Ngay từ khi còn đang sống với thân xác cho đến khi chuyển kiếp, đầu thai, ai cũng sẽ phải đương đầu với nghiệp ch ướng và quả báo. Vậy nghiệp chướng là gì? Nó hoạt động theo cơ chế nào? Ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống ra sao?
Nghiệp chướng cũng giống như quả báo. Luật “Giá sắc*” đã nói: “Có gieo, ắt có gặt! Gieo gì, gặt nấy! Gieo một, gặt trăm!”. Nghiệp chướng chỉ khác quả báo trong luật nhân - quả ở chỗ: Quả báo là những hậu quả lớn, báo ứng từ những việc làm quá thất đức, bất nhân đối với người khác. Quả báo có thể đến ngay tức thì, khi con người (thân xác) còn đang sống. Quả báo thường báo ứng ngay trong kiếp sống đó. Quả báo hình thành do những hành động thất đức, mất nhân tính, ở cấp độ lớn, để lại những dấu ấn rất đậm nét trong Tâm linh, tạo ngay thành những “tần số hắc ám”. “Tần số hắc ám” chính là những tần số rất nặng nề ô trọc, sẽ lập tức tạo ra một sức hút Tâm linh, thu hút những kẻ có tần số tương tự, tức là những kẻ cũng thuộc diện hắc ám đến quanh mình. Khi đã bị những kẻ hạ đẳng, hắc ám vây quanh, thì sớm hay muộn cũng sẽ phải gặp ngay những điều chẳng lành. Đó là một trong những cơ chế hình thành quả báo. Vì thế quả báo thường gây hậu quả ngay tức thì trong một kiếp sống, nhanh hay chậm tùy thuộc mức độ vi phạm đạo đức, hay mất nhân tính ở cấp độ nào? Quả báo mang tính thưởng - phạt của tạo hóa là như vậy.
* Từ cổ, có nghĩa tương tự như “quả báo”.
Còn nghiệp chướng, về bản chất cũng như quả báo, nghiệp chướng hình thành do những lời nói, hoặc những hành động làm tổn thương, hoặc gây đau khổ, bất hạnh cho kẻ khác. Nhiều khi đó chỉ là những lời nói, hoặc việc làm nông nổi, vô ý thức mà thôi. Với nghiệp chướng, lỗi lầm không quá lớn, hậu quả cũng ở cấp độ thấp hơn so với quả báo, nhưng cũng để lại những dấu vết “mờ tối” trong Tâm linh. Những dấu tích này tuy không đủ sức mạnh để tạo ra những “sức hút hắc ám”, lôi cuốn những kẻ hạ đẳng, đầu trộm, đuôi cướp đến ngay với mình để gây ra ngay hậu quả như quả báo, nhưng nếu cứ tiếp tục gây ra nhiều nghiệp chướng liên tục, thì “những đám mây đen” nghiệp chướng này cứ tích tụ, dày dần lên, làm nhiễu từ trường thân xác, làm xao động, thậm chí lệch lạc cả tần số Tâm linh, cản trở con đường tiến hóa Tâm linh con người. Hơn nữa, những người bị hại vì những lời nói, những việc làm kia, khiến họ chịu khổ sở, bất hạnh, thì cứ mỗi lần nhớ đến kẻ đã gây ra bất hạnh cho mình, họ không thể không căm hận. Lòng căm hận đó thông qua Tâm linh và não bộ của họ, sẽ phát sóng thành những “gói thông tin u ám”, như những đám mây đen, phóng đến những kẻ đã gây cho họ đau khổ, đeo bám, vây bọc lấy họ. Trong các “thế giới sóng” (các cõi vật chất siêu hình), nghiệp chướng thường hiện hình thành những hình quái vật, ma quỷ khổng lồ, trông rất ghê sợ, hoặc thành những ảo cảnh hãi hùng như vực sâu thăm thẳm, lửa thiêu, rắn rết v.v. Người mới chết nếu bị nghiệp chướng đeo bám, trông thấy những cảnh này thường rất sợ hãi, vì tưởng là cảnh thật. Thực ra đây là những nỗi sợ hãi thường trực của những kẻ đã từng gây tội lỗi và “những đám mây đen của lòng thù hận” vẫn vây quanh họ suốt một thời gian dài, nay được hồi quang, phản chiếu qua sóng não bộ, thành những hình ảnh vô cùng đáng sợ ở những thế giới Tâm linh mà thôi. Sau khi chết, những người có nhiều nghiệp chướng thường hay gặp những cảnh như vậy. Thực ra đó chỉ là những ảo ảnh, phản chiếu từ chính những lớp Tâm linh và Vía bất an, luôn luôn sợ sệt của họ chứ không phải thật. Những người bị nghiệp chướng đeo đẳng thường không dám vượt qua những cảnh khiếp đảm ấy để đến được những cảnh sắc cao hơn trong quá trình đầu thai. Vì luôn luôn sợ hãi, họ thường trốn tránh, lẩn khuất trong những cảnh sắc u tối có tần số thấp, nên khi đến dịp đầu thai, họ thường rơi vào những số phận không ra gì, ở những cõi rất thấp kém bên dưới. Chính vì vậy nghiệp chướng thường cản trở con người trên con đường hoàn thiện và phát triển Tâm linh.
Nghiệp chướng có hai loại. Nghiệp chướng do tư tưởng và lời nói của mình gây ra những tai họa, những bất hạnh, những khổ đau, hoặc làm tổn thương đến người khác, gọi là khẩu nghiệp. Nghiệp chướng do những hành động, việc làm của mình gây ra những bất hạnh, đau khổ cho kẻ khác gọi là thân nghiệp. Muốn tránh không bị Nghiệp chướng, con người phải chịu khó rèn luyện. Trước khi nói năng hay định làm một việc gì, cũng phải cân nhắc kỹ xem, những điều mình sắp nói, những việc mình định làm liệu có gây ra những khó chịu, những tổn thương, hay đau khổ cho ai không. Nếu việc đó có thể gây bất hạnh cho kẻ khác thì dù lợi cho bản thân đến mấy cũng không được làm, chứ đừng nói tới những việc làm chỉ vì hứng thú!
Ngoài ra, con người nên tận dụng mọi cơ hội để làm việc thiện. Mỗi khi giúp được cho một người là mỗi lần ta lại cải thiện được tần số Tâm linh của chính mình. Những người được ta giúp, mỗi khi nghĩ đến ta, não của họ luôn phát ra những sóng thông tin tốt đẹp, hàm ơn kèm những năng lượng tốt hướng đến ta, bao quanh ta, làm ta luôn cảm thấy sảng khoái, tĩnh tại, khỏe khoắn. Nhờ thế tần số Tâm linh của ta sẽ được cải thiện dần lên, ta sẽ loại bỏ dần được những nghiệp chướng đã trót phạm phải. Khi hết nghiệp chướng, lúc lâm chung ta không bao giờ thấy những cảnh hãi hùng, không phải trốn chạy vào những vùng u tối, để phải đầu thai xuống những kiếp thấp hèn, khổ sở. Ta sẽ không thấy sợ hãi những vùng ánh sáng chói lòa với những nhân vật khổng lồ, để từ đó có thể đầu thai vào những cõi giới cao hơn, thanh tịnh, đầy tình yêu thương và hạnh phúc. Ngoài ra những người được ta giúp, luôn luôn nghĩ đến ta với những làn sóng thông tin (năng lượng) tốt đẹp, tạo ra quanh ta những vầng hào quang sinh khí rực rỡ, giúp chúng ta luôn khỏe mạnh, vô tư, vui tươi và yêu đời. Ai làm được như vậy, chắc chắn người đó sẽ không bao giờ mang nghiệp chướng.
Nếu trước đó, giai đoạn chưa ý thức được về nghiệp chướng, ta lỡ phạm phải lỗi lầm rồi, cũng đừng lo sợ. Giai đoạn tu thân tiến bộ sau này sẽ xóa đi được rất nhiều, hoặc xóa sạch được những dấu ấn u ám, xấu xa trước đó, nếu chưa xóa được những dấu ấn xấu, thì chúng cũng không đủ mạnh để gây họa. Nếu còn thấy những cảnh hồi quang, phản chiếu hãi hùng của nghiệp chướng trong những giấc chiêm bao, những người này chỉ cần tập trung tư tưởng, không sợ sệt, nhìn thẳng vào sự thật của chính mình, kiểm điểm lại những hành động, những cách xử sự của mình vừa qua, xem có sai sót gì không, nếu sai thì xin lỗi và tự sám hối. Theo Phật giáo Mật tông, khi đã ý thức được, rằng mình đã trót gây nghiệp chướng, hãy tĩnh tâm và đọc bài chú “Tịnh khẩu nghiệp chân ngôn” để giải các nghiệp chướng do ý nghĩ và lời nói gây ra, hoặc chú “Tịnh thân nghiệp chân ngôn” để giải những nghiệp chướng do những hành động của mình gây ra bất hạnh cho kẻ khác. Nếu thực tâm tự sám hối và đọc hai bài thần chú này, tự nhiên nghiệp chướng sẽ dần dần tan biến hết. Nếu đã thuộc được hai bài chú của phái Mật tông, để vững tâm hơn, có thể niệm “Bạch y thần chú”, hay “Chú chuẩn đề” hàng ngày là những hồi quang phản chiếu của nghiệp chướng sẽ tan biến hết. Những người trót làm quá nhiều điều ác nhưng sau đó biết tu thân để cải nghiệp thì khi chết, nếu có gặp những ảo ảnh ghê sợ như những người khổng lồ, hay quái vật ba đầu sáu tay, cũng đừng sợ hãi. Hãy bình tĩnh một cách lễ độ, miệng đọc “Bạch y thần chú”, tất cả những ảo ảnh hãi hùng đó sẽ biến mất. Kể cả những người đã từng phạm tội ác cũng sẽ được giúp đỡ siêu thoát, nếu sau những tội ác đó, họ đã thực sự ăn năn, hối cải, không sợ sệt, không trốn tránh, dám nhận lỗi, thực lòng quy thiện.
Một điều đáng lưu ý nữa mà người sống nên biết, trước khi từ giã cõi trần, người ta sẽ có rất nhiều cơ hội để khắc phục những nghiệp chướng mà mình đã phạm, có thể cải thiện kiếp sống sau này, hoặc để siêu thoát lên những cõi cao hơn. Những cơ hội đó sẽ xuất hiện ngay sau khi Linh hồn cùng Phách, Vía vừa rời khỏi thân xác đã chết.
Khi người hấp hối vừa trút hơi thở cuối cùng, cũng là lúc Linh hồn cùng Phách, Vía rời khỏi thân xác. Người chết sẽ chìm vào một cơn hôn mê. Khi “tỉnh dậy”, họ thấy những người thân đã quá cố của mình đã đứng xung quanh. Được chào đón thế giới này người mới chết sẽ không bị bỡ ngỡ, sẽ vững tâm hơn, vì có người thân bên cạnh chỉ bảo, giúp đỡ. Có những trường hợp người chết vì một lý do gì đó, như khi sống đã làm nhiều điều tệ hại, khiến những người thân quá căm giận mà từ bỏ, không muốn nhìn mặt họ. Sau khi chết, những người này trở thành đơn độc, một thân, một mình ở thế giới bên kia, họ sẽ bỡ ngỡ, rụt rè và lo sợ. Chẳng khác gì chúng ta một thân, một mình đến một đất nước xa lạ mà không có ai đón tiếp, hướng dẫn.
Thông thường, người mới chết bao giờ cũng muốn quay trở về nhà ngay với gia đình. Nếu được gặp những người thân đã quá cố chỉ bảo, hướng dẫn, thì việc làm quen với một cuộc sống mới ở một thế giới mới sẽ không có gì là khó khăn cả. Lúc này người chết cũng có một hình hài “thân xác” như ở cõi trần. Thực ra đây là “lớp thân xác” được hình thành từ thể Vía, trông giống hệt như thân xác bằng xương, bằng thịt ở cõi trần, nhưng chỉ là trường sóng hạt mà thôi, những con người xác thịt ở cõi Hồng trần không thể nhìn thấy được. Sau khi đã quay trở lại nhà mình, người chết lúc này có cơ thể sáu lớp (ba Tâm linh, hai Vía, một Phách), đều là vật chất siêu hình nên không thể giao tiếp với người sống ở cõi Hồng trần được nữa. Những người thân trong gia đình không nhìn thấy họ và cũng không nghe thấy những điều họ nói. Ngược lại, người chết vẫn nhìn thấy, vẫn nghe thấy những người sống. Điều này làm họ rất đau khổ. Song dần dà họ cũng buộc phải quen với những điều khó chịu đó. Sau một, hoặc dăm ba chu kỳ 49 ngày, khi tần số dao động của sóng Tâm linh đã ổn định, họ sẽ bị hôn mê lần thứ hai. Khi tỉnh dậy sau lần hôn mê thứ hai này, họ sẽ thấy mình không còn ở bên gia đình với những người thân nữa. Trước mắt họ giờ đây là một không gian hoàn toàn mới lạ, vắng lặng, bao la với một thứ ánh sáng bàng bạc. Đây chính là lúc Tâm linh đã thoát ra khỏi thể Phách với hai lớp Vía, để chuẩn bị định kiếp mới. Hoặc họ đầu thai trở lại kiếp người, hoặc phải xuống các cõi thấp hơn, như Atula, Ngã quỷ nhân, nhưng cũng có thể sẽ được siêu thoát lên những tầng cao hơn, như Thánh nhân, hoặc cõi Phật (Niết bàn). Điều này phụ thuộc trước hết vào cách sống tại kiếp trước của người đó. Thứ đến là còn phụ thuộc vào sự hiểu biết của họ về Tâm linh con người. Những người đã giác ngộ, hoặc đã được nghe giảng dạy về Tâm linh sẽ đều hiểu giai đoạn này là giai đoạn chuyển kiếp, một giai đoạn cực kỳ quan trọng. Ở giai đoạn này, người chết sẽ phải đối mặt với chính mình, với kiếp sống đã qua của mình, đối mặt với những quả nghiệp thiện hay nghiệp ác mà mình đã gây ra ở kiếp trước.
Sau khi thức dậy ở lần hôn mê thứ hai, người chết có thể thấy xuất hiện những nhân vật to lớn, những quái vật khổng lồ, có thân mình phát hào quang rực rỡ. Cùng với các nhân vật này là những khoảng trời chói lóa ánh sáng, mạnh mẽ như lửa hàn và có thể có những tiếng sấm vang rền. Những người sống thiện tâm, làm nhiều điều thiện, sau một kiếp sống ngắn ngủi của đời người bao giờ cũng tự tin, bình thản, thư thái khi từ giã cõi trần. Khi thức tỉnh ở cõi Trung giới, những người này thường thấy mình được gặp những con người to lớn, uy nghi, toàn thân tỏa hào quang rực rỡ với những vẻ mặt đầy thiện tâm. Những người này đều tin rằng họ đang được gặp các đấng chư Phật. Thành thử chả có gì phải sợ sệt cả. Họ bình thản, tự tin bước về vùng trời có ánh sáng chói lòa, mà họ tin rằng đó là Niết bàn, là Phật giới. Niềm tin và cảm nhận của họ là thật. Bởi những vùng trời chói lòa ánh sáng ấy chính là cửa ngõ để họ siêu thoát, đến với Niết bàn.
Ngược lại, những kẻ thiếu trí tuệ, quá ích kỷ, luôn nhầm lẫn giữa việc thỏa mãn dục vọng với hạnh phúc đích thực, giữa trí tuệ với khôn ranh, giữa chân giá trị của con người là trí tuệ và tình yêu thương nhân loại với danh vọng, địa vị trong xã hội. Thành thử, trong kiếp người ngắn ngủi, họ luôn coi danh vọng, địa vị, tiền bạc là những giá trị tối thượng. Họ phải giành giật lấy những cái đó bằng mọi cách, kể cả việc làm hại, hay hủy diệt con người. Làm ác nhiều lần rồi cũng sẽ thành quen, thậm chí thành “kỹ xảo”. Song, đến một lúc nào đó, khi bắt đầu luống tuổi, họ chợt nhận được những tín hiệu của Tâm linh nên bỗng giật mình lo sợ. Khi hôn mê lần thứ nhất, lúc đang hấp hối, khi Linh hồn, Phách, Vía rời khỏi thân xác đang giá lạnh bởi cái chết, họ đã có dịp xem lại toàn bộ quãng đời trong quá khứ, những điều tốt và những điều xấu xa mình đã làm. Được xem lại những “thước phim” ghi hình, ghi tiếng từ bộ nhớ của não chuyển sang thể Vía và Tâm linh, họ không khỏi lo lắng sợ sệt cho chặng đường sắp tới ở “cõi Âm”. Khi thức tỉnh lại ở cõi Trung giới lần thứ hai, khi Tâm linh rời bỏ Phách, Vía để chuyển kiếp, đi đầu thai, hoặc siêu thoát, thì những nỗi sợ hãi đó, thực chất là những “gói năng lượng mang thông tin” tiêu cực, giờ đây trông như những đám mây đen xám xịt quây chặt lấy họ, đã được hiện hình thành những ác quỷ khổng lồ, nhiều đầu, nhiều mắt, nhiều tay, ngồi trên đống đầu lâu, hay xương người chẳng hạn, hay những cảnh đầy hãi hùng như rắn rết, vực thẳm vang lên những tiếng gào rú của ma quỷ. Những cảnh này khiến họ vô cùng sợ hãi, tìm đường lẩn trốn vào những nơi khuất bóng, tối tăm. Họ không hề biết rằng, chính những chỗ tối tăm, dễ lẩn trốn ấy, lại là những nẻo đường đưa người ta xuống những cõi dưới thấp kém, khổ ải.
Thông thường những người chết ít hiểu biết về thế giới Tâm linh sẽ rất ngại gặp những cảnh này, dù những nhân vật khổng lồ kia là ma quỷ hay có thể loáng thoáng nhận ra rằng đó là Phật, là các Đức Thánh. Họ sợ cả ánh sáng chói lòa rực rỡ, cho dù họ hiểu đó là ánh sáng trí tuệ của cõi Niết bàn. Họ sợ cả những tiếng sấm rền vang của năng lượng cõi Niết bàn. Vì quá sợ hãi, họ sẽ lảng tránh vùng ánh sáng chói lòa của các nhân vật khổng lồ, nhưng nhân hậu kia. Họ sẽ chạy đến những vùng ánh sáng xanh da trời vốn quen thuộc, hoặc những vùng ánh sáng trắng dịu mắt, hay những vùng có ánh sáng bàng bạc.
Tâm linh những người có tu luyện, đã phát triển cao sẽ được siêu thoát lên thẳng hai cõi Niết bàn, hoặc tầng trên của cõi Bồ đề. Còn sinh linh Phách, Vía của họ cũng tồn tại ở các cõi rất cao như Thượng giới, hay Bồ đề.