C
hính từ việc đọc hết các phần trong sách giáo khoa là cơ sở để tôi sẽ trao đổi kĩ với các phụ huynh về ba môn thuộc nhóm Một là: môn Toán, môn tiếng Việt và môn tiếng Anh.
Nói về chương trình sách giáo khoa của bậc tiểu học, tôi khẳng định các bố mẹ hoàn toàn có thể cùng ôn luyện với con ở nhà được miễn là có cách tiếp cận phù hợp để con mình chịu hợp tác. Việc học mà chơi sẽ giúp con bạn giảm áp lực lại có kết quả tốt. Nhưng học bao lâu và chơi như thế nào cũng là một bài toán khó.
Cơ sở để tham khảo chính là bộ sách giáo khoa tiếng Việt tập 1 và tập 2 do NXB Giáo Dục Việt Nam ấn hành năm 2017 và đã được tái bản lần thứ mười ba. Với ba môn Toán, tiếng Việt và tiếng Anh, tôi nhận thấy sách giáo khoa hiện nay đã được cải tiến và nâng cao chất lượng rất nhiều. Tuy nhiên, hình như mục đích giảm tải cho học sinh có vẻ không được như mong muốn xã hội. Ở hầu hết các trường tiểu học đều có khẩu hiệu “mỗi ngày đi học là một ngày vui” hoặc “đi học là hạnh phúc” nhưng xin thưa với các bố mẹ, các con đến trường có lẽ vui nhất là khi tiếng trống ra chơi hoặc trống báo tan học vang lên mà thôi, có mấy bạn tìm được niềm vui trong học tập. Cũng đúng thôi, kể cả sau này khi học lên bậc THPT hay đại học, nhiều lúc học sinh còn chả muốn đến trường, vậy trách sao được con trẻ.
VỀ VIỆC HỌC MÔN TOÁN
Đây chính là môn học mà khi lên THCS và THPT đa số các bạn nam có lực học nhỉnh hơn các bạn nữ, tuy nhiên trong cấp tiểu học này, các bạn nữ vì chăm chỉ nên có sức học vượt hơn các bạn nam.
Môn toán lớp 3 trong chương trình sách giáo khoa năm 2018 có thể chia thành mấy dạng sau:
Với trung bình 08 tiết toán trong 01 tuần và mỗi tiết là 45 phút thì việc học và hiểu bài không quá khó, tuy nhiên, toán là môn đòi hỏi tư duy, nếu không tập trung chắc chắn các con sẽ không hiểu bài.
Ví dụ: nếu chỉ làm phép nhân đơn giản như:
9 x 4 = 36
hoặc 36 - 5 = 31.
Sau đó ta có phép tính: 9 + 36 + 31 = 76
tôi đảm bảo, hầu hết các con sẽ làm được, vì ở đây là hiển thị các con số gồm đủ các phép nhân, phép trừ và phép cộng.
Nhưng cũng các con số này được đưa vào dạng đề như sau: “Năm nay em 9 tuổi, tuổi của bố gấp 4 lần tuổi của em, tuổi của mẹ kém tuổi của bố 5 tuổi. Hỏi tuổi của bố, của mẹ và tuổi cả nhà em là bao nhiêu?”
Với dạng toán này, sẽ có rất nhiều bạn lúng túng bởi đơn giản là đọc đề bài thì dài nhưng không biết cách rút gọn hay hiểu đề bài thì sẽ không làm được. Sau này các con cũng sẽ gặp nhiều đề toán dạng tương tự nhưng ở cấu trúc khác nhau như: quy đổi m hay dm ra cm, quy đổi trọng lượng kg ra tấn...v.v
Xin có một số giải pháp để chia sẻ với các bố mẹ như sau: nên khuyến khích con mình phát hiện và giải quyết vấn đề một cách chủ động. Ví dụ trong bài toán tìm một trong các phần bằng nhau của một số như sau: Chị có 24 cuốn vở, chị cho em 1 phần 3 số vở đó, hỏi chị cho em mấy cuốn vở? Thông qua bài toán trên, phụ huynh có thể tóm tắt bài toán bằng sơ đồ, hình vẽ để con tự phát hiện ra đề bài toán cần giải quyết qua biểu tượng về một phần ba đã được học, giải quyết bài toán bằng cách tìm 1 phần 3 của 24 cuốn vở một cách nhanh nhất.
Phương pháp này cũng giúp con bạn có kiến thức để tìm cách giải quyết bài toán nhanh nhất và hiểu bài sâu hơn. Bài toán có thể giúp con bạn khái quát được cách tìm một trong các phần bằng nhau của một số bằng cách ta lấy số đó chia cho 3 qua ví dụ; và cách tìm 1 phần 2; 1 phần 4 hay 1 phần 3 trên tổng số vở. Bố mẹ cũng nên cho con mình giải những bài tập ở nhiều dạng khác để con nắm được kiến thức chắc chắn nhất.
Trong ngành Hàng không dân dụng có quy định, một phi công phải đạt được số giờ bay nhất định mới được cấp chứng chỉ và phải đạt thêm hàng trăm giờ bay an toàn khác nhau mới được làm cơ trưởng, việc huấn luyện kỹ năng phải được thực hiện thường xuyên và định kì. Học toán của các con cũng vậy, muốn hiểu bài và giỏi được môn Toán cũng phải có số giờ dành cho việc ôn luyện và làm các dạng đề khác nhau mới mong có kết quả tốt.
Đối với bạn có sức học tốt thì học chương trình trong sách giáo khoa là không đủ, các bố mẹ nên tìm thêm các dạng bài nâng cao để con mình ôn luyện. Trong bạt ngàn các loại sách tham khảo thì cuốn sách toán của tác giả Nguyễn Áng cũng là một lựa chọn không tồi, nếu học xong mấy cuốn đó thì việc ôn luyện các dạng đề chuyên không phải là trở ngại.
Người xưa đã nói “muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước” việc học toán cũng vậy, muốn con học tốt thì chính bố mẹ cần phải là người vạch ra lộ trình và theo sát lộ trình đó cùng con mình. Nếu việc của cô giáo là truyền thụ kiến thức thì việc truyền cảm hứng cho con chính là việc của các bố mẹ không ai làm thay được.
Ở bậc tiểu học này, nếu con bạn làm toán mà có hứng thú, bố mẹ có thể cho con làm thêm các dạng bài toán tiếng Anh, rất thuận tiện và hữu ích, vừa làm được toán vừa có thêm vốn từ tiếng Anh. Thật ra ngay từ hồi lớp hai, nhiều bạn đã giải được các bài toán tiếng Anh rồi, việc đó rất thú vị và không hề có áp lực như mọi người nghĩ. Nếu các bạn trai mất tập trung và chỉ thích Robot với siêu nhân cũng không sao. Ngoài những buổi luyện toán, bố mẹ nên cho con mình làm quen với các chương trình lập trình đơn giản thôi, đảm bảo các con sẽ rất hứng thú. Việc lập trình bằng tiếng Anh sẽ giúp con bạn rất nhiều. Mỗi tối con bạn chỉ cần dành thời gian 30 phút để làm bài và 30 phút cho việc lập trình. Chắc chắn việc học của con bạn sẽ có kết quả khác ngay.
Các bố mẹ có thể tham khảo trang : studio.code.org. STEM có lẽ bắt đầu từ những bước nhỏ chơi mà học của ngày hôm nay.
VỀ VIỆC HỌC MÔN TIẾNG VIỆT
Nếu như ở lớp 2, các con đã làm quen với môn tập làm văn qua việc sắp xếp câu, viết từng đoạn văn ngắn rồi thì khi vào lớp 3, các con sẽ được các cô hướng dẫn cách điền vào những mẫu đơn in sẵn, viết một số đoạn văn ngắn giới thiệu về bản thân, viết những câu văn hay và gãy gọn, tả về ngày đầu đến trường hay viết về một người bạn thân của mình.
Làm một bài văn có khó không ? Nếu môn Toán có nhiều cách giải khác nhau nhưng sẽ chỉ cho ra một kết quả đúng thì môn Văn sẽ có nhiều cách làm bài khác nhau, nhiều cách vận dụng từ ngữ trong bối cảnh để đạt được điểm cao. Để trả lời câu hỏi học môn tiếng Việt và làm văn có khó không, trước khi đi vào phần chính, tôi xin trích dẫn câu của người xưa đã tổng kết. “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 3 của học kỳ I sẽ dạy các con trong 18 tuần với nhiều mục đan xen bao gồm: tập đọc, kể chuyện, viết chính tả, luyện từ và câu ở nửa đầu của học kỳ I. Sau đó các con sẽ chuyển sang tập viết, tập đọc và tập làm văn. Trong các phần này thì phần luyện từ và câu rất quan trọng vì nó sẽ giúp cho phần tập làm văn của các con sau này. Phần đọc và kể chuyện thì hầu như em nào cũng vượt qua được, hoặc phụ huynh có thể kiểm tra ngay tại nhà. Riêng phần luyện từ và câu cũng như phần tập làm văn thì khác một chút.
Như mọi người đều biết, ngữ pháp dù là tiếng Việt hay tiếng Anh thì học sinh phải nắm chắc, đó là điều kiện đầu tiên để làm được một bài văn dù chưa hay nhưng chuẩn về mặt ngôn từ. Đối với các con, việc dùng đúng các từ như: N, L, Tr, Ch, Ng, Ngh cũng là một vấn đề, không thể trách được vì ngay cả người lớn chúng ta, việc viết sai chính tả cũng xảy ra thường xuyên. Nếu các phụ huynh mà được đọc đơn xin việc viết tay của vài bạn sinh viên thì sẽ hiểu ngay việc cần học tốt ngữ pháp quan trọng đến nhường nào, thôi thì cứ rèn các bạn nhỏ này cho tốt đã.
Làm văn không khó, nhưng không phải bố, mẹ nào cũng hướng dẫn được con. Thực tế đã chứng minh, nhiều mẹ hăm hở cùng con làm bài tập làm văn. Kết quả con được điểm kém, con trách mẹ và không muốn cùng mẹ làm văn nữa, mẹ thì trách cô. Vậy nguyên nhân từ đâu, các phụ huynh cùng xem nhé. Một bài văn của học sinh lớp 3 không cần ý tưởng gì cao siêu, chỉ cần bài viết mạch lạc, trình bày sạch sẽ là được, nhưng đôi khi con làm được vài ý, mẹ lại góp thêm vài ý… nếu tách riêng đoạn của mẹ góp vào sẽ rất hay, nhưng nếu đọc tổng thể cả bài văn sẽ thấy rõ sự lủng củng, chắp vá.
Nếu bố mẹ không dạy được con thì cho đi học thêm đi? Không hẳn là vậy, như tôi đã trình bày ở phần trước, chương trình lớp 3 không đến mức phải học thêm, chỉ là thay vì xắn tay làm bài cùng con, các phụ huynh hãy trang bị thêm kiến thức cho con mình, nói theo ngôn ngữ của các nhóm đi từ thiện là “trao cần câu thay vì mua cho con cá”. Các bố mẹ hãy chịu khó đầu tư mua cho con mình các đầu sách hay ngay từ lớp 1, thói quen đọc sách sẽ ngấm dần vào con, vốn từ và kiến thức để con làm văn tốt không tự nhiên mà có, nó là cả một quá trình lâu dài.
Ở các nước tiên tiến khi mà GDP gấp nhiều lần Việt Nam, tỷ lệ người đọc sách và số sách đọc tính theo đầu người rất cao. Nhân việc mua sách cho con đọc, xin được tư vấn cho các bố mẹ, hiện nay tại các nhà sách trên toàn quốc có rất nhiều bộ sách với nội dung ngắn gọn, súc tích được viết bằng song ngữ. Mua những cuốn sách đó, con vừa đọc tiếng Việt để trau dồi kiến lại được học thêm từ mới trong tiếng Anh. Truyện tranh cũng dễ gây sự hứng thú hơn với con, truyện Công chúa, Hoàng tử bao giờ cũng là lựa chọn của các bạn nữ, truyện Robot hay thám hiểm khoa học là lựa chọn của các bạn nam.
Vốn từ được bổ sung rồi, phần còn lại là làm văn thôi. Ngày trước sách làm văn mẫu bày bán tràn lan, chắc bây giờ cũng vậy. Việc lười suy nghĩ lại sẵn bài văn mẫu dẫn đến tình trạng trong một lớp 45 bạn thì có khi 40 bạn có đoạn mở đầu giống y chang nhau. Ví dụ: Hãy tả lại buổi khai giảng năm học mới của trường em. - đây là bài văn rất phổ biến của học sinh tiểu học. Kết quả là hầu hết các bài sẽ: “Hôm nay trời trong xanh, em đến trường trong niềm hân hoan phấn khởi. Ngay từ cổng trường vào cờ hoa phấp phới như chào đón chúng em, từng tia nắng nhẹ…” tâm trạng khác nhau, làm gì có bạn nào cảm nhận giống bạn nào được. Có bạn do thức khuya nên dậy muộn, vì vậy mẹ vừa đưa đến trường vừa cho một bài ca, tâm trạng nào mà phấn khởi? Việc đọc thêm các bài văn mẫu chỉ là kênh tham khảo thôi, không nên quá phụ thuộc vào nó.
Sau đây xin có vài gợi ý về việc học và làm văn các lớp ở bậc tiểu học. Cách sử dụng từ ngữ cho chuẩn xác. Bố mẹ giúp các con hiểu nghĩa của từ, biết vận dụng từ đúng để miêu tả một hình ảnh, một sự việc thậm chí là một hành động bằng từ ngữ thích hợp... Biết dùng từ đồng nghĩa tránh câu văn bị lặp lại. Các bố mẹ nên mua cuốn từ điển Tiếng Việt (sử dụng Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh) để các con học cách tra cứu nghĩa của từ để hiểu rõ ý nghĩa của một từ tránh lặp lại từ một cách máy móc. Việc hiểu nghĩa của từ rồi, các con cần viết đúng chính tả.
Các con nên cố gắng đọc đúng để viết đúng. Việc hiểu nghĩa của từ hỗ trợ rất tốt cho việc phân biệt cách viết các phụ âm đầu, cuối của tiếng Việt một cách chuẩn xác:
Ví dụ: Chăm: chăm chỉ, chăm chú
Áp dụng vào bài: Nhờ chăm chú nghe cô giảng bài và chăm chỉ học tập, nên em Hương Giang luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Viết đúng chính tả là kỹ năng dễ rèn luyện nhất. Bố mẹ nên dành thời gian hướng dẫn con thường xuyên tập chép, đọc sách, và đọc cho con mình viết một đoạn văn. Chỉ có đọc nhiều mới có kết quả cho việc rèn luyện kỹ năng viết đúng chính tả.
Đọc sách là cả một quá trình, cho đến bây giờ nhiều người dù đã cao tuổi vẫn giữ nguyên được thú vui đọc sách.
Đồng hành cũng con trong giai đoạn này, sự kiên nhẫn luôn đặt lên hàng đầu, thành quả chỉ có được khi con đi đúng hướng, giống như bạn chăm bón những cây hoa, bỗng sớm mai thức dậy tự nhiên thấy trăm hoa đua nở ngoài ban công, còn hạnh phúc nào bằng.
Về bài tập đọc trên lớp: ngoài việc đọc trôi chảy, các con phải phân biệt rõ các từ như: s/x, dấu hỏi, dấu ngã; tr/ch; r/d/gi; l/n. Về luyện từ và câu: Khác với những năm trước, các con phải mở rộng vốn từ bắt đầu từ những từ cho trước. Các con phải tìm từ khác nghĩa, đồng âm khác nghĩa v.v... Ví dụ: nhân dân, nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân hậu. Các con phải tìm từ nào chỉ con người, từ nào nói lên tính cách. Ngoài những ví dụ trên, các con phải điền từ vào chỗ trống, không chỉ một, hai câu mà là cả bài thơ, hoặc cả đoạn văn dài luôn. Nếu vốn từ không phong phú, chắc chắn đây là một thử thách rất khó. Về mặt ngữ pháp: các con lớp 4 sẽ phải làm quen với việc tìm động từ, danh từ riêng, danh từ chung... chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ và phải viết một đoạn văn có những yêu cầu như trên. Bài văn mà các con sẽ làm, cũng sẽ được yêu cầu mở rộng với nhiều từ ngữ phong phú hơn. Thực tế là có nhiều em lớp 4 làm được 3 đến 4 trang một bài văn tả cảnh, với nhiều từ sinh động và cách sắp xếp câu cú hoàn chỉnh.
Muốn học tốt môn tiếng Việt 4, bố mẹ cần lưu ý sau: Phương pháp học và kỹ năng làm bài. Chỉ có học đúng phương pháp và làm nhiều dạng bài mới tạo ra kỹ năng được. Kỹ năng không thể đến ngay sau vài buổi học trên lớp, nó là cả một quá trình học và tập luyện rất kiên trì. Sau đây tôi xin được đưa ra vài phương pháp học và luyện, để từ đó tạo cho các con có được kỹ năng học và làm môn tiếng Việt.
Như mọi người đều biết, hiện nay sĩ số mỗi lớp đều khá đông, vượt chỉ tiêu của số học sinh bậc tiểu học theo chuẩn quy định của ngành giáo dục. Cho nên thời gian học trên lớp không nhiều, cộng với chương trình học đã lên kế hoạch từ trước, vì vậy các cô phải giảng bài tương đối nhanh để kịp tiến độ dạy và học. Chính vì thế, nếu muốn con bạn có sự tiếp thu tốt nhất, bố mẹ nên giúp con chuẩn bài từ nhà. Các bố mẹ cần hướng dẫn con đọc bài và làm bài ở nhà trước khi đến lớp.
Muốn con mình có kỹ năng tốt trong việc học và làm văn, bố mẹ cần tham khảo và cho con mình ôn luyện nhiều dạng bài khác nhau. Bố mẹ giúp con bằng cách đưa ra nhiều dạng đề bài khác nhau để con làm cũng là một phương pháp tốt. Với các bài văn lớp 4, bố mẹ cần hướng dẫn con xây dựng khung bài trước, để từ đó các con mở rộng và phát triển dần lên. Bằng việc luyện làm các bài văn thường xuyên sẽ giúp con bạn thành thạo trong việc sử dụng các câu từ. Bài văn cũng mạch lạc, và giàu cảm xúc hơn. Ngoài bộ sách giáo khoa hiện hành, bố mẹ cũng nên mua cho con mình thêm một số sách tham khảo để nâng cao kỹ năng làm bài. Cuốn từ điển tiếng Việt dành cho học sinh cũng không thể thiếu trên bàn học của con được.
Cổ nhân có câu “mưa dầm thấm lâu” việc học tiếng Việt phải cần sự kiên trì luyện tập, học đến đâu chắc đến đó. Có vậy con bạn mới đạt kết quả tốt trong học tập được. Từ lớp 4 trở đi, nếu cảm thấy con mình có vẻ yếu môn tiếng Việt, bố mẹ nên tìm lớp học thêm cho con, tránh tình trạng con sẽ bị hổng kiến thức ngay từ cấp Một. Nhà muốn xây cao thì móng phải chắc, nền tảng cho những kết quả học tập tốt sau này, chính là sự rèn luyện ngay từ bây giờ.
Môn tiếng Việt lớp 5 có vai trò quan trọng, ‘chốt’ lại các kiến thức cơ bản của bậc tiểu học. Tôi xin được trao đổi với các bố mẹ về môn tiếng Việt lớp 5. Nội dung tham khảo chính là bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 cả tập một và tập hai. Sách do NXB Giáo Dục Việt Nam ấn hành năm 2018. Về cấu trúc thì nội dung sách giáo khoa vẫn được phân bổ trải đều trong 35 tuần học và ôn tập trước khi thi hết học kỳ I và học kỳ II. Các con sẽ phải học và thực hiện như đầy đủ các phần trong sách giáo khoa gồm: Tập đọc; Chính tả; Kể chuyện; Luyện từ và câu; Tập làm văn.
Những lưu ý phần chính tả và tập làm văn môn tiếng Việt 5: Tất cả các hợp phần trên nhằm giúp các con hoàn thiện tốt các kỹ năng : đọc - viết - nói và nghe. Điều quan trọng nhất các kỹ năng đó là các con phải biết bày tỏ được cảm xúc, hình thành dạng văn bản. Chính vì thế, việc luyện viết văn bản thuộc nhiều thể loại khác nhau: tả người, tả phong cảnh, tả về một chuyến tham quan v.v... Các bài này đòi hỏi chất lượng ở mức cao hơn nhiều so với các năm học trước.
Để hoàn thành được tốt các dạng bài đó, học sinh lớp 5 phải nắm thật chắc ngữ pháp. So với nội dung môn tiếng Việt của lớp 3 và 4 thì ở lớp 5 mức độ khó đã tăng lên khá nhiều. Hầu hết các phần nội dung đều yêu cầu học sinh phải có sự liên hệ với thực tế và mở rộng bài. Đây chính là thời kì phân hóa sức học giữa các con với nhau.
Về chính tả trong chương trình của học sinh lớp 5 phải xác định chính xác chủ ngữ, vị ngữ của câu, phải tìm được danh từ. Từ đó tìm ra mối quan hệ ý nghĩa giữa chủ ngữ và vị ngữ. Chỉ có nắm chắc ngữ pháp và vốn từ phong phú, các con mới làm được một bài văn trôi chảy; trong các bài trước, tôi luôn khuyến khích các bố mẹ động viên và hướng dẫn con mình đọc nhiều sách. Chính việc đọc sách sẽ mang lại cho con lượng thông tin và vốn từ phong phú mà trong sách giáo khoa không thể đáp ứng được. Ngay tại năm cuối cấp tiểu học, việc hướng dẫn các con đạt được kỹ năng viết văn có vai trò quan trọng hàng đầu trong môn tiếng Việt. Thông qua các bài làm văn, các con nâng cao được khả năng viết và đó chính là đích đến cuối cùng của việc làm các bài tập làm văn.
Những lưu ý phần tập đọc và kể chuyện lớp 5. Hầu hết các con đã đọc thành thạo các bài trên lớp, việc kể chuyện cũng sẽ không chỉ là nhắc lại những gì đã học thuộc mà cần chú trọng đến khả năng biểu cảm, kỹ năng tương tác trong đối thoại khi nói hay hội thoại theo chủ đề. Ở lớp 5, việc kể chuyện không còn ở mức thông thường mà đã có thể xây dựng kịch bản hội thoại và diễn theo nhóm, có tranh luận và phản biện trên cơ sở những gi đã học. Chỉ có những cuộc tranh luận như vậy mới tạo hứng thú trong học tập cho các con. Sự tương tác với mọi người khi nói rất quan trọng, nó sẽ là nền tảng cho các cuộc tranh biện cả trong tiếng Việt hay tiếng Anh ở các bậc học sau này.
Tóm lại, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm về việc đồng hành cùng con trong việc học môn tiếng Việt lớp 5: Thay vì bắt các con học thuộc lòng từng câu, từng chữ trong bài văn, bố mẹ hãy hướng dẫn con mình nắm thật chắc các ý chính. Từ những gi đã nắm bắt được, các con sẽ triển khai phát triển mở rộng bài văn. Chỉ có như vậy, sự sáng tạo của trẻ được phát huy mà vẫn không bị sai đề bài đã được giao. Muốn như vậy, các con phải tạo cho mình thói quen đọc nhiều lần đoạn văn để nắm bắt được những ý chính cần phải thể hiện. Cách học đó sẽ giúp các con nhớ lâu hơn và có hứng thú hơn khi làm bài. Hiện nay trong các nhà sách có khá nhiều sách tham khảo dành cho học sinh lớp 5. Nếu con bạn yếu về môn tiếng Việt, bố mẹ hãy mua thêm vài đầu sách để cùng con soạn ra phương pháp cho riêng mình. Tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng vào các bài văn mẫu, mà các nhà sách đang bày bán. Việc phụ thuộc vào văn mẫu sẽ triệt tiêu sự sáng tạo trong cách làm bài văn của con bạn.
Để học tốt môn tiếng Việt bậc tiểu học, tôi muốn nhấn mạnh thêm việc bố mẹ mua và cho con đọc nhiều sách, nhất là sách văn học. Có như vậy vốn từ của con mới phong phú. Thói quen đọc sách cần được rèn cho con càng sớm càng tốt. Mỗi cuốn sách là cả một kho tri thức mà qua đó, các con thu lượm được nhiều thông tin vô cùng bổ ích. Chỉ có đọc nhiều sách văn học Việt Nam và sách văn học nước ngoài, con bạn mới có được vốn từ phong phú. Đọc sách cũng giúp các con học được cách diễn đạt và sắp xếp các câu văn sao cho phong phú và giàu tính hình tượng.
Bản chất của môn tiếng Việt là giúp các con phát huy được sự bay bổng của tâm hồn thông qua các con chữ, nếu gò ép quá, các con sẽ bị học một cách thụ động dẫn đến nhàm chán và sợ môn làm văn. Dù có thể còn nhiều lỗi chính tả, hay cách diễn đạt chưa được như ý, bố mẹ cứ mạnh dạn để con viết bài làm văn bằng chính những gì mà tâm hồn con cảm nhận được.
Ngay trên địa bàn Hà Nội, TP. HCM hay nhiều tỉnh thành phố đều có rất nhiều trung tâm gia sư cũng như các cô giáo dạy và ôn luyện môn tiếng Việt lớp 5 cho các con và gia đình có nhu cầu cho con học phụ đạo, học nâng cao. Nếu con bạn chưa tìm ra sự hứng khởi trong việc học môn tiếng Việt, hãy giúp con tìm được người thầy thắp lửa đam mê cho cháu. Môn tiếng Việt, thầy cô không chỉ đơn thuần là sự truyền thụ kiến thức. Người thầy cô giỏi chính là người khơi dậy được sự đam mê và truyền được sự cảm hứng cho các con.
Trước khi tìm được người thầy cô như thế, bố mẹ hãy kiên nhẫn đồng hành và truyền cảm hứng cho chính con của mình. Hy vọng một vài chia sẻ của tôi, người cũng đang đồng hành cùng con mình sẽ giúp các bố mẹ có thêm một góc nhìn để cùng con học môn tiếng Việt thật hiệu quả.
VỀ VIỆC HỌC MÔN TIẾNG ANH
Đây chính là các môn nhóm một của học sinh bậc tiểu học. Vậy học tiếng Anh từ khi nào và có cần học thêm tiếng Anh ngoài chương trình hiện có của trường mà con các phụ huynh đang theo học hay không ? Khác với hai môn tiếng Việt và Toán mà tôi đã trình bày là không cần học thêm vẫn đạt kết quả tốt nếu có sự kèm cặp của phụ huynh. Riêng môn tiếng Anh thì nên cho trẻ tiếp xúc càng sớm càng tốt. Có thể cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ năm 4 - 5 tuổi.
Kinh nghiệm việc học tiếng Anh có nhiều điều cần lưu tâm, để tránh trẻ bị nói lẫn, ngọng, nên cho học tiếng Anh từ sớm.
Hiện nay tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Vậy học sinh học tiếng Anh tại Việt Nam có gì mới so với những năm trước? Tôi có tham khảo sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3, xuất bản năm 2018 và nhận thấy sách được trình bày và in ấn khá đẹp và công phu, nội dung cũng được thiết kế phù hợp với học sinh lớp 3. Ngoài sách giáo khoa gồm hai cuốn, một cuốn để học trên lớp, một cuốn làm bài tập, ngoài ra còn có 1 đĩa CD để học sinh luyện nghe nói. Nhà phát hành sách cũng cấp cho mỗi học sinh một ID để học online rất thuận tiện.
Mỗi một tập sách sẽ có 10 Unit và mỗi Unit lại chia nhỏ thành 03 Lesson, cách chia như vậy để học sinh học đến đâu là nắm được bài đến đó.
Cả 2 học kỳ học sinh sẽ được học tổng cộng:
Tổng số tiết học trong một năm học: 140 tiết học.
Với số bài là 10 Unit cho một học kỳ như vậy thì một học sinh có lực học khá trở lên sẽ cảm thấy thừa thời gian. Nhiều bạn mỗi tối chỉ cần bỏ ra có 30 phút để học online thì trong vòng 3 tháng đã học xong 10 Unit rồi. Cho nên việc học tăng cường thêm tiếng Anh là điều cần thiết. Hiện nay giáo trình tiếng Anh phổ biến cho học sinh tiểu học là sách Family and Friends. Bộ này cấu trúc khá hay, nếu học tốt thì các bạn sẽ luyện đủ bốn kỹ năng : nghe, nói, đọc viết. Ngoài ra, bộ sách Superkids cũng là bộ sách phù hợp với học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5, dùng làm tài liệu học thêm để nâng cao kiến thức tiếng Anh. Bộ sách này gồm có 6 level, mỗi level có 3 phiên bản Activity book (sách bài tập), Student Book (sách học sinh) và Teacher book (sách giáo viên).
Trong thời gian qua, một số phụ huynh không muốn con mình ra trung tâm học thì việc gom nhóm, mời giáo viên dạy cũng là một kênh học tập hiệu quả, với điều kiện mỗi lớp không nên quá mười em và các bố mẹ phải kiên nhẫn tổ chức lớp, mời giáo viên thật phù hợp với các con.
Có thể nói, ở bậc tiểu học, lớp 1, 2 có thể coi là giai đoạn làm quen với tiếng Anh và bước vào lớp 3 là giai đoạn chính thức học tiếng Anh một cách bài bản. Giai đoạn này mở đầu, quan trọng nhất là tạo hứng thú cho các con. Nếu các con yêu thích học tiếng Anh thì sẽ tự giác học từ, luyện nói, ôn luyện bài vở. Nếu ngược lại, các con không thích học thì dù bố mẹ có ép đi học thêm ở bất cứ lớp nào hay ở các trung tâm thì các con cũng chỉ đi học vì bị bố mẹ bắt phải học. Nếu như vậy, hiệu quả học sẽ không cao, cá biệt các con dễ chán học tiếng Anh, khi lên các lớp cao hơn ở lớp 4, lớp 5 sẽ dẫn đến hổng kiến thức từ cơ bản, gây chán học. V ì vậy, ở bậc tiểu học, bố mẹ nên đầu tư, quan tâm cho các con học chắc kiến thức tiếng Anh lớp 3, 4, 5 để các con có nền tảng nhất định khi bước vào lớp 6 có thể học tốt và tăng tốc môn tiếng Anh một cách hiệu quả. Với những học sinh có năng khiếu ngôn ngữ, ham mê học tiếng Anh từ bậc tiểu học thì lên lớp 4, lớp 5, bố mẹ nên cho các con làm quen và tham gia các cuộc thi tiếng Anh của lứa tuổi này. Về kinh nghiệm tham gia các cuộc thi tiếng Anh bậc tiểu học, tôi sẽ đề cập chi tiết ở một số bài viết trong Chương 3: “Học tiếng Anh - Đường đến thành công”.