H
iện nay việc thi vào chuyên Anh được coi là cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất vì số thí sinh bao giờ cũng năm sau cao hơn năm trước, mà chỉ tiêu tuyển sinh hầu như không thay đổi. Việc chuyển sang chuyên Văn cũng được nhiều gia đình quan tâm vì các bạn học theo ban D gồm các môn Toán, Văn, Anh thường có xu hướng thi chuyên Văn song hành cùng với chuyên Anh.
Rất nhiều phụ huynh có băn khoăn về định hướng học và ôn luyện môn Văn, để giải đáp các thắc mắc này, tôi xin chia sẻ ý kiến của mình dưới góc nhìn của một phụ huynh về việc học môn Văn.
Học văn có cần thiết không ? Mọi người đều biết, so với các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tiếng Anh thì hai môn Văn và Sử có phần thiệt thòi hơn. Nếu các môn tự nhiên, học sinh có cơ hội tham gia đội tuyển quốc gia đi thi quốc tế và thực tế đã chứng minh rất nhiều các em đội tuyển của Việt Nam giành được giải cao trong các kỳ thi đó, còn môn Văn chỉ được thi các giải cấp thành phố, cấp tỉnh và cao nhất là cấp quốc gia mà thôi.
Việc giành giải quốc tế của các môn tự nhiên có thể mở ra cánh cửa du học ngay tức thì, còn được giải cấp quốc gia môn Văn, các em cũng chỉ được trường đại học sư phạm tuyển thẳng mà thôi. Thực tế có em được giải Nhì Quốc gia môn Văn nhưng đã từ chối cơ hội vào đại học sư phạm để thi và xét tuyển vào trường mình yêu thích là trường đại học Ngoại thương. Sự lựa chọn đó cũng vì lý do tìm việc làm sau này.
Thi vào chuyên Văn có dễ không ? Thật sự là không hề dễ như mọi người nghĩ. Nếu nhìn bảng điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên của các trường chuyên trên địa bàn Hà Nội mấy năm trở lại đây, mọi người có thể thấy, môn Văn chỉ đứng sau môn tiếng Anh và một số môn tự nhiên như Toán, Lý.
Vậy học Văn có thật sự cần thiết? Đây chính là câu hỏi mà nhiều phụ huynh quan tâm vì nó liên quan đến việc hướng nghiệp sau này. Rất nhiều lần các nhà tuyển dụng đã phàn nàn chuyện sinh viên ra trường không thể viết được một đơn xin việc cho ra hồn, chưa kể nếu có đi làm cũng không biết soạn thảo công văn hay viết một vài trang để thuyết trình dự án, lỗi cơ bản chính là cách sử dụng vốn từ của các em quá kém, điều này là hạn chế rất lớn khi tham gia thị trường lao động đòi hỏi chất lượng cao.
Nhưng các em học chuyên Văn sẽ coi đó là lợi thế của mình. Các ngành như Báo chí, Sư phạm, Truyền thông Xã hội, Luật, Quan hệ Quốc tế, biên tập viên của các kênh truyền hình là đích đến của học sinh chuyên Văn.
Lộ trình học để thi chuyên Văn. Người xưa nói “có bột mới gột nên hồ”, muốn thi chuyên Văn thì phụ huynh cần có định hướng và sự bồi dưỡng cho con mình ngay từ khi bước vào THCS. Nếu cấp tiểu học, các con chỉ cần học môn tiếng Việt để làm các bài văn đơn giản, viết rõ ràng đủ ý. Phụ huynh có thể làm phong phú vốn từ và sự hiểu biết của con em mình bằng cách cho con đọc bổ sung những câu chuyện giàu tính nhân văn như: Cánh buồm đỏ thắm, Toto-chan bên cửa sổ, Cô bé bán diêm, Hoàng tử bé,… Chính niềm đam mê đọc sách dưới sự hướng dẫn của bố, mẹ là nền tảng để con có đam mê với môn Văn sau này.
Thời điểm để bắt đầu học môn Văn. Khác với các môn tự nhiên như Toán, Lý khi đã mất gốc rất khó để học lại. Với môn Văn, các con chỉ cần chăm chỉ và có nghị lực là hoàn toàn theo được, dù bắt đầu học khi đã vào lớp 7 hoặc lớp 8. Nhưng theo tôi con bạn nên bắt đầu học từ lớp 6 là tốt nhất. Thời điểm lớp 6, khi mà chưa có thêm môn Hóa thì việc tìm thầy, cô để học môn Văn là khả thi. Nếu chỉ thi vào các trường công lập thì đơn giản, nhưng định hướng thi chuyên nên cần học nâng cao môn Văn để cửa vào chuyên rộng mở.
Một số kinh nghiệm sau có thể giúp các bố mẹ hình dung và định hướng được cho con em mình có chiến lược học môn Văn một cách hiệu quả nhất.
Ví dụ: Nếu cần dẫn chứng về sự giao mùa chắc khó có bài thơ nào vượt được 2 câu thơ khá nổi tiếng của nhà thơ Hữu Thỉnh:
“Có đám mây mùa Hạ
Vắt nửa mình sang Thu…”
Học văn không hề dễ, chính vì vậy, nếu con bạn cảm thấy bài giảng quá dài và có nhiều ý lan man, khó học thì bạn hãy hướng dẫn con gạch dưới những ý chính được thầy cô lưu ý nhiều lần trong bài. Sự ghi nhớ ý chính là vô cùng quan trọng để sau này tránh được lạc đề hoặc sa vào chi tiết vụn vặt mà không nêu được ý chính. Bài làm dài mà điểm không cao chính là vậy. Có nhiều bạn về nhà than thở với bố, mẹ: “Con làm bài dài tới tận 5 trang mà được có 6 điểm.” Đơn giản là vì con đã bỏ qua phần cốt lõi của vấn đề.
Ví dụ như văn lớp 8 có bài thơ “Ông Đồ” nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay...”
Để bình giảng bài thơ này không khó, vì thầy cô đã phân tích hoàn cảnh xã hội đương thời khi mà Nho học bước vào sự suy tàn. Nhưng bố mẹ cần hướng con mình nhìn vào sự chuyển động của không gian và thời gian theo quy luật của vũ trụ, chính sự nhìn nhận khác biệt không theo khuôn mẫu sẽ là điểm cộng cho bài làm văn của con.
Thông thường cơ cấu bài thi văn vào 10, bao giờ cũng có 2 phần
Phần 1 (6 điểm) sẽ yêu cầu phân tích một khổ thơ và sẽ có 4 câu hỏi phụ.
Phần 2 (4 điểm) sẽ yêu cầu phân tích một tác phẩm văn học, hoặc một đoạn văn và cũng sẽ có 4 câu hỏi phụ. Để làm trọn vẹn cả 2 phần gồm 8 câu hỏi trong thời gian 120 phút, thì không còn cách nào khác là con bạn phải nhớ và thuộc các bài thơ, bài văn thì mới mong bình giảng, phân tích và giành điểm cao được. Muốn thế, các bạn ý luôn phải đọc và ghi nhớ những ý chính để từ đó phát triển ra.
Muốn học tốt phải luyện, nhưng không phải bố mẹ nào cũng có đủ thời gian và khả năng để kèm dạy con mình, vậy là việc con học thêm ở các trung tâm, nhà thầy cô là điều không tránh khỏi.
Nhưng học thế nào mà đạt được hiệu quả là cả một vấn đề, các cô dạy Văn có tiếng thì sĩ số lớp bao giờ cũng rất đông. Nếu con không tự giác thì kết quả thu được không đáng là bao nhiêu, hoặc nhiều nơi có tình trạng cô đọc, trò chép.
Kiểu học này chỉ đủ điểm vào trường công lập, còn cửa vào chuyên Văn chắc không có.
Nói vậy để thấy muốn con đạt được kết quả, sự đồng hành của bố mẹ là vô cùng quan trọng.