Cũng như Obama, Jarrett là sản phẩm của nền chính trị kiểu Chicago. Bà ấy từng làm việc cho cỗ máy chính trị của Thị trưởng Daley, và khi phải đối phó với Bill Clinton, Jarrett thích “Phương thức Chicago”. Để Obama vỗ vỗ lưng Clinton và sau đó ông sẽ biết thọc dao vào chỗ nào.
David Plouffe hiểu những lo ngại của Valerie Jarrett về Bill Clinton. Thực tế, ông ấy cũng có chung nhiều lo ngại trong số đó. Nhưng ông ấy cũng thấy rằng Jarrett có “tai trâu” về chính trị và cho Obama ý kiến tư vấn rất vớ vẩn về nhiều vấn đề trước đó - những việc như nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời Solyndra bị phá sản và chuyện ra sức đưa Thế vận hội Olympic tới Chicago. Theo ý kiến của Plouffe, Jarrett thậm chí càng thiếu khả năng khi xử lý chiến lược vận động.
Như Plouffe đã thấy, các nhóm bầu cử mà ông ấy định tập hợp và huy động vào liên minh của Obama cho đợt bầu cử tổng thống năm 2012 - người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, phụ nữ đơn thân, thanh niên, nhân viên chính phủ, những người đồng tính, và các chuyên gia giáo dục - tất cả đều yêu mến Bill Clinton.
“Cựu tổng thống giống như liều thuốc tiên cho liên minh đang hình thành này”, ông ấy nói trong buổi chuyện phiếm tại Nhà Trắng về những ưu điểm khi sử dụng Bill Clinton trong cuộc bầu cử sắp tới.
Là chính trị gia được ngưỡng mộ nhất cả nước (tỷ lệ tán thành cao đến mức kinh ngạc với 69%), Clinton cũng lôi kéo được một cử tri đoàn từng gây rắc rối nhất cho Obama khi thăm dò ý kiến - các cử tri thuộc tầng lớp lao động, da trắng, bảo thủ về văn hóa. Những cử tri được gọi là Dân chủ Clinton này đã từ bỏ Obama trong suốt giai đoạn suy thoái kéo dài, và Plouffe cho rằng Clinton, người nắm giữ một thời kỳ thịnh trị trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, có thể đem họ trở lại với Obama.
Nhưng Plouffe giữ riêng luận điểm đó của mình tới phút cuối cùng. Ông ấy nói mình đã nhận được một báo cáo thông qua hệ thống thông tin mật về chính trị cho biết Bill Clinton đang hối thúc Hillary ra tranh cử với Obama trong năm tới để giành suất đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Tin tức nói rằng Hillary không muốn mạo hiểm ganh đua như vậy với một vị tổng thống đương nhiệm là người cùng đảng với mình, nhưng Bill đã thực hiện một cuộc thăm dò bí mật trong đó các cử tri Dân chủ được hỏi họ thích ai hơn - Hillary Clinton hay Barack Obama. Bill đang nghĩ đến chuyện tiết lộ kết quả cuộc thăm dò, cho thấy rằng Hillary nổi tiếng trong các đảng viên Dân chủ hơn hẳn Obama.
“Chúng ta có thể đánh tan toàn bộ việc này bằng việc giữ khoảng cách nhất định với Clinton”, Plouffe cảnh báo Obama.
Tổng thống sững sờ trước tin Bill Clinton đã tiến hành một cuộc thăm dò bí mật cho thấy Hillary nổi tiếng trong các đảng viên Dân chủ hơn ông. Trong một cuộc trò chuyện sau đó với một người bạn, Jarrett nói rằng phản ứng của Obama thể hiện qua nét mặt ông. Cái bĩu môi rầu rĩ của ông được thay thế bằng vẻ cương quyết không gì lay chuyển được. Dưới sức ép, môi Obama bĩu ra còn cằm ông gục xuống.
Valerie Jarrett có thể đọc được từng động tác giật giật, co rút và run rẩy trên nét mặt Obama, và bà ấy có thể nói rằng Obama đã bị luận điểm của Plouffe thuyết phục.
Thực tế, đến lúc này, Jarrett là người duy nhất trong phòng hoặc cuộc họp trực tuyến vẫn lên tiếng về những e ngại trong việc sử dụng Bill Clinton cho chiến dịch vận động. Jarrett có lựa chọn rất rõ ràng: Hoặc bà ấy có thể tiếp tục tranh luận để phản đối Clinton, như đã hứa với Michelle, hoặc bà ấy có thể tạm hòa và chiến đấu vào một hôm khác.
Bà ấy nhìn đồng hồ và đứng dậy khỏi ghế.
“Khỏi bàn nữa!”, bà ấy nói. “Ta cứ làm thế đi! Cứ hứa hẹn thật hậu với Clinton. Ngài là tổng thống. Ngài không phải đưa gì cho ông ta sau khi ngài được bầu.”
Nói xong, Jarrett bước lại một khung cửa để ngỏ, nơi một nhóm trợ tá của bà đang đợi với những bức điện khẩn từ khắp mọi ngóc ngách của chính phủ gửi về. Bà ấy dừng lại ở ngưỡng cửa một lúc, nhìn lại phía sau, và thấy tổng thống gật đầu. Đó là dấu hiệu cho thấy cuộc họp đã kết thúc. Những thông điệp thăm dò sẽ được gửi cho Bill Clinton. Kế hoạch hậu trường bí mật mà David Plouffe thai nghén sẽ được khởi động.
Có vẻ Plouffe đã giành phần thắng.
Nhưng đó không phải là hướng Jarrett nhìn thấy. Bà ấy không có ý định làm Michelle thất vọng và cho phép tổng thống thực hiện một giao kèo với Bill Clinton. Chừng nào Jarrett còn để tâm đến thì tổng thống sẽ không có nghĩa vụ phải thực hiện một thỏa thuận như thế.
Cũng như Obama, Jarrett là sản phẩm của nền chính trị kiểu Chicago.
Bà ấy từng làm việc cho cỗ máy chính trị của Thị trưởng Daley, và khi phải đối phó với Bill Clinton, Jarrett thích “Phương thức Chicago” - Để Obama vỗ vỗ lưng Clinton và sau đó ông sẽ biết thọc dao vào chỗ nào.
Dẫn đầu đám tùy tùng, Valerie Jarrett khuất dạng vào khu Chái Tây, lên kế hoạch cho động thái tiếp theo của mình.