N
hư mọi người biết, trong các môn chuyên ở bậc THPT thì chuyên Anh vẫn là môn được nhiều thí sinh và gia đình lựa chọn. Cũng đúng thôi vì tiếng Anh đang là một ngôn ngữ phổ biến khắp toàn cầu. Nhưng ngoài chuyên Anh ra thì còn nhiều môn khác đáng để các bố mẹ tham khảo và định hướng cho con mình. Trong đó môn Lịch sử cũng là một lựa chọn không hề kém hấp dẫn. Khi nói đến Lịch sử, người ta hay nói đến sự thăng trầm theo dòng chảy của thời gian. Việc học tốt môn Lịch sử cũng là một lợi thế sau này trên con đường sự nghiệp.
TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỬ NÓI CHUNG
Lịch sử là dòng chảy thời gian, những sự kiện lịch sử chắc chắn là có tác động qua lại với nhau. Khi học các sự kiện này, các bạn phải tìm thấy sự liên kết qua lại để lắp ghép xem nó có liên hệ với nhau như thế nào? Thông qua sự liên kết đó mà hiểu được lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới trong giai đoạn đó có biến động thế nào. Sự kiện của thế giới tác động đến Việt Nam ra sao?
Tại sao học sinh lại chán môn Sử: Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần tìm hiểu từ chính các cuốn sách giáo khoa môn Sử. Khác với môn Văn, học sinh có thể bay bổng và làm bài theo cảm xúc để giành điểm cao. Môn Sử cần nhất là sự chính xác về ngày, tháng, năm đã xảy ra các sự kiện. Thông thường các em sẽ học lịch sử trung đại và cận đại, sử Việt Nam và thế giới. Chính việc phải ghi nhớ các sự kiện, các con số đã làm giảm đi sự hứng thú đối với môn Sử của học sinh.
Điều này dẫn đến việc, có khi cả một Hội đồng thi được tổ chức chỉ để có một thí sinh tham gia thi môn Sử. Chưa kể đến tâm lý của các phụ huynh cũng không muốn con em mình học và thi môn đó. Nếu phải chọn môn Sử để vào được trường chuyên, có khi lại là ý của bố, mẹ chứ chưa chắc là nguyện vọng của con. Rất nhiều thí sinh thi vào chuyên Sử không phải em nào cũng thích học sử, thậm chí hầu hết các em đều không thích. Nhưng vì nghĩ rằng không thể thi vào một chuyên nào khác nên các em cố gắng đầu tư để thi vào chuyên, hi vọng dù sao vào đây cũng có điều kiện học tốt hơn. Chuyên nào rồi cũng sẽ đi du học là vậy.
CÁCH HỌC VÀ THI MÔN SỬ
Khi đã chọn môn Sử để ôn luyện và thi vào chuyên, dù muốn hay không, con bạn vẫn phải luôn ghi nhớ các điều sau nếu muốn đặt chân vào trường.
Việc học và ghi nhớ các sự kiện, hiện tượng lịch sử cần được hệ thống theo dạng biểu đồ để vừa tránh được nhầm lẫn, vừa không bị cảm giác khô khan, nhờ đó mà học sinh có hứng thú với các bài giảng trên lớp. Các bạn cần nhớ một điều, các sự kiện, hiện tượng lịch sử luôn luôn gắn liền với một không gian, thời gian, nhân vật nhất định, nếu tách các yếu tố đó ra khỏi bối cảnh thì chắc chắn sẽ làm sai lệch lịch sử.
Để thi vào chuyên, học sinh muốn giỏi môn Lịch sử phải ham thích, say mê nghiên cứu và học tập môn Lịch sử một cách có hệ thống. Con bạn không những phải xác định rõ ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, cần phải biết các sự kiện lịch sử một cách rõ ràng, sâu sắc hơn và trên cơ sở các sự kiện đó các em phải biết vận dụng vào làm các dạng bài thi với yêu cầu tổng hợp, phân tích đánh giá các sự kiện lịch sử. Chính các yếu tố này mới giúp các con đạt điểm cao môn Sử.
Bố mẹ nên khuyến khích con mình tự tìm hiểu các sự kiện lịch sử. Sau đó nhờ các thầy, cô giáo đánh giá, nhận xét và bổ sung kiến thức cho mình. Muốn hoàn thành một bài thi học sinh giỏi đạt yêu cầu, con bạn khi thi chuyên Sử cần nhất là hiểu đúng đề bài.
Đề bài môn Lịch sử có thể có nhiều cách hỏi khác nhau, nhưng cái đích cần hỏi thì không khác, vì vậy phải làm quen với nhiều dạng câu hỏi, nhiều cách hỏi khác nhau và quan trọng là giúp bản thân nhận biết được cốt lõi của vấn đề.
Ví dụ: Giai đoạn lịch sử 1954 -1975 sẽ có nhiều dạng câu hỏi mở, mà các bạn nếu nhận biết được cốt lõi của vấn đề thì sẽ hiểu và làm bài theo đúng yêu cầu đề ra.
Thí sinh phải có kiến thức lịch sử hết sức phong phú nhưng chưa đủ để đạt điểm cao, cần có kỹ năng làm bài tốt để biến những kiến thức đó thành một bài sử có sức thuyết phục. Nguyên tắc của việc giải quyết một vấn đề lịch sử là phải trả lời được các vấn đề sau:
- Vì sao sự kiện đó diễn ra?
- Sự kiện đó diễn ra như thế nào?
- Ý nghĩa và kinh nghiệm rút ra từ sự kiện đó.
Việc trả lời được các vấn đề trên sẽ làm cho bài thi chặt chẽ, logic và có tính thuyết phục cao.
Cấu trúc của một đề thi vào chuyên Sử thông thường học sinh sẽ phải làm trong 150 phút, đề bài sẽ gồm 4 câu hỏi lớn (2-3 điểm/câu) nội dung sẽ dàn trải từ vấn đề sử thế giới đến sử Việt Nam, đòi hỏi con bạn phải nắm vững kiến thức một cách sâu rộng và có hệ thống. Khi làm bài, con bạn phải có những kỹ năng cơ bản trong việc nhận thức vấn đề, phân phối thời gian, giải quyết và trình bày bài.
Để đạt được điểm cao cho bài thi môn Sử không phải ngày một ngày hai có được mà phải là một quá trình, nó phải được từng bước hình thành ngay từ khi con bạn bắt đầu vào THCS.
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP VỚI DÂN CHUYÊN SỬ.
Để học chuyên Sử, thí sinh sẽ thi Khối C chuyên về các môn thi Khoa học Xã hội, với tổ hợp môn truyền thống là Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý. Do đó, khối C rất phù hợp với những bạn trẻ có tâm hồn bay bổng, yêu thích văn chương và viết lách.
Các ngành khối C có thể kể đến như: Quản lý nhà nước, Sư phạm tiểu học, Báo chí & truyền thông, Luật, Khoa học lịch sử, Công an, văn hóa du lịch.
Thông tin và phương pháp học đã có, việc còn lại chính là sự lựa chọn và định hướng của phụ huynh và bản thân học sinh.
Để khích lệ sự yêu thích môn Sử, xin được trích dẫn hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời Người đã dạy:
Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam