N
gay từ bậc tiểu học, thậm chí từ lớp 1, nhiều học sinh ngoài các giờ học trên lớp đã quá quen với việc học phụ đạo, học thêm. Điều đó khá phố biến ở các thành phố lớn trong cả nước. Cả một xã hội lao vào học thêm dường như tồn tại hàng chục năm qua. Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương đã từng ra nhiều văn bản hướng dẫn về dạy thêm, học thêm cùng với nhiều đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ nhưng thực trạng dạy thêm và học thêm vẫn diễn ra theo nhiều cách khác nhau, khi thì bùng phát mạnh mẽ, khi lại là làn sóng ngầm che mắt cơ quan chức năng.
Một thực tế là, bất cứ cái gì tồn tại đều có lý do của nó, dạy thêm và học thêm một phần cũng xuất phát từ “cung và cầu” của chính xã hội và một phần không nhỏ do bệnh thành tích và sâu xa là từ tư duy trọng bằng cấp của xã hội ta. Thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, các lớp học thêm mở công khai hay lén lút, núp bóng các trung tâm gia sư, trung tâm bồi dưỡng giáo dục chủ yếu vì mục đích kinh doanh là điều dư luận lên án.
Thực tế có những trường phụ huynh buộc phải cho con đi học thêm, dù không muốn là do bị gợi ý, o ép dẫn đến tâm lý sợ con thua bạn kém bè. Tuy nhiên, với những trường hợp học sinh học thêm để bù lỗ hổng kiến thức hoặc học nâng cao để phát huy khả năng bản thân, bố mẹ tự nguyện đi xin các thầy cô dạy phụ đạo cho con mình cũng khá phố biến ở khắp nơi.
V ì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ bàn đến một thực tế, tại sao phụ huynh tự nguyện cho con đi học thêm từ bậc tiểu học với hai nguyên nhân chủ quan và khách quan sau:
1. NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN: SỢ CON KHÔNG HIỂU BÀI
Lứa tuổi học tiểu học, điều thấy rõ nhất ở đa số học sinh, đặc biệt ở các bạn trai là sự mất tập trung khi nghe giảng. Bố mẹ nào có con mới vào lớp 1, lớp 2 chắc thường xuyên gặp phải tình huống con mình thường xuyên mất đồ dùng học tập, quên không làm bài tập về nhà hoặc mải nói chuyện riêng nên chép bài không kịp. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến lực học của các con không đạt kết quả như mong muốn và việc nhiều gia đình lựa chọn gia sư hoặc đưa con mình đến nhà các cô học thêm là điều tất yếu.
Nhiều bố mẹ từng nói rằng, con tôi không cần học thêm, thậm chí cô mà cho bài về nhà là phản đối. Thật ra bài về nhà chỉ là sự ôn luyện lại các kiến thức đã học trên lớp, nếu con bạn tập trung học trên lớp, hiểu bài rồi thì không cần làm bài về nhà. Nếu con nắm vững kiến thức, làm bài đạt yêu cầu thì cô giáo khó có thể tự ý cho điểm thấp mỗi kì kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm được. Nhưng số học sinh ở các trường tiểu học công tiếp thu 100% kiến thức trên lớp, không cần ôn luyện thêm lại ở nhà là rất ít. Hầu hết các bạn nhỏ tuổi mới lên 7 lên 8 thường đa phần mải chơi nên học “học trước quên sau” là chuyện thường. Chính vì hiểu rõ tố chất, thực trạng học hành của con là luôn không nắm vững kiến thức trên lớp nên nhiều bố mẹ tìm lớp học thêm cho con.
Một nguyên nhân chủ quan dẫn đến phụ huynh chủ động, tự nguyện xin cho con học thêm chính các cô giáo chủ nhiệm của con, hoặc học tăng cường ở các lớp học thêm khác cũng xuất phát từ tâm lý sợ con học đuối so với các bạn trong lớp. Nhiều phụ huynh luôn có tâm lý so sánh kết quả học tập của con với các bạn khác trong lớp, trong trường, thâm chí so với các bạn cùng lứa tuổi ở các trường khác dẫn đến bệnh thành tích, tự tạo sức ép cho con phải học thêm nhiều để thành tích thật cao. Nhiều phụ huynh không cho con nghỉ hè, mà tự xin các lớp học thêm cho con học thêm “kỳ 3” chỉ vì tâm lý sợ con kém bè, kém bạn. Việc học thêm cấp tiểu học, vì thế cần được cân nhắc thật kỹ để cân đối thời gian học và nghỉ ngơi của con, tránh tình trạng có những gia đình cô giáo đã nói con học trên lớp ổn rồi nhưng đôi khi vì áp lực tự tạo ra cho mình, bố mẹ vẫn ép con đi học thêm khắp nơi.
2. NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN: TÌNH TRẠNG QUÁ TẢI HỌC SINH
Một nguyên nhân khách quan dẫn đến lỗ hổng kiến thức trên lớp học của học sinh tiểu học luôn tồn tại khiến bố mẹ muốn con đi học thêm là do tình trạng quá tải học sinh đang phổ biến. Quy định chuẩn sĩ số không quá 35 học sinh 1 lớp ở bậc tiểu học dường như không bao giờ thực hiện được ở đa số các trường tiểu học khu vực thành thị.
Đặc biệt, tình trạng quá tải học sinh xảy ra ở các thành phố lớn trong cả nước với tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa cao như Hà Nội, TP. HCM. Từ những năm 2010 trở lại đây, vấn đề tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội và TP. HCM luôn gây sức ép lớn cho ngành giáo dục bởi số lượng dân cư tăng đột biến, nhất là tại các khu chung cư mới mọc ra ngày càng nhiều. Cụ thể, năm học 2018-2019, tại Hà Nội, có 130.000 HS vào lớp 1, tăng 30.000 HS khiến một số quận như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy trường, lớp quá tải. Một số trường áp lực nặng nề về sĩ số, lớp học lên đến hơn 60 em, có lớp 3 em ngồi 1 bàn. Điển hình như tình trạng ở trường tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) có 9 lớp 1 thì trong đó 7 lớp sĩ số trung bình lên đến 69 học sinh.
Tình trạng quá tải tại TP. HCM do mỗi năm thành phố vẫn đón khoảng 70.000 người dân nhập cư, kéo theo lượng học sinh không có hộ khẩu tại thành phố tăng cao, dẫn đến nhiều trường không thể tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học, sĩ số bình quân lớp cao gây áp lực cho chất lượng dạy và học.
Tình trạng quá tải học sinh, thiếu giáo viên, thiếu lớp học khiến cho nhiều trường tiểu học Hà Nội và TP. HCM phải nhồi nhét trên 50 thậm chí trên 60 học sinh một lớp học nhưng thực tế một giáo viên cũng vẫn chỉ có 45 phút cho mỗi tiết giảng dạy, quản lý, dù lớp có 35 hay 69 học sinh.
Trong 45 phút mỗi tiết học trên lớp với sĩ số trường công trung bình trên 50 học sinh, nhiều học sinh trong lớp hiếu động, mất tập trung buộc giáo viên phải xử lý việc nói chuyện, làm việc riêng, nhắc nhở chung thì thời gian thực tế cho việc giảng dạy nội dung chính của môn học, truyền đạt kiến thức thực sự cho học sinh may ra được có 25-30 phút thôi. Ví dụ như với 1 lớp học 69 học sinh của trường tiểu học Thanh Xuân Trung, Hà Nội thì chỉ cần trong một tiết học có 1/3 số học sinh mất trật tự, cô nhắc lần lượt mỗi bạn 1 phút thì đã mất đến hơn 20 phút cho việc chỉnh đốn kỷ luật, thời gian giảng dạy kiến thức bài học còn lại chỉ 25 phút. Mà thực tế, học sinh lớp 1 rất hiếu động, do mới chuyển từ bậc mầm non lên môi trường giáo dục tiểu học nên không thể yêu cầu các em tự giác học, không nói chuyện, không làm việc riêng trong lớp được.
Vậy là thời gian trên lý thuyết để các con hoàn thành môn Toán, tiếng Việt và thời gian thực sự các con tiếp thu kiến thức có sự chênh nhau không hề nhỏ. Đó chính là nguyên nhân khách quan khiến nhiều bạn luôn viết chậm, sai lỗi chính tả, kém môn tiếng Việt, kém môn Toán và dẫn đến chán học. Hệ lụy của việc hổng kiến thức từ trên lớp học đẩy con bạn đến tình trạng ngày càng sợ học, nhất là khi nội dung kiến thức ngày một khó hơn. Trẻ con khi không hiểu bài trên lớp sẽ nản, thậm chí có con sợ điểm kém còn bị trầm cảm học đường ngay từ lớp 1.
Như vậy, với thời lượng trên lớp học không được nhiều, cộng với nguyên nhân sĩ số lớp đông, giáo viên không thể dành 100% thời gian dạy học để chỉ truyền đạt kiến thức chính của các môn học Toán, tiếng Việt theo chương trình bắt buộc của bậc tiểu học nên thực trạng nhiều học sinh hổng kiến thức khá phổ biến.
Hơn ai hết, nếu phụ huynh không hiểu được căn nguyên việc tại sao con không hiểu bài trên lớp, tại sao con sợ học môn Toán, tiếng Việt là một phần do yếu tố khách quan trên thì sẽ không bao giờ tìm được cách khắc phục khó khăn, cùng con vượt lên trong học tập bậc tiểu học. Với một số phụ huynh, họ sẽ tăng thời gian giúp con làm bài tập ở nhà, bù lỗ hổng kiến thức trên lớp. Nhưng, không phải ai cũng có thời gian, sự kiên nhẫn cũng như khả năng truyền đạt, dạy học cho con nên đa phần, phụ huynh hiểu bản chất sự việc, hiểu nguyên nhân khách quan đã tìm đến thầy cô, lập nhóm học thêm, giúp con lấp lỗ hổng kiến thức.
Đó là sự tự nguyện bố trí cho các con học thêm, bù lượng kiến thức trên lớp, do những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Điều này, cần được nhìn nhận thực tế, tránh trình trạng “vơ đũa cả nắm”, đổ lỗi cho việc dạy thêm chỉ là để các thầy cô kiếm thêm thu nhập, dẫn đến cấm dạy thêm học thêm một cách máy móc gây ra nhiều làn sóng học thêm “ngầm” khá bất cập trong thời gian qua.
Có thể nói, ở bậc tiểu học, bố mẹ chính là người sáng suốt lựa chọn việc học thêm cho con mình. Thực tế ở tuổi này, chỉ nên học thêm khi mục tiêu giúp các em học sinh tiếp thu chậm được củng cố thêm kiến thức bị hổng trên lớp, học thêm giúp các em học sinh có tố chất thực sự được bồi dưỡng học nâng cao, phát huy năng lực vượt trội chứ không nên dạy và học thêm tràn lan với hầu hết các học sinh.
Thiết nghĩ, nếu ngành giáo dục giải quyết được bài toán quá tải học sinh trong một lớp học bậc tiểu học, một lớp học sắp xếp chuẩn 35 học sinh thì câu chuyện chất lượng giảng dạy trên lớp sẽ tăng lên, học sinh và phụ huynh đỡ lo phải đi học thêm để bù lỗ hổng. Cộng với việc bố mẹ tự nhìn nhận, cân đối thời gian học của các con bậc tiểu học, giảm áp lực thành tích thì chắc chắc tình trạng tự nguyện học thêm mới giảm.
Tuy nhiên, xem ra những điều đó không thể giải quyết một sớm một chiều, khi hàng năm dân số ở các đô thị vẫn không ngừng tăng, tình trạng quá tải vẫn lặp lại mỗi năm học mới và áp lực học hành cũng không ngừng tăng theo năm tháng.