1
HÀNH TRÌNH RỜI KHỎI THÂN XÁC
Như một lẽ tự nhiên, sẽ đến một ngày thân xác con người bắt đầu suy kiệt, hoại vong. Có thể vì nguyên do tuổi tác, bệnh tật, hoặc tai nạn, dẫu vì nguyên do gì, sẽ đến lúc cái chết là không thể tránh khỏi. Khi thân xác không thể tồn tại được nữa, từ trường sinh học của thể xác tắt dần, hoặc đột ngột tắt hẳn. Nguồn năng lượng Tiên thiên làm nhiệm vụ nuôi sống và liên kết từ trường của bảy lớp cơ thể bị ngắt và các lớp cơ thể không thể trao đổi năng lượng với nhau được nữa. Từ trường của thân xác tắt đi làm các lớp cơ thể này buộc phải rời khỏi sức hút của từ trường thân xác. Toàn bộ bảy lớp cơ thể lập tức phải rời nhau ra, thay đổi, sắp xếp lại để thích nghi với hoàn cảnh mới - không còn xác thân nữa. Ba lớp Tâm linh trước đây có hình đầu và thân, nay co rút lại, thành một khối hình cầu như quả bóng, khu trú tạm thời ở vùng Đan điền.
Phách và Vía cũng bắt đầu bồng bềnh rời khỏi thân xác. Phách được cấu tạo từ các nguyên tử của tầng Bồ đề, còn hai lớp Vía được cấu tạo từ các nguyên tử của tầng vật chất Thượng giới và Trung giới, nên về mặt vật lý, ba lớp cơ thể có cấu tạo khá nặng nề, chắc chắn hơn ba lớp Tâm linh, nên giờ đây sẽ phải thay thế thân xác, làm “lớp áo giáp” bảo vệ cho ba lớp thể Tâm linh.
Khi thân xác bắt đầu hấp hối và từ từ trở nên giá lạnh, chìm dần vào cái chết lâm sàng, Tâm linh bắt đầu co cụm lại thành một khối hình cầu ở Đan điền. Khi thân xác trút hơi thở cuối cùng, ba lớp Phách và Vía cũng bắt đầu rời bỏ thân xác để bao bọc lấy ba lớp Tâm linh. Khối Tâm linh được bảo vệ bởi ba lớp Phách và Vía bắt đầu rời khỏi Đan điền và từ từ theo đường tủy sống trườn dọc lên trên đỉnh đầu. Đây chính là lúc “bộ nhớ” thuộc thân xác ở não bộ bắt đầu “tua lại” để chuyển thông tin sang “bộ nhớ” của thể Vía. Người chết lúc này sẽ chợt thấy hiện lại toàn bộ quá khứ cuộc đời mình ngay trước mắt: những hạnh phúc, những đau khổ, những vui, buồn, những tội ác, hay những điều thiện mình đã làm. Nhiều người đến lúc này mới thực sự ân hận khi tận mắt chứng kiến những hành động, những việc làm sai trái, những tội ác do mình gây ra. Những dòng lệ từ từ lăn trên gò má gầy guộc của một thân xác sắp từ giã cõi đời, trong cơn hấp hối, có người vẫn lẩm bẩm xin ai đó tha thứ những tội lỗi của mình. Song cũng có nhiều người khi chết lại có vẻ mặt rất bình thản, chính vì họ chẳng có điều gì phải ân hận, khi nhìn lại quãng đời đã qua của mình.
Khi Linh hồn trườn dọc theo tủy sống lên huyệt Bách hội trên đỉnh đầu, người chết lúc đó cảm thấy như mình đang bị cuốn đi trong một đường hầm tối om, chật chội. Một lúc sau họ thấy mình bị đẩy bật ra một vùng sáng ở cuối đường hầm. Đó là một không gian có thứ ánh sáng rất lạ: Bàng bạc như ánh trăng nhưng sáng hơn, như kiểu đêm trắng ở Bắc Âu, xung quanh thì yên bình, tĩnh lặng. Cả ba lớp Tâm linh lúc này đã chậm rãi thoát ra ngoài thân xác qua huyệt Bách hội trên đỉnh đầu, với Phách và hai lớp Vía bao bọc lấy khối Tâm linh (Phách ngoài cùng, rồi đến Vía Mental, Vía Astral và bên trong là Tuệ tâm, Thiện tâm và trong cùng là Trân tâm). Khối Phách, Vía và Linh hồn bồng bềnh bay lơ lửng trên thân xác đã chết như một quả bóng bay gồm sáu lớp. Có một sợi dây ánh kim lấp lánh nối một đầu với khối Linh hồn, Vía, Phách, còn đầu kia nối với huyệt Bách hội trên đỉnh đầu của thân xác người chết. Người Ấn Độ gọi sợi dây đó là Shutra hay Kim cương tuyến, người châu Âu gọi sợi dây này là silver cord, hay astral cord. Nhiều trường hợp, trong ba ngày đầu sau khi chết, linh hồn vẫn chui vào lại được thân xác qua đường dây kim cương tuyến này và người chết có thể sống lại cho dù đã nằm trong nhà xác một, hai ngày với trái tim đã ngừng đập, phổi đã ngừng thở rồi. Tất nhiên, những trường hợp người chết sống lại chỉ xảy ra với điều kiện thân xác vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị bệnh tật hay các chấn thương phá hỏng trầm trọng. Đồng thời, sinh lực trong thân xác phải còn ít nhiều, chưa quá kiệt quệ.
Sau khi chết được ba ngày, sợi kim cương tuyến mới đứt, con người lúc này mới chết hẳn. Chuyện sống lại sau khi đã chết quá ba ngày là rất hiếm có, trừ một số trường hợp sợi kim cương tuyến vẫn còn chưa đứt. Có một số rất ít trường hợp sau chín, thậm chí mười lăm ngày sợi kim cương tuyến mới đứt. Sau khi thể xác đã chết hẳn, tức là từ trường năng lượng của thân xác đã không còn tồn tại mới là lúc Tâm linh không còn bị ràng buộc với thân xác nữa. Tâm linh thoát ra khỏi thân xác và lập tức được ba lớp cơ thể là Phách, Vía Thiên thể, Vía Hạ trí bao bọc, bảo vệ để tồn tại trong thế giới mới là thế giới sóng. Các tần số của cả Tâm linh, Phách, Vía khi bứt phá ra khỏi thân xác nên bị xáo động dữ dội. Các bộ nhớ ở Tâm linh, ở Vía vẫn còn lưu giữ nguyên các sự kiện đã xảy ra trong kiếp sống vừa qua, nghĩa là những vấn đề cuộc sống gia đình kiếp sống đó vẫn theo người chết sang thế giới mới này. Về tinh thần, họ vẫn hạnh phúc hay đau khổ như khi còn ở cõi trần dù thân xác không còn. Thân xác không còn, nhưng vì lớp Vía Cảm xúc vẫn hoạt động, vẫn lưu giữ cảm giác những cơn đau do bệnh tật, hay tai nạn hành hạ, nên những cơn đau do thương tật vẫn còn. Họ sẽ vẫn cảm thấy đói, khát, khi lâu không được ăn, uống. Nhưng cùng với thời gian, những cảm giác đó cũng sẽ nhạt dần và mất hẳn. Ở thế giới mới, họ sẽ ăn uống theo cách hoàn toàn khác, đó là thu hít năng lượng Prana phát ra từ hoa quả, thực vật, động vật. Điều đó có nghĩa là những vật họ có thể “ăn được” phải là những sinh vật còn tươi sống, như hoa, quả, động, thực vật có từ trường sinh học đang hoạt động và phát ra năng lượng, hoặc đang còn lưu giữ năng lượng Prana. Họ sẽ hít thu năng lượng Prana được phát ra từ hoa quả tươi, những sinh vật đã được làm thịt, nhưng còn tươi, nghĩa là trường năng lượng Prana của sinh vật ấy vẫn còn hoạt động (thông thường trường năng lượng của sinh vật còn tồn tại khoảng từ 48 đến 72 giờ sau khi chết, nhiều trường hợp lâu hơn). Ngoài ăn uống, Vong (người đã chết thân xác) còn có khả năng thu năng lượng Prana qua tiếp xúc trực tiếp với vật chủ phát ra năng lượng Prana, như các cây cổ thụ, các tảng đá già chứa năng lượng, từ cơ thể con người hoặc động vật dồi dào năng lượng, nhưng phải hợp tần số. Vì thế các Vong ít lưu trú tại hài cốt của mình, mà họ thường tìm cho mình một điểm, hoặc một vùng nào đó có nhiều năng lượng mà họ cảm thấy dễ chịu, để cư trú. Vật chất từ cõi Trung giới trở lên các cõi trên là vật chất siêu hình mang tính di thái, nghĩa là nó luôn biến đổi và định hình theo sự điều khiển của tư tưởng con người. Vì vậy, chuyện làm nhà ở các cõi đó dễ như ý nghĩ vậy. Vấn đề là trình độ hiểu biết và trình độ văn hóa, thẩm mỹ - trình độ thế nào, sẽ có ý tưởng như thế, từ ý tưởng ấy, căn nhà sẽ được định hình y như vậy.
Đó là chuyện ăn và ở, còn chuyện giao thông đi lại thì sao? Giờ đây họ vẫn có thể đi bộ theo thói quen ở kiếp trước, song họ sẽ phát hiện ra mình có khả năng di chuyển cực nhanh và dễ dàng theo kiểu sóng. Tức là còn nhanh hơn tốc độ của ánh sáng và sóng điện từ do con người tạo ra. Hơn nữa họ còn có khả năng đi xuyên qua các vật thể rắn như tường nhà, cửa gỗ, thậm chí cả núi, đồi, biển cả. Và cùng một lúc họ có thể đến nhiều địa điểm, chứ không phải chỉ đến được một chỗ, vì thân thể họ giờ đây đã trở thành sóng năng lượng, chứ không phải thân xác thô thiển bằng xương, bằng thịt như trước nữa. Điều này giống như việc gửi thư tay ngày xưa và gửi email bây giờ vậy. Ngày xưa muốn gửi thư đến ba tỉnh, ta phải mang thư đến từng tỉnh. Ngày nay muốn gửi thư đến cả trăm tỉnh, cũng như các nước khác nhau, hay đến nhà hàng xóm cũng chỉ cần chuyển một lần mà thôi. Trong giây lát, cùng một lá thư sẽ được chuyển nhà hàng xóm lẫn các nước khác nhau. Nếu không có ngành tin học, không có thư điện tử email thì thật khó mà giải thích chuyện giao thông kiểu sóng ở “cõi Âm”. Cùng một lúc con người ở các cõi Âm (các cõi siêu hình) có thể đến nhiều địa điểm. Nghĩa là họ có thể di chuyển đa phương, đa chiều, với tốc độ còn nhanh hơn sóng điện từ hàng vạn lần. Chỉ cần có ý định đến đâu, lập tức họ đã có mặt ở đó rồi, thậm chí có thể đến nhiều địa điểm khác nhau trong cùng một lúc. Điều lý thú nhất là giờ đây họ có thể “bay”. Bay với các kiểu tốc độ mà họ muốn, với thân thể giờ đây thật nhẹ nhàng, thanh thoát. Chỉ cần nhún người, là cơ thể đã nhẹ nhàng bay lên khỏi mặt đất. Nếu họ vẫy đôi tay như cánh chim, cơ thể cứ bay lên cao mãi. Muốn hạ xuống đất, chỉ việc buông tay xuống, là người từ từ rơi nhẹ nhàng xuống đất. Khi biết mình có thể bay lên, hạ xuống dễ dàng, họ không còn sợ độ cao nữa. Thú thực, tôi đã được thử cảm giác này nhiều lần, một cách chủ động, mỗi khi xuất Vía.
Điều này thật thú vị vô cùng. Họ có thể đi đây, đi đó, thăm thú thế giới mới. Song, trong những ngày đầu sau khi chết, họ còn rất bỡ ngỡ, bao nhiêu việc ở kiếp trước còn đang dang dở, nhìn gia đình đang lo toan, đau khổ, nên họ chả muốn đi đâu cả. Họ sẽ tìm về với gia đình, với người thân. Thế giới khác còn quá mới lạ, họ chưa biết gì về thế giới sóng “cõi Âm” này. Cái chết như một biến cố. Sau mỗi biến cố, con người theo bản năng luôn muốn tìm về gia đình - tổ ấm của mình. Giờ đây, về với gia đình sau khi chết, họ vẫn nhìn thấy, nghe thấy người thân. Thậm chí người thân mới nghĩ thôi, họ đã “nghe” thấy hết những ý nghĩ của họ rồi. Những ý nghĩ của người thân vang lên thành tiếng trong đầu họ. Song những người thân đang sống ở cõi Phàm trần kia lại không nhìn thấy họ, không nghe được họ. Điều này khiến người chết đau khổ vô cùng. Họ sẽ càng đau khổ hơn nếu thấy những người thân của mình không còn nhớ đến mình nữa. Nếu thấy người thân luôn nghĩ đến họ, buồn khổ vì nhớ họ, thì với họ đó lại là niềm an ủi lớn lao. Ở Việt Nam và một số ít các nước khác có tục lệ cúng cơm cho người chết liên tục một trăm ngày. Đây là một việc làm hoàn toàn đúng và có tính nhân văn. Sau khi chết, thấy người thân hàng ngày vẫn dọn cơm cho mình, đối xử với mình như khi còn sống, cho dù không còn trao đổi được thông tin, họ vẫn cảm thấy ấm lòng, đỡ tủi thân. Họ có thể bình thản sống tiếp trong thế giới mới đầy bỡ ngỡ này. Ngược lại, nếu sau khi chết, người thân của họ không còn tưởng nhớ gì đến họ, họ sẽ đau khổ vô cùng. Trường hợp bị lãng quên, bị phản bội, có thể khiến họ nảy sinh hận thù và muốn trở về cõi trần để trả thù. Nhưng vì những người thân của họ đang sống ở cõi Hồng trần, còn họ đang ở cõi Trung giới, giờ đây họ là sóng vật chất, còn người thân của họ là vật chất thô của xác thịt. Dù họ có cào cấu, đánh đấm gì, thì người sống cũng chẳng hay biết gì, họ chỉ còn cách bám theo những kẻ kia để tìm cách trả thù. Những cuộc trả thù này tuy rất khó thực hiện, nhưng nhiều trường hợp vẫn có thể xảy ra và vẫn gây ra hậu quả cho người sống.
Khi sang thế giới mới, những người chết thường được gặp những người thân đã quá cố. Những người này thậm chí còn đến đón họ vào lúc họ đang hấp hối. Những người mới chết, khi bắt đầu chuyển sang thế giới mới, họ thường vẫn giữ nguyên những tính cách, thói quen sinh hoạt của kiếp trước khi còn trên dương thế. Trong khoảng năm mươi đến một trăm ngày sau khi chết, Vong vẫn lui về căn nhà xưa với gia đình, vẫn lưu trú ở đó. Thân thể của họ lúc này có ba thể, sáu lớp: hai lớp Vía, một lớp Phách và ba lớp Tâm linh ở dạng vật chất siêu hình. Họ vẫn nhìn thấy những sự vật cõi trần, vẫn nhìn thấy và nghe thấy người thân, nhưng thực ra họ đang tồn tại cùng một lúc tại ba thế giới: Cõi Trung giới, cõi Bồ Đề và cõi Niết bàn (Tâm linh). Họ buộc phải làm quen dần với môi trường mới, cuộc sống mới. Họ tập vận động, di chuyển với tốc độ cao trong môi trường mới mẻ. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng không thể nào giao tiếp được với những người thân, không tìm được đường trở lại cõi trần, nên họ cũng bắt đầu chán nản, không ở nhà thường xuyên nữa. Họ hay thả mình trong những cuộc phiêu du, tìm những nơi ở dễ chịu để lưu trú. Song cũng có người chỉ ở nhà, chẳng đi đâu cả. Đó là những người đã từng có một gia đình yên ấm và họ vẫn tiếc nuối tổ ấm đầy hạnh phúc của mình bấy lâu nay. Họ muốn tìm mọi cách để quay trở về cõi trần. Nhưng tất cả mọi cố gắng sẽ chỉ là vô vọng.
Trong giai đoạn còn vương vấn cõi trần này, họ hạnh phúc hay đau khổ, được ung dung, tự tại hay bị gò bó, ràng buộc là tùy thuộc vào trình độ hiểu biết và phát triển về Tâm linh của mỗi người. Những người có hiểu biết về Tâm linh sẽ có thái độ bình thản hơn. Họ biết rằng, họ không thể giúp đỡ, hay can thiệp được vào những công việc của gia đình nữa. Họ chỉ có thể chờ đợi cơ hội gặp được người có khả năng giao tiếp giữa hai cõi Âm – Dương để truyền đạt ý nguyện của mình. Việc làm thực tế nhất họ có thể làm là tìm gặp lại cha, mẹ, ông, bà và những người thân đã quá cố, nghe những người này nói về kinh nghiệm ở “cõi Âm” tìm những người bạn mới ở “cõi Âm”. Họ sẽ đi phiêu du cõi Âm để tìm hiểu hoặc tiếp tục tu luyện. Họ sẽ không bị những dằn vặt, đau khổ từ kiếp trước đeo đẳng. Những người không hiểu biết về Tâm linh, không hiểu biết về những kiếp sống của con người, thì quãng đời ở cõi Trung giới (cõi Âm) từ lúc thân xác chết cho đến khi đầu thai sẽ là quãng thời gian cực hình và đau khổ khôn cùng. Đến khi cơ hội đầu thai đến, họ cũng không biết đường nào lên những cõi trên, đến những thế giới sung sướng hơn, an lành hơn. Nên nhớ, quá trình đầu thai là hoàn toàn tự động, người muốn đầu thai không thể chủ động được, hơn nữa ở cõi Âm (cõi của sóng) không có chiều thời gian để xác định những thời điểm có thể đầu thai được.
Những trường hợp chết khi tuổi đã già và thân xác đã tàn tạ, thì vào ngày thứ 49 đã có thể đầu thai. Mỗi chu kỳ đầu thai là 49 ngày kể từ ngày thân xác chết. Vào đúng ngày chu kỳ đầu thai, khi ở đâu đó có một cặp vợ chồng với đời sống Tâm linh tương đồng với người chết, lại sinh hoạt vợ chồng và thụ thai thì cái thai này sẽ thu hút khối Tâm linh của người chết có cùng tần số vào bào thai vừa hình thành ấy, để thành một Linh hồn mới cho một con người mới. Vào ngày đầu thai này người chết sẽ đột nhiên bị hôn mê. Linh hồn của họ sẽ rời khỏi các lớp Phách, Vía và bị thu hút vào một bào thai ở đâu đó, có tần số Tâm linh tương đồng. Bộ nhớ của Tâm linh sẽ bị những lớp từ trường của các thể Phách, Vía của một thân xác mới vừa hình thành bao bọc. Linh hồn này sẽ ra đời trong một thân xác mới hình thành của một sinh linh mới. Còn sinh linh với cơ thể Phách - Vía, sau khi Linh hồn đã tách ra đi đầu thai, sẽ tỉnh dậy ở cõi Trung giới, y hệt như những ngày sau khi thân xác mới chết. Bản thân những Vong này cũng không hề biết là Linh hồn của họ đã rời khỏi Phách, Vía của họ. Giờ đây cơ thể của họ chỉ còn một lớp Phách và hai lớp Vía. Họ sẽ sống ổn định ở một cõi nào đó, như cõi Trung giới, hoặc Thượng thiên, hay Bồ đề, tùy thuộc vào mức độ phát triển Tâm linh của mỗi người. Những trường hợp không đầu thai ngay được, sẽ tiếp tục ở lại cõi Trung giới, để đợi cơ hội đầu thai sau, cách nhau 49 ngày. Thời gian lưu lại cõi Trung giới lâu hay chóng sẽ tùy thuộc vào tình trạng thân xác lúc qua đời, còn trẻ khỏe hay già nua, ốm yếu, còn nguyên vẹn, hay đã bị bệnh tật, thương tích làm tổn thương cơ thể. Lý do là như thế này: Khi thân xác chết, trường điện từ của xác thân tắt hẳn, sức hút không còn, Tâm linh, Phách, Vía buộc phải lìa khỏi thân xác. Tần số Tâm linh và Vía bị xáo động dữ dội. Tùy thuộc vào tình trạng thể xác khi chết, sẽ cần nhiều hay ít thời gian để ổn định lại tần số Tâm linh. Nếu thân xác đã già nua, ốm yếu, tàn tạ rồi chết, hoặc trẻ con dưới mười hai tuổi, thân xác chưa phát triển hoàn thiện, thì từ trường thân xác còn yếu, khi Linh hồn thoát ra ngoài, sẽ không gặp cản trở, khó khăn gì, tần số không bị nhiễu loạn, nên chỉ cần 49 ngày là tần số Tâm linh đã có thể ổn định được rồi, là có thể đầu thai. Còn khi chết, nếu thân xác còn khỏe mạnh, trường điện từ sinh học còn rất mạnh, khi đó Tâm linh cùng Phách, Vía phải bứt phá mạnh mẽ, để thoát ra khỏi thân xác, khiến tần số của các lớp cơ thể này bị nhiễu loạn rất nhiều, nên sẽ cần nhiều thời gian hơn, để Tâm linh mới có thể ổn định được tần số. Khi đó quá trình đầu thai mới có thể thực hiện được. Chu kỳ để ổn định tần số Tâm linh là 49 ngày. Ví dụ, sau 49 ngày đầu, nếu chưa ổn định được tần số để đầu thai, thì phải cần 98 ngày. Nếu sau 98 ngày vẫn chưa ổn định được tần số Tâm linh, thì phải đến 147 ngày. Những trường hợp thân xác còn trẻ khỏe, nhưng do tai nạn, hoặc chiến tranh, trận mạc, bom đạn mà phải chết, thì tần số Tâm linh sẽ rất khó ổn định, phải cần một khoảng thời gian rất dài, có khi là hàng trăm năm. Việc ổn định tần số Tâm linh là rất quan trọng. Vì chỉ khi tần số dao động của Tâm linh ổn định, tinh thần mới ổn định, lúc đó Linh hồn mới vào được giai đoạn định kiếp để đầu thai. Như đã trình bày ở trên, nhân sinh có bảy cõi, cõi thấp nhất là Địa ngục nhân và cao nhất là cõi Phật giới. Sau một thời gian lưu lại ở cõi Trung giới, chờ cho tần số Tâm linh ổn định, con người sẽ đứng trước ngã bảy. Ai sẽ xuống Địa ngục? Ai sẽ vào tầng Súc sinh? Ai sẽ thành Ngã quỷ? Ai sẽ thành Atula? Ai sẽ đầu thai lại kiếp Người? Ai sẽ lên Thánh nhân? Ai sẽ thành Phật? Tất cả đều do cách sống của chính mỗi con người - sống thiện hay sống ác, tạo thành thiện Nghiệp hay ác Nghiệp. Chính điều này hình thành các dạng tần số Tâm linh. Những dạng tần số Tâm linh này sẽ quyết định kiếp sống tiếp theo của người đó thông qua quá trình đầu thai.
Mỗi người đều có cách sống của mình. Thiện hay ác. Đức độ hay dã tâm. Trí tuệ hay u tối. Đạo đức sống chính là mức độ phát triển của Tâm linh. Tùy thuộc vào đạo đức sống, mỗi người sẽ có một tần số Tâm linh riêng. Ví dụ: Tâm linh càng phát triển, tình yêu thương con người sẽ càng cao cả, con người thường sẽ có một cuộc sống đức độ, vị tha, nhân hậu. Tần số Tâm linh của những người như thế sẽ rất cao. Những người sống ác độc, hay ghen ghét, đố kỵ, sân si, thù hận, thường sẽ có thể Tâm linh rất kém phát triển và tần số Tâm linh sẽ rất thấp, rất chậm, khiến tâm linh nặng nề và hay chìm xuống những cõi thấp, tối tăm bên dưới.
Tần số đặc thù này của mỗi người hoàn toàn có thể thay đổi, nó có thể phát triển và cũng có thể thoái hóa qua từng giai đoạn của một kiếp sống, hoặc qua mỗi kiếp sống. Tần số đặc thù này của từng cá thể con người được lưu giữ qua nhiều kiếp sống. Thể Trân tâm của Tâm linh chính là nơi lưu giữ tần số đặc thù của mỗi con người. Việc lưu giữ các tần số này qua mỗi kiếp sống diễn ra hoàn toàn tự động. Tần số đặc thù này của Tâm linh cũng có thể thay đổi dần dần qua từng kiếp sống. Nó có thể thay đổi theo chiều hướng tốt lên, nhưng cũng có thể thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Tất cả phụ thuộc vào đời sống đạo đức của mỗi kiếp người. Ví dụ, một người kiếp trước sống rất bon chen, ích kỷ, để đạt được những gì mình khát khao, mong mỏi, anh ta sẵn sàng làm hại, thậm chí tiêu diệt tất cả những ai có thể là vật cản. Và như thế, đương nhiên con người ác độc này sẽ có một tần số Tâm linh rất thấp, rất nặng nề, chậm chạp. Với tần số đặc thù này, anh ta sẽ tự thu hút đến quanh mình những kẻ có cùng loại tần số Tâm linh như anh ta, nghĩa là toàn những kẻ bất lương, bất hảo. Thậm chí trong số đó còn có những kẻ vượt xa anh ta về mặt thủ đoạn, đểu cáng và tàn bạo. Trước đây anh ta đã từng làm hại, tiêu trừ, loại bỏ nhiều người, nay đến lượt anh ta bị những kẻ đểu hơn, ác hơn làm hại và loại trừ. Đó là một Định luật của cuộc đời - luật Nhân quả. Đây là một định luật khoa học, chứ không phải phạm trù đạo đức. Bởi vì các vật chất có cùng tần số dao động của các nguyên tử thì hút nhau. Những người có cùng tần số Tâm linh thường rất dễ làm quen với nhau, dễ bị thu hút đến với nhau, dễ gần nhau và dễ cư xử như nhau. Nghĩa là, như tục ngữ Việt Nam thường nói: Ngưu tầm ngưu, Mã tầm mã!. Người ác có lực hấp dẫn riêng, và đương nhiên sẽ thu hút những kẻ ác khác đến quanh mình. Chúng sẽ lập ra những băng đảng hắc ám, làm những điều trái đạo lý, vô lương tâm chỉ để vụ lợi. Những chuyện đó là niềm vui sống cho những kẻ này. Người thiện cũng có lực hấp dẫn của người thiện. Những người thiện cũng bị cuốn hút đến với nhau. Họ cũng sẽ lập ra những nhóm, những hội, những đoàn thể để tập tành, tu luyện hay làm những công việc từ thiện, thiện nguyện. Họ lấy việc thiện làm vui. Kẻ ác thấy người thiện thì ngán, chẳng thích gần, còn người thiện thấy kẻ ác thì khó chịu, muốn tránh xa. Có một thực tế đáng buồn là tốc độ liên kết, tụ họp của những kẻ xấu, kẻ ác thường nhanh hơn nhiều so với tốc độ liên kết của những người thiện.
Quay trở lại vấn đề chính, sau khi anh chàng bất hảo kia bị những kẻ xấu hơn làm hại, anh ta phần nào nhận ra chân lý cuộc sống. Đời sống Tâm linh của anh ta cũng bắt đầu tỉnh thức và thay đổi hẳn, hoặc thay đổi phần nào, anh ta bắt đầu sống thiện hơn. Tần số Tâm linh của anh ta cũng bắt đầu thay đổi, được cải thiện và chuyển sang tốt hơn, nhanh hơn. Tất cả mọi thay đổi về mặt tâm hồn, dù là nhỏ nhất, đều được ghi nhận qua tần số. Khi hấp hối, sắp từ giã cõi đời, mỗi người đều đã có một tần số Tâm linh đặc thù của riêng mình. Lúc Tâm linh rời khỏi thân xác, tần số này bị trường sinh học của xác thân cản trở, làm xáo động mạnh, không ổn định được. Điều này giống như sóng vô tuyến phát ra bị nhiễu, khiến máy thu không thể thu nổi hình ảnh.
Sau khi chết, Linh hồn cần một khoảng thời gian nhất định để tĩnh lặng và ổn định lại tần số của mình. Sau một khoảng thời gian nào đó, tần số Tâm linh sẽ được ổn định trở lại (hết nhiễu). Vào đúng thời điểm ấy, ở đâu đó trên thế gian này, có một cuộc thụ thai của hai con người có đời sống Tâm linh na ná như của người chết. Cuộc thụ thai này có thể ở cõi Hồng trần hữu hình, giữa những con người bình thường, nhưng cũng có thể ở các thế giới siêu hình, như cõi Ngã quỷ, cõi Atula… hoặc thậm chí, có thể ở tầng Thánh nhân. Nhưng ở các tầng cao từ Thánh nhân trở lên sẽ không phải là đầu thai. Trong trường hợp này, những Tâm linh thánh thiện sẽ được một sức hút với một tần số đặc thù rất cao của thế giới Chân, Thiện, Mỹ như cõi Thánh nhân và cõi Phật đưa lên thẳng những cõi giới hoàn mỹ này. Hiện tượng đó gọi là siêu thoát.
Trong các trường hợp đầu thai, bào thai mới được hình thành sẽ có một trường sinh học cực mạnh với một tần số nào đó. Tần số này phụ thuộc vào đời sống Tâm linh của cặp bố mẹ trong thời kỳ thụ thai. Linh hồn đang đợi định kiếp kia có tần số Tâm linh tương đồng, thì sẽ được định kiếp vào đúng cái bào thai có tần số tương đồng như thế. Đó chính là quá trình định kiếp, đầu thai. Khi một Linh hồn có một tần số Tâm linh nào đó phù hợp với cõi người, hay những cõi dưới người (Atula, Ngã quỷ), hoặc trên người (Thánh nhân, Phật giới), sẽ được đầu thai vào đúng thế giới có tần số tương đồng. Chính tần số tương đồng đó sẽ là cầu nối, là lực hấp dẫn để Linh hồn này bị thu hút đến định kiếp ở một thế giới thích hợp. Bào thai mới sẽ có gien di truyền về thân xác của cặp vợ chồng nọ, còn Linh hồn vào bào thai này tuy là một Linh hồn xa lạ, nhưng có mức độ phát triển Tâm linh tương đồng với đời sống Tâm linh của cặp vợ chồng kia vào một thời điểm nhất định. Đó chính là sự đầu thai.
Sau khi Linh hồn đã đi đầu thai, con người còn lại thể Phách và hai thể Vía sẽ sinh sống tại một trong các cõi: Trung giới, Thượng giới hay Bồ đề. Như đã nói, điều này tùy thuộc vào sự phát triển Tâm linh của mỗi người. Sau mỗi kiếp sống, Tâm linh phát triển đến đâu, sẽ kéo theo sự phát triển của Phách, Vía đến đó. Càng phát triển, tần số dao động của Phách, Vía càng cao. Những tần số cao, hay thấp sẽ thích ứng với một cõi nào đó, Thượng giới, Trung giới hay Bồ đề. Những thế giới này cụ thể ra sao, tôi sẽ mô tả rõ hơn ở phần sau. Bây giờ tôi muốn nói thêm về sự đầu thai.
Đầu thai là quá trình Tâm linh xâm nhập vào một bào thai tương thích, để làm Linh hồn cho một sinh linh mới. Đối với những trường hợp Tâm linh ở những người có tu luyện, đã phát triển rất cao, vượt lên trên con người bình thường, thì những Tâm linh này không thể đầu thai vào kiếp sống bình thường ở những cõi giới bình thường, hay thấp kém bên dưới. Những Tâm linh này tương thích với những cõi giới bên trên, như tầng Bồ đề của các bậc Thánh nhân, hay các tầng Niết bàn cao cả của giới chư Phật, mà ở đó không còn dục giới, hành dâm. Ở đó sẽ không có bào thai để có thể xâm nhập. Vậy họ sẽ lên Niết bàn theo phương thức nào? Đó chính là Siêu thoát. Vậy Đầu thai và Siêu thoát khác nhau ở những điểm nào?
2
ĐẦU THAI
Quá trình đầu thai, như đã trình bày ở trên, thường xảy ra theo chu kỳ 49 ngày. Cứ sau 49 ngày, kể từ khi Linh hồn rời khỏi thân xác đã chết, tần số Tâm linh lại có cơ hội được ổn định một lần, để đầu thai. Khi tần số đã được ổn định, sóng Tâm linh không còn bị nhiễu thì tinh thần cũng ổn định và tĩnh tại, quá trình định kiếp và đầu thai mới có thể xảy ra.
Tùy theo cách sống mà mỗi người sẽ có một tần số Tâm linh khu biệt riêng sau khi kết thúc kiếp sống. Sau khi chết, tần số Tâm linh đặc thù này của mỗi người sẽ được ổn định vào một chu kỳ (49 ngày) nào đó. Có người chỉ cần một chu kỳ là đã ổn định được tần số và đầu thai luôn, có người cần hai chu kỳ, nhưng cũng có trường hợp phải cần đến chu kỳ thứ 30 mới ổn định được. Chỉ khi tần số Tâm linh hoàn toàn ổn định, sóng Tâm linh không còn bị nhiễu nữa, quá trình định kiếp và đầu thai mới diễn ra.
Một điểm cần lưu ý là trong cuộc sống, tần số Tâm linh luôn luôn thay đổi. Với cùng một cặp vợ chồng, sẽ trải qua nhiều giai đoạn sống hoàn toàn khác nhau. Có giai đoạn, cặp vợ chồng này sống rất lương thiện, rất nhân ái, nhưng cũng có khi cuộc sống thay đổi, vì lòng tham vật chất, vì phải cạnh tranh, ganh đua họ lại trở nên rất tàn bạo, độc ác. Do đó, nếu thụ thai vào giai đoạn thăng hoa của Tâm hồn, khi cả chồng lẫn vợ đều sống nhân ái, nhiệt lành, hỉ xả, bào thai của họ đương nhiên sẽ thu hút đến một Linh hồn đẹp đẽ như họ lúc bấy giờ. Nhưng nếu sự thụ thai lại xảy ra vào giai đoạn khó khăn của cuộc đời, khi cả vợ, lẫn chồng đều phải bon chen, lọc lừa, độc ác để mưu sinh và trở thành những kẻ tâm địa xấu xa, chắc chắn họ sẽ sinh ra một đứa con tặc tử. Bởi thế mới có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” hay tại sao cùng cha, cùng mẹ mà mỗi đứa con lại có một tính cách, một số phận, một cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Gien di truyền giống nhau chỉ ảnh hưởng đến thân xác, chứ không ảnh hưởng gì đến Tâm linh, đến Trí tuệ, đến lối sống và hạnh phúc cá nhân.
Một điều đáng chú ý nữa là, khi khối Tâm linh xâm nhập vào bào thai mới, toàn bộ “bộ nhớ” lưu giữ những sự kiện kiếp trước vẫn còn nguyên, nhưng các dữ liệu đó sẽ không thể chuyển đến não bộ của thân xác mới được, vì hai thể Tâm linh và Thân xác quá khác nhau, như tôi đã phân tích ở trên. Do đó toàn bộ bộ nhớ của Tâm linh vẫn giữ nguyên và chuyển sang con người mới. Song con người mới sinh ra sẽ không thể biết gì về quá khứ. Hi hữu vẫn có những trường hợp một số dữ liệu nào đó từ bộ nhớ ở Tâm linh vẫn đến được não bộ của xác thân mới. Điều này có thể do lớp Phách và Vía bao quanh thân xác yếu, mỏng từ lúc nhỏ tuổi, từ trường của Phách, Vía không cản được những luồng sóng thông tin truyền từ bộ nhớ của Tâm linh đến não bộ của thân xác mới. Những trường hợp như vậy, người mới sinh ra sẽ vẫn nhớ được những sự kiện trong kiếp trước của mình như là con của ai, nhà ở đâu, chết như thế nào… Một số trường hợp khác, người mới sinh ra vẫn nhớ được một số những kỷ niệm về một gia đình hạnh phúc, hay bất hạnh, hoặc vẫn nhớ được những kỹ năng, kỹ xảo thuộc nghề nghiệp cũ ở kiếp trước, hoặc những tri thức đã được nghiên cứu kỹ và được tích lũy từ nhiều năm… Ở những trường hợp này, khi sinh ra, đứa trẻ không cần học vẫn có thể có được những kỹ năng, kỹ xảo mà những người bình thường phải học nhiều năm trời. Những đứa trẻ này thường được gọi là “thần đồng”. Ví dụ như nhà soạn nhạc Mozart người Áo, khi mới bốn tuổi đã sáng tác được nhạc giao hưởng và chơi thành thạo đàn piano. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều trường hợp những đứa trẻ sinh ra, mới hai tuổi chưa học đã biết đọc, biết viết, biết làm toán. Có thể trường sinh học của lớp Phách, Vía của những người này sau một tai nạn, hay một biến cố lớn nào đó đã bị suy yếu, không còn đủ mạnh để ngăn cản sóng Tâm linh đến não bộ. Bởi thế những dữ kiện trong bộ nhớ của Tâm linh mới truyền được đến não bộ của thân xác mới. Do vậy, khi sinh ra, những người này vẫn nhớ những sự kiện của kiếp trước.
Đã có nhiều trường hợp minh chứng cho hiện tượng Linh hồn mang theo ký ức của kiếp trước đến kiếp này được đăng tải trên báo chí. Tôi xin trích lại ở đây một số trường hợp để làm ví dụ cho quá trình đầu thai mà chúng ta đang nói đến.
Năm 20 tuổi, cô gái Elina Markand (người Đức) bị tai nạn. Khi tỉnh dậy, Elina bỗng nói tiếng Italy rất thông thạo, mặc dù trước đó cô chưa từng học một ngoại ngữ nào. Cô còn tự nhận mình là Rozetta Caste Liani, công dân Italy, và yêu cầu được trở về thăm quê hương.
Về tới “nhà”, Elina mới biết rằng người có tên Rozetta Caste đã mất từ năm 1917. Đón cô là một bà già lụ khụ, xưng là con gái của Rozetta Caste. Elina chỉ tay vào bà già, nói: “Đây là Fransa, con gái tôi!”. Lúc ấy, tất cả mọi người đều giật mình, vì người đàn bà này quả thực tên là Fransa, đúng như Elina gọi.
Câu chuyện của Elina Markand đã trở thành đề tài hấp dẫn cho giới khoa học. Thực tế, trong lịch sử từng có không ít trường hợp tương tự, và hiện tượng “nhớ về quá khứ” không nhất thiết phải bắt đầu từ một chấn thương nào đó như trường hợp của Elina Markand.
Vào thập niên trước, một cô gái nhỏ người Anh đã biến thành “một người xa lạ” sau khi tỉnh dậy một buổi sáng. Em không nhận ra mẹ và người thân của mình, không nói được tiếng mẹ đẻ trong khi lại thông thạo tiếng Tây Ban Nha, và lúc nào cũng tỏ ra sợ sệt. Các bác sĩ đều có kết luận giống nhau: Em bé 10 tuổi này không có biểu hiện gì về bệnh lý hoặc tâm thần, sức khỏe tốt. Em nhận mình là người Tây Ban Nha và sống ở thành phố Toledo. Em kể lại rằng một người cùng phố do ghen ghét và đố kỵ đã đâm chết em năm em 22 tuổi. Cảnh sát Tây Ban Nha đã thẩm tra lại câu chuyện kỳ quặc về “tiền kiếp” của em, và kết luận, đúng như lời em kể. Ở số nhà em cung cấp tại thành phố Toledo từng có một cô gái 22 tuổi bị hãm hại. Những người hàng xóm đã tìm thấy xác cô ngay trong nhà. Câu chuyện càng sáng tỏ hơn khi hung thủ (lúc này đã già) tự đến gặp cảnh sát để thú tội. Các nhà khoa học còn tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn có người đột nhiên “biến” thành công dân La Mã cổ đại, và bằng chứng khó chối cãi là anh ta biết sử dụng được thứ ngôn ngữ “nguyên thủy” của mình, không còn ai hiểu nữa. Tương tự như vậy, có người châu Âu bỗng nói tiếng Ai Cập, mất hẳn khả năng dùng tiếng mẹ đẻ. Rồi anh ta mô tả chính xác cảnh vật ở vùng sông Nile, và tự nhận có nguồn gốc Ai Cập.
(Trích từ quyển Bí ẩn của nhân loại, NXB Từ điển Bách khoa)
Từ những câu chuyện này, chúng ta phải phân biệt hai trường hợp khác hẳn nhau. Trường hợp thứ nhất, cô bé Elina Markand sau khi bị tai nạn, lúc tỉnh dậy, nói tiếng Italy thành thạo và nhận là người Italy, đây là Linh hồn người đàn bà Italy đầu thai vào Elina Markand. Phách, Vía của thân xác mới che chắn bộ nhớ của Tâm linh không liên thông được với não bộ, nên trước khi bị tai nạn, Elina không nhớ được gì. Sau khi bị tai nạn, lớp từ trường Phách, Vía của Elina bị hư hoại nhiều, không ngăn chặn được thông tin từ bộ nhớ Tâm linh truyền đến não bộ, nên Elina đã nhớ lại được quá khứ kiếp trước.
Hai trường hợp sau lại khác hẳn. Những trường hợp này không phải là đầu thai, mà là bị nhập hồn. Khi cô bé 10 tuổi người Anh đi ngủ, hệ thần kinh trung ương tạm nghỉ, Phách, Vía tạm rời thân xác đi chu du đâu đó. Lợi dụng những lúc này, nhiều Vong tranh thủ nhập hồn vào thân xác bỏ ngỏ, chiếm lĩnh thân xác này. Nếu độ tương thích giữa Vong và cơ thể của ai đó không được phù hợp, khả năng chiếm giữ thân xác sẽ không được lâu. Vong cảm thấy rất khó chịu và sẽ sớm phải rời khỏi cơ thể người đó. Trong trường hợp độ tương thích về tần số giữa Vong và cơ thể của một người sống cao, thì Vong cảm thấy dễ chịu. Hơn nữa, khi đó Vong lại có điều kiện sinh hoạt vật chất như Vong mong muốn, nên sẽ cố chiếm hữu thân xác của người đó càng lâu càng tốt. Nếu người thân của nạn nhân không biết cách “đuổi vong” đi thì sẽ rất khổ. Gặp phải trường hợp như thế này, phương pháp “đuổi vong” như sau: Lấy khoảng 10 mét dây thép loại 2 mm, cuộn thành vòng tròn có đường kính bằng chiều rộng giường nằm của nạn nhân. Kéo cuộn dây thép này theo chiều dài của chiếc giường, rồi buộc cuộn dây thép này phía dưới sát giường ngủ của nạn nhân. (Nạn nhân nằm ngủ trên cuộn dây thép). Cuộn dây thép này kết hợp với từ trường sinh học cơ thể nạn nhân sẽ sinh ra một từ trường đối kháng lại từ trường sinh học của Vong, làm Vong cực kỳ khó chịu, buộc phải sớm rời khỏi thân xác. Nên làm kín đáo, không để Vong biết. Nếu biết, Vong sẽ xui khiến để nạn nhân không chịu ngủ trên chiếc giường này. Một phương pháp khác có thể cưỡng chế Vong ra ngoài thân xác là nhờ người có luyện tập khí công, có nhiều năng lượng Prana. Nhờ người này truyền Prana bằng ý nghĩ qua bốn đầu ngón tay chụm lại của hai bàn tay. Người này sẽ đứng đằng sau nạn nhân, tay trái để bốn ngón tay chụm lại vào huyệt Bách hội (trên đỉnh đầu), tay phải cũng chụm bốn ngón để vào Luân xa 5 (đúng đốt sống C6 phía dưới gáy). Sau khi đặt tay đúng vị trí, người này dùng ý nghĩ truyền Prana của mình vào người nạn nhân qua cả hai tay. Năng lượng này vào thân xác sẽ làm cho Vong cực kỳ khó chịu, đến mức phải nhanh chóng đào tẩu, thoát khỏi thân xác nạn nhân.
Tháng 12 năm 2010, trên trang báo điện tử Vietnamnet có đăng một phóng sự điều tra: Chuyện kỳ bí về linh hồn “sống lại”. Đây là một câu chuyện có giá trị để bạn đọc tham khảo về chuyện đầu thai và những dữ kiện từ kiếp trước vẫn còn lưu lại đến kiếp sau.
Chuyện xảy ra ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Nhân vật trong câu chuyện là hai vợ chồng anh Tân, chị Thuận. Họ kết hôn năm 1987 và đến năm 1992 thì sinh con đầu lòng đặt tên là Nguyễn Phú Quyết Tiến. Tiến là một cậu bé bụ bẫm, sáng sủa thông minh. Không may, năm cậu bé 5 tuổi thì gặp tai nạn, qua đời. Hai vợ chồng anh Tân, chị Thuận suy sụp vì mất con. Sức khỏe chị Thuận sau đó không tốt nên cũng không thể sinh thêm con.
Mãi đến đầu năm 2006, đột nhiên vợ chồng anh chị nhận được tin con mình đã “lộn” về thành con của một cặp vợ chồng khác ở bản Cọi là anh Hoan và chị Dự.
Anh Hoan và chị Dự sinh con vào năm 2002, đặt tên cháu là Bình. Bình được gửi đi học nhưng luôn quấy khóc, đòi về “trường cũ”. Cô giáo Đông là người phát hiện ra sự bất thường của cậu. Cô giáo Đông cũng chính là người từng dạy cháu Tiến. Khi Bình khóc với cô Đông, nói muốn về trường của mình là trường mẫu giáo Hoa Hồng (đây là trường cháu Tiến theo học khi xưa), cô Đông đã rất ngạc nhiên. Bình còn nói đúng thông tin “nhà cũ”, nhà “ở gần nhà ông Lai”, tức nhà anh Tân, chị Thuận.
Thời gian đó Bình cứ không ngừng đòi “về nhà”, dù đang ở nhà cùng cha mẹ là anh Hoan, chị Dự. Có lần Bình bị mẹ đánh, cháu liền khóc và bảo: “Con đã chết một lần rồi, mẹ đừng đánh con lại chết lần nữa đấy”. Chị Dự vẫn cho rằng con còn nhỏ, nên không để ý những lời con nói. Nhưng rồi Bình đòi “về nhà” mãi, chị Dự bèn chở con đi tìm lại “nhà cũ”. Và dưới sự chỉ dẫn của Bình, hai mẹ con đã đến nhà anh Tân, chị Thuận. Nhưng đến mấy lần cũng không gặp ai ở nhà.
Về phần chị Thuận, chính nhờ cô Đông đã đem chuyện cháu Bình kể cho một người quen của chị, mà câu chuyện đến tai hai vợ chồng. Vì trước đây, khi cháu Tiến mới mất có một bà xem bói người Mường nói với anh rằng: “Anh đừng buồn, cháu Tiến linh thiêng lắm rồi sẽ quay về với anh thôi”. Lần khác anh đi xem bói tận Hòa Bình, ông thầy cũng nói điều tương tự. Nên vợ chồng anh Tân lập tức tìm đến bản Cọi, hỏi thăm gia đình anh Hoan, chị Dự.
Cháu Bình vừa gặp anh Tân, chị Thuận đã thân quen. Anh Tân xin phép vợ chồng anh Hoan chở Bình về nhà. Bình về đến nhà anh Tân, không những nhớ nơi cất đồ đạc, nhớ món đồ chơi yêu thích, mà từng cử chỉ, hành động đều giống với cháu Tiến khi xưa. Chị Thuận chứng kiến cảnh đó chỉ biết úp mặt vào lưng chồng khóc sụt sùi. Khi anh Tân giả vờ gọi “Tiến ơi?”, cháu Bình liền lên tiếng “Dạ”, còn hỏi anh “Bố gọi gì con?”.
Đêm đó cháu Bình ở lại nhà anh Tân, nhất quyết không chịu về nhà. Anh thử hỏi Bình: “Con chết thế nào, vì sao lại vào bản Cọi?”, thì Bình trả lời: “Con cũng đã quay về nhà, nhưng đến cái cống đầu ngõ có một người to lớn cứ chặn con lại rồi đuổi đi nên không vào được nhà...”.
Thời gian sau đó Bình không ngừng đòi về ở với anh Tân, chị Thuận. Cháu còn đau yếu thường xuyên. Có lần Bình nói với mẹ: “Con là người Kinh, con không phải người Mường. Mẹ không đưa con về con sẽ chết”. Sau khi Bình bệnh nặng thì không còn cách nào khác, anh Hoan chị Dự đã đồng ý cho Bình về sống với anh Tân, chị Thuận. Từ đó Bình khỏe mạnh, vui vẻ trở lại. Bình được đổi tên thành Nguyễn Phú Quyết Tiến, như tên trước kia của con anh Tân, chị Thuận. Cháu Tiến lúc này cũng được đi học ở trường cũ là trường mẫu giáo Hoa Hồng. Ngoài chuyện ở trên ra thì Tiến là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường, thông minh, lanh lợi. Hiện cháu vẫn sống cùng bố Tân, mẹ Thuận, và thường xuyên được đưa về thăm bố mẹ mình là anh Hoan và chị Dự.
Cháu Bình - Tiến cũng không phải là trường hợp con “lộn” duy nhất ở bản Cọi. Ông Bùi Văn Tỉnh, là trưởng bản Cọi, cho biết ở bản Cọi đã có ba trường hợp con lộn được ghi nhận. Ngoài cháu Bình - Tiến, còn có Thắm, con gái của vợ chồng anh Bùi Thanh Minh và chị Bùi Thị Toàn và trường hợp cháu Thu con cô giáo tiểu học Quách Thị Đức.
Quý độc giả có thể đọc bài phóng sự về những trường hợp linh hồn sống lại do phóng viên Trung Kiên thực hiện tại đường link:
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chuyen-ky-bi-ve-linh-hon-song-lai-1858.html
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ly-ky-chuyen-cau-be-chet-duoi-tro-ve-1861.html
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/kho-tin-nhung-nguoi-chet-tro-ve-1863.html
Đầu thai là một hiện thực khách quan, chẳng có gì là mê tín, dị đoan, hay bịa đặt cả. Nếu hiểu biết về cơ cấu của quá trình đầu thai, con người sẽ sống tốt hơn, thiện hơn, không dám sống ẩu, sống ác. Nếu chỉ căn cứ vào giác quan rất nông cạn của thể xác, để bác bỏ, phủ nhận những hiện thực khách quan siêu hình trong đời sống Tâm linh của con người, sẽ là thiển cận, là sai lầm nghiêm trọng, đưa con người đến những lối sống ích kỷ, hiện sinh tàn ác, hủy hoại đời sống Tâm linh vốn rất nhân bản của con người.
Tồn tại song song cùng với hiện tượng đầu thai về lại kiếp người, còn có những dạng thức đầu thai khác, không trở lại kiếp người, mà chuyển sang kiếp khác, như: kiếp Atula, hay Ngã quỷ, thậm chí còn là kiếp dưới nữa, như động vật. Ngoài ra, còn những dạng chuyển kiếp không qua đầu thai. Đó là quá trình Siêu thoát lên cõi Thánh nhân, cõi Phật, mà dân gian thường gọi là hiển Thánh, hay hóa Phật.
3
SIÊU THOÁT
Thế nào là Siêu thoát? Vào giai đoạn định kiếp, những người khi sống ở cõi trần đã từng tu tâm, tích đức, có một Tâm linh phát triển với tần số Tâm linh vượt cao hơn hẳn tần số chung của tầng Chính nhân, đồng thời kiếp sống của họ là kiếp sống anh hùng quán thế, xả thân vì cộng đồng, vì dân tộc, dám hy sinh thân mình để cứu trăm họ, Tâm linh của họ đã có một tần số phi thường hiếm có, nên sẽ không bị hút vào các bào thai người bình thường, mà tự động được nhập vào những luồng sóng cao hoặc siêu cao tần, thuộc những cảnh giới bên trên cõi Chính nhân. Đó là cõi Thánh nhân, hoặc cao hơn là Niết bàn. Như vậy Siêu thoát là kết quả của quá trình tiến hóa về Tâm linh và là sự chuyển kiếp ở cấp độ cao, từ tầng Chính nhân trở lên. Chuyển kiếp từ tầng Chính nhân trở xuống gọi là đầu thai.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, đa tín ngưỡng, đặc biệt, các tín ngưỡng dân gian muôn đời nay đã luôn gắn bó với đời sống người Việt. Tín ngưỡng dân gian này trải qua thời gian hình thành phát triển, đã trở nên vô cùng đa dạng, phong phú, và là yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Bên cạnh tín ngưỡng phồn thực, sùng bái tự nhiên, những tín ngưỡng để lại dấu ấn quan trọng trong văn hóa tâm linh người Việt cho đến ngày nay là tín ngưỡng thờ Người, tín ngưỡng thờ Thần và tín ngưỡng thờ Mẫu. Những bậc thánh nhân sau khi tạ thế được người dân phong Thánh, phong Thần và được thờ cúng trong những đền, chùa, miếu, mạo. Khác với các tôn giáo lớn, những tín ngưỡng dân gian này không có giáo chủ, không có những bộ giáo lý đồ sộ, nhưng một cách đời thường, các tín ngưỡng này đi sâu vào đời sống, gắn bó với thế giới tâm linh của người Việt khắp mọi miền.
Tuy không có giáo chủ, không có ai đứng ra tổ chức, phát triển giáo lý, nhưng khắp cả nước, từ địa đầu phía Bắc là Tuyên Quang, Bắc Cạn đến tận miền Trung là Hà Tĩnh, hàng trăm các Phủ, các Đền, các Điện thờ vẫn được xây cất rất chỉn chu, đẹp đẽ, đúng lề lối của tín ngưỡng dân gian (bao giờ Đền, Phủ cũng đều ở sát ven sông, trên bến, dưới thuyền, cảnh quan nên thơ, hữu tình). Các hình thức thờ cúng, các nghi lễ và sinh hoạt của các tín ngưỡng này cũng từ Bắc đến Nam đều có những nét tương đồng, liên hệ chặt chẽ thông qua niềm tin vào chư Thần, chư Phật hay các linh hồn hiển Thánh. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam còn kết hợp với các loại hình nghệ thuật từ âm nhạc đến hội họa và điêu khắc.
Ở thế giới của các bậc hiển Thánh, hóa Thần này cũng có hệ thống tổ chức tương tự bộ máy nhà nước ở thế giới con người. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Ngọc Hoàng là vị Thánh cao nhất, có ban thờ riêng trong các đền. Dưới Ngọc Hoàng, phò tá hai bên là quan Nam Tào và quan Bắc Đẩu. Cũng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam toàn Thánh Mẫu là nơi được coi trọng nhất. “Tam phủ công đồng” là nơi làm việc của các vị quan, chư vị thần linh của ba miền: thiên phủ, địa phủ, thoải phủ. Còn “Tứ phủ vạn linh” là nơi làm việc của các vị quan, chư vị thần linh bốn miền: thiên phủ, địa phủ, thoải phủ và nhạc phủ. Quan niệm tam phủ, tứ phủ này chung quy lại vẫn là tôn thờ Thánh Mẫu. Ở bậc cao nhất chính là Mẫu Thượng Thiên (Mẫu đệ nhất), nữ thần cai quản tầng trời, hay Thiên phủ. Tiếp đến là Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu đệ nhị) chuyên cai quản miền rừng núi và đồng bằng, ruộng nương. Mẫu Thoải, hay còn gọi là Mẫu Thủy (Mẫu đệ tam) chuyên cai quản các miền sông nước, biển cả.
Những nhân vật đứng đầu trong tín ngưỡng thờ Mẫu là những bậc thánh nhân đã siêu thoát. Khi giảng đạo, khi phủ dụ dân chúng, những bậc thánh nhân này nhập hồn vào người sống. Hoạt động này dân gian gọi là “lên đồng”.
Những người sống được các bậc thánh nhân nhập hồn này thường nhảy múa, hát ca. Những bài hát theo làn điệu hát Chầu văn, thực chất là những lời giảng dạy bằng văn vần và âm nhạc, giảng dạy về Đạo Mẫu, về cá nhân từng Mẫu, về các ông hoàng, bà chúa, về từng ngôi đền, hoặc đó là những lời phủ dụ, kêu gọi, dạy dỗ dân chúng phải sống thế nào, thái độ đối với Đạo Mẫu phải xử sự ra sao. Tập tục Lên đồng là một tín ngưỡng, một nét văn hóa vô cùng độc đáo của dân tộc Việt Nam. Những người bị nhập hồn là các ông, bà Đồng cốt, còn lời những bài hát Chầu văn chính là lời Thánh dạy. Khi cần sửa chữa, hay xây lại đền, phủ, Thánh sẽ nhập vào một người lên đồng, nói rõ ý định, cách thức tiến hành. Mỗi vị thánh khi nhập, thường có một kiểu ăn mặc riêng, điệu bộ, giọng hát riêng. Những người thạo về đồng cốt, chỉ cần nhìn cách ăn vận, nghe ngôn từ văn hát đã biết là thánh nào về nhập. Khi nhập hồn, các thánh thường hay răn dạy, quở trách, trừng phạt, hay ban thưởng lộc tiền, đồ ăn, thức uống, hoặc chữa bệnh cho chúng sinh.
Chính tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh Mẫu phạt những người từng làm điều ác. Có một người tôi biết khá rõ, anh ta vốn hay đối xử ác với nhiều người. Ấy vậy nhưng anh ta lại hay đi lễ Mẫu để cầu tài, cầu lộc. Tôi nhìn thấy anh ta và tự hỏi không biết anh ta sẽ khấn những gì? Khi anh ta vừa đến trước ban thờ Mẫu và chắp tay vái, bỗng như bị ai quật đổ, anh ta ngã vật xuống nền nhà và tự đập đầu mình xuống nền gạch trong đền. Những người đứng lễ xung quanh hoảng hốt khấn Mẫu xin tha cho anh ta, càng khấn, anh ta càng đập đầu mình xuống nền gạch nhanh hơn, mạnh hơn. Tôi trông thấy anh khua khua một tay ra hiệu cho mọi người đừng xin hộ nữa, có lẽ vì đau quá.
Tôi còn được chứng kiến một cảnh chữa bệnh như sau: Một thiếu niên bị bệnh kết tóc. Tóc chú bé dính bết lại từng đám như bị dính nhựa đường (hắc ín). Người nhà nói là đã đi nhiều bệnh viện, nhưng không chữa được. Cắt tóc đi, khi mọc lại, tóc lại bết chặt vào nhau. Người ta bảo, bố mẹ chú bé phạm lỗi gì đó nên con bị bệnh này. Muốn khỏi phải thành khẩn sám hối, nhận lỗi, xin Mẫu tha thứ. Người mẹ bày lễ vật lên ban thờ, trong số lễ vật có mấy chai nước lọc. Sau khi khấn Mẫu và thành tâm sám hối, người mẹ xin Mẫu chữa bệnh cho cháu bé. Đợi tàn hương, người mẹ lấy mấy chai nước lọc từ ban thờ xuống, dắt con ra sau đền, gội đầu cho cậu bé. Tôi tò mò đi theo xem. Thật kỳ lạ, sau khi đổ nước đã cúng xuống những đám tóc bết trên đầu cậu bé, bà mẹ lấy lược chải cho con, lược chải đến đâu, tóc tơi ra đến đấy. Bà mẹ tráng lại tóc của cậu bé bằng một chai nước đã cúng khác, rồi lấy khăn lau khô đầu cho cậu bé. Tóc cậu trở lại bình thường, không bị bết, kết dính với nhau nữa. Bà mẹ quỳ ngay xuống đất, hướng về đền vái lia lịa, tạ ơn thánh Mẫu.
Tôi còn được thấy một người vừa bước vào đền liền đứng sững lại và tự vả vào mặt mình, miệng thì quát rất to: “Mày cút khỏi đền mau!”. Thấy vậy ông từ coi đền vội chạy ra nói với người đàn bà nọ: “Bà ơi, Ngài không cho bà vào đâu. Bà cứ ra ngoài đi đã. Cứ khấn Ngài ở ngoài cũng được mà. Khi Ngài tha, hãy vào”. Nói đoạn, ông dắt người đàn bà kia thất thểu ra khỏi đền.
Tôi nghĩ là, những ai đã được chứng kiến những cảnh như tôi vừa kể, cũng đều có một ý nghĩ rằng, chắc chắn có những thế giới siêu hình tồn tại mà ta không nhìn thấy. Những thế giới ấy ở ngay bên cạnh chúng ta và có thể tác động đến chúng ta, mà chúng ta không hề biết.
Quay trở lại chuyện đầu thai. Sau khi Linh hồn đã đi đầu thai, khối sinh linh chỉ còn lại một lớp Phách và hai lớp Vía. Ba lớp cơ thể này vẫn tiếp tục tồn tại trong Vũ trụ như một thực thể. Khối sinh linh như thế mọi người vẫn thường gọi là Vong, hay Ma. Các Vong vẫn có bộ nhớ của thể Vía lưu giữ những sự kiện, những kỷ niệm, những cảm xúc, thậm chí cả bệnh tật của kiếp trước. Vía Cảm xúc và Vía Hạ trí vẫn còn nguyên, nên các khối sinh linh này vẫn yêu, ghét, vẫn suy nghĩ, tính toán như xưa. Vì hai lớp Thiện tâm và Tuệ tâm của Tâm linh không còn nên tính vị kỷ, tự ái giờ đây được nhân lên gấp bội. Vì thiếu Tâm linh, nên những khối sinh linh này không thể liên thông với Niết bàn được nữa, thành thử những “con người siêu hình” này không có được các thông tin về tương lai. Vì vậy, để nhận biết được Vong, ta nên để ý trong các cuộc “gọi hồn”, Vong nào về nói được tương lai, thì người chết đó vẫn còn Linh hồn, chưa đầu thai. Vong nào chỉ nói về quá khứ, về những kỷ niệm xưa, hoặc những sự việc đang diễn ra trong hiện tại, mà không đề cập gì đến tương lai, thì Vong đó có thể không còn Tâm linh, Linh hồn đã đi đầu thai rồi. Khối sinh linh với Phách, Vía sẽ tồn tại tối đa khoảng bốn, năm trăm năm, sau đó suy yếu dần. Căn nhà lưu trú của những sinh linh này chính là nấm mồ với bộ hài cốt của họ, song thực ra rất ít khi Vong lưu trú tại hài cốt ở mộ phần. Thông thường, họ hay lưu trú tại những cây cổ thụ có từ trường sinh học phát ra năng lượng mạnh mẽ, hoặc tại những tảng đá phát sóng năng lượng, đặc biệt là cây cối, đá già ở cạnh sông, suối. Đấy mới là những nơi các Vong hay lưu trú, bởi những nơi này có nhiều năng lượng Prana. Bên những vật thể như vậy, người chết ở cõi Trung giới thường hay cư ngụ thành những cộng đồng, như xóm làng, phường phố ở cõi trần. Nhà cửa, xóm làng, hay phố xá này đều được họ tạo ra bằng tư tưởng, ý nghĩ.
Sau khi ba lớp Tâm linh đã tách ra, đi đầu thai, lớp Phách sẽ thu năng lượng từ cõi Trung giới để nuôi dưỡng hai lớp Vía. Càng về sau, khi lớp Phách đã suy yếu, không thu được năng lượng để nuôi dưỡng hai thể Vía nữa, từ trường của những lớp cơ thể sinh linh này yếu dần, nhạt nhòa rồi dần dần tắt hẳn.
Còn một nguồn năng lượng nuôi dưỡng những sinh linh này là thức ăn - đồ cúng, mà người thân, hoặc gia đình cúng cho họ. Các Vong này “ăn” theo kiểu thu các từ trường sinh học của vật cúng, như hoa, quả, xôi, gà, lợn… Những đồ vật cúng phải là các sinh vật càng tươi càng tốt. Ví dụ: Hoa hay quả đều là những cơ thể sinh vật trọn vẹn. Khi còn tươi, xung quanh các cơ thể sinh vật này có các từ trường sinh học phát ra. Đây chính là “thức ăn”cho các sinh linh “Hồn, Phách, Vía” kia. Họ sẽ thu hít các trường năng lượng sinh học đó. Cách ăn của “người âm” là như vậy.
Những người do tu luyện, học hành, dưỡng tâm, tu đức sẽ có Tâm linh rất phát triển. Thiện tâm và Tuệ tâm sẽ phát tiết mạnh mẽ. Tần số Tâm linh của những người này sẽ rất cao, có thể vượt qua ranh giới giữa cõi Sắc giới và Vô sắc giới. Tần số Tâm linh của họ phù hợp với tầng nhân sinh nào thì Tâm linh sẽ được thu hút vào đúng tầng đó. Quá trình này diễn ra hoàn toàn tự động vào ngày định kiếp. Trong những trường hợp ấy, khi Tâm linh đã siêu thoát lên những tầng cao bên trên rồi, con người với lớp Phách, Vía còn lại cũng ở những tầng khá cao, như: Thượng giới hoặc Bồ đề. Khi khối Tâm linh nào đã vượt lên qua ranh giới của cõi Vô sắc giới (tầng Bồ đề), người đó sẽ không đầu thai nữa, mà sẽ ở lại sống trên Niết bàn với đời sống trí tuệ và minh tâm của Phật giới.
Những trường hợp tần số Tâm linh thấp dưới tầng Chính nhân (Người), quá trình đầu thai thành Người sẽ không xảy ra, và Tâm linh mang tần số này sẽ được định kiếp vào một tầng nhân sinh phù hợp nào đó bên dưới tầng Chính nhân. Người chết sẽ tái sinh thành kiếp Atula nhân, hay Ngã quỷ nhân, hoặc Súc sinh nhân. Đây là quá trình thoái hóa về Tâm linh. Nếu được định kiếp ở những cõi dưới tầng Chính nhân, những sinh linh này sẽ không nhất thiết phải hữu hình. Tức là họ có thể tồn tại không có hình hài chưa phát triển như người. Họ sẽ tồn tại ở dạng trường sóng hạt, người đời hay gọi họ là “ma”. Còn nếu vì lý do nào đó, mà họ đầu thai được vào cõi Chính nhân, thì đây sẽ là những trường hợp bất thành nhân, hay thiểu năng trí tuệ bẩm sinh.