Như đã nói ở phần trên, cơ thể con người gồm bảy lớp, tương ứng với bảy tầng vật chất cơ bản trong Vũ trụ. Chúng ta vừa đề cập đến bốn lớp cơ thể bên ngoài là: thể xác, thể Phách, thể Vía Hạ trí, thể Vía Thiên thể. Nếu ta chia cơ thể con người ra hai phần chính là: Thân xác và Linh hồn, thì bốn lớp cơ thể ta vừa khảo sát đều thuộc Thân xác. Trong chương này chúng ta sẽ khảo sát nốt phần chính yếu trong cơ thể con người, đó là Tâm linh hay Linh hồn. Tôi xin sử dụng thuật ngữ Tâm linh cho nhất quán. Như chúng ta đã biết, thể Tâm linh con người được cấu tạo từ những nguyên tử thuộc tầng vật chất nguyên lý cao nhất, tinh túy nhất, mịn nhất và nhanh nhạy nhất. Về kích thước, các nguyên tử này nhỏ mịn hơn các nguyên tử cấu tạo lên thân xác từ hàng trăm triệu, đến hàng tỷ lần. Nếu dùng các giác quan thể xác thông qua não bộ, chúng ta sẽ không thể tưởng tượng, hay hình dung được Tâm linh như thế nào. Như đã nói ở phần trên, Tâm linh con người có ba lớp tương ứng với ba tầng vật chất cao nhất của Vũ trụ là các tầng: Niết bàn, Đại Niết bàn và Tối đại Niết bàn. Khi con người thân xác còn sống, ba lớp Tâm linh bị lực hút từ trường sinh học tổng thể kéo căng ra theo thân xác. Vì thế nó có hình hài na ná như thân người: có đầu và thân. Hình thù khối Tâm linh trông hao hao như cái ky trong môn chơi Bowling. Về bản chất vật lý, đó là khối vật chất trường sóng hạt siêu mịn, thuộc dạng vật chất Nguyên lý Tiên thiên, có tần số dao động cực cao, có khả năng lưu giữ, phát đi và truyền dẫn năng lượng cũng như thông tin cực kỳ lớn. Nó có khả năng thu thập, xử lý thông tin vô cùng linh hoạt, tinh tế, tổng thể và cực kỳ nhanh. Một điều rất quan trọng nữa là nó có thể kết nối có điều kiện với ba tầng vật chất Niết bàn của Vũ trụ. Và những ai kết nối được với Vũ trụ, những người đó sẽ trở thành những thánh nhân siêu phàm của nhân loại.
1
CẤU TẠO CỦA THỂ TÂM LINH HAY LINH HỒN CON NGƯỜI
Tâm linh con người được cấu tạo từ các nguyên tử sinh bào thuộc ba tầng cao nhất trong Vũ trụ, đồng nhất với ba tầng vật chất thuộc cõi: Niết bàn, Đại Niết bàn và Tối đại Niết bàn. Tâm linh hay còn gọi là Linh hồn, có cấu tạo gồm ba lớp: Trong cùng là thể Trân tâm, lớp giữa là thể Thiện tâm, lớp ngoài cùng là thể Tuệ tâm.
Ba lớp này tôi đều dùng chữ tâm ở cuối để nhấn mạnh rằng chúng thuộc Tâm linh, còn chữ Trân, Thiện, Tuệ để chỉ sự khác biệt giữa ba lớp Tâm linh đó.
Chúng ta sẽ khảo sát từng lớp Tâm linh, từ ngoài vào trong.
Cấu tạo Tâm linh
Thể Tuệ tâm
Thể Tuệ tâm này tương đương với tầng vật chất Niết bàn dưới cùng trong Vũ trụ (Nirvana). Trong ba lớp Tâm linh, Tuệ tâm là lớp nằm ngoài cùng. Đây là một trường sóng hạt vật chất thuộc hàng cực kỳ tinh mịn, có tần số dao động siêu cao. Đó là một trong ba tầng vật chất Nguyên lý và Sáng tạo. Lớp Tâm linh này chính là bộ phận thực hiện chức năng hoạt động tư duy trừu tượng và sáng tạo trong “bộ vi xử lý” cùng với ba lớp cơ thể khác là Thiện tâm và hai lớp Vía. Hoạt động của lớp Tâm linh này thiên về trí tuệ, tư duy trừu tượng, vì nhân sinh, vì nhân loại. Chữ Tuệ mang ý nghĩa như vậy. Vì thế, ta mới gọi lớp Tâm linh này là Tuệ - tâm, hay Thượng trí.
Thượng trí khác Hạ trí ở chỗ nào? Nếu như Vía Hạ trí luôn tính toán nhằm đạt những mục đích vị kỷ của thân xác cá nhân thì thể Thượng trí (Tuệ tâm) luôn tư duy những vấn đề trừu tượng, sáng tạo, cao siêu, mang tính Nhân loại, vì lợi ích của Nhân loại. Ở những ai có lớp Tâm linh này phát triển, người đó thường sẽ trở thành những nhà bác học chân chính, những nhà hiền triết, những bậc chân tu, những bậc thánh nhân, những nhà lãnh đạo tinh thần chân chính. Trường sóng hạt này đồng nhất với loại vật chất của tầng Niết bàn. Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakira Mony) nói, Niết bàn là “cõi Đại tri, Đại giác” (tri thức lớn, giác ngộ lớn). Quả đúng như thế, những người có lớp Tâm linh này phát triển, họ sẽ có tri thức và những hiểu biết siêu phàm, vượt ra ngoài những tri thức và những hiểu biết thông thường.
Lớp Tuệ tâm là lớp ngoài cùng trong ba lớp của thể Tâm linh con người. Nguyên tử cấu tạo ra lớp Tuệ tâm tương ứng với các nguyên tử ở tầng vật chất cơ bản thứ ba trong Vũ trụ là tầng Niết bàn. Nghĩa là mỗi nguyên tử ở đây có kích thước bằng 2.401 ak (hạt Tiên thiên khí). Về vật chất, lớp Tuệ tâm tương ứng và đồng nhất với tầng Niết bàn (Plan Atmique ou Nirvanique ou Nirvana) trong Vũ trụ. Đây là loại vật chất vĩnh hằng, bất biến. Cùng với Vía Hạ trí, Tuệ tâm hoạt động để đưa ra những hướng giải quyết trước những tình huống mà con người đối mặt. Hai hướng này thường hoàn toàn khác nhau.
Ta thử đặt mình trước một tình huống: Tình cờ ta gặp một người đang trong cảnh tột cùng đau khổ vì túng quẫn, người ấy đang muốn tự vẫn, tìm đến cái chết để giải thoát. Nếu ta là người không mấy khi quan tâm đến Tâm linh, Vía Hạ trí sẽ lập tức lên tiếng trước: “Không tiền là khổ thế đấy! Phải có chút lưng vốn mà phòng thân!”, hoặc những suy nghĩ ích kỷ khác. Nhưng nếu ta là người hay quan tâm đến Tâm linh, đến con người, đến nhân đức, lập tức trong ta lại vang lên một tiếng nói khác của Tuệ tâm: “Người này tội nghiệp quá! Không biết anh ta đã phạm phải tội lỗi gì mà khổ đến vậy? Phải làm gì để giúp anh ta khỏi tự vẫn đây?!”.
Thông thường, vì Vía Hạ trí và Tuệ tâm đưa ra những ý kiến trái chiều, khiến trong ta diễn ra những dằn vặt, tranh đấu giữa sự ích kỷ của bản thân với bản tính nhân hậu vốn có trong mình. Ví dụ, đứng trước cảnh hai mẹ con bị đói lả, Tuệ tâm trong ta bảo: “Ở nhà mình vẫn còn tiền, thôi ta cho hai mẹ con người đàn bà nghèo khó này tất cả số tiền trong túi đi!”. Nhưng ngay lúc đó, Vía Hạ trí lại lên tiếng ngay: “Đừng vung tay quá trán, còn tiền điện, tiền nước tháng này chưa trả đấy! Xe máy cũng hết xăng rồi! Còn bữa cơm tối nay tính sao? Gia đình tối nay sẽ ăn gì?”. Một cuộc đấu thực sự giữa những tính toán rất vị kỷ, nhưng rất thực tế của thể Vía, đối lại với lòng nhân hậu, trong sáng và có phần lãng mạn của Tâm linh bắt đầu diễn ra trong chính con người của chúng ta. Kết quả sẽ ra sao? Có thể ta vẫn cho hai mẹ con người đàn bà bất hạnh kia hết số tiền trong túi, còn những chuyện khác sẽ tính sau. Nhưng cũng có thể, ta sẽ giảm số tiền định cho xuống một nửa, hoặc nhiều hơn nữa. Điều đó phụ thuộc vào Vía Hạ trí và Tuệ tâm trong ta cái nào vượt trội hơn. Trong tình huống như trên, những người có Tâm linh phát triển thường sẽ ngồi xuống hỏi han, săn sóc, tìm cách giúp đỡ. Những người có thể Vía Hạ trí phát triển hơn, Tâm linh mờ nhạt hơn, họ sẽ không đoái hoài, không mảy may động lòng và thản nhiên bỏ đi.
Những hoạt động trên của lớp Tuệ tâm bao giờ cũng kết hợp chặt chẽ, hữu cơ với lớp Thiện tâm. Và đó là những hoạt động thường xuyên ở những người bình thường. Còn ở những người lao động trí óc, hay phải va chạm với những vấn đề tư duy trừu tượng, Tuệ tâm buộc phải hoạt động rất nhiều, trở thành một công cụ không thể thiếu. Hoạt động chủ yếu và quan trọng của Tuệ tâm là Tư duy trừu tượng và Tư duy sáng tạo. Những người có lớp Tuệ tâm càng phát triển, họ sẽ có khả năng tư duy trừu tượng khác người, có khả năng trí tuệ rất cao. Từ những hiện tượng rời rạc, vụn vặt, họ có khả năng tổng hợp rất nhanh thành các quy luật, các nguyên lý. Họ có khả năng phát hiện những bí mật tiềm ẩn trong các sự vật, sự việc. Nhìn một quả táo rơi ngoài vườn, người bình thường chẳng thấy có vấn đề gì, nhưng những người có Tuệ tâm phát triển như Newton, lại phát hiện ra một định luật vật lý vô cùng quan trọng cho nhân loại - Định luật vạn vật hấp dẫn. Họ có khả năng sáng tạo ra những vấn đề mới bằng những tư duy sắc bén và những tri thức uyên thâm của mình. Một điều đáng chú ý là tất cả những hoạt động tư duy, trí tuệ dẫn đến những phát minh sáng tạo nổi tiếng đều xuất phát từ một mục đích rất nhân văn là: Vì con người.
Một câu hỏi sẽ được đặt ra: Liệu một người bình thường có thể có được một lớp Tuệ tâm phát triển để trở thành một nhà sáng tạo? Xin trả lời là hoàn toàn có thể. Không kể đến những người bẩm sinh đã có các lớp Tâm linh phát triển, người thường hoàn toàn có thể tập luyện để có được các lớp Tâm linh rất phát triển và có thể hòa nhập vào với Niết bàn. Nếu hiểu biết về cơ cấu Vũ trụ và biết cách tập luyện, ta sẽ xâm nhập được vào cõi Niết bàn, nơi lưu giữ những khối tri thức, những gói thông tin khổng lồ thuộc mọi lĩnh vực của Vũ trụ và của cả nhân loại. Khi đã thường xuyên xâm nhập được vào Niết bàn, mỗi khi ta suy nghĩ về một vấn đề gì đó một cách tập trung cao độ, ta sẽ nhận được những thông tin, những thông điệp, nhiều khi cực kỳ chi tiết, hoặc là những gợi ý chuẩn xác đến ngạc nhiên. Những thông điệp này thường được biểu hiện thành các hình tượng, các biểu tượng, các bản vẽ, những hình ảnh, nhiều khi là những bài thơ, bài hát, những tiếng nói qua các giấc chiêm bao, trong trạng thái nửa mơ, nửa tỉnh. Nhiều nhà bác học, các nhà toán học, các nhạc sĩ, các họa sĩ trong hồi ký của mình đều kể về những chuyện này. Ví dụ nhà hóa học Mendeleev đã từng ý thức được rằng, các nguyên tố hóa học sẽ phải được sắp xếp theo một trình tự nhất định nào đó. Ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về vấn đề này. Nhưng sau một thời gian dài, nghiên cứu mãi mà không tìm ra được bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học một cách hoàn chỉnh. Thế rồi một đêm, ông mơ thấy ai đó đã vào phòng ông và đặt lên bàn của ông một tờ giấy. Ông cầm lên đọc. Thật không thể tưởng tượng nổi! Đó là một bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học cực kỳ hoàn chỉnh không thể chê vào đâu được mà bấy lâu nay ông không tài nào nghĩ ra. Ông vội trở dậy, ghi chép lại ngay. Sau đó ông đã công bố bảng tuần hoàn này cho nhân loại và kể lại toàn bộ câu chuyện về giấc mơ đó rất chân thật. Ông không nhận đó là công lao nghiên cứu của mình. Ông thật sự vĩ đại! Các nhạc sĩ, các họa sĩ, các nhà toán học cũng thường kể về những bản nhạc, những bức tranh, những bài toán mà họ thấy trong mơ. Những bản nhạc, những bức tranh được ghi chép lại ngay trong đêm đó đều rất nổi tiếng. Nhiều nhạc sĩ, họa sĩ khi mơ thấy những tác phẩm trời cho ấy nhưng vì lười đã không ghi lại ngay trong đêm, mà tự nhủ rằng mình đã nhớ kỹ rồi, để sáng mai thức dậy sẽ chép lại. Sáng hôm sau họ không tài nào nhớ nổi được nữa. Đây là một thực tế để những ai muốn tu luyện lưu ý: Niết bàn chỉ cho ta một lần duy nhất đối với mỗi việc.
Bên trong lớp Tuệ tâm là lớp Tâm linh thứ hai. Đó là thể Thiện tâm. Phật giáo gọi đây là lớp Phật tâm. Chính thể Thiện tâm là động lực, luôn thức tỉnh và nuôi dưỡng thể Tuệ tâm hoạt động.
Thể Thiện tâm hay Phật tâm
Thể Thiện tâm được cấu tạo bằng những nguyên tử ở tầng vật chất cao thứ nhì trong ba tầng Tâm linh và là loại vật chất bất biến, vô sinh vô diệt. Những nguyên tử này là những hạt cực kỳ nhỏ mịn. Mỗi nguyên tử này chỉ to bằng 49 ak (hạt Tiên thiên khí), trong khi một hạt nguyên tử cấu tạo ra tế bào thân xác chúng ta bằng 13.841.287.201 ak. Qua đó đủ để thấy thể xác và linh hồn khác nhau đến nhường nào? Linh hồn dễ dàng đi xuyên qua các vật chất thô như gạch, ngói, bê tông như chuyện bình thường. Chuyện đó không khác gì một chú chim sẻ bay qua một tấm lưới, mà mỗi mắt lưới rộng hơn hàng tỷ lần thể tích chú chim.
Trường sóng hạt ở thể Tâm linh này còn mịn hơn, thanh nhẹ hơn, mạnh mẽ hơn nữa. Tần số dao động của nó còn nhanh hơn nhiều so với lớp Tuệ tâm. Trường Tâm linh này tương ứng với tầng vật chất Đại Niết bàn, hay Tâm thức Tiên thiên trong Vũ trụ. Vật chất tầng này thuộc dạng vật chất trường tồn vĩnh cửu. Thể Thiện tâm nằm liền sát ngay bên trong thể Tuệ tâm, thực hiện những hoạt động yêu thương, hỉ xả, bác ái mang tính nhân văn, hướng về nhân loại. Hoạt động yêu thương của thể Thiện tâm khác với hoạt động cảm xúc yêu ghét, luyến ái của Vía Thiên thể (Vía Cảm xúc). Hoạt động của Vía Thiên thể chỉ dừng lại ở mức độ cảm xúc: yêu, ghét, thích thú, khó chịu, đam mê, chán chường dựa trên những cảm xúc, khoái cảm của năm giác quan thân xác. Chính vì thế hoạt động cảm xúc của Vía Thiên thể mang đầy tính vị kỷ, xác thịt và vụ lợi. Trong khi đó, trường Thiện tâm, hay Phật tâm lại thể hiện những hoạt động của tình yêu thương, bác ái mang đầy tính nhân văn cao cả. Đó là tình yêu thương nhân bản, khác hẳn với yêu đương xác thịt.
Ví dụ, khi ta gặp một phụ nữ bình thường, ta chẳng cảm thấy gì, Vía Thiên thể không bị kích thích, nên nó không hoạt động. Nhưng khi ta gặp một thiếu nữ xinh đẹp, quyến rũ, lập tức ta thấy lòng mình xốn xang, khác thường, một cảm xúc mới lạ, thích thú dâng trào. Đó là giác quan đã thức tỉnh Vía Cảm xúc. Vía Cảm xúc bắt đầu hoạt động. Nếu ở mức độ nhẹ, hoạt động của Vía Cảm xúc chỉ dừng ở cảm giác rung động, thích thú, say mê. Nếu mạnh hơn, Vía Cảm xúc đó có thể dẫn ta đến tình trạng như bị mê hồn, đắm đuối, thậm chí si mê, phát bệnh tương tư, trở nên rồ dại. Sau đó sự cuồng si tiếp tục thôi thúc Vía Hạ trí mưu tính, hành động để cố gắng thỏa mãn được những ham thích mang tính dục vọng đó.
Xét một trường hợp khác. Ta tình cờ gặp một thiếu phụ nghèo khổ, bệnh tật, xấu xí, quần áo rách rưới, bẩn thỉu, đang ngã gục vì đói và rét. Ta chợt cảm thấy vô cùng xót thương, vội chạy tới, đỡ dậy, cấp cứu, cho người phụ nữ đó đồ ăn, thức uống và quần áo ấm. Lúc đó trong ta chỉ dạt dào tình thương yêu con người. Ta chỉ nghĩ đến thân phận đau khổ của người phụ nữ cô đơn, ta nghĩ đến nỗi chua xót của kiếp người phiêu dạt. Đó chính là hoạt động của thể Thiện tâm, hay Phật tâm. Còn thể Vía Cảm xúc (Thiên thể) lúc đó gần như không hoạt động, ta tuyệt nhiên không thấy những rung động thèm muốn về xác thịt. Khi Tâm linh đã lên tiếng một cách mạnh mẽ, thì Vía Cảm xúc sẽ trở nên thụ động, bất lực và phải im tiếng. Nhưng có nhiều trường hợp, cả Vía Cảm xúc và Tâm linh cùng lên tiếng. Thậm chí còn xảy ra giằng co. Trong trường hợp này, thể nào mạnh hơn, thể đó sẽ lấn át thể kia.
Nếu chia cơ thể con người ra hai phần: Thân xác và Linh hồn. Ở phần Thân xác có hai lớp Vía. Vía Thiên thể là cơ quan hoạt động cảm xúc của Thân xác. Khi bắt gặp bất cứ sự việc, sự vật gì, nó đều tạo ra những cảm xúc, thích thú hay khó chịu, yêu mến hay căm giận ở mọi cấp độ. Sau đó nó chuyển những kết quả đó sang cho Vía Hạ trí xử lý. Vía Hạ trí sẽ lạnh nhạt, yên lặng, nếu những sự việc, sự vật đó không gây ấn tượng tốt, hay chẳng đem lại cho thân xác sự thích thú, ham muốn, hay lợi ích gì. Ngược lại, nó sẽ hoạt động tích cực, ráo riết, tính toán sát sao dưới sự hấp dẫn, cám dỗ và thôi thúc của Vía Thiên thể, nhằm thỏa mãn những ham muốn, tham vọng của thể xác, hoặc để bảo vệ những lợi ích vật chất của xác thân. Ví dụ trong một tình huống: Thấy người bị rơi xuống sông. Những người có thể Vía phát triển, còn Tâm linh kém phát triển, họ sẽ đứng trên bờ la lối, kêu gọi người khác cứu giúp nạn nhân. Thậm chí có kẻ Tâm linh không phát triển, chỉ đứng nhìn, hoặc đưa ra những câu nhận xét lạnh lùng. Những người có Tâm linh phát triển hơn, Vía sẽ vội vã lao nhanh xuống nước để cứu giúp nạn nhân. Họ không nghĩ đến điều gì khác, ngoài nỗi lo nạn nhân sẽ bị chết đuối.
Thiện tâm là hoạt động yêu thương ở con người, nhưng đừng nhầm yêu thương của Thiện tâm với luyến ái, yêu đương của Vía Thiên thể. Tình yêu thương của thể Thiện tâm mang tính nhân văn cao cả, là tình yêu thương con người. Còn tình cảm của Vía Thiên thể thuộc Thân xác là sự luyến ái, yêu đương mang tính xác thịt, dục tình. Chính vì vậy chúng ta phải biết phân biệt hai cấp độ tình cảm của Thiện tâm và Vía Thiên thể, hay Vía Cảm xúc.
Trước những cảnh đời đối nghịch, trước con người thánh thần hay quỷ dữ, trước những hoan lạc hay khổ đau, thể Thiện tâm đều rung động, tạo nên những tình cảm yêu thương, hay căm giận mang đầy tính con người, vì con người. Những tín hiệu này sẽ truyền sang thể Tuệ tâm, thúc giục Tuệ tâm hoạt động để phát huy cái tốt, hay hạn chế cái xấu. Những người có thể Thiện tâm luôn hoạt động thường có một trái tim nhân hậu. Thể Tuệ tâm của người đó dưới sự tác động của Thiện tâm sẽ dẫn đến những hành động luôn luôn hào hiệp, trượng phu, hướng thiện, vì lẽ phải, vì lòng nhân đạo, không bao giờ vị kỷ, không vì lợi ích cá nhân của mình mà gây đau khổ cho người khác. Những người có hai thể Tuệ tâm và Thiện tâm cùng phát triển và luôn hoạt động kết hợp chặt chẽ với nhau, thì cả hai thể sẽ cùng phát triển rất mạnh. Họ sẽ hay thành công và đắc đạo bằng những sự nghiệp phi thường. Họ sẽ là các bậc Thánh nhân, được cả loài người ngưỡng mộ.
Những người có thể Tuệ tâm trội hơn sẽ trở thành các nhà tư tưởng, các nhà bác học, các học giả uyên thâm, các tác giả của những công trình khoa học nổi tiếng vì nhân loại, vì cộng đồng.
Những người có thể Thiện tâm phát triển trội hơn, họ sẽ trở thành các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng, các nhà tu hành đắc đạo, các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, hoạt động và phấn đấu cho hạnh phúc của nhân loại.
Còn những người có hai thể Tâm linh nói trên hoạt động không kết hợp, thậm chí còn đối kháng với nhau, thì khi Tuệ tâm phát triển, Thiện tâm sẽ không phát triển và khi Thiện tâm phát triển, thì Tuệ tâm sẽ tiêu mòn.
Nếu họ chỉ có thể Tuệ tâm phát triển, họ chỉ có thể trở thành những chuyên gia có chuyên môn rất cao, nhưng tính tình lạnh lùng, ích kỷ, thậm chí còn độc ác.
Còn nếu họ chỉ có thể Thiện tâm phát triển, thì họ thường trở thành những người sùng tín, những nhà hảo tâm, các nhà hoạt động từ thiện, những nhà tu hành nhân đức, thích chăm lo cho những kẻ bất hạnh. Song họ không quan tâm đến học thuật.
Lớp thứ ba bên trong cùng của khối Tâm linh là thể Trân tâm. Đây là phần gốc rễ của toàn bộ Tâm linh.
Thể Trân tâm
Vật chất cấu tạo ra thể Trân tâm tương ứng với tầng vật chất cao nhất trong Vũ trụ, là tầng Tối đại Niết bàn. Đây cũng là dạng vật chất vô sinh vô diệt, vĩnh hằng, bất biến. Hạt nguyên tử của tầng này cực kỳ nhỏ mịn. Kích thước của nó bằng đúng 1 ak (một hạt Tiên thiên khí). Nghĩa là nó nhỏ hơn hạt nguyên tử cấu tạo ra tế bào thân xác con người đến gần 14 tỷ lần. Đây là loại vật chất gốc, cực kỳ mịn, nên tại từ trường của vật chất này có thể lưu giữ những tần số cực nhỏ, cực phức tạp với độ nét cao. Ở trường sóng hạt siêu mịn này có thể khu biệt và lưu giữ từng kiểu tần số riêng biệt của mỗi cá nhân con người qua từng kiếp sống. Vì vậy Trân tâm chính là cái tôi trong mỗi con người, chẳng ai giống ai. Trân tâm đồng thời cũng chính là bộ nhớ của Tâm linh. Tại đây ghi lại chi tiết từng kiếp sống của mỗi người qua hàng triệu kiếp sống, tất cả đều được mã hóa bằng các gói thông tin với các tần số rất khác nhau. Những người Tâm linh phát triển, sống lương thiện, thường có tần số Tâm linh rất cao và nhanh. Chính vì vậy, Tâm linh của họ rất nhẹ và thường ở các tầng bên trên. Những người nhẫn tâm, sống ác, thường có tần số dao động chậm, thấp, nên rất nặng nề, hay chìm xuống các tầng bên dưới. Lớp Trân tâm cực kỳ quan trọng trong sự tiến hóa Tâm linh và cũng rất quan trọng đối với quá trình đầu thai về sau của mỗi con người. Trân tâm ghi lại toàn bộ các sự kiện trong các kiếp sống của con người do Tuệ tâm, Thiện tâm, Vía Hạ trí và Vía Thiên thể truyền về. Trân tâm cùng với Tuệ tâm và Thiện tâm tạo ra một trường Tâm linh với một tần số trung bình nhất định nào đó của mỗi cá nhân. Con người sẽ được phân loại bởi chính những tần số này. Khi đầu thai, Linh hồn sẽ được vào đúng bào thai có tần số Tâm linh tương đồng.
Tôi tạm đặt tên cho lớp Tâm linh này là Trân tâm. Chữ Trân có nghĩa là cội nguồn, cốt lõi, chữ Tâm chỉ lớp Tâm linh. Như vậy Tâm linh con người có ba lớp: Tuệ tâm, Thiện tâm và Trân tâm. Qua đó ta thấy, cổ nhân gọi con người là Tiểu Vũ trụ quả không sai. Vũ trụ có bảy tầng vật chất, con người cũng có bảy lớp cơ thể tương ứng với bảy tầng vật chất ấy. Vật chất tạo ra thể Trân tâm chính là loại vật chất sáng tạo gốc, trường tồn. Nó chỉ tiến hóa chứ không mất đi, cũng chẳng sinh ra.
Trong Ấn Độ giáo đã từng viết: “ Brahman vô thủy, vô diệt, siêu việt, nằm ngoài cái hiện hữu và phi hiện hữu. Linh hồn siêu việt này không thể nắm bắt được, vô biên và bất sinh, không suy luận tới được, không tư duy được. Nó được làm bằng chất liệu tinh tế nhất”. Ấn Độ giáo gọi Brahman là Linh hồn Vũ trụ. Và hiện thân của Brahman trong Linh hồn mỗi con người là Atman. Như vậy, ba tầng vật chất Niết bàn trong Vũ trụ chính là Brahman - khối Tâm linh của Vũ trụ. Đồng thời đó cũng là chất liệu đồng nhất với ba lớp Tâm linh trong mỗi con người chúng ta. Đó cũng chính là Atman. Atman là Linh hồn con người, là hiện thân của Brahman - Linh hồn Vũ trụ.
Bảy lớp cơ thể trong mỗi con người luôn chồng chéo, đan xen, hữu cơ với nhau, chúng hoạt động ăn khớp đến mức chúng ta hầu như không cảm thấy gì ngoài thân xác. Cụ thể, hoạt động tư duy trừu tượng do lớp Tuệ tâm thực hiện, hoạt động yêu thương, bác ái cao cả do lớp Thiện tâm thực hiện, hoạt động suy nghĩ, tính toán do lớp Vía Hạ trí (Vía Mental) thực hiện, hoạt động cảm xúc như thích thú, yêu, ghét, đam mê vật chất, thể xác… do Vía Thiên thể (Astral Body) thực hiện. Não bộ chỉ là nơi hiển thị những hoạt động của bốn lớp cơ thể kia, nhưng chúng ta vẫn nghĩ rằng tất cả các hoạt động tư duy, sáng tạo, suy tính, yêu thương, cảm xúc đều do não thực hiện. Mặc dù đây là một sai lầm vô cùng lớn, song qua đó ta lại thấy được sự hoạt động nhịp nhàng, hữu cơ đến mức khó có thể phân định rạch ròi được giữa các lớp cơ thể con người.
Chúng ta sẽ còn quay lại vấn đề này ở những chương sau.
2
HOẠT ĐỘNG CỦA THỂ TÂM LINH
Hoạt động của thể Tâm linh đã được trình bày ở trên, để dễ dàng ghi nhớ, tôi tổng kết lại một lần nữa ở đây.
Như đã nói ở các phần trên, chúng ta đang rất nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động suy nghĩ, tính toán, tư duy, yêu, ghét là do não bộ thực hiện. Thực ra não bộ chỉ là nơi nhận và thể hiện các kết quả suy nghĩ, tính toán, những cảm xúc, những tư duy trăn trở, những tình cảm yêu thương cao cả mang tính nhân văn của con người. Não bộ thực sự chỉ có chức năng như một màn hình máy tính (monitor) mà thôi, còn các hoạt động tính toán ở bốn bộ phận khác, là:
1. Thể Vía Hạ trí đảm nhiệm việc tính toán, hành động nhằm mưu lợi cho thân xác, mang tính vị kỷ, bất chấp đạo đức, nhân tính.
2. Thể Vía Thiên thể hay còn gọi là Vía Cảm xúc đảm nhiệm những hoạt động về cảm xúc, thông qua năm giác quan thể xác, những hoạt động yêu, ghét, ham muốn, si mê mang tính xác thân. Những hoạt động này là hoạt động thú tính, thiên về cảm xúc tự nhiên (bản năng).
3. Thể Tuệ tâm cùng với thể Thiện tâm là hai trong cơ cấu bốn phần của “bộ vi xử lý” (CPU) cùng với thể Vía Hạ trí và Vía Cảm xúc trong cơ thể con người. Nếu Vía Hạ trí hoạt động với những tính toán vị kỷ, mưu lợi cho thân xác cá nhân, bất chấp đạo lý (Làm thế nào để giành được cho mình nhiều lợi ích vật chất nhất như thực phẩm, đất đai, tiền bạc, chức vụ, quyền lực…), thì thể Tuệ tâm của Tâm linh lại hoạt động với tư duy vị nhân sinh. Tuệ tâm cũng tính toán, suy tư, nhưng không phải để vụ lợi cho cá nhân, gia đình, hay nhóm lợi ích nào đó, mà mưu lợi cho một cộng đồng dân tộc, hay lớn hơn nữa là cho nhân loại nói chung. Tuệ tâm luôn hoạt động dựa trên nền tảng đạo đức nhân văn.
4. Thể Thiện tâm hoạt động song hành với thể Vía Thiên thể. Nếu những hoạt động cảm xúc thích thú, say mê, yêu, ghét của Vía Thiên thể dựa trên cơ sở của năm giác quan cảm xúc con người, hay đưa con người vào những si mê mù quáng, bất chấp đạo lý, thì thể Thiện tâm lại hoạt động yêu, ghét dựa trên nền tảng đạo đức nhân văn, luôn luôn đặt cảm xúc, tình cảm, lợi ích của cộng đồng dân tộc hay nhân loại lên trên cá nhân. Vì thế các hoạt động của thể Thiện tâm luôn có thể cảnh tỉnh các hoạt động của Vía Thiên thể. Thành thử, trong mỗi con người luôn luôn diễn ra những cuộc đấu tranh giữa Vía Hạ trí với thể Tuệ tâm, giữa Vía Thiên thể với thể Thiện tâm. Nếu Vía phát triển hơn Tâm, thì Vía sẽ thắng. Tâm phát triển hơn thì Tâm sẽ thắng. Ai có Vía phát triển thì người đó hay bị những si mê về vật chất hay thể xác điều khiển, khiến bản thân lầm lạc, u mê. Ai có Tâm linh phát triển hơn, người đó sẽ tỉnh táo trong các tình huống, không bị các dục vọng làm mờ mắt, luôn có những hành động tỉnh táo, sáng tạo và nhân văn, luôn được cộng đồng yêu mến và kính trọng.