Thế giới mà chúng ta đang sống là một hệ mô hình hóa của màu sắc, âm thanh hay mùi vị…, tất cả đều hòa quyện vào nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Tuy nhiên, thế giới kỹ thuật số được mở ra trước mắt chúng ta qua những chiếc máy vi tính thì lại hoàn toàn khác: nó là nhị phân,tắt hay bật, có hoặc không. Sự ra đời của những chiếc máy tính cá nhân phù hợp với túi tiền của người dân vào những năm 1970 cùng với sự xuất hiện của mạng Internet vào khoảng những năm 1990 đã bắt đầu hình thành những lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới - ví dụ tiêu biểu là Yahoo, một trang web chuyên mang tới những tin tức nóng hổi được cập nhật liên tục tới từng phút, thông tin và dự báo về thời tiết, cùng dịch vụ thư điện tử miễn phí. Không chỉ thế, nó còn đảo lộn hoàn toàn một số lĩnh vực kinh doanh truyền thống, chẳng hạn như trong ngành công nghiệp âm nhạc, với một tốc độ tăng trưởng tỉ lệ thuận với số lượng máy tính được kết nối vào mạng internet.
Có ba công ty đã bị cuốn vào vòng xoáy của sự thay đổi này là: Apple, Microsoft và Google. Và ba công ty này vốn khác nhau hoàn toàn. Tính đến thời điểm cả ba công ty này bắt đầu tham gia vào trận chiến kỹ thuật số thì một trong số đó là một doanh nghiệp với thời kỳ hoàng kim đang dần chìm vào quá khứ, một bên thì là công ty đang dẫn đầu thế giới về lĩnh vực máy tính và kinh doanh, và một bên nữa mới chỉ chập chững bước ra từ một ý tưởng tuyệt vời của hai chàng sinh viên xuất chúng.
Từ đó, các công ty ấy liên tục tranh đấu kịch liệt với nhau rất nhiều lần để giành quyền kiểm soát từng lĩnh vực một của thế giới kỹ thuật số. Vũ khí của họ là những phần cứng, phần mềm liên tục được cải thiện, cũng như những chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Thứ được đặt lên bàn cân lúc này là danh tiếng của họ, và cũng chính là tương lai của chúng ta. Vậy liệu rằng việc chúng ta sử dụng phần mềm tìm kiếm nào nhiều nhất, hay chúng ta mua nhạc trực tuyến của nhà sản xuất nào, hoặc là công ty nào sẽ sản xuất ra những phần mềm mà chúng ta sử dụng trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng khi chờ tàu hay một cuộc hẹn hò, có thực sự quan trọng đến vậy? Một số người nghĩ là không quan trọng, vì xu hướng phát triển của xã hội dựa trên mong muốn của số đông sẽ đảm bảo cho chúng ta một kết quả phù hợp nhất, dù cho ai là người mang lại kết quả đó. Những người khác lại cho rằng thế giới công nghệ số chính là một mảnh đất màu mỡ với vô vàn các trạm thu phí, và ai kiểm soát được chúng sẽ nắm trong tay quyền lực định hướng tương lai của cả thế giới.
Và có một điều chắc chắn nhất là chỉ cần kiểm soát được một trong số những trạm thu phí đó thôi cũng có nghĩa là bạn đang có được cơ hội ngàn vàng để thu phí sử dụng từ hàng triệu người khác trên toàn thế giới muốn đi qua cánh cổng đó. Và phần thưởng cho người thắng trận trong bất cứ trận chiến công nghệ số nào cũng chính là một khối tài sản kếch xù, và đồng thời cũng là cơ hội sử dụng chính khối tài sản đó để xây thêm một hệ thống các trạm thu phí nữa trên lĩnh vực liên quan mới, hoặc để hất cẳng đối thủ cạnh tranh.
Lần đầu tiên mà cả ba thế lực này nhận ra họ đang cùng chia sẻ một khoảng không gian số là vào năm 1998. Vào thời điểm đó họ vẫn không hề biết về những trận chiến sẽ đến trong tương lai, nhưng chắc chắn chúng sẽ thay đổi cả thế giới.