Đ
ôi khi, chỉ một từ cũng có thể thay đổi suy nghĩ của bạn mãi mãi.
Tôi từng mời Clara Claiborne Park phát biểu tại một hội nghị gây quỹ thường niên cho những người mắc hội chứng tự kỷ mà tôi tổ chức. Clara là một giáo sư người Anh tại trường Đại học Williams, cũng là mẹ của Jessy Park, một bé gái mắc hội chứng tự kỷ có biệt tài vẽ tranh. Clara và chồng mình, David - là những người tiên phong trong lĩnh vực tự kỷ. Trong những năm 1960, họ tham gia sáng lập tổ chức Cộng đồng dành cho Trẻ mắc Hội chứng Tự kỷ toàn quốc, một tổ chức tuyên truyền đầu tiên tại Mỹ ; và vào năm 1967, Clara đã xuất bản cuốn sách The Siege1, cuốn hồi ký đầu tiên của một phụ huynh với những dòng chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy trẻ mắc hội chứng tự kỷ và được đông đảo bạn đọc yêu thích đón nhận. Tôi vinh dự được biết đến Clara và David khi mới vào nghề và từ đó luôn tận dụng mọi cơ hội để được trò chuyện cùng họ.
1. The Siege: Vòng vây. (ND)
Jessy mang rất nhiều đặc điểm đặc trưng của hội chứng tự kỷ. Cô bé gặp khó khăn trong việc giao tiếp, diễn đạt bằng lời nói, và luôn sợ hãi khi bị ai đó động chạm đột ngột. Trong suốt những năm qua, bố mẹ của Jessy vẫn luôn tôn trọng và ủng hộ những đam mê của con mình, và một trong số những đam mê đó đã trở thành đề tài cho các bức vẽ cầu vồng sặc sỡ, sống động của cô bé: cũng như kiến trúc, số nguyên tố, đám mây, máy đo dặm, quạt sưởi, chòm sao, đèn đường , máy rút tiền ATM, và nhiều thứ khác nữa.
Clara khi ấy đã gần tám mươi tuổi và sau khi phát biểu xong , bà trả lời các câu hỏi từ phía khán giả. Một vị khán giả đặt câu hỏi: “Tôi rất tò mò về những ám ảnh của con gái bà. Bà đã giải quyết vấn đề này như thế nào vậy?”
Clara nhắc lại: “Ám ảnh ư?” Thế rồi bà lặng nghĩ về câu hỏi một lúc và đáp lại: “Chúng tôi luôn nghĩ về chúng như những niềm đam mê của con gái tôi mà thôi.”
Hai vợ chồng Clara và David luôn có thái độ có tính xây dựng đối với các chủ đề thu hút sự chú ý của con gái họ, kể cả khi chủ đề có gì đó kỳ quặc. Bà chỉ ra rằng nếu điều gì đó thực sự thu hút được sự chú ý và khả năng tập trung của Jessy, thì họ sẽ cố gắng tìm cách xoay chuyển sở thích này theo hướng có lợi nhất cho cô bé.
Việc đó không phải lúc nào cũng dễ dàng , bởi sở thích của Jessy rất khó đoán. Có một thời gian, Jessy chỉ tập trung vào những chiếc quạt sưởi. Cô bé say mê phong cách thiết kế của chúng ; phân loại chúng theo những kiểu dáng và thương hiệu và xem xét kĩ từng bộ phận của chiếc quạt. Rồi cô bé lại chuyển sang thích những thứ khác: những biểu tượng của các ban nhạc rock. Jessy miệt mài nghiên cứu bìa album và hình ảnh trong các cuốn tạp chí, xem xét kĩ lưỡng những lá thư và hình ảnh đồ họa. Cô bé bắt đầu tổng hợp những chiếc quạt sưởi và biểu tượng của các ban nhạc rồi đưa vào trong những bức vẽ của mình. Cô bé có rất nhiều tác phẩm được treo trong các viện bảo tàng và trưng bày tại một số triển lãm. Thay vì yêu cầu Jessy từ bỏ sở thích của mình, Clara đã tôn trọng chúng và cho rằng sở thích nào cũng đều có lý do để tồn tại, đặc biệt là đối với Jessy, chúng mang lại những ý nghĩa nhất định và có phần lớn lao.
Sở thích của trẻ mắc hội chứng tự kỷ tồn tại ở nhiều loại khác nhau, như là nói liên hồi hay tập trung tuyệt đối vào những chủ đề như các tòa nhà chọc trời, các loài động vật, hay không gian địa lý, các thể loại âm nhạc nhất định, hay các quy luật của mặt trời, hoặc những lối ra khỏi đường cao tốc. Có lẽ, việc tập trung vào một chủ đề khiến trẻ có cảm giác tự kiểm soát được bản thân, và dự đoán được mọi thứ cũng như thấy an toàn trong một thế giới khó nắm bắt và đáng sợ.
Xây dựng niềm đam mê
Tuy nhiên, một số phụ huynh và chuyên gia lại coi những sở thích này như triệu chứng không mong muốn của hội chứng tự kỷ, điều đó khiến trẻ càng khó hòa nhập hơn. Thường thì bản năng của họ là làm cho trẻ nản lòng rồi hướng các em tập trung vào những thứ khác, như gợi ý cho chúng những sở thích quen thuộc và được mọi người chấp nhận. Tuy nhiên, ngăn cản niềm đam mê cũng chẳng khác nào phá bỏ một phương thức giúp trẻ mắc hội chứng tự kỷ tự kiểm soát tốt và ổn định hơn - hoặc tệ hơn nữa là tước bỏ sở thích cùng thú vui của trẻ. Một phương pháp hữu ích hơn chính là đi theo con đường của bố mẹ Jessy đã làm và tận dụng chính niềm đam mê của trẻ để mở rộng tầm nhìn cũng như cải thiện cuộc sống của trẻ.
Đó là trường hợp của Eddie, một học sinh lớp bốn - cậu bé không mấy hứng thú với việc đọc các câu chuyện mà giáo viên giao cho trong chương trình học. Eddie không hề gặp trở ngại gì trong việc đọc và cũng không chủ ý trốn làm bài tập trên lớp hay bài tập về nhà. Chỉ là cậu bé thấy kiến thức trong môn học quá trừu tượng , còn mấy câu chuyện thì chẳng hề liên quan đến trải nghiệm cuộc sống của cậu bé.
Với danh nghĩa là cố vấn học khu, tôi đã gặp cô giáo của cậu bé, Kate, là người phụ trách mảng giáo dục đặc biệt tại trường. Tôi đề xuất rằng chúng tôi cần tìm cách để giúp cậu bé tìm được hứng khởi trong việc học. Chắc chắn phải có thứ gì đó tạo động lực thúc đẩy cậu bé đọc và viết nhiều hơn. Vậy nó là gì ? Kate đã chú ý đến một chi tiết: Eddie thích dành thời gian để quan sát từng biển số xe trong khu để xe của trường , sau đó ghép biển số với xe theo trí nhớ của mình.
Một người giám sát cẩu thả hay một giáo viên không thực sự lưu tâm thì sẽ không thể nhận ra đó là sở thích của một cậu bé, chỉ đơn giản như xem biển số xe, lại thực sự là một cơ hội lớn để chúng tôi có thể giúp đỡ cậu. Tôi nhắc Kate chú ý đến sở thích đặc biệt này của Eddie, vì biết đâu nó lại giúp chúng tôi có ý tưởng về việc thu hút cậu bé.
Một tháng sau, khi tôi trở lại. Kate háo hức khoe với tôi về một dự án mà Eddie vừa mới hoàn thành. Kate đã giúp Eddie lên kế hoạch và rồi cậu bé đã dành thời gian chụp lại từng chiếc xe cũng như biển số trong bãi đậu xe của trường. Nhờ có sự giúp đỡ của cô giáo và ban giám hiệu mà Eddie đã có thể ghép mỗi một chiếc xe với từng nhân viên là chủ xe. Sau đó, cậu bé gặp từng chủ xe, chụp ảnh họ, và tiến hành một cuộc phỏng vấn để làm quen với mọi người trong trường : Cô có sở thích gì không ? Thầy kết hôn chưa ạ? Cô có mấy người con?
Dần dần cậu bé tập hợp các tấm ảnh, ghi chép lại các cuộc phỏng vấn, và chuẩn bị một buổi trình chiếu thuyết trình trước lớp. Dự án không chỉ phục vụ mục đích riêng là tạo cơ hội cho Eddie tập trung vào kỹ năng đọc, viết, nghiên cứu, và sắp xếp tài liệu sao cho hợp lý, mà còn mang đến rất nhiều sự thay đổi khác cho cậu bé. Từ một cậu bé còn dửng dưng và không hề có chút động lực nào với việc đọc và viết, giờ cậu đã hào hứng tiếp tục dự án của mình, cậu trao đổi với các giáo viên để thu thập và tổng hợp thông tin liên quan để chia sẻ với cả lớp. Dự án cũng đem đến cho Eddie cơ hội thực hành các kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh, thông qua việc giới thiệu dự án của mình với cả lớp bằng niềm hãnh diện, rồi sau đó tự tin giải đáp các câu hỏi của họ.
Đối với bố mẹ cậu bé, chẳng còn gì đáng mừng hơn thế. Sau đó, chúng tôi có tổ chức một cuộc họp với nhóm hỗ trợ để nhìn lại sự tiến bộ của Eddie, và Kate đã giải thích rõ về dự án cùng mục đích và lợi ích mà nó mang lại cho cậu bé. Bố của Eddie nghe xong thì ngạc nhiên và hỏi lại: “Thằng bé đã làm gì cơ? Thằng bé đã phỏng vấn giáo viên sao? Tôi không thể tin được!” Khi Kate cho anh ấy xem những tấm ảnh chụp Eddie thuyết trình trước các bạn cùng lớp, anh ấy thực sự bị choáng ngợp. Eddie đã đạt được những kết quả mà ngay cả bố mẹ cậu bé cũng không thể tưởng tượng nổi. Cậu bé ngày một tiến bộ cả về mặt học tập lẫn giao tiếp, và ngày càng tự tin hơn.
Những phụ huynh khác có thể không ủng hộ việc một giáo viên dùng chủ đề vặt vãnh như biển số xe để thu hút sự chú ý của con họ. Một giáo viên khác có thể sẽ khăng khăng yêu cầu Eddie đọc các câu chuyện mà các bạn cùng lớp đang đọc, cả khi cậu bé không hề thích chúng. Một ngôi trường khác có thể không cho phép tiến hành đổi mới phương pháp học tập mang tính cá nhân như vậy, thay vào đó, họ chấp nhận để học sinh phải chật vật (và có thể thất bại) trong chương trình học truyền thống tại trường. Tuy nhiên, thành công của Eddie không hề tiêu tốn chút tiền bạc của gia đình, cũng không đòi hỏi những phương pháp đổi mới triệt để, mà cậu bé chỉ cần một người giáo viên có thể nhận ra tầm quan trọng của việc quan sát tỉ mỉ và có bản năng nhìn nhận niềm đam mê như một điểm mạnh của mình. Kate đã tập trung vào những gì đem lại động lực và thu hút sự tập trung của Eddie, và dựa vào chính sở thích của cậu bé để làm nguồn cảm hứng mạnh mẽ giúp Eddie hứng thú hơn trong học tập. Cô nhìn nhận niềm đam mê của cậu bé như một tiềm năng chứ không phải một trở ngại hay rắc rối.
Điều gì đã thúc đẩy niềm đam mê?
Vì sao người mắc hội chứng tự kỷ tự tạo niềm đam mê cho mình? Để trả lời câu hỏi ấy, ta cần ngẫm lại cảm giác thoải mái và thỏa mãn mà tất cả chúng ta đều được trải nghiệm khi có những sở thích, đam mê hay những bộ sưu tập của riêng mình. Nếu bạn từng ghé thăm nhà tôi, bạn có thể ngạc nhiên khi thấy chiếc tủ kính kiểu Trung Quốc trưng bày hơn một trăm mẩu răng nanh hải mã với đủ hình dạng và kích cỡ khác nhau. Trong chuyến thăm đảo Vancouver từ nhiều năm trước, tôi lần đầu được thấy những tác phẩm điêu khắc của người Inuit từ răng nanh, và ngay lập tức tôi đã bị chúng hấp dẫn. (Người dân bản địa được phép săn bắn hải mã để lấy răng nanh, làm nguồn thức ăn, quần áo, công cụ, và nguyên liệu làm đồ thủ công.) Có lẽ điều hấp dẫn tôi nhất chính là vẻ ngoài bóng bẩy hay độ láng mịn của chiếc răng nanh mà tôi cảm nhận được khi chạm tay vào nó. Tôi mở rộng quy mô của bộ sưu tập, một phần là do tôi bị lôi cuốn bởi sự tỉ mỉ và vẻ ngoài hấp dẫn của các sản phẩm điêu khắc - cái cách mà những người thợ thủ công chạm khắc từ những nguyên liệu thô thành những sản phẩm có hình dạng của các con vật như hải mã, gấu và cá voi. Dù vì bất cứ lý do gì, thì tôi cũng rất thích thú với việc sưu tập các sản phẩm này và luôn cảm thấy hài lòng vì điều đó.
Tôi không nghĩ mình bị ám ảnh, nhưng giống như nhiều người khác, tôi cũng đã trải qua các giai đoạn khác nhau trong quá trình sưu tập những tác phẩm ấy. Hồi tôi chừng ba mươi tuổi, sống ở Trung Tây Hoa Kỳ, tôi thường lái xe đến các cửa hàng bán đồ nội thất đã qua sử dụng hay tham gia các cuộc đấu giá nông trại để tìm kiếm những món đồ cổ. Sau đó, tôi thêm một số món vào bộ sưu tập của mình, đó là những chiếc chăn cổ, thảm Navajo, rồi đến những chiếc đồng hồ cùng ghế đẩu để chơi đàn piano và cả những chùm đèn pha lê cổ nữa.
Việc gìn giữ những bộ sưu tập khiêm tốn này không khiến tôi trở thành kẻ lập dị hay bất thường. Đó là vấn đề mà tôi muốn nói. Hầu như ai trong số chúng ta cũng đều có những đam mê và sở thích riêng. Những niềm đam mê này thỏa mãn những nhu cầu mà chúng ta mong muốn, đem đến niềm vui, sự hài lòng vì những lý do mà ta chẳng thể giải đáp. Chúng là một phần của cuộc sống , và là một phần của mỗi chúng ta.
Nhưng vì sao niềm đam mê của người mắc hội chứng tự kỷ lại thường mãnh liệt hơn so với những người khác? Tại sao niềm đam mê của họ thường cháy bỏng hơn gấp trăm ngàn lần những người khác? Như bao sở thích hay trò tiêu khiển khác, niềm đam mê của họ cũng xuất phát từ cảm xúc yêu thích. Một trải nghiệm sẽ đáp ứng những nhu cầu cơ bản để một người có thể hòa nhập với mọi người, từ niềm tin yêu và trân trọng cái đẹp, cũng như trải nghiệm cảm xúc tích cực mà chúng mang lại. Khi người mắc hội chứng tự kỷ hình thành một sở thích, chúng ta phải ngầm hiểu rằng chủ đề yêu thích của họ chính là mảnh ghép hoàn hảo phù hợp với sinh lý của người đó và nó có chức năng rất quan trọng. Một người trưởng thành mắc hội chứng Asperger giải thích với tôi rằng vì gặp khó khăn trong việc giao tiếp hàng ngày nên rất nhiều người mắc hội chứng tự kỷ đã truyền nguồn năng lượng của mình vào các lĩnh vực mà họ yêu thích. Vì vậy, trong một số trường hợp, điều này đã dẫn đến những niềm đam mê mãnh liệt và sự tập trung hơn cho họ.
Đam mê của Michael chính là âm nhạc. Hồi tám tuổi, rất lâu trước khi có thể nói chuyện một cách tự tin, cậu bé đã bộc lộ năng khiếu cảm thụ âm nhạc của mình. Cậu bé có thể nghe tiếng còi của những chiếc ô tô lướt qua và ngay lập tức tìm ra những nốt nhạc tạo nên âm thanh đó. Nếu bỗng dưng bị mất tập trung , cậu sẽ nhìn và la: “Dấu giáng !”. Sau đó, Michael sẽ nghe một bài hát trên đài, rồi ngồi vào đàn piano và cố gắng đàn lại những giai điệu của nó ngay trong lần đầu. Nếu được yêu cầu cậu bé cũng có thể ngay lập tức chuyển đổi các bài hát thành những âm điệu khác nhau.
Chỉ có 15% người mắc hội chứng tự kỷ bộc lộ những tài năng hoặc năng khiếu thiên bẩm vượt trội này, chúng được gọi là những kỹ năng bác học, nhưng đa số những trẻ mắc hội chứng tự kỷ thì không có khả năng này. Nhiều người khác lại có “kỹ năng tập trung” (có khả năng làm một nhiệm vụ cụ thể nào đó, nhưng không có khả năng làm đồng thời các nhiệm vụ khác) - ví dụ như có khả năng học thuộc nhanh hoặc có tài năng nghệ thuật, những thế mạnh này nổi trội hơn hẳn các kỹ năng khác của họ. Những khả năng phi thường này bắt nguồn từ các cách thức học tập khác nhau, dựa trên sự khác biệt về cách bộ não xử lý và lưu trữ thông tin. Một số trẻ bị thu hút bởi những thông tin, hoạt động , hoặc nhiệm vụ phù hợp với cách học vẹt của chúng hơn. Số khác thì thích những thông tin cụ thể và xác thực mà chúng có thể dễ dàng ghi nhớ; và có cả những trẻ ưa thích các hoạt động đòi hỏi kỹ năng đánh giá không gian tốt của thị giác, chẳng hạn như việc sắp xếp nhiều thứ với nhau. Một thiếu niên có thể nhớ vô số sự kiện và chi tiết về những chú khủng long hoặc các đội thể thao. Một đứa trẻ mới lẫm chẫm biết đi cũng có thể dễ dàng hoàn thành một bộ ghép hình phức tạp.
Phụ huynh của những đứa trẻ này lại gặp nhiều trở ngại hơn khi tin chắc rằng con họ không có kỹ năng, tài năng hay một sở thích nào đáng ngạc nhiên cả. Thế nhưng , trẻ vẫn có thể bộc lộ rõ sự yêu thích của mình với một số loại kích thích cảm giác nhất định. Chúng có thể tìm đến cách kích thích thị giác, thính giác, hoặc xúc giác bằng việc giơ tay lên trước mặt rồi búng , tạo ra những thanh âm vui tai, hoặc sờ vuốt vào bề mặt các đồ vật để khám phá chất liệu của chúng. Nhiều trẻ thường bị hấp dẫn bởi một số món đồ chơi nhất định, vì những kích thích xúc giác của những món đồ này. Một đứa trẻ lẫm chẫm biết đi mà tôi từng làm việc cùng bị cuốn hút bởi đủ loại quạt điện. Nếu biết có một chiếc quạt trong phòng , cậu bé sẽ gần như tìm mọi cách để được vào phòng đó và chỉ để chạm vào nó, hay mỗi khi bất ngờ thấy một chiếc quạt, cậu bé sẽ xem xét nó kỹ lưỡng từ mọi góc độ. Có điều gì đó thú vị về mặt cảm giác - ví dụ như cảm nhận làn gió nhẹ, quan sát cánh quạt quay, cảm nhận sự rung động của các động cơ, hoặc tất cả những việc ấy cộng hưởng lại - đã thu hút được sự chú ý và khiến cậu bé hào hứng tột độ.
Ông hoàng của các tiệm rửa xe cùng những câu chuyện ấn tượng về đam mê khác
Khi trẻ nhận thức được niềm yêu thích ấy, những thăng hoa về cảm xúc thường biến thành trung tâm của sự chú ý, sở thích, và mối bận tâm. Trẻ muốn tìm kiếm những điều đem lại cảm xúc tích cực, và ý định đó chiếm lĩnh suy nghĩ của các em suốt cả ngày.
Alexander luôn tò mò với các cửa hàng rửa xe. Hồi còn nhỏ, khi bố cậu bé đưa xe đi rửa, cậu ngay lập tức bị thu hút nhưng cũng sợ hãi những âm thanh, tiếng nước phun, tiếng bàn chải, và cảnh những chiếc xe được đưa ra ngoài sau khi rửa xong. Alexander chẳng thế lý giải được lý do vì sao cậu lại thích, nhưng hết lần này đến lần khác cậu bé van nài bố mẹ chở mình quay lại chỗ rửa xe để cậu có thể ngắm nhìn và lắng nghe những âm thanh ở đây. Gia đình Alexander ghé qua chỗ rửa xe nhiều đến mức ông chủ ở đó đã trở thành bạn của họ. Ông ấy sẵn lòng để cậu bé giúp mình bằng cách cho cậu bé đứng ở cổng , vẫy tay ra hiệu cho các tài xế đánh xe vào rửa.
Bố mẹ của cậu không hiểu điều gì đã thôi thúc niềm đam mê của Alexander, nhưng họ có thể cảm nhận được nó đã đem lại cho cậu bé niềm vui lớn nhường nào. Những đứa trẻ khác thì yêu thích công viên giải trí, xe đụng hoặc dốc trượt tuyết ở đó, còn con họ lại vui sướng khi đến cửa hàng rửa xe. Đi đến đâu họ cũng đều tìm những chỗ rửa xe và đánh dấu hành trình của mình trên bản đồ dựa vào những cửa hàng mà họ đã đi qua ; họ đã ghé thăm những điểm rửa xe từ Florida cho đến Maine. Tại mỗi điểm dừng trong hành trình, Alexander lại háo hức ra khỏi xe, xem xét từng khu vực và hành xử theo cách mà những đứa trẻ khác hay làm khi xem một trận bóng rổ nhà nghề Mỹ hoặc một bộ phim hành động.
Khi Alexander lên mười, bố mẹ cậu bé đã liên lạc với Hiệp hội Rửa xe Quốc tế để xin họ các tập quảng cáo mà con họ hẳn sẽ thích. Thật bất ngờ vì việc đó đã đem lại một kỳ nghỉ trong mơ cho cậu bé - không phải chuyến đi đến công viên Disneyworld hay quần đảo Hawaii, mà là một chuyến đi đến Las Vegas, với tư cách là khách mời danh dự tại hội nghị thường niên của Hiệp hội. Alexander háo hức đến nỗi gần như không ngủ trong suốt ba đêm liền. Bố của cậu bé còn gọi cậu là Ông hoàng của những tiệm rửa xe.
Và một cậu bé khác tên Chad. Cậu bé có niềm đam mê đối với các thiết bị tưới phun vườn. Kể từ khi còn nhỏ cho đến lúc trở thành thiếu niên, đi đến đâu cậu bé cũng mày mò dưới đất để tìm những vòi phun tự động. Tại một công viên chật cứng người xem pháo hoa trong kỳ nghỉ, Chad thường dán mắt vào mặt đất, dò tìm đầu của vòi phun. Khi tìm ra một cái, cậu bé sẽ kéo nó lên để xem tên nhà sản xuất. Lúc tám tuổi, cậu bé đã có thể phân biệt được các thiết bị phun nước của hãng Toro cùng hai hãng Orbit và Rain Bird. Trong giờ mỹ thuật, ngoài những con vật và cây cối, Chad luôn vẽ thêm nhiều thiết bị phun tự động cùng những tia nước bắn ra ngoài không trung.
Điều gì đã khiến cậu bé hứng thú với những thiết bị tưới vườn đến vậy ? Có lẽ nó bắt đầu từ một trải nghiệm về giác quan: Chad bị cuốn hút bởi vẻ ngoài và âm thanh của những chiếc vòi phụt nước, rồi tự biến mất đầy bí ẩn, hoặc cảm giác nhẹ nhàng khi nước được phun lên từ những đám cỏ. Dần dần, sở thích đó đã chuyển thành mối quan tâm của cậu bé. Ở những nơi lạ lẫm, cậu bé thấy khó có thể tập trung vào bất cứ việc gì nếu chưa quan sát kĩ khu vực đó và tìm ra những chiếc vòi phun nước. Mặc dù rõ ràng là điều này không thu hút được những đứa trẻ khác cùng trang lứa, nhưng bố mẹ cậu bé vẫn vui mừng khi thấy con trai mình tìm được niềm vui. Những ông bố khác sẽ đưa con họ đi xem bóng chày hoặc đi câu cá, còn bố của Chad lại dành thời gian tìm kiếm trên trang eBay để mua cho cậu bé những cái đầu vòi phun đã qua sử dụng. Chad sẽ đặt tên cho từng cái đầu vòi, cho chúng vào ba lô và mang đến đến trường. Bố mẹ của cậu bé còn vẽ mặt cười lên đầu vòi phun. Đôi khi Chad còn ngủ chung với chúng như mấy con gấu bông vậy.
Những niềm đam mê mãnh liệt này có thể giúp trẻ bận rộn và học được cách tập trung hơn. Chúng sẽ thúc đẩy việc học và tạo điều kiện thuận lợi để trẻ tham gia vào các tình huống có thể sẽ có đôi chút khó khăn. Điều này cũng đúng với trường hợp của Ken, một thiếu niên mắc hội chứng tự kỷ. Từ nhỏ, Ken đã đam mê vẽ - những bức vẽ của cậu không quá xuất sắc và nghệ thuật mà nó chỉ đơn thuần là vẽ những dòng kẻ trên giấy mà thôi. Lâu dần, cậu bé bắt đầu hứng thú với việc giải mã mê cung ; Ken sẽ nhìn chăm chú vào một trang giấy và dùng một cây bút mực hoặc bút chì để tìm đường ra khỏi mê cung. Điều hấp dẫn Ken không chỉ là việc vẽ dòng kẻ, mà chính là việc giải quyết vấn đề. Mỗi mê cung đều có những lô gích và trật tự riêng , cũng như điểm bắt đầu và kết thúc.
Gia đình Ken đi du lịch ở đâu cậu bé cũng mang theo những cuốn sách mê cung của mình đến đấy. Dù Ken không giao tiếp nhiều bằng lời nói - cậu bé đang học cách sử dụng thiết bị để truyền tải giọng nói - nhưng bố mẹ vẫn luôn dẫn cậu bé đến các buổi họp với nhóm hỗ trợ của cậu, bởi họ biết rằng con mình có thể hiểu nhiều hơn nói. Ken có thể gặp khó khăn nếu chỉ ngồi lắng nghe mọi người trong cuộc họp, nhưng chính tập sách vẽ mê cung đã giúp cậu bé ngồi yên trong phòng. Vừa ngồi vẽ những mê cung của mình, vừa tham gia vào buổi họp, nhìn mọi người chăm chú, khi thì cậu thấy hào hứng với buổi trò chuyện, khi không còn hứng thú nữa lại quay trở lại với mê cung của mình. Với phương pháp này, Ken có thể tập trung và kiểm soát bản thân bằng việc thay đổi hướng tập trung của mình từ nhiệm vụ tham gia vào buổi trò chuyện đến một hoạt động mà cậu bé cảm thấy mình có đủ năng lực để thực hiện tốt hơn.
Rất nhiều người mắc hội chứng tự kỷ thấy sẽ tốt hơn khi mang theo một món đồ chơi hay những món đồ khác đến những địa điểm khiến họ gặp khó khăn, hoặc tổ chức các hoạt động có liên quan đến sở thích của họ - chẳng hạn như các nhà hàng , sự kiện quan trọng của gia đình, hoặc những hoạt động theo nhóm ở trường. Hầu như sở thích, hay niềm đam mê nào cũng có thể hỗ trợ họ trong những trường hợp như vậy. Sở thích của cậu bé Vinny năm tuổi chính là những chiếc máy hút bụi của hãng Oreck. Ở trường , mỗi khi Vinny cảm thấy quá tải, cậu bé sẽ xin đi vệ sinh, cả khi cậu không có nhu cầu giải quyết. Cậu bé sẽ trốn trong một buồng vệ sinh và nhiều khi còn không chịu về lớp. Mẹ của Vinny đã nghĩ ra một chiến lược độc đáo để tận dụng sở thích của con mình như một cách để giúp cậu bé tự nghỉ giải lao và thư giãn khi cần, đặc biệt là từ các hoạt động nhóm. Bà sưu tập danh mục hàng hóa của hãng Oreck, cắt những hình ảnh về máy hút bụi, và sắp xếp chúng thành một quyển sách có tựa đề: “Cuốn sách hạnh phúc của Vinny.” Khi cần giải lao sau những hoạt động theo nhóm đông người trên lớp, cậu bé có thể đọc Cuốn sách hạnh phúc, rồi ngồi lên chiếc ghế có túi nệm ở một góc trong vài phút, ngắm nghía những bức ảnh chụp máy hút bụi dạng đứng hoặc nằm để tiếp thêm năng lượng trước khi trở lại các hoạt động trên lớp cùng các bạn.
Một vài niềm đam mê đến và đi chỉ trong một thời gian ngắn, và số khác thì có thể kéo dài đến vài chục năm sau. Một vài niềm hứng thú đặc biệt sâu sắc có thể có sự kết nối rõ ràng với các sở thích trong tương lai của trẻ. Matt đam mê mọi thứ liên quan đến thời gian. Hồi nhỏ, trong một lần tôi đến thăm lớp học của Matt với tư cách là cố vấn học khu, cậu bé đã lao về phía tôi, túm lấy cánh tay tôi để xem chiếc đồng hồ đeo tay. Cậu bé chỉ nói mà không nhìn tôi: “Bác Barry, bây giờ là chín giờ mười lăm phút sáng !”
Đó chính là cách mà cậu bé giao tiếp với mọi người. Vào một buổi sáng của tháng Mười hai, Matt năm tuổi háo hức khoe với tôi về khám phá mới nhất của cậu bé: “Bác Barry à, bác có biết điều gì sẽ xảy ra khi đồng hồ chỉ mười một giờ năm mươi chín phút vào đêm ba mươi mốt tháng Mười hai không ạ?”
Tôi hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra vậy?”
Cậu bé đứng thẳng người và đi nhón chân, rồi giang tay như chim vỗ cánh và đáp với một nét mặt rạng rỡ: “Quả bóng lớn sẽ rơi xuống và đó là thời khắc bước sang năm mới!” Đó là đam mê của Matt, cách cậu bé trò chuyện và chia sẻ những gì mình biết và quan tâm. Vài năm sau đó, khi đã trưởng thành hơn, Matt vẫn luôn yêu thích những chiếc đồng hồ và thời gian, thậm chí còn thích chơi những môn thể thao có yếu tố thời gian (khúc côn cầu) hơn là những môn không có yếu tố thời gian (ví dụ như bóng chày).
Đam mê của cậu bé chín tuổi Danny lại là các gia vị sử dụng để nấu ăn. Hồi bé, cậu thường xem mẹ nấu nướng trong bếp. Tuy không biết rõ từng loại, nhưng cậu bé vẫn thích thú với những gia vị mà mẹ mình dùng. Cậu bé có thói quen sắp xếp các loại gia vị theo thứ tự bảng chữ cái, rồi sau đó xem các chương trình dạy nấu ăn trên tivi và tìm kiếm các trang web về nấu nướng. Cậu bé đã trở thành chuyên gia về cách chế biến những món nướng của mọi vùng miền. Danny có thể liệt kê vanh vách những điểm khác biệt trong kiểu nướng của các vùng Texas, Kentucky, Louisiana, và Bắc Carolina. Dù bố mẹ cậu bé chẳng thể hiểu nổi điều gì đã đem đến những sở thích này trong con mình, hay vì sao cậu bé lại thích chúng đến vậy, nhưng rõ ràng là Danny cảm thấy thoải mái khi tìm hiểu về những loại gia vị. Mẹ cậu còn hình dung ra việc con trai mình sẽ theo học ngành nghệ thuật ẩm thực ở một trường đại học và sau đó trở thành một đầu bếp nổi tiếng. Thay vì muốn thay đổi hướng đi của con trai mình, bố mẹ Danny lại tỏ ra vô cùng tự hào về tài năng của cậu bé và thấy niềm đam mê của cậu có sức lan tỏa rất lớn khiến họ vô cùng vui mừng.
Đó cũng là cảm giác mà tôi có vào lần đầu tiên gặp Brandon. Trong lúc tôi đang ghé thăm lớp học tại học khu mà tôi từng làm cố vấn, một nhà trị liệu đã giới thiệu tôi với một cậu bé bốn tuổi dễ thương và ăn nói cực kỳ lưu loát. Cậu bé ngay lập tức nói với tôi rằng gia đình cậu vừa mới chuyển đến thị trấn này.
Cậu bé hỏi tôi: “Bác từ bang nào tới ạ?”
Tôi đáp lại rằng tôi sống ở tiểu bang Rhode Island.
Cậu bé tiếp tục: “Thành phố Providence, bang Rhode Island phải không ạ?”
Tôi trả lời cậu bé là tôi sống ở vùng ngoại ô thành phố.
Cậu bé lại nói: “Providence chỉ là một thành phố nhỏ. Bác có thích sống ở một thành phố lớn không ạ?”
Tôi nói là có, và rằng tôi lớn lên ở thành phố New York. Nghe đến đó, mắt cậu bé bỗng sáng rực lên.
“Bác lớn lên ở thành phố New York sao? Cả nhà cháu đều thích đến New York và cháu yêu thành phố này. Nhà cháu nghỉ ở khách sạn Marriott Marquis tại Quảng trường Thời Đại, và bao giờ bố mẹ cháu cũng chọn tầng mười sáu bởi ở trên đó vì mọi người có thể nhìn ngắm toàn bộ quang cảnh của Quảng trường Thời Đại ở phía dưới.” Brandon tiếp tục nói cho tôi biết số của những phòng khách sạn mà gia đình cậu bé đã ở trong những lần tham quan gần đây và phòng nào cũng có thể nhìn ngắm những quang cảnh đẹp nhất xung quanh.
Tôi hỏi cậu bé thích ngắm nhìn những gì qua khung cửa sổ tại khách sạn. Brandon trả lời trong khi nhìn ra xa xăm, cứ như thể cậu bé đang tua một thước phim ngắn về phong cảnh trong tâm trí mình vậy. Cậu bé vừa nói vừa chỉ tay về phía bức tường của lớp học: “Có một biển quảng cáo giày Nike với bức ảnh của ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant ở đằng kia,” sau đó tiếp tục miêu tả toàn bộ khung cảnh trong trí nhớ của mình.
Tận dụng sở thích để kết nối với mọi người
Khi trẻ đặc biệt yêu thích một chủ đề nào đó, giống như tình cảm của Brandon dành cho New York vậy, chúng ta có thể biến niềm đam mê đó thành nền tảng để thiết lập các mối quan hệ xã hội và tạo dựng lòng tin bằng cách tham gia vào một chủ đề mà trẻ yêu thích. Rất nhiều trẻ tập trung vào một chủ đề nhất định bởi một lý do quan trọng là chủ đề ấy giúp các em thấy an toàn để bắt đầu cuộc trò chuyện với mọi người. Thậm chí những câu hỏi mơ hồ, không có ngữ cảnh và tưởng chừng như chẳng hề liên quan (“Bác thích giống chó nào nhất?”, “Nhà bác dùng loại tủ lạnh nào thế?”) cũng có thể là một chiến lược để trẻ giao tiếp với mọi người. Bất cứ khi nào gặp tôi, Brandon cũng nắm bắt cơ hội để nói cho tôi nghe về New York: “Bác có sống ở Manhattan không , hay một trong bốn khu còn lại? Khu Brooklyn đúng không bác? Bác ở phần nào ạ?”
Cuộc trò chuyện của chúng tôi chưa kết thúc ở đó mà mới chỉ bắt đầu thôi. Thường thì niềm đam mê với một chủ đề nhất định sẽ tạo ra sức hấp dẫn để lôi cuốn trẻ tham gia vào một hoạt động hay một cuộc trò chuyện nào đó. Một khi trẻ đã hứng thú tham gia, thì chúng ta có thể từ từ thay đổi hoặc mở rộng chủ đề để xem các em có linh hoạt và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi đó không. Dĩ nhiên là độ nhanh nhạy còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển của trẻ. Tuy nhiên, với sự sáng tạo của mình, các bậc phụ huynh cũng như giáo viên có thể dựa vào chính niềm đam mê đối với một chủ đề nhất định của trẻ để thúc đẩy các em giao tiếp nhiều hơn và tự giải quyết các vấn đề của mình.
Matt là một ví dụ điển hình. Cậu bé đang theo học một lớp mẫu giáo, nhưng giáo viên lại băn khoăn không biết nơi này có thích hợp với cậu bé hay không. Vấn đề là Matt gặp khó khăn trong việc tập trung khi tham gia vào các hoạt động nhóm với cả lớp. Trong các buổi sinh hoạt vào mỗi buổi sáng của lớp, mỗi khi có ai đó hỏi là cậu bé lại trả lời bằng việc nhắc đi nhắc lại các ngày trong tuần, nhưng sau đó thì phớt lờ phần còn lại của buổi thảo luận, dường như cậu còn mải suy nghĩ về một cái gì đó.
Mẹ của Matt biết chính xác điều mà cậu con trai năm tuổi của mình đang quan tâm, là bộ phim Gấu Pooh và những người bạn. Matt thực sự rất yêu thích bộ phim hoạt hình của hãng Disney và cứ thao thao bất tuyệt về các nhân vật trong phim. Mẹ của cậu bé đã mang đến cho giáo viên một vài tập nhãn dán có hình các nhân vật trong bộ phim và nói: “Nếu cô có thể lồng ghép chúng vào các hoạt động buổi sáng thì có thể thằng bé sẽ tham gia tích cực hơn.”
Sau đó, giáo viên đưa nhãn dán vào hoạt động buổi sáng và gắn các nhân vật với mỗi một ngày trong tuần. Thứ Hai là ngày của bạn Hổ, thứ Ba là ngày của bạn Roo (chú kangaroo con trong bộ phim), thứ Tư là ngày của bạn Eeyore (Chú lừa màu xám hay bi quan, buồn rầu). Chỉ vậy thôi cũng đủ để Matt hào hứng với hoạt động này hơn so với trước kia, các bạn cùng lớp cũng vui vẻ tham gia cùng cậu bé bằng cách dùng tên nhân vật để gọi các ngày trong tuần.
Thay vì nhìn nhận sự ham thích của Matt như một nhân tố gây bất lợi, tách cậu khỏi các bạn cùng lớp, cô giáo của cậu bé đã tận dụng hiệu quả và sáng tạo niềm đam mê này để kết nối Matt với những học sinh khác trong lớp và với bài giảng của cô (các ngày trong tuần, các tháng trong năm). Chưa bao giờ Matt lại sẵn lòng hòa đồng với các bạn cùng lớp đến vậy, và cậu bé cũng ít bị sao lãng hơn trước, bởi cô giáo đã tìm được cách thu hút sự quan tâm cũng như tinh thần tham gia của Matt để giúp cậu bé có thể tiếp tục tiến bộ.
Sự phát triển và trưởng thành như vậy cũng có thể diễn ra khi các gia đình tìm được cách nhận thức và tôn trọng những sở thích đặc biệt của trẻ, cũng như đan xen nó vào các hoạt động thường ngày của cả gia đình. Vài năm trước, một người đàn ông đã đưa tôi đến gặp con trai anh là Hakeem, cậu thiếu niên đang học tại một trường quốc tế ở Kuwait, để xin lời khuyên của tôi về cuộc sống ở trường cũng như ở nhà của cậu bé. Dù cậu bé cũng gặp phải rất nhiều trở ngại và khó khăn, nhưng sau khi quan sát, tôi nhận thấy Hakeem rất linh hoạt và kiên cường hơn rất nhiều trẻ mắc hội chứng tự kỷ khác. Tôi cũng sớm nhận ra đó là thành quả có được từ cách tiếp cận rất cởi mở của bố mẹ cậu bé đối với những sở thích của con trai mình.
Khi tôi ghé thăm nhà họ, điều đầu tiên mà họ chia sẻ với tôi chính là niềm đam mê của Hakeem đối với những đoàn tàu, đặc biệt là lịch trình tàu chạy. Họ nói thêm rằng họ luôn khuyến khích con mình chủ động lập kế hoạch cho kỳ nghỉ đến châu Âu vào tháng Tám hằng năm của cả nhà. Bố mẹ Hakeem đã trao cho cậu bé quyền quyết định điểm đến, rồi họ dành hàng tháng để cùng nhau nghiên cứu chi tiết, tập hợp bản đồ, sổ tay du lịch, và tất cả những thông tin cần thiết cho việc lập kế hoạch chuyến đi. Khi cả nhà đã lập xong phần khung kế hoạch cho chuyến du lịch, mọi chi tiết cụ thể đều sẽ do Hakeem quyết định: họ sẽ đi tàu nào, ở lại thành phố trong bao lâu, khi nào thì đến điểm du lịch tiếp theo.
Bố mẹ cậu bé cho tôi xem những cuốn lưu bút dán ảnh, các mẩu thông tin cắt ra từ những tờ quảng cáo và bản đồ mà họ tập hợp lại sau mỗi chuyến đi xa. Mỗi một mục trong cuốn sổ đều bắt đầu với thời gian khởi hành của những đoàn tàu và đó chính là cách mà gia đình họ đề cao sở thích của Hakeem. Bằng việc nhận thức và tôn trọng mối quan tâm của con mình với lịch trình tàu chạy, họ đã giúp cậu bé gần gũi gắn kết với gia đình cùng thế giới xung quanh hơn, và phát triển được một cảm giác tích cực về bản thân. Không những vậy Hakeem có thể mở mang vốn hiểu biết của mình về các thành phố và địa danh ở châu Âu, mà quan trọng là cậu bé còn cảm nhận được mình là một thành viên có tiếng nói trong chính gia đình cậu.
Đam mê đối với người xung quanh
Đôi khi, trẻ không tập trung vào một chủ đề mà vào một người nào đó. Giống như bao đứa trẻ khác, trẻ mắc hội chứng tự kỷ cũng thường bị cuốn hút bởi các ngôi sao điện ảnh, nhạc sĩ, hoặc các vận động viên. Đôi khi, trẻ chỉ dồn mọi sự chú ý vào một người bạn của mình, theo cái cách mà những cô bé, cậu bé mới lớn “cảm nắng” nhau. Sự khác biệt chính là trẻ mắc hội chứng tự kỷ thường không hiểu được những ranh giới mà người khác đặt ra với họ, vì vậy niềm đam mê và sự nhiệt thành của các em có thể khá ngượng ngùng hoặc khiến người khác cảm thấy khó xử. Một đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ có thể không hiểu được rằng những đứa trẻ khác thường không trực tiếp bày tỏ xúc cảm mạnh mẽ của mình với bất kỳ ai khác. Những tình huống như vậy có thể gây rắc rối cho trẻ, nhưng khi các em dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt cho một người bạn thì đó cũng là cơ hội để giáo viên hoặc phụ huynh dạy cho trẻ những kiến thức về tình bạn cùng các ranh giới của các mối quan hệ trong xã hội.
Tyler là một cậu bé học mẫu giáo mắc hội chứng Asperger và Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) luôn dành phần lớn sự quan tâm cho cô hiệu trưởng của mình. Tôi gặp Tyler lần đầu tại trường mầm non của cậu bé (nơi tôi từng làm cố vấn). Khi ấy, cậu bé lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và liên tục lăn mình trên sàn nhà mà chẳng chịu tham gia vào giờ sinh hoạt cùng các bạn. Cậu bé với mái tóc vàng hoe cùng thân hình rắn chắc, rất sáng dạ và hoạt ngôn. Cậu bé từng chỉ tập trung vào robot và lego khi còn học mầm non.
Vào trường mẫu giáo mới được vài tuần, Tyler đã nhanh chóng quý mến cô hiệu trưởng Anderson. Mỗi khi gặp cô, cậu bé đều bắn liên thanh một loạt câu hỏi: Cô ngồi chỗ nào ạ? Cô làm gì ạ? Công việc của cô là gì ạ? Cô có con chưa ạ? Hiệu trưởng Anderson cũng dành cho Tyler một sự quan tâm đặc biệt, và đã mời cậu bé tới văn phòng của cô chơi. Nhận thấy đây là cơ hội để biến niềm yêu mến và sự thích thú của Tyler thành nguồn động lực cho chính cậu bé, cô đã đưa ra một giao kèo với cậu: nếu Tyler có thể tiếp tục đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong một tháng thì cô ấy sẽ cho phép cậu bé cùng làm hiệu trưởng với mình trong một ngày. Điều đó có nghĩa là nếu như Tyler tham gia hoạt động cùng các bạn trong lớp thay vì chui rúc dưới bàn, nếu cậu bé tự giác hỏi xin giúp đỡ thay vì cứ rầu rĩ một mình, và cậu bé có thể tiến bộ trong một vài lĩnh vực, thì cậu bé sẽ được hưởng đặc quyền này.
Lời đề nghị đã thu hút sự chú ý của Tyler, và cậu bé bắt đầu làm theo những yêu cầu của hiệu trưởng Anderson cũng như tuân thủ các quy tắc của trường lớp. Với sự hỗ trợ của giáo viên, Tyler đã tiến bộ từng ngày. Cậu bé luyện tập thói quen nhờ giúp đỡ hay xin nghỉ giải lao khi cần, một chiến lược giúp cậu bé kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Tyler học chăm chú hơn, và luôn cố gắng hết sức để tham gia vào các hoạt động với các bạn trên lớp. Cuối tháng , cậu bé đã giành được đặc quyền của cô hiệu trưởng. Nhà trường đã lưu lại trải nghiệm đặc biệt khó quên này trong một cuốn album ảnh: Tyler mặc com-lê thắt cà vạt, đi theo sau cô hiệu trưởng tới tất cả hoạt động và cuộc họp của trường , thậm chí còn ngồi vào một chiếc bàn nhỏ trong góc văn phòng của cô ấy. Tyler rất vui và có cảm giác như mình là một phần quan trọng của ngôi trường mà cậu bé đang theo học. Không những vậy, cậu bé còn học được cách kiểm soát hành vi của mình để theo đuổi những gì quan trọng đối với bản thân.
Khi đam mê gây ra rắc rối
Trong một vài trường hợp khác, những gì mà trẻ chú ý đến lại gây ra nhiều vấn đề. Sở thích đặc biệt của Gabriel chính là mắt cá chân của phụ nữ. Với đối tượng khác điều này có thể xem như chứng “ái vật”1. Nhưng đối với cậu nhóc tuổi vị thành niên đó thì chẳng qua chỉ là một thứ mà cậu thấy thích thú và muốn khám phá ở khoảng cách gần mà thôi. Thi thoảng , tại một trung tâm mua sắm hay đang đi trên đường , nếu Gabriel bắt gặp một người phụ nữ đi giày cao gót để lộ hai mắt cá chân, cậu nhóc cao hơn một mét tám ấy sẽ ngồi xổm xuống để cố chạm mắt cá chân của họ. Những người quen biết Gabriel đều hiểu rằng cậu là người ngọt ngào và hiền lành, nhưng chắc chắn người phụ nữ với đôi mắt cá chân được cậu chú ý đến sẽ lo lắng và không biết phải phản ứng thế nào. Dù mục đích của cậu có ngây thơ thế nào đi chăng nữa, thì người ta cũng dễ dàng quy chụp nó là hành động bệnh hoạn, đáng sợ, hoặc thậm chí là nguy hiểm đối với họ.
1. Có mối quan tâm tình dục đối với những đối tượng không phải là cơ quan sinh dục. (ND)
Trong những tình huống như vậy, quan trọng là phải giúp những người mắc hội chứng tự kỷ hiểu được các quy tắc và cách ứng xử về những hành vi được xã hội chấp nhận, nhưng ở một mức độ phù hợp với khả năng của người đó. Đối với một người có khả năng nhận thức nhanh, chúng ta cần tạo ra một danh sách các hành vi được chấp nhận hoặc cách ứng xử phù hợp trong những tình huống giao tiếp cụ thể và trao đổi, theo cách mà những đối phương sẽ nhìn nhận tình huống đó ra sao. Đối với trẻ hay những người có khả năng nhận thức còn hạn chế, chúng ta cần nói thẳng cho họ biết về các quy tắc, nhấn mạnh vào những gì họ nên làm thay vì những gì họ không nên làm. Đối với những đối tượng còn lại, chúng ta cần sử dụng các công cụ hỗ trợ trực quan bằng hình ảnh - chẳng hạn như tranh ảnh, hoặc thậm chí là các video thay vì chỉ nói miệng với họ. Mục tiêu về lâu về dài chính là giúp người trong cuộc nhận thức được cách ứng xử như thế nào là phù hợp trong các tình huống giao tiếp khác nhau, hạn chế các hành vi bốc đồng , dù cho chúng có liên quan đến đam mê hay sở thích của họ đi chăng nữa.
Thậm chí ngay cả khi sở thích của trẻ được mọi người chấp nhận hơn thì niềm đam mê đó cũng có thể gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho chính các em. Lời phàn nàn mà tôi hay phải nghe nhiều nhất từ các bậc phụ huynh là : các em nói không biết chán về một chủ đề nhất định, ví dụ như khủng long , tàu hỏa, phim hoạt hình, thang máy. Dù thấu hiểu và tôn trọng sở thích đặc biệt của con mình, nhưng họ vẫn cảm thấy có phần nản lòng và bực mình khi đứa trẻ dường như không hiểu rằng việc nói liên hồi như vậy là không nên và nó đang làm phiền họ, nhất là khi bạn bè hoặc người lớn tỏ ra không hài lòng hoặc chẳng thèm nghe nữa.
Tất cả chúng ta đều có những chủ đề yêu thích của riêng mình, nhưng chúng ta cần biết khi nào thì mình đang nói quá nhiều. Nếu tôi gặp một người cũng là người hâm mộ của đội bóng chày New York Yankees, chúng tôi có thể dành cả tiếng đồng hồ để hồi tưởng lại những pha gay cấn trong trận đấu đêm qua. Nhưng người khác lại có thể thấy nhàm chán chỉ sau một vài phút và băn khoăn tại sao tôi nói mãi không dừng như vậy. Nếu tôi đủ nhạy cảm với những ám hiệu xuất hiện trong khi giao tiếp, tôi có thể nhận thấy những chuyển biến về thái độ và hành động ở người nghe và thay đổi hành vi của mình sao cho phù hợp. Ngược lại, nếu tôi gặp trở ngại trong việc nhận thức những dấu hiệu mơ hồ ấy, tôi có thể vẫn cứ thao thao bất tuyệt từng chi tiết trong hiệp thứ chín của trận đấu, còn bạn thì chỉ muốn nhanh chóng chuồn khỏi đó để khỏi phải nghe tôi lải nhải.
Dạy trẻ “Thời gian và Địa điểm”
Nhằm giúp trẻ hoặc thanh thiếu niên hiểu được điều này, chúng ta cần sử dụng chiến lược “thời gian và địa điểm”: có lúc mọi người sẽ muốn nghe về những sở thích đặc biệt của trẻ, nhưng lúc khác họ lại chẳng mấy hứng thú với nó nữa. Phụ huynh cần giải thích cho con mình hiểu rằng chúng chẳng làm gì sai khi đặc biệt yêu thích các chủ đề như lịch trình tàu hoặc ngũ cốc ăn sáng , nhưng đó không phải là những điều mà các em nên nói trong tiết học toán ở trường hay các buổi hẹn khám răng với các nha sĩ. (“Chúng ta đang ăn bữa sáng muộn với họ hàng , vì thế mọi người đều muốn biết về việc học dạo này của con ở trường. Nhưng đến một giờ chiều thì chúng ta có thể nghe con nói về lịch trình tàu, được không nào?”) Đây là cơ hội để trẻ có những hiểu biết sâu sắc hơn về việc nhận thức xã hội. Bố mẹ có thể cùng trẻ tạo ra một danh sách thời gian và địa điểm để các em biết khi nào thì thích hợp để nói về sở thích của mình, khi nào thì không nên nói, và có thể chia sẻ những điều đó với ai.
Sự thật là phương pháp này không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả với trẻ. Một số trẻ và thanh thiếu niên vẫn chưa đạt đến mức độ phát triển để có thể tự chủ và tự kiểm soát bản thân, họ chưa đủ khả năng quan tâm đến lập trường của người khác, hoặc kiềm chế mong muốn chia sẻ thông tin với mọi người. Các bậc phụ huynh có thể cảm thấy tuyệt vọng trong hành trình giúp con mình kiểm soát cơn bốc đồng đang thôi thúc chúng tập trung quá nhiều vào một chủ đề. Họ lo sợ rằng điều đó càng cho thấy sự khác biệt của con họ so với các bạn trong lớp, và các thành viên trong gia đình. Họ có thể mệt mỏi khi phải nghe đi nghe lại những chủ đề giống nhau liên tục. Rất nhiều lần, tôi đã nghe những bậc làm cha làm mẹ kiên nhẫn nhất cũng từng phải thốt lên là : “Chúng tôi chỉ cần con mình dừng lại ngay !”.
Vấn đề của phản ứng này nằm ở chỗ các bậc phụ huynh chỉ tập trung vào hành vi của trẻ mà không tự hỏi đâu là động cơ dẫn đến những hành vi ấy. Chúng ta cần đặt ra những câu hỏi như: Có phải có những thời điểm trẻ sẽ tập trung vào chủ đề này nhiều hơn những thời điểm khác không ? Bạn có thấy khuôn mẫu của hành vi không ? Có phải do trẻ gặp căng thẳng không nhỉ ? Điều gì có thể gây ra căng thẳng cho trẻ ? Bạn phải làm gì để giảm bớt áp lực và lo lắng của trẻ ? Có phải đây là cách trẻ cố trấn tĩnh hay không ? Nếu như phương pháp này hiệu quả thì liệu việc loại bỏ cách nói này của trẻ có đúng đắn không ? Trẻ có nhận thức được hành vi của mình không ? Làm thế nào để chúng ta giúp chúng nhận thức rõ hơn?
Hay nói cách khác, vấn đề này không chỉ đơn thuần là ngăn chặn hành vi của trẻ. Bao giờ cũng vậy, bước đầu tiên chúng ta cần thực hiện là tự hỏi điều gì ẩn giấu sau hành vi đó của trẻ.
Chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng nếu trẻ luôn mở đầu các cuộc trò chuyện bằng việc nói về sở thích của bản thân thì lý do thường là các em cảm thấy thoải mái khi nói về vấn đề đó. Đối với người mắc hội chứng tự kỷ, các cuộc hội thoại có thể khiến họ lo sợ và rối loạn, bởi chúng không theo một cấu trúc cố định và không phải lúc nào họ cũng có thể dự đoán được điều đối phương sẽ nói. Vì vậy, người mắc hội chứng tự kỷ sẽ cố gắng tạo ra các tình huống dễ đoán bằng việc thu hẹp cuộc trò chuyện xuống một lĩnh vực mà họ hiểu và nắm rõ.
Khi một đứa trẻ hay một thanh thiếu niên cần được giúp đỡ để phát triển, gọt giũa các kỹ năng giao tiếp, thì các nhóm kỹ năng xã hội có thể hỗ trợ, mang đến một không gian an toàn và mang tính khuyến khích để trẻ nhận thức được cách một cuộc hội thoại diễn ra và thể hiện sự quan tâm của mình. Thay vì trách mắng để rồi tổn hại đến sự tự tin cùng lòng tự trọng của trẻ, chúng ta nên đưa ra nhiều sự lựa chọn tích cực hơn, như là những hoạt động phù hợp và các trò chơi đem đến cơ hội thực hành các kỹ năng giao tiếp, hoặc tương tác hàng ngày với mọi người trong trò nhập vai.
Phát huy thế mạnh
Dù những đam mê của trẻ mắc hội chứng tự kỷ có kéo theo nhiều trở ngại, nhưng chúng vẫn thường là tiềm năng lớn nhất ở người mắc hội chứng tự kỷ. Những mối quan tâm hay niềm đam mê ban đầu có thể trở thành một cách để kết nối trẻ với những người có chung sở thích, hình thành nên thú vui suốt đời, hoặc trong nhiều trường hợp là một sự nghiệp trong tương lai. Các bạn còn nhớ Michael với niềm đam mê âm nhạc cùng khả năng phi thường là vừa nghe một bài hát bất kỳ đã có thể ngồi vào bàn piano và đánh lại những giai điệu của nó chứ? Giờ đã ở cái tuổi ngoại tứ tuần và sống độc lập, Michael có thể chơi đàn organ tại nhà thờ và tham gia dàn hợp xướng.
Hồi nhỏ, Matt Savage cực kỳ nhạy cảm với âm thanh. Nếu thấy mẹ chơi đàn piano, cậu bé sẽ bịt tai lại rồi vừa hét vừa bỏ chạy. Nhờ vào các phương pháp trị liệu mà cậu bé đã vượt qua được trở ngại này và bắt đầu bộc lộ tài năng âm nhạc xuất chúng. Tôi gặp Matt khi cậu bé mới chỉ mười một tuổi, ấy thế mà những huyền thoại nhạc jazz như Dave Brubeck và Chick Corea đã ngợi ca tài năng piano đầy ấn tượng của cậu bé rồi. Matt hai mươi tuổi của hiện tại đã trở thành nghệ sĩ piano nhạc jazz, một nhạc sĩ, và nghệ sĩ thu âm nổi tiếng khắp thế giới với một nhân cách tốt đẹp, bao dung có sức lan tỏa đến mọi người. Cậu cũng dành thời gian dạy nhạc cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ.
Khi Justin Canha (xem Chương 10) mới chỉ lẫm chẫm biết đi và còn chưa biết nói, cậu bé đã có sở thích xem những bộ phim hình động cùng hoạt hình rồi, và chẳng bao lâu sau đã bộc lộ tài năng mỹ thuật của mình. Giờ đây khi đã trưởng thành, cậu bé năm nào có vô số tác phẩm được trưng bày tại các phòng triển lãm ở New York. Justin của hiện tại đã có chỗ đứng trong làng hội họa với cương vị là một nghệ sĩ viết kịch bản đồ họa chuyên nghiệp, và cũng là một giáo viên dạy vẽ cho những trẻ nhỏ.
Một trong những câu chuyện về niềm đam mê mà tôi yêu thích là của Stanford James. Cậu được một người mẹ đơn thân đầy kiên định một tay nuôi nấng tại một khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp ở Chicago. Từ lúc còn trẻ, Stanford đã đam mê tàu hỏa và thích đứng ở cửa sổ trong căn hộ của bà nội để ngắm nhìn những đoàn tàu trên cao lướt qua.
Mẹ của cậu, Dorothy, đã từng trả lời một phóng viên tờ Chicago Tribune* rằng : “Tôi không biết những đoàn tàu đã mang đến điều gì cho con mình. Nhưng thực sự chúng đã cuốn hút thằng bé.”
* “Người đàn ông với tấm bản đồ trong tâm trí”, Chicago Tribune, 11 - 6 - 2000.
Dù lúc ấy tuổi đời còn rất trẻ, cuộc sống thì luôn luôn túng thiếu, và cô ấy cũng chẳng am hiểu nhiều về chứng tự kỷ, nhưng Dorothy luôn chiến đấu vì con trai mình. Cô khuyến khích những sở thích của con trai, và sau đó chứng kiến cậu dùng chính tài năng xuất chúng của mình để nắm bắt mọi tuyến đường cùng lịch trình của hệ thống giao thông mở rộng tại Chicago. Tất cả đều in sâu trong trí nhớ siêu phàm của cậu. Khi mới hơn hai mươi tuổi, Stanford đã giữ một vị trí trong Cơ quan Quản lý Vận chuyển Khu vực (RTA) Chicago với nhiệm vụ giúp khách hàng tìm những tuyến đường và lịch trình phù hợp với yêu cầu của họ.
Cậu không chỉ có khả năng thiên bẩm cho công việc này, mà còn thể hiện sự tận tâm, tập trung cao độ, và có tinh thần trách nhiệm trong quá trình làm việc. Chính vì thế mà cậu đã đạt được danh hiệu Nhân viên của năm. Sếp của Stanford khi trả lời phỏng vấn của Chicago Tribune cũng phải nói: “Stanford đi làm bất kể mưa nắng và luôn lịch sự với mọi người mọi lúc mọi nơi. Cậu ấy cũng rất cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết, và đó là những gì mà khách hàng của chúng tôi cần.”
Trên tất cả, Stanford cảm thấy mình là một thành viên quan trọng và có giá trị đối với cộng đồng. Khi cậu còn nhỏ, mẹ cậu luôn tự hỏi tương lai con mình sẽ ra sao, cậu bé sẽ làm nghề gì. Mỗi khi giúp đỡ được một khách hàng là cậu lại nói: “Tự chúc mừng trong tưởng tượng nào, ‘Stanford, cậu là người tuyệt vời nhất và cậu có thể làm được mọi thứ!’.” Standford chính là một minh chứng sáng tỏ cho thấy niềm đam mê mãnh liệt sẽ thúc đẩy con người ta vươn cao và bay xa.