N
hư mọi người đều biết, không phải ngẫu nhiên, thi đỗ vào một trường THPT chuyên ở các thành phố lớn cũng như các tỉnh thành trên phạm vi cả nước luôn là niềm mơ ước của nhiều học sinh có học lực giỏi. Với nhiều phụ huynh, giấc mơ con đỗ trường chuyên cấp ba luôn cháy bỏng vì đa số bố mẹ đều tin tưởng rằng đặt chân được vào trường chuyên nghĩa là cánh cửa thành công trong tương lai đã bắt đầu rộng mở.
Chính các thành tích cao trong các giải trong nước cũng như quốc tế mà học sinh các trường chuyên đã giành được thời gian qua là các minh chứng có sức thuyết phục, khẳng định chủ trương đúng đắn của chính sách đào tạo nhân tài quốc gia được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, sự thành đạt trong sự nghiệp của các cựu học sinh chuyên cũng là nguồn cổ vũ to lớn cho nhiều thế hệ học sinh noi theo.
HỆ THỐNG TRƯỜNG CHUYÊN TRONG CẢ NƯỚC
Chưa có một nghiên cứu, thống kê quy mô, toàn diện nào nói về tỷ lệ các học sinh các trường chuyên trong cả nước đỗ đạt và thành công như thế nào sau khi ra trường, nhưng sự thật, đa số học sinh các trường chuyên trúng tuyển vào các trường đại học trong và ngoài nước và thành công trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu và công tác. Nhiều trường chuyên trong cả nước, tỷ lệ 100% học sinh đỗ vào các trường đại học top đầu trong nước không phải chuyện hiếm. Hàng năm, cứ mỗi mùa tuyển sinh đại học nhiều học sinh trường chuyên giành được học bổng, hỗ trợ tài chính du học các nước có nền giáo dục tiên tiến như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức… ngày một nhiều.
Không một lĩnh vực nào trong nước và quốc tế điểm mặt những người thành công, có đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng như của nhiều nước trên thế giới lại thiếu những gương mặt của các cựu học sinh các trường phổ thông trung học chuyên trên khắp cả nước. V ì vậy, nói các trường chuyên là cái nôi của các nhân tài cũng không sai.
Chính sách phát triển của Đảng và nhà nước, với mục tiêu xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên trọng điểm quốc gia trên phạm vi cả nước mang lại nhiều kết quả khả quan cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Cụ thể, từ năm 2010, trong Quyết định số 959/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: “Phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020” đã xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng và phát triển các trường trung học phổ thông chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực; có nền tảng kiến thức vững vàng ; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.
Các trường trung học phổ thông chuyên là hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tổ chức các hoạt động giáo dục”.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến năm học 2018, Hệ thống trường chuyên gồm: 76 trường chuyên, tất cả 63 tỉnh/ thành phố trong cả nước đều đã có trường chuyên. Số học sinh chuyên năm học 2018 - 2019 là 72.998 học sinh, chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT cả nước (vtv.vn)
Kể từ năm 1965, GS. Hoàng Tuỵ, nguyên là Chủ nhiệm khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có ý tưởng về việc mở một lớp Toán đặc biệt dành cho học sinh trung học phổ thông nhằm phát hiện và bồi dưỡng các học sinh năng khiếu Toán học để tạo nguồn đầu vào cho các trường đại học ở trong và ngoài nước, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước theo chủ trương của Đảng và nhà nước. Lớp chuyên Toán của trường ĐH Tổng hợp ra đời từ đó và là lớp chuyên Toán đầu tiên của trường và chính là lớp năng khiếu đầu tiên trong cả nước. (Theo thông tin trên website Đại học Quốc gia Hà Nội https://www.vnu.edu.vn).
Hệ thống trường trung học phổ thông chuyên ở Việt Nam kể từ khi mô hình đầu tiên ra đời năm 1965 đến nay phát triển không ngừng.
Theo Bộ GD&ĐT, hệ thống các trường chuyên hiện nay tồn tại ba hình thức Trường chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT, trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học, khối chuyên thuộc các trường phổ thông, khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Trong đó, các trường chuyên thuộc các cơ sở giáo dục đại học và Khối chuyên thuộc các trường phổ thông, khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học, tuyển sinh trong cả nước, một số trường học sinh được hưởng các quyền lợi như sinh viên các trường đại học trực thuộc như chế độ xét học bổng với học sinh xuất sắc, được xét ở nội trú tại ký túc xá của trường với các học sinh nhà xa.
Các trường chuyên trực thuộc các Sở Giáo dục Đào tạo của tỉnh, thành phố thì chỉ tuyển sinh trong địa bàn tỉnh/ thành phố đó (trừ một số trường hợp cá biệt).
CÁC TRƯỜNG CHUYÊN THUỘC ĐẠI HỌC: NƠI ƯƠM MẦM TÀI NĂNG
Một số trường trung học phổ thông chuyên, năng khiếu trực thuộc đại học tại Hà Nội như: Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, một số trường phổ thông chuyên, năng khiếu trực thuộc các trường đại học thuộc miền Trung và miền Nam như: Trường THPT chuyên Đại học Vinh, TP Vinh, Nghệ An; Khối chuyên THPT trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; Trường trung học thực hành, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Trường THPT - Đại học Tân Tạo (Long An).
Khối THPT chuyên của ĐHQGHN: Cái nôi của những nhân tài
Có thể nói, trong những năm qua, học sinh khối THPT chuyên của ĐHQGHN bao gồm Trường THPT chuyên KHTN (thuộc Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) và Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN) đã giành được nhiều thành tích cao tại các đấu trường trí tuệ quốc tế. Khối THPT chuyên của ĐHQGHN trở thành những đơn vị giàu thành tích nhất cả nước về đào tạo học sinh các khối chuyên về KHTN và Ngoại ngữ. Theo bài viết “Minh chứng về thành công của mô hình đào tạo học sinh chuyên ở ĐHQGHN” của tác giả Thiên Bình đăng trên website chính thức của trường, trong những năm qua.
Nhiều cựu học sinh của hai khối chuyên thuộc ĐHQGHN đã gặt hái được những thành quả nhất định. Những tên tuổi như: GS. Đàm Thanh Sơn đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 1984 nay là Giáo sư Vật lý tại khoa Vật lý, Trường ĐH Chicago (Hoa Kỳ); GS. Ngô Bảo Châu đạt Huy chương Vàng Olympic Toán các năm 1988 và 1989, giải thưởng Fields (năm 2010) và hiện đang là Giáo sư Toán học tại khoa Toán của Trường ĐH Chicago (Hoa Kỳ), đồng thời là Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán của Việt Nam. Đó là hai trong số rất nhiều tên tuổi cho thấy thành công đặc biệt hiệu quả của mô hình đào tạo phổ thông năng khiếu của ĐHQGHN.
Tính đến năm học 2018-2019, học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH QGHN đã giành được 238 huy chương các loại tại đấu trường khu vực và quốc tế, trong đó có 198 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế với 58 huy chương Vàng, 72 huy chương Bạc và 68 huy chương Đồng. Năm 2018 là năm bội thu huy chương của học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên với 03 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc và 01 huy chương Đồng ở các kỳ thi Olympic quốc tế Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học năm 2018. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo là thí sinh đạt số điểm cao nhất của kỳ thi Olympic Sinh học lần thứ 29 được tổ chức tại Iran.
Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ:
Khởi đầu là các lớp phổ thông chuyên Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội được chính thức thành lập từ năm 2009 đến nay đã là cái nôi đào tạo về ngoại ngữ trên hàng đầu của cả nước với bề dày thành tích dạy và học. Trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và ba Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba.
Chính vì vậy, trong bài phát biểu truyền cảm hứng cho học sinh năm học 2018-2019, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định, ĐHQGHN đã và đang cố gắng làm tốt một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của ĐHQGHN là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước từ cấp học phổ thông tới sau đại học.
Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP. HCM: Điểm sáng giáo dục miền Nam
Trong hệ thống các trường chuyên trực thuộc đại học, Trường Phổ thông Năng khiếu thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được thành lập năm 1996 là cơ sở Trung học Phổ thông duy nhất và đầu tiên ở phía Nam, trực thuộc trường Đại học. Trong năm học 2018, học sinh Hoàng Xuân Nhật giành Huy chương Bạc Olympic Tin học Quốc tế (IOI) 2018 tại Nhật Bản và Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương (APIO) 2018. Học sinh trường đạt 55 giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm học 2017 - 2018. Trường Phổ Thông Năng Khiếu được Nhà nước đánh giá cao các thành tích đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hai Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
CÁC TRƯỜNG CHUYÊN THUỘC CÁC SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
Bên cạnh hệ thống các trường chuyên thuộc đại học, hệ thống các trường chuyên trực thuộc các Sở GD&ĐT của các tỉnh, thành phố cũng phát triển không ngừng. Ở các thành phố cũng như các tỉnh trên cả nước đều có trường chuyên trực thuộc, trở thành cái nôi đào tạo nhân tài trên khắp các tỉnh thành. Ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nói đến các trường THPT chuyên nổi tiếng là gắn với một thương hiệu, mô hình giáo dục chất lượng tốt của tỉnh, thành phố đó, ví như Trường chuyên Trần Phú - Hải Phòng ; chuyên Hùng Vương - Phú Thọ; chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương ; chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định; chuyên Hạ Long - Quảng Ninh; chuyên Nguyễn Tất Thành - Yên Bái; chuyên Chu Văn An - Lạng Sơn; chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa; chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An; chuyên Võ Nguyên Giáp - Quảng Bình; chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng. chuyên Lương Văn Tụy - Ninh Bình, chuyên Lê Thánh Tông - Quảng Nam; chuyên Lý Tự Trọng - Cần Thơ; chuyên Nguyễn Thiện Thành - Trà Vinh; chuyên Lương Văn Chánh - Phú Yên; chuyên Huỳnh Mẫn Đạt - Kiên Giang…
Nhiều địa phương còn đặt tên trường THPT chuyên gắn với tên tỉnh, như là một sự khẳng định mô hình giáo dục chất cao của ngành giáo dục tỉnh: ví như chuyên Bắc Ninh, chuyên Bắc Giang, chuyên Sơn La, chuyên Hà Giang, chuyên Thái Nguyên; chuyên Thái Bình; chuyên Hà Tĩnh, chuyên Vĩnh Phúc; chuyên Long An; chuyên Bến Tre, chuyên Bạc Liêu...
Đặc biệt, tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống các trường chuyên phát triển mạnh cả về quy mô giáo dục đào tạo và cơ sở vật chất trường lớp. Cụ thể, tại Hà Nội trong những năm qua có bốn trường chuyên: Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua cũng có bốn trường chuyên: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ; Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa; Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền; Trường THPT Gia Định.
Trường THPT Hà Nội - Amsterdam: Thương hiệu giáo dục vươn tầm thế giới
Trong những năm qua, tên tuổi của trường THPT Hà Nội - Amsterdam đồng nghĩa với một thương hiệu giáo dục uy tín trong nước vươn tầm thế giới. Trong phần giới thiệu về nhà trường trên website trường tại địa chỉ http://hn-ams.edu.vn, sự ra đời của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm 1985 không chỉ là kết quả của một sáng kiến hòa bình hữu nghị Việt Nam - Hà Lan, mà còn đồng nghĩa với sự khai sinh một mô hình giáo dục phổ thông đặc biệt trong cả nước: trường THPT chuyên. Từ đó đến nay, nhà trường luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo học sinh giỏi, là một trong những đơn vị dẫn đầu về cả số lượng và chất lượng giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và là cái nôi với những thành viên chủ chốt cho các đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam tham gia các kỳ thi quốc tế. Số lượng các huy chương vàng, bạc, đồng tăng lên theo từng năm, tỷ lệ học sinh đỗ đại học rất cao cũng góp phần rất lớn tạo dựng uy tín và tên tuổi của nhà trường.
THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không chỉ vun đắp những tài năng trẻ tuổi đã giành được những huy chương vàng trong các cuộc thi trí tuệ quốc tế, mà còn là xuất phát điểm cho một số lượng lớn các du học sinh Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia học tập, nghiên cứu tại khắp các nước trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh giáo dục Việt Nam ra quốc tế. Với sự tự tin, năng động, sự chăm chỉ và thông minh, các cựu “Amser” gặt hái được không ít thành tích trước bạn bè quốc tế.
Trường Bưởi - Chu Văn An: Ngôi trường giàu truyền thống
Là một trong số ít ngôi trường phổ thông lâu đời và giàu truyền thống, tháng 11-2018, Trường THPT Chu Văn An tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Trường Bưởi - Chu Văn An (1908 - 2018) và đón nhận Huân chương Ðộc lập hạng Ba. Lịch sử 110 năm của Trường Bưởi - Chu Văn An gắn với nhiều dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Thủ đô Hà Nội và dân tộc với các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng nghìn giáo viên và học sinh của trường đã lên đường nhập ngũ và lập công trên các chiến trường, nhiều người con ưu tú của nhà trường đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường ở tuổi đôi mươi. Trong những trang sử hào hùng của nhà trường còn lưu lại hình ảnh những cựu học sinh của trường đã trở thành các nhà lãnh đạo lỗi lạc, như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng…
Trường Bưởi - Chu Văn An còn là nơi giảng dạy của rất nhiều nhà giáo nổi tiếng như: nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo dục Dương Quảng Hàm, học giả Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên… Đây là cái nôi đào tạo nhiều học sinh ưu tú trở thành các nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nhân thành đạt.
Ngày 3/11/2018 Kỷ niệm 110 năm ngày thành lập, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ngôi trường có bề dày lịch sử truyền thống - THPT Chu Văn An.
Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, điểm sáng giáo dục thủ đô. Ngôi trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cũng là một trường chuyên có bề thành tích của Hà Nội với hơn 70 năm hình thành và phát triển. Ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp với nhiều khó khăn, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ kế thừa từ trường THPT Nguyễn Huệ, được thành lập vào tháng 3/1947 với bốn lớp học đầu tiên và gần 200 học sinh. Bao năm qua, với cố gắng và nỗ lực của các thế hệ giáo viên cũng như học sinh, nhà trường đã đào tạo được hơn 2,5 vạn học sinh chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cho đến nay, THPT chuyên Nguyễn Huệ là nơi ươm mầm cho biết bao thế hệ trẻ ưu tú của đất nước với với bề dày thành tích ấn tượng. Nhiều học sinh đỗ thủ khoa của các trường đại học, nhiều học sinh được theo học lớp cử nhân tài năng. Đặc biệt, trong những năm qua, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học và đã đạt được kết quả rất xuất sắc ở cả cấp Thành phố và cấp quốc gia: Nhà trường đã hai lần được tham dự cuộc thi Intel ISEF quốc tế tại Mỹ. Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đã được tặng nhiều huân, chuy chương như: Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1997 do Hội đồng nhà nước tặng thưởng. Năm 2000 nhà trường được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Năm 2003, được Hội đồng nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba. Năm 2008, được Hội đồng nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Hai…
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh: Nơi sản sinh nhiều tên tuổi lớn
Trong hệ thống các trường chuyên trực thuộc tỉnh, thành phố, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh là một trường Trung học Phổ thông được xây dựng năm 1927 và là một trong ba trường trung học đầu tiên được thành lập tại Sài Gòn, với tên Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký.
Thi đỗ trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong, ngôi trường hơn 90 tuổi là mơ ước của rất nhiều học sinh. Bởi dây là một ngôi trường lâu đời với nhiều tên tuổi nổi tiếng đóng góp cho sự xây dựng và phát triển đất nước. Những cựu học sinh lừng danh của trường phải nhắc đến là cả hai vị nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang.
Trong lịch sử phát triển nhà trường còn có nhiều tên tuổi khác “vang bóng một thời” như: Hồ Hảo Hớn - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Huỳnh Văn Tiếng - thủ lĩnh phong trào yêu nước của sinh viên trước giải phóng...
Bộ ba Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiếng, Lưu Hữu Phước là những thủ lĩnh học sinh, sinh viên của Trường Pétrus Ký, tiêu biểu cho trí thức sinh viên Nam bộ trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, những năm 30 - 40 trước Cách mạng tháng Tám. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, họ đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật.
Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, một tấm gương tiêu biểu trong phong trào học sinh, sinh viên cả nước đã hy sinh anh dũng trong cuộc biểu tình phản đối thực dân Pháp ngày 9-1-1950 cũng là một cựu học sinh trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong. Nguyễn Thái Bình một học sinh của trường, từng là du học sinh trên đất Mỹ, đã từng viết hai lá thư nổi tiếng. Một lá thứ gửi cho những người yêu chuộng hoà bình và công lí trên thế giới và một lá thư gửi Tổng thống Mỹ chỉ trích các hành động tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Anh bị kẻ thù ám sát khi vừa về nước, đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào năm 1972.
Trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong còn gắn với tên tuổi nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng cả nước như Nhạc sĩ tiền bối Lưu Hữu Phước, Nhạc sĩ Trần Văn Khê.
Các nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh tác giả ca khúc Chân tình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác ca khúc Nhật ký của mẹ, các ca sĩ Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn, Trần Nguyễn Uyên Linh, Lan Trinh, Tóc Tiên... đều là những nghệ sĩ nổi tiếng giới trẻ những năm qua vốn cùng học ngôi trường chuyên Lê Hồng Phong danh tiếng.
Có thể nói, trong những năm qua, bức tranh trường chuyên trong cả nước đã có sự khởi sắc mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Mô hình trường chuyên đã trở thành những cái nôi đào tạo, ươm mầm nhân tài trẻ cho đất nước. Các trường THPT chuyên trong cả nước xứng đáng là nơi rèn luyện tạo ra những viên ngọc quý tài năng cho đất nước.