N
hư các phụ huynh đã biết, tiếng Nga từng được dạy phổ biến ở hầu khắp các trường trong hệ thống giáo dục Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. Học sinh được học tiếng Nga từ bậc THCS đến THPT. Hầu hết thế hệ 6x và 7x đều được học tiếng Nga. Bản thân những người không được học thì cũng từng xem phim hoặc nghe ca nhạc của Nga. Cho nên tiếng Nga khá quen thuộc với mọi người.
HỌC TIẾNG NGA - YÊU CẢ NỀN VĂN HÓA
Nước Nga rộng lớn trải dài từ Âu sang Á và vắt qua 11 múi giờ khác nhau. Đất nước vĩ đại này với lịch sử hào hùng là nơi sản sinh ra các nhà văn, nhà thơ, danh họa lớn đóng góp vào nền tri thức của nhân loại. Hầu hết những người yêu nước Nga, yêu văn hóa Nga đều thích đọc các tác phẩm như:
Chiến tranh và hòa bình - N.L Tolstoi
Sông Đông êm đềm - M.K. Solokhov
Đất vỡ hoang - M.K. Solokhov
Evgeni Onegin - A.S. Pushkin
Cánh buồm đỏ thắm - A. Grin
Pushkin người được ví như Mặt trời thi ca Nga được người yêu thơ Nga biết đến qua bài thơ khá nổi tiếng
Я вас любил
Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.
Tôi yêu em - Pushkin
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
—Bản dịch thơ của Thúy Toàn
Thời kỳ này, nước Nga đã đào tạo cho Việt Nam hàng chục ngàn tiến sĩ, phó tiến sĩ, kỹ sư cho các chuyên ngành khác nhau, từ cơ khí, tự động hóa, bác sĩ đến giảng viên các trường nghệ thuật. Nghệ sĩ Violin Bùi Công Duy nổi tiếng của Việt Nam cũng được đào tạo ở Nga trong nhiều năm.
TIẾNG NGA - SỰ THĂNG TRẦM CỦA LỊCH SỬ
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, nước Nga phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về kinh tế thời chuyển đổi, cho nên tiếng Nga cũng chịu chung số phận. Tại Việt Nam phong trào học tiếng Anh nở rộ thay thế cho tiếng Nga. Nhiều giảng viên tiếng Anh có tuổi hiện nay đều xuất thân từ giáo viên dạy tiếng Nga.
Tuy nhiên trong những năm trở lại đây khi mà nền kinh tế và chính trị Nga đi vào ổn định, sự phát triển của hai quốc gia đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược thì việc học tiếng Nga và du học Nga dần được nhiều bạn trẻ coi là sự lựa chọn đúng đắn.
Tại Hà Nội có hai trường chuyên thuộc Sở GD&ĐT có tuyển sinh lớp tiếng Nga là trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và trường THPT chuyên Nguyễn Huệ.
Xét theo điểm đầu vào năm 2018 thì trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, lớp chuyên Nga lấy 38,75 điểm. Còn với trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, điểm chuẩn vào lớp chuyên Nga 34 điểm.
Hiện tại, học sinh chuyên tiếng Nga học tập theo giáo trình bản ngữ, kết hợp với sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT với thời lượng học 6 tiết/tuần do giáo viên người Việt giảng dạy và 2 tiết tăng cường do giáo viên người Nga giảng dạy. Ngoài 8 tiết như trên, học sinh đội tuyển tiếng Nga còn được học thêm một buổi mỗi tuần. Ngoài ra, học sinh còn tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi có uy tín như kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (khối 11, 12), học sinh giỏi các tỉnh duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ (khối 10, 11), Olympic tiếng Nga quốc tế.
Kỳ thi Olympic tiếng Nga dành cho học sinh các trường phổ thông tại Việt Nam khối 12 có nhiều giải thưởng có giá trị. Hàng năm Chính phủ Liên bang Nga cấp 958 học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo tại Liên bang Nga theo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập chuyên ngành và thực tập chuyên khoa Y, trong đó bao gồm các chỉ tiêu dành cho các bộ ngành và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.
Thời gian đào tạo: Chương trình cử nhân 04 năm học; chương trình kỹ sư, chuyên gia 05 năm học; chương trình thạc sĩ 02 năm học; chương trình tiến sĩ 03 - 04 năm.
Chương trình thực tập chuyên ngành từ 03 đến 12 tháng (đối tượng ưu tiên là giảng viên/giáo viên tiếng Nga của các trường đại học, cao đẳng và THPT); chương trình thực tập chuyên khoa Y 02 năm.
Chính phủ Liên bang Nga miễn phí cho quá trình học tập, cấp học bổng hàng tháng và bố trí chỗ ở trong ký túc xá với chi phí áp dụng theo mức quy định của Chính phủ Liên bang Nga. Chính phủ Việt Nam cấp vé máy bay một lượt đi và về, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế và cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng theo mức quy định của Chính phủ Việt Nam đối với lưu học sinh học bổng Hiệp định tại Liên bang Nga.
Ngoài học bổng chính phủ thì Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cũng thường tuyển chọn sinh viên giỏi đi đào tạo đại học ở Liên bang Nga bằng kinh phí của Vietsovpetro với dự kiến tổng số 20 học bổng/năm.
Các ngành học dự kiến là địa chất dầu khí, địa vật lý, công nghệ khai thác dầu khí biển, thiết bị - cơ khí dầu khí biển, thiết kế - Xây dựng công trình dầu khí biển, thiết kế -xây dựng đường ống bể chứa, điều khiển tàu biển. Đối tượng tuyển sinh dành cho các em thuộc khối tự nhiên và có học lực giỏi về toán, lý, hóa.
Ngoài các loại học bổng trên, học sinh có thể apply và xin học bổng trực tiếp tại các trường đại học của Nga theo nhóm ngành học mà mình quan tâm.