Đây là một câu chuyện mới xảy ra gần đây. Nhìn thấy những người con trai của mình nỗ lực làm việc, tôi cũng muốn thử một lần nữa đứng trong quán. Vậy nên tôi lần nữa ra quán sau bao nhiêu năm vắng bóng. Lúc đó, tôi lập tức muốn thử tiến hành những ý tưởng ấp ủ bao lâu nay đến mức hàng ngày tôi đều mong ngóng đến buổi sáng.
Sau khi tôi không còn trực tiếp quản lí quán, mỗi khi nảy ra ý tưởng nhờ những điều thú vị quanh mình, tôi chỉ có cách lập tức gọi điện hoặc gửi fax để thông báo cho quán. Nhưng vì nhân viên trong quán không thực sự nhìn thấy những điều tôi kể, nên dù có kể “Tôi đã tìm thấy thứ hay lắm!”, thì tôi vẫn mãi không thể truyền tải được hình ảnh hay sự hào hứng đến nhân viên, và nhân viên cũng không thể phát huy chúng một cách tối đa được.
Ví dụ như đồ ăn, bạn không chỉ hình dung xem mình sẽ nấu món gì, mà còn phải hình dung đến dáng vẻ vui vẻ của khách hàng khi bạn đem đồ ăn đến chỗ họ. Nếu bạn không thể hình dung được toàn bộ câu chuyện cho đến giây phút ấy, sản phẩm sẽ không thể bán đắt hàng được.
Vì đã là câu chuyện kinh doanh nên chỉ nấu nướng thôi là không đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là “bán được” món ăn đó cho khách hàng
Nếu từ sâu thẳm bên trong, bạn không thể tự tin về sản phẩm của mình rằng chúng “tuyệt lắm”, “thú vị lắm” năng lực bán hàng của bạn cũng sẽ giảm sút. Vào một buổi trưa, khi trực tiếp ra quán, tôi đã thử nghiệm những ý tưởng ấp ủ của mình, và cuối cùng tôi cũng thấy được phản ứng của khách hàng một cách rõ ràng. Từ đấy, tôi đã có thể trực tiếp truyền đạt sự thú vị của những ý tưởng đó tới nhân viên của mình. Một lần nữa, tôi lại nhận ra rằng không có công việc nào thú vị như công việc này!
Nếu mãi không thực hiện những điều mình suy nghĩ thì tôi không thể nào chịu được. Trước khi những hình dung của bản thân dần nguội lạnh đi, tôi buộc phải phát huy ý tưởng đấy với trạng thái tốt nhất. Dĩ nhiên nói như thế không có nghĩa là mọi ý tưởng của tôi đều thành công, có khi số lần thất bại của tôi còn nhiều hơn số lần thành công không chừng. Nhưng cứ lặp đi lặp lại, thất bại, cải tiến, thử nghiệm, bạn sẽ dần tiến tới một tương lai tươi đẹp hơn.
Có một cửa hàng trưởng chỗ chúng tôi kể rằng anh ấy đã đi Fukuoka ba ngày hai đêm để quan sát từng cửa hàng một. Anh ấy nói mình đã nảy ra rất nhiều ý tưởng mới và muốn đem chúng vào thực đơn ngay lập tức. Khi quay trở về quán, nếu không thử nghiệm ngay những ý tưởng xuất hiện nhờ việc quan sát thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa. Tôi đã cảm thấy quyết tâm của cửa hàng trưởng đó thật tuyệt! Tuy nhiên, cửa hàng của chúng tôi là quán nhậu. Cho dù có phục vụ những món chưa từng ai ăn qua, cũng chưa chắc đã trở thành món ăn chiếm được trái tim khách hàng. Điều tôi mong muốn không phải là những món cầu kì chưa ai từng ăn, mà tôi mong vẫn từ những món ăn hay nguyên liệu thông thường đấy, các bạn ấy sẽ có thể tìm thấy sự thú vị, mới mẻ trong cách phục vụ, bán hàng.
Vũ khí trong kinh doanh không phải lúc nào cũng nằm ở những điều bản thân chưa từng nghe thấy hay nhìn thấy, mà thông thường chúng lại nằm ngay trong “tầm tay” của bạn
Mấy chục năm trước cũng vậy, khi giá thịt nướng hãy còn cao, nên trên đường phố cũng chưa ngập tràn những cửa hàng chuyên bán đồ nướng như bây giờ. Khi đến cửa hàng, các nhân viên hay đem rau xà lách ra rồi nói rằng, “Quý khách dùng cái này cuốn thịt lại rồi ăn nhé!” Mặc dù rất ghét ăn rau nhưng khi dùng rau xà lách cuốn thịt lại rồi ăn, tôi đều cảm thấy vô cùng ngon. Ngay hôm sau, tôi lập tức sử dụng một loại rau lá khác dễ cầm hơn để tạo ra món “rau cuộn bò nướng” rồi đem bán. Mặc dù thực đơn vô cùng đơn giản nhưng nó đã nhanh chóng trở thành món nổi tiếng ở quán tôi. Đối với những quán nhậu như chúng tôi, chuyện món ăn có cầu kì hay không đều không liên quan đến việc bán đắt hàng. Vậy nên những món tuy đơn giản nhưng vừa ngon, vừa thú vị, lại còn bán được đắt hàng chẳng phải tốt hơn hay sao.
Khi tôi nhìn thấy một nhà hàng đồ Ý nổi tiếng trên tạp chí hàng tuần phục vụ món rượu shouchuu pha loãng sẵn bằng li vang thì tôi đã cảm thấy “Chuyện này thú vị này!” Khi rượu shouchuu được pha loãng với nước, vị của nó sẽ êm hơn và ngon hơn nên cửa hàng chúng tôi vốn đã phục vụ món này rồi. Nhưng nếu thay cho những chiếc li hạt mít bằng li vang thì chẳng phải một món đồ uống giống như dành cho mấy ông già đột nhiên sẽ trở thành một thứ hấp dẫn và sành điệu hơn hay sao. Hơn nữa, li vang là dụng cụ có sẵn ở quán nên tôi cũng không cần phải mua mới nữa. Rượu shouchuu còn là đồ uống có giá gốc thấp hơn bia nên không có lí do gì tôi không làm thử cả.
Tôi nhanh chóng phục vụ thử ở quán, phản ứng của khách đều rất tốt. Mặc dù khách hàng gọi món là “rượu shouchuu pha sẵn” nhưng quán tôi luôn mang li vang đến tận chỗ ngồi của khách rồi rót rượu shouchuu từ chiếc bình thuỷ tinh xinh đẹp vào li. Khi nhìn thấy thế khách hàng đều vui vẻ trầm trồ:
- Ồ, là li rượu vang à!
Mỗi khi nhìn thấy cảnh đó, tôi đều cảm thấy vui vẻ không thôi.
Khi tôi cố gắng bán một món mới thì vô hình chung công việc buôn bán cũng mở rộng ra. Chúng ta phải suy nghĩ không chỉ về món mới đấy mà còn phải suy nghĩ đến cả những thứ được phục vụ cùng món đấy nữa.
Cả món rượu shouchuu pha sẵn này cũng thế, chúng tôi không chỉ phục vụ rượu pha sẵn, chúng tôi còn làm món kiệu ngâm vang đỏ bằng cách cho củ kiệu vào bình thuỷ tinh rồi rót đầy vang đỏ vào. Sau đó, chúng tôi giới thiệu nó với khách hàng rằng: “Món này dùng kèm với rượu shouchuu pha sẵn hợp lắm đấy!” Tôi nghĩ đó chẳng phải một cách hay hay sao? Hơn nữa, chúng tôi không dừng lại ở mỗi việc chế biến ra món kiệu ngâm vang. Quán tôi còn tổ chức trò chơi:
- Nếu quý khách tự gắp được củ kiệu từ bình thuỷ tinh thì chỉ phải thanh toán món này với giá 150 yên thôi.
Quán sẽ đưa cho khách hàng một chiếc thìa nhỏ và nói tiếp:
- Thay vào đó, nếu quý khách làm rơi chỉ một củ kiệu thôi thì giá tiền sẽ gấp đôi lên đấy nhé!
Như thế bạn đã có thể làm vui lòng khách hàng chỉ với một củ kiệu, bên cạnh đấy thực đơn món phụ cũng trở nên hấp dẫn hơn.
Tôi cũng nghĩ rằng không chỉ món ăn hay đồ uống, mà những cuộc trò chuyện ngắn thôi cũng là cơ hội để biến khách hàng thành người hâm hộ của quán. Ví dụ, khi tôi “phục chức” quay lại quán, đến 10 giờ tối là tôi kết thúc công việc của mình, lúc đấy tôi đều ngồi uống ở ngay tại quán. Từ trước đến giờ, những ông già trong bếp sau khi hoàn thành công việc, tất cả chẳng nói chẳng rằng đều bắt đầu ngồi uống ở quán. Như thế tâm trạng chẳng thoải mái gì cả! Vậy nên sau khi thay đồ xong, tôi sẽ ra chào khách:
- Theo Luật lao động cơ bản dành cho người cao tuổi, người cao tuổi bị cấm việc làm việc sau 10 giờ tối. Vậy nên tôi xin phép nghỉ ở đây thôi!
Khi tôi nói như thế thì khách hàng cũng cảm thấy vui vẻ, cuộc trò chuyện sau đó đã trở nên sôi nổi hơn. Nhờ vậy, khách hàng thường nói với tôi “Tôi sẽ quay trở lại”.
Dù là thực đơn hay là cách tiếp khách, từng thứ từng thứ, không cần phải “cao siêu” gì. Nhưng nếu bạn có thể tích góp từng điều nhỏ bé thú vị thì dần dần chúng sẽ có hiệu quả với khách hàng. Khách hàng sẽ cảm thấy “Cửa hàng này có điều gì đó rất khác biệt!” và quay lại với quán của bạn