan tâm đến bạn bè còn gặp nạn trong nước, không hề động lòng, tự mình thoải mái nằm lăn ra đất nghỉ ngơi. Từ sự thoát khỏi nguy hiểm, thì người này đã thành công rồi, nhưng từ phương diện đạo đức của con người mà nói thì người này chưa được trọn vẹn. Cho nên có người không nguyện “độc thiện kỳ thân”, không nguyện giải thoát một mình, mà phát nguyện tự cứu và cứu người, tự lợi và lợi tha, hy vọng có thể cùng với chúng sinh cùng lên bờ giác. Nhưng ở đây cần tài năng gì mới có thể làm được điều này? Duy chỉ có Phật mới hoàn thành chí nguyện lớn; bởi đại trí, đại bi, đại nguyện, và đại lực của Phật mới có thể hoàn toàn cứu độ được chúng sinh. Cũng như vậy, nếu lấy Phật làm chuẩn đích mà phát đại chí nguyện hướng đến thành Phật, đây chính là “tâm Bồ đề”.
Khi đã phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát, tự lợi và lợi tha đến khi đạt đến cứu cánh viên mãn thì thành Phật, đầy đủ đại bi đại trí, có thể đạt được sự an lạc cứu cánh Niết bàn. Mục đích căn bản ở đây là trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh mà phát tâm tu hành, thì mới là nhân phẩm Thượng thượng của sự phát tâm cao thượng trong Phật pháp. Mong rằng tất cả mọi người cùng nhau học Phật, có thể lấy mục tiêu này mà tu hành.
Từ thấp có thể lên,
Nương trên nhiếp được dưới.
Căn cơ năm - ba khác,
Nẻo về chỉ một thôi.
Phật pháp tuy có sự phân biệt thấp, vừa và cao, nhưng từ lập trường ý nghĩa cứu cánh mà nói, tất cả đều có thể thành Phật, các pháp này không phải độc lập không có sự tương quan với nhau, mà nội tại các pháp đều có sự nương dựa nhau về mối quan hệ. Như biểu đồ dưới đây:
Tháp cao ba tầng này, do tầng thấp lên tới tầng cao đều có quan hệ tương quan dung nhiếp lẫn nhau. Từ mặt hình tướng mà nói, do có tầng thấp làm cơ sở, mới xây dựng được tầng cao bậc trung, dựa vào tầng bậc trung mới xây dựng được tầng bậc cao. Nếu như tâm muốn xây dựng tầng bậc cao mà không xây dựng tầng thấp và tầng trung, đấy nhất định là điều không tưởng, mãi mãi không thể thành tựu được. Giống như vậy, ba loại trong Phật pháp, dựa vào pháp hạ sĩ mà khởi ra pháp trung sĩ, dựa vào pháp trung sĩ mà có pháp Thượng sĩ. Điều này như Long Thọ Bồ tát nói: “Dĩ đắc tăng thượng sinh, tiệm đắc quyết định thắng”1, quyết định thắng là pháp cứu cánh giải thoát của các bậc trung sĩ và Thượng sĩ, đây là trình tự. Chính trong A hàm kinh đã nói là “thường pháp của chư Phật”. Bồ tát Đề Bà cũng nói: “Trước ngăn phi phúc, giữa phá trừ ngã chấp, sau dứt hết thấy biết, nếu hiểu là thiện xảo”2. Ngăn phi phúc là pháp hạ sĩ của việc xa ác hành thiện, phá ngã là pháp trung sĩ để đạt đến vô ngã giải thoát, đoạn trừ tất cả kiến chấp là pháp Thượng sĩ của việc dừng tất cả hý luận. Ở đây, có thể biết được trình tự trước sau, mới có thể đạt tới sự thiện xảo trong tất cả Phật pháp. Cho nên Bồ tát Đề Bà lại nói: “Chính Đẳng Giác thuyết điều này, phương tiện như thứ tự nối tiếp”3.
1 Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận, quyển 3, trang 40c.
2 Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận, quyển 3, trang 40c.
3 Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận, quyển 3, trang 40c.
Từ sự hỗ tương qua lại mà nói: Như việc xây dựng ba tầng tháp, có tầng trung mới có tầng thấp, có tầng cao nhất thì tất nhiên có các tầng bậc trung và bậc thấp. Cho nên trong Phật pháp, nương theo pháp Thượng sĩ thì có thể nắm bắt được pháp trung sĩ và hạ sĩ, dựa vào pháp trung sĩ nhất định có thể nắm được pháp hạ sĩ. Như trong Pháp hoa kinh có nói: “Nhị thừa là ba trăm do tuần, Đại thừa là năm trăm do tuần”; hiển nhiên trong năm trăm do tuần có thể bao gồm cả ba trăm do tuần, ba trăm do tuần chỉ là trạm giữa của năm trăm do tuần, đây là nhìn thấy sự tương quan. Phật pháp hết thảy quý ở chỗ tất cả các pháp có thể khéo dung nhiếp lẫn nhau. Đại sư Thái Hư gọi pháp hạ sĩ là “pháp chung Ngũ thừa”, pháp trung sĩ là “Pháp chung Tam thừa”. Đại sư Tông Khách Ba trong Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận thì gọi pháp hạ sĩ là “cộng hạ sĩ đạo”, pháp trung sĩ là “cộng trung sĩ đạo”. Chữ “cộng” ở đây là chính kiến của Hán tạng trí giả tình cờ trùng hợp, mà cũng là dấu hiệu để tương quan hỗ trợ qua lại.
Dựa theo đạo lý như trên, nên từ sự thích ứng với chúng sinh, Phật pháp là tùy cơ phương tiện, có Ngũ thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa với cách gọi khác nhau. Căn cơ bất đồng thì tất nhiên pháp môn cũng có chỗ khác nhau. Tuy nhiên, xuất phát từ mong muốn tốt đẹp của Như Lai, tất cả pháp môn đều có thể là con đường thành Phật, quay về tông cực lạc cứu cánh, duy có Nhất thừa hoặc Đại thừa. Đây chính là nói tất cả chúng sinh đều thành Phật, quay về căn bản cội gốc thì có một pháp Nhất thừa là được rồi. Đây là nói từ lập trường thuyết cực lạc cứu cánh của Phật pháp, tất cả pháp Phật thượng, trung, hạ đều là pháp thành Phật “Nhất thừa - Đại thừa”. Ví như Thanh văn thừa - trung sĩ tu hạnh xuất ly được quả Niết bàn, mà Đức Phật thuyết pháp tại Pháp Hoa hội thượng cho rằng đây chỉ là pháp phương tiện, thật ra là pháp Đại thừa, cho nên nói: “Nhữ đẳng sở hạnh, thị Bồ tát đạo”1. Đại trí độ luận cũng nói: “Nhị thừa trí đoạn, tức là Bồ tát vô sinh pháp nhẫn”2. Rồi như Pháp hoa kinh nói: “Một câu xưng nam mô Phật, đều đã thành Phật đạo”3 v.v. Một nén hương, một nhành hoa dâng cúng Đức Phật, chỉ cần đưa một tay cúi đầu kính lễ Như Lai, niệm một danh hiệu Phật, những người này thuộc hàng trời người có thiện pháp vào bậc hạ sĩ, với lập trường đồng quy của pháp Đại thừa, đều là pháp thành Phật - Nhất thừa.
1 Diệu pháp liên hoa kinh, quyển 3. Đại chính tạng, quyển 9, trang 20b.
2 Đại trí độ luận, quyển 71. Đại chính tạng, quyển 25, trang 555a.
3 Diệu pháp liên hoa kinh, quyển 1. Đại chính tạng, quyển 9, trang 9a.
Nhất thừa với Đại thừa, có một số người cho là không giống nhau, kỳ thật là như nhau cả. Như Pháp hoa kinh và Thắng Man kinh, đều nói pháp Nhất thừa, có khi cũng gọi là pháp Đại thừa. Nhưng, tên gọi Đại thừa thường chỉ dùng để phân biệt với pháp tương đối Nhị thừa, mà Nhất thừa thường dùng để thuyết minh ý nghĩa tất cả chúng sinh đều thành Phật đạo. Trong một hoàn cảnh giống nhau, nếu xem trọng về gieo nhân thì gọi Bồ tát thừa, còn xem trọng về quả đức thì gọi là Phật thừa. Đây chỉ là tùy theo ý nghĩa mà có tên gọi khác nhau, trong toàn bộ quá trình tu học theo đạo Phật, trước và sau đều quan trọng như nhau mà không có khác biệt về tốt hay xấu.
Không dừng tại trung hạ,
Cũng không bỏ hạ trung.
Viên nhiếp hướng Phật thừa,
Không chê bai chính pháp.
Phật pháp có thứ tự trước sau, như đã thuyết minh giản lược ở trên, cho nên người tu học Phật đạo, đừng để mắc kẹt trong các pháp trung sĩ và hạ sĩ, nếu để bị kẹt vào các pháp này thì sẽ đi trong Thiên đạo và Tiểu thừa đạo, mà không thể khế hợp được với bản ý của Như Lai đã từng thuyết pháp. Như từ Tân Trúc đến tinh xá Phúc Nghiêm, dừng nghỉ chân trên đường, tuy nói rằng phong cảnh đẹp đẽ thanh nhã, nhưng không lên được Quan Âm các, không đến được tinh xá Phúc Nghiêm, thì làm sao mà ngắm được ánh bình minh trên đỉnh núi, làm sao thấy được sóng biển vỗ về bóng tháp! Phát tâm Bồ đề là lấy việc thành Phật làm mục tiêu, nhưng cũng không phải xả bỏ các pháp trung sĩ và hạ sĩ. Bởi vì đây đều là những việc hành đạo của Bồ tát, đều là pháp môn tu thành Phật. Có một ít người tìm cầu cao siêu diệu vợi, cho rằng Đại thừa không cần các pháp trung sĩ và hạ sĩ. Không biết rằng nếu vứt bỏ chặng đường ba trăm do tuần, thì làm sao đến được nơi quý báu năm trăm do tuần kia chứ! Cho nên, người tu học trải qua quá trình chứng đạo Bồ đề, cần trọn vẹn quý trọng và hòa hợp các pháp trung và hạ để cùng hướng về Phật thừa. Đừng theo đuổi chuyện quá cao xa, bàn thâm sâu nói diệu vợi, hết thảy pháp môn đều có một vị, nên đừng làm trở ngại nhau, thậm chí dẫn đến có người rơi vào phỉ báng chính pháp. Có hai loại người hay phỉ báng chính pháp: Một là họ sử dụng một bộ kinh hay một pháp môn nào đó không phải pháp của Phật, loại báng pháp này, mọi người đều có thể dễ dàng phát hiện và xa rời. Hai là có người cho rằng, tôi là bậc đại căn cơ, không cần đến pháp trung và hạ. Luôn cho rằng các pháp môn nhân quả thiện ác, là của hạng thấp kém nói, không liên quan gì với tôi. Có người cho rằng, trong pháp Đại thừa, chỉ cần một bộ kinh (thậm chí là nửa bộ kinh), một vị Phật, một câu thần chú là đủ rồi. Có được một bộ kinh, một vị Phật, một câu chú là như có tất cả Phật pháp, không cần đến những thứ khác nữa. Có người cho rằng, chỉ cần chân thật tu hành, không cần nghe và suy nghĩ về kinh điển giáo lý. Có thể nói những người này đều là khác đường mà cùng một điểm đến, cùng vứt bỏ vô lượng kinh điển và phá bỏ hết thảy các cửa đi. Chỉ giữ khư khư một giọt nước mà bỏ lỡ cả biển lớn, rồi tự lầm rằng biển rộng chỉ bấy nhiêu như vậy thôi. Tại vì cá nhân của họ bị ngu si trói buộc, tưởng như sai lầm nhỏ, mà đối với sự hoằng dương Phật pháp lại trở thành sự chướng ngại vô cùng lớn. Loại hủy báng chính pháp này, do vì không nhận thức rõ về cương yếu tông phái Phật giáo. Luận trên đã nói: “Niềm tin thiếu trí tuệ, chỉ nuôi lớn ngu si”, mê muội thật là đáng sợ biết bao!