“Tổng thống yêu cầu tôi làm bất kỳ việc gì cần để thắng trong cuộc bầu cử”, (...), “và Bill Clinton chính là những gì cần đến”.
Barack Obama rất buồn bực. Ông ngồi thừ trên chiếc ghế da to tướng, một đầu gối tì vào mép bàn hội nghị, mặt đầy vẻ tức tối. Suốt nửa tiếng qua, ông lắng nghe với thái độ càng lúc càng bực tức khi hai cố vấn thân cận nhất của ông - David Plouffe và Valerie Jarrett - cứ mải mê tranh cãi quyết liệt về việc làm sao giúp ông thoát khỏi tai họa chính trị.
Khi đó là tháng 8 năm 2011, và chỉ còn chưa đầy mười lăm tháng nữa, Obama sẽ gặp gỡ nhân dân Mỹ nhằm cố gắng vận động cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Kể từ thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt tới nay, mới chỉ có một tổng thống Đảng Dân chủ - Bill Clinton - làm được kỳ tích đó. Và theo Plouffe, người thay chân David Axelrod làm trưởng chiến lược gia chiến dịch vận động của Obama, triển vọng của ngài tổng thống trong điều kiện tốt nhất cũng có vẻ không chắc chắn. Cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Viện Gallup cho thấy Obama ở mức xếp hạng tín nhiệm hằng tháng thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, chỉ có 41% người trưởng thành tán thành những gì ông làm.
Nhân vật Plouffe “gầy thầy đủ thứ” này là một người cực kỳ kiệm lời, một thiên tài về những con số, và một đối thủ đáng gờm. Mặc dù tổng hành dinh tái tranh cử của Obama chính thức đặt cách đó bảy trăm dặm, tại Chicago, nhưng Plouffe lại điều hành toàn bộ chiến dịch từ bên trong khu Chái Tây (West Wing) của Nhà Trắng.
“Chúng ta phải chơi rắn”, Plouffe nói, theo lời một người có tham dự cuộc họp. “Chúng ta phải chôn sống đối thủ Cộng hòa của mình bằng những quảng cáo công kích. Và chúng ta cần một nhân vật có tiếng tăm, một người lính xung kích cho chiến dịch, người kích thích được nhóm nòng cốt và những cử tri độc lập, đồng thời là người đại diện chính cho tổng thống. Theo chủ ý của tôi, người tốt nhất cho công việc đó là Bill Clinton.”
Bình thường, trong các cuộc họp như thế này, không ai nghi ngờ uy quyền của Plouffe. Nhưng khi nhắc đến việc chiêu mộ Bill Clinton tham gia chiến dịch, Plouffe tỏ ra lo lắng một cách khác thường. Ông ấy cứ liên tục nhìn xuống Valerie Jarrett, người ngồi cách đó vài bước.
Đôi mắt của Jarrett rực lên vẻ thách thức.
Trước khi họ tập trung tại cuộc họp bàn chiến lược vận động then chốt này, Plouffe đã gặp riêng Jarrett và hé lộ thông tin cho bà ấy. Ông nói với bà ấy rằng mình có kế hoạch thúc giục Obama tiếp cận Bill Clinton, người bị rất nhiều thành viên trong nhóm nòng cốt của Obama xem thường, và đề nghị vị cựu tổng thống giúp đỡ trong cuộc chiến bầu cử sắp tới.
Đúng như Plouffe dự liệu, đề xuất của ông không được Jarrett tán thành. Thái độ không ưa nhà Clinton, đặc biệt là Bill, của bà ấy dường như là vô hạn. Thay vào đó, Jarrett gợi ý rằng nhân vật xung kích trong chiến dịch này nên là Oprah Winfrey, người có những khả năng thuyết phục thần kỳ, đặc biệt trong giới nữ và những nhóm người thiểu số, vẫn được giới nghiên cứu dư luận quần chúng xem là “Hiệu ứng Oprah”. Jarrett tin rằng Oprah chắc chắn kiên định mục tiêu và dễ điều khiển hơn hẳn Bill Clinton.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, Oprah đã đánh một canh bạc lớn với xếp hạng trên truyền hình của mình bằng việc hy sinh tiếng tăm phi đảng phái của bà và dồn tâm huyết cho Barack Obama. Bà vận động tại những cuộc mít tinh đông đảo và quyên được hàng trăm nghìn đô la cho chiến dịch tranh cử của ông. Và bà được ghi nhận là người có công lôi kéo hơn một triệu lá phiếu.
Đổi lại sự ủng hộ của mình, Oprah được Obama hứa dành cho đặc quyền tiếp cận Nhà Trắng nếu ông thắng cử. Bà sẽ nhận được những bản thông tri thường xuyên về các sáng kiến của chính phủ và được thông báo trước về các chương trình, như thế bà sẽ có nguồn tư liệu giá trị cho công ty truyền hình cáp còn non trẻ của mình là OWN - Oprah Winfrey Network.
“Oprah định sử dụng đặc quyền tiếp cận Nhà Trắng như một phần kênh thời sự của mình”, một nguồn tin thân cận với Oprah trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn sách này nói. “Có những kế hoạch lớn, và một nhóm sẽ được thành lập để đưa ra những đề xuất đôi bên cùng có lợi. Nhưng rồi chẳng có chuyện gì như thế cả. Oprah chỉ gửi những lá thư ngắn và một đại diện tới nói chuyện với Valerie Jarrett, nhưng chẳng đi đến đâu. Dần dần Oprah nhận ra rằng nhà Obama hoàn toàn không có ý định giữ lời và thu nạp bà vào nhóm tin cẩn của họ. Trong lúc giận dữ, Oprah đã cấm đưa tin về nhà Obama trên O, tức Tạp chí Oprah, của mình và người ta đồn rằng bà sẽ đứng ngoài cuộc bầu cử năm 2012.
“Rõ ràng, Oprah tin mình đang bị cự tuyệt ngay khi mới làm việc ở cấp độ với Michelle và Valerie”, nguồn tin này tiếp tục. “Và cũng thấy rõ là Tổng thống Obama không hề can thiệp gì cho Oprah cả. Với Oprah, có vẻ như Michelle ghen với bà, nổi khùng vì chuyện Barack tìm kiếm lời khuyên của bà chứ không phải của bà ấy. Về phần mình, Oprah không thích quan hệ với Michelle, bởi vì đệ nhất phu nhân lúc nào cũng qua mặt tổng thống lẫn bất kỳ ai xung quanh mình. Oprah cảm thấy bị tổn thương, giận dữ và sẽ không bao giờ làm hòa với nhà Obama. Bà biết cách nuôi dưỡng hằn thù.”
David Plouffe nhắc cho Valerie Jarrett nhớ về những cảm giác oán giận giữa Oprah và nhà Obama.
“Oprah đã quay lưng với chúng ta rồi”, ông ấy nói.
“Chớ tin như vậy”, Jarrett đáp lại. “Tổng thống và Michelle đều tin rằng Oprah sẽ ra mặt một khi được đề nghị giúp đỡ.”
Nhưng mọi việc không diễn ra như Jarrett dự đoán. Thay vào đó, Oprah từ chối thẳng thừng. Một tối muộn sau bữa ăn tại khu sinh hoạt gia đình ở Nhà Trắng, Jarrett báo tin xấu cho tổng thống và đệ nhất phu nhân.
“Oprah sẽ không làm cái quái gì cho chúng ta vào năm 2012 hết”, Jarrett nói. “Bà ấy không chịu ra tay. Bà ấy sẽ công khai tuyên bố không vận động cho chúng ta lần này.”
Sững sờ, tổng thống bật ra tiếng cười lo lắng.
Michelle thì không nói được một lời.
Không có Oprah, David Plouffe đành trông đợi Valerie Jarrett xem xét lại thái độ thù địch của bà ấy với Bill Clinton.
Trong vụ này, ông cực kỳ thất vọng. Plouffe còn chưa xong bài trình bày của mình với tổng thống, ra sức quảng cáo cho những ưu điểm của Bill Clinton trong vai trò trưởng đại diện chiến dịch vận động, thì Jarrett đã nói luôn những suy nghĩ của mình.
“Tôi không tin cái tay Clinton đó”, bà ấy nói.“Chẳng có ông ta thì chúng ta vẫn thắng.”
Không khí quanh bàn im lặng một lúc. Mọi người đều nhận ra rằng trong phòng rất nóng. Mặc dù đang là giữa tháng 8, nhưng Obama đã ra lệnh phải tắt hết điều hòa.
“Ông ấy là dân Hawaii, phải không nhỉ?” David Axelrod từng nhận xét. “Ông ấy thích ấm áp. Ở đó quý vị có thể trồng được hoa lan.”
Obama cởi phăng chiếc áo vét Hart Schaffner Marx đặt may riêng và xắn ống tay áo sơ mi lên đến giữa cẳng tay. Ông ghét những cuộc đối đầu hỗn độn, và cái cảnh David Plouffe - vị kiến trúc sư cho chiến thắng bầu cử năm 2008 - cãi vã với Valerie Jarrett - vị cố vấn tin cẩn của ông - khiến Obama bực bội và thấy có trách nhiệm với vẻ mặt sưng sỉa của mình.
Thường khi gặp gỡ các cố vấn của mình, Obama là người nói nhiều nhất. Nhưng lần này thì khác. Ông giữ im lặng, mặc dù động lực ban đầu của ông là về phe với Jarrett. Ông và bà ấy có chung những cảm nhận tiêu cực về Bill Clinton. Trong những cuộc gặp trước kia với các cố vấn, ông vẫn thường để thái độ coi thường Clinton của mình phát tiết ra.
Thái độ thù hằn của Obama với Clinton xuất phát từ vài nguồn cơn. Trước hết, mặc dù ông và Clinton nhất trí về nhiều vấn đề xã hội, chẳng hạn hôn nhân đồng giới và kiểm soát súng, nhưng họ lại thuộc hai phe đối lập nhau về kinh tế trong Đảng Dân chủ - Obama thuộc phe cánh tả, Clinton thuộc phe ôn hòa. Obama tin vào sự tốt đẹp bên trong của đại chính quyền4, và ông không bao giờ tha thứ cho Clinton về bài diễn văn Tình hình Liên bang, trong đó Clinton tuyên bố, “Thời đại của đại chính quyền đã chấm hết”.
4 Đại chính quyền (Big government) là thuật ngữ thường được phe bảo thủ và phe tự do sử dụng để mô tả một chính phủ hoặc khu vực công mà họ coi là quá lớn, tham nhũng và kém hiệu quả, hoặc can thiệp một cách không phù hợp vào những mảng nhất định của chính sách công hay khu vực tư nhân. Thuật ngữ này cũng được dùng cho những chính sách của chính phủ nhằm tìm cách điều chỉnh những vấn đề được xem là thuộc tư nhân hoặc cá nhân, như quyền lựa chọn thực phẩm; hoặc để định nghĩa một chính quyền liên bang tìm cách kiểm soát quyền lực của các thiết chế địa phương. Đại chính quyền về cơ bản được xác định theo quy mô, tính bằng số nhân viên hoặc ngân sách, trong tương quan tuyệt đối hoặc tương đối với nền kinh tế quốc dân. Quy mô của chính quyền cũng có thể được tính theo số lượng “lĩnh vực can thiệp” hoặc vai trò mặc định của chính phủ trong xã hội, chất lượng các dịch vụ (tức là tác động từ nỗ lực của chính quyền), mức độ dân chủ và đại diện xã hội.
Hai người còn đại diện cho những giá trị đạo đức khác hẳn nhau. Clinton là người thực dụng tột bậc: Thắng được nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng, ông ấy đã phát triển một luận thuyết chính trị gọi là “phép đo tam giác”, cho phép ông ấy giữ khoảng cách với các chính sách truyền thống của phe Dân chủ và tiếp nhận một số ý tưởng của các đối thủ phe Cộng hòa, chẳng hạn việc bãi bỏ quy định và một ngân sách cân bằng. Obama, mặt khác, lại cực kỳ tin tưởng vào sự chính trực và phẩm chất của mình đến mức ông thường nghĩ những đối thủ của mình là đám đồi bại và không hề muốn liên quan gì đến họ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Obama không ưa Clinton ở cấp độ cá nhân. Có người nghĩ rằng những điểm chung giữa hai người là nguồn gốc cho ác cảm của Obama, vì những đặc tính mà Obama thấy khó chịu ở Clinton - khuynh hướng lên lớp người khác, việc tin vào số phận, thái độ đề cao tầm quan trọng chính trị của riêng mình - cũng có thể tìm thấy ở chính Obama.
David Plouffe thừa nhận rằng tiếp cận Clinton đầy rẫy nguy hiểm. Clinton đương nhiên sẽ tìm cách đặt ra cái giá rất cao cho việc hợp tác của mình. Thêm nữa, bất kỳ cuộc mặc cả nào mà Nhà Trắng có thể đưa ra với Clinton, một người Dân chủ ôn hòa, chắc chắn đều gây ra phản ứng dữ dội từ những người tự do cực đoan trong nhóm của Obama.
“Nếu chúng ta tiến hành một thỏa thuận như thế”, Plouffe nói, “thì nó phải được giữ bí mật”.
Plouffe không xem đó là vấn đề. Mặc dù Obama đã hứa hẹn về một “chính quyền minh bạch nhất từng có”, nhưng thực tế ông lại điều hành một Nhà Trắng bí ẩn nhất trong lịch sử. Người ngoài - thậm chí cả những thành viên của nhóm báo chí Nhà Trắng - hiếm khi được biết các chi tiết về việc ai nói gì với ai ở Phòng Bầu dục.
“Các Tổng thống Mỹ thường cố gắng kiểm soát hình ảnh họ được khắc họa (hãy nghĩ đến những hạn chế đối với việc khắc họa Franklin D. Roosevelt ngồi trên xe lăn)”, Santiago Lyon, giám đốc phụ trách hình ảnh của hãng Associated Press, nhận xét trên trang đối lập với trang xã luận5 của tờ New York Times.
5 Nguyên văn “an op-ed piece”. “Op-ed” là viết tắt của cụm từ “opposite the editorial page”, chỉ bài viết do các báo, tạp chí xuất bản, thể hiện quan điểm của những tác giả có tiếng nhưng thường không có liên hệ gì với ban biên tập của ấn phẩm. Các bài viết này khác với cả xã luận (editorial) và thư gửi tòa soạn (letters to the editor).
Nhưng các tổng thống trong những thập niên gần đây nhận ra rằng việc cho phép báo chí tiếp cận độc lập các hoạt động của mình là một phần rất cần thiết của khế ước xã hội về niềm tin và sự minh bạch cần có giữa các công dân và những nhà lãnh đạo của họ... Bất chấp những nguyên tắc về sự cởi mở và minh bạch mà ông ấy đã vận động, chính quyền Obama đã rất bài bản tìm cách phớt lờ truyền thông bằng việc công bố bản ghi hình ảnh đã được làm nhẹ bớt về các hoạt động của ông ấy thông qua những bức ảnh và video chính thức, chứ không phải quyền tiếp cận độc lập của báo chí.
“Đây là chính quyền ưa kiểm soát và kín miệng nhất mà tôi từng đưa tin”, David Sanger của tờ New York Times bày tỏ sự tán đồng.
Và phóng viên đưa tin về Nhà Trắng của hãng ABC News là Ann Compton kết luận, “Cái cách những gì tổng thống cung cấp cho báo chí cứ thu hẹp lại... là điều đáng hổ thẹn. Quá trình phát triển chính sách ngày qua ngày của tổng thống... gần như hoàn toàn bưng bít với những phóng viên đang cố gắng thực hiện công việc có trách nhiệm là đưa tin về chuyện đó... Điều này khác hẳn với tất cả các tổng thống tôi từng theo dõi. Nhà Trắng này rất kỳ công giữ miếng với báo chí”.
Kết quả là, một vài rò rỉ trái phép lọt ra từ nội bộ nhóm Obama, trong đó có cả những thành phần kỳ cựu rất trung thành với chiến dịch. Ngoài Jarrett và Plouffe, còn có đối tác làm ăn kiêm bạn cũ của Plouffe, David Axelrod; Jim Messina, cựu giám đốc chiến dịch vận động, người đã tới Chicago cùng Axelrod để chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới; Stephanie Cutter, phó giám đốc chiến dịch với miệng lưỡi rất sắc sảo; Dan Pfeiffer, đặc vụ thông tin liên lạc và một trong số những người thù ghét Clinton công khai nhất trong nhóm; Robert Gibbs, cựu thư ký báo chí; và Pete Rouse, cố vấn cao cấp dày dạn chinh chiến chịu trách nhiệm giữ cho đoàn tàu Nhà Trắng chạy đúng giờ.
Vài người trong số này có tham dự phiên họp chiến lược hôm nay, một số người ngồi dọc bàn, số khác họp trực tuyến. Một trong số đó là Rahm Emanuel, Thị trưởng Chicago, người phục vụ cả chính quyền Clinton lẫn Obama và có vai trò cầu nối giữa nhóm Obama với nhóm Clinton. Theo một nhân vật có mặt trong văn phòng Chicago của Emanuel, trong thời gian họp, khi thị trưởng ngắt máy, ông ấy nện cườm tay vào trán và nói, “Ôi chao!”.
“Các cuộc họp tối Chủ nhật rất bí mật và bất khả xâm phạm”, Richard Wolffe của MSNBC.com viết. “Đây là nhóm chuyên gia cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống, thảo luận chiến lược với thái độ thẳng thắn hoàn toàn, tương tự như Phòng Tình huống ở hầm Chái Tây, hoặc Phòng An ninh tối đa bên trong Lầu Năm Góc vẫn được gọi là ‘nhà hầm’. Không bao giờ có chuyện kẻ thù biết được những gì xảy ra bên trong các phiên họp đó.”
Tuy nhiên, một trong những người tham gia sau này đã mô tả về cuộc tranh luận nảy lửa bùng nổ giữa Plouffe và Jarrett.
“Chúng ta có thể thắng mà không cần Clinton”, Jarrett nhắc lại (theo nguồn tin này). “Clinton là thuốc độc. Ông ta làm xáo trộn kế hoạch, bằng nghị trình riêng của mình, và vẫn cay nghiệt về đợt vận động tranh cử lần trước. Chúng ta có thể thắng mà không cần chịu ơn ông ta.”
Plouffe không chấp nhận thất bại.
“Tổng thống yêu cầu tôi làm bất kỳ việc gì cần để thắng trong cuộc bầu cử”, ông ấy nói, “và Bill Clinton chính là những gì cần đến”.