N
hư mọi người đều biết, mặc dù ngày 5.9 mới là “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” nhưng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương trong cả nước, trước đó cả tháng, học sinh đã nhập học và làm quen với cô giáo cùng các môn học. Trước thềm năm học mới, là một phụ huynh tôi cũng có nhiều điều trăn trở và muốn cùng chia sẻ với mọi người.
Hiện nay bệnh thành tích trong giáo dục chính là nguyên nhân khiến nhiều gia đình luôn ép trẻ phải miệt mài học không kể sớm tối từ chính khóa tới học thêm… Điều đó khiến các con đánh mất cả tuổi thơ đáng ra trẻ được hưởng. Áp lực học tập gây tác hại rất lớn cho sự phát triển của trẻ. Vậy học như thế nào có hiệu quả và học bao nhiêu là hợp lý? Đó chính là việc mà các bố mẹ cần tìm ra lời giải, thay vì chuyển toàn bộ gánh nặng đó lên vai các con của mình.
Khi vào lớp 1 và lớp 2, mục tiêu của các con là nhận biết và viết được thành thạo bảng chữ cái, làm các phép tính trong phạm vi mà sách giáo khoa đã đề ra. Các cô sẽ vừa dạy vừa dỗ theo đúng nghĩa cho học sinh lớp một vì các con vừa từ mẫu giáo nhập trường nên còn nhiều bỡ ngỡ. Việc dạy trước trẻ biết đọc, biết viết từ bậc mầm non trước khi vào lớp 1 cũng mang đến nhiều tranh luận trái chiều và có nhiều bất cập cho trẻ. Đến lớp hai về cơ bản các con đã có thể làm được các bài toán đơn giản, đọc và viết được một đoạn văn tả về gia đình, người thân, môn tiếng Anh cũng có số tiết học vừa phải để các con làm quen với một ngôn ngữ mới.
Các con lớp hai cũng sẽ được rèn giũa và dần đi vào quy củ. Tuy nhiên sang đến lớp 3, mọi việc sẽ có chút thay đổi, đây là năm bản lề của bậc tiểu học. Trong cuộc sống thực tế, một máy bay muốn cất cánh hay hạ cánh đều cần đường băng đủ dài để thực hiện thao tác đó, các vận động viên thi đấu môn nhảy cao, nhảy xa hay chạy vượt rào cũng vậy để đạt tới mục tiêu họ đều cần một quãng chạy lấy đà.
Trong giáo dục hiện nay, nếu muốn con mình đạt kết quả tốt thì không thể áp dụng cách học theo kiểu từ từ được, đôi khi phải cần có sự bứt phá để con vượt lên chính mình. Lâu nay mọi người đều thấy thông tin về các lớp học thêm văn hóa, các thầy, cô dạy giỏi thì nhiều vô kể, chỉ cần tra trên mạng xã hội là sau ít phút sẽ cho ra hàng trăm kết quả khác nhau. Đồng hành cùng con nếu không kiên nhẫn thì mọi người dễ mắc phải hai hiện tượng : một là luôn phải lẽo đẽo chạy theo con nhất là trong việc tìm thầy tìm lớp; hai là do nóng vội sẽ lôi sềnh sệch con mình đến một trung tâm nào đó mà đôi khi chỉ vì nghe người quen hay đồng nghiệp nói rất tốt mà không biết lớp đó có phù hợp với con mình hay không.
Các con có cần học thêm từ bậc tiểu học không ? Đây là vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm, bởi vì có rất nhiều ý kiến phản biện nhau xoay quanh chủ đề này. Nhiều phụ huynh khẳng định sẽ không cho con học thêm, kể cả làm bài tập về nhà, nếu không con sẽ mất tuổi thơ, ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh khẳng định, con không học thêm hay ôn luyện thì đừng mơ đặt chân vào trường THCS có hệ chuyên hay các trường công lập có tên tuổi.
Tôi được biết nhiều gia đình không cho con đi học thêm mà tự dạy ở nhà, tuy nhiên chính vụ dạy dỗ này lại gây mất đoàn kết gia đình nghiêm trọng, khi bố dạy con không được là cáu gắt, quát mắng, kết quả hai bố con nhìn nhau như ta với địch, bà mẹ thấy không ổn nên về phe với con. Sau khi quyết định “tống cổ” ông bố nóng tính ra ngoài để mình tự dạy con, gặp phải bạn nào không chịu nghe lời và có tâm lý chống đối thì bà mẹ cũng lại ầm ĩ không khác ông bố là mấy. Cuối cùng đích đến của bạn học sinh này vẫn là lớp học thêm. Bởi vì, phương pháp dạy học là điều không phải ông bố bà mẹ nào cũng có. Để trả lời các phụ huynh về vấn đề có nên học thêm hay không, tôi nhận thấy hiếm khi các phụ huynh dành thời gian xem kỹ toàn bộ chương trình sách giáo khoa mà con mình sẽ học. Đa phần mọi người chỉ xem các bài con mình sẽ học ngày mai để giải đáp thắc mắc và kiểm tra bài tập cho con mình. Với mong muốn có cái nhìn tổng thể, tôi đã dành thời gian đọc hết toàn bộ các sách giáo khoa của bậc tiểu học.
Theo tôi, nếu chỉ để học theo chương trình mà sách giao khoa đã đề ra, thiết nghĩ các phụ huynh không cần cho con mình học thêm, nhưng mục đích của việc học không chỉ đơn giản có vậy, nếu không đã không có sự ra đời của các nhóm lớp học thêm ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Nếu chỉ đơn giản, việc học thêm bậc tiểu học là giúp các em học sinh tiếp thu chậm được củng cố thêm kiến thức, các em học sinh có tố chất thực sự được bồi dưỡng học nâng cao thì số lượng đó chỉ chiếm khoảng 10-20% học sinh cả lớp. Nhưng thực tế ở Hà Nội, TP. HCM và nhiều tỉnh thành, việc học thêm bậc tiểu học nhiều năm qua như được “phổ cập” trên 90% cho học sinh các lớp, các trường, là một “kênh” đặc biệt trong hệ thống giáo dục. Nhiều học sinh, đặc biệt ở các thành phố lớn luôn phải học thêm từ lớp 1 có nhiều nguyên nhân sâu xa, nhưng một trong những nguyên nhân chính cũng xuất phát từ căn bệnh thành tích của xã hội, sự kỳ vọng thái quá của người lớn dành cho con trẻ. Là bố mẹ, nếu chúng ta không tự cân đối được việc học và chơi của con từ bậc tiểu học thì là điều đáng tiếc, tuổi thơ của con trở sẽ trở thành một bức tranh không tươi sáng như đáng ra phải vậy.
Albert Einstein là cha đẻ của thuyết tương đối có nhiều câu nói bất hủ. Xin được mượn ý của ông để nói về việc học và chơi của các con ở bậc học này.
“Nếu con bạn đang chơi game hay dán mắt vào iPad xem phim hoạt hình trong 3 giờ, các con vẫn cảm thấy như mới chỉ chơi hay xem trong có 3 phút mà thôi, sao mà ngắn ngủi thế. Nhưng nếu con bạn phải làm bài tập về nhà, dù mới chỉ trong có 3 phút, các con sẽ cảm thấy thời gian như đã hơn 3 giờ rồi, có vẻ mệt mỏi lắm rồi.”