D
avid đã dạy cho tôi cách lắng nghe.
David là một cậu bé bốn tuổi luôn tràn đầy năng lượng và vui vẻ. Dường như lúc nào cậu bé cũng trong trạng thái chuyển động và không thể ngồi yên một chỗ. Hồi mới bắt đầu sự nghiệp của mình, tôi đã có cơ hội quan sát cậu bé trong lớp học mẫu giáo và nhận ra rằng dù David đã có thể diễn đạt bằng lời nói, nhưng phần lớn những lời mà cậu bé nói đều là những câu lặp đi lặp lại. Thay vì sử dụng những từ ngữ quen thuộc, sáng tạo, David lại giao tiếp theo một cách riêng : cậu bé sẽ lặp lại những gì người khác vừa nói, hoặc là tự nói một cụm từ hay một câu dường như không hợp ngữ cảnh hoặc thậm chí là vô nghĩa. Đôi khi, David ngay lập tức lặp lại những gì mình nghe được; nhưng cũng có lúc phải mất hàng giờ, hay nhiều ngày hoặc mấy tháng sau cậu bé mới làm việc đó.
David luôn thích các món đồ bằng vải, thích chạm vào mọi thứ và đặc biệt là luôn bị những chiếc áo len dài tay của tôi thu hút. Một hôm, tôi và David thay phiên nhau xếp những mảnh ghép để hoàn thành bức tranh ghép hình, nhưng tôi nhận thấy cậu bé rất dễ bị sao lãng. Cậu bé thản nhiên kéo những sợi len từ một bên cánh tay áo và cả đằng trước áo của tôi ra. Cậu bé soi xét từng sợi len một, giơ chúng lên trước mắt mình và rồi quấn quanh ngón tay cái và ngón trỏ. Thay vì yêu cầu cậu bé dừng lại, tôi quyết định sẽ chiều theo ý thích của cậu bé.
Tôi nói: “Nhìn kìa, David. Đó là một mớ len xù.”
Cậu bé lặp lại: “Đó là một một mớ len xù, len xù, len xù.”
Tôi lắng nghe và quan sát cậu bé hào hứng chơi đùa với cuộn len nhỏ, và rồi lặp đi lặp lại những từ ban nãy. Dường như cậu bé thích cái cảm giác những từ ngữ ấy thoát ra khỏi miệng mình: “Đó là một một mớ len xù, len xù, len xù! Đó là một mớ len xù!”
Các tri giác đã đem đến niềm vui cho David, vì thế tôi tận dụng cách đó để thu hút sự chú ý của cậu bé nhiều hơn nữa. Ngày hôm sau, tôi mang đến cho cậu bé một chiếc bát đựng đầy những cục bông và cậu bé tỏ ra rất thích thú với chúng. Tôi đặt bông ở mọi nơi trong phòng và nghĩ ra một trò chơi cho David. Cậu bé sẽ nghe theo chỉ dẫn của tôi và tìm kiếm những cục bông - ví dụ như ở trên ghế, hoặc ở dưới một con thú nhồi bông. Hiển nhiên là David rất mê những món đồ bằng vải sợi, và chúng khiến cậu bé háo hức hơn khi giao tiếp và tiếp xúc với tôi. Nhưng nếu việc áp đặt các hoạt động cho David có thể khiến cậu bé kháng cự, hay chống đối, thì việc chiều theo và đáp ứng những ý thích của David sẽ khiến thúc đẩy cậu bé kiên trì tìm ra cách thức riêng để giao tiếp với mọi người.
Một ngày nọ, chúng tôi để lũ trẻ tạo ra những bức tranh nghệ thuật bằng màu vẽ. Tuy nhiên, thay vì dùng bút lông , chúng sẽ vẽ tranh bằng những miếng bọt biển. Sau đó, David phát hiện ra những mảnh bọt biển trên sàn lớp học. Cũng giống cách cậu bé chơi với cuộn len, David bắt đầu nhặt những miếng bọt biển vụn lên, ngắm nhìn từng miếng một cách kĩ lưỡng , rồi cọ chúng vào ngón tay của mình để cảm nhận và tận hưởng kết cấu của chúng.
Tôi nói với cậu bé: “Đó là một miếng bọt biển.”
Cậu nhắc lại lời của tôi: “Đó là một miếng bọt biển. Đó là một miếng bọt biển, miếng bọt biển, miếng bọt biển!”
Một lần nữa, tôi lại thấy được niềm vui của cậu bé khi vừa cảm nhận được chất liệu lại vừa lắng nghe được âm thanh của những từ thốt ra khỏi miệng mình. Khi David khum tay giữ chặt những mảnh bọt biển trên tay và nhìn những mảnh còn lại trên sàn nhà, cậu bé bắt đầu nhón chân nhảy múa quanh lớp. Cậu bé luôn miệng nói: “Đó là một miếng bọt biển, miếng bọt biển, miếng bọt biển! Đó là một miếng bọt biển!”
Ngày hôm sau, tôi khám phá ra một điều rất thú vị. Sau khi lớp học đã được quét dọn tươm tất gọn gàng và chúng tôi đã dọn dẹp toàn bộ các bức vẽ cũng như dùng máy hút bụi để hút hết những mảnh vụn còn vương trên sàn. Tuy vậy, David bước vào lớp và vẫn đi đến đúng chỗ mà hôm trước cậu bé nhìn thấy những mảnh bọt biển. Tôi quan sát cậu bé lặp lại những động tác nhảy múa của mình, rồi quay sang nhìn tôi và nói: “Đó là một miếng bọt biển, miếng bọt biển, miếng bọt biển! Đó là một miếng bọt biển!”
Hãy thử cân nhắc xem sao: Sẽ thế nào nếu một ai đó bất ngờ bước vào lớp học ngày hôm đó và quan sát lũ trẻ? Hãy hình dung người đó đang nhìn cậu bé bước vào lớp với vẻ ngoài tràn đầy năng lượng và sau đó bắt đầu nhảy múa còn miệng thì nói không ngớt về một miếng bọt biển. Vị khách đó có lẽ sẽ coi hành động của cậu bé là lố bịch hoặc ngớ ngẩn hoặc tùy hứng. Người đó cũng có thể nghi ngờ khả năng nhận thức thực tại của David hay chí ít là hiểu biết của cậu bé về từ bọt biển.
Nhưng nếu như bạn có mặt tại căn phòng ấy vào ngày hôm trước, nếu như bạn cũng có cuộc trò chuyện với David giống như tôi, nếu như bạn thấy được cậu bé hào hứng thế nào với những loại vải mới, thì bạn sẽ hiểu ngay những gì đang diễn ra vào ngày hôm nay. David đang kể lại những trải nghiệm vào ngày hôm trước của mình. Đó không chỉ là những trải nghiệm thực tế (những thứ dùng để vẽ tranh) mà quan trọng hơn là về cảm xúc háo hức của cậu bé với những trải nghiệm ấy.
Đó là cách cậu bé kể lại câu chuyện của mình
Chứng nhại lời (Echolalia)
Bất cứ ai từng dành thời gian trò chuyện với một người mắc hội chứng tự kỷ sẽ chẳng lấy làm lạ trước việc họ liên tục lặp đi lặp lại không ngơi nghỉ các từ, cụm từ, hoặc cả câu nào đó. Quả thực, chứng nhại lời là một trong những nét đặc trưng của hội chứng tự kỷ. Đối với nhóm trẻ mắc hội chứng tự kỷ có khả năng giao tiếp thông qua hình thức nói, thì đây là dấu hiệu đầu tiên để phụ huynh nhận biết được điểm bất thường ở con mình; thay vì đưa ra câu trả lời hoặc nói những gì mình muốn thì các em lại liên tục nhắc lại những từ hoặc cụm từ mà chúng học được từ người khác.
Mẹ: Con yêu, con muốn ra ngoài chơi không nào?
Con gái: Con muốn ra ngoài chơi không nào?
Những cuộc trò chuyện giống như vậy có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau: Trẻ có xu hướng thích lặp lại các cuộc hội thoại hay mẩu thông tin từ những đoạn video các em nghe được, những thông báo trên tàu điện ngầm, những câu chào hỏi của giáo viên, hoặc thậm chí là cả lời qua tiếng lại của bố mẹ chúng ở nhà. Trẻ có thể lặp lại bất cứ điều gì mà chúng nghe thấy. Những lời nói mà trẻ nghe được trong những khoảnh khắc vô cùng háo hức, vui vẻ hay cả khi lo lắng , đau buồn luôn in sâu vào trong tâm trí các em và trở thành nguồn gốc của chứng nhại lời, như thể đứa trẻ đang hồi tưởng và sống lại những khoảnh khắc ấy cùng những xúc cảm gắn liền với chúng.
Một đồng nghiệp từng đề nghị tôi ghé thăm một ngôi trường tiểu học để đưa ra quan điểm về tình trạng của Eliza, một bé gái học lớp năm. Khi tôi đến lớp học để quan sát cô bé, giáo viên ra hiệu cho tôi vào lớp ngồi. Nhưng khi tôi đến gần Eliza, cô bé đột nhiên lo lắng và nói: “Bị dằm đâm rồi!”
Tôi không chắc mình nghe có chính xác không. Một cái dằm sao? Nhưng khi tôi dùng điệu bộ thân thiện, nhẹ nhàng nhất có thể để ngồi sát vào chỗ Eliza, tôi chỉ thấy cô bé liếc nhìn mình và liên tục nói: “Bị dằm đâm rồi! Bị dằm đâm rồi!”
Tôi nhìn hai bàn tay của Eliza để xem liệu cô bé có tự làm mình bị thương không , nhưng cô giáo đã lên tiếng trấn an cô bé: “Đừng lo lắng. Bác Barry tốt bụng lắm. Hôm nay bác ấy chỉ ghé thăm chúng ta thôi.”
Eliza nhắc lại nguyên văn lời cô: “Bác Barry tốt bụng lắm. Hôm nay bác ấy chỉ ghé thăm chúng ta thôi.”
Dường như điều đó khiến cô bé bình tĩnh hơn, nhưng tôi vẫn thắc mắc không biết lý do vì sao Eliza lại nói: “Bị dằm đâm rồi!”. Cô bé đang nói về chuyện gì vậy? Chuyện đó có liên quan đến tôi không hay chỉ là ngẫu nhiên mà thôi? Và vì sao cô giáo lại phản ứng khi cô bé nói như vậy?
Sau đó, tôi hỏi giáo viên của cô bé và được biết cách đây hai năm Eliza đã bị dằm đâm vào tay khi đang chơi ngoài sân. Kể từ đó, bất cứ khi nào thấy lo lắng hay sợ hãi về việc gì là cô bé lại nói: “Bị dằm đâm rồi!”.
Cách giáo viên của Eliza biết cô bé muốn nói điều gì hay giống như khi tôi hoàn toàn hiểu và thấy vui trước “màn ăn mừng” những mảnh bọt biển của David, thì các bậc cha mẹ và những người thân với trẻ thường hiểu chính xác những gì mà trẻ đang nói và vì sao chúng lại nói như vậy. “Ồ, đó là lời thoại trong một tập phim Bọt biển quần vuông mà thằng bé đã xem từ năm ngoái.” Hoặc là: “Thằng bé đã nghe giáo viên của mình nói như vậy trong lúc diễn tập cứu hỏa tại trường vào tháng trước.” Hoặc: “Tôi đã nói điều đó với thằng bé khi đang tắm cho nó vào tháng trước!” Hay: “Đó là những gì mà người dẫn chương trình Hãy chọn giá đúng đã nói.”
Tuy nhiên, chính những người làm cha làm mẹ đó lại tỏ ra lo sợ khi nghe một số “chuyên gia” nói về chứng nhại lời dưới góc độ bệnh lý. Họ thấy bất an khi nghe nói rằng hội chứng này chỉ đơn thuần là một “hành vi tự kỷ” khác của trẻ, một đặc điểm bất thường sẽ gây trở ngại cho khả năng hòa đồng và xây dựng một diện mạo “bình thường” của trẻ.
Đó lại là một sai lầm nữa.
Nếu chỉ nhìn sự việc qua vẻ bề ngoài của nó thì chắc hẳn rất nhiều phụ huynh sẽ lo sợ rằng việc nhại lời liên tục như vậy sẽ cản trở khả năng hoà nhập của trẻ, gây trở ngại cho khả năng phát triển các mối quan hệ với mọi người hoặc việc học ở trường. Dường như hành động ấy sẽ cô lập trẻ, khiến trẻ bị nhìn nhận như những kẻ lắm trò, khác người, hoặc khó hiểu.
Một số chuyên gia còn củng cố những quan điểm đó bằng cách gán mác các hành động giao tiếp này của trẻ là “nói vớ vẩn” hoặc “nói theo băng video” (do có quá nhiều cụm từ bắt nguồn từ các đoạn video và đĩa DVD mà các em hay xem) và Họ chỉ tập trung trang bị cho phụ huynh các cách thức nhằm chấm dứt hành động này. Hồi tôi mới vào nghề, chuyện các nhà giáo dục và các chuyên gia sử dụng những phương pháp thô bạo và tiêu cực để ép trẻ từ bỏ thói quen lặp lời của mình là hoàn toàn bình thường. Các bác sĩ trị liệu có thể phản ứng lại với “những câu nói ngớ ngẩn” của trẻ bằng việc tạo ra những tiếng ồn lớn và khó chịu, ví dụ như vỗ tay sát mặt trẻ giống như cái cách mà bạn cố ngăn một con chó chạy về phía nhà bạn và sủa liên hồi vậy. Tại một ngôi trường mà tôi từng ghé thăm, các giáo viên sẽ đổ nước chanh vào miệng của trẻ như một hình phạt cho hành vi “nhại lời” và còn răn đe các em chỉ được nói khi đến lượt mình hoặc phải quay trở về chủ đề đang học trên lớp ngay. Những năm gần đây các phương pháp đã bớt thô bạo và bớt gây ác cảm hơn; một số cách triển khai theo hướng phớt lờ trẻ (hay còn gọi là “phớt lờ có kế hoạch”). Một vài chuyên gia còn đề xuất cho phụ huynh chỉ ngón trỏ vào mặt trẻ và ra lệnh cho các em một cách dứt khoát: “Im đi!” hoặc “Cấm được nói nữa!” hoặc “Cấm được nói linh tinh nữa!”. Tất cả những phương pháp này đều có chung một mục đích duy nhất là ép trẻ thôi nhại lời.
Tôi luôn coi những phương pháp đó là sai lầm. Nhưng những chuyên gia này đang có cái nhìn sai lệch về chứng nhại lời và những phương pháp mà họ “kê đơn” không chỉ khiến các bậc phụ huynh đi sai hướng mà còn đem đến hậu quả khôn lường. Khi ra sức khiến trẻ mắc hội chứng tự kỷ trở thành một đứa trẻ “bình thường”, các vị “chuyên gia” này đã không quan tâm đến những nỗ lực giao tiếp chính đáng của trẻ, tệ hại hơn là họ đang cản trở quá trình trẻ học hỏi để tự giao tiếp và kết nối với thế giới xung quanh.
Tôi đã hiểu chứng nhại lời như thế nào
Sau khi lấy được bằng thạc sĩ về trị liệu bệnh liên quan đến lời nói và ngôn ngữ chưa được bao lâu thì tôi đã tìm được công việc mình hằng mơ ước. Theo học bổng về chương trình đào tạo lâm sàng , tôi được bổ nhiệm giữ một vị trí trong Chương trình Tự kỷ của Bệnh viện Nhi Buffalo. (Đôi khi mọi người thấy bất ngờ vì năm 1975 đã có một chương trình như vậy, nhưng tôi có thể cam đoan là nó thực sự tồn tại từ rất lâu và còn rất chất lượng.) Hồi ấy, tôi là chuyên gia về lời nói và ngôn ngữ, tôi làm việc tại một lớp học có năm trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Đồng thời, tôi còn tiến hành một nghiên cứu thí điểm nên cần quan sát một vài cậu bé để hiểu được chứng nhại lời giữ vai trò gì trong quá trình giao tiếp và phát triển ngôn ngữ của chúng.
Tôi nghiên cứu về chứng nhại lời một phần là vì có rất nhiều nhận định về trẻ mắc hội chứng tự kỷ không xuất phát từ các chuyên gia có chuyên môn về lời nói và ngôn ngữ hoặc về quá trình phát triển của trẻ. Họ chỉ là những nhà trị liệu về hành vi, các chuyên gia trong các chương trình phát triển thể chất nhằm giảm thiểu những hành vi không mong muốn và tăng cường những hành vi mong muốn. Hầu hết họ đều tin rằng chứng nhại lời thuộc nhóm hành vi “không mong muốn” mà không hề hiểu rõ bản chất của nó. Nói theo cách của Ros Blackburn thì họ không bao giờ tự đặt câu hỏi “Tại sao?”
Tôi nghi ngờ việc nhại lời không chỉ đơn thuần là một hành vi ngẫu nhiên hoặc ngỗ ngược mà còn có ẩn tình khác nữa. Theo những quan sát thực tế cũng như thời gian đào tạo về tâm lý ngôn ngữ học và bệnh lý về ngôn ngữ nói của mình, tôi biết chứng nhại lời phức tạp hơn “nói vẹt” rất nhiều bởi nó chứa đựng những mục đích và ý nghĩa riêng. Và tôi thực sự muốn kiểm tra giả thiết của mình liệu có đúng không.
Mãi đến thời điểm đó, một vài nghiên cứu ít ỏi về chứng nhại lời mới được tiến hành trong các điều kiện nhân tạo và được dàn dựng của phòng thí nghiệm. Nghiên cứu của tôi thuộc về lĩnh vực xã hội ngữ dụng học. Cụ thể hơn, tôi nghiên cứu cách trẻ mắc hội chứng tự kỷ sử dụng ngôn ngữ trong các hoạt động và môi trường sống hàng ngày của mình. Tôi quan sát các cậu bé trong lớp học và ở nhà. Tôi quay lại những cảnh các em chơi đùa cùng bạn bè và anh chị em trong sân chơi. Tóm lại, tôi quan sát và lắng nghe các em theo từng diễn biến cuộc sống diễn ra quanh các em.
Đây là lần đầu tiên tôi làm việc với nhiều trẻ mắc hội chứng nhại lời đến vậy, và tôi có cơ hội để thực sự hiểu các em. Tôi có thể thấy rằng mọi lời nói của các em không hề vô nghĩa chút nào. Những cậu bé ấy đang giao tiếp với mọi người, và chúng cũng nhại lời vì những mục đích khác nữa. Trong quá trình trao đổi với phụ huynh, tôi nhận thấy họ cũng có cách nhìn nhận giống mình.
Người đầu tiên khiến tôi nghĩ vậy là David, cậu bé từng “ăn mừng” vì những miếng bọt biển. Bất cứ khi nào giáo viên hay trợ giảng tỏ thái độ khó chịu và nói “Không !” với David thì cậu bé đều phản ứng lại bằng cách chạy nhảy quanh phòng , lặp lại những lời nói đó bằng một giọng đầy tiêu cực: “Chúng ta không được đóng sầm cửa. Chúng ta không được tè bậy lên tường.”
Những từ đó cũng đã nói lên toàn bộ câu chuyện. David không ra lệnh cho ai cả ; những lời mà cậu bé nói cũng chẳng hề ngẫu nhiên hay ngớ ngẩn và phải thừa nhận rằng , những người lớn trong phòng cũng thấy điều này thật thú vị. Trước đây David đã từng bị mắng nhiếc rất nhiều, và đây là cách cậu bé tiếp nhận ý nghĩa của những hành động trong các tình huống giao tiếp đó, tại thời điểm ấy : “Chúng ta không được đóng sầm cửa. Chúng ta không được tè bậy lên tường ”. Điều đó chứng tỏ cậu bé hiểu rằng mình đang bị giáo viên và trợ giảng khiển trách. Bất cứ việc gì mà David đang làm đều được quy vào cùng một nhóm với hành động đóng sầm cửa và tè bậy mà giáo viên hay nói với cậu bé: đó đều là những việc mà học sinh không được phép làm trong lớp. Cậu bé đang dùng cách giao tiếp riêng của mình để thể hiện rằng : “Con đã hiểu rồi ạ.”
Tôi hiểu rằng mục đích của việc nhại lời có thể là để truyền đạt những thông tin và cảm xúc quan trọng. Một buổi chiều nọ, một cậu bé khác trong lớp tên là Jeff tỏ ra ít hoạt bát hơn bình thường , nhưng chúng tôi không hề biết lý do là gì, bởi cậu bé không còn giao tiếp một cách trực tiếp nữa. Sau đó, Jeff tiến về phía những giáo viên và trợ giảng trong lớp học, ghé sát vào mặt họ và thốt ra những âm thanh mà chúng tôi chưa từng nghe trước đó : “Aaah! Aaah!” Cậu bé mở rộng miệng và bạnh quai hàm về phía dưới, kéo dài âm thanh “aaah.”
Cậu bé giữ nguyên bộ dạng ấy trong cả buổi chiều, đi quanh lớp học nhưng rồi lại quay lại, nhìn mọi người, và lặp lại từ: “Aaah! Aaah!” Điều mà tôi nghĩ lúc đó chính là Jeff đang đùa nghịch để biết cảm giác nhiều tiếng ồn phát ra từ miệng mình là như thế nào. Dù có cố gắng thế nào thì tôi cũng không thể hiểu nổi cậu bé đang muốn nói điều gì với chúng tôi. Từ cách tiếp cận đến cách diễn đạt có mục đích, và thái độ khăng khăng như đang muốn nói của cậu bé khiến tôi hiểu là Jeff đang tìm kiếm và chờ đợi một lời hồi đáp từ mọi người.
Sáng hôm sau, Jeff vẫn tiếp tục lặp lại âm thanh “Aaah!” nên giáo viên đã gọi cho mẹ cậu bé để tìm hiểu thêm về lý do của hành động bất thường đó. Cô không lưỡng lự mà trả lời dứt khoát ngay: “Ồ, tôi nghĩ rằng thằng bé đã bị cảm lạnh rồi.”
Chúng tôi đợi cô ấy nói tiếp: “Và?”
“Khi Jeff bị ốm, tôi thường bảo thằng bé kêu ‘Aaah’.”
Đó là câu trả lời rõ ràng nhất cho hành động của Jeff. Cậu bé đang cố gắng cho chúng tôi biết là mình cảm thấy không khỏe trong người. Jeff đã bị cảm lạnh, hoặc có thể bị viêm họng. Trong giai đoạn phát triển này, cậu bé không thể diễn đạt ý nghĩ của những hành động của mình bằng lời, nên phải diễn lại những lời mẹ dặn khi ở nhà: “Kêu ‘Ahh’ đi con!”.
Nếu không có những lời giải thích của mẹ Jeff, thì những hành động của cậu bé sẽ trở nên vô nghĩa. Mọi người sẽ chỉ nghĩ là cậu bé đang thốt ra những âm thanh vui nhộn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không ngừng thắc mắc: “Vì sao cậu bé lại làm vậy?”. Bằng việc chăm chú lắng nghe và dò hỏi, tôi đã hiểu được toàn bộ ý nghĩa của những lời nói mà cậu bé đã lặp lại.
Trong năm đó, bằng cách lắng nghe và thấu hiểu tôi đã hiểu về nhiều hoàn cảnh hơn. Với sự cho phép của Vụ Giáo dục dành cho người tàn tật trực thuộc Sở Giáo dục, trong suốt một năm đó, tôi đã quay lại được hai mươi lăm băng hình về các hoạt động hàng ngày của các cậu bé tự kỷ : tại trường trong giờ ra chơi, ăn trưa, trong các buổi liệu trình trị liệu cá nhân hoặc theo nhóm, cũng như tại nhà cùng với bố mẹ và anh chị em của trẻ. Tôi đã dành hàng tháng trời để phân tích những băng hình, tôi đã tổng hợp được 1.009 lời nói khác nhau được trẻ lặp lại và phân loại chúng (việc mà những học giả xuất sắc khác vẫn làm) thành bảy loại chức năng. Tôi đã phân biệt chứng nhại lời tức thời (trẻ lặp lại một từ hay một cụm từ ngay sau khi nghe được) với chứng nhại lời bị trì hoãn hay chứng nhại lời “có kịch bản” (trẻ lặp lại lời nói của mình sau vài giờ, vài ngày, hoặc thậm chí là vài tháng hay nhiều năm sau khi nghe)*.
* Trong nghiên cứu này, tôi tập trung vào chứng nhại lời tức thời, nhưng sau đó chuyển sang nghiên cứu chứng nhại lời trì hoãn cùng với Patrick Rydell - một học sinh của tôi, và chúng tôi rút ra những kết luận giống nhau.
Điều quan trọng nhất là những cậu bé này đang giao tiếp với mọi người theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi, các em chỉ muốn khẳng định những gì mình hiểu. Hoặc các em thay phiên nhau và lần lượt nói khi trò chuyện, giống như những người khác. Thỉnh thoảng , các em lặp đi lặp lại một từ ngữ như thể đó là một cách tập dượt cho những gì mà chúng sẽ nói sau đó. Cũng có lúc, những cậu bé này lặp lại một số âm thanh nhất định bởi bản thân những âm thanh này đem lại cảm giác bình yên như khi niệm chú vậy. Đôi lúc, các em cũng tự nói một mình để từng bước đưa bản thân ra khỏi một vấn đề hoặc nói to trong các tình huống giao tiếp để tự trấn an bản thân.
Nói một cách chính xác, những đứa trẻ này cũng đang sử dụng ngôn ngữ với các mục đích giống chúng ta.
Chúng ta chỉ cần lắng nghe, quan sát và chú tâm đến hành động và lời nói của các em mà thôi.
Cách giao tiếp thay thế
Sau nhiều năm, thông qua việc chịu khó lắng nghe nhiều hơn, tôi đã nâng cao được khả năng nhận biết và giải mã những kiểu nhại lời mới của trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Chứng nhại lời của trẻ có khi nào là vô nghĩa chỉ bởi chúng ta không thể giải mã được ý nghĩa hay mục đích của chúng không ? Dĩ nhiên là có. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần chăm chú lắng nghe, quan sát và dò hỏi một chút là chúng ta có thể dễ dàng nhận ra trẻ đang giao tiếp theo cách riêng của mình. Nghiên cứu của tôi đã chứng minh điều đó, và những nhà nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự†.
† Lấy cảm hứng từ nghiên cứu của chúng tôi, Marge Blanc đã đề cập đến vấn đề cùng nghiên cứu này trong cuốn sách của mình, Quá trình lĩnh hội ngôn ngữ tự nhiên của người tự kỷ: Hành trình từ chứng nhại lời đến tự tạo ra ngôn ngữ của mình (Madison, WI: Trung tâm phát triển giao tiếp, 2013).
Lấy ví dụ từ Aidan, một cậu bé ba tuổi dễ thương tuy khả năng nói phát triển không như mong đợi nhưng lại có biệt tài học các cụm từ rất nhanh. Hầu hết những đứa trẻ bình thường chỉ có thể nói một từ một lần (mẹ, bố, em bé), rồi sau đó hình thành thói quen nói những câu ngắn (“Mẹ ôm cơ”, “Bố ăn bánh quy”). Trái lại, Aidan lại khiến bố mẹ sửng sốt bằng khả năng nói cả cụm từ và câu, thậm chí nhiều khi cậu bé còn sử dụng được cấu trúc ngữ pháp phức tạp để diễn tả mục đích của mình. Lên bốn, Aidan không hề nói “Chào” hay “Xin chào” khi chào hỏi mọi người mà dùng cả một câu thoại trong bộ phim yêu thích của mình. Cậu bé sẽ nghiêng đầu sang một bên, nheo đôi mắt long lanh và hỏi: “Cô là phù thủy tốt bụng hay xấu xa vậy?”.
Dĩ nhiên đây chính là cảnh nổi tiếng trong bộ phim Phù thủy xứ Oz, khi đó Glinda, phù thủy tốt ở phương Bắc đã chào hỏi Dorothy. Khoảnh khắc đó gây ấn tượng rất mạnh mẽ cho người xem. Khi đó Dorothy vừa mới đặt chân đến xứ Oz thì một bong bóng nhỏ đẹp rực rỡ xuất hiện, càng đến gần thì nó càng lớn hơn, và bất ngờ vỡ tung , rồi Glinda hiện ra hệt như nàng tiên trong truyện cổ tích với bộ đầm dạ hội và cây gậy phép thuật trong tay. Cô tiến lại gần Dorothy và nói những lời thoại đó: “Cô là phù thủy tốt bụng hay xấu xa vậy?”
Còn lời chào nào có thể gây ấn tượng khó phai hơn thế khi hai người gặp nhau? Cậu bé không hề nói linh tinh mà chỉ đang nắm bắt những ý nghĩa cốt lõi nhất của việc chào hỏi khi gặp gỡ những người mới gặp. (Sau đó, giáo viên và các bác sĩ trị liệu đã dạy cậu cách chào hỏi quen thuộc “Xin chào, tên tôi là Aidan”. Dù trân trọng điều này nhưng mẹ của cậu vẫn nhớ cách chào hỏi không giống ai của con mình.)
Đôi khi, trẻ nhại lời để kể lại những gì mình đã trải qua kể cả đó có là những trải nghiệm nhàm chán nhất. Như trường hợp của Bernie, một thiếu niên tràn đầy năng lượng. Trong nhiều hoạt động giao tiếp của mình, cậu bé thường hào hứng nhắc đi nhắc lại những gì mình nghe được từ mọi người, kể cả mẹ mình. Cậu bé có khả năng bắt chước giọng của người khác một cách đáng ngạc nhiên. Vài chục năm trước đây khi tôi còn làm việc tại trường tiểu học mà cậu bé theo học, thỉnh thoảng khi đi vệ sinh tôi bất giác thấy giọng nói của cậu vang lên từ một buồng nào đó, hệt như giọng mẹ cậu: “Xong rồi hả, con trai! Giờ thì chùi mông đi!”
Thường thì trẻ nhại lời để nói cho chúng ta biết suy nghĩ của chúng , nhưng cách các em biểu đạt lại không được rõ ràng. Bố của cậu bé mắc chứng tự kỷ Kyle từng mời tôi cùng đi du thuyền đến vịnh Narragansett thuộc đảo Rhode. Đó là một buổi chiều đẹp trời, chúng tôi chuẩn bị thả neo xuống một vịnh nhỏ thì cậu bé bắt đầu nhảy lên nhảy xuống trên boong tàu, rồi lo lắng cúi xuống nhìn chằm chằm vào dòng nước.
“Không thích chó! Chó cắn!”. Cậu bé liên tục nói với giọng điệu ngày càng hối thúc. Kyle nhìn bố rồi nói tiếp : “Không thích chó! Chó cắn!”
Chó nào nhỉ ? Chúng tôi đang lênh đênh trên mặt nước, xung quanh cũng không có con thuyền nào cả thì lấy đâu ra người và động vật. Ở đây chỉ có sóng và gió mà thôi. Cậu bé đang muốn nói về điều gì vậy ? Bố của Aidan biết chính xác cậu bé muốn nói gì. “ Thằng bé đang xin tôi cho đi bơi ấy mà.”
Tôi hỏi thêm bố của cậu bé về điều này, và biết được, Kyle rất sợ chó. Khi cảm thấy lo lắng về sự an toàn của mình, cậu bé thường nói: “Không thích chó! Chó cắn!” Khi ấy cậu bé muốn bơi ở vùng nước nông , nhưng không chắc nơi đó có an toàn với cậu hay không , vì vậy cậu bé lặp lại câu đó để hỏi bố mình. Chỉ bằng cụm từ đó Kyle đã nêu ra được ba mục đích giao tiếp: Đầu tiên là thể hiện nỗi sợ của mình, sau đó xin phép bố và đảm bảo nơi cậu bé bơi là an toàn. Khi bố của cậu bé đáp lại: “Được chứ, an toàn mà con! Không có chó đâu!”, Kyle nhảy cẫng lên vì sung sướng.
Mỗi gia đình đều có ngôn ngữ riêng
Từ những câu chuyện mà tôi đã kể thì chứng nhại lời đã đem đến không chỉ là các bài học xoay quanh sự phát triển về ngôn ngữ và giao tiếp mà còn liên quan đến cách nuôi dạy trẻ. Rất nhiều bậc phụ huynh coi các bác sĩ hoặc nhà trị liệu là những chuyên gia trong lĩnh vực này, từ đó khẩn nài họ lý giải về tình trạng của con mình. Dần dần tôi nhận ra rằng phương pháp tiếp cận tốt nhất đối với hội chứng tự kỷ chính là tập trung vào gia đình của trẻ. Cha mẹ sẽ là người hiểu rõ con mình hơn bất kỳ ai. Và dựa vào vô số trải nghiệm trong nhiều năm qua, tôi nhận ra rằng mỗi gia đình lại phát triển một hệ thống ngôn ngữ của riêng mình: Từ những cụm từ quen thuộc, những thuật ngữ cho đến những cách nói tắt riêng. Cũng có thể nói mỗi gia đình đều có vốn văn hóa riêng mà dựa vào đó các thành viên trong gia đình cùng giao tiếp, thấu hiểu, và hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn.
Gia đình nào cũng có nền văn hóa của riêng mình, và thường thì người ngoài sẽ cảm thấy lạ lẫm với nó mỗi khi họ giao tiếp. Do vậy, phụ huynh không nên quá dựa dẫm vào người ngoài, chẳng hạn như các chuyên gia, để lý giải mọi thứ mà ngược lại nên để những chuyên gia này dựa vào những người trong gia đình như trẻ mắc hội chứng tự kỷ, bố mẹ của các em và các thành viên khác. Khi các bậc phụ huynh đề nghị tôi lý giải thói quen lặp lại các từ và cụm từ (hoặc bất cứ hành vi khó hiểu nào ở trẻ), bao giờ tôi cũng hỏi ngược lại họ: “Vậy anh chị nghĩ gì về chuyện này?”. Thường thì họ có thể nói rõ nguyên nhân lý do vì sao trẻ lại có những hành vi như thế hoặc ít nhất là họ có thể đưa ra một suy đoán có cơ sở từ việc quan sát và lắng nghe. Dù trong trường hợp nào thì họ cũng cung cấp những thông tin quan trọng mà bản thân tôi không biết và trong quá trình nghiên cứu, những hiểu biết sâu sắc của họ về con cái mình đem lại giá trị vô cùng to lớn.
Trong một nghiên cứu, tôi đã gửi đến phụ huynh của một số trẻ mắc hội chứng tự kỷ phiếu khảo sát về trải nghiệm của họ với chứng nhại lời. Hầu như con họ đều đã mắc hội chứng nhại lời, và họ đều có những lời giải thích của riêng mình: “Đôi khi thằng bé làm vậy chỉ vì muốn ghi nhớ điều gì đó và để hiểu rõ hơn thôi”, “Có những lúc con bé làm vậy để đòi thứ gì đó”, “Đó là cách để con tôi thể hiện rằng nó đang cảm thấy khó hiểu”. Hay, “Thằng bé nhại lời mỗi khi muốn nói ‘đồng ý’”. Hầu như cha mẹ nào cũng đều tìm ra ý nghĩa ẩn sau những lời nói và hành vi lạ lùng của con mình.
Chứng nhại lời là chiến lược học tập
Trong thực tế, chứng nhại lời ở trẻ mắc hội chứng tự kỷ còn đóng vai trò quan trọng hơn thế, nó là một cách để trẻ học ngôn ngữ. Nói một cách đơn giản nhất thì quá trình đó diễn ra như sau: Bởi vì trẻ mắc hội chứng tự kỷ gặp khó khăn trong việc giao tiếp, nhưng chúng lại thường có trí nhớ rất tốt, nên các em học ngôn ngữ thông qua việc lắng nghe và lặp lại ngay lập tức, hoặc sau một khoảng thời gian. Khi trẻ ngày càng trưởng thành hơn về mặt giao tiếp, nhận thức và ngôn ngữ, các em sẽ bắt đầu hiểu ra các quy luật ngôn ngữ, nhưng ở một góc độ nào đó, để diễn đạt mục đích của mình thì trẻ thông qua việc nhại lời và phá vỡ những cụm từ mình ghi nhớ.
Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa rằng sống chung với chứng nhại lời là một việc dễ dàng. Tôi luôn nói với các bậc phụ huynh rằng đó là chức năng ngôn ngữ, và nó rất cần thiết đối với quá trình giao tiếp đang phát triển của trẻ - không có nghĩa là nó sẽ không khiến họ phát điên! Đầu bạn gần như nổ tung khi đứa con gái lặp đi lặp lại một lời thoại trong phim Câu chuyện đồ chơi 2 đến năm mươi lần. Khi bạn phải nhắc con trai mình hàng trăm lần rằng : “Chúng ta không được đóng sầm cửa. Chúng ta không được tè bậy lên tường” thì chính bạn có lẽ đã muốn sập cửa luôn. Nhưng điều quan trọng là cần ghi nhớ và có cái nhìn tích cực về hai điều sau: đầu tiên là hình thức giao tiếp này đem đến kiến thức rất hữu ích cho trẻ, và thứ hai là nó đại diện cho một quá trình phát triển thay đổi không ngừng ở mỗi đứa trẻ. Dần dần chứng nhại lời sẽ giảm đi khi hệ thống ngôn ngữ sáng tạo của trẻ phát triển, nhưng tất nhiên là mỗi một đứa trẻ sẽ lại có từng mức độ và giai đoạn tiến bộ khác nhau.
Phụ huynh và mọi người xung quanh có thể giúp trẻ học cách sử dụng nhiều ngôn ngữ đa dạng hơn - thay vì chỉ biết nhại lời người khác - thông qua hàng loạt các chiến lược, như là đơn giản hóa cách diễn đạt ngôn ngữ mà họ sử dụng để giao tiếp với trẻ, tách những chuỗi lời lặp lại thành các từ và các cụm từ ngắn, đơn giản hơn, sau đó thêm vào những cử chỉ, hành động cũng như đưa ra những sự hỗ trợ bằng hình ảnh cùng ngôn ngữ viết để thuận tiện cho việc học hỏi của trẻ. Chẳng hạn, một ông bố có thể bảo con gái của mình: “Đến chỗ tủ lạnh lấy cho bố chút sữa và bánh quy nhé con”. Bé gái đó có thể tiếp nối cuộc trò chuyện này chỉ bằng việc nhại lại câu nói của bố mình, hoặc chỉ một vài từ, nhưng không thực sự đưa ra câu trả lời của cô bé. Sau đó, người bố này có thể đơn giản hóa câu nói của mình bằng cách chia nhỏ nó ra: “Đi đến chỗ tủ lạnh (cùng lúc chỉ tay vào tủ lạnh). Lấy sữa. Mở tủ bếp ra. Lấy bánh quy”.
Một phương pháp khác chính là sử dụng tranh ảnh hoặc chữ viết thay vì chỉ sử dụng ngôn ngữ nói. Phương pháp này giúp trẻ cảm thấy dễ tiếp thu và hiểu nhanh hơn, cũng như giảm thiểu việc nhại lời như một phương pháp nhận thức của trẻ.
Đối với một số trẻ, việc để các em viết hoặc gõ ra những điều mình muốn nói sẽ đem đến kết quả tích cực. Phương pháp này có thể cải thiện khả năng hình thành ngôn ngữ của trẻ thay vì chỉ lặp lại các chuỗi ngôn ngữ mà chúng nghe và nhớ được. Đa số người mắc hội chứng tự kỷ có thể biểu đạt và thấu hiểu ngôn ngữ dễ dàng hơn khi sử dụng hình ảnh thay vì chỉ nghe và nói đơn thuần. Mặc dù việc nhận thức và tiếp thu mục đích cùng chức năng của chứng nhại lời là rất cần thiết, nhưng việc giúp trẻ chuyển sang sử dụng ngôn ngữ đa dạng hơn và làm quen với những cách giao tiếp thông thường cũng quan trọng không kém.
Rất nhiều trẻ càng lớn thì càng ít nhại lời hơn lúc bé. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với những tình huống thách thức hay gặp khó khăn khi bị rối loạn, chúng lại đi vào con đường cũ. Elijah, một học sinh cấp hai, vô cùng say mê nhạc kịch Broadway, đặc biệt là vở Vua Sư tử. Dù Elijah gặp nhiều trở ngại lớn trong việc học, đặc biệt là với các môn đòi hỏi khả năng đọc hiểu tốt những ngôn ngữ trừu tượng , nhưng cậu bé vẫn tích cực tham gia các lớp học chính khóa trong trường để có thể cải thiện tình trạng của mình trong một môi trường xã hội theo đúng nghĩa. Mọi thứ đều tiến triển tốt, ngoại trừ những khi cậu bé cảm thấy quá tải và lo lắng về những khó khăn trong học tập. Elijah ngày một bất an hơn và thậm chí khi cả lớp đang học Lịch sử thì cậu bé bỗng đứng phắt lên rồi bắt đầu hát to bài “Circle of Life”, đầu tiên là bằng tiếng Anh, sau đó là sang tiếng Đức (cậu bé đã học từ những video trên mạng ).
Các giáo viên trong trường (những người mà tôi từng hỏi ý kiến) đều khen tinh thần sáng tạo của Elijah, nhưng hành động bất ngờ hát nhạc kịch giữa tiết Lịch sử của cậu bé làm cản trở việc học của cả lớp. Vì vậy, tôi liền hỏi Elijah lý do thôi thúc cậu bé hát trong tiết học này. Câu trả lời mà tôi nhận được là: Giáo viên nói quá nhanh khiến cậu bé không thể bắt kịp. Elijah đã phải cố hết sức tập trung để nghe và hiểu, và đây là cách cậu bé tự điều tiết cảm xúc của mình khi cảm thấy căng thẳng. Hát chỉ là một hình thức khác của chứng nhại lời mà một số chuyên gia nhắc đến như là “nói theo lời thoại viết sẵn.” Elijah không phải là kẻ lập dị hoặc có những hành vi ngẫu nhiên; cậu bé chỉ đang giải quyết vấn đề của mình giống như cách người khác đang ngân nga một giai điệu yêu thích trong đầu mỗi khi cảm thấy chán nản hay căng thẳng (chỉ là họ không nói ra cho mọi người biết).
Sau khi trao đổi với giáo viên, phụ huynh, và những người khác trong trường , tôi đã tìm ra một cách khác giúp cậu bé giữ bình tĩnh mà hạn chế được việc làm phiền người khác trong giờ học. Ngoài những bài nhạc kịch, Elijah cũng thích vẽ những nhân vật trong phim Vua Sư tử. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cậu mang một tập giấy vẽ đến lớp, một chiếc bảng trắng nhỏ và bút màu, để mỗi khi cảm thấy lo lắng , cậu bé có thể ngồi yên vẽ, thay vì cản trở lớp học.
Phương pháp giải tỏa căng thẳng thay thế này cũng có hiệu quả đối với Justin, một thiếu niên có biệt tài vẽ tranh. Khi cậu bé được mười một tuổi, quán cà phê ở nơi cậu bé đang sống đã đồng ý cung cấp địa điểm trưng bày những tác phẩm của cậu. Bố mẹ cậu ủng hộ việc con mình có cơ hội luyện tập các kỹ năng giao tiếp xã hội, vì vậy cậu bé đã dành thời gian cho việc tập dượt chào hỏi bạn bè và mọi người khi họ đến buổi triển lãm. Đêm đầu tiên khai trương , Justin lịch sự bắt tay và chào đón một vài vị khách đến quán, nhưng càng có nhiều người đến thì cậu bé càng lo lắng , đến mức quá sức chịu đựng của cậu. Nên thay vì đón tiếp khách với những câu chào thông thường , cậu bé lại hỏi rằng : “Mọi người yêu thích nhân vật hoạt hình nào?” ( Justin thích hoạt hình, và cậu bé vẽ rất nhiều nhân vật hoạt hình). Ngay cả khi đã quen biết mọi người, nhưng cậu bé vẫn quên đi những lời chào đã luyện tập từ trước và thay vào đó buột miệng hỏi những câu vu vơ mà chẳng mấy quan tâm đến câu trả lời của mọi người. Mỗi lần nhắc lại câu hỏi, giọng cậu lại càng lo lắng hơn. Justin lặp lại câu hỏi quen thuộc của mình giống như cách mà Elijah hát những khúc hát trong vở Vua sư tử. Trong cả hai trường hợp của Justin và Elijah, việc nhại lời giúp cho hai cậu bé bớt lo lắng và bình tĩnh hơn.
Để thay thế cách chào hỏi kỳ lạ ấy bằng cách chào hỏi thông thường , bố mẹ của cậu bé đã chuẩn bị những thẻ chỉ mục ghi sẵn lời nhắc nhở về những điều cần nói trong các tình huống giao tiếp. Đây không phải kịch bản soạn sẵn mà chỉ là một số từ chính để nhắc cậu bé trò chuyện với mọi người thay vì chỉ nhắc đi nhắc lại câu hỏi của mình. Biết mình có giấy nhắc vừa bằng hình ảnh vừa bằng chữ, Justin có thể dễ dàng vượt qua các tình huống giao tiếp mà bản thân từng cảm thấy quá tải và lo lắng mỗi khi phải tham gia.
Chứng nhại lời cũng có ý nghĩa đối với quá trình phát triển của trẻ. Một đứa trẻ không thể sử dụng thành thạo và sáng tạo ngôn ngữ chỉ bằng việc lặp lại những từ hoặc cụm từ mà mình nhớ được, nhưng nhại lời chính là khởi đầu của quá trình này. Đối với nhiều trẻ, đây là bước đầu tiên để các em hiểu được điều cơ bản rằng chúng có thể sử dụng lời nói của mình để diễn tả những ý muốn, cảm xúc, những gì mình thấy và cần. Bằng cách ấy, trẻ có thể kết nối với những người khác.
Lắng nghe thúc đẩy giao tiếp
Đó là lý do vì sao phụ huynh rất cần lắng nghe con mình và không nên xem nhẹ hình thức giao tiếp này. Trong số những cố vấn đầu tiên của tôi, người gần nhất là Tiến sĩ Warren Fay, chuyên gia về lời nói và ngôn ngữ từng làm việc tại Trường Đại học Y tế và Khoa học Oregon cho rằng : nếu chúng ta vẫn chưa hiểu trọn vẹn chứng nhại lời là gì, thì chẳng phải chí ít chúng ta cũng nên cân nhắc về những điều trẻ nói hay sao?
Đứng trên lập trường của trẻ mà nói, chúng đã thực sự nỗ lực để giao tiếp, dù liên tục gặp phải những trở ngại về mặt giao tiếp vì hội chứng tự kỷ: Các em lo lắng khi giao tiếp, cảm thấy các giác quan quá tải và những trở ngại trong quá trình xử lý ngôn ngữ. Khi mọi nỗ lực giao tiếp ban đầu của trẻ vướng phải những yêu cầu thô bạo mà một số giáo sư đề xuất như, “Im đi!” hay, “Cấm được nói linh tinh!” thì những đề xuất ấy không chỉ vô ích mà thực tế còn khiến trẻ không còn muốn tiếp tục cố gắng kết nối cũng như đương đầu với những khó khăn trong quá trình tìm hiểu và học hỏi về lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp nữa. Ngoài ra, việc loại bỏ những nỗ lực giao tiếp của trẻ với mọi người có thể gây ra những căng thẳng và rối loạn lớn hơn cho các em. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều trẻ phản ứng lại bằng cách tránh gặp một số người, chấm dứt mọi cố gắng diễn đạt mục đích của mình, và bỏ cuộc.
Lời khuyên dễ hiểu nhất mà tôi muốn gửi đến bạn đọc chính là: Hãy lắng nghe, quan sát nhiều hơn, và luôn tự hỏi: “Tại sao?”.
Khi các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và chuyên gia chăm sóc làm được điều này - và họ đặc biệt chú ý đến ngôn từ, cử chỉ và ngữ cảnh trong khi giao tiếp - trực giác thường sẽ mách bảo họ rằng chứng nhại lời là một phần trong quá trình học hỏi để giao tiếp của trẻ. Tôi đã thấy được điều này ở Namir. Tôi gặp cậu bé lần đầu khi cậu mới có hai tuổi rưỡi. Namir rất thích những bộ phim của Disney.
Đó cũng là sở thích chung của tất cả các trẻ mà tôi đã từng làm việc cùng. Tất cả các thể loại phim hoạt hình đều có sức hấp dẫn với trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Dường như không gì có thể thu hút chúng hơn thế. Vì sao vậy? Rất nhiều trẻ mắc hội chứng tự kỷ cảm thấy thoải mái trước sự dễ đoán của nội dung , tính nhất quán của các nhân vật hoạt hình, (cũng như các bài hát đi kèm trong phim). Điều đó trái ngược hoàn toàn với bản chất khó đoán của những người đang ở xung quanh trẻ trong những tình huống hàng ngày.
Trong các bộ phim hoạt hình như Công ty quái vật1 hay Madagascar, các ngôn ngữ bằng lời, biểu lộ khuôn mặt của các nhân vật và hình thể đều bị cường điệu lên, khiến trẻ có thể dễ dàng hiểu được cảm xúc của nhân vật. Người mắc hội chứng tự kỷ cũng nhận thấy việc phác họa rõ ràng các nhân vật chính diện và phản diện là sự thay thế hấp dẫn cho các lĩnh vực mơ hồ về sắc thái biểu cảm mà họ phải đối mặt trong đời thực. Việc xem đi xem lại các cảnh phim đã trấn an họ bằng cách đem đến cảm giác quen thuộc và được làm chủ bản thân.
1. Monsters, Inc. (ND)
Nhiều phụ huynh lại lo sợ rằng con họ đang dành quá nhiều thời gian để xem các bộ phim như Vua Sư tử hay Shrek và điều này sẽ gây hại đến sự phát triển của chúng. Các nhà trị liệu hoặc các chuyên gia khác thường khiến họ lo lắng hơn khi đưa ra lời cảnh báo rằng việc xem đi xem lại những bộ phim hoạt hình ấy có thể khiến các hành vi của trẻ tồi tệ hơn, hoặc làm tăng mức độ nào đó nghiêm trọng hóa hội chứng này. Họ thường hỏi tôi có phải những bộ phim ấy chỉ là nguồn thông tin để trẻ thực hiện hành vi “nói linh tinh”, và các em xem chúng để học thêm nhiều cụm từ vô ích phục vụ cho việc nhại lời không.
Từ trường hợp của Namir và bố mẹ cậu bé, tôi đã có cái nhìn sâu sắc hơn. Khi lên ba, cậu bé dường như bị lạc vào những bộ phim của Disney. Những gì Namir thốt ra chủ yếu là lời thoại của Peter Pan, nhân vật mà cậu bé yêu thích. Thay vì sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với mọi người, cậu bé tự nói một mình bằng các lời thoại trong bộ phim, đôi khi còn quên đi sự tồn tại của những người xung quanh mình.
Những người khác có thể ngăn cản Namir bằng cách yêu cầu cậu bé dừng nhại lời ngay với lý do là “Cậu nói linh tinh như vẹt” và nó đang cản trở sự phát triển của cậu. Trái lại, bố mẹ của Namir luôn lắng nghe và đồng hành cùng con mình. Họ đã mua rất nhiều mô hình động các nhân vật trong bộ phim hoạt hình Peter Pan và tương tác cùng con mình mỗi khi cậu bé dùng đồ chơi diễn lại các cảnh phim mà cậu tưởng tượng và nhớ ra. Họ tôn trọng sở thích và hỗ trợ con trai mình mỗi khi cậu bé chơi với các mô hình để Namir hiểu rằng bố mẹ luôn lắng nghe và tôn trọng mình.
Cuối cùng , Namir cũng có những tiến bộ nhất định. Cậu bé hiểu rõ những điều mình nói hơn. Tuy vẫn sử dụng những lời thoại từ bộ phim Peter Pan, nhưng cậu bé đã biết cách đưa chúng vào những tình huống giao tiếp thích hợp. Giống như khi Aidan dùng lời thoại trong bộ phim Phù thủy xứ Oz để chào hỏi mọi người, Namir cũng bắt đầu kết hợp các mẩu hội thoại mình đã xem như một cách để kết nối và giao tiếp với mọi người xung quanh.
Cậu bé càng sử dụng ngôn ngữ sáng tạo bao nhiêu thì càng biết cách áp dụng “lời nói trong phim hoạt hình Disney” một cách có chọn lọc hơn, Namir biết khi nào thì chúng phù hợp với các tình huống giao tiếp và mục đích của bản thân mình. Ví dụ như khi muốn ai đó rời đi, cậu bé thường nói: “Tinker Bell, từ nay ta sẽ xua đuổi ngươi mãi mãi!”. Bằng việc khuyến khích nỗ lực giao tiếp khác thường của con mình, bố mẹ Namir cũng đã hỗ trợ rất nhiều vào quá trình phát triển ngôn ngữ của cậu bé. Trong khoảng thời gian từ bậc mầm non lên tiểu học, Namir đã lột xác hoàn toàn, không còn là một cậu nhóc bị lạc lối trong thế giới của những kịch bản ngẫu nhiên có sẵn và luôn chơi một mình nữa mà thay vào đó đã trở thành cậu bé biết cách giao tiếp và gắn kết với mọi người xung quanh*.
* Trong cuốn sách Life, Animated (tạm dịch: Cuộc sống hoạt họa) (New York: Kingswell, 2014) của mình, Ron Suskind đã ghi lại những tiến bộ trong việc phát triển ngôn ngữ của chính con trai ông.
Khi giáo viên lớp bốn của cậu yêu cầu cả lớp cậu thực hiện một dự án nghiên cứu về một người Mỹ nổi tiếng , Namir đã chọn nghiên cứu những nhà làm phim hoạt hình tài ba của hãng phim Walt Disney. Khi cậu bé hoàn thành bản báo cáo đầy dễ thương , bố mẹ cậu lại có cơ hội tán thưởng cậu bé và tăng thêm niềm tin đối với chính đứa con của mình.