T
ôi biết anh Ngô Trọng Thanh, chuyên gia marketing, giám đốc điều hành công ty Mancom từ năm 2003 trong một khóa học ngắn hạn về marketing tại Hà Nội. Bài phỏng vấn đầu tiên của tôi với anh cũng vào năm đó, khi anh nói về bí quyết xây dựng kênh phân phối hàng hóa để thúc đẩy quá trình bán hàng, tiếp thị sản phẩm trên thị trường khi anh đã kinh qua vị trí “Sếp” marketing ở nhiều công ty nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn thứ hai này của tôi với anh, vào ngày đầu tiên năm mới 2019, cách cuộc phỏng vấn đầu tiên 16 năm lại nói về một vấn đề hoàn toàn khác, đó là quan điểm trong giáo dục các con trong cuộc sống, khi suốt bao năm qua, với tư cách một người bạn, tôi chứng kiến anh đã đồng hành cùng các con suốt những chặng đường học hành với nhiều điều khá ấn tượng.
Ở tuổi 21, Thái Sơn, con trai lớn của anh đã có cơ hội trải nghiệm học tập tại 3 quốc gia: giành học bổng để du học tại New Zealand từ cấp ba, Trường Babson College (số 1 của Mỹ về đào tạo doanh nhân), và University of Ottawa. Từng viết và phát hành cuốn tiểu thuyết “Những thành phố tôi yêu” ở tuổi 17, Thái Sơn cũng có khá nhiều bài viết trên các trang báo mạng của Việt Nam.
Hiện nay, Thái Sơn cũng là sáng lập viên điều hành trang tankscrib.net - chuyên tư vấn bài luận cho hồ sơ du học Mỹ, và là cây bút bình luận sắc sảo trên các trang kinh doanh của Canada.
Không kém anh của mình, Thế Hưng, cậu em trai là một trong số ít học sinh trường tư và quốc tế thi đỗ vào trường cấp hai chuyên Trần Đại Nghĩa. Cậu cũng là thành viên trong đội tuyển bóng đá Quận 1, TP.Hồ Chí Minh, từng giành huy chương bạc giải bóng đá trẻ tại Singapore.
Nếu như trên thương trường là một CEO cá tính, luôn có những ý tưởng marketing đột phá với nhiều bài viết sắc sảo trên các báo, tạp chí thì với tư cách là một phụ huynh, anh cũng rất chủ động bày tỏ quan điểm của mình một cách nhiệt thành về việc dạy dỗ con cái. Anh Trọng Thanh cho biết, do mình sinh ra trong gia đình nghèo, có 8 anh chị em và mình là con út nên rất thấu hiểu thế nào là tình cảm gia đình. Bố mẹ anh là tấm gương tuyệt vời về tình yêu và sự khích lệ cho con cái. Trước khi trả lời các câu hỏi của tôi, anh Ngô Trọng Thanh chủ động chia sẻ, nhấn mạnh những nguyên tắc trong việc đồng hành cùng con mình:
- Tôi không kỳ vọng các con tôi trở thành siêu sao, bác học, hay tỉ phú. Tôi muốn các con tự tin và hạnh phúc trong cuộc đời này. Tôi chỉ yêu cầu các con ba điều từ nhỏ, để lớn lên thành con người đúng nghĩa: Một là tình yêu gia đình: tôi tin rằng, tình yêu gia đình luôn là điểm tựa cho các con trong cuộc sống, và động lực để các con phấn đấu, không chỉ hiện tại, mà cả trong tương lai. Hai là trung thực: tôi không trách mắng nếu con bị điểm kém, nhưng sẽ không chấp nhận nếu con nói dối với bố mẹ. Điều này có thể hơi xa xỉ với xã hội hiện tại, nhưng là yếu tố nền tảng để các con hòa nhập vào xã hội văn minh. Thứ ba là phải tự tin. Tôi luôn nghĩ rằng, khi con người đủ tự tin, họ sẽ học được và làm được những điều chúng khát khao, và đủ khả năng thích ứng với mọi biến động, thách thức.
Một điều nữa là thái độ với các con. Tôi luôn quan niệm, mỗi con người sinh ra là thực thể độc lập và khác biệt. Điều này cần được tuyệt đối tôn trọng! V ì vậy, không thể ‘đúc’ tất cả trong một khuôn. Một bé có thể kém về vấn đề này, nhưng sẽ mạnh về vấn đề khác. V ì vậy, tìm ra được điểm mạnh và khuyến khích đam mê của các con là nhiệm vụ của bố mẹ. ‘Con có thể làm được’ là câu tôi thường xuyên khuyến khích hai con. Tôi hiểu được phần nào điểm tốt, ví như về các môn tự nhiên và cũng hiểu cơ man nào là các điểm yếu của chính nền giáo dục trong nước. Tôi cũng hiểu những gánh nặng mà nội dung học hiện tại đang đè nặng lên vai các con và tôi hiểu, điều quan trọng, có quá nhiều thứ VÔ ÍCH. Giống như nhiều người ta thán, chúng ta dạy các con kỹ thuật thuần hóa rồng. Nó quá cao siêu, và thực tế không có rồng để dạy.
Tuổi thơ của các con không thể bị đánh cắp! V ì vậy, tôi quyết tâm đánh đổi: chỉ tập trung vào những gì có ích cho con sau này thông qua thể thao hay hoạt động khác để phát triển nhân cách, từng bước trang bị cho con kỹ năng sống như tư duy, cách giải quyết các vấn đề và tập trung học tốt toán, và tiếng Anh. Và vì vậy, tôi luôn chấp nhận những hạn chế của những vấn đề khác ở các con. Chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều, khi thời gian của các con là có hạn. Đặc biệt, tuổi thơ không bao giờ trở lại, và đừng đánh đổi nó lấy bất kỳ tham vọng nào khác của bố mẹ.
Được biết, hai con trai của anh đều trải qua những tháng năm học phổ thông “trong Nam, ngoài Bắc”, nhưng đều có cách để thích nghi với môi trường học tập. Làm thế nào để một học sinh đang học trường công Hà Nội chuyển vào TP HCM mà vẫn giữ được phong độ trong học tập?
Thích nghi là một kỹ năng cần có trong cuộc sống, và trẻ cần được làm quen từ nhỏ. Đừng quá bao bọc các con! Cứ để các con đi nhiều, chơi thể thao nhiều, tiếp xúc nhiều với bạn bè, các con sẽ tự tập được tính thích nghi với mọi hoàn cảnh. Đó là quan điểm của tôi từ xưa tới nay.
Nhiều cha mẹ hay nói với con: đừng làm cái này, đừng làm cái nọ. Điều này không sai. Nhưng nếu lạm dụng, thì nó đã làm thui chột sự tò mò, thử nghiệm, và thui chột khả năng hòa nhập của các con.
Con trai đầu của anh, cháu Thái Sơn đã từng trải qua kỳ thi vào 10 khi học ở Hà Nội. Anh từng nói, nghĩ đến giờ vẫn thấy kinh hoàng. Tại sao như vậy?
Thi đại học có cơ hội làm lại, nhưng cấp ba thì không! Sức ép này quá lớn với các con, và cha mẹ. Khi con thi xong, nghĩ lại, tôi vẫn nói thật là kinh hoàng, cho đến tận bây giờ. Cả một xã hội quay cuồng với ôn thi, với đề mẫu, với luyện tập. Tôi luôn tự hỏi: các con thi đỗ vào các trường top, bao nhiêu % là nhờ khả năng và trình độ, bao nhiêu % do ‘may mắn’ trúng tủ, và bao nhiêu % là nhờ ‘quan hệ’. Những sức ép về thi cử như vậy đã cướp đi bao nhiêu thời gian của các con cho ôn tập, học thêm. Và vòng quay đó vô hình trung cuốn mọi học trò, mọi phụ huynh vào guồng quay bất tận. Thật khó để ai đó đủ dũng cảm đứng ngoài luồng, và dám sống theo cách riêng của mình.
Theo anh, đâu là mấu chốt để Thái Sơn tự tin để đi du học Mỹ, rồi qua Canada? - Thái Sơn từng viết tiểu thuyết Những thành phố tôi yêu, theo anh việc trải qua các thành phố có ảnh hưởng như thế nào đến việc học hành và tư duy của con?
Tôi có mục tiêu cho các con TỰ muốn đi du học, TỰ kiếm học bổng du học từ nhỏ. Mỗi hè, tôi cho các con đi nước ngoài, để các con tự khao khát và ước mơ. Tôi cũng luôn nói: “Nếu muốn đi du học, con phải tự giành lấy học bổng, dù ít dù nhiều- bởi đó là “indicator” cho trách nhiệm và sự nỗ lực của con. Bố mẹ KHÔNG bao giờ chi toàn bộ học phí cho các con.”
Hè năm 2000, khi con trai đầu tròn 12 tuổi, đứng trước cổng một trường đại học ở Mỹ, Thái Sơn bắt tay tôi, nói: “Bố, con sẽ giành học bổng du học bố nhé’. Vài năm sau, cháu làm được điều đó.”
Khi đang học ở New Zealand hồi lớp 12, con viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Những thành phố tôi yêu. Đó là kết tinh những gì con suy nghĩ, trải nghiệm về con người, lối sống, và văn hóa Bắc - Nam - New Zealand, những nơi con đã sống, đã học, và trưởng thành.
Cậu con trai thứ 2 của anh, Ngô Đặng Thái Hưng hồi nhỏ học tại Hà Nội, sau khi chuyển vào Sài Gòn đã trúng tuyển vào trường chuyên THCS Trần Đại Nghĩa. Được học tại ngôi trường chuyên này là niềm mơ ước của khá nhiều học sinh, phụ huynh TP. HCM.
Đúng vậy. Trương THCS chuyên Trần Đại Nghĩa là một môi trường nhiều học sinh cấp hai, cấp ba mơ ước. Hồi cấp một, bé nhà tôi học một trường tiểu học tư thục ở Hà Nội sau đó chuyển vào Sài Gòn cùng gia đình. Khi con bước vào cấp hai, vợ chồng tôi nhận thấy, với cách thi mới của trường THCS Trần Đại Nghĩa, tập trung vào IQ và tiếng Anh, thì hoàn toàn phù hợp với định hướng của tôi với con. V ì vậy, con thi đỗ là điều tất yếu. Với cả hai cậu con trai tôi, từ cấp một đã không “mặn mà” lắm với học thêm các môn nhưng riêng tiếng Anh, các cháu được học từ lớp 2 và học các trung tâm rất tốt.
Được biết, ngoài thành tích học tập, Thái Hưng, học sinh trường chuyên Trần Đại Nghĩa còn là một cầu thủ khá cừ của quận 1. Làm thế nào để con vừa học giỏi mà vẫn có thể có thời gian chơi thể thao, làm những điều mình thích chứ không bị kín lịch học như nhiều học sinh học trường chuyên, lớp chọn?
Tôi khuyến khích con chơi thể thao, và con chơi rất cừ! Con từng là vua phá lưới giải quận 1, và huy chương đồng giải trẻ châu Á (tổ chức ở Singapore) 3 năm trước. Tôi luôn nghĩ, tuổi thơ của con không thể bị đánh cắp. Và vợ chồng tôi và các con tôi luôn tin một điều: điểm số không phải là chỉ số cho cuộc sống hạnh phúc sau này! Thể thao là nơi tốt nhất cho các con tìm được con người của mình, và học kỹ năng team-work, và mang lại sức khỏe. Thiếu sức khỏe, thật khó để tự tin, thật khó để hạnh phúc!
Mặc dù hai con trai anh rất thông minh và được học tập theo đúng định hướng của gia đình, phát huy được những sở trường của mình nhưng đã bao giờ anh có cảm giác kỳ vọng quá để rồi thất vọng về kết quả học hành nào đó của các con? Nếu có thì anh vượt qua điều đó như thế nào?
Có chứ! Khi nuôi dạy con đầu, Thái Sơn, tôi cũng đã từng lo lắng không biết cách nuôi dạy của mình có phù hợp với xã hội hay không, khi mà có lúc điểm số của con phọt phẹt quá! Còn nhớ hổi con đầu học cấp một, cấp hai ở Hà Nội, mỗi khi đi họp phụ huynh, mẹ cháu kêu gào: “Mẹ cứ phải gục mặt xuống. Lúc khen, chẳng thấy con mình đâu. Chỉ đến lúc chê mới thấy con mình.” Đôi khi chính phụ huynh cũng áp lực vì quá nhiều vấn đề ở trường lớp của con.
Rồi hồi con tốt nghiệp cấp hai, Thái Sơn cũng phải “apply” hồ sơ đến lần thứ ba mới được học bổng toàn phần của một ngôi trường top đầu thế giới về IB (tú tài) ở New Zealand. Hai lần trước không thành công, tôi nghĩ phần lớn do bảng điểm ở trường Việt Nam của con không được tốt, dù điểm thi kiểu “Tây” con rất tuyệt! Và tôi đã phải tự động viên: tính cách các con, và cách dạy của mình sẽ phù hợp với “Tây” - với tôi, đó mới là điều quan trọng, và đó mới là tương lai của các con. Đó chính là con đường tôi và các con lựa chọn.
Một chuyện rất thú vị hồi con xin học bổng cấp ba: con được điểm gần như tuyệt đối thi viết và toán bằng tiếng Anh trong các kỳ thi do trường nước ngoài tổ chức. Nhưng điểm trung bình Anh văn ở trường Việt Nam, con chỉ dưới 7,5. Có điều gì sai sai ở đây không nhỉ?!
Có cảm giác như tính cách của anh, những định hướng của gia đình anh nó ngấm dần vào các con?
Đúng thế, tôi sinh ra trong gia đình nghèo, có tám anh chị em và tôi là út. Bố mẹ tôi là tấm gương tuyệt vời về tình yêu vô bờ bến và sự khích lệ cho con cái. Suốt từ nhỏ, chưa bao giờ bố mẹ giục tôi phải học như thế nào. Lớn lên, tôi học chuyên Toán từ lớp 2 từ trường chuyện của huyện, rồi học chuyên tỉnh, chuyên quốc gia nên tôi rất thích các con học chuyên. Môi trường chuyên giúp con người suy nghĩ logic. Sau này đi làm, phần lớn thời gian làm quản lý cho các công ty nước ngoài, nên suy nghĩ luôn rất độc lập, và hơi “Tây”. Và tư duy đó, ngấm sang các con tôi từ nhỏ cho đến tận bây giờ.
Nếu nói ngắn gọn về kinh nghiệm đồng hành cùng các con trong học tập, anh sẽ nói gì với các phụ huynh?
Hãy hiểu con mình, để tìm được thế mạnh của con. Hãy luôn khích lệ để các con tự tin và phát triển điểm mạnh của mình. Bảng điểm sẽ chỉ là một góc nhỏ để nói về con người của con.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện chân thành này.
—Thanh Hải thực hiện