T
rong suốt 12 năm đèn sách của con em mình, các con đã phải trải qua rất nhiều kỳ thi khác nhau, từ thi đầu vào, thi kiểm tra chất lượng và xếp lớp, thi kiểm tra giữa kì, thi cuối kì, kỳ thi chuyển cấp. Nhưng hai kỳ thi chuyển cấp lên lớp 6 và lớp 10 vẫn là những kỳ thi được đánh giá là quan trọng và căng thẳng nhất vì tính cạnh tranh khốc liệt của nó. Đặc biệt là kỳ thi chuyển cấp từ THCS lên THPT mà mọi người quen gọi là kỳ thi vào 10, trong những năm qua kỳ thi này đã được nhà nhà quan tâm với tâm trạng lo hơn cả kỳ thi đại học. Hàng năm, cứ đến mùa hè, mùa thi thì ở nhiều nơi, nhiều gia đình luôn là tình trạng con lo một thì cha mẹ lo gấp mười lần.
KỲ THI VÀO LỚP 6 TRƯỜNG ĐIỂM: CUỘC ĐUA CỦA CÁC CHIẾN BINH
Tính đến năm 2019, đa số các trường THCS công lập của Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương trong cả nước đều thực hiện tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh lớp 5 lên lớp 6 theo phương thức xét tuyển theo tuyến. Tại Hà Nội, trong tổng số hơn 590 trường THCS thì hầu hết chủ yếu là xét tuyển theo tuyến do UBND quận, huyện, thị xã quy định và sử dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến trong những năm qua. Tương tự như vậy, Sở GD&ĐT TP. HCM quy định việc tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2018 - 2019 thực hiện theo hình thức xét tuyển. Học sinh đã hoàn thành bậc tiểu học sẽ được phân tuyến vào các trường THCS theo địa bàn cư trú.
Nếu như tuyển sinh lớp 6, đầu cấp hai, các trường cứ tuyển sinh theo tuyến, địa bàn cư trú như đa số thì không có gì phải bàn. Vấn đề là ở hai thành phố lớn nhất cả nước, mọi sự quan tâm, chú ý dường như dồn vào một số trường nổi tiếng, đặc biệt dư luận luôn quan tâm quy chế tuyển sinh vào hai trường mà mọi người vẫn gọi là trường điểm: trường THCS chuyên Trần Đại Nghĩa TP. HCM và trường THCS Hà Nội - Amstedam. Bởi vì, đây là hai ngôi trường công được tuyển sinh các học sinh giỏi xuất sắc theo cơ chế riêng.
Cái gì là đặc biệt, là riêng, là duy nhất thì sẽ luôn là tâm điểm, là kỳ vọng của bất học sinh, phụ huynh và của toàn xã hội. Điều đó rất đúng với hai trường công đặc biệt đó ở hai đầu Nam, Bắc của đất nước.
Để cho con mình chắc suất vào được ngôi trường cấp hai mơ ước thì ngay từ cấp một, nhiều gia đình đã không tiếc công sức để tìm thầy, tìm lớp cho các con theo học. Chính sự đồng hành không biết mệt mỏi của các bậc cha mẹ đã làm nên thành công của con mình. Nhiều bạn trước khi bước vào kỳ thi lớp 6 đã có được rất nhiều thành tích đáng nể trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, các giải thưởng cao trong các kỳ thi tiếng Anh do Sở Giáo dục tổ chức. Để chinh phục hai ngôi trường THCS đáng mơ ước, thậm chí nhiều gia đình có chiến lược ôn luyện, học thêm các môn học Toán, tiếng Việt, tiếng Anh từ năm lớp 1 và cần mẫn, không quản ngày đêm học hành ôn luyện suốt 5 năm tiểu học. Chính vì vậy, nói không quá thì với nhiều học sinh và phụ huynh, kỳ thi vào lớp 6 trường điểm như trường Trần Đại Nghĩa và Hà Nội - Amsterdam là cuộc đua của các chiến binh.
Mùa tuyển sinh cho năm học 2018 - 2019, trường chuyên Trần Đại Nghĩa tổ chức khảo sát năng lực bằng tiếng Anh 90 phút để tuyển đầu vào. Tại Hà Nội, năm học 2018 - 2019 trường THCS Hà Nội - Amsterdam tiếp tục phương thức xét tuyển lớp 6 các trường công lập “điểm”, trường chuyên thay cho phương thức thi hai môn Toán, tiếng Việt của những kì tuyển sinh trước năm 2015.
Có thể nói, trong nhiều năm, trường THCS chuyên Trần Đại Nghĩa là trường duy nhất tại TP HCM tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 thay cho cách thi 3 môn Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh trong những mùa tuyển sinh của những năm trước. Với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khoảng 500-550 học sinh, trong khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi có khi lên tới 4.500 em như mùa tuyển sinh năm học 2017 - 2018, tỷ lệ chọi vào trường luôn ở mức là 8-9 học sinh chọn lấy 1. Thí sinh dự thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa có thể nói là những học sinh xuất sắc nhất cấp tiểu học của TP. Hồ Chí Minh, các thí sinh với điều kiện nộp hồ sơ là phải đạt điểm 9 các môn Toán, văn trở lên ở lớp 5 và đủ khả năng thực hiện bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh với những câu hỏi khá hóc búa đánh giá khá toàn diện năng lực và trình độ tiếng Anh của học sinh.
Tương tự như vậy ở Hà Nội, hàng năm, thông tin tuyển sinh vào lớp 6 của Trường THCS Hà Nội - Amsterdam luôn thu hút sự chú ý của nhiều học sinh và phụ huynh thủ đô. Bởi vì, đây là ngôi trường mà nhiều phụ huynh ở Hà Nội luôn mơ ước và hướng tới. Trong nhiều năm qua, để tuyển chọn ra các học sinh xuất sắc vào học, trường THCS Hà Nội - Amsterdam thường thực hiện một trong hai hình thức là thi tuyển hoặc xét tuyển. Nhưng dù là hình thức nào thì để được một suất vào học ngôi trường danh giá này, với các học sinh có tố chất, nhiều gia đình Hà Nội đã đầu tư cho con học thêm, bồi dưỡng năng lực toàn diện suốt nhiều năm học ở bậc tiểu học.
Với chỉ tiêu hàng năm là khoảng 200-250 em, trong khi hồ sơ dự tuyển có năm lên tới 4200, đây được coi là ngôi trường có tỷ lệ chọi còn cao hơn cả thi vào đại học. Từ năm 2016, chuyên Hà Nội - Amsterdam chỉ xét tuyển học sinh xuất sắc vào lớp 6 với yêu cầu các lớp 4-5, tổng điểm bài kiểm tra cuối năm môn tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử và địa lý của học sinh phải đạt 40 điểm. Với những học sinh xuất sắc như vậy, với hồ sơ toàn diện như vậy mới chỉ là điều kiện cần, nghĩa là chỉ qua vòng hồ sơ, để chiến thắng cuộc đua này, điểm mấu chốt là các thí sinh phải thắng ở các điểm “khuyến khích” theo quy định xét tuyển. Ví như mùa tuyển sinh vào trường năm học 2017 - 2018, với cơ chế xét tuyển đặc biệt, để chọn ra khoảng 250 hồ sơ xuất sắc nhất trong số hơn 4.000 hồ sơ đó, các thí sinh phải đấu các điểm khuyến khích dành cho những học sinh được tặng bằng khen cấp thành phố, Bộ GD&ĐT, Nhà nước và những học sinh đạt thành tích cá nhân và đồng đội theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội về thông tin các cuộc thi, Olympic dành cho học sinh phổ thông và Công văn số 4520 về thông tin các cuộc thi dành học học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018. Nghĩa là, thực tế, các học sinh có thành tích thi học sinh giỏi giải Nhất, Nhì Thành phố, Quốc gia mới có thể đủ điểm để xét trúng tuyển vào lớp 6 trường Hà Nội - Amsterdam.
Có thể nói, dù là xét tuyển hay phải thi đầu vào thì chỉ những học sinh có thành tích học tập đặc biệt nổi trội ở bậc tiểu học mới hy vọng vượt qua các thí sinh khác để đặt chân vào ngôi trường chuyên Trần Đại Nghĩa và THCS Hà Nội - Amsterdam.
KÌ THI VÀO 10 - ĐÒN CÂN NÃO VỚI TỪNG THÍ SINH VÀ PHỤ HUYNH
Nếu như kì vào lớp 6 chỉ diễn ra cuộc đua ở những trường điểm, trường chuyên hàng đầu của thành phố, các thí sinh vẫn còn nhiều lựa chọn ở các trường đúng tuyến thì ngược lại, cuộc thi vào 10 là cuộc thi khốc liệt và hại não nhất đối với phụ huynh và học sinh từ trong Nam ra đến ngoài Bắc. Để đỗ được vào một ngôi trường THPT công lập top đầu các tỉnh, thành phố, thí sinh phải cân nhắc, lựa chọn nguyện vọng 1, 2 các trường phù hợp với năng lực, với điểm thi vào 10 của mình.
Trong kỳ thi tuyển sinh năm học 2018-2019 ngay tại Hà Nội đã có 32.000 thí sinh trượt công lập và phải chọn trường dân lập là nơi theo học, còn ở TP. Hồ Chi Minh con số thí sinh trượt công lập cũng lên đến 24.000 em.
Hay như theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 9/10/2018, theo phân luồng sau THCS, toàn Hà Nội có hơn 101.400 học sinh, trong đó có khoảng 60-62% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập; 20% vào cấp ba tư thục, 10% vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; số còn lại tham gia học nghề. Như vậy, có khoảng 40% số học sinh cấp hai sẽ không đỗ được vào các trường THPT, điều này gây áp lực cho rất nhiều học sinh và phụ huynh trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp ba.
Mỗi mùa thi chuyển cấp, giữa cái nắng như đổ lửa của mùa hè, các phụ huynh mong ngóng từng ngày Sở GD&ĐT công bố điểm chuẩn vào 10 của các trường công lập. Việc nộp hồ sơ giữ chỗ ở các trường dân lập cũng dẫn đến bao rắc rối sau này.
Nhiều gia đình đã nuối tiếc khi mà con em mình chỉ thiếu có 0,5 hay 1 điểm là được vào công lập, bao công sức của 9 năm đèn sách bỗng tan thành mây khói, trường dân lập có tiếng thì cũng không đủ điểm vào, đành chấp nhận xuống học trường top dưới. Thất vọng, buồn bực là tâm trạng của nhiều phụ huynh thời điểm đó. Ngược lại, nhiều em đã thi đỗ vào trường mình lựa chọn, đem lại niềm vui cho bố mẹ, những người luôn đồng hành cùng con. V ì vậy, với nhiều gia đình, kỳ thi vào 10 là kỳ thi của nước mắt và nụ cười và áp lực mà các con cũng như các gia đình phải chịu là vô cùng lớn.
Đó cũng chính là nguyên nhân mà các trung tâm luyện thi, các lớp học thêm ở khắp các hang cùng, ngõ hẻm luôn tấp nập học sinh và sáng đèn tất cả các buổi tối trong tuần, khi những ngày thi chuyển cấp tới gần. Hình ảnh quen thuộc nhất mà ta bắt gặp là rất đông các ông bố, bà mẹ kiên nhẫn ngồi đợi con tan học để đón về sau một ngày dài chỉ có học và học.
Chính áp lực kỳ thi vào 10 như vậy, nên từ tháng 10 năm 2018, thông tin Sở Giáo và Đào tạo (GD - ĐT) Hà Nội cho biết UBND TP. Hà Nội đã có quyết định số 5417/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, khác với các kỳ thi trước chỉ phải làm hai bài thi Toán - Văn cho kỳ thi này, từ năm 2019, học sinh thi vào lớp 10 THPT không chuyên sẽ phải thực hiện thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 “tổ hợp”, được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí. Bài thi thứ 4 này chỉ được công bố trước khi thi chính thức khoảng ba tháng, nghĩa là từ tháng 3 - 2019.
Mặc dù ngay lập tức khi công bố quyết định thay đổi phương thức thi vào 10, dại diện Sở GD&ĐT Hà Nội đã trả lời phỏng vấn Đài truyền hình VN và các cơ quan thông tấn báo chí, khẳng định phương án thi mới không quá tải nhưng đa số học sinh và các giáo viên cũng như phụ huynh đều khá lo lắng. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đề thi đảm bảo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT, các câu hỏi được phân chia theo cấp độ nhận biết, thông hiểu, một số câu thuộc vận dụng cấp độ thấp, nội dung hoàn toàn theo chuẩn chương trình sách giáo khoa, các em chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa có thể làm tốt bài nhưng sự thay đổi với tăng các số môn thi buộc học sinh phải ôn luyện nhiều môn học khiến cho chính học sinh và các giáo viên cũng lo lắng. Khỏi phải nói, các phụ huynh có con thi vào 10 năm học 2019-2020 “đứng ngồi không yên” như thế nào. Không những thế, tràn ngập trên khắp các trang báo thời điểm công bố thay đổi trong tuyển sinh vào 10 là những thông tin cho rằng, những thay đổi về kỳ thi đã tạo ra sự lo lắng, hoang mang và áp lực không nhỏ cho nhiều học sinh, phụ huynh, khi sáu tháng nữa, kỳ thi mới chính thức mới diễn ra.
Có lẽ, những thay đổi trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội từ năm 2019 mang đến nhiều cung bậc khác nhau cho học sinh và phụ huynh trong mùa tuyển sinh từ năm học 2019 - 2020. Chắc chắn những thay đổi trong việc thi thêm nhiều kiến thức, nhiều môn học cho kỳ thi này sẽ khiến dư luận xôn xao và tốn nhiều giấy mực của báo giới trong thời gian tới.
Và xem ra, kỳ vọng giảm áp lực cho các kỳ thi chuyển cấp của xã hội là chuyện khá xa vời.
KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT “Cá chép vượt vũ môn”
Đây là kỳ thi khép lại 12 năm đèn sách của học sinh và cũng là kỳ thi để lại nhiều dư âm nhất. Người ta hay nói “trồng cây sắp đến ngày cho quả” nhưng mỗi năm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT báo chí lại điểm danh những trường hợp không thể buồn hơn được.
Một thí sinh hoàn thành tốt bài thi và lên nộp bài cho giám thị, khi đang chuẩn bị ký để ra về thì bà mẹ đứng ngoài sốt ruột vì chưa thấy con ra nên bấm điện thoại gọi. Chuông reo đồng nghĩa với việc con bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc ngoài cổng trường.
Một ông bố ngủ quên không đặt đồng hồ báo thức, khi tỉnh giấc đưa con đến thì cổng trường khóa chặt và đề thi đã bóc, vậy là 12 năm đèn sách bỗng chốc tiêu tan, nước mắt của cả cha và con không ngừng rơi trong nỗi ân hận muộn màng.
Một thí sinh được bà mẹ tận tâm đưa đến điểm thi, con bước vào cổng thì mẹ bị xe quệt, vậy là lìa xa nơi trần thế. Thí sinh đành nuốt nước mắt để gắng gượng thi nốt những ngày còn lại… và còn rất nhiều trường hợp khác nữa.
Cứ mỗi năm, khi Sở GD&ĐT công bố mẫu đề tham khảo thi vào 10 là phụ huynh và học sinh lại bước vào một mùa thi mới với nỗi lo không hề cũ.
Có thể nói, trong những năm qua, dù đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng nhìn chung, nền giáo dục Việt Nam vẫn nặng về ứng thí, học để thi. Sau rất nhiều cải cách, thay đổi hệ thống thi cử, các kỳ thi chuyển cấp vẫn luôn tạo áp lực lên toàn xã hội. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế, khi phát sinh những bất cập trong mỗi kỳ thi, mỗi giai đoạn nhất định thì ngành giáo dục các cấp, các địa phương lại đưa ra các chính sách, các quy định mới để rút kinh nghiệm, cải tiến nhưng vô hình trung, “nhất cử nhất động” những thay đổi dù nhỏ của ngành giáo dục đều khiến học sinh và phụ huynh lo lắng. Chính vì vậy, các kỳ thi chuyển cấp, đặc biệt là kỳ thi vào 10 để có một suất phù hợp vào một trường THPT công lập danh tiếng luôn là điều tạo áp lực lớn cho nhiều học sinh và toàn xã hội.