“Văn phòng tổng thống cần những chính trị gia giàu kinh nghiệm có khí chất phi thường... Khó có thể có được năng lực đó nếu không có kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực chính trị. Vị trí tổng thống là nơi dành cho những con người làm chính trị. Nhưng không có nghĩa đó là nơi dành cho mọi chính trị gia.”
Đó không phải là nơi dành cho Barack Obama.
Bất chấp vẻ ngoài của Valerie Jarrett - một vóc dáng nhỏ bé, một giọng nói trầm bổng, những bộ quần áo thiết kế riêng đắt tiền, và kiểu tóc tém Audrey Hepburn - bà ấy vẫn làm tốt hơn mong đợi.
Không một ai - không phải David Plouffe, thậm chí không phải Tổng thống Hợp Chúng Quốc - có thể hăm dọa bà ấy. Jarrett chưa bao giờ phải dùng đến một ngụm vodka hay một viên thuốc an thần Clonazepam trước khi tham dự các cuộc họp với tổng thống, giống như một số cộng sự của bà ấy vẫn phải dấm dúi làm.
Sự tự tin siêu đẳng của Jarrett bắt nguồn từ nền tảng riêng của bà ấy. Bà ấy xuất thân từ những gì được Eugene Robinson, cây viết đoạt giải Pulitzer, mô tả là giới tinh hoa “siêu nghiệm” trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Ông nội bà ấy là một nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi có tiếng; cha bà là nhà nghiên cứu bệnh học kiêm chuyên gia di truyền nổi tiếng, người điều hành một bệnh viện ở Shiraz, Iran, nơi Valerie sinh ra và lớn lên; còn mẹ bà là một nhà tâm lý học từng hỗ trợ thành lập Viện Erikson về phát triển trẻ em ở Chicago.
Valerie theo học những trường tốt nhất - Đại học Stanford và Đại học Luật Michigan. Bà kết hôn một thời gian với Tiến sĩ William Robert Jarrett quá cố, con trai cây viết nổi tiếng của tờ Chicago Sun-Times Vernon Jarrett, người đã tìm cho Valerie vị trí phó tham mưu trưởng của Thị trưởng Richard M. Daley. Bà là thành viên của nhiều hội đồng quản lý các thiết chế văn hóa ở Chicago, chẳng hạn Dàn nhạc Giao hưởng Chicago và Viện Nghệ thuật Chicago. Bà hoạt động trong môi trường của tiền bạc, quyền lực, và chính trị.
Một cư dân Chicago từng làm việc với Jarrett nói với tôi, “Lúc trưởng thành, Valerie ít có liên hệ với tầng lớp lao động Mỹ gốc Phi. Lần bà ấy đến gần khu South Side (chủ yếu là người da đen) nhất là lúc lái xe qua đó trong chiếc Mercedes mui trần với phần mui được hạ xuống. Bà ấy chưa bao giờ phải mất nhiều công sức để thành công . Dòng dõi của chính bà ấy đã trao cho bà mọi thứ”.
Đây không phải lần đầu Valerie Jarrett gặp rắc rối với các chiến lược gia chính trị của Obama về lời khuyên cho tổng thống. Thực tế, Jarrett và David Plouffe là hiện thân cho hai mặt khác biệt - và thường không thể dung hòa - trong tính cách của Obama.
Là nhân vật siêu thực dụng trong nhóm Obama, Plouffe lên tiếng vì ứng viên Obama, người mới chập chững bước vào lĩnh vực chính trị tàn bạo ở Chicago và đã tìm cách giành lấy vị trí ứng viên tổng thống năm 2008 từ công nương của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton. Với Ứng viên Obama, môn đệ cũ của nhà tổ chức cộng đồng cấp tiến Saul Alinsky, kết quả biện minh cho phương tiện. Làm bất kỳ việc gì cần để được bầu chọn. Giống như Alinsky, Obama không chút ngần ngại sử dụng mọi thứ có sẵn trong tay để giành chiến thắng trong một trận đấu chính trị. Ông có linh cảm chính trị sắc bén và rất giỏi trong việc khiến mình được chọn.
Valerie Jarrett đại diện cho một khía cạnh khác trong nhóm Obama. Là người phụ nữ giúp đưa Barack và Michelle Obama vào quỹ đạo chính trị từ Chicago đến Washington, Jarrett đóng vai trò bà mẹ bao bọc. Nhờ sự thân cận với tổng thống và đệ nhất phu nhân, bà ấy có ảnh hưởng chưa từng có tiền lệ và đã trở thành, trong mắt một số nhà quan sát chính trị gần gũi, một đồng tổng thống thực sự cùng với Tổng thống Obama - nhân vật phái tả tận tụy tìm cách biến Mỹ thành một nhà nước dân chủ xã hội kiểu châu Âu. Sự gần gũi của bà ấy với cả tổng thống lẫn đệ nhất phu nhân là nguyên nhân gây ra tình trạng đố kỵ và gay gắt trong bộ máy nhân sự Nhà Trắng; thậm chí những người không ghét Jarrett cũng thấy sợ và tìm cách tránh xa bà ấy.
Còn Tổng thống Obama của Jarrett, không như ứng viên Obama của Plouffe, lại xa rời và tách biệt với mọi lo toan thường ngày. Đầu óc ông luôn chìm trong những đám mây ý thức hệ. Ông không nắm bắt được bí quyết giải quyết mọi việc ở Washington: Thỏa hiệp, nhượng bộ, dàn xếp những thỏa thuận.
“Obama thật sự không thích thú gì cuộc chơi”, Lawrence Summers, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính dưới thời Bill Clinton và giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Barack Obama, nhận xét, “Về cơ bản Clinton rất thích đàm phán với các nhóm chính trị gia, về bất kỳ việc gì. Nếu quý vị bảo ông ấy: ‘Lạy Chúa, chúng ta có vấn đề. Chúng ta phải bố trí không gian văn phòng trong Thượng viện. Mong ngài có thể dành chút thời gian nói chuyện với thủ lĩnh nhóm đa số để hình dung xem làm thế nào bố trí được không gian văn phòng trong Thượng viện’, thì Clinton sẽ nghĩ việc đó rất thú vị và là một trò vui. Trong khi với Obama, ông ấy thật sự không thích những người như thế”.
“Tham vấn không hề có trong ADN của chính quyền Obama”, Vernon Jordan, một nhân vật lõi đời có sỏi trong đầu của Đảng Dân chủ, nói với tôi. “Một thời gian trước, trong khi Obama đi nghỉ tại Vineyard của Martha, ông ấy mời tôi tham gia đánh golf tay tư và chơi một trận tại Câu lạc bộ Golf Vineyard ở Edgartown. Tôi đánh cặp với trợ lý của tổng thống, Marvin Nicholson, còn tổng thống chơi với Thị trưởng Michael Bloomberg, lúc đó đang được xem là người có khả năng thay thế Timothy Geithner làm Bộ trưởng Tài chính. Khi ván golf kết thúc, tổng thống lập tức đi ngay. Còn Bloomberg quay sang tôi và nói, ‘Tôi đã chơi golf bốn tiếng với tổng thống và ông ấy không hề đề nghị tôi chuyện quái gì cả’.”
“Chính quyền Obama khá giống chính quyền Jimmy Carter trong việc kín tiếng như vậy”, Vernon Jordan tiếp tục. “Phe Cộng hòa có thể gây khó dễ đến thế nào không thành vấn đề, Obama có trách nhiệm của người lãnh đạo. Tôi lo rằng ông ấy hơi quá đà khi nói rằng đấy đều là lỗi của phe Cộng hòa. Điều đó có thể đúng, nhưng ngài, thưa tổng thống, sẽ làm gì để thuyết phục họ?”
Như tôi đã chỉ ra trong cuốn sách Kẻ nghiệp dư (The Amateur) của mình, Obama không có khả năng về nghệ thuật quản lý và cai trị. Ông ấy không học được gì từ những sai lầm của mình, nhưng cứ lặp lại các chính sách đã làm cho nền kinh tế sa sút và đất nước bớt an toàn. Tóm lại, ông ấy là một kiểu tổng thống lạ đời - người không thu được gì từ những tranh luận của nghề chính trị, nhưng lại cứ đeo bám lấy cuộc sống quá chú ý đến bản thân của một tổng thống.
Sự tách biệt giữa hai ngài Obama này - ngài ứng viên tài giỏi và ngài tổng thống kém cỏi - làm nảy sinh một câu hỏi khó hiểu trong tâm trí của nhiều người: Làm sao một nhà vận động chính trị thành công và tài năng như vậy hóa ra lại không hề có khả năng về nghệ thuật cai trị?
Một câu trả lời cho câu hỏi này được đưa ra từ nhiều năm trước bởi nhà khoa học chính trị Richard E. Neustadt trong nghiên cứu mang tính bước ngoặt năm 1960 của mình, Sức mạnh tổng thống. “Vị trí tổng thống không phải là chỗ cho dân nghiệp dư”, Neustadt viết. “Văn phòng tổng thống cần những chính trị gia giàu kinh nghiệm có khí chất phi thường... Khó có thể có được năng lực đó nếu không có kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực chính trị. Vị trí tổng thống là nơi dành cho những con người làm chính trị. Nhưng không có nghĩa đó là nơi dành cho mọi chính trị gia.”
Đó không phải là nơi dành cho Barack Obama.
Tính nghiệp dư của Barack Obama là bí mật được gìn giữ kém nhất tại Washington.
“Những người đưa ra quyết định ở Nhà Trắng chỉ là một nhóm nhỏ những người trung thành giúp cho Obama được bầu chọn”, một thành viên của nhóm Bàn tròn Kinh doanh6, người thường xuyên phải làm việc với chính quyền, giải thích. “Họ đưa ra quyết định tại Phòng Bầu dục mà chẳng cần bất kỳ thành viên nội các hay lãnh đạo bộ nào có mặt, thậm chí không có cả ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng hay cố vấn an ninh quốc gia. Về mặt hành chính, quy trình đó hạn chế khả năng của tổng thống với tư cách một nhà lãnh đạo có thể làm nhiều hơn hai việc cùng một lúc. Không hề có cơ chế hoàn thiện quy trình từ bên trong sao cho những nhân vật chủ chốt có trách nhiệm thực thi các quyết định chính sách phải biết đến các quyết định này. Kết quả, hết vấn đề này đến vấn đề khác, khi chính quyền Obama nói có ưu tiên, sẽ chẳng có dự luật nào được gửi tới Quốc hội. Động thái bất thường ngay bên trong chính quyền Obama. Trong Nhà Trắng dưới thời Bush, Karl Rove quản lý rất chặt về chính sách. Nhưng không có ai trong chính quyền Obama đủ tài năng hay năng lực làm việc đó.”
6 Bàn tròn Kinh doanh (Business Roundtable - BRT) là nhóm đối thoại gồm CEO của các tập đoàn lớn tại Hoa Kỳ được thành lập với mục đích thúc đẩy chính sách công có lợi cho doanh nghiệp. Nhóm được John Harper, lãnh đạo ALCOA Aluminum, và Fred Borch, CEO của General Electric, thành lập năm 1972 thông qua việc sáp nhập ba tổ chức: March Group, gồm các CEO chuyên nhóm họp không chính thức để xem xét các vấn đề chính sách công; nhóm Bàn tròn Chống lạm phát của người sử dụng xây dựng (Construction Users Anti-Inflation Roundtable), một nhóm chuyên kiểm soát giá cả xây dựng; và Ủy ban nghiên cứu Luật Lao động (Labor Law Study Committee) gồm các nhà quản lý về quan hệ lao động tại các công ty lớn. Hiện BRT được xem là “liên minh thân cận nhất trong cộng đồng kinh doanh” của Tổng thống.
Ở mức độ nào đấy, Obama nhận thức được những khiếm khuyết này của mình. Chẳng hạn, ngay trước lúc dự kiến phát biểu với Bàn tròn Kinh doanh, Jack Lew, khi đó là giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, được hỏi rằng liệu có bất kỳ chủ đề nào các lãnh đạo doanh nghiệp không nên nêu ra với tổng thống không. “Có”, Lew đáp. “Đừng đề cập đến vai trò lãnh đạo. Ông ấy rất nhạy cảm với chuyện bị phê bình rằng ông ấy không thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ.”
Một cách giải thích cho sự thiếu nhất quán giữa hai ngài Obama là rất rõ ràng: Việc vận động và quản trị đòi hỏi những tài năng hoàn toàn khác nhau, và Obama vừa xuất sắc nhưng đồng thời cũng kém cỏi một cách tệ hại. Ông ấy có thể không giỏi cai trị, nhưng theo lời Glenn Thrush của tạp chí Politico, ông ấy “luôn thích thắng một cách tồi tệ còn hơn thua một cách vinh quang”.
Jarrett và Plouffe - những cố vấn có ảnh hưởng nhất của ông - bị cuốn theo hai nửa khác nhau trong tích cách Obama. Công việc của Jarrett là bảo vệ ông trước những điều khó chịu: Bà che chắn cho ông trước những người chỉ trích, ngăn chặn những tiếng nói công kích, và củng cố những câu chuyện huyễn hoặc bản thân về uy quyền tuyệt đối của ông - rằng ông có thể đạt được những việc vượt quá tầm với của những kẻ phàm phu tục tử tầm thường chỉ đơn giản bằng cách mong ước làm được việc đó. Nhiệm vụ của bà ấy là giấu kín sự thật rằng Obama không chỉ là người thiếu kinh nghiệm mà còn cực kỳ non nớt.
“Valerie rất khôn khéo”, một cựu thống đốc thuộc phe Dân chủ của một bang lớn miền Đông nói. “Khi còn là thống đốc, tôi nói chuyện với bà ấy một, hai lần mỗi tuần. Bà ấy rất giỏi trong những vấn đề lớn lao, như liệu tổng thống có nên tranh luận về một khoản tín dụng thuế sản xuất cho ngành công nghiệp điện gió không. Nhưng bà ấy không xuất sắc về chính trị. Bà ấy không giỏi việc giúp tổng thống có những mối quan hệ tốt với các chính khách, thủ lĩnh lao động, và lãnh đạo doanh nghiệp khác. Cũng như tổng thống, Valerie không có nhiều kinh nghiệm điều hành.”
Công việc của David Plouffe lại hoàn toàn khác với Jarrett. Nhiệm vụ của ông ấy là kéo ngài Obama nghiệp dư và ngây ngô trở về với thực tiễn chính trị lạnh lùng, nghiệt ngã và nói cho ứng viên ấy biết sự thật trần trụi.
Vào mùa hè năm 2011, sự thật là các cơ hội thắng cử của Barack Obama không lấy gì làm chắc chắn. Suốt vài tháng qua, ông đã phải chịu hết thất bại này đến thất bại khác.
Trước hết, ông thực hiện những gì mình thừa nhận là một “thảm bại” trong đợt bầu cử giữa kỳ năm 2010. Phe Cộng hòa giành lại Hạ viện, chiếm được sáu mươi ba ghế - sự thay đổi số ghế lớn nhất kể từ đợt bầu cử giữa kỳ năm 1938. Việc này chấm dứt nghị trình cải tiến sâu rộng của Obama, trải nghiệm đó khiến ông đau xót và bối rối.
Obama còn chưa hồi lại sau cú đòn đó thì phe Cộng hòa trong Quốc hội lại giáng cho ông một đòn bẽ bàng nữa trong các cuộc đàm phán về trần nợ, ép ông phải đồng ý nới thêm các khoản cắt giảm thuế từ thời Bush. Để chấm dứt một cuộc nổi loạn ngay trong nhóm mình, Obama nén sự kiêu hãnh lại và mời Bill Clinton cùng dự một cuộc họp báo tại phòng họp Nhà Trắng cũng như bênh vực cho các hành động của tổng thống. Đúng như Obama đoán định, Clinton chơi trội hơn ông. Sau vài phút, Obama phải rời đi để dự một bữa tiệc Giáng sinh, mặc cho Clinton trả lời các câu hỏi của phóng viên suốt hai mươi ba phút không ngừng nghỉ và một lần nữa chứng minh rằng Clinton mới chuyên nghiệp, còn Obama chỉ là nghiệp dư.
Sau màn trình diễn khó xử đó, Obama không cho Clinton vào Nhà Trắng nữa và từ chối làm bất kỳ việc gì với Clinton. Nhưng những vấn đề của ông không dừng lại ở đó. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, hãng Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm của chính phủ liên bang, và quá trình phục hồi kinh tế mà Obama từng hứa hẹn thì vẫn rất xa vời. Tình trạng thất nghiệp vẫn ở trên mức 9%, và ngày càng có nhiều người phải tìm kiếm công ăn việc làm. Theo thăm dò mới nhất của Pew, các cử tri độc lập rời bỏ tổng thống với số lượng lớn, chỉ có 31% nói họ sẽ bỏ phiếu bầu lại cho ông - sụt giảm từ con số 52% cử tri bầu cho ông trong cuộc bầu cử năm 2008. Tệ hơn, tổng số lượng người tán thành với tổng thống giảm xuống mức thấp kỷ lục là 38%, chuyển hướng sang khu vực không thể bầu chọn.
Với chiến lược gia vận động tranh cử David Plouffe, giai đoạn khó khăn này làm nảy sinh những giải pháp quyết liệt, và quan điểm của ông ấy ủng hộ việc sử dụng nhân vật Bill Clinton đáng ghét trong chiến dịch tái tranh cử năm 2012 của Obama lùi bước với một tuyên bố đơn giản: Plouffe muốn chiến thắng hơn là cần căm ghét.
Ông ấy rất trông mong rằng Obama cũng thấy như vậy. Để duy trì quyền lực, Obama sẽ phải làm những gì các chính khách khác từng làm. Ông sẽ phải quyên một số tiền lớn, tìm cách lách các luật tài chính vận động tranh cử, bảo đảm các ủy ban hành động chính trị (PAC) luôn sẵn sàng, phát các chương trình truyền hình mà đôi khi chỉ là những lời dối trá, phát tán thư không hề nói sự thật - và, quan trọng nhất, sử dụng Bill Clinton, người có các chỉ số thăm dò ý kiến trong phe Dân chủ và cử tri độc lập ở mức cao là 60%. Khi mọi việc diễn ra, Obama thậm chí còn tiến xa hơn thế: Trong một chương trình truyền hình thương mại, ông còn cáo buộc Mitt Romney tội giết người.