T
riết gia Aristotle đã từng nói: “Học bất cứ ngành gì, thì học chữ cũng mất nhiều thời gian nhất”. Trí tuệ của con người là ngôn ngữ và được phát triển bằng ngôn ngữ. Người ta đã tổng kết rằng , hầu hết sự thành công của con cái đều có bóng dáng của người mẹ. Xã hội Việt Nam vốn ảnh hưởng của Nho giáo nên việc học luôn được chú trọng hết mực, thời xưa hay ngày nay vẫn không thay đổi. Hình ảnh những bà mẹ xưa, dù không biết chữ nhưng khi con đến tuổi đi học là đầu đội thúng gạo, tay xách đôi gà sống thiến dắt theo cậu con nhỏ tìm đến nhà thầy đồ có tiếng trong vùng để xin cho con được học lớp khai tâm, với hy vọng con mình được học chữ thánh hiền mà nên người.
Chính từ những ước vọng đó của các bà mẹ đã thắp sáng con đường học vấn của con cái mình sau này. Thật đáng khâm phục!
Bia đá trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám có khắc ghi lại câu nói của danh nhân Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”. Đằng sau sự vinh danh các vị khoa bảng đó không thể thiếu vắng những người phụ nữ tảo tần, sớm khuya nuôi chồng, nuôi con ăn học thành tài. Trong vô vàn các tấm gương như thế, tôi xin kể lại những bà mẹ đã lưu danh sử sách vì có công nuôi dạy con mình không quản gian khó.
TỪ NHỮNG BÀ MẸ THỜI XƯA
Bà Từ Dũ là mẹ vua Tự Đức, ngay từ nhỏ bà đã chú tâm dạy dỗ kiến thức, lễ giáo cho vua Tự Đức. Bà cũng chính là người đã hình thành tri thức cũng như đạo lễ và khuôn phép của vua sau này. Chính nhờ sự kèm cặp của bà, nên ngay từ nhỏ, vua Tự Đức đã chăm đèn sách, dùi mài kinh sử. Khi lên ngôi, tuy bận nhiều công việc nhưng ông vẫn không quên đọc sách. Nhờ có sự dạy dỗ của mẹ mà sau này vua Tự Đức trở thành vị vua ham học hỏi và đặc biệt rất yêu thích thơ văn, ông được mệnh danh là vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn.
Sinh thời bà Từ Dũ thường dặn con “Nhân bất học bất tri đạo” - “Người không học thì không biết đạo lý”. Vua Tự Đức có lệ đọc kinh sử cho mẹ nghe, đến đoạn nào quan trọng, bà thường phân tích cho vua biết những ý tưởng sâu xa, những kinh nghiệm để điều hành triều chính. V ì vậy, để ghi nhận công lao của bà, tên bà sau này được đặt cho bệnh viện phụ sản lớn ở thành phố Hồ Chí Minh đó là bệnh viện Từ Dũ.
Bà mẹ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là Từ Thục Phu Nhân cũng nổi tiếng là người có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục, hình thành nhân cách của Trạng Trình từ lúc thơ ấu. Bà là hình mẫu người phụ nữ rất hiếm gặp trong lịch sử Việt Nam, thông minh, quyết đoán, học rộng, giỏi văn chương, thuộc làu kinh sử. Chính nhờ sự kèm cặp của mẹ mà sau này Trạng Trình đã trở nên nổi tiếng.
Một bà mẹ vĩ đại khác là thân mẫu của Hồ Chủ Tịch, bà Hoàng Thị Loan người đã uốn nắn, dạy dỗ con cái những bài học đầu tiên về đạo lý làm người. Bà đã truyền dạy vốn hiểu biết văn học dân gian của mình cho con qua những lời ru ngọt ngào, chan chứa tình cảm. Chính điều này đã góp phần tạo nên tâm hồn rộng mở và tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung.
Năm 1929, khi Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan, trên đường công tác vào một đêm trời tối, Bác đã xin ngủ nhờ tại một gia đình Việt kiều, Người đã rất xúc động khi nghe chủ nhà hát ru con bằng lời hát ru của quê hương mình. Bác đã làm hai câu thơ nổi tiếng :
“Xanhà chốc mấy mươi niên.
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con.”
ĐẾN NHỮNG BÀ MẸ THỜI NAY
Chính sự kèm cặp, dạy dỗ của các bà mẹ đã hình thành nên nhân cách sau này của những người con. Ngày nay việc đồng hành cùng con trên con đường học tập khác xưa rất nhiều, nhưng sự quan tâm và nhiệt tình của các mẹ thì vẫn theo cấp số nhân. Khi nói về việc học của con mình, các mẹ gần như quên hết mệt nhọc và ánh mắt thì luôn sáng lấp lánh. Thời bao cấp gian khó là vậy nhưng việc học không vì thế mà bị xem nhẹ, dù thiếu thốn trăm bề, cứ tối đến chiếc đèn dầu sáng nhất nhà được dành cho các con học bài. Nhiều bác sĩ, kỹ sư sau này đã trưởng thành đều nhớ về thời kỳ “đèn dầu thắp sáng hoài niệm.”
Điểm chung nhất giữa các mẹ là con học ở đâu, mẹ sẽ theo đó. Sự kiên trì của các mẹ không gì khác là mong muốn con mình được thành công trên con đường học vấn.
Chính thời kỳ “đèn dầu, nước giếng” đã sản sinh ra nhiều nghệ sỹ tài năng và trí thức nổi tiếng cho đất nước sau này. Thời gian qua có nhiều thông tin về việc các con đi thi và đạt giải cao trong các kỳ thi cả trong nước lẫn quốc tế, từ giải toán, tiếng Anh, IMSO hay vật lý. Có bạn đạt giải Nhất không phải một mà là hai lần trong cuộc thi English Champion và nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế. Chưa kể nhiều bạn mới học THCS đã đạt IELTS 7.0, 8.0.
Không nằm ngoài quy luật, phía sau những người con siêu giỏi khiến hàng ngàn phụ huynh trầm trồ ngưỡng mộ là các mẹ đồng hành vô cùng sát sao cùng con mình. Ngoài những bà mẹ đã đồng hành và cùng con gặt hái được nhiều thành công như vậy, còn rất nhiều các bà mẹ khác còn kiên trì cùng con bước đi trên con đường học vấn với tâm lý lo xa, bất luận con mình bao nhiêu tuổi. Nhiều mẹ có con năm nay mới học lớp 1 nhưng đã kịp góp mặt trong các diễn đàn để lấy kinh nghiệm về việc học cùng con chuẩn bị thi vào lớp 6, thậm chí thi vào 10. Thậm chí có mẹ vẫn còn là thành viên của “hội các mẹ bỉm sữa” cũng tích cực cập nhật thông tin để dành khi con đi học mẹ còn biết về chọn trường, chọn lớp cho con vào cấp một, cấp hai.
Có mẹ con mới học lớp 4 đã hỏi về du học Đức, du học Mỹ phải chuẩn bị từ lớp 4 như thế nào. Lo xa như vậy thì quả là không ai sánh kịp.
Cuối tuần là thời gian để nghỉ ngơi thư giãn bên gia đình hay bạn bè, nhưng nhiều mẹ vẫn miệt mài làm “xe ôm” đưa các tình yêu của mình đến chỗ học thêm để nâng cao kiến thức. Hễ chỉ cần nghe nói ở đâu có thầy dạy hay, cô dạy giỏi thì dù xa mấy, khó tìm như thế nào các mẹ vẫn tìm được địa chỉ. Thậm chí có phải vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè hay đi xuyên tâm thành phố đến chỗ học của con, đối với các mẹ là chuyện nhỏ. Để lo cho việc học của con được chu toàn, các mẹ sẵn sàng hy sinh việc mua váy áo, mỹ phẩm, thỏi son hợp mốt và dùng tiền đó mua tài liệu hỗ trợ việc học cho con mình. Sự hy sinh thầm lặng như vậy là rất nhiều, và nhiều mẹ luôn phải cân nhắc, chắt bóp, túi tiền chỉ để đầu tư cho con học hành “cho bằng bạn bằng bè”. Trong một diễn đàn du học, một nữ sinh đã kể, mẹ mình cả đời chưa bao giờ mua một chiếc túi hàng hiệu khoảng 5 - 10 triệu đồng, nhưng khi biết con gái giành được học bổng du học Mỹ đã lập tức bàn với chồng, bán cái nhà to đang ở, mua nhà chung cư rẻ hơn một nửa, để phần tiền bạc dư ra lo cho con du học nơi đất khách.
Nhiều mẹ ở nông thôn, hay tin con đỗ trường cấp ba chuyên ở thành phố hay đại học là nhà có gì, mang ra chợ bán hết rồi vay mượn bà con để dúi hết cho con lên đường nhập học. Có mẹ ban ngày làm việc cơ quan rất chăm chỉ, tối về đến nhà thì một lúc sắm vài vai luôn. Miệng hướng dẫn gái lớn học bài, tay phải xúc cơm cho con nhỡ, tay trái bế bé út cho bú sữa. Thế nhưng, trong lúc đó, có khi mẹ ba con vẫn bình luận, “comment” nhiệt tình trao đổi việc học với các mẹ khác trong một diễn đàn về học hành, giáo dục.
Trong các kỳ thi tại Việt Nam, kỳ thi vào THPT là kỳ thi khốc liệt và “hại não” nhất. Khi con vào năm lớp 9, các mẹ sẽ liên tục cập nhật mọi nguồn thông tin để giúp con có định hướng và chọn trường công nguyện vọng 1 hoặc bất cứ trường cấp ba nào phù hợp với lực học. Bất kể các kỳ thi đầu cấp nào, chiếm số đông kiên nhẫn đợi con trước các cổng trường vẫn là các mẹ, mọi thông tin về trường, lớp đều được mang ra chia sẻ và chuyên gia trong lĩnh vực này không ai khác chính là các mẹ. Kỳ thi vào 10 năm nào cũng cho thấy rõ sự nỗ lực tuyệt vời của các mẹ. Nhiều mẹ ngồi ở văn phòng nhưng tâm trí đã gửi trên mạng internet, ngóng chờ từng ngày, từng giờ đợi xem Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm chuẩn. Nhiệt độ ngoài trời có khi trên 40 độ cũng không ngăn được sự xông pha của các mẹ khi nộp hồ sơ cho con mình trước hạn chót, mọi hoạt động hầu như chỉ xoay quanh việc con được vào trường nào. Khi con vào THPT, nhiều mẹ để thuận tiện cho việc học tập của con vì nhà quá xa trường, vậy là bán nhà và tìm mua nhà mới ngay gần trường con học, nếu chưa bán được thì cũng thuê nhà gần đó cho con tiện đi về.
Để chăm sóc con học hành chu đáo và đảm bảo sức khỏe, nhiều mẹ đã chấp nhận nghỉ việc không lương về làm “xe ôm” kiêm đầu bếp kiêm gia sư cùng đồng hành với con trong suốt ba năm học THPT.
Tất cả những việc các mẹ làm cho con mình chỉ với ước muốn, đến một ngày nào đó sẽ được giúp con bước vào cánh cổng một trường đại học danh giá nào đó hoặc được kéo vali ra nhà ga quốc tế đi du học. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự ươm trồng cũng ra trái ngọt, lúc đó nước mắt sẽ chảy ngược vào trong và sự hy sinh của các mẹ dành cho con mình là không thể đong đếm.
Xin trích dẫn câu nói của của nữ văn sỹ người Anh là Agatha Christie để ghi nhận tình cảm trân quý cũng như sự đồng hành không biết mệt mỏi mà các bà mẹ đã, đang và sẽ dành cho con mình.
“Tình yêu của mẹ dành cho con không giống bất kỳ điều gì khác trên thế giới. Nó không biết đến luật lệ hay sự thương hại. Nó thách thức tất cả và không khoan nhượng tiêu diệt tất cả những gì cản đường nó.”