Valerie Jarrett đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống vợ chồng của nhà Obama. (...) Bà ấy là người thứ ba trong cuộc hôn nhân. Và nhiều lúc, điều đó khiến mọi việc càng thêm phức tạp.
“Một trong những dòng chảy diễn ra gần như không ngắt quãng suốt lịch sử chế độ tổng thống ở Mỹ”, Robert Draper của Tạp chí New York Times nhận xét, “là sự hiện diện tất yếu tại Nhà Trắng của Nhân vật Điều khiển được Ông chủ. Karen Hughes điều khiển George W. Bush.
Bruce Lindsey điều khiển Bill Clinton. Jim Baker điều khiển Bush Cha. Và cứ như vậy cho đến tận sự gần gũi của William Seward với Abraham Lincoln và việc Thomas Jefferson cả đời phải dựa vào ý kiến của James Madison. Mỗi trợ thủ như thế đều phục vụ tổng thống của mình theo cách cho ta thấy tâm lý của ông chủ đó”.
Ảnh hưởng của Valerie Jarrett đối với Obama - và nguồn gốc quyền lực của bà ấy - chỉ có thể hiểu được qua việc kiểm chứng vai trò của bà ấy trong đời sống tình cảm của Obama. Nhờ làm việc với tư cách cố vấn đầy quyền lực và hiểu biết của ông, Jarrett khiến Obama cảm thấy mình được bà bao bọc. Bà chăm chút ông và làm cho ông thấy an toàn. Ông là trách nhiệm đặc biệt của bà, Người được chọn. Bà tập trung sự chú ý vào ông, yêu chiều ông, và cống hiến cả đời mình cho ông. Bà dành cho ông tình yêu thương vô điều kiện mà ông chưa bao giờ nhận được từ mẹ mình, người thường xuyên bỏ bẵng ông khi còn nhỏ.
Một vài cây viết tiểu sử đã chỉ ra rằng khi còn nhỏ, Obama cảm thấy mình phải có được tình yêu thương của mẹ; điều chưa bao giờ là vô điều kiện cả. Ông có được sự chấp thuận của bà nhờ chứng tỏ qua những thành tích của mình rằng ông có số làm điều lớn lao. Thất bại bị xem là một tai họa; nó khiến ông cảm thấy vô giá trị và đáng khinh. Trong cuốn sách Sự táo bạo của niềm hy vọng (The Audacity of Hope), ông đã viết về việc thua cuộc đua giành ghế trong Quốc hội ở khu vực South Side của Chicago vào năm 2000 trước Bobby Rush.
“Không thể không cảm nhận được ở mức độ nào đó nếu cá nhân quý vị bị cả cộng đồng phản đối”, ông viết, và rằng, “mọi nơi quý vị đến, cụm từ ‘kẻ thua cuộc’ lại lóe lên trong tâm trí mọi người”.
Ở Michelle Obama, ông chọn được một người vợ giống như mẹ mình ở nhiều khía cạnh. Ông phải có được sự tán thành của Michelle bằng việc sống đúng theo những tiêu chuẩn đòi hỏi rất cao của bà, và khi ông không đủ khả năng, ông bị chỉ trích, và bị chối bỏ rất lạnh lùng - một sự lặp lại về mặt tâm lý chuyện ông bị mẹ bỏ rơi.
Mặc dù không có gì nghi ngờ chuyện Barack Obama yêu vợ mình, nhưng mối quan hệ của họ đầy căng thẳng. Trước hết, Michelle không bao giờ để ông quên mất rằng chính bà, chứ không phải ông, mới là người hy sinh tất cả trong cuộc hôn nhân, và rằng bà phải điều chỉnh để thích nghi với một cuộc sống không phải là những gì bà hình dung cho mình.
“Cô ấy kiên nhẫn chịu đựng tôi. Rồi lịch trình và những áp lực của tôi nữa. Cô ấy đã làm một công việc vĩ đại như thế”, Obama nói với ngụ ý có lỗi thấy rõ. “Nhưng tôi nghĩ sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng vợ tôi sẽ nói, ‘Này, anh yêu, hôm nay anh thế nào? Để em bóp gáy cho anh nhé’ lúc tôi bước vào cửa. Không có chuyện như thể Michelle suy nghĩ kiểu, Tôi phục vụ chồng mình thế nào đây? Tôi nghĩ còn hơn thế; Chúng tôi là một đội, và làm sao tôi biết chắc rằng con người này đủ ăn ý để quan tâm đến những đứa con gái của ông và không quên trận bóng rổ mình dự kiến tham dự vào Chủ nhật? Cho nên về cơ bản, cô ấy quản lý tôi khá hiệu quả.”
Hồi đầu nhiệm kỳ thứ nhất của Obama, trong khi ông và Michelle ngày càng quen với việc sống trong cái nồi áp suất Nhà Trắng, họ cũng thường xuyên tranh cãi với nhau. Họ có vấn đề lúc đi ngủ và đã thống nhất sử dụng phòng ngủ riêng - một thỏa thuận vẫn tiếp tục đến tận hôm nay. Họ thảo luận những vấn đề của mình với một bác sĩ, nhưng họ từ chối gợi ý dùng thuốc chống suy nhược để giảm bớt căng thẳng và lo lắng.
Trong những tháng đầu ở Nhà Trắng, gia đình Obama đã dành một cuộc phỏng vấn chung cho Jodi Kantor của tờ New York Times. “Rõ ràng cặp vợ chồng dường như hoàn hảo cùng lướt trên sàn khiêu vũ tại bữa tiệc nhậm chức chín tháng trước vẫn đang phải vật lộn với thực tế của việc phải làm tổng thống và đệ nhất phu nhân”, sau này Kantor đã viết như vậy.
Michelle Obama nói bà vẫn hỏi chồng, bất kỳ khi nào thấy chồng ngồi sau bàn làm việc của John F. Kennedy, cách xa vài bước chân, “Anh đang làm gì ở đấy thế? Đứng dậy thôi!”. Khi tôi hỏi làm sao để có được một cuộc hôn nhân bình đẳng khi một người là tổng thống, đệ nhất phu nhân bật ra một tiếng “hừm” rất mạnh, như thể bà thở phào vì cuối cùng cũng có người lên tiếng hỏi, sau đó để chồng mình phải chịu đựng câu trả lời. Ông ấy phải mất đến ba lần đằng hắng. “Đội ngũ nhân viên của tôi lo lắng nhiều về những gì đệ nhất phu nhân nghĩ hơn là những gì tôi nghĩ”, cuối cùng ông ấy nói, trước khi bà giải cứu ông ấy bằng câu trả lời về chuyện những quyết định riêng của họ được đưa ra trên cơ sở bình đẳng như thế nào.
Hầu hết các vấn đề nảy sinh từ thực tế rằng Michelle đánh giá cao bản thân mình và rất biết cách kiểm soát.
“Michelle đối xử với Barack như một ngôi sao kém thế hơn”, một phụ nữ đã có nhiều thời gian ở cùng với họ nói. “Bà ấy luôn bắt nạt ông và tranh công những ý tưởng hay ho nhất của ông, khiến cho Barack phát bực.”
“Michelle liên tục phê bình Barack”, người này tiếp tục. “Khi ông ấy có một quyết định hay nhận xét khiến công luận phê phán, bà ấy lại ném cho ông cái nhìn khinh thường và vùng vằng ra khỏi phòng, mặc kệ ông gọi với theo. Bà ấy không bao giờ tha thứ cho ông vì đã trao vị trí Ngoại trưởng cho Hillary, và bà ấy quy kết mọi điều không hay xảy ra trên thế giới là do sự kém cỏi của Hillary. Michelle không chấp nhận mời Bill và Hillary tới ăn tối trong Nhà Trắng. Bà ấy chẳng muốn liên can gì đến họ.”
“Khi Michelle và Barack xung đột, tất cả mọi người trong Nhà Trắng đều nhận ra và phải rất thận trọng. Khi nổi khùng, Michelle ấy dễ tống cổ những nhân viên làm mình khó chịu. Michelle đã sa thải một người mà bà ấy nói mỗi lần nhìn thấy cô ta lại khiến bà ấy đau đầu. Bà ấy cũng đuổi một người khác chỉ vì thường xuyên nhìn Barack.”
“Michelle bị ám ảnh chuyện ghen tuông vì Barack. Bà ấy nghĩ ông là một người đào hoa giống như JFK, và bà ấy biết rằng những minh tinh màn bạc sẵn sàng ngã vào lòng ông bất cứ khi nào có cơ hội. Michelle giở những trò như xộc thẳng vào các cuộc họp có phụ nữ để xem có bắt gặp Barack đang ở một vị thế khó xử không. Phụ nữ, thậm chí ở cấp độ khá cao, đều biết tốt hơn là chớ có để Michelle có bất kỳ lý do gì nghi ngờ họ đang tìm cách làm thân với ông. Thật đúng là tự sát nếu Barack thể hiện cảm tình với quý vị.”
“Khi Michelle xuất hiện ở khu Chái Tây hoặc Chái Đông, đám nhân viên đều cảnh báo cho bạn bè mình, thông báo rõ bà ấy nhắm đến hành lang nào, để họ có thể lánh sang hướng khác, hoặc chui vào buồng vệ sinh nữ, thậm chí là buồng kho. Lý do là, nếu thấy bạn, bà ấy có thể sẽ nảy ra một nhiệm vụ kỳ quặc, hoặc có thể mắng nhiếc bạn vì không chịu ngồi ở bàn làm việc.”
“Barack ngán ngẩm với cách hành xử của bà ấy tới mức thực tế ông khuyến khích Michelle sử dụng máy bay riêng khi họ đi nghỉ, như thế ông không phải bay cùng bà ấy. Và ông thậm chí còn thuyết phục bà ấy đi nghỉ mà không có ông, và cho phép ông thực hiện những chuyến đi nghỉ chỉ có nam giới với nhau.”
Valerie Jarrett đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống vợ chồng của nhà Obama. Là bạn thân nhất của đệ nhất phu nhân, Jarrett có vị thế riêng để là trung gian hòa giải mối quan hệ giữa Barack và Michelle. Jarrett như một lớp đệm, xoa dịu mọi chuyện và khuyên hai bên làm hòa với nhau.
Đó là một cuộc hôn nhân cần được liên tục củng cố, khi Barack và Michelle xung đột, Valerie chạy đi chạy lại giữa hai bên, truyền đạt các thông điệp.
Bà ấy là người thứ ba trong cuộc hôn nhân. Và nhiều lúc, điều đó khiến cho mọi việc càng thêm phức tạp.
“Có rất nhiều chuyện ngấm ngầm giữa Valerie và Michelle”, một phụ nữ từng làm việc cho Oprah Winfrey và thường xuyên tiếp xúc với cả Valerie lẫn Michelle nói. “Họ không tin tưởng nhau hoàn toàn. Khi Valerie chạy đi chạy lại giữa hai vợ chồng nhà Obama trong các cuộc xung đột thường xuyên của họ, bà ấy không cố xoa dịu những vết thương và mang họ lại gần nhau. Bà ấy thích những lần mâu thuẫn của họ, bởi vì chuyện này mang lại cho bà thêm quyền lực.”
“Valerie và Michelle đều có ‘gián điệp’ trong địa giới của nhau để bảo đảm rằng người này không lừa người kia”, người phụ nữ này kể tiếp. “Họ đều nghi ngờ nhau cho dù họ có sự hợp tác vô cùng gần gũi. Số tiền cược đặt ra đều quá cao.”
“Nhưng Michelle không bao giờ tống khứ được Valerie, cho dù nếu họ có mâu thuẫn rất lớn, bởi vì bà ấy biết quá nhiều bí mật và âm mưu bị che giấu. Oprah nói rằng Barack cực kỳ lanh lợi và thông minh trong việc lợi dụng hai người phụ nữ này để được việc của mình. Đó là một ván cờ, và tất cả ba người đều là những cao thủ.”
Jarrett có những phương pháp nhất định để làm vợ chồng Obama bình tĩnh trước khi tranh chấp của họ trở nên quá tệ hại. Những lần Barack căng thẳng đến mức run bắn lên, Jarrett lại dẫn ông ra Ban công Truman và trò chuyện với ông trong khi ông hút một điếu thuốc. Lại có lần bà ấy ngồi trên giường của Michelle và lắng nghe nỗi đau khổ, nước mắt cùng sự chán chường của đệ nhất phu nhân. Bà ấy giải thích cho Sasha và Malia biết ba mẹ chúng đang gặp áp lực kinh khủng gì.
Jarrett lúc nào cũng mang theo hai thiết bị BlackBerry bên mình, cũng như một chiếc điện thoại di động bà ấy chỉ sử dụng khi gọi cho tổng thống hoặc đệ nhất phu nhân. Khắp Nhà Trắng ai cũng biết đến bà ấy như là “Khách Dạ hành”, bởi vì người ta thường xuyên nhìn thấy bà ấy tiến về khu vực gia đình sau khi trời tối. Ở đó bà ấy ăn tối với vợ chồng Obama cùng các cô con gái họ - vị cố vấn Nhà Trắng duy nhất được hưởng đặc quyền như vậy.
Người ta không thể nói quá về ảnh hưởng của Jarrett đối với gia đình Obama. Bà ấy là người quyết định cho Sasha và Malia vào học Trường Sidwell Friends thay vì một trường công. Bà ấy giúp chọn quần áo cho các cô bé. Suốt bữa tối, bà ấy thoải mái tranh cãi với ba mẹ hai cô bé và nói những câu kiểu như, “Thêm một thìa kem nữa chẳng hại bọn trẻ đâu”.
“Bà ấy thường xuyên ngồi với tổng thống và vợ cho tới khuya và xem xét những công việc cấp bách”, một cựu sĩ quan cần vụ Nhà Trắng từng thảo luận với Jarrett về các buổi tối của bà ấy với gia đình Obama tại khu Tư gia kể. “Valerie và Michelle đều ghi chép trong những buổi như thế. Rất giống các cuộc họp bàn công việc, không phải là những buổi buôn dưa lê của đám đàn bà. Và Valerie không bỏ lỡ cơ hội nào để điểm thêm một vài ý kiến tham vấn ứng biến qua mặt các đối thủ Nhà Trắng của mình.”
“Có vô khối mánh khóe trong Nhà Trắng dưới thời Barack Obama, mọi người đều mong muốn đẩy người khác ra khỏi vị trí của họ, tranh luận những chuyện ngớ ngẩn”, một cựu quan chức cấp cao kể với tôi. “Cuộc chiến này không phải hình thành xung quanh việc nịnh vua và hoàng hậu. Nó nhằm gợi lên ngờ vực trong đầu họ... Trong tất cả chuyện này, Valerie Jarrett vừa là kẻ châm lửa vừa là người dập lửa. Bà ấy có thể vươn những cái vòi bạch tuộc của mình tới mọi ngóc ngách của bộ máy hành pháp. Bà ấy tạo ra những vấn đề để có thể nói với tổng thống và đệ nhất phu nhân, ‘Tôi sẽ làm gì đó cho hai người; Tôi sẽ mạo hiểm mọi thứ để chứng tỏ mình đáng giá như thế nào’.”
Còn một khía cạnh nữa trong quan hệ giữa Barack Obama và Valerie Jarrett. Đó là ông cảm thấy rất lệ thuộc vào bà ấy, ông tin mình không thể xoay xở được nếu thiếu bà ấy. Thực tế, ông sẵn sàng thừa nhận rằng mình không quyết định được chuyện gì cả - dù là chính sách thuế hay người ông cần gặp gỡ trong một chuyến công du nước ngoài - nếu như việc đó không được Jarrett ưng thuận trước.
Sự lệ thuộc đó thường mang lại cảm giác bất lực và dễ bị tổn thương ở người nghèo khó, quý vị sẽ thắc mắc liệu mối quan hệ của Obama với Jarrett có không phức tạp và hai chiều hơn bề ngoài không. Dù thế nào, cách hành xử lệ thuộc của Obama dường như khác hẳn với cá tính tự phụ lẫn kiêu kỳ của ông và dẫn tới kết luận rằng, bất chấp vẻ bề ngoài, Obama rất khó chịu, giống như nhiều chính trị gia khác, vì thiếu tự tin.
Bởi thái độ nghi ngờ chính mình này, Obama rất mong manh và dễ tự ái. Ông dễ tổn thương. Ông hiểu mọi phê phán đều là công khai làm nhục. Và điều này, đến lượt nó, lại khiến ông dùng dằng khi tham gia cuộc chơi cho và nhận của chính trị, nơi ông có thể bị bóc trần, phơi bày trước đối thủ, và rồi lại bị bỏ mặc với cảm giác mình giống một đứa trẻ bất lực một lần nữa.