Michelle ngồi lại với Valerie và, theo Valerie, nắm lấy tay bà ấy rồi thì thầm, “Nhớ bảo đảm Bill Clinton không tiếp cận quá gần Barack và để cho ông ta có quá nhiều ảnh hưởng với Barack. Tôi rất lo ngại Bill và Barack trở thành bạn bè và Bill đưa ra quyết định thay ông ấy”.
Không dễ để Valerie Jarrett gạt bỏ thái độ thù ghét của mình với Bill Clinton. Bà ấy vẫn cay cú những lần công kích sau lưng của Clinton đối với Obama trong lần lựa chọn quyết liệt ứng cử viên trong Đảng Dân chủ năm 2008. Trong chuyện này, như trong rất nhiều chuyện khác, Jarrett thể hiện đúng những cảm xúc của Michelle Obama, người tỏ ra khinh thường nhà Clinton còn hơn cả chồng mình.
Giống như nhiều đệ nhất phu nhân thời hiện đại, Michelle thực thi quyền lực hậu trường rất lớn tại Nhà Trắng. Nhưng bà rất cẩn trọng không để bị nhìn nhận là đang trực tiếp can dự vào quá trình đưa ra các quyết sách chính trị tại khu Chái Tây. Bà đã có bài học từ trải nghiệm cay đắng - phản ứng tiêu cực với nhận xét vụng về của mình, “Lần đầu tiên trong quãng đời trưởng thành của tôi, tôi thật sự tự hào về tổ quốc mình”, và thái độ chỉ trích lan rộng ngay sau kỳ nghỉ tốn kém của bà tại Tây Ban Nha trên danh nghĩa là một chuyến thăm cấp nhà nước. Dưới sự dàn dựng nhà nghề của bộ máy quan hệ công chúng ở khu Chái Tây, không hề có những nhận xét xấc xược từ đệ nhất phu nhân về tổng thống như tình huống kinh điển này của Michelle: “Chúng tôi thực hiện nghi thức vào buổi sáng. Chúng tôi thức dậy, Sasha và Malia muốn thêm mười phút nữa để bọn trẻ có thể mò vào giường tôi nếu bố chúng không ở đó - vì ông ấy rất hay ngáy và có mùi, nên chúng không muốn chui vào giường với bố”.
Nhưng những chuyên gia dàn dựng của Michelle cũng rất cẩn trọng không cản trở bà khi bà tìm cách gây ảnh hưởng lên chồng mình. Nếu muốn ông làm gì đó gây sự chú ý ngay lập tức, Michelle sẽ đề nghị người bạn thân nhất của mình là Valerie Jarrett chuyển tải thông điệp đó.
Một trong những điều chọc tức Michelle nhất là việc Barack dễ bị dao động đến thế nào. Theo một câu chuyện mà Jarrett kể với bạn bè, Michelle than phiền rằng, “Barack bỏ ra cả đống thời gian để quyết định xem đeo cà vạt nào vào buổi sáng hoặc ông ấy muốn món gà hay cá vào bữa tối”. Đến lượt các quyết định chính sách phức tạp, Michelle càu nhàu, “Nhiều lúc Barack rối như canh hẹ và để cho các nhóm mâu thuẫn nhau lôi kéo ông ấy đi theo hướng này rồi lại sang hướng khác”.
Khi Michelle nghe Valerie nói rằng David Plouffe định sử dụng Bill Clinton trong chiến dịch năm 2012, bà nổi đóa. Theo Jarrett, nỗi sợ hãi chính của Michelle là Clinton sẽ có ảnh hưởng nhiều đến ông chồng hay dao động của bà, do đó làm giảm bớt ảnh hưởng của bà và Jarrett đối với ông. Nếu Clinton, với sự nổi tiếng và uy tín của mình, có thể giúp đưa Barack vượt lên đầu trong kỳ bầu cử sắp tới, thì cũng dễ dàng ném Barack khỏi vách đá nếu muốn. Thái độ ngờ vực của Michelle Obama và Valerie Jarrett đối với Bill và Hillary vượt xa những lý do chính trị thuần túy. Nó phản ánh điều gì đó mang tính bản năng hơn - những cảm nhận cá nhân sâu thẳm của những cư dân Mỹ gốc Phi rằng nhà Clinton, như hầu hết người da trắng, đều phân biệt chủng tộc. Michelle và Valerie nhớ rõ, chẳng hạn, câu nói nổi tiếng của Bill Clinton (được Thượng Nghị sĩ Edward M. Kennedy truyền đạt lại), “Vài năm trước, tay này còn mang cà phê cho chúng tôi”.
“Tôi không nghĩ Michelle và Valerie nghĩ gia đình Clinton phân biệt chủng tộc hơn những người da trắng khác”, một trong những người bạn tâm tình gần gũi nhất của Valerie, một người Mỹ gốc Phi, nói. “Nhưng họ nghĩ cả Bill và Hillary đều không có sự nhạy cảm về chủng tộc. Michelle và Valerie sẽ chẳng bao giờ bỏ qua nhận xét của Bill Clinton, sau cuộc bầu chọn ứng viên tổng thống tại South Carolina năm 2008, trong đó ông ấy đã bác bỏ việc Obama trở thành một ứng viên da đen khác giống như Jesse Jackson, người đã thắng lợi tại bang đó năm 1984 và 1988. Và họ không thể tha thứ cho Clinton vì đã nói trên chương trình trò chuyện truyền hình Charlie Rose vào tháng 12 năm 2007 rằng, một phiếu bầu cho Obama là ‘gieo xúc xắc’, và vì đã gọi thành tích phản đối Chiến tranh Iraq của Barack là ‘câu chuyện cổ tích lớn nhất tôi từng thấy’.”
“Một điều Michelle và Valerie không tài nào nuốt trôi được là việc tại lễ tốt nghiệp Đại học Wellesley của mình, Hillary đã công kích người phát biểu mở màn, Edward Brooke, người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ trong thế kỷ XX”, người bạn tâm tình của Jarrett nói tiếp. “Chuyện đó xảy ra hơn bốn mươi năm trước, nhưng vẫn khiến Michelle và Valerie ấm ức. Họ nghĩ rằng những gì Hillary làm là thô lỗ và không cần thiết. Ed Brooke là một nhân vật lịch sử. Ông ấy là một người hùng chiến tranh và một nhà tiên phong da đen, một con người vĩ đại, cho dù ông ấy là đảng viên Cộng hòa. Ông ấy mở ra nhiều cánh cửa. Công kích Ed Brooke chẳng khác gì công kích Rosa Parks hay Martin Luther King. Ông ấy có một ‘chân giá trị ngời ngời’ - cụm từ sau này Bill Clinton đã áp dụng cho Mitt Romney.”
Michelle và Valerie từng phản đối quyết định của Obama trao cương vị Ngoại trưởng cho Hillary, cho rằng Hillary sẽ rất khó, nếu không nói là không thể kiểm soát. Họ không chấp nhận quan điểm cho rằng Barack muốn tạo ra một đội ngũ toàn đối thủ; theo quan điểm của họ, ông không phải là môn đệ của cuốn Nhóm Đối thủ7 của Doris Kearns Goodwin mà đúng hơn là Bố già của Mario Puzo: Barack muốn giữ những người bạn của mình gần gũi nhau, nhưng kẻ thù của ông còn gần hơn nữa. Đúng như họ tiên liệu, Hillary nổi khùng với những hạn chế mà Nhà Trắng áp đặt lên bà và mặc kệ những ý kiến của bà trong Phòng Bầu dục.
7 Team of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln (Nhóm Đối thủ: Thiên tài chính trị của Abraham Lincoln) là cuốn sách năm 2005 của sử gia người Mỹ từng đoạt giải Pulitzer, Doris Kearns Goodwin. Cuốn sách là chân dung của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln và một số người trong nội các của ông từ 1861 đến 1865. Ba thành viên Nội các của ông từng cạnh tranh với Lincoln trong cuộc bầu cử năm 1860: Bộ trưởng Tư pháp Edward Bates, Bộ trưởng Tài chính Salmon P. Chase và Ngoại trưởng William H. Seward. Cuốn sách tập trung vào những nỗ lực thành công nhất của Lincoln nhằm hòa giải các cá nhân và nhóm chính trị mâu thuẫn nhau để tiến tới thắng lợi trong cuộc Nội chiến.
Một số tranh luận của Hillary với tổng thống thực tế biến thành hành động chân tay. Có lần, theo một nguồn gần với Valerie Jarrett, Hillary đã xỉa ngón tay vào ngực Obama để nhấn mạnh. Khi Obama kể lại vụ việc này với Michelle, ông nói rằng mình không thể tin nổi Hillary lại làm thế với Tổng thống Hoa Kỳ. Ông ngạc nhiên hơn là giận dữ với vụ tấn công đầy bốc đồng đó.
“Khá đau”, ông nói.
Michelle, mặt khác, lại không hề ngạc nhiên tí nào, mà nổi giận với thái độ của Hillary.
Không hề quá khi nói rằng Valerie Jarrett và Michelle Obama rất muốn làm cho Bill và Hillary Clinton biến mất.
Chẳng hay ho gì khi cựu Tổng thống Bill Clinton lại nổi tiếng hơn đương kim Tổng thống Barack Obama, và Hillary thường xuyên hất cẳng Michelle trong các cuộc thăm dò dư luận của Gallup về những phụ nữ được ngưỡng mộ nhất trên thế giới.
“Nhà Clinton là một vấn đề mà Valerie và Michelle cứ phải đay đi đay lại tại văn phòng của Valerie ở khu Chái Tây và trên gác trong khu tư gia của gia đình sau khi Barack về nghỉ tối để đọc sách và ký cả chồng tài liệu thường nhật của mình”, một trong những người bạn thân của Jarrett kể trong cuộc phỏng vấn cho cuốn sách này. “Trước cuộc tranh cãi tại Phòng Bầu dục về việc sử dụng Bill Clinton trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống sắp tới, Michelle ngồi lại với Valerie và, theo Valerie, nắm lấy tay bà ấy rồi thì thầm, ‘Nhớ bảo đảm Bill Clinton không tiếp cận quá gần Barack và để cho ông ta có quá nhiều ảnh hưởng với Barack. Tôi rất lo ngại Bill và Barack trở thành bạn bè và Bill đưa ra quyết định thay ông ấy’.”
“Valerie xem lời nài nỉ của Michelle như một mệnh lệnh trực tiếp phải được thực thi”, người này tiếp tục. “Bà ấy hứa với Michelle rằng mình sẽ lưu tâm đến việc này và giữ khoảng cách với Clinton. Bà ấy cũng hứa rằng sau cuộc bầu cử, Bill Clinton sẽ bị tống khứ. Đích thân bà ấy sẽ lưu tâm việc đó.”