5 ĐIỀU BỐ MẸ NÊN ĐỒNG HÀNH CÙNG CON KHI NGÀY THI ĐẾN GẦN
Còn nhớ những ngày đầu tháng Sáu năm ấy, tôi cũng đưa con gái đầu lòng đi thi vào chuyên Anh của trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm HN, kỳ thi đầu tiên trong chuỗi những ngày thi vào 10 căng thẳng của các học sinh phổ thông ở Hà Nội. Cũng dịp này, kỳ thi vào 10, kỳ thi chuyên vào các trường PTTH Năng khiếu, trường chuyên Trần Đại Nghĩa TP HCM và các trường chuyên của các tỉnh khắp cả nước cũng nóng lên từng ngày.
V ì vậy, mỗi năm đến mùa thi chuyển cấp, từ THCS lên THPT mà mọi người quen gọi là thi cấp hai vào cấp ba, hay gọi tắt là thi vào 10, tôi thấy rất đồng cảm với những phụ huynh, học sinh với kỳ thi này. Một kỳ thi mà không hiểu vì sao, xã hội đã đẩy áp lực lên cao, đôi khi như một “cuộc chiến” khiến mọi gia đình có con tham dự thi, đều khó có thể bình tĩnh.
Tôi xin chia sẻ với các phụ huynh và các con một vài kinh nghiệm nhỏ, để cho kỳ thi đầu tiên, dù con làm bài thật tốt hay làm bài còn sai sót, nhiều tiếc nuối thì con vẫn giữ được thăng bằng để thi tiếp thật tốt các kỳ thi sau trong “cuộc chiến” thi vào 10 THPT. 5 điều bố mẹ có thể giúp con lúc này, khi kỳ thi đã vào “trận chiến”…
1. Việc đầu tiên: đừng cho con “ôm” mớ sách vở đến sát ngày thi, giờ thi
Còn nhớ, hôm đưa con đi thi, đến sát giờ thi đến nơi rồi, tôi vẫn thấy có thí sinh ngồi sau xe máy ôm mấy cuốn vở dày cộp, đọc đi xem lại, vẻ mặt căng thẳng lắm. Một số bố mẹ đưa con đi ô tô, nhìn bên trong, con cũng ôm khư khư cuốn sách, quyển vở, đọc chăm chú như là vẫn còn đang học bài, dù chỉ còn chừng 40 phút là vào phòng thi. Tôi và con nói với nhau: “Nhà mình buông lỏng, bỏ sách vở cả tuần trước khi thi rồi, không cần học gì thêm”. Kinh nghiệm của mình, mai các con thi rồi, các mẹ đừng cho các con đọc, học thêm gì nữa. Nếu con lo lắng quá, chăm chỉ quá, vẫn “ôm” sách vở thì động viên con rằng việc học luyện thi vào 10, đặc biệt là thi chuyên vào cấp ba là cả một quá trình, chúng ta đã chuẩn bị cả một chặng rồi, đến giờ thi, tạm quên hết đi, để bình tĩnh mà “chiến đấu”.
Hình ảnh tôi sợ nhất, mỗi khi hè về là trước mỗi cổng trường thi, bố mẹ mồ hôi mồ kê ngồi quạt cho thí sinh con khi vẫn ôm khư khư sách vở học tiếp dù môn thi thứ hai đã sắp bắt đầu. Nhìn cảnh bố mẹ căng thẳng, ngồi chờ la liệt trước các cổng trường, cả xã hội còn lên cơn áp lực, huống hồ các con?
2. Đừng cho con đọc báo, vào mạng tìm hiểu thông tin về các kỳ thi khi ngày thi đã đến
Càng sát ngày thi, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người ta càng nói nhiều về kỳ thi, nhấn mạnh số lượng, chỉ tiêu học sinh được đỗ vào các trường công, các trường PTTH trong hệ thống chính quy, tỷ lệ học sinh “trượt”, không đỗ các trường công, buộc phải chọn học các trường tư thục cũng như các hệ thống giáo dục khác…
Ví dụ, theo báo Nhân dân điện tử ngày 16-4-2018, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019, giao chỉ tiêu cho 112 trường THPT công lập tuyển mới 64.990 học sinh, chiếm tỷ lệ 62%, tăng 12.330 học sinh so với năm học trước. Như vậy có 38% học sinh lớp 9 sẽ không học trường công mà sẽ “đầu quân” cho các trường tư thục, các trường bán công , các hệ giáo dục khác. Thời điểm này, các báo mạng , các phương tiện truyền thông đại chúng hàng ngày phân tích khá chi tiết, nhấn mạnh về số lượng thí sinh sẽ phải trượt trường công , tỷ lệ chọi ở các trường công , đặc biệt là các trường tốt được nhiều người coi là trường “top 1, top đầu” của thành phố làm cho tình hình thi cử trở nên gay cấn hơn bao giờ hết. Chẳng hạn như ngày 19-5-2018, khi chỉ còn gần hai tuần là đến kỳ thi vào 10 ở Hà Nội thì Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV.vn đăng bài nói về “Hà Nội công bố “tỷ lệ chọi” vào 10 năm học 2018-2019” với những thông tin nếu là bố mẹ học sinh đọc cũng thấy sốt xình xịch chứ đừng nói là thí sinh đi thi: “Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, tổng số thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường công lập tại Hà Nội năm 2018 là 94.964 học sinh. Số lượng thí sinh thi vào lớp 10 năm nay tăng gần 20.000 chỉ tiêu so với năm 2017 nên tỷ lệ “chọi” ở một số trường , nhất là các trường top đầu khá căng thẳng.” Và sau đó báo điện tử VOV cũng như hầu hết các báo khác đều đồng loạt đăng bảng tổng hợp thông tin về chỉ tiêu, số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 không chuyên trường PTTH công lập năm học 2018-2019 với những con số biết nói, vô tình hay hữu ý đều gây áp lực cho khá nhiều học sinh và phụ huynh khi ngày thi đang đến gần.
Báo Sài Gòn Giải phóng điện tử ngày 3-5-2018, khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa đến kỳ thi vào 10 năm học 2018-2019 đã đăng bài báo với tiêu đề: “TPHCM: Căng thẳng tỷ lệ chọi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2018-2019” trong đó phân tích chi tiết chỉ tiêu vào 10 các trường PTTH trên địa bàn thành phố, đặc biệt tỷ lệ “chọi” của các trường chuyên. “Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đang dẫn đầu danh sách đăng ký nguyện vọng với 3.252 nguyện vọng đăng ký, kế đến là trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có 891 nguyện vọng đăng ký”.
“Hà Nội thay đổi phương án thi vào lớp 10, phụ huynh lo áp lực thi cử dồn lên học sinh” là tiêu đề của một bài báo trên báo Lao động ngày 15-10-2018 nói về việc việc tuyển sinh các trường THPT Hà Nội năm học 2019-2020, trong khi còn hơn 7 tháng nữa mới đến kỳ thi chuyển cấp này.
Vô hình trung, trên “mặt trận” báo chí, truyền thông, những thông tin về kỳ thi nóng lên từng giờ và mùa hè, mùa thi biết thành “mùa áp lực vào 10” trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
V ì vậy, theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, ngay sau khi các con đã nộp đơn đăng ký nguyện vọng thi vào 10, nghĩa là con và gia đình đã quyết định ngôi trường mình dự định thi nguyện vọng 1, 2 thì coi như mọi việc cho kỳ thi bước đầu đã “chốt hạ”. Lúc này đừng cho con xem báo, đọc báo mạng phân tích chỉ tiêu, xem tỷ lệ “chọi” các trường làm gì nữa. V ì suy cho cùng, lúc đó xem cũng có bớt đi được thí sinh đăng ký, giảm được tỷ lệ “chọi” đâu. Hãy cân nhắc chọn các trường phù hợp khả năng của chính con và sau khi chọn thì không “nghe ngóng” thông tin nữa cho đỡ rối.
Còn nhớ năm con tôi thi, khi còn 10 ngày nữa bước vào đợt thi đầu tiên, thi vào trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, tôi hỏi con: “Con có biết tỷ lệ “chọi” của chuyên Sư phạm rất cao không, hình như 1 chọi hơn 10?” Con tôi trả lời ngay: “Khó người khó ta, dễ người dễ ta, cứ thế mà “chiến” hết mình thôi mẹ, tỷ lệ chọi “tích sự gì” lúc này nữa”.
3. Nên giúp các con không bị “choáng” khi làm bài thi đầu tiên đã không ổn
Thực tế nhiều năm qua, một số trường THPT chuyên ở Hà Nội thuộc các trường Đại học như THPT chuyên ĐH Sư phạm, THPT chuyên ĐH Tự nhiên hay THPT chuyên Ngoại ngữ thường tổ chức thi tuyển vào tuần cuối tháng Năm, trước kỳ thi vào 10 nói chung của cả nước thường diễn ra vào tuần 1, 2 của tháng Sáu. Như vậy, kỳ thi chuyên vào các trường đó cũng tổ chức thi tuyển trước kỳ thi chuyên vào các trường chuyên thuộc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội quản lý như trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, chuyên Chu Văn An và chuyên Tây Sơn. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, năm học 2018-2019, Trường phổ thông năng khiếu - ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018 vào cuối tháng 5 từ ngày 26/5 đến 30/5/2018, trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa và lớp 10 chuyên trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định.
Kinh nghiệm có một số con khi đi thi chuyên Sư phạm HN, chuyên Phổ thông năng khiếu ở TP HCM, ngày thi đầu tiên đã bị “choáng” do không thể hình dung nổi thực tế thí sinh đông như thế và không khí thi chuyên áp lực đến thế.
Ở Hà Nội, thí sinh thi vào 10 đợt đầu đông đến nỗi, đoạn đường Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng gần các điểm thi các trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG), THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG) bao năm qua, cứ đến ngày thi là tắc nghẽn. Công an, cảnh sát giao thông, lực lượng dân phòng, tình nguyện viên đổ ra hướng dẫn đường, chỉ dẫn chỗ để xe cứ như đây là một sự kiện “kinh khủng”. Ai đến chậm một chút, không còn chỗ nào để gửi xe máy, xe ô tô, đi bộ thì lách mãi mới chen chân được vào trường. Vậy là, từ lúc tập trung đăng ký để nghe phổ biến trước kỳ thi, các con bị “choáng” vì sợ đông, sợ nhiều bạn giỏi quá đến nỗi có cảm giác “quên hết chữ trong đầu”. Đến người lớn, bố mẹ đưa con đi, nhìn cảnh tắc đường vào trường chuyên thuộc Đại học Sư phạm, ĐH QG còn “choáng”, huống hồ các thí sinh mới 15 tuổi, lần đầu ra một “chiến trường” mới, đầy cam go.
Nhiều con thi xong môn đầu bị “sốc” vì nghĩ đi thi cho vui, thi để thử sức cho kỳ thi chính thức vào 10, ai ngờ đề thi khó quá, thành ra thi xong chả thấy vui, mà hoang mang, rồi suy diễn, thế thì có khi trượt hết đến nơi rồi. Mà trớ trêu là mấy năm gần đây các trường chuyên có xu hướng ra đề thi ngày càng khó và đặc biệt khó “đoán trúng tủ”. Có trường hợp một bạn cùng lớp con tôi thi chuyên lý, cũng học lò luyện từ lớp 8, lúc đăng ký thi có vẻ “bình chân như vại” nhưng đến khi làm bài thi xong, tự chấm môn chuyên chỉ làm được hơn 1-2 điểm. Thế là “choáng”, thất vọng, ảnh hưởng cả đến đợt thi vào 10 chính thức một tuần sau, Kết quả, cậu đó trượt cả trường chuyên lẫn trượt nguyện vọng 1 trường THPT công lập. V ì vậy, nếu thi vào chuyên đợt đầu, chẳng may con bạn rơi vào tình huống bị “choáng” bởi đề khó, không làm được, hãy động viên con và nói, hãy cố gắng ở đợt thi vào các chuyên khác, đặc biệt là kỳ thi vào 10, còn nhiều cơ hội khác…
4. Nên cho con ngủ đủ giấc và không cần ép con ăn uống bồi bổ quá nhiều
Bố mẹ luôn có xu hướng bồi dưỡng, bồi bổ cho con ăn uống khác thường khi ngày thi gần kề. Thực ra việc lo lắng, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho con là chuyện của cả năm, cả đời rồi, lúc gần thi, đừng để con bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng vì ăn nhiều, ăn lung tung… Con bạn mình năm ngoái, đúng lúc vào phòng thi thì căng thẳng quá, mồ hôi toát ra như tắm, bị đau bụng quằn quại mà làm bài thi không nổi 5 phút đã phải xin ra ngoài. Kết quả điểm toán bị thấp hơn nhiều so với thực lực của con chỉ vì cái bụng đau không đúng lúc.
5. Nên chuẩn bị tinh thần cho con đối diện với kịch bản: Không làm được bài và trượt!
Có thể các bạn nói, nếu như vậy là phản khoa học, con đi thi phải giúp con tự tin chứ, ai lại “bàn lùi” như thế, mất chí tiến thủ của con. Riêng tôi, trước kỳ thi một tháng, trong lúc nói chuyện với con, tôi và con bàn hết các tình huống, kể cả kịch bản, không may trượt tất các trường chuyên và các trường THPT công lập. Trước khi thi kỳ thi chính thức bắt đầu, tôi và con đã tham khảo thêm về hệ không chuyên dành cho học sinh thiếu một chút điểm, từ 0,25 đến 1, 2, 3 điểm so với điểm chuẩn chính thức của các trường chuyên hay người ta quen gọi là hệ B, hệ “cận chuyên”. Trong những năm qua, tại Hà Nội, các trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, THPT Chuyên Ngoại ngữ (thuộc ĐHQG), THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG) hay trường Phổ thông Năng khiếu tại TP Hồ Chí Minh ngoài chỉ tiêu hệ chuyên còn có những chỉ tiêu nhất định tuyển hệ không chuyên, dành cho các thí sinh thiếu điểm vào hệ chuyên của các trường.
Tôi và con còn tham khảo một số trường tư thục, các trường THPT thường có điểm chuẩn thấp. Câu hỏi đặt ra thẳng thắn là: “Chẳng hạn, đến lúc thi, trớ trêu, không làm được bài thi chuyên, hay kể cả không làm được bài thi vào 10 PTTH, trượt tất, thì chúng ta sẽ còn gì?” Câu trả lời là: “Chúng ta còn nhiều cơ hội khác. Điều quan trọng là đối diện với sự tệ hại đó như thế nào mà thôi.”
Chính vì các kịch bản đỗ và trượt được trao đổi, thảo luận trước khi thi một cách thẳng thắn, thực tế nên khi bước vào kỳ thi, con tôi cảm thấy vui vẻ, không quá áp lực. Con cảm thấy bố mẹ cũng hiểu, đồng cảm, và thông cảm với bất cứ kết quả nào. Chuyện thi cử xưa nay, luôn có 1% không may mắn. Xưa có sĩ tử học hành ngày đêm cả năm trời, nhưng đúng hôm thi bị cảm tả, còn tí mất mạng, sao mà mơ đỗ Trạng ? Lúc ốm đau, tai nạn bất ngờ, giữ được mạng sống của mình là may mắn, còn cơ hội thi cử, để tính sau. Học trò thời nay cũng thế. Trong một kỳ thi vào 10, bạn con tôi, có những trường hợp, khi đi thi căng thẳng quá, đã làm nhầm hết cả toán, và trượt hết, dù trong năm học con thuộc diện học giỏi của lớp. Không gì là không thể, và vì thế tôi chuẩn bị tâm lý trượt cho con, sau đó mới nói con là: “Nói vậy thôi, chứ mẹ tin 100% con đỗ trường A, thi đỗ trường B, vì con học thực lực và tâm lý tốt, không bị sợ, bị choáng trước khi thi.” Và con tôi cùng khá tự tin khi nói: “Con sẽ cố làm hết sức mình, cố cẩn thận hơn mọi khi và kết quả ra sao thì tính sau, nhưng con tin, ít nhất con đỗ một trường cấp ba con thích”. Và đúng là có thể chính nhờ sự bình tĩnh, tâm lý khi thi ổn nên kỳ thi năm đó của con rất ổn. Sau nhìn lại thấy con đã làm được đến 99% sức của mình, không bị “choáng”, không phải nói “giá mà” sau mỗi lần làm xong một bài thi vào 10.
Hàng năm, cứ sau mỗi mùa thi chuyển cấp hay thi đại học, rất đau lòng khi báo chí lại đăng tin có những em học sinh do áp lực thi trượt đè nặng nên đã bị trầm cảm, làm điều dại dột hoặc tự tử. Tôi không muốn nhắc lại những chuyện buổn, nhưng các bố mẹ ạ, thi vào 10, thi đại học chẳng qua cũng chỉ là một kỳ thi thôi, áp lực cho con mà làm gì. Suy cho cùng cuộc đời còn có tỉ thứ quan trọng hơn các kỳ thi. Và điều quan trọng là chúng ta đồng hành cùng con cái như thế nào mà thôi.